Lão Đại Là Nữ Lang
Chương 12: Khoai lang nướng

Danh tiếng của nhị thiếu gia Phó Vân Chương như sấm bên tai.

Hồi còn chưa về tới huyện Hoàng Châu, Phó Vân anh đã nghe Vương thúc và Phó tứ lão gia nói về nhị thiếu gia. Sau khi về Phó gia, số lần nghe thấy người khác nhắc đến nhị thiếu gia cũng nhiều hơn. Người Phó gia trên phố Đông đại đều sùng bái nhị thiếu gia. Ở huyện Hoàng Châu này, y là đại tài tử nổi tiếng khắp gần xa. Đến nông hộ tới đây họp chợ cũng biết nhị thiếu gia của Phó gia là cử nhân lão gia trẻ tuổi nhất huyện.

Nghe danh không bằng gặp mặt, Phó Văn Chương như hạc giữa bầy gà [1], khí chất nho nhã thanh cao, anh tuấn, không kém gì danh tiếng bên ngoài của y.

[1] Ý là nổi bật, ngoài ra đặt vào bối cảnh của truyện còn là sự cảm thán của tác giả rằng cái sự "gà" của những người xung quanh làm nổi bật lên chất "hạc" của Phó Văn Chương.

Là con người, ai cũng lòng yêu cái đẹp, trên quan trường cũng thế. Người đọc sách nếu như có vẻ ngoài đẹp đẽ thì khi thi đình sẽ dễ được Hoàng Thượng ưu ái hơn người khác. Thôi Nam Hiên năm đó đỗ Thám hoa nhưng nghe trong tiệc mừng, tiên đế thấy hắn phong độ phóng khoáng tựa người trời liền đặc cách phong quan cho hắn, bỏ quên Trạng nguyên Diêu Văn Đạt già nua, thế nên về sau quan hệ giữa Diêu Văn Đạt và Thôi Nam Hiên không tốt cũng là dễ hiểu.

Phó Vân Chương tuổi còn trẻ như thế, phong tư lại xuất chúng, nếu như y có thể vào kinh tham gia thi đình, nhất định cũng sẽ có thể thành danh.

Cả đời Phó tứ lão gia sùng kính người đọc sách, Phó Vân Chương tuy rơi vào hàng con cháu nhưng ông lại ít khi gọi thẳng tên Phó Vân Chương, mỗi lần nhắc tới y là lại gọi "Cử nhân lão gia" hoặc là "Nhị thiếu gia". Giờ ông tươi cười, giục Phó Vân anh, "anh tỷ nhi, đây là nhị ca ca của con, con mau chào đi."

Phó Vân anh sững người một chút, ba chữ nhị ca ca thật sự nói không nổi, đành phải kêu hai tiếng: "Nhị ca."

Ánh mắt Phó Vân Chương nhẹ lướt qua nàng, mi mắt rũ xuống, khóe miệng lại hơi cong lên như thể đang cười, giống như mặt hồ tháng ba gợn sóng.

Phó Vân anh không chắc y rốt cuộc có cười hay không, mắt cũng cong lên, lễ phép mỉm cười đáp lại.

Tối hôm trước nàng vừa lấy Phó Vân Chương ra hù dọa cửu ca Phó Vân Khải, ngày hôm sau đã gặp ngay vị nhị thiếu gia này, nghĩ đi nghĩ lại cũng thấy thú vị.

Phó Văn Chương đưa nắm tay lên miệng, khẽ khàng ho một tiếng.

Phó tứ lão gia nghe thấy thì quan tâm nói: "Trời rét, đừng để bị lạnh, sức khỏe cháu không tốt, vào nhà sớm một chút."

Phó Vân Chương hơi hơi mỉm cười.

Lúc này, gã sai vặt biến mất khi nãy của đại phòng mới tìm đến, chắp tay thi lễ nói: "Tứ lão gia, lão thái thái mời ngày qua."

nói xong, hắn lại cúi đầu vái chào Phó Vân Chương, "Nhị thiếu gia, lão thái thái cũng gọi ngài vào cùng."

Phó Vân Chương hơi nhìn xuống, không nói gì, sắc mặt hơi tối lại.

Gã sai vặt đi tới cạnh Phó tứ lão gia, nói nhỏ mấy câu vào tai ông, Phó tứ lão gia cũng giật mình, nhìn Phó Vân anh áy náy.

"Tứ thúc, con đợi người ngoài mái hiên." Phó Vân anh ngẩng đầu, giật giật tay áo Phó tứ lão gia, khẽ nói.

Nàng loáng thoáng nghe gã sai vặt nói đến hai chữ "đền thờ", mà tộc trưởng Phó tam lão gia lại triệu tập người trong tộc đến họp bàn, rất có thể là để nói về chuyện triều đình tặng biển tiết liệt.

Phó gia muốn lập đền thờ trinh tiết cho phụ nữ ở giá trong tộc, Trần lão thái thái lại tìm Phó tứ lão gia ngay trước buổi họp bàn, chắc hẳn là muốn nhờ ông góp thêm tiếng nói.

Sau khi chồng bị bệnh mà chết, Trần lão thái thái luôn ăn mặc giản dị, không dùng trang sức phấn son, đóng cửa ở trong viện, không ra ngoài, ngậm đắng nuốt cay nuôi lớn đứa con mồ côi từ trong bụng mẹ Phó Vân Chương, cho y đọc sách đi thi. Giờ Phó Vân Chương là cử nhân số một số hai trong huyện, tiếng nói có khi còn có trọng lượng hơn cả các bậc bô lão trong huyện. Dòng họ xin quan trên lập đền thờ trinh tiết cho Trần lão thái thái cũng chỉ là chuyện sớm muộn.

Thân phận, địa vị, tiền tài, Phó Vân Chương đều có cả, chỉ tiếc y còn trẻ quá, không đủ khiến người ta kính phục. Trần lão thái thái muốn trợ giúp con trai. hiện tại, Phó tứ lão gia đương nhiên là người khôn khéo, có thực lực nhất ở thế hệ của ông, trong tương lai ông rất có thể sẽ trở thành tộc lão nên Trần lão thái thái quyết định tìm ông.

Xác định vấn đề một cách nhanh chóng, Phó Vân anh lấn cấn trong lòng, cái thứ đền thờ trinh tiết này thật nực cười, phụ nữ có muốn tái giá hay không là do họ tự lựa chọn. Nếu nàng có thể đại diện đại phòng đưa ra ý kiến, chắc chắn nàng sẽ phản đối.

"Tứ thúc, người đi từ đường trước đi." Phó Vân Chương nhẹ nhàng phủi tuyết trên vai áo. "Cháu sẽ đi gặp mẹ cháu."

Nếu như không tìm thấy Hàn thị và Phó Vân anh, Phó tứ lão gia cũng không phản đối chuyện trong tộc xin lập đền thờ trinh tiết. Nhưng giờ Tiểu Ngô thị đã thủ tiết cho Phó lão đại mấy năm, giờ đền thờ trinh tiết lập ra lại không có phần Tiểu Ngô thị, ông không muốn dây dưa vào chuyện này, do dự, "Giờ ta đi thì phía đại tẩu tẩu..."

Gã sai vặt há miệng định nói gì nhưng Phó Vân Chương đã nhìn hắn một cái, hắn liền cúi đầu, yên lặng lui sang một bên.

Phó Vân Chương khoát tay thành tư thế mời, "Tứ thúc, mời người."

Phó tứ lão gia thở phào nhẹ nhõm, dắt tay Phó Vân anh đi ra. nói thật, Trần lão thái thái rất cố chấp nên nói chuyện với người chị dâu này còn mệt mỏi hơn so với việc đối phó với loại người lươn lẹo mồm mép nhưng bà lại là quả phụ ở giá nhiều năm, con trai lại có năng lực, không thể nào từ chối, động tác này của nhị thiếu gia đã giúp ông giải vây.

Trong từ đường đang nhộn nhạo, thi thoảng lại có tiếng tộc trưởng Phó tam lão gia quát ép con cái nhà ai đó phải trật tự.

Phó tứ lão gia đứng bên ngoài nghe ngóng một chốc rồi tự đưa Phó Vân anh tới phòng bên cạnh.

Trong phòng có đốt chậu than để sưởi ấm, các chị em dâu có chồng đã chết hoặc đi làm ăn không ở nhà đang quây quanh chậu than bàn bạc rôm ra, nhìn thấy Phó Vân anh liền xúm lại hỏi thăm.

Phụ nữ trong tộc hơn nửa là người nhà quê, giọng nặng tiếng địa phương.

Phó Vân anh dựa theo bối phận đi chào một lượt, họ đều là bề trên của nàng, những người cùng thế hệ với cha chú nàng thì gọi là "thẩm thẩm", cùng thế hệ với ông nội nàng thì gọi là "thái bà".

Họ cũng thương nàng tuổi còn nhỏ mà đã mất cha. Hơn nữa, tuy nàng còn nhỏ nhưng bạo dạn không hoang mang, sợ sệt nên càng thích nàng hơn.

Thập bát thẩm dùng que gắp than đẩy lớn than phía trên trong chậu ra, lấy lên một củ khoai lang nướng bóc cho nàng ăn, "Trời lạnh lắm đấy, ăn một chút cho ấm người."

Phó Vân anh cảm ơn thập bát thẩm. Khoai lang nướng chín nục vừa thơm vừa mềm, vừa nóng vừa ngọt, nàng mở miệng nhóp nhép ăn, tự nhiên lại nghĩ đến lần đầu ăn khoai nướng kiếp trước.

Khoai lang được vào Trung Nguyên từ Tây Dương, ban đầu chỉ có quân Vệ Sở ở biên giới ăn. Sau này, do khoai lang dễ trồng, sản lượng lớn nên dần dần được đưa vào tới tận kinh sư. Thôi Nam Hiên đã từng đệ tấu chương lên triều đi, đưa ra kiến nghị để quan phủ cấp giống miễn phí cho dân để mở rộng trồng trọt loại lương thực nhưng đề nghị này bị bác bỏ. Thủ phụ hồi ấy là Trương Trinh, người Chiết Giang, còn Thẩm Giới Khê vẫn là người ít kinh nghiệm nhất trong nội các, Trương Trinh và Thẩm Giới Khê vốn bất đồng ý kiến, Trương đảng và Thẩm đảng cũng như nước với lửa nên mỗi khi Thẩm đảng dâng sớ đề nghị cái gì, không cần biết đúng sai, đại thần Trương đảng sẽ đồng loạt phản đối.

Mẹ Thôi Nam Hiên cũng giống Trần lão thái thái, là người ở giá nuôi con. Sau khi hắn đỗ Thám hoa, để biểu dương sự trung trinh của Thôi mẫu, Thôi gia xin lập đền thờ trinh tiết và được quan phủ đồng ý. Cả tộc Thôi thị vô cùng hãnh diện, phân ra hai trăm mẫu đất màu mỡ nhất từ tài sản chung của dòng họ để mỗi tháng cấp tiền cấp gạo nuôi dưỡng cô nhi quả phụ trong tộc. Đây vốn là một chuyện tốt nhưng cuối cùng lại tạo thành sự bất hạnh của nhiều người khác. Trong vòng hai năm sau, nơi ấy có thêm mấy chục trường hợp tuẫn tiết vì chồng, trong đó hơn một nửa là bị cha mẹ chồng hoặc người trong họ tộc bắt ép.

Để "làm vẻ vang" dòng họ, nhiều cô gái trẻ trung chưa chồng cũng vâng lời cha mẹ ruột mà treo cổ tự sát. Vị hôn phu của họ bị bệnh mà chết, là hôn thê, dù chưa cưới hỏi nhưng họ cũng phải thủ tiết.

Phó Vân anh không biết liệu Thôi Nam Hiên có từng hối hận vì chuyện xin lập đền thờ trinh tiết cho mẹ hắn hay không, chỉ biết hắn chưa từng viết thư về quê khuyên răn người trong tộc. Phụ nữ trong tộc trung trinh cương liệt như vậy có lợi cho danh tiếng của Thôi gia. Đối với hắn, tiền đồ quan trọng hơn tất cả, dòng họ giúp đỡ hắn cũng là lẽ đương nhiên, chết thì cũng chỉ là mấy người họ hàng xa, hắn cũng chẳng mấy để tâm.

Đàn ông trên đời này đều vậy cả, Phó gia nay có một Phó Vân Chương, Phó gia liền vội vàng muốn gây dựng danh tiếng cho hắn.

Ở phòng bên, phụ nữ trong tộc vây quanh Tô nương tử hỏi thăm việc xin lập đền thờ. Tô nương tử đưa theo một trai một gái đến nhờ cậy Phó tam lão gia, con trai bà là Tô Đồng học hành giỏi giang, đầu xuân năm sau sẽ đi thi. Bà là quả phụ, không có việc gì nhiều, nên thường nói chuyện phiếm với Phó tam thái thái, ắt có nhiều tin tức.

Tô nương tử vẫn cầm giá thêu trong tay, khẽ nói: "Tám chín phần mười là ổn rồi, chỉ cần nhị thiếu gia viết thư lên trên, thế nào cũng được phê chuẩn."

Mọi người xung quanh mắt sáng lên, khuôn mặt cũng tỏa ra vẻ tự hào.

Phó Vân anh lắc đầu than thầm, những người phụ nữ này bị mấy vị tộc lão tẩy não, nghĩ rằng trong tộc có một đền thờ trinh tiết là việc vinh quang.

Dòng tộc nhà ai có đền thờ trinh tiết, chuyện cưới xin con trai con gái trong tộc đó cũng thuận lợi. Họ chỉ biết có đền thờ rồi, mấy người làm quan cao cao tại thượng kia coi trọng thanh danh, nói không chừng sẽ nể Phó gia có đền thờ mà hạ thấp tiêu chuẩn để kết thông gia với Phó gia. Tuy vậy họ không biết rằng đền thờ cũng là một loại gông xiềng, giam cầm phụ nữ trong tộc.

Phụ nữ trong tộc hăng hái bàn bạc đến quên cả trời đất. Bỗng phía ngoài viện vang lên tiếng chào đón, một đứa nha hoàn nhỏ tuổi kéo kèm lên, đỡ một bà lão tóc bạc nhưng tinh thần vẫn quắc thước bước vào phòng.

Lão phu nhân trên đầu mang một đai buộc trán họa tiết phúc thọ vạn niên, thân mặc áo xanh viền nhung phối với áo khoác khuy vàng sẫm màu, trên tóc bà gần như không có trang sức chỉ có một chiếc trâm bạc đơn giản hình chữ thọ, trên tay là một chuỗi phật châu. Bà nắm tay một tiểu cô nương thanh tú bước vào phòng, nhìn quanh một lượt rồi nhè nhẹ gật đàu.

Phụ nữ trong phòng đều hơi sững lại trong chốc lát rồi đồng loạt đứng dậy, tươi cười chào hỏi, "Lão thái thái đã tới ạ, lão thái qua đây ngồi đi ạ."

Vài người nhanh chóng bày chỗ ngồi, đưa mấy cái chậu than tới trước người lão phụ nhân, những người còn lại vây xung quanh, mong muốn được đỡ bà. bước qua đó.

Phó Vân anh ngồi trên ghế nhỏ, tay cầm khoai nướng, tiếp tục ăn.

Thập bát thẩm không ngồi nữa, vội vàng đứng dậy lấy lòng lão phu nhân, lại thì thầm: "Đại tẩu tử của đại phòng chưa bao giờ ra khỏi viện, sao hôm nay lại tới đây nhỉ?"

Phó Vân anh ăn xong củ khoai, lấy khăn lụa ra lau tay.

Lão phu nhân này chính là mẹ đẻ của nhị thiếu gia Trần lão thái thái sao? Thảo nào các nàng dâu Phó gia đều nhiệt tình đón tiếp bà ấy đến vậy.

Trần lão thái thái xuất hiện làm mọi người vừa mừng vừa lo, Tô nương tử vừa cười lấy lòng lão thái thái vừa ngầm liếc mắt ra hiệu cho nha hoàn.

Đứa nha hoàn kia cũng hiểu, vội ra ngoài tìm gã sai vặt để hỏi thăm xem có phải đại phòng có chuyện gì hay không.

Rất nhanh, một tin tức giật gân đã được truyền về: Nhị thiếu gia Phó Vân Chương đại nghịch bất đạo, từ chối tham gia buổi họp mặt của gia tộc hôm nay, y không đồng ý xin lập đền thờ trinh tiết cho mẹ mình là Trần lão thái thái và các quả phụ khác trong tộc!

Phụ nữ trong phòng đều kinh ngạc.

Lời tác giả:

Tây Dương: Dưới triều Minh, Tây Dương là chỉ khu vực Đông Nam Á ngày nay.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương