Xuyên Đến Nữ Tôn Quốc
Chương 105: Chương 105


Đuôi lông mày vô thức nhếch lên, khuôn miệng kéo lên một đường cong nhẹ.

Nguyễn Gia đã nhìn thấy một tia giảo hoạt trong ánh cười của Phạm Hiểu Linh.

A… nàng ta muốn trốn học? Lý do đưa ra cũng thật sự rất đầy đủ, có tình có lý nhưng thời gian hẹn đi học lại thì chưa từng nói ra.

Nàng thật sự muốn biết mục đích thật sự của người này là gì, có thật là đã quên hết rồi hay không?
Nguyễn Gia chậm rãi chắp tay trước mặt, khẽ cúi người rồi nói:
- Tiểu sinh họ Nguyễn tên Gia, tự Trí Viễn, năm nay 20 tuổi, hiện giờ cũng may mắn khoa khảo được danh tú tài.

Nếu Phạm cô nương không chê, hàng ngày có thể qua nhà ta học tập.

Tiểu sinh vừa lúc có người học cùng lại cũng có thể dạy chữ cho Phạm cô nương nếu thật sự cô nương đã quên hết phải bắt đầu vỡ lòng lại.

Sư phụ cũng có thể dành thời gian nhiều hơn chỉ bảo cho lớp sư muội sắp tới tham gia thi khảo khóa.
Hiểu Linh ngây người khó hiểu nhìn Nguyễn Gia.


Nàng ta đầu có bệnh? Một tú tài không lo học hành đèn sách để thi Hương, thi Hội, thi Đình lại ở đây muốn kèm một kẻ một chữ bẻ đôi cũng không biết như cô? Nàng ta rảnh sao, hay muốn bỏ học về làm thầy đồ? Hiểu Linh trước kia rất thích đọc những tích cũ về các ông Nghè nên cũng biết phần nào về chế độ khoa cử.

Không phải ai đi học cũng có thể được tham gia cả ba kỳ thi đó.

Người được khắc tên lên bia Tiến sĩ ở Quốc Tử Giám để đời đời con cháu biết đến là vinh dự không chỉ của một gia đình mà là của cả dòng họ, cả làng cả Tổng ấy.
Không biết nơi này lệ thi có như sách cô đọc về lịch sử đất nước cô không.

Thi Hương gồm bốn kỳ thi được tổ chức ở các tỉnh, các trấn lớn.

Qua được kỳ thứ nhất mới có thể thi kỳ thứ hai.

Người nào qua được cả bốn kỳ ấy mới trở thành cử nhân và có thể được bổ nhiệm làm quan.

Người chỉ thi qua ba kỳ chính là Tú tài.

Số thí sinh tham gia thi Hương một lần có thể lên đến hàng nghìn nhưng số lấy đỗ chỉ có mấy chục tú tài, đến khi lấy cử nhân số lượng lại càng thêm ít ỏi.

Nhiều người học cả đời cũng không thi qua nổi bốn kỳ đó để trở thành cử nhân chứ đừng nói gì đến giấc mơ thi Hội, thi Đình.
Đến thi Hội chỉ có người đỗ cử nhân mới có thể tham gia cũng phải trải qua bốn kỳ.

Trúng tuyển cả ở bốn kỳ mới là đỗ Hội và có tư cách tham gia thi Đình.

Để rồi cuối cùng chúng ta mới có thể trong hàng vạn người dự thi chọn ra ba người giỏi nhất Trạng Nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa và các vị tham gia thi Đình còn lại được chia ra học vị Tiến sĩ, đồng Tiến sĩ.
Với cái nhìn của Hiểu Linh, việc có thể tham gia thi Đình đó thật sự phải là những nhân tài kiệt xuất nhất của cả nước.

Người tầm thường như cô dù phấn đấu cả đời cũng không thể mong tới.

Càng đừng nói đến các vị Trạng Nguyên đại danh đỉnh đỉnh trong lịch sử trải dài hàng nghìn năm của đất nước cô khiến Hiểu Linh hâm mộ đến thế nào.

Không sai… trong khi bạn cùng tuổi hâm mộ ca sĩ nọ, diễn viên kia thì Hiểu Linh lại say mê đọc những câu chuyện về Thần đồng Trạng nguyên Nguyễn Hiền đỗ năm 13 tuổi, cùng năm đó có bảng nhãn Lê Văn Hưu 18 tuổi, Thám hoa Đặng Ma La 14 tuổi… Trời ạ… bọn họ là thiên tài đúng không? Rồi những câu chuyện về Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đĩnh Chi đi xứ Nguyên Mông… rồi chuyện về Trạng Lường Lương Thế Vinh… nhiều nhiều lắm… kể sao cho hết.

Tiếng nói của Nguyễn Gia một lần nữa kéo Hiểu Linh trở về thực tại, rời xa những hồi tưởng tốt đẹp thời thơ ấu:
- Phạm cô nương nghĩ thế nào? Ta cũng có chút tự tin giúp cô nương trong vòng ba tháng liền có thể đọc thông viết thạo rồi có thể quay lại nghe giảng cùng sư phụ, cô nương nghĩ sao?
Hiểu Linh cười cười lắc đầu:
- Cái mà Nguyễn Gia tỷ nói có bạn học cùng ở đây thật quá khiên cưỡng.

Một người chữ nghĩa không tường như tôi chẳng những không giúp ích gì cho tỷ mà còn gây không ít phiền toái, phân tâm.

Thay vì chú tâm đọc một cuốn sách, lý giải những điều huyền ảo trong đó hay viết một bài luận, Nguyễn tỷ lại phải dành thời gian để dạy chữ cho tôi, nắn cho tôi từng nét bút.

Bản thân Hiểu Linh tôi cảm thấy không đáng và cũng không thể mặt dày làm phiền như vậy.

Nếu thật sự muốn bổ túc lại chữ nghĩa ngay lập tức, tôi có thể nhờ Bán Hạ hay Quế Chi là được rồi, dù sao họ cũng không hướng tới con đường khoa cử.

Còn nếu như vì phải chỉ dạy cho tôi mà Nguyễn tỷ đây vuột khỏi tay chức vị cử nhân của lần thi Hương tới thì Hiểu Linh này lại thành tội đồ rồi.

Càng không nói tới lý do tôi chưa đi học một phần vì mùa màng đã tới, gia cảnh cũng còn khó khăn.
Nói xong, Hiểu Linh thẳng mắt đối nhìn Nguyễn Gia.

Hành động của nữ nhân này đột nhiên rung lên cho cô một hồi chuông cảnh báo.

Nếu như đột nhiên những người biết cô trong lớp thầy Chu đó nhìn ra sơ hở hay nghi ngờ cô thì sao? Một lời nói dối thốt ra sẽ cần hàng ngàn, hàng vạn những lời nói dối khác để che đậy khỏa lấp cho nó.


Cô không thể chắc chắn bản thân mình nói dối không lọt một câu nào nên không thể mạo hiểm như vậy.

Nếu thật sự muốn đi con đường giáo dục này, Hiểu Linh cũng có thể đi nơi khác để làm… nơi họ không biết cô là ai, quá khứ của cô thế nào.

Và vì đã quyết tâm không nhờ vả đến thầy đồ Chu nên cô cũng không cần quá mềm mỏng nữa.
Đột nhiên, tiếng trống thùng thùng thùng ba tiếng vang lên… mọi người đang vui vẻ nói chuyện bất giác im lặng.

Quế Chi kéo tay Hiểu Linh đến một vị trí ngồi cách đó không xa rồi khẽ nhắc:
- Cuộc họp sắp bắt đầu rồi.

Ta, ngươi ngồi nghe là được.

Có gì thắc mắc, lát nữa về rồi hỏi, biết chưa?
Hiểu Linh khẽ gật đầu rồi hướng mắt về phía nhóm bảy người đang đi chính giữa Đại Đình.

Dẫn đầu trong số đó có lẽ chính là vị Trần lý trưởng tuy nghe danh đã lâu nhưng giờ mới có cơ hội gặp mặt..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương