Quỷ Tam Quốc [bản dịch]
-
Chương 156
Mặc dù Phỉ Tiềm suy đoán Lưu Biểu có khả năng cao sẽ phái Y Tịch đến, nhưng hắn cũng không muốn chỉ ngồi ôm cây đợi thỏ, do đó vừa đuổi Lưu Bàn xong lập tức khởi hành.
Tối hôm đó Phỉ Tiềm cố ý sắp xếp loại rào chắn kị binh hoành tráng nhất có thể, Hoàng Trung cũng hiểu được tâm tư hắn, ra lệnh cho lính tư nhân thể hiện sức mạnh cá nhân, làm đám lính Kinh Châu tâm phục khẩu phục.
Tục ngữ có câu, “văn không ai đứng nhất, võ không ai đứng nhì”. Người theo nghề văn, võ thường thích độc tôn, không chịu nhận ai ngang mình. Nên đa số võ tướng quan văn đều không phục nhau.
Nhà phê bình văn học đầu tiên của Trung Quốc, Ngụy Văn Đế Tào Phi đã từng nhắc về việc Văn nhân tương khinh (người học văn hay khinh thường nhau). Ngươi cho rằng như vầy, ta lại nghĩ thế khác. Vẫn câu chuyện muôn thuở, gà con có trước hay trứng có trước mà cãi nhau chí chóe, không ai chịu nhường ai.
Quan văn phong nhã có học thức đã như thế, giới võ thuật còn khốc liệt hơn. Nhất là trong quân đội, họ chỉ quan tâm đến việc nắm tay ai cứng thì kẻ đó có tiếng nói, hễ không vừa lòng là rút đao ra nói chuyện.
Đêm hôm đó một mình Hoàng Trung tổ chức thi đấu, dễ dàng hạ gục tất cả đội trưởng và chỉ huy trưởng, hầu như không một ai chịu được quá vài phút. Vì thế sáng hôm nay tất cả quân Kinh Châu đều cực kì nghe lệnh Hoàng Trung, không dám tỏ bất cứ thái độ chống đối nào.
Thời nhà Hán là thời đại bắt đầu của kỷ nguyên vũ khí lạnh, có một tướng quân võ nghệ cao cường đứng ra thống lĩnh, tỷ lệ sống sót sẽ cao hơn rất nhiều, hy vọng kiếm được công lao cũng tốt hơn phe khác. Cho nên chỉ cần đầu óc tên lính nào không có vấn đề, đều sẽ thích tướng quân nhà mình có thể chém đầu kẻ địch như lấy đồ trong túi.
Thế là Phỉ Tiềm giao hổ phù cho Hoàng Trung rồi để hắn tự quyết, bản thân không hỏi tới nữa. Dưới chiến thuật bàn tay sắt của Hoàng Trung, toàn bộ đội ngũ đều nâng cao hiệu suất, cảm giác phối hợp ăn ý nhau hơn.
Hoàng Trung chia tám trăm binh sĩ làm bốn tổ, còn Hoàng Thành và một trăm lính tư nhân đứng ở vị trí trung tâm. Ngoài ra lần này không chỉ có hai trăm người theo Lưu Bàn đảm nhận việc mở đường, mà sẽ thay phiên nhau đảm nhiệm. Cứ cách mỗi đoạn thời gian cố định, Hoàng Trung sẽ để quân tiên phong dừng lại nghỉ ngơi, chờ quân đội phía sau bắt kịp, sau đó tuyển chọn ngẫu nhiên để thay thế.
Mặc dù nghe có vẻ phiền phức hơn, nhưng vào thời điểm mặt trời lặn, sự khác biệt bắt đầu xuất hiện. Hôm qua hai trăm người kia đi mở đường mệt đến phờ cả râu, làm cho tiến độ hành quân bị chậm đi rất nhiều, nhưng hôm nay đến lúc dựng lều vải, các binh sĩ đều chưa có dấu hiệu làm việc quá sức.
Phỉ Tiềm đoán Hoàng Trung chấp nhận hành động phiền phức như thế, một là để các binh sĩ quen dần với cách huấn luyện của mình, hai là người ít nên có thay đổi cách quản lý cũng không mất bao nhiêu thời gian. Hắn còn ác ý nghĩ rằng Hoàng Trung định nhân cơ hội này để test thử một số sáng kiến của mình, nhằm tăng điểm kinh nghiệm thống soái.
Ánh chiều tà dần tắt trên những rặng cây, đoàn sứ giả cũng đã hạ trại xong xuôi. Lần này bọn họ cắm trại ở một mảnh đất hoang do không kịp chạy tới dịch trạm đằng trước. Ở trong mắt Phỉ Tiềm, Hoàng Trung cũng gần ngàn binh sĩ đã hoàn thiện được phần cơ bản, chỉ có khuyết điểm là trang bị chưa đủ mà thôi.
Hắn nhớ lại mục [Hổ Thao] bên trong [Lục Thao] đã hướng dẫn quân đội cắm trại ở đất trống phải bố trí phòng thủ ra sao. Sách có nói: Cắm trại ở đường hẹp có lối mòn nhỏ, đất hơi lún xuống, dùng sắt thép gia cố phòng thủ…Sống trong rừng hoang vắng, cần đề phòng thú dữ, xây lều bằng gỗ, dùng gai sắt để bao quanh trại, ưu tiên cho binh sĩ dùng giáo và vũ khí dài…Tướng quân cần cho người thăm dò bãi cỏ, sau đó sắp đặt ám khí...
Tóm lại Hổ Thao ám chỉ có cắm trại thì nhớ đào thêm nhiều bẫy, dùng chông sắt và gỗ làm vật cản kị binh, lại cho người đi đến các bãi cỏ để âm thầm rải đinh, hoặc chôn vài cọc nhọn có khả năng đâm xuyên qua ngực. Xem ra người cổ đại cũng thâm hiểm lắm nha!
Về phần ban đêm có tên xui xẻo nào đạp trúng bẫy hay không, Phỉ Tiềm lắc đầu không quan tâm. Ở thời Hán, chỉ cần màn đêm buông xuống, từ quan tới dân đều chui hết vào nhà ngủ, người đang đi đường cũng cố tìm chỗ cắm trại, chẳng ai rỗi hơi thức tới nửa đêm cả. Nếu có trường hợp thức khuya, một là trộm, hai là giặc cướp.
Doanh trại vừa được xây dựng không lâu, trời cũng chưa hoàn toàn tối hẳn, Y Tịch sau một thời gian phi nước đại cuối cùng cũng đuổi kịp.
Để mau chóng gặp được Phỉ Tiềm, Y Tịch ném luôn cả xe ngựa Lưu Biểu cấp cho, trên đường quất ngựa chạy thục mạng, đến dịch trạm cũng không ngồi ăn mà chỉ yêu cầu đổi ngựa. Khi hắn nhìn thấy Phỉ Tiềm, toàn thân đã mệt mỏi không chịu nổi, nhưng trên yên ngựa có lót da nên hai chân vẫn ổn. Chỉ có điều vừa mới xuống ngựa đã cảm thấy xây xẩm mặt mày, trực tiếp ngã lăn ra đất. Những hộ vệ bên cạnh Y Tịch thê thảm hơn nhiều, có người bị rách da cả hai đùi, vết máu loang lổ trông cực kì đáng thương.
Phỉ Tiềm vội vàng sai người dẫn toàn bộ hộ vệ đi băng bó, còn hắn tự mình khiêng Y Tịch vào trong lều vải. Đợi Y Tịch lấy lại hơi thở, sau đó nghỉ ngơi rửa mặt một phen, mới chậm rãi thay quần áo rồi ăn chút đồ ăn khuya, tinh thần mới sáng sủa như ban đầu.
Nói gì thì Y Tịch cũng là mối quan hệ khá thân thiết của Phỉ Tiềm lúc ở Tương Dương, lại cũng là quan văn nên hắn để Y Tịch ngủ cùng lều với mình, dù sao trong lều chỉ có ba người, có thêm Y Tịch cũng vẫn vô cùng rộng rãi.
Phỉ Tiềm vừa trải nệm rơm và lót vải, vừa cởi nón trên đầu ra, mới cười nói:
“Bá Cơ vất vả rồi. Ta đã đoán được Lưu thứ sử sẽ phái ngươi đi, nhưng ngươi có cần phải chạy nhanh như vậy không? Chú ý sức khỏe một chút chứ?”
“Hà hà, ta vì việc công, đâu có so đo được chút tiểu tiết. À đúng rồi, đây là thư của thứ sử gửi cho Tử Uyên.”
Y Tịch lấy một lá thư trong ngực áo rồi đưa cho Phỉ Tiềm. Hắn cầm lấy đọc nhanh như gió, quả nhiên không ngoài dự đoán, Lưu Biểu căn bản chẳng hề nhắc gì đến Lưu Bàn, chỉ bảo lần đi sứ này vô cùng quan trọng nên để Y Tịch tới hỗ trợ hi vọng hai người có thể đồng tâm hiệp lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Một khi Lưu Biểu không nói, vậy tức là Lưu Biểu không hề xử lý Lưu Bàn, mấy câu phối hợp gì đó chẳng qua là Lưu Biểu đang tỏ vẻ bất mãn với hành động của mình mà thôi.
Nhưng anh đây không quan tâm nhé! Lưu Biểu ngươi có hài lòng hay không liên quan gì đến ta? Dù sao mục đích cũng đã đạt được, Phỉ Tiềm chẳng hề so đo, lập tức mang ấn ngọc và dây đeo của phó sứ đưa cho Y Tịch. Xem như một phần nhiệm vụ đã hoàn thành nên Y Tịch trở nên thoải mái hơn. Phỉ Tiềm lại nói:
“Lần này không ngờ lại được đồng hành cùng Bá Cơ, thật lòng Tiềm vô cùng vui mừng. Cứ xem như đây là cơ hội để Tiềm và Bá Cơ du ngoạn một đoạn đường với nhau nhé. Lần này Bá Cơ đến đây, chẳng hay Lưu công có dặn dò gì không?”
Y Tịch đang sắp xếp đồ đạc, chợt khựng lại một giây rồi trả lời:
“Nào nào, Tử Uyên cũng đọc thư rồi đó, Lưu thứ sử cũng nói hết trong đó rồi. Ta cũng nghe theo sắp xếp mà thôi.”
Phỉ Tiềm cười, không tiếp tục hỏi thêm mà bảo:
“Vậy được rồi. Ta thấy trời cũng tối, mà Bá Cơ đi đường vất vả, chẳng bằng chúng ta nghỉ ngơi sớm. Ngày mai thức dậy ta sẽ tâm sự với Bá Cơ một phen.”
Mặc dù Y Tịch chẳng có biểu hiện gì đặc biệt, nhưng Phỉ Tiềm cũng có thể từ đó suy đoán ra ít nhất hai tin tức quan trọng…
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook