Lần trước Phỉ Tiềm từ Lạc Dương đến Tương Dương, cả bạn đồng hành lẫn xe ngựa đều ít, cho nên hắn cũng không có nhiều cảm giác hành quân. Nhưng lần này lại khác hoàn toàn, đội ngũ hộ tống hắn lên đến gần ngàn người.

Nhìn số lượng binh sĩ nhiều như vậy, Phỉ Tiềm bắt đầu tính toán, hiện giờ mới gần ngàn người đã có quy mô lớn như thế, vậy những cuộc chiến lớn như chiến dịch Quan Độ, Xích Bích thì sao? Tào Tháo thời điểm đó vỗ ngực xưng mình có hơn tám trăm ngàn chiến binh khát máu sẵn sàng xuôi nam đạp phẳng Giang Đông, khí thế ấy hẳn vô cùng kinh thiên động địa.

Hèn gì khi đó vừa nghe tin từ Lạc Dương truyền đến, tất cả bộ sậu Giang Đông đều bị dọa cho cuống cuồng cả lên. Mặc dù con số này được Tào A Man thổi phồng, nhưng nhiêu đó cũng đủ nói lên một điều, người càng nhiều, quy mô càng khủng khiếp.

Huống hồ ở thời cổ đại có rất ít người giỏi toán, thật sự trinh sát chỉ cần đếm được doanh trại quân đội có bao nhiêu cờ xí là được rồi, làm phép thống kê sẽ biết ngay lúc đó Tào Tháo thật ra có bao nhiêu binh lực. Cho nên khi tham dự chiến tranh có số người lên đến hàng chục ngàn, phe đối thủ có mạnh miệng chém gió cũng chẳng ai phát hiện.

Bàn về việc hành quân của người cổ đại, nếu như không phải tình huống đặc biệt, sẽ không cần dùng loại binh chủng chuyên hành động cấp tốc như của Hạ Hầu Uyên. Trong hầu hết tình huống bình thường, tốc độ tiêu chuẩn hành quân không dựa theo đội ngũ nhanh nhất mà lại dựa theo đội ngũ chậm nhất.

Mà nói về đội ngũ hành quân chậm nhất, không ai qua được đội hậu cần. Kể từ đây Phỉ Tiềm dần nhận ra, vì lí do gì trong các cuộc chiến thời cổ, có đôi khi hai bên tướng lĩnh đều biết rõ cục diện, chỉ cần vài ngày liền có thể xác định thắng lợi, nhưng lúc nào cũng dễ bị mất thời gian dẫn đến đối phương lật bàn cờ. Nguyên nhân cũng là do tốc độ hành quân được quyết định bởi trâu và ngựa.

Không phải các tướng quân không có cách giảm bớt tải trọng cho binh lính, nhưng nếu quân đội tăng tốc, đồng nghĩa với việc phải vứt bỏ hậu cần, những trang bị hạng nặng, vừa giảm chiến lực vừa mang ý nghĩa không có lương thực vũ khí bổ sung bên cạnh.

Kể cả kỵ binh hạng nhẹ, điển hình là đế chế Mông Cổ, một người lính có thể sở hữu đến vài thớt ngựa tốt, nhưng ngựa dự bị cũng không đủ để lặn lội đường xa. Nếu ngựa chiến thiếu nghỉ ngơi, thể lực sẽ bị giảm sút. Khi chiến tranh bắt đầu, mỗi người lính thường chỉ có vài cơ hội, nếu chiến thắng có thể nhàn hạ đợi đội sau tiến lên tiếp tế, nhưng nếu thất bại, thường thường đều là thảm bại.

Vì thế trừ trường hợp bất đắc dĩ, thống lĩnh sẽ không bao giờ chịu bỏ lại hậu cần.

Trước kia Phỉ Tiềm còn tin tưởng trên đời có ngựa ngàn dặm, hành quân thần tốc một ngày trăm dặm. Kết quả bây giờ đối chiếu với thực tế, toàn bộ đều là chém gió. Ngay cả Xích Thố chạy liên tục một ngày cũng chạy không nổi, chứ đừng nói phải toàn lực xung phong hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Đây là ngựa, không phải Ducati, Benelli hay Kawasaki có được không?

Những chiến tích như đập nồi dìm thuyền của Hạng Vũ vì sao lại được ghi chép lại? Bởi vì các chiến đấu này quá hiếm gặp. Ngoại trừ vài kẻ thành công, hầu hết các tướng quân trong lịch sử lập kế hoạch vứt bỏ hậu cần đều trở thành chó nhà có tang.

Bởi vậy đội hậu cần lúc nào cũng nằm ở vị trí trung tâm của đội ngũ hành quân, cũng tức là nằm trong vòng bảo hộ của toàn thể quân đội có mặt. Nếu không gặp phải địa hình chật hẹp như hẻm núi, đa số tình huống tướng lĩnh sẽ bố trí hai nhánh kỵ binh hạng nhẹ ở hai cánh, liên tục đảo quanh để kiểm tra bốn phía. Bên cạnh đó, việc phá hủy hậu cần đối thủ luôn sẽ là một bước ngoặt của cuộc chiến.

Trong cơ cấu quân đội thời Hán, năm người tạo thành một đội, hai đội tạo thành một tiểu đội, và năm tiểu đội tạo thành một đội. Vì vậy, Hoàng Thành và những lính tư nhân nhà họ Hoàng đều được phân công làm đội trưởng và chỉ huy tiểu đội. Ba người dư ra được phân công đến chỗ Hoàng Trung làm lính trinh sát, chỉ huy trung quân.

Đội ngũ quân tiên phong à, vị trí nóng phỏng tay này Phỉ Tiềm giao hẳn cho Lưu Bàn đi làm. Hắn âm thầm suy đoán, Lưu Biểu sở dĩ phái Lưu Bàn đến có phải để giám sát mình hay không? Đã như vậy, Phỉ Tiềm liền quyết đoán hạ lệnh Lưu Bàn dẫn hai trăm binh sĩ đi về phía trước mở đường. Dù sao không thể tránh khỏi, chi bằng tận dụng Lưu Bàn hết mức có thể.

Phỉ Tiềm lại nhìn quanh, vô tình thấy Hoàng Trung đang thúc ngựa đến gần xe mình, bèn gọi Hoàng Trung lại:

“Hán Thăng!”

Hoàng Trung ghìm cương ngựa rồi hành lễ với Phỉ Tiềm:

“Có tại hạ, Phỉ biệt giá có gì phân phó?”

“Ta nhớ đi tới trước mặt khoảng 5km có một dịch trạm, hiện giờ trời cũng đã muộn, hay chúng ta cắm trại ở đó nhé?”

Hoàng Trung ngẩng đầu nhìn sắc trời, cũng nhẹ gật đầu bảo:

“Đã hiểu, để tại hạ đi sắp xếp!”

Nói dứt lời liền thúc ngựa đi truyền lệnh. Phỉ Tiềm nhìn theo bóng lưng của Hoàng Trung, có chút tiếc nuối nhẹ nhàng thở dài. Cả hai đã đi cùng nhau một quãng đường, nhưng Hoàng Trung chẳng hề muốn gọi tên tự của mình, hễ mở miệng là một tiếng Phỉ biệt giá, hai tiếng Phỉ biệt giá, nghe cực kì xa cách.

Ừ thì gọi như vậy cũng đúng, người thời Hán đã quen gọi nhau bằng chức quan, chứ không để ý người đó còn tại chức hay đã thôi việc, giống Lưu Bị thời kì đầu chạy tới đâu cũng được người ta gọi là Lưu Bình Nguyên, cũng không có nói Lưu Bị không ở Bình Nguyên đảm nhiệm chức quan nên không thể kêu. Nhưng cách Hoàng Trung xưng hô làm Phỉ Tiềm cảm nhận được ẩn ý xa cách bên trong. Làm gì có ai thân thiết với nhau, không gọi tên tự lại đi gọi chức quan?

Trước đó Phỉ Tiềm nhìn thấy Hoàng Trung nguyện ý đồng hành cùng mình còn mừng thầm, cho rằng sức hút của mình bắt đầu xuất hiện. Kết quả ba chữ Phỉ biệt giá làm Phỉ Tiềm tỉnh mộng. Quả nhiên lý tưởng rất tươi đẹp, hiện thực lại tàn nhẫn.

Nếu không phải hắn cho Hoàng Trung hi vọng chữa bệnh cho con, có lẽ Hoàng Trung thật sự không hề muốn theo hắn đi sứ. Nhưng thôi, thành công một nửa cũng tính là thành công, đã có cơ hội ở gần nhau, từ từ rồi gạo cũng sẽ nấu thành cơm…

Từ Tương Dương đi thẳng theo hướng bắc sẽ đụng Nam Dương. Phỉ Tiềm suy nghĩ mình nên gặp Viên Thuật đầu tiên, sau đó mới đến Toan Tảo tìm Viên Thiệu. Có lẽ quý anh Tào Tháo cũng đang ngồi chơi xơi nước ở bên đó, mình cũng nên tranh thủ chào hỏi tăng tình cảm với sư huynh. Chẳng biết ba anh em cây khế Lưu Quan Trương có tới không nhỉ?

Về các thế lực khác, Phỉ Tiềm tỏ vẻ anh đây không thèm quan tâm nhân vật phụ. Dù sao hắn cũng đọc qua Tam Quốc Diễn Nghĩa, tuy tác phẩm văn học này nổ tung trời nhưng những sự kiện chính vẫn bám sát lịch sử. Sau khi chiến dịch đánh Đổng Trác kết thúc, chỉ còn ba nhà Tào Tôn Lưu đứng trên đỉnh cao danh vọng. Hiện tại các chư hầu khác trông có vẻ oách lắm, kết quả có tiếng không có miếng, đều bị ba nhà kia thâu tóm hoặc tiêu diệt.

À, nhắc tới Tam Quóc Diễn Nghĩa mới nhớ, trong ba anh em Lưu Quan Trương, kẻ được khắc họa rõ nét nhất, biểu tượng của lòng trung thành chính là Quan Vũ Quan Vân Trường, lúc còn sống được tôn làm chiến thần, khi chết lại được thắp nhang cúng bái thành thần tài.

Kẻ còn lại tuy không được nhắc nhiều nhưng tài hoa không kém, chính là Trương Phi Trương Dực Đức, ngồi trên ngựa cầm bát xà mâu lấy đầu tướng lĩnh như đồ trong túi, xuống ngựa có thể cầm bút vẽ tranh và viết thư pháp cực giỏi.

Phỉ Tiềm nghĩ đến đây, tâm trạng có chút kích động, cơ mà trước đó hắn phải làm một việc đã…

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương