Lolita
Chương 8

Mặc dù tôi tự nhủ lòng mình, rằng tôi chỉ tìm kiếm một sự hiện diện dễ chịu, món pot-au-feu tô son điểm phấn, một cái bím tươi, nhưng thứ thực sự lôi cuốn tôi tới Valeria là điệu bộ giả nai của ả. Ả thể hiện như vậy không phải vì ả đoán được điều gì đó về tôi; mà đấy đúng là kiểu của ả — và tôi rơi vào bẫy. Thực ra, ả ít nhất cũng gần ba mươi tuổi (tôi chưa bao giờ biết chính xác ả thực sự bao nhiêu tuổi, vì ngay cả hộ chiếu của ả cũng dối trá) và đã đánh rơi trinh tiết trong những tình huống đổi thay theo tâm trạng ký ức ả. Còn tôi, về phía mình, đã ngờ nghệch theo cái kiểu chỉ có tay chơi biến thái có thể làm được. Ả có vẻ ngoài mịn mượt và vui tươi, ăn mặc à la gamine, trưng ra gần hết đôi chân nhẵn nhụi, biết cách nhấn mạnh làn da trắng của mu bàn chân để trần bằng màu đen của đôi dép nhung, và bĩu môi, và nhí nhảnh, và lắc váy, và mím miệng lộ lúm đồng tiền, và giũ giũ mái tóc xoăn vàng cắt ngắn theo cái kiểu làm duyên đáng yêu nhất và nhàm chán nhất có thể tưởng tượng được.

Sau nghi lễ gọn nhẹ ở mairie, tôi đưa ả về căn hộ mới thuê và, làm ả hơi ngạc nhiên, ép ả khoác vào người, trước khi tôi chạm đến ả, cái váy ngủ bé gái giản dị mà tôi từng tìm cách xoáy được từ tủ đồ tắm ở một trại trẻ mồ côi. Tôi kiếm được chút vui thú trong đêm tân hôn ấy và vớ phải một con ngố đang cơn cuồng sướng lúc bình minh. Nhưng thực tại nhanh chóng lên tiếng. Mái tóc xoăn nhuộm vàng hé lộ ra chân tóc sẫm màu của nó; lông tơ biến thành lông cứng trên cẳng chân cạo nhẵn; cái miệng ẩm ướt linh hoạt, mặc cho tôi đã nhồi vào nó biết bao yêu thương, để lộ nét giống đến nhục nhã với bộ phận tương ứng trên bức chân dung trân quý vẽ người mẹ mặt cóc đã khuất của ả; và giờ đây, thay vào chỗ con bé bụi đời xanh xao, Humbert Humbert bê trên tay y một baba to con, béo ị, chân ngắn, vú to và hầu như không có não.

Tình trạng quan hệ này đã kéo dài từ năm 1935 đến năm 1939. Cái đáng giá duy nhất ở ả là tính ít nói, nó góp phần tạo nên cảm giác thoải mái là lạ trong căn hộ chật hẹp tuềnh toàng của chúng tôi: hai phòng, một cửa sổ nhìn ra quang cảnh mờ mịt, cửa sổ kia nhìn vào bức tường gạch, cái bếp nhỏ xíu, bồn tắm như chiếc giày, nằm trong đó tôi cảm giác giống ngài Marat, chỉ thiếu cô gái cổ trắng đến găm dao vào ngực. Chúng tôi có khá nhiều buổi tối ấm cúng bên nhau, ả đắm mình vào cuốn nhật báo Paris-Soir, còn tôi làm việc trên cái bàn lung lay ọp ẹp. Chúng tôi đến rạp chiếu phim, đi xem đua xe đạp và đấm bốc. Tôi hiếm khi lưu tâm đến xác thịt ôi thiu của ả, chỉ khi nào quá cần thiết và vô cùng tuyệt vọng mà thôi. Người bán tạp phẩm ở căn nhà đối diện có cô con gái nhỏ, hình bóng cô bé làm tôi phát điên; nhưng với sự trợ giúp của Valeria, dù sao tôi cũng tìm được vài chỗ hợp pháp để xả những tưởng tượng bức bối của mình. Về chuyện nấu nướng, chúng tôi ngấm ngầm bỏ qua món pot-au-feu và hay đi ăn tại một tiệm chật ních trên rue Bonaparte, nơi đó khăn bàn nhuộm vết rượu vang và có rất nhiều tiếng rì rầm ngoại quốc. Bên hàng xóm, người bán đồ mỹ nghệ bày trong cái tủ lộn xộn một estampe cổ xưa của Mỹ, tuyệt đẹp, rực rỡ sắc màu, xanh lá cây, đỏ, vàng và xanh đen — chiếc đầu máy xe lửa với ống khói vĩ đại, những cái đèn lớn kiểu baroque và cản trước khổng lồ, mạnh mẽ lôi các toa tàu màu tím thẫm của mình xuyên thủng màn đêm trên thảo nguyên bão tố và hòa trộn vô số làn khói đen tóe lửa với những đám mây dông xù xì.

Những chuyện này vỡ tung. Vào mùa hè năm 1939 mon oncle d'Amèrique từ trần, di chúc lại cho tôi khoản thu nhập thường niên chừng vài ngàn đô la, với điều kiện tôi đến Mỹ sống và thể hiện đôi chút quan tâm tới việc kinh doanh của ông ấy. Viễn cảnh này vô cùng dễ chịu với tôi. Tôi thấy đời mình đang cần cú hích. Còn lý do khác nữa: nhiều lỗ thủng do rận cắn đã xuất hiện trên tấm chăn nhung êm ấm của hôn nhân. Trong những tuần gần đây tôi để ý thấy Valeria béo của tôi không còn là chính mình; trở nên bất an đáng ngờ; thậm chí đôi khi tỏ ra hơi khó chịu, điều này hoàn toàn không ăn khớp với nhân vật khuôn phép mà ả tin là đã vào được vai. Khi tôi cho ả biết rằng không lâu nữa ả sẽ cùng tôi lên tàu biển đến New York, ả có vẻ lo lắng và bối rối. Có chút phiền toái vớ vẩn với giấy tờ của ả. Ả có hộ chiếu Nansen, nói thẳng ra là Nonsense, mà do vài lý do nào đó, việc chia sẻ quyền công dân Thụy Sĩ xịn của chồng ả cũng không dễ dàng làm nó khá hơn được; và tôi đoán chắc là chuyện phải xếp hàng nối đuôi nhau ở prefecture, cùng với nhiều thủ tục khác, đã làm cho ả thờ ơ như vậy, bất chấp miêu tả kiên nhẫn của tôi về Mỹ, đất nước của trẻ thơ hồng hào và cây cối khổng lồ, nơi mà cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều so với tại Paris xám xịt, chán ngắt này.

Sáng hôm ấy, khi chúng tôi vừa bước ra khỏi tòa nhà văn phòng nào đó, với đống giấy tờ của ả gần như đã ổn thỏa, bỗng nhiên Valeria, đang đi lạch bạch bên cạnh tôi, bắt đầu lắc mạnh cái đầu xù của mình mà không nói lời nào. Tôi kệ cho ả làm thế một lúc, rồi hỏi có phải ả đang bận tâm điều gì đó trong lòng không. Ả trả lời (tôi dịch thứ tiếng Pháp của ả mà tôi cho rằng nó cũng là bản dịch từ một câu nhảm nhí tiếng Slavơ nào đó): "Có một người đàn ông khác trong đời em".

Lúc ấy, đấy là lời nói khó nghe với một người chồng. Chúng làm tôi bàng hoàng, thú nhận là vậy. Nện cho ả một trận ngoài đường, ngay và luôn, như một kẻ thô lỗ chính hiệu có thể làm, là chuyện không thể. Những năm đau khổ âm thầm đã dạy cho tôi khả năng tự chủ siêu phàm. Vì vậy tôi đưa ả vào chiếc taxi nãy giờ chạy chầm chậm mời mọc dọc lề đường, và trong nơi tương đối riêng tư ấy, tôi nhẹ nhàng đề nghị ả giải thích lời nói rồ dại của mình. Giận dữ bốc lên làm tôi nghẹt thở — không phải vì tôi đặc biệt luyến ái gì con hề Mme Humbert này, mà vì những chuyện hợp giao đúng luật và không đúng luật chỉ mình tôi được quyết định, vậy mà nó, Valeria, con vợ hài này, trâng tráo chuẩn bị sắp đặt theo ý mình cả sự an nhàn và số phận tôi. Tôi yêu cầu ả nói tên gã nhân tình. Tôi nhắc lại câu hỏi; nhưng ả tiếp tục lảm nhảm rất hài hước, kể lể chuyện khổ sở vì tôi và thông báo dự định li dị ngay lập tức. "Mais qui est-ce?" cuối cùng tôi quát to, đập nắm tay lên đầu gối ả; còn ả, thậm chí không nhăn mặt, nhìn tôi chòng chọc tựa như câu trả lời quá đơn giản để nói thành lời, rồi nhún vai rất nhanh và chỉ vào cái cổ mập ú của thằng lái taxi. Hắn dừng xe tại tiệm cà phê nhỏ và tự giới thiệu về mình.

Tôi không nhớ được cái tên tức cười của hắn, nhưng sau từng ấy năm tôi vẫn thấy hắn rất rõ nét — tay cựu đại tá Bạch Nga người chắc nịch với bộ ria rậm và tóc húi cua; có đến hàng ngàn thằng như vậy đang miệt mài cày cái nghề vớ vẩn này ở Paris. Chúng tôi ngồi vào bàn; tay bạch vệ gọi rượu vang, còn Valeria, sau khi áp cái khăn ăn ẩm ướt lên đầu gối, bắt đầu mở miệng — trút vào tôi hơn là nói với tôi; ả rót lời vào cái hũ oai nghiêm này với sự trôi chảy không ngừng mà tôi chưa bao giờ ngờ là ả có. Thỉnh thoảng ả bắn hàng tràng tiếng Slavơ nổ đôm đốp về phía thằng nhân tình điềm tĩnh của mình. Tình thế thật lố bịch và lại còn trở nên lố bịch hơn, khi tay đại tá lái taxi, dừng lời Valeria với một nụ cười tỏ ý sở hữu, bắt đầu bộc lộ ý kiến và kế hoạch của hắn. Với thứ tiếng Pháp cẩn trọng nhưng phát âm tệ hại, hắn phác họa cái thế giới của tình yêu và lao động mà hắn dự định bước vào, tay trong tay, với Valeria — cô vợ trẻ con của hắn. Lúc này ả đang rỉa lông rỉa cánh, giữa hắn và tôi, bĩu môi tô son, xệ cằm ba ngấn chỉnh lại ngực áo, làm nhiều trò hề khác, còn hắn nói về ả tựa như ả không có đây, hơn nữa, tựa như ả là loại trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đang trong quá trình chuyển giao, vì lợi ích em bé, từ một người giám hộ từng trải qua một người giám hộ khác thậm chí còn từng trải hơn; dẫu cho sự tức giận bất lực của tôi có làm méo mó và phóng đại ấn tượng nào đấy, tôi có thể thề rằng hắn quả thật đã tham vấn tôi về những thứ như chế độ ăn uống của ả, chu kỳ kinh nguyệt của ả, tủ quần áo của ả, về các cuốn sách ả đã đọc hoặc cần phải đọc. "Tôi nghĩ," — hắn nói, "Cô ấy sẽ thích Jean Christophe?" Ôi, hắn đúng là một nhà thông thái lái taxi, ngài Taxovich!

Tôi tắt tiếng vo ve của hắn bằng cách đề nghị Valeria thu dọn chỗ đồ đạc ít ỏi của ả ngay lập tức, vin vào đó, tay đại tá dung tục kia lịch sự đề nghị khuân vác những thứ ấy vào xe. Quay lại vị trí chuyên nghiệp của mình, hắn chở gia đình Humbert về nơi họ cư trú, với Valeria lải nhải suốt dọc đường, và Humbert Hung Bạo bàn bạc kỹ lưỡng với Humbert Hèn Yếu xem Humbert Humbert sẽ giết ả hay thằng nhân tình, giết cả hai đứa, hay là không giết đứa nào cả. Tôi nhớ lần cầm trong tay khẩu súng lục tự động của một bạn sinh viên cùng lớp, vào những ngày (tôi hình như chưa nói về thời gian này, nhưng chẳng quan trọng lắm) khi tôi đùa giỡn với ý nghĩ tận hưởng cô em gái nhỏ của anh ta, một nymphet vô cùng rạng rỡ với cái nơ đen buộc tóc, rồi sau đó tự bắn mình. Lúc này tôi tự hỏi mình, liệu Valechka (tay đại tá gọi ả như vậy) có thực sự đáng bắn, đáng bóp cổ, hay dìm chết không. Ả có đôi chân rất nhạy cảm, và tôi quyết định tự giới hạn mình, sẽ làm cho ả đau đớn cực kỳ khủng khiếp ngay khi chỉ còn hai chúng tôi với nhau.

Nhưng chúng tôi không lúc nào được như vậy. Valechka — lúc này đang tuôn rơi dòng nước mắt nhuốm lem nhem son phấn đủ sắc cầu vồng, — bắt đầu nhồi nhét lung tung một cái rương, hai cái va li, một thùng các tông căng phồng, và mơ tưởng xỏ đôi giày leo núi chạy đến sút vào phao câu ả tất nhiên là không thể thực hiện được khi mà tay đại tá đáng ghét luôn lăng xăng xung quanh. Tôi không thể nói hắn cư xử hỗn xược hoặc đại loại như thế; ngược lại, hắn thể hiện, như một màn kịch bên lề cái sân khấu mà tôi bị dụ dỗ tham gia, kiểu cách thanh lịch thời xưa, nhấn nhá động tác của mình bằng đủ kiểu xin lỗi phát âm nhăng nhít (j'ai demande pardonne— thứ lỗi cho tôi — est-ce que j'ai puis — cho phép tôi — và vân vân), ý nhị quay đi lúc Valechka vung tay rút xuống những chiếc quần lót hồng từ dây phơi trên bồn tắm; nhưng hắn dường như hiện diện khắp nơi cùng một lúc, le gredin, thống nhất thân hình hắn với cấu trúc căn hộ, ngồi ghế của tôi đọc báo của tôi, cởi nút một sợi dây, cuốn một điếu thuốc lá, đếm các thìa uống trà, tham quan phòng tắm, giúp con phò của mình gói ghém cái quạt điện bố ả cho, rồi vác hành lý của ả ra đường.

Tôi ngồi khoanh tay, một bên hông tựa lên bậu cửa sổ, chết lịm vì căm hờn và buồn chán. Cuối cùng cả đôi đã xéo khỏi căn hộ đang run rẩy — chấn động của cánh cửa tôi sập mạnh sau lưng chúng vẫn còn rung trong từng dây thần kinh của tôi, một sự thay thế yếu ớt cho cái tát trái tay lẽ ra tôi phải nện lật mặt ả theo những phép tắc trong phim ảnh. Vụng về đóng tiếp vai của mình, tôi dậm mạnh chân đi vào phòng tắm để kiểm lại xem chúng có lấy lọ nước hoa Anh Quốc của tôi hay không; chúng không lấy; nhưng tôi co thắt người lại, ghê tởm sôi sục, để ý thấy, tay cựu cố vấn của Sa Hoàng, sau khi tháo sạch bàng quang của hắn, đã không giội nước bồn cầu. Vũng nước tiểu trang nghiêm xa lạ cùng mẩu thuốc lá đẫm nước nâu xỉn đang bở ra trong đấy làm tôi thấy như bị lăng nhục đến tột cùng, và tôi điên dại nhìn quanh tìm vũ khí. Thật sự thì, tôi dám nói rằng cái đó chẳng có ý nghĩa gì ngoài sự nhã nhặn thuộc tầng lớp trung lưu Nga (nêm nếm chút hương vị phương Đông, có lẽ vậy) đã xúi bẩy ngài đại tá tốt bụng (Maximovich! Tên hắn chợt lăn bánh trở lại tôi), kẻ rất trọng hình thức như tất cả bọn họ, bóp nghẹn nhu cầu cá nhân mình trong sự nín lặng lịch thiệp để không nhấn mạnh kích thước nhỏ bé căn hộ chủ nhà bằng luồng cuốn mạnh từ thác nước thô bạo trút lên trên dòng suối im lịm của chính hắn. Nhưng ý nghĩa đó không lọt vào tâm trí tôi lúc ấy, vừa gầm gừ trong cơn giận dữ tôi vừa lục tung bếp tìm thứ gì đó đáng sợ hơn cái chổi. Rồi bỏ không tìm nữa, tôi lao ra khỏi nhà với quyết định quả cảm là tấn công hắn bằng tay không; mặc dù có sức khỏe trời cho, tôi đâu phải võ sĩ, trong khi Maximovich tuy lùn nhưng vai rộng, nhìn như con trâu sắt.

Sự trống trải ngoài phố, không hé lộ chút gì về chuyến ra đi của vợ tôi ngoài một nút áo bằng kim cương giả mà ả vứt xuống bùn sau khi gìn giữ nó ba năm vô ích trong chiếc hộp vỡ, có lẽ đã cứu tôi khỏi cảnh máu me đầy mũi. Nhưng không sao. Tôi rửa được phần nào mối hận cũng đúng lúc. Một hôm, có người từ Pasadena kể lại cho tôi rằng bà Maximovich, nhũ danh là Zborovski, chết khi sinh con vào khoảng năm 1945; hai đứa không biết làm sao mò qua tới California và được sử dụng bên đó, để lấy khoản thù lao hậu hĩnh, trong thực nghiệm kéo dài cả năm dưới sự theo dõi bởi một nhà dân tộc học lỗi lạc người Mỹ. Thực nghiệm này đánh giá phản ứng của con người (riêng lẻ và theo chủng tộc) với chế độ dinh dưỡng toàn chuối và sung trong tư thế bốn chân mọi lúc mọi nơi. Người cung cấp tin cho tôi, một bác sĩ, thề rằng ông đã chính mắt mình nhìn thấy Valechka béo ú cùng tay đại tá của ả, lúc đó tóc đã hoa râm và cũng rất phì nộn, cần cù bò trên cái sàn quét dọn sạch sẽ của dãy phòng sáng trưng (trái cây để tại một phòng, nước trong phòng khác, nệm ở phòng thứ ba,...) bầu bạn cùng vài kẻ bốn chân khác, được thuê mướn, tuyển chọn từ đám bần cùng không nơi nương tựa.

Tôi thử tìm kết quả thử nghiệm này trong cuốn Tạp Chí Nhân Chủng Học; nhưng chúng hình như chưa được công bố. Những sản vật khoa học ấy đương nhiên cần chút thời gian để đơm hoa kết trái. Tôi hy vọng chúng sẽ được minh họa bằng nhiều bức ảnh khi in ấn, mặc dù rất có thể là thư viện nhà tù sẽ không chứa chấp tác phẩm uyên bác như vậy. Cái thư viện mà hiện nay tôi đang bị cột chân vào nó, bất chấp hỗ trợ từ luật sư của tôi, là ví dụ tốt cho quan điểm chiết trung ngu xuẩn đang chi phối việc lựa chọn sách trong thư viện nhà tù. Ở đây có Kinh thánh, tất nhiên rồi, có Dickens (một bộ sách cũ, N.Y., Nhà xuất bản G.W. Dillingham, MDCCCLXXXVII); có Bách Khoa Toàn Thư Trẻ Em với vài bức ảnh đẹp chụp các cô bé hướng đạo sinh mặc quần soóc, tóc rực nắng; có truyện trinh thám Vụ Giết Người Được Báo Trước của Agatha Christie; ngoài ra còn có những thứ lấp lánh leng keng như Kẻ Lang Thang Ở Ý của Percy Elphinstone, tác giả cuốn Thăm Lại Venice, Boston, 1868, và cuốn Danh Nhân Sân Khấu tương đối gần đây (1946) — diễn viên, nhà sản xuất, nhà soạn kịch, và ảnh chụp các cảnh tĩnh. Khi xem từ đầu đến cuối cuốn sách sau cùng, đêm qua tôi được thưởng thức một trong những sự trùng khớp ngẫu nhiên đáng kinh ngạc mà nhà logic học căm ghét còn nhà thơ thấy thích thú. Tôi chép lại phần lớn trang sách:

Pym, Roland. Sinh năm 1922, tại Lundy, Massachusetts. Học ngành sân khấu tại nhà hát Elsinore, Derby, New York. Trình diễn lần đầu trong Bừng Nắng. Tham gia diễn trong các vở: Cách Đây Hai Khối Nhà, Cô Gái Mặc Đồ Xanh, Những Ông Chồng Lộn Xộn, Quả Chuối Kì Lạ, Tình Thế Bấp Bênh, John Lovely, Tôi Mơ Về Em.

Quilty, Clare, nhà soạn kịch người Mỹ. Sinh năm 1911, tại Ocean City, New Jersey. Tốt nghiệp Đại học Columbia. Khởi nghiệp bằng nghề buôn bán nhưng chuyển sang viết kịch. Tác giả của Nàng Tiên Nhỏ, Người Đàn Bà Yêu Sét (cộng tác với Vivian Darkbloom), Lứa Tuổi Đen Tối, Quả Chuối Kì Lạ, Tình Thương Của Người Cha, và nhiều vở khác. Nhiều tác phẩm dành cho thiếu nhi được đánh giá cao. Vở Nàng Tiên Nhỏ (1940) được lưu diễn 280 buổi trên chặng đường 14.000 dặm trong một mùa đông trước khi kết thúc ở New York. Sở thích: ô tô tốc độ cao, nhiếp ảnh, thú kiểng.

Quine, Dolores. Sinh năm 1882, tại Dayton, Ohio. Học ngành sân khấu tại American Academy. Diễn lần đầu tiên tại Ottawa vào năm 1900. Trình diễn lần đầu trước công chúng New York vào năm 1904 trong vở Đừng Bao Giờ Nói Chuyện Với Người Lạ. Từ hồi đó đã biến trong [một danh sách khoảng ba mươi vở kịch tiếp theo].

Sao mà việc nhìn thấy tên người mình yêu, mặc dù gắn liền với mụ diễn viên già mốc nào đó, vẫn còn làm tôi quay cuồng với nỗi đau vô vọng đến thế! Không chừng nàng có thể cũng là diễn viên. Sinh năm 1935. Diễn (tôi thấy mình chép sai một chút trong đoạn văn trước, nhưng xin đừng sửa nó, Clarence nhé) trong Nhà Soạn Kịch Bị Giết Chết. Quine Quỷ. Quilty Quy tiên. Ôi, Lolita của anh, anh chỉ còn chữ để mà chơi.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương