Cơn bệnh của Marianne không kéo dài nên cô hồi phục nhanh. Với tuổi trẻ, sức mạnh thiên nhiên và sự hiện diện của bà mẹ, cô khá lên từng ngày, và bốn ngày sau khi bà mẹ đến, cô được dẫn ra phòng gia đình. Khi ngồi ở đây, bồn chồn muốn cảm tạ Đại tá Brandon vì đã đón mẹ mình đến, cô yêu cầu cho mời ông đến thăm.

Khi ông bước vào phòng, nhìn thấy dung mạo thay đổi và đón nhận bàn tay xanh xao của cô, ông xúc động mạnh như thể – theo ức đoán của Elinor – phát xuất từ điều gì đấy hơn là ý tình của ông dành cho Marianne. Chẳng bao lâu, qua đôi mắt u uẩn và sắc da thay đổi khi ông nhìn cô em, cô chị nhận ra nhiều cảnh ngộ đau khổ trong quá khứ quay về trong tâm thức ông; vì lý do nét hao hao giống nhau giữa Marianne và Eliza, bây giờ càng giống hơn do đôi mắt thâm quầng, mầu da bệnh hoạn, tư thế ngồi mỏi mệt, và thái độ biết ơn ông nồng nàn đối với nghĩa vụ khác thường.

Bà Daswood cũng quan sát chăm chú không kém con gái, nhưng qua tâm tư hoàn toàn khác, vì thế hiệu quả khác hẳn. Bà không thấy gì nơi ông Đại tá ngoại trừ nỗi xúc động giản đơn và hiển hiện nhất, trong khi qua cử chỉ và ngôn từ của Marianne bà tin rằng có cái gì đấy khác hơn lòng tri ân đã chớm nở.

Một, hai ngày sau Marianne rõ ràng khỏe thêm. Bà Daswood được các ý muốn của chính bà và của hai cô con gái cùng nhau thôi thúc, và bắt đầu nói về việc quay trở về Barton. Phương cách của bà tùy thuộc vào việc thuyết phục hai người bạn: nếu nhà Daswood cứ lưu lại, bà Jennings không thể rời Cleveland; và hai bà cùng hợp nhất xin Đại tá Brandon xem nơi cư ngụ của ông cũng có tính chất quyết định ngang bằng – nếu không phải là thiết yếu ngang bằng. Để đáp lại, cả ông và bà Jennings cùng hợp nhất yêu cầu bà Daswood chấp nhận sử dụng cỗ xe của ông trên chặng đường về để cô con gái đang yếu của bà được thoải mái. Đại tá Brandon, được bà Daswood và bà Jennings cùng mời, vui vẻ hứa đến thăm nhà nghỉ mát trong vài ba tuần.

-o0o-

Ngày chia tay và lên đường đã đến. Marianne nói lời giã từ đặc biệt và dông dài với bà Jennings qua lòng biết ơn thiết tha đầy kính trọng và những lời chúc tử tế, dường như do thâm tâm cô thầm thú nhận trong quá khứ đã ít chú ý đến bà. Cô giã từ Đại tá Brandon với thái độ thân mật của một người bạn, được ông cẩn thận dìu lên cỗ xe mà dường như ông muốn cô chiếm lấy phân nửa. Rồi bà Daswood và Elinor theo sau. Những người ở lại nói về những người ra đi và cảm thấy buồn tẻ, cho đến lúc bà Jennings được gọi đến cỗ xe của bà để tìm an ủi trong lời tầm phào của cô hầu của bà về chuyện xa cách hai cô cháu nhỏ; và ngay sau đấy Đại tá Brandon cô độc trên đường về Delaford.

Ba người họ Daswood mất hai ngày trên đường đi, và Marianne đều chịu đựng tốt mà không mệt mỏi lắm. Mọi cách mà tình thương sốt sắng nhất, chăm sóc quan tâm nhất có thể giúp cho cô được thoải mái đều được hai người đồng hành vận dụng, mỗi người đều được tưởng thưởng qua thể chất dễ chịu của cô và tinh thần tĩnh lặng của cô. Elinor cảm thấy hài lòng đặc biệt khi quan sát tinh thần em gái. Cô đã thấy em gái khổ sở thường xuyên hết tuần này sang tuần khác, còn chính cô bị đè nén bởi nỗi khổ trong tim mà cô không đủ can đảm để nói đến và không đủ ngoan cường để che giấu. Bây giờ, qua niềm vui không gì sánh bằng, cô nhìn tư thái điềm tĩnh ấy mà tin đấy là kết quả của suy nghĩ nghiêm chỉnh vốn cuối cùng mang lại thỏa nguyện và vui sướng cho cô.

Thật thế, khi họ đến gần Barton và đi vào các cảnh vật mà trong đấy mỗi cánh đồng và mỗi ngọn cây mang lại những hồi tưởng một chút lạ lẫm, một chút đau buồn, cô em trở nên trầm ngâm và suy tư, quay mặt tránh ánh mắt quan sát của mọi người, tha thiết nhìn chăm chăm qua khung cửa sổ. Nhưng với chuyện này, Elinor không thể băn khoăn hoặc tránh móc. Khi đỡ em gái bước xuống khỏi cỗ xe và thấy Marianne đang khóc, cô chỉ nhận ra vẻ xúc động rất tự nhiên nên không cảm thấy có gì nặng nề hơn là thương cảm. Phản ứng không quấy rầy ai như thế đáng được khen ngợi.

Trong tất cả cử chỉ kế tiếp của em gái, Elinor theo dõi chiều hướng của một tâm tư thức tỉnh để gắng vực dậy một cách hợp lý; vì khi vừa bước vào phòng khách, Marianne đảo mắt nhìn qua với vẻ cứng cỏi, như thể có ngay quyết tâm làm quen với mỗi đồ vật có thể liên quan với suy tưởng về Willoughby. Cô ít nói, nhưng mỗi lời nói hướng đến sự vui vẻ, và dù đôi lúc thở dài vẫn có nụ cười để làm dịu.

Sau bữa ăn tối, cô ngồi lại bên chiếc dương cầm; nhưng bài nhạc cô để mắt đến đầu tiên là một đoạn nhạc kịch do Willoughby tìm cho cô, có các đoạn song tấu mà hai người đều thích, và ngoài bìa mang tên cô trong nét chữ của anh. Không được. Cô lắc đầu, đặt tập nhạc qua một bên, sau một phút dạo qua phím đàn than phiền các ngón tay của cô bị yếu, đóng nắp đàn lại; nhưng nói một cách cứng cỏi rằng cô sẽ tập dượt nhiều sau này.

Sáng ngày hôm sau không giảm bớt những dấu hiệu hạnh phúc. Ngược lại, với tinh thần và thể chất đều khỏe lên sau khi được nghỉ ngơi, cô ngắm nhìn và nói chuyện qua tinh thần đích thực hơn, trông mong được vui khi Margaret trở về, nói về buổi họp mặt gia đình lúc ấy sẽ được phục hồi, về những công chuyện cùng làm với nhau và những mối giao hảo vui vẻ.

Cô nói:

- Khi thời tiết được tốt và em đã khỏe hẳn, hai chị em ta sẽ mỗi ngày đi bộ những quảng đường dài. Chúng ta sẽ đi đến nông trại cuối vùng đồi và xem đám trẻ như thế nào; ta sẽ đi đến các nông trường mới của Ngài John ở Barton Cross và Abbeyland; ta sẽ thường xuyên đến xem các di tích của Tu viện, cố lần theo nền móng của nó càng xa càng tốt theo như người ta nói nó được xây ngày xưa. Em biết hai chị em ta sẽ được vui. Em biết mùa hè sẽ trôi qua vui vẻ. Em dự định không bao giờ thức dậy sau sáu giờ, và từ lúc ấy đến bữa ăn chiều em sẽ chia thời gian để chơi đàn và đọc sách.

“Em đã lên kế hoạch, nhất quyết theo đuổi một chương trình học tập nghiêm túc. Em đã biết quá rõ về tủ sách của chúng ta nên không thể dùng cho chuyện gì hơn là giải trí. Nhưng có nhiều tác phẩm đáng đọc ở Barton Park; và có những tác phẩm khác xuất bản gần đây mà em biết có thể mượn của Đại tá Brandon. Chỉ cần đọc sách sáu giờ mỗi ngày, trong vòng mười hai tháng em có thể lĩnh hội rất nhiều kiến thức mà hiện giờ em cảm thấy còn yếu kém.”

Elinor khen ngợi em gái về một kế hoạch được khởi sinh một cách cao quý như thế, mặc dù mỉm cười khi thấy cùng óc tưởng tượng sôi nổi lúc trước đã dẫn em gái đến thái cực của biếng nhác trong uể oải và bực dọc trong ích kỷ. Nhưng nụ cười của cô đổi thành tiếng thở dài khi nhớ lại mình chưa làm tròn lời hứa với Willoughby, e sợ cô có thể khuấy động lại tâm tư của Marianne và hủy hoại ít nhất một thời gian không khí êm đềm trong bận rộn này. Vì thế, cô hoãn lại thời khắc tồi tệ, quyết định chờ cho đến khi sức khỏe em gái được đảm bảo hơn. Nhưng quyết tâm được tạo ra chỉ để bị phá vỡ.

-o0o-

Marianne phải đợi hai hoặc ba ngày sau khi về nhà để có thời tiết thích hợp cho người dưỡng bệnh như cô đi ra ngoài. Cuối cùng, một buổi sáng ấm áp dịu hòa xuất hiện – hợp với mong ước của cô con gái và tin tưởng của bà mẹ. Marianne, tựa vào cánh tay của Elinor, được cho phép đi dạo cho đến lúc cô thấy mệt, dọc con đường phía trước ngôi nhà.

Hai chị em bước chậm rãi theo sức yếu đuối của Marianne lần đầu tiên được thử thách từ khi cô ngã bệnh. Họ chỉ đi xa đến nơi mở ra một quang cảnh của ngọn đồi – ngọn đồi quan trọng phía sau – rồi dừng lại. Dõi mắt nhìn ngọn đồi này, Marianne điềm tĩnh lấy tay chỉ và nói:

- Đàng kia, chính xác đàng kia, trên mô đất nhô lên ấy – em đã ngã xuống; và ở đó em gặp Willoughby lần đầu tiên.

Giọng nói của cô chùng xuống, nhưng lại cất cao lên:

- Em may mắn thấy là mình có thể ngắm nhìn cảnh vật mà không đau khổ mấy! Có khi nào chúng ta nói lại về vụ việc không, hở chị Elinor?

Cô ngập ngừng thêm:

- Hoặc như thế là sai lầm không? Bây giờ em mong có thể nói về chuyện ấy, vì em cần phải nói ra.

Elinor dịu dàng khuyến khích em gái mở lời.

- Nói về nuối tiếc, thì em không còn nuối tiếc gì về anh ấy. Em không định nói cho chị nghe cảm nghĩ của em đối với anh ấy lúc trước, mà là cảm nghĩ bây giờ. Hiện giờ, giá như em có thể mãn nguyện về một điều, giá như em được phép nghĩ rằng anh ấy không phải luôn luôn đóng kịch, không phải luôn luôn lừa dối em; nhưng trên tất cả, giá như em có thể tin chắc anh không bao giờ quá độc ác như em đã sợ hãi mà tưởng tượng, từ khi có câu chuyện của cô gái bất hạnh ấy…

Cô ngưng lại.

Với vui mừng, Elinor tôn trọng ngôn từ của em gái khi cô đáp:

- Nếu em biết rõ điều này, em nghĩ em sẽ cảm thấy thoải mái không?

- Vâng. Chắc chắn tâm tư em sẽ được yên ổn; vì không những nghi ngờ một người có các toan tính như thế, như cách anh ấy đã đối xử với em, là điều kinh tởm, nhưng nếu đúng như thế thì em là con người như thế nào? Trong hoàn cảnh của em, đây là gì nếu không phải là tình cảm thiếu cẩn trọng một cách hổ thẹn nhất đã phơi bày em ra…

Cô chị hỏi:

- Thế thì, làm thế nào em lý giải cho hành vi của anh ấy?

- Em sẽ nghĩ anh ấy… Ôi, em sẽ hài lòng làm sao nếu nghĩ anh ấy chỉ thiếu kiên định – rất kém kiên định.

Elinor không nói gì thêm. Cô đang đấu tranh tư tưởng giữa việc bắt đầu câu chuyện của mình bây giờ hay trì hoãn cho đến khi Marianne được khỏe hơn, và hai người bước đi trong vài phút im lặng.

Cuối cùng, qua tiếng thở dài Marianne nói:

- Em không muốn nghĩ về anh ấy quá tốt khi mà em mong suy ngẫm thầm kín của anh không còn dằn vặt hơn so với ý nghĩ của em. Anh sẽ đủ khổ sở trong các suy ngẫm này.

- Em so sánh tư cách của em với tư cách của anh ấy hay sao?

- Không. Em so sánh tư cách của em với trường hợp đáng lẽ em phải hành xử; em so sánh với trường hợp của chị.

- Hoàn cảnh của chúng ta có rất ít điểm giống nhau.

- Có những gì khác hơn là tư cách. Chị Elinor thân yêu, chị đừng để lòng tử tế của chị biện hộ điều mà óc phán xét của chị phải chê trách. Cơn bệnh của em đã làm cho em phải suy nghĩ – nó cho em sự thư thả và trầm tĩnh để suy nghĩ nghiêm túc. Một thời gian dài trước khi em hồi phục đủ mạnh để nói chuyện, em hoàn toàn có khả năng để ngẫm nghĩ. Em đã suy xét quá khứ: em thấy trong hành vi của em, kể từ lúc mới quen với anh ấy mùa thu rồi, chỉ toàn là các khinh suất về phía mình, và không được tử tế với những người khác.

“Em đã thấy chính các cảm nhận của em đã dẫn đến đau khổ của em, và sự chịu đựng yếu kém của em đã suýt đưa em xuống mồ. Em đã biết rõ cơn bệnh của em là hoàn toàn do em gây ra qua thói cẩu thả đối với sức khỏe của em, vì ngay cả lúc ấy em đã nghĩ như thế là sai lầm. Nếu em có chết, thì đây là tự hủy diệt. Em đã không biết gì về mối hiểm nguy của em cho đến khi hiểm nguy qua đi; nhưng em ngạc nhiên về sự hồi phục của mình, ngạc nhiên là chính ý tưởng tha thiết muốn sống – muốn có thời giờ để chuộc lỗi với Thượng đế và với cả gia đình – đã không giết em ngay lập tức. Nếu em có chết, em hẳn đã để lại nỗi đau khổ khác thường như thế nào cho chị, người chăm sóc em, người bạn của em, người chị của em! Chị, người đã nhìn thấy những ngày gần đây mọi thói ích kỷ trong cáu kỉnh; người đã nhận biết mọi thì thầm của con tim em! Làm thế nào em có thể hiện diện trong hồi tưởng của chị sau khi em chết! Còn mẹ nữa! Làm thế nào chị có thể an ủi mẹ sau khi em chết!”

“Em không thể diễn tả sự ghê tởm của em đối với chính bản thân mình. Mỗi khi nhìn trở lại quá khứ, em luôn thấy một nghĩa vụ gì đấy mình bỏ sót, hoặc một lỗi lầm gì đấy được mình nuông chiều. Dường như mọi người đều bị tổn thương vì em. Lòng tử tế, lòng tử tế không ngừng của bà Jennings, thì em đã đáp lại bằng thói khinh thường trong vô ơn. Với gia đình Middleton, với gia đình Palmer, hai chị em nhà Steele, thậm chí với mọi người sơ giao, em đã xấc xược và bất công. Với John, với Fanny, – vâng, ngay cả với anh chị – dù họ không xứng đáng mấy, nhưng em đã kém công tâm.”

“Nhưng chị, hơn ai hết, hơn cả mẹ, chị đã bị em phiền trách. Em, và chỉ có em, đã thấu hiểu con tim chị và các đau khổ của nó; tuy thế, điều này đã ảnh hưởng đến em để làm được gì? – Không phải để có được sự cảm thông nào hầu giúp cho chị hoặc cho em. Chị đã cho tấm gương sáng trước mặt em, nhưng em đã noi gương chị ra sao? Em đã có ý tứ với chị và với sự thoải mái của chị hay không? Em có học theo tính chịu đựng của chị không, hoặc có giảm bớt các kiềm chế của chị hay không? Nếu có, thì em đã chia sẻ với chị trong những công chuyện chăm lo hoặc trả ơn thay vì để chị gánh hết một mình từ trước đến giờ. Không; không có gì.”

“Ngay cả khi em biết chị đang đau buồn hoặc thoải mái, em đã quay lưng lại với nghĩa vụ hoặc tình bầu bạn; chỉ cho phép một mình em được muộn phiền, chỉ lo nuối tiếc con tim ấy đã bỏ rơi và đối xử bất công với em, để cho chị khổ sở vì em trong khi em đã thú nhận tình thương vô bờ bến với chị.”

Đến đây ngưng lại dòng tư tưởng tự trách móc. Nôn nóng muốn xoa dịu tuy quá khiêm tốn nên không thể tự mãn, Elinor lập tức khen ngợi và đồng tình một cách xứng đáng với sự thẳng thắn và ăn năn của em gái.

Marianne nắm chặt tay chị và đáp:

- Chị tốt lắm. Tương lai sẽ minh chứng cho em. Em đã vạch ra kế hoạch của mình, và nếu em có khả năng làm theo kế hoạch này, cảm xúc của em sẽ được kiểm soát và tính khí của em sẽ được sửa đổi. Những người khác sẽ không còn phải lo lắng, và em sẽ không còn phải chịu tra tấn. Bây giờ em sẽ sống vì gia đình chúng ta thôi. Chị, mẹ, và Margaret, từ đây phải là tất cả đối với em. Em sẽ không bao giờ còn bị thôi thúc tí gì để rời xa chị, rời xa gia đình. Và nếu em có những mối giao du khác, chỉ là để cho thấy em đã tự hạ mình, con tim em đã được sửa sai, và em có thể thực hiện những phép giao tiếp và những nghĩa vụ nhỏ nhặt của cuộc đời một cách hòa dịu và độ lượng.

“Về phần Willoughby, không ích gì để nói em sẽ chóng quên hoặc em chẳng bao giờ quên anh ấy. Em vượt qua được hồi ức về anh ấy mà không cần có thay đổi về tình huống hoặc ý kiến. Nhưng hồi ức này có thể được điều tiết, có thể được kiểm soát bởi tôn giáo, bởi lý trí, bởi công việc bận rộn.”

Cô ngưng lại, rồi hạ giọng tiếp:

- Giá như em chỉ cần hiểu tâm tư của anh ấy, thì mọi chuyện sẽ trở nên dễ dàng.

Elinor đã suy nghĩ liệu có nên liều lĩnh kể cho em gái nghe về anh hay không. Bây giờ cô nghe em gái nói thế, nhận ra rằng suy nghĩ mãi cũng không làm được gì, nên cần phải có quyết tâm, rồi dần dà cô đi đến quyết định.

Cô cố gắng khôn khéo, như mình hy vọng, để trình bày; chuẩn bị trước cho tinh thần của em gái; rồi kể lại một cách giản dị và trung thực những điểm chính yếu mà Willoughby làm cơ sở cho lời xin lỗi của anh; công minh với ý hối lỗi của anh; và chỉ làm dịu đi những than vãn về tình cảm của anh hiện thời. Marianne không nói một lời; cô run rẩy, đôi mắt dán xuống đất, và đôi môi trở nên tái nhợt. Cả nghìn câu hỏi bật lên trong tim cô, nhưng cô không dám nêu ra câu nào. Cô bắt lấy từng lời nói qua bồn chồn khao khát; tay cô nắm chặt lấy tay chị trong vô thức, và những dòng lệ chảy dài trên đôi má.

Lo sợ em gái bị mệt, Elinor dẫn em quay trở lại. Trên đường về, cô dễ dàng đoán em gái đang hiếu kỳ ra sao mặc dù không hỏi câu nào, nên cô chỉ nói về Willoughby và về cuộc đối thoại giữa mình và Willoughby. Cô cẩn thận đi vào chi tiết trong từng lời nói và cử chỉ, những điều mà chi tiết có thể được tiết lộ nhưng không tạo ảnh hưởng xấu. Ngay khi hai người bước vào nhà, Marianne hôn cô chị tỏ lòng biết ơn, và chỉ nói ngắn gọn qua những dòng lệ: “Kể cho mẹ đi”, rồi dứt ra khỏi cô chị, chậm chạp bước lên các bậc thang lầu.

Elinor không muốn khuấy động sự cô tịch mà em gái đúng lý đang cần. Trong tư tưởng bận rộn chuẩn bị đối phó với hệ lụy cùng quyết tâm khơi lại chủ đề nếu Marianne giữ im lặng, cô quay vào hành lang và đành phải chấp nhận để em gái được một mình.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương