Sở Tinh Hà tự vấn lòng.

Hỏi trời hỏi đất dễ, vấn tâm mới là khó. Lúc này, Sở Tinh Hà tự hỏi từ bao giờ mình đã quên mất chuyện thôn Hòe, quên cả Y Y.

Câu trả lời có lẽ chính là sau cái ngày lão tàn sát tông môn kẻ thù.

Sở Tinh Hà chống thanh kiếm vấy đầy máu tươi, chỉ thấy rỗng tuếch. Lòng lão rỗng không, đầu lão rỗng không, ngay cả trái tim cơ hồ cũng bị đào rỗng mất.

Bây giờ lão phải làm gì?

Lão tu hành để mà làm gì nữa?

Thù đã báo, bây giờ theo lý mà nói chẳng phải nên về gặp người cả thôn hay sao?

Thế nhưng... cuối cùng, Sở Tinh Hà còn sống. Lão không muốn chết. Lão tiếc nuối một thân tu vi mình phải kinh qua trăm đắng ngàn cay mới tu thành được. Lão không muốn chết, thế nên cần phải tìm cho mình một lý do để sống tiếp. Cuối cùng, Sở Tinh Hà vin vào tu vi của chính mình, vin vào tài nguyên tu luyện.

Cứ thế, tranh tranh giành giành, lừa gạt, cướp giết...

Thiếu niên Sở Mộc Đầu chống kiếm nhìn trời năm xưa đã chẳng còn tung tích đâu nữa.

oOo

Sở Tinh Hà ngồi thừ ra đó, lạc trong dòng hồi ức, sắc mặt biến hóa lúc trắng lúc đỏ, mấy lần mở miệng như định nói gì rồi lại thôi. Nguyễn Đông Thanh thấy vậy, biết lão ta cần thời gian suy nghĩ thì cũng liền đứng dậy đẩy cửa đi ra ngoài. Trước khi bỏ đi, còn nói:

“Tạm thời hai lão cứ ở lại thôn này mà suy nghĩ, chúng ta còn có việc đi trước.”

Hắn đắn đo giây lát rồi để lại thêm mấy câu:

“Hy vọng khi tôi trở lại, ông có thể suy nghĩ thông suốt. Việc ban nãy tôi hỏi, vẫn hy vọng sẽ được ông giải hoặc. Thế nhưng nếu sau này chúng ta không còn gặp lại nữa thì đành coi như thằng Thanh này vô duyên với câu trả lời ấy vậy. Dù gì thì cũng mong ông từ nay sống đời tử tế, đừng làm những việc hại người nữa!”

Lời dứt thì cửa cũng đóng sập, để lại Sở Tinh Hà thẫn thờ ngồi đó.



Nguyễn Đông Thanh bước ra ngoài thì liền đi tìm gọi Hồng Đô và hai người Nguyên Phương, Trần Dũng, tiếp tục lên đường xuôi về Mỹ Vị sơn trang.

Kỳ thực, khi nghe hai câu thơ từ miệng Sở Tinh Hà, Nguyễn Đông Thanh thật sự nóng lòng muốn biết. Thế nhưng nhìn tình cảnh hiện tại của lão, hắn không nỡ ép hỏi, lại chẳng thể chờ lão ta bình tĩnh lại để hỏi. Đâu thể biết lão ta sẽ mất bao nhiêu thời gian, hắn lại còn có công vụ trên người.

Mà chẳng lẽ lại áp giải cả hai người kia cùng đi với mình? Thêm hai miệng ăn lại còn vác theo hai kẻ có thể đâm lén sau lưng mình bất cứ lúc nào? Nguyễn Đông Thanh tin vào sự tử tế trong mỗi con người, cũng như sẵn sàng cho họ cơ hội sửa sai, làm lại cuộc đời. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc hắn ngu! Những việc nên làm để phòng thân Nguyễn Đông Thanh vẫn biết rõ. Thành thử, cách tốt nhất là để hai người họ lại đây, rồi hy vọng khi xong việc quay trở lại, Sở Tinh Hà có thể bình tĩnh lại mà giải đáp thắc mắc cho hắn. Có câu “quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy” là ý như vậy.

Còn nếu hai người họ thực sự rời đi trước khi hắn quay lại? Vậy thì y như lời hắn nói với Sở Tinh Hà ban nãy thôi, hắn không có duyên được biết. Dù gì Nguyễn Đông Thanh muốn biết cũng chủ yếu vì tò mò. Đây cũng không phải ngày hắn mới tới thế giới này, cũng đã bắt đầu cắm rễ ở nơi đây rồi. Ngoại trừ cô hàng xóm cùng hai con Cải Thảo, Đá Nhỏ, giờ còn có ba người học trò cùng vài người quen biết tại ải Quan Lâm. Thành thử, việc tìm được đồng hương đối với Nguyễn Đông Thanh cũng tốt, nhưng nếu không được cũng chả sao. Người xưa chả có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần” còn gì? Hà huống, còn chưa biết người “đồng hương” tiềm năng này nhân phẩm ra sao, là địch hay là bạn!

Nhận lệnh từ Bích Mặc tiên sinh, hai người Nguyên Phương, Trần Dũng liền chuẩn bị xe bò. Còn về phần Hồng Đô, nàng ta còn ngoái nhìn về phía hai lão Sở Tinh Hà, Đặng Không một lúc lâu, chẳng biết là nghĩ gì, rồi mới theo Nguyễn Đông Thanh lên xe.

oOo

Xe bò lại lóc cóc trên đường, bốn người trên xe quay lại với công việc hôm qua. Nguyễn Đông Thanh kể chuyện, Hồng Đô ghi ghi chép chép gì đó, hai cậu lính ngồi phía trước lo đánh xe, tìm đường. Cái khác biệt so với hôm qua là không khí đã bớt phần ngượng ngùng, thêm phần hài hòa. Vị Bích Mặc tiên sinh này khác với tưởng tượng của hai người Nguyên Phương, Trần Dũng, cực kỳ hòa đồng, gần gũi. Mà những câu chuyện y kể thì thực là vừa cuốn hút, lại cũng không kém phần kinh tâm động phách.

Nghe một hồi bị nghiện, cũng chẳng rõ ai trong hai người lên tiếng hỏi trước, chỉ biết về sau hai người họ chia nhau ra, một ngồi trước đánh xe, một chui vào trong xe vừa nghe vừa hỏi chuyện Nguyễn Đông Thanh. Vị Bích Mặc tiên sinh này cũng chẳng vì vậy mà phật ý, lại còn kể hăng say hơn.

Do trong nhẫn chứa đồ Vũ Tùng Lâm đưa, có cả lương khô phòng hờ, thế nên đoàn người của Nguyễn Đông Thanh cứ thẳng đường mà đi, nếu thuận tiện thì mới ghé vào thôn xóm ven đường ăn uống các bữa, còn nếu không thì ăn trên xe luôn.

Lúc vui vẻ thì thời gian cảm giác như trôi rất nhanh, thành ra bốn người đi chả mấy đã tới lúc chạng vạng.

Xét thấy trời đã sắp tối mà xung quanh không có làng mạc gì, hai người Nguyên Phương, Trần Dũng còn đương định đề xuất quay lại thôn xóm đi qua hồi chiều, thì đã thấy Nguyễn Đông Thanh quyết định đêm nay cắm trại ngủ ngoài trời. Hai người toan can ngăn nhưng hắn chỉ cười bảo không sao.

Nguyên Phương, Trần Dũng đều là lính, ở khổ đã quen, bọn họ lo chủ yếu là lo Bích Mặc tiên sinh không quen thôi, nhưng thấy y nhất nhất quyết như vậy thì cũng không bàn cãi nữa mà lẳng lặng nghe theo. Kỳ thực, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta thời sinh viên cũng từng đi tình nguyện vùng cao, đến đủ tuổi cũng bị lôi đi nghĩa vụ, thậm chí đặt chân đến Huyền Hoàng Giới rồi cũng sống một cuộc sống mộc mạc giản đơn. Thành thử, chút chuyện cắm trại ngủ trời này hắn đã từng trải qua những năm còn đôi mươi, nên cũng không tính là khó khăn gì.

oOo

Việc quan trọng nhất của qua đêm ngoài trời là làm sao giữ ấm giữa đêm lạnh và có một cái mái che đề phòng mưa xuống. Chả thế mà trong phim truyền hình, vẫn hay thấy những người vô gia cư tụ tập sống dưới gầm cầu, lại hay đốt lửa trong những thùng kim loại.

Nguyễn Đông Thanh biết nhóm lửa, thế nhưng so với hai cậu lính sống trong quân ngũ thì hiển nhiên hắn không bằng. Thế nên, khi phân chia công việc, hắn tự nhận đi nhặt củi đốt, còn giao cho Hồng Đô đi kiếm thêm các loại đồ ăn tươi. Hai người Nguyên Phương, Trần Dũng không yên tâm để Nguyễn Đông Thanh đi một mình nên cuối cùng một người ở lại dựng trại, một người đi theo hắn vào bìa rừng ven đường kiếm củi.

Nguyên Phương đi theo Nguyễn Đông Thanh, thấy vị Bích Mặc tiên sinh này ngoại trừ thể lực đúng chuẩn “thư sinh trói gà không chặt” ra thì kiến thức của y về động thực vật cũng như sinh tồn trong thiên nhiên cũng xấp xỉ chứ chẳng kém mình là bao nên vô cùng ngạc nhiên. Phải biết, “học phí” Nguyên Phương phải trả cho những kiến thức ấy là mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu. Y từng phải ngậm gai nếm mật trong quân ngũ bao năm tháng mới có được những hiểu biết này. Thế nhưng vị tiên sinh này, tuy là bước thấp bước cao, thở thì phì phò, nhưng từ chọn củi đốt đến nhặt quả rừng, thậm chí tránh các loại cây cỏ có độc thì lại như làm nhiều thành quen.



Sau khi hai người tìm được kha khá củi lửa thì liền quay lại tựu họp ở chỗ hạ trại. Lúc này, Hồng Đô đã bắt được vài con thỏ nhỏ, còn Trần Dũng cũng đã đào xong một cái hố nông, chất sẵn đá sỏi xung quanh. Đợi khi hai người Nguyễn Đông Thanh mang củi trở về y cũng liền bắt tay vào nhóm lửa.

Đốt lửa trại, muốn cháy được lâu mà an toàn, thì nên đào đất lõm xuống một chút rồi mới chất củi lửa vào, lại đặt đá sỏi to cỡ bàn tay, nắm đấm xung quanh tạo thành một vòng tròn, vừa che chắn bớt gió để củi dễ cháy lúc bắt đầu nhóm lửa, lại cũng phòng hờ đêm ngủ lăn lộn lung tung xảy ra tai nạn. Thế nhưng, một khi lửa đã cháy rồi, thì lại cần xếp củi sao cho không khí có thể lưu thông, còn mượn nhờ sức gió giữ cho lửa cháy được lâu không tắt. Kỳ thực, đây cũng là nguyên lý hoạt động của các lò hóa vàng mà dân ta vẫn dùng hiện nay.

Cùng một sự vật sự việc, thế nhưng hai người Nguyên Phương, Trần Dũng thì hiểu nhờ kinh nghiệm đúc kết, còn Nguyễn Đông Thanh lại hiểu thông qua lý luận khoa học tự nhiên. Ấy âu cũng là sự khác biệt của thời đại, thế hệ, những hiểu biết của con người cũng như cách truyền dạy chúng qua từng thời kỳ. Tương tự như việc Nguyễn Đông Thanh “học” trước rồi mới “(thực) hành” những kiến thức về sinh học, sinh tồn, còn Nguyên Phương thì phải “(ăn) hành” trước rồi mới “học” được những kiến thức ấy vậy.

Nguyên Phương toan định xiên đám thỏ lên nướng thì Nguyễn Đông Thanh cản lại, tranh phần nấu chúng. Nguyên Phương lúc đầu cũng từ chối, bảo việc nhỏ này của đám hạ nhân bọn họ, không đáng để hắn ra tay, thế nhưng sau khi thấy thái độ hắn khăng khăng thì cũng không cãi nữa. Nguyễn Đông Thanh hí hửng, rút từ trong người ra một cái túi, bảo cậu lính chia cho mọi người ăn trong lúc chờ hắn chế biến mấy con thỏ, rồi liền bắt tay vào làm.

Nguyên Phương giở cái túi ra, thì thấy thứ mà Bích Mặc tiên sinh đưa cho y là một loại thịt khô, giống ruốc mà chẳng phải ruốc, lại có mấy thứ hình như là lá chanh với ớt. Y tò mò, bỏ một miếng nhỏ vào miệng nhấm thử, thì ôi chao, ngon chảy cả nước mắt!

Thịt là thịt gà, thớ thịt dai dai, mỗi lần răng Nguyên Phương nhai xuống thì đủ loại vị, từ cay của ớt, ngọt của mật ong, đến mặn của mắm, thơm của lá chanh cùng các loại gia vị khác lại trào ra, quyện vào nước miếng, dạo một vòng trong miệng y, trước khi trôi xuống cuống họng. Nuốt ực miếng đầu tiên xuống, Nguyên Phương hít sâu một hơi, thở khà ra, cực kỳ hưởng thụ dư vị còn vương lại trong miệng mình. Đoạn, quay người chạy đến chỗ Trần Dũng, chia cho đồng bạn mình ăn cùng.

Thì ra, thời gian gần đây, con gà trống nhà Nguyễn Đông Thanh làm chết không biết bao nhiêu là gà mái, bỏ đi thì tiếc mà làm gà luộc quanh năm vừa nhàm vừa không để được lâu. Thế là Bích Mặc tiên sinh của chúng ta vào bếp, làm món khô gà lá chanh. Món này tương đối mới, nên kể cả nếu như Đại Việt của Huyền Hoàng giới có nền ẩm thực giống y hệt với Đại Việt của địa cầu đi chăng nữa thì hai người Nguyên Phương, Trần Dũng hẳn là cũng chưa bao giờ được nếm qua món đồ khô này.

Bàn về khô gà là chanh, cách làm món này có bốn năm phần tương tự ruốc (hay chà bông). Đều là trần qua thịt, đều là cắt hoặc xé miếng nhỏ, đều là tẩm ướp gia vị vừa đủ rồi làm khô trên chảo, lại cùng là món khô để ăn dài ngày. Thế nhưng khác biệt của hai món này, nằm ở mục đích làm, cũng như độ khô cần thiết.

Ruốc ra đời từ sớm hơn rất nhiều, là món ăn của nhà nghèo để tiết kiệm thịt. Thành thử, ruốc ban đầu rất mặn, rất khô, chủ yếu vì để được lâu ngày không sợ hỏng. Về sau ruốc làm bớt mặn đi, cũng để mềm hơn, thế nhưng tiêu chí về khô và để lâu vẫn không thay đổi nhiều. làm ruốc rất tốn thời gian, nhiều công đoạn, khi làm phải đứng đảo đến mỏi cả tay, nhưng cũng để được rất lâu không sợ hỏng.

Khô gà lá chanh thì khác. Món này tương đối mới, nếu có ra đời trước thời hiện đại thì cũng không trước bao lâu. Chỉ tiêu khi nấu đề cao ngon, bùng nổ hương vị, chứ lại không quá đề cao để được thật lâu, mặc dù cũng vẫn bảo quản được trong một quãng thời gian không ngắn. Khô gà lá chanh làm nhanh và ít công đoạn hơn, lại cần giữ lại độ ẩm nhất định mới ngon, chứ cũng không nên hay cần phải xao cho ráo nước hẳn như ruốc.

Mà trong khi hai cậu lính trẻ đang vừa ăn vừa tấm tắc khen món lạ này của Bích Mặc tiên sinh, thì Nguyễn Đông Thanh cũng đã làm gần xong khâu đầu tiên của xử lý thịt thỏ.

Thịt thỏ rất ngon, nhưng nếu khâu sơ chế làm không tốt thì sẽ để thịt bị rất hôi, khó ăn. Đây cũng là lý do Nguyễn Đông Thanh khăng khăng đòi tranh phần chế biến. Hắn ở Huyền Hoàng giới đến nay cũng không phải chỉ mới ngày một ngày hai. Tuy vẫn cảm thấy bản thân lạc lõng, nhưng về phong tục tập quán cũng như ẩm thực thì cũng đã có tìm hiểu không ít. Vậy nên, hắn biết người dân ở ải Quan Lâm chưa biết cách khử mùi hôi của thịt mà vẫn nghĩ thịt thỏ vốn là phải như vậy.

Cái hôi của thịt thỏ, nguyên nhân chính, ngoại trừ do không làm sạch lông trước khi nấu, nằm ở đoạn xương đuôi sát hậu môn và phần tuyến sữa của chúng. Vậy nên, bước đầu tiên cần làm khi sơ chế thịt thỏ, là phải cạo sạch lông, thui qua lửa, cũng như cắt bỏ hai “hung thủ” gây mùi này. Tiếp đó, muốn khử sạch mùi hăng còn sót lại, thì cần tẩm ướp thịt thỏ trong rượu cùng các loại gia vị như gừng, tỏi, xả, để trong vài giờ. Đợi đến khi thịt ngấm, hết mùi, thì mới đem ra chế biến.

Trong lúc đợi thỏ ngấm gia vị, Nguyễn Đông Thanh quay về bên lửa trại thì thấy hai người Nguyên Phương, Trần Dũng đã chiến đấu xong già nửa gói khô gà hắn đưa ban nãy.

Hắn cười cười, đoạn ngồi xuống bên cạnh họ, rút thêm một gói khô gà khác từ trong người ra, vừa nhấm nháp vừa nói chuyện phiếm.

Đêm hôm đó, sau khi khai vị bằng món lạ của Bích Mặc tiên sinh, hai người Nguyên Phương, Trần Dũng lần đầu tiên được biết thịt thỏ nướng lại còn có thể ngon đến như vậy.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương