Vương Tử Ngược Bắc Em Xuôi Nam
-
57: Mười Năm Nhân Gian 16
Chương này có nội dung cảnh thân mật.
Độ tuổi khuyến cáo: 16+
----------------------------------------------------
Ban đầu Khung Dực đã nghĩ, mười năm thật dài.
Thế rồi mọi việc sau đó cứ liên tục kéo đến, nhanh như những bóng mây bay ngang đầu, chưa hề ngừng nghỉ.
Nửa tháng sau, Vua chủ Chu An y hẹn, chuyến hàng cứu trợ đầu tiên vượt rừng mận, vượt biên cương Mạc Bắc mà đến.
Có củi gạo dầu muối, có thuốc thang, vải vóc chăn màn, có cả một ít vũ khí của người phương nam.
Kèm theo đó là một phong thư thật dày chính tay Ngọc Huyên đã viết.
Sau khi chuyến hàng viện trợ đầu tiên được đưa tới an toàn, dàn tướng soái phương nam cũng rút quân về lại Kinh Lạc.
Thế nhưng không rõ do lệnh của Chu An hay của Ngọc Huyên, bọn họ bắt đầu đi đi về về giữa ải Bạch Vân và Mạc Bắc, khi thì mang cái này, chuyển cái kia, khi thì phụ trách đưa đoàn lang y đến thăm khám cho bá tánh, lại kiêm luôn việc vận chuyển thư từ cho Ngọc Huyên và Khung Dực.
Dần dà, Quảng Ngân Trình đã quen hết mặt, biết rõ ai với ai, thỉnh thoảng trong những chuyến đi về còn dúi vào tay họ ít thịt khô, ít rượu ngon mới cất.
Mà nhóm Trần Vũ, Trần Duy Hưng, Liêm Thanh và Tống Hàn cũng đi qua biên cương dọc ngang như đi chợ, chỉ cần giơ tay ra hiệu từ xa là quân đồn trú Mạc Bắc tự động mở cổng cho qua.
Không lâu sau đó, Ngọc Huyên lên ngôi Vua chủ Kinh Lạc.
Động thái chính trị đầu tiên của vị vua mới phương nam là tuyên bố Kinh Lạc cùng Đại Thương xóa bỏ hận thù, vĩnh viễn kết làm đồng minh.
Đây chính là bước đầu tiên trong kế hoạch mang lại hòa bình thịnh thế cho hai nước mà y hằng ấp ủ.
Sau đại chiến Vương Đô, Khung Dực chắc chắn sẽ lên ngôi Hoàng đế.
Cho dù Vua chủ Kinh Lạc là cha vợ đi chăng nữa, Khung Dực cũng không thể tin tưởng hoàn toàn, nói gì đến Vũ Miên.
Do đó, đối trọng quyền lực ở phương nam của Khung Dực chỉ có thể là Ngọc Huyên.
Nhất định phải là y, con dân hai nước mới có thể có hòa bình, mà từng hành động từng ý chỉ của mỗi vị đế vương đưa ra mới được người kia toàn tâm toàn ý tin tưởng vô điều kiện.
Một ngày mùa hè gió lặng, nắng vàng, dưới sự chứng kiến của triều đình Kinh Lạc và bá tánh muôn nơi hội tụ về, Ngọc Huyên dâng tơ lụa nếp xôi cúng bái Thần Sông Thần Núi trong hang động linh thiêng của Kinh Lạc, tọa tại dãy Hoành Sơn.
Tổ tiên người Kinh Lạc xuất thân từ đây, đời đời Vua chủ phương nam cũng làm lễ lên ngôi tại chính nơi này.
Trong hang động vòm đá cao vun vút, nắng rọi từ trên đỉnh núi xuống tạo thành một luồng sáng chói lòa, Ngọc Huyên trịnh trọng đọc lời thề lên ngôi, lời cầu chúc cho bá tánh.
Sau khi đọc xong rồi, y ngừng một chút rồi hắng giọng, đọc thêm một đoạn mình tự thêm vào.
"Con, Chu Ngọc Huyên của Kinh Lạc, hôm nay cũng xin cầu bình an cho bá tánh Đại Thương.
Cầu thái bình khắp chốn.
Cầu cho mảnh đất bên kia biên giới mưa thuận gió hòa, tro bụi chết chóc trôi nhanh."
"Nơi đó có người con thương, có người con hàng đêm mong nhớ."
"Con cầu cho người luôn mạnh mẽ vượt qua mọi việc.
Mười năm này đều có con ở đây, cùng người đó gầy dựng lại non sông."
Từng câu, từng chữ y nói ra đều vang vọng khắp nơi trong hang động, triều thần và bá tánh đều nghe rõ.
Ai cũng biết người nọ là ai, thế nhưng không phải ai cũng hiểu, mười năm này nghĩa là như thế nào.
Ngọc Huyên cúi lạy Thần Núi Thần Sông xong lại quay người hướng về bá tánh, đoạn nhẹ nhàng chắp tay rồi nói:
"Xin phép bá tánh muôn dân, nếu sau này nhà mình có dư ra dù chỉ là một đấu thóc, một súc vải, một cái bắp ngô, một túi khoai mềm, nếu nhà mình đã no đủ, xin hãy nhường phần dư đó cho bá tánh Đại Thương.
Xin hãy giúp họ, cũng là giúp ta mau chóng dựng xây nền hòa bình này, hiện thực hóa lý tưởng lưỡng triều thịnh thế."
Nói rồi y trịnh trọng cúi đầu, quỳ lạy đầy biết ơn.
Triều thần và bá tánh vội vàng sụp xuống, cùng trả lại cái lạy này, cũng thay cho lời đồng ý.
Năm đầu tiên, Khung Dực cho dựng lều trại trên Đại Mạc rồi sinh sống như dân du mục, như tổ tiên Đại Thương ngày xưa.
Những bộ tộc du mục hiện đang sống trên Đại Mạc đều thường xuyên ghé lại giúp sức.
Tộc nhân sơn tộc nhớ nhà, chiều chiều vẫn hay nhìn về Tuyết Nhạn.
Bá tánh Khúc Băng cũng thế.
Tuy nhiên chưa ai dám quay về phương bắc hay quay lại Vương Đô.
Năm này, Khung Dực cho xây dựng lại bộ máy triều đình vô cùng tinh gọn.
Ưu tiên hàng đầu ngoài việc chăm lo cái ăn cái mặc cho bá tánh còn là đoàn kết mọi người, xóa dần mối hận thù với người phương nam.
Chậm rãi nhưng bền bỉ và kiên quyết.
Ở bên kia biên giới, Vũ Miên rút hẳn khỏi quân vụ và việc triều đình.
Sau khi trở về từ chiến trường Vương Đô, Công chúa chỉ thong dong tịnh dưỡng, chẳng ai hiểu vì sao.
Thế nhưng không lâu sau đó, tin tức Đại công chúa có thai lộ ra.
Cùng ngày hôm ấy, người ta thấy hai vị Đại soái Trần Lượng và Tống Cơ Long giận tím mặt, lôi mấy vị tướng trẻ kia ra giữa sân bắt quỳ, sau đó bắt đầu xắn tay áo lên rồi dùng gia pháp.
Đại soái Nguyễn Giang và nữ tướng Thạch Lan thì chỉ ngồi ăn bánh cắn hạt dưa mà xem, vừa xem vừa bảo đánh nhẹ tay thôi, kẻo đánh chết Phò mã tương lai bây giờ.
"Thằng nào??? Thằng nào trong đám tụi bây dám bất kính với Đại công chúa???"
"Không phải con! Không phải con mà!!!" Những vị chiến tướng phương nam uy vũ kia gào khóc lăn lộn trên sân, tiếng gào to đến nỗi hạ nhân còn sợ sập luôn cả phủ, lung lay cả Loa Thành.
Đến khi Vũ Miên, Ngọc Huyên và Chu An nghe tin chạy tới, mấy người nam nhân tội nghiệp kia đã bị đánh đến nát mông.
Trần Lượng và Tống Cơ Long mặt đỏ bừng, thở hồng hộc, đưa tay quẹt mồ hôi trán rồi cùng nhìn nhau.
Quả nhiên gia pháp roi mây chưa bao giờ làm người ta thất vọng.
Vũ Miên bật cười, vội đi đến can ngăn rồi nói:
"Bác Long, bác Lượng, cha.
Không phải bọn họ đâu."
Ở phía sau lưng nàng, Trần Văn Chiêu vẫn luôn kính cẩn ôm kiếm đứng hầu.
Trên gương mặt anh tuấn kia vẫn còn đọng lại cái lạnh lẽo băng sương của mười năm gió tuyết.
Hắn tuy lập đại công, thế nhưng ngày về chỉ quỳ xuống nói ra một thỉnh cầu duy nhất.
"Xin hãy để thần quay về làm thân vệ cho Công chúa, như những ngày xưa."
Cuối năm đó, Vũ Miên hạ sinh một tiểu hoàng tử vô cùng kháu khỉnh, được mẹ đặt tên là Trác Quân.
Tiểu hoàng tử tạm thời theo họ Chu của mẹ.
Vũ Miên không nói ra thân phận cha đứa bé, thế là cũng không ai dám hó hé hỏi han gì.
Chỉ có mấy ông già như Chu An, Trần Lượng và Tống Cơ Long cứ rủ rỉ tai nhau, trộm vía, đứa nhỏ này tóc đen, vậy cha của nó hẳn là người Kinh Lạc.
Ai đó trộm thở phào.
Ai đó lại đảo ánh mắt nhìn về phía người thân vệ anh tuấn của Đại công chúa, dù đã được phong hàm nhất phẩm tướng quân vẫn chẳng màng, chỉ quyết ý làm một thân vệ nhỏ nhoi.
Trần Văn Chiêu vẫn đứng đó, bóng lưng thẳng tắp như bách như tùng.
Mái tóc hắn đen như mực, đôi mắt cũng tuyền một màu đặc quánh của màn đêm.
Năm đầu tiên ấy, cho dù bận việc cách mấy, cứ ba tháng là Ngọc Huyên lại chạy về rừng mận, hẹn gặp Khung Dực một lần.
Nơi hẹn hò của bọn họ là Vân Trung Cổ Trấn.
Ngọc Huyên và Khung Dực đều rất thích nơi này.
Thôn nhỏ khuất trong lòng núi trập trùng, không ai hỏi ranh giới ở đâu, rốt cuộc cổ trấn nằm trên địa phận nước nào.
Nam nam bắc bắc không phân định rõ.
Hơn nữa, bọn họ đều có kỷ niệm ở đây.
Nơi này là nơi duy nhất lưu giữ ký ức về cố nhân, về một đêm cả năm người bọn họ đều vui say hồn nhiên không thù hận.
Mỗi một lần gặp là một lần triền miên mê mải, một lần yêu đương đến tê dại, rã rời.
Thông thường họ sẽ lưu lại dăm ba hôm, có khi lại ở đến bảy ngày.
Có bao nhiêu điều phải kể, phải nói cho nhau nghe, phải nỉ non trút hết cho thỏa bao đêm dài nhớ mong trên Đại Mạc, bao tháng ngày quay quắt ở Loa Thành.
Và rồi, khi tình triều lui xuống, dưới gối chăn nóng sực còn nồng đượm mùi vị ấp ôm viên mãn, họ sẽ kể cho nhau nghe những gì đã trải qua, đã học được trên con đường đế vương vừa lạ, vừa quen.
Người ở Vân Trung Cổ Trấn cũng thôi không làm thổ phỉ.
Nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa hai nước tăng cao, bọn họ đều chuyển sang vận chuyển hàng hóa đi đi về về giữa hai nơi, có người còn về Nam Biên học nghề trồng trọt, nuôi tằm.
Lần nào Khung Dực đi gặp Ngọc Huyên về xong cũng như sống lại, cả người tràn trề sinh khí, gương mặt vui vẻ chói lòa.
Thế nhưng lần nào vác mặt về khu lều trại vùng trung Đại Mạc, hắn cũng bị Kỷ Phong mắng cho xối xả.
"Làm cái gì mà dăm bữa nửa tháng ngài lại chạy về Mạc Bắc vậy hả? Phóng túng nó cũng vừa vừa thôi!" Kỷ Phong vẫn giữ thói cằn nhằn khi còn là thân vệ của Nhị vương tử ngày xưa, thấy chướng mắt là sẽ nói ngay không nhịn.
"Nhà bao việc, có biết không???"
"Ta đi học nha, Ngọc Huyên dạy kèm ta về thuật trị quốc, thuật đế vương!" Khung Dực chống chế, đoạn đưa mắt tìm Kỳ Anh rồi nháy mắt ra hiệu cầu cứu.
Ngươi mau dỗ y đi!
Lăng Kỳ Anh cười cười khoát tay, tỏ ý Bệ hạ cứ yên tâm.
Đêm đó, không biết Lăng Kỳ Anh dỗ kiểu gì mà sáng hôm sau Kỷ Phong không dậy nổi, cứ trốn biệt trong lều, giọng thì khản đặc, người chi chít dấu hôn dấu răng đỏ đỏ hồng hồng khiến hắn không dám ló mặt ra gặp ai.
Năm đầu tiên đúng như lời thỉnh cầu của vị vua mới phương nam, đất trời cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng.
Năm thứ hai, tộc nhân sơn tộc bắt đầu tản đi bớt.
Dù sao họ cũng đã quen sống trên núi trên bản rồi.
Một năm đã đi qua, rất nhiều người đánh cược, một lòng muốn quay về cố hương Tuyết Nhạn.
Hồ phu nhân hiện giờ được xem như thủ lĩnh của tứ đại sơn tộc, không thể bỏ mặc tộc nhân mình, thế là đành cáo biệt Khung Dực rồi dẫn họ quay về phương bắc.
Năm trước, bà đã hạ sinh một bé gái khỏe mạnh, được đặt tên là Hồ Dương.
Dương của ánh mặt trời.
Bá tánh Khúc Băng thấy vậy cũng muốn quay về.
Khung Dực đưa ra đề nghị hai bên cùng nhau xây dựng lại Khúc Băng, sau đó cùng nhau chung sống.
Ai thích lên bản thì lên bản, ai muốn ở dưới thị trấn thì làm nhà làm ruộng dưới đây.
Hồ phu nhân cảm kích gật đầu, bá tánh Khúc Băng cũng không hề phản đối.
Một ngày mùa hè nắng chói, Khung Dực đứng trên thảo nguyên bát ngát cỏ vàng, tiễn đoàn người kia lên đường.
Hắn nhìn theo hình ảnh nhạt dần của họ rồi nghiêng đầu nghĩ nghĩ, cũng gần hai năm rồi nhỉ.
Cuối năm nay...!chắc phải quay về Vương Đô thôi.
Việc quay lại kinh thành được đưa ra bàn bạc giữa các tướng soái và quan lại triều đình, ai ai cũng đều đồng thuận.
Ngày khởi hành được ấn định là cuối mùa thu.
Đêm trước ngày lên đường, không hiểu sao Khung Dực mất ngủ.
Hắn ra khỏi lều rồi cứ thế một mình đi dạo lang thang trên Đại Mạc.
Chẳng biết là vô tình hay hữu ý, hoặc giả nơi chốn kia vốn đã in hằn vào tâm khảm hắn tự bao giờ, Khung Dực cứ đi mải miết về phía nam.
Tận cho đến khi màn đêm chuyển thành mờ sáng.
Bất chợt, phía xa có bóng người ngựa đang phi đến trên nền trời mờ mờ tỏ tỏ.
Khi người đó đến gần, Khung Dực sững sờ nhận ra, người trên ngựa tóc đen mắt đen, cưỡi trên lưng một con chiến mã đen tuyền có đốm trắng giữa trán.
Trái tim hắn thình lình nảy mạnh trong lồng ngực.
Ngọc Huyên thấy Khung Dực đứng giữa đồng cỏ mênh mang, lập tức chẳng nói chẳng rằng mà thả dây cương rồi nhoài người lao xuống.
Hắn vội sải chân tới dang tay ra đỡ lấy em.
Cả hai ngã xuống biển cỏ vàng.
"Sao em lại ở đây?" Khung Dực thở gấp.
"Quảng Ngân Trình cho em qua à?"
Ngọc Huyên ôm siết lấy hắn rồi hít vào một hơi mùi hương quen thuộc.
"Em nói với hắn em nhớ anh quá, cho em qua đi."
Hai người cứ thế nằm ôm nhau rất lâu, hồi sau Ngọc Huyên mới hỏi:
"Ngày mai anh quay về Vương Đô à?"
"Là hôm nay.
Trời sắp sáng rồi."
"Ừm." Ngọc Huyên dúi mặt vào ngực hắn, sau đó rướn người lên hôn vào cổ hắn.
"Có em đây."
Không ai nói ra, thế nhưng Khung Dực và Ngọc Huyên đều hiểu, khi quay về hắn sẽ phải đối mặt với cái gì.
Dưới đống đổ nát và tro tàn của Vương Đô là xương trắng của phụ hoàng, của đại ca và tam đệ.
Khung Dực chợt cúi xuống hôn Ngọc Huyên, dù chỉ là một chiếc hôn giản đơn không nhuốm màu sắc dục, thế mà lại khiến cho Ngọc Huyên động tình.
Y cuống quýt đưa tay cởi bỏ y phục hắn, rồi lại cởi bỏ y phục của chính mình.
"Yêu em đi." Ngọc Huyên thở dốc giữa môi hôn nồng nàn.
Khung Dực nhìn quanh, khu lều trại đã xa tít tắp đến mức nhìn không rõ.
Giữa đất trời bao la này chỉ còn lại em và hắn.
Hắn trải y phục của cả hai ra làm nệm, sau đó dùng áo khoác nhung dày của mình làm chăn, trùm lên người bọn họ.
Da thịt ướp trong hơi đất ngai ngái, dậy lên vị ngọt của sương mai, của cỏ non mới nhú.
Kích động và choáng váng.
Điên cuồng và dịu êm.
Những tiếng rên rỉ xé toạc màu nắng sớm, tay chân xéo giày nền đất ẩm.
Quấn quýt và bện chặt.
Bấu riết và đê mê.
Hơi thở cũng đứt quãng, quyện cùng tiếng nấc rồi tấu lên khúc nhạc nỉ non mà rung động.
Khi những tia nắng đầu tiên hắt lên nền trời cam vàng rực rỡ, Khung Dực đổ gục xuống người Ngọc Huyên, nhắm mắt thở ra một hơi dài.
"Đi, lên ngựa với em."
Ngọc Huyên nắm tay hắn, lôi hắn lên lưng ngựa.
Bọn họ cho ngựa chạy trên thảo nguyên, giục nó phi nước đại như bão tố.
Gió thổi bạt áo choàng, tóc tai, cả người tắm tưới trong ánh bình minh Đại Mạc.
Ngày cuối thu năm đó, Khung Dực dẫn theo bá tánh, quan lại triều thần, cùng nhau quay lại Vương Đô.
Về đến cửa ngõ kinh thành, Lăng Kỳ Anh và Kỷ Phong đi tiếp lên Khúc Băng, bắt tay gầy dựng lại Nhạn Quân cho Khung Dực.
Đinh Đại Đồng thì rẽ về dải Chinh Sa.
Bằng hữu tỏa ra đi muôn nơi, chỉ còn mình Khung Dực nhắm về phía kinh thành Trích Nguyệt mà tiến bước.
Không lâu sau đó, các nơi bắt đầu gửi quân gửi người sang trợ giúp cho việc tái thiết Vương Đô.
Kinh Lạc gửi Bộ Binh và Tượng Binh, dân du mục gửi trai tráng và tặng thêm ngựa, thêm đồ mộc, vải vóc.
Vịnh Lam Thủy và dải Chinh Sa chẳng có gì, bèn gửi một lứa thiếu niên loi choi đang tuổi ăn tuổi lớn, thế là Nhạn Quân mới của Lăng Kỳ Anh cũng kéo về theo.
Vị trí Tân Thống lĩnh Nhạn Quân được giao cho người thiếu niên năm xưa đã dũng cảm chinh tây, còn Kỷ Phong thì chỉ khiêm tốn làm, e hèm, thân vệ của hắn.
Ngày về, tất cả mọi người sững ra nhìn kinh thành chìm trong một màn tro xám bất tận, im lìm.
Thế nhưng trong cái rủi có cái may.
Ngoài việc dọn dẹp tro bụi và xây lại những đoạn tường thành, những ngôi nhà bị sập ra thì không còn trở ngại gì quá lớn.
Nguồn nước cũng trong trở lại, khúc sông năm xưa giờ đang chảy hiền hòa.
Tầm một tháng sau, hạm đội của Đại soái Nguyễn Giang rẽ sóng tấp vào vịnh Lam Thủy, còn chiến thuyền của Thạch Lan cũng ngược dòng quay lên Vạn Kiếp.
Cả hai đều được lệnh của Ngọc Huyên, giúp Khung Dực tiếp tục xây dựng hải quân và phòng tuyến dọc bờ sông bảo vệ kinh thành.
Khung Dực quay về, hạ lệnh không được xây hoàng lăng.
Hắn cho chôn cất di hài của phụ hoàng, đại ca và tam đệ bên hông kinh thành, nơi bìa rừng Lá Bạc, xung quanh trồng rất nhiều hoa cỏ, trên đầu là một vạt rừng mới lên cây thâm thấp.
Quan lại kêu gào khóc lóc, trời ơi Bệ hạ ơi, sao lại không cho xây hoàng lăng kia chứ! Khung Dực trả lời gọn lỏn, không có tiền.
Cho dù có cũng phải lấy mà lo cho bá tánh, lo tái thiết Trích Nguyệt, tái thiết Vương Đô.
Người sống mới là ưu tiên hàng đầu, còn người chết thì đã hết.
Quan lại nghe xong, chỉ biết cúi đầu lặng lẽ lau khóe mắt.
Ai cũng hiểu, người đau lòng nhất thật ra chính là Bệ hạ kia mà.
Năm thứ hai này, Tiểu hoàng tử Kinh Lạc lớn lên vô cùng thông minh, lanh lợi.
Vũ Miên và Chu An dành hết thời gian cho bé, phó mặc hết việc triều chính cho Ngọc Huyên xử lý.
Trác Quân rất được yêu thương, cuộc sống chưa bao giờ tẻ nhạt.
Các vị Đại soái và các tướng quân cứ tranh nhau mang bé về chơi, Trác Quân ở chơi bên phủ đệ người này xong là đến lượt người kia chạy sang gõ cửa bế về.
Vũ Miên cũng hay cho bé đi du ngoạn, có lần hai mẹ con còn theo Thùy Dung đi hành y tận miền đồng bằng Thừa Thiên, cả tháng sau mới về lại Loa Thành.
Năm thứ ba, có Bắc Hùng Quốc từ phương xa manh múng gây sự với Đại Thương.
Nghe bảo triều đình non yếu, Hoàng đế trẻ tuổi vốn chỉ chuyên võ không chuyên văn.
Chiến thư vừa gửi đi, quân đội còn chưa kịp kéo sang biên giới, họ đã nhận được tin liên tiếp báo về.
Cấp báo, Kinh Lạc vừa cho đội Tượng Binh và Bộ Binh cùng những chiến tướng uy dũng nhất của mình đi sang biên giới Mạc Bắc rồi hội quân ở Đại Mạc, bảo là "tập trận."
Cấp báo, Nữ Binh của Kinh Lạc cũng không chịu đứng ngoài cuộc vui, đã rủ theo Đại soái Nguyễn Giang cùng nhau dong thuyền sang Trích Nguyệt, nghe nói là giao lưu với Nhạn Quân vài ngày, cũng có khi là vài tháng.
Cấp báo, ba tộc Khoát Oa trên Đại Mạc trước giờ chỉ thuần ngựa lấy tiền chứ chưa hề tham chiến, nay lại gửi kỵ binh về tập trung ở ngoại ô Vương Đô, quân số lên tới hàng ngàn.
Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, binh lực tập trung về Đại Thương còn đông gấp mấy lần đội quân mà Bắc Hùng Quốc định đưa sang.
Bọn họ đành cay đắng mà rút quân về.
Năm này, mùa màng bắt đầu xuất hiện lại.
Màu xanh của ruộng đồng đã dần dần phủ kín những ngọn đồi cháy đen năm xưa.
Hoa cỏ đã nở trên tường thành xám trắng, rừng Lá Bạc cũng chuyển mình xanh um.
Khúc Băng đã dần dần lấy lại nhịp sống.
Thị trấn mới được xây lại cách tàn tích cũ một chút, dịch về hướng gần dải Chinh Sa hơn nhưng vẫn dưới chân Tuyết Nhạn.
Ruộng đồng mọc lên lại, chim muông cũng quay về.
Tộc nhân sơn tộc vẫn sinh sống trên bản, thế nhưng đã giao thương với bá tánh Khúc Băng, còn cùng nhau xây một ngôi chợ nông sản lớn.
Năm thứ tư, đến lượt Ly Quốc ra tay.
Không học theo Bắc Hùng Quốc dùng vũ lực, lần này Ly Quốc thử vận may bằng cách gửi Công chúa sang cầu thân.
Công chúa Ly Quốc xinh đẹp kiêu sa, thân hình hoàn mỹ lại giỏi ca giỏi múa, ai nhìn cũng xiêu lòng.
Sứ đoàn Ly Quốc thầm nghĩ, phen này chắc chắn sẽ hốt được vị Hoàng đế trẻ tuổi anh tuấn của Đại Thương rồi!
Ai mà ngờ, Hoàng đế vừa nghe đến hai chữ "cầu thân" đã sa sầm nét mặt.
Ngài miễn cưỡng ngồi tiếp chuyện cho phải đạo, sau đó kiếm cớ bận việc rồi bỏ đi luôn.
Hôm sau, Hoàng đế hạ lệnh cho tiễn khách, còn chúc họ lên đường về nước vui vẻ bình an.
Từ đầu chí cuối, Công chúa còn chưa kịp gặp mặt Hoàng đế lấy một lần.
Ly Quốc ngơ ngác.
Ly Quốc không hiểu!!!
Nhưng mà dù sao cũng đã lỡ vượt ngàn dặm xa xôi đến tận đây rồi, sứ đoàn lại bàn nhau, hay là chuyển hướng sang Kinh Lạc đi vậy! Nghe bảo vị Vua chủ phương nam đó cũng có diện mạo hiền lương, sáng sủa như hoa.
Nghĩ vậy, sứ đoàn liền khăn gói lên đường xuôi nam.
Kinh Lạc quả nhiên hiếu khách hơn Đại Thương nhiều! Vua chủ đích thân đón tiếp họ, sau đó còn niềm nở bày tiệc thết đãi thâu đêm.
Khi nghe đến việc cầu thân, Vua chủ tủm tỉm cười, sau đó phất tay hạ lệnh, chẳng mấy chốc một dàn võ tướng trẻ tuổi tài ba đã được triệu kiến lên đại điện.
"Công chúa, từ từ mà chọn." Hoàng đế ý nhị cười trước khi bãi giá rút lui trong êm đẹp, bỏ lại dàn tướng quân kia ngơ ngác nhìn nhau.
Chuyện gì đang diễn ra vậy???
Rốt cuộc sau một đêm "căng thẳng" trên điện, sáng ngày hôm sau, Trần Duy Hưng xoa tay bước ra khỏi cửa, miệng toe toét cười khà khà mà thông báo: tướng quân Liêm Thanh đã lấy thân mình đền nợ nước rồi!
Tống Hàn nghe xong thì lắc đầu: "Không được không được! Nhà nó đã giàu nhất nhì Kinh Lạc, giờ còn làm Phò mã Ly Quốc, sau này anh em chúng ta không còn đường sống với nó mất!"
Trần Vũ liếc hắn: "Biết vậy sao không tự mình ứng cử Phò mã Ly Quốc đi?"
Tống Hàn xua tay gạt đi: "Thôi, tôi không muốn lấy vợ xa, đi ở rể."
Ấy vậy mà, Liêm Thanh nhất quyết không sang Ly Quốc ở rể.
Chẳng hiểu hắn làm cách nào, sau vài lần gặp gỡ, Công chúa Ly Quốc cũng sống chết đòi ở lại Kinh Lạc làm dâu.
Sứ đoàn Ly Quốc chỉ còn biết vò đầu bứt tai.
Má nó chớ, chuyến đi này lỗ quá!!!
Năm này, Khung Dực thỉnh thoảng sẽ xách theo vài vò rượu lê vàng rồi đi ra ba ngôi mộ nọ, ngồi xuống bên cạnh ngôi mộ của đại ca mình, kể lể cái này, than thở cái kia.
"Làm Hoàng đế mệt chết, chán chết đi được! Sao đại ca lại thích làm?"
Hắn nhăn nhó hỏi khoảng trống hư vô trước mắt, rồi hậm hực nốc cạn chén rượu đầy.
Lần nào cũng chẳng có ai đáp lời Khung Dực, chỉ có tiếng lá xào xạc trên đầu.
Vậy mà lần nào Khung Dực cũng cảm thấy nhẹ nhõm bình yên, sau khi trở về cung, tâm trạng bất giác tốt lên hẳn.
Năm thứ năm, Hoàng tử Trác Quân đã được ông ngoại Chu An và các vị Đại soái dạy cưỡi ngựa, dạy binh thư, được chú Vũ chú Hưng, chú Thanh chú Hàn dạy bắn cung, đấu vật, sau đó còn được mẹ dắt đi săn hổ ở dãy Hoành Sơn xa tít tắp.
Trác Quân rất thông minh, nghe là hiểu, nghe là hiểu.
Tóc của Tiểu hoàng tử cũng nhạt màu dần, khi đi ngoài nắng thì hiện rõ là màu nâu sẫm.
Những cái trộm nhìn len lén đã thôi không còn hướng về phía Trần Văn Chiêu.
Bóng lưng hắn vẫn luôn thẳng táp hiên ngang như bách như tùng.
Hắn vẫn đi theo sau lưng Đại công chúa, lặng lẽ canh chừng Tiểu hoàng tử trong mọi việc.
Có lần Trác Quân ngã từ trên ngựa xuống, Vũ Miên còn chưa gấp, Trần Văn Chiêu đã gấp đến toát mồ hôi, môi mím chặt đầy căng thẳng.
Một buổi chiều kia, Khung Dực đang đi ra rìa Đại Mạc xem ngựa chiến mới thuần mà Khoát Oa Na Lạp đưa đến thì nhận được tin khẩn do khoái mã từ dải Chinh Sa cấp tốc mang về.
Hắn giật mình không biết là việc gì, chỉ thấy binh lính dâng lên một hộp gỗ nhỏ.
Khung Dực mở nắp hộp, bên trong là một phong thư ngắn gọn của Đinh Đại Đồng.
"Vườn chà là mà Hoàng tử đích thân trồng năm xưa, nay đã cho đợt quả đầu tiên."
Khung Dực nhấc phong thư lên, bên dưới là một chùm quả vàng ươm, căng bóng, chợt thấy khóe mắt cay cay.
Hắn quay sang Khoát Oa Na Lạp, bảo tên này mang ngựa Khoát Oa thượng đẳng mà chạy về biên giới, giao chùm quả chà là căng mọng này cho Ngọc Huyên, sao cho khi đến Loa Thành quả vẫn còn tươi mới được.
Khoát Oa Na Lạp cười khẩy nói, hình như món nợ ân tình năm xưa ta chưa có đòi đâu nha.
Khung Dực liếc hắn, giao hàng thành công đi rồi tính tiếp.
Thế là chẳng bao lâu sau, Ngọc Huyên ở Loa Thành nhận được thư khẩn của Khung Dực, mở ra thấy một chùm quả vàng ươm như mật, bên cạnh là phong thư của anh với dòng chữ cứng cáp như vách sắt tường đồng.
"Em hãy trồng nó ở phương nam nữa nhé."
Nửa tháng sau, họ hẹn gặp nhau tại rừng mận ngay biên giới.
Khung Dực vừa thấy Ngọc Huyên từ trong bước ra là bỏ mặc hết mà chạy đến, vừa ôm vừa hôn vừa dụi, mà Ngọc Huyên cũng nhiệt tình đáp lại, còn chủ động nhéo nhéo hai gò má rám nắng của Khung Dực, miệng thì xuýt xoa nhớ chồng quá đi.
Quan lại và võ tướng hai bên: hai vị à, bọn tôi vẫn còn đứng đây sờ sờ đó!
Sau một hồi thỏa thuê, Ngọc Huyên mới chậm rãi quay sang nhìn Khoát Oa Na Lạp nãy giờ vẫn đang đứng im một góc, đoạn cất lời:
"Ngươi có mong muốn gì cần Kinh Lạc đáp ứng?"
Khoát Oa Na Lạp chỉ chờ có thế, nói ngay và luôn: "Ta muốn mỹ nhân phương nam."
Ngọc Huyên nhíu mày: "Là ai?"
Khoát Oa Na Lạp cười cười không đáp vội.
Hắn bảo mọi người đi vào doanh trại ải Bạch Vân với hắn, mỹ nhân đang ở đó.
Khi phái đoàn hai nước đến nơi, chỉ thấy Khoát Oa Na Lạp chỉ tay vào một chuồng voi chiến, dùng ánh mắt si mê mà nói:
"Ta muốn một cặp voi con, đem về Đại Mạc nuôi."
Bao nhiêu lần hắn mạo hiểm lén lút vượt biên sang Kinh Lạc, thực chất chỉ để chạy đến ải Bạch Vân, trộm ngắm loài động vật vừa dũng mãnh vừa dịu dàng, lại còn thông minh và tình cảm này.
Khung Dực nghe xong liền cau mày gạt đi: "Không được!"
Tượng Binh là binh chủng độc nhất và đặc thù của Kinh Lạc, sao có thể để hắn mang voi về.
Không ngờ Ngọc Huyên lại vô cùng bình thản, còn vui vẻ gật đầu:
"Được thôi."
Khoát Oa Na Lạp ngỡ ngàng, quan lại cùng dàn võ tướng đều ngỡ ngàng chưa kịp mở miệng can ngăn, đã thấy Ngọc Huyên cười cười nói tiếp:
"Ngươi tự dẫn đi, bọn ta không giúp."
Khoát Oa Na Lạp nghe xong sững ra, rồi chợt hiểu.
Muốn dẫn voi con đi, phải vượt qua voi mẹ, chưa kể con voi đầu đàn.
Điều này cực kỳ khó.
Lúc này Ngọc Huyên mới từ tốn bảo:
"Ngươi thuần ngựa, chắc cũng phải hiểu đạo lý này rồi.
Muốn nó theo ngươi, một lòng một dạ trung thành với ngươi, ngươi phải tự mình thuần lấy."
Chỉ có điều, thuần ngựa mất vài tháng, còn thuần voi có khi lại mất vài năm.
Kinh Lạc có bị lấy mất một cặp voi con hay không thì chưa biết, trước mắt chỉ thấy tộc Khoát Oa mất đi một tộc trưởng uy dũng thiện chiến về tay người phương nam đây này!
Khung Dực đứng ngẩn tò te bên cạnh, mãi mà không thốt nên lời.
Trời ơi, vợ mình giỏi quá đi mất! Dùng chính triết lý thuần mã mình dạy năm xưa mà ứng phó, rồi biết đâu còn thu được một tướng tài.
Ngày đó đã đến rồi, có phải không? Ngày em vươn mình trở thành tán đại thụ sum suê, vững chãi.
Vài ngày sau, Khoát Oa Na Lạp khăn gói lên đường sang ải Bạch Vân, bắt đầu hành trình thuần voi của mình.
Đã có lệnh của Ngọc Huyên, thế nên không ai làm khó hắn.
Vào đến chuồng voi rộng, phía trước còn là một cái ao trong veo, đập vào mắt hắn là hình ảnh một nam nhân trẻ tuổi, mình để trần, tóc vấn gọn sau đầu.
Người đó đang cho voi tắm, còn giỡn nước ầm ĩ với bầy voi khắp mặt ao, cực kỳ vui vẻ.
Thân thể nam nhân trẻ trung rắn rỏi như tạc tượng, ánh nước loang loáng dưới nắng, đôi mắt thì lúc nào cũng vương ý cười.
Khoát Oa Na Lạp ngẩn ra, phút chốc thất thần.
Đây mới đúng là mỹ nhân thật sự!
"Ngươi là cái tên du mục Khoát Oa nào đó muốn dẫn voi của bổn tướng quân đi, có phải không?" Trần Duy Hưng rũ nước bước lên bờ, hất hàm hỏi hắn.
Khoát Oa Na Lạp nghe đầu óc lùng bùng như tơ rối, trái tim thì đập tưng tưng điên cuồng.
Thôi xong đời rồi! Yêu mất, yêu mất thôi!
Năm thứ sáu, Nhạn Quân đã hồi phục tám phần, lúc này lại đang tuyển đợt dân binh mới, tuyển người tiếp tục chinh tây.
Hôm đó Khung Dực gặp Lăng Kỳ Anh đang về kinh báo cáo, liền vẫy hắn lại rồi vỗ vai mà hỏi:
"Sao, ngươi lại muốn đi có phải không?"
Lăng Kỳ Anh cười rồi xua tay: "Trời đất ơi Thống lĩnh, thuộc hạ còn đi đâu được chứ? Bây giờ Kỷ đại ca ở đâu thì thuộc hạ ở đó thôi."
Kỳ Anh thỉnh thoảng vẫn giữ thói quen gọi Khung Dực là Thống lĩnh như ngày xưa, mà Khung Dực cũng không chỉnh hắn, lại còn trộm vui vui trong bụng.
Lần đi chinh tây kỳ trước, Kỳ Anh đã thu thập được rất nhiều thông tin lý thú về vùng đất rộng lớn phía tây kia.
Mấy năm qua Khung Dực bận tối tăm mặt mũi, bây giờ thư thả mới có thời gian xem tới.
Khung Dực nhìn hắn rồi chợt hỏi: "Nhớ không?"
Kỳ Anh im lặng một chút rồi gật đầu.
Nhớ chứ, sao lại không.
Đất trời rộng lớn bao la, thiên nhiên hùng vĩ.
Cảm giác tự do đến mức sợ hãi, thế nhưng con tim vẫn giục giã dấn thân bước tới.
"Nhóc con, về hỏi Kỷ Phong thử xem.
Biết đâu hắn lại đồng ý đi cùng ngươi đấy."
Lúc quay về, Kỳ Anh ôm Kỷ Phong vào lòng, gục đầu vào vai y rồi dè dặt hỏi.
Ai ngờ, y đồng ý ngay không do dự.
Kỳ Anh ngỡ ngàng ngẩng lên, chẳng phải trước giờ huynh đều muốn ở lại đây giúp sức cho Thống lĩnh hay sao.
Kỷ Phong đưa hai tay ôm lấy gương mặt hắn rồi bảo, lần này ta sẽ không để ngươi phải đi một mình.
Thế là năm đó, Khung Dực lại đích thân tiễn hai người bằng hữu lên đường chinh tây.
Họ lại dẫn theo một lứa thiếu niên xán lạn, hồ hởi vượt qua vùng cỏ lau ngút ngàn, đi theo tiếng gọi của những miền đất mới.
Y hệt như ngày xưa.
Chỉ khác biệt là, lần này ta có người, người cũng có ta.
Năm này Trác Quân đã lớn, bắt đầu đọc sách viết chữ, còn săn được con cáo đầu tiên tặng mẹ.
Màu tóc nâu của Tiểu hoàng tử càng ngày càng rõ nét, làm cho mấy ông già như Chu An, Tống Cơ Long và Trần Lượng đứng ngồi không yên.
Bọn họ không dám hỏi Vũ Miên, chỉ đành kéo đến trước mặt Ngọc Huyên uống trà, xong lại ỡm ờ nói bóng nói gió.
"Là tóc nâu đấy!"
Ngọc Huyên buồn cười quá, chỉ đành an ủi đôi lời.
Khi nào chị Miên muốn nói thì sẽ nói, mọi người đừng lo lắng nữa.
Mấy năm nay bá tánh hai nước bắt đầu thông thương, đi lại rất nhiều.
Gạo nếp, vải vóc và hoa quả của Kinh Lạc đã đến tận bản làng trên Tuyết Nhạn, cũng như bảo thạch, thịt khô, trang sức và rượu nếp mật Kỉ Di của sơn tộc cũng đến được Thanh Châu, Lục Tĩnh, Loa Thành, rồi xuống tận vùng đồng bằng Thừa Thiên.
Đúng như mong đợi của Ngọc Huyên năm xưa, Nam Biên trở thành nơi thông thương kinh tế ngay cửa khẩu với Đại Thương, càng lúc càng nhộn nhịp, ngựa xe ngày đêm qua lại như mắc cửi, liên miên không dứt.
Năm thứ bảy, Bàn Minh Sơn ở vịnh Lam Thủy làm ra một chuyện động trời.
Khung Dực đọc tấu sớ mà hắn đưa lên, trố mắt hỏi đi hỏi lại, ngươi có chắc không.
Bàn Minh Sơn khảng khái gật đầu vỗ ngực, xin Bệ hạ ân chuẩn.
Khung Dực nghe vậy gật gù, được thôi, ngươi đã dám tâu, ta đây dám duyệt.
Không lâu sau, Khung Dực và Bàn Minh Sơn dẫn đầu sứ đoàn Đại Thương đi sang Kinh Lạc, về tận Loa Thành, dâng lên sính lễ xa hoa trân quý, xin hỏi cưới Chủ quản Thủy Binh, Đại soái Nguyễn Giang.
Vũ Miên nghe tin kinh ngạc không thôi, còn Nguyễn Giang thì đỏ bừng mặt mũi, cứ thế chạy lên đại điện mắng Bàn Minh Sơn sa sả.
Chỉ có Chu An, Tống Cơ Long và Trần Lượng ôm nhau khóc òa, cuối cùng cũng có người chịu rước nó đi rồi!
Đó là hôn lễ đầu tiên giữa triều đình hai nước.
Từ nay nam bắc một nhà, tương lai rạng rỡ dệt nên từ mười dặm lụa đỏ đưa dâu.
Nguyễn Giang là thầy của Vũ Miên, thế nên Đại công chúa "gả" sư phụ đi vô cùng long trọng.
Của hồi môn ngoài vàng bạc gấm vóc còn có ba trăm chiến thuyền, ruộng đất bạt ngàn thẳng cánh cò bay.
Đinh Đại Đồng, Hoàng Cảnh đi ăn cưới mà lóa hết cả mắt.
Ngay cả Lăng Kỳ Anh và Kỷ Phong cũng vượt ngàn dặm quay về chung vui.
Đại hôn diễn ra tại vịnh Lam Thủy, vô cùng long trọng.
Đêm đó Ngọc Huyên rất vui, uống say mềm rồi cười cười nói nói, sau cùng lăn ra ngủ mất, báo hại Khung Dực muốn làm chuyện xấu nhưng cũng không làm được.
Sáng ngày ra, Ngọc Huyên lại vòi Khung Dực dẫn mình đi thăm vườn chà là và vườn cây ăn trái của nơi đây.
Từ những hạt giống đầu tiên y gieo trồng năm xưa, giờ đây cây trái lớn lên cao vút.
Ngọc Huyên ngơ ngẩn nhìn những thân chà là xù xì sum suê trĩu quả, rồi lại quay sang nhìn Khung Dực, hai dòng nước mắt bất thần trào ra.
Nhìn xem, chúng ta đã đi được một chặng đường dài đến thế.
Năm thứ bảy này cũng có thêm một hỉ sự khác, đó là việc nhà Trần đại soái đón dâu.
Trần Vũ mặt mày u ám xô ngã Thùy Dung xuống giường, đoạn gầm gừ hỏi:
"Em cứ hết chạy đi hành y, rồi lại biệt tăm đi làm nhiệm vụ bí mật gì cho Công chúa.
Thế là không được, phải cưới em, bắt em lại, giấu em trong nhà thôi!"
Thùy Dung cười rũ trên gối mềm, sau đó khoa tay "nói" cực nhanh với hắn:
Cho dù anh có cưới em, em đi vẫn đi thôi!
Trần Vũ không tin, thế là đem trầu cau trà rượu đi tìm Vũ Miên xin cưới Thùy Dung thật.
Bạch Liên Ảnh Vệ đều là trẻ mồ côi, người làm chủ hôn sự nhìn đi nhìn lại cũng chỉ có Đại công chúa là thích hợp.
Thùy Dung nhỏ nhất trong tám người, ấy vậy mà lại thành gia trước nhất.
Năm đó, Vũ Miên lại lần nữa gả người đi.
Chẳng bao lâu sau, kinh thành nổ ra lời đồn, rằng Trần Lượng Đại soái đã có con dâu, còn là dâu trưởng, ấy vậy mà Tết nhất giỗ chạp lại chả thấy mặt đâu.
Trần Lượng biết thừa nàng dâu có chân đi, rày đây mai đó, còn Trần Vũ thì cũng chiều vợ hết mức, chẳng dám nói gì.
Em không thích làm giỗ ư, không sao cả, em cứ đi đi, nhớ về sớm với anh.
Năm đó, pháo nổ ngập trời, tin vui giòn giã.
Năm thứ tám, Khoát Oa Na Lạp vẫn chưa thuần được voi, không rõ là do voi Kinh Lạc khó thuần hay nam nhân du mục đó cố tình thuần không đặng.
Cả ngày, hắn chỉ bám dính lấy Trần Duy Hưng.
Khoát Oa Na Lạp trộm nghĩ, không thuần được voi cũng không sao, quan trọng phải thuần được người đem về Đại Mạc.
Ấy thế mà voi đã khó thuần, người cũng khó thuần nốt! Trần Duy Hưng rõ ràng là cũng có ý với mình, cơ mà lần nào hắn mở miệng muốn đem y về Đại Mạc, y lại gạt phăng đi.
Trần Duy Hưng mặc kệ Khoát Oa Na Lạp nhăn nhăn nhó nhó, chỉ tủm tỉm cười rồi quay lưng.
Đùa sao, ở Kinh Lạc đang sướng muốn chết, tự dưng lại mò về thảo nguyên ăn gió nằm sương! Anh đây tuấn tú nhưng anh đây không ngu, nhé.
Thời gian lại vùn vụt trôi.
Ngọn gió thái bình thổi về muôn hướng.
Ngựa xe qua lại mãi, trên những triền cỏ bao la của Đại Mạc, dưới những tán mận ngút ngàn, vó ngựa đã để lại con đường.
Con đường cứ thế rõ dần, rõ dần, từ đường mòn biến thành đường lớn, từ đường lớn trở thành quốc lộ, thông thương hai nước.
Chỉ có quân thần thân cận mới biết, con đường đó bắt nguồn từ những chuyến thư đi về của hai vị đế vương gửi cho nhau.
Trong hai năm cuối, lá cũng rụng về cội.
Trần Lượng là người đầu tiên cưỡi hạc về trời.
Trần Vũ kế thừa chức Đại soái của cha, trở thành Thống lĩnh Tượng Binh tân nhiệm.
Niềm an ủi đối với Trần gia là, năm đó Thùy Dung hạ sinh được một cặp sinh đôi trai gái, mẹ tròn con vuông.
Chỉ vài tháng sau, Chu An cũng lâm bệnh nặng.
Khung Dực ở Trích Nguyệt nhận được thư khẩn, lập tức bỏ hết mọi việc mà cưỡi chiến mã Khoát Oa ngày đêm chạy xuống phương nam.
Chu An nằm trên giường thấy Khung Dực về thăm, đưa tay run run vẫy hắn lại dặn dò mấy câu.
Xong xuôi, ngài mơ màng nói:
"Cha con đi trước ta đã tám năm rồi.
Hắn...!được gặp lại nàng trước tám năm.
Giờ đến lượt ta hội ngộ cùng bọn họ."
Đêm đó, Chu An qua đời.
Đại tang được tổ chức cực kỳ long trọng.
Hoàng tộc họ Chu chỉ còn Ngọc Huyên và Vũ Miên.
Ngày cử hành tang lễ, Khung Dực được hạ nhân dâng lên một tấm áo tang màu trắng.
Hắn không biết mặc.
Ngọc Huyên bước đến giúp hắn mặc vào, vừa buộc khăn tang cho hắn vừa bảo, đây là áo tang cho con rể.
Ngày đưa tang, quan tài được đưa ra khỏi Loa Thành để hạ xuống hoàng lăng, bá tánh Kinh Lạc thấy Hoàng đế Đại Thương khoác áo tang của con rể, đầu bịt khăn trắng đi theo linh cữu, họ chỉ cúi đầu lau nước mắt.
Lẫn trong đám đông có tiếng ai đó thì thào, tiếng kháo nhau nho nhỏ:
"Ngài ấy chính là Nhị vương tử Đại Thương năm xưa từ chối dẫn binh nam tiến đấy!"
Tang lễ xong xuôi, Khung Dực lưu lại Loa Thành vài ngày để cùng Ngọc Huyên và Vũ Miên cúng cái thất đầu tiên.
Hôm đó vừa đúng là ngày rằm, cũng là ngày bá tánh phương nam đi chùa dâng hương.
Trong những ngôi chùa của Kinh Lạc lại vang lên vô vàn lời cầu phúc dành cho Vua chủ Ngọc Huyên và Đại công chúa Vũ Miên, cho Tiểu hoàng tử Trác Quân, còn nhắc đến cả vị Hoàng đế Đại Thương kia nữa.
Bá tánh bảo, cầu trời phật phù hộ cho họ một đời bình an.
Họ đã vất vả nhiều rồi.
Năm đó, Khung Dực lần đầu tiên thấm thía rằng, thì ra hắn cũng có một gia đình ở phương nam.
Năm thứ chín, có một bầu không khí khẩn trương len lỏi trong triều đình hai nước.
Trác Quân được Vũ Miên dạy rất nhiều điều quan trọng, Tiểu hoàng tử vì thế có vẻ già dặn đi trông thấy.
Ngọc Huyên cũng bắt đầu có những động thái bàn giao quyền lực cho chị.
Việc này gợi lên những cơn sóng ngầm nho nhỏ trên triều, những ai tinh ý đều thấy rõ.
Năm này, Lăng Kỳ Anh và Kỷ Phong được Khung Dực gọi về.
Khung Dực bảo, sắp tới có lẽ sẽ có việc cần nhờ, hai ngươi chuẩn bị cho kỹ.
Kỳ Anh và Kỷ Phong cũng ngao du đủ, tình cảm mặn nồng đến không thể mặn nồng hơn, khiến kẻ đang yêu xa như Khung Dực ghen tỵ đỏ cả mắt.
Nhân dịp cả ba người đều đủ mặt, Khung Dực, Kỷ Phong và Lăng Kỳ Anh quay về Khúc Băng thăm mộ Lý Tao Niên, Lê Quảng Mục và Lâm Sách.
Xong xuôi, họ rủ nhau đi lên bản, xem tình hình sơn tộc sinh sống ra sao.
Tại nơi này, họ gặp một người không ngờ tới, đó là Trần Văn Chiêu, cũng là Hồ Nhất Niệm năm xưa.
Thì ra Trần Văn Chiêu năm nào cũng quay lại Tuyết Nhạn vào dịp giỗ Hồ Kha, cũng về thăm nghĩa mẫu.
Hồ phu nhân không hề trách cứ gì hắn, thậm chí còn có phần thương hắn nhiều hơn.
Đứa con gái của Hồ Kha và Hồ phu nhân năm nay cũng tròn chín tuổi, luôn miệng gọi Trần Văn Chiêu nghĩa huynh ơi, nghĩa huynh à.
Đêm đó, bốn người cùng ngồi ăn thịt nướng, uống rượu nếp mật Kỉ Di.
Vài tuần rượu trôi qua, Kỷ Phong chợt hỏi, vậy con rắn năm xưa là chúng ta giết nhầm ư.
Lúc này Trần Văn Chiêu mới từ tốn bảo, năm đó ta không nói với các ngươi, sơn tộc có lời truyền rằng, ai giết rắn thiêng sẽ bị thần linh quở phạt đó.
Kỷ Phong càng không hiểu, chẳng phải chúng ta đều sống sót sau đại chiến năm xưa, hơn nữa bây giờ còn sống rất tốt đó sao.
Rốt cuộc là phạt cái gì mới được?
Khung Dực nãy giờ vẫn lặng im, bấy giờ mới bảo, đã bị phạt rồi đấy thôi.
Phút chốc ai cũng chìm trong thinh lặng.
Tất cả bọn họ đều đã gánh chịu hình phạt của riêng mình.
Khung Dực thì trong một ngày mất đi gia đình, mất đi quê hương.
Kỷ Phong thì mãi luôn dằn vặt bản thân năm xưa đã để Kỳ Anh lên đường chinh tây một mình để rồi lâm vào hiểm cảnh, mất đi nửa cánh tay.
Còn Trần Văn Chiêu, Văn Chiêu hắn...
"Bị quở phạt thì đã sao?" Lăng Kỳ Anh vốn đứng ngoài cuộc chiến diệt xà, lúc này chợt thình lình lên tiếng.
"Quan trọng là có hối hận không? Nếu thời gian quay ngược lại, mọi người có làm khác đi không kia chứ?"
Chiếu rượu lại im lìm.
Mãi một lúc sau, Khung Dực chậm rãi nâng chén rượu của mình lên kính ba người còn lại.
Không hối hận.
Trần Văn Chiêu, Kỷ Phong và Lăng Kỳ Anh cũng nâng ly.
Không hối hận.
Lăng Kỳ Anh vẫn sẽ lên đường chinh tây cho thỏa chí kiêu hùng.
Kỷ Phong vẫn sẽ ở lại Đại Thương phò trợ Khung Dực, cứu Khung Dực một mạng khi hắn bị đem ra hành hình.
Khung Dực vẫn sẽ lên núi diệt xà, vẫn từ chối dẫn binh nam tiến.
Còn Trần Văn Chiêu cũng vẫn lại trở thành Hồ Nhất Niệm, lại chấp nhận mười năm tuyết trắng, miễn là Công chúa thành đại nghiệp trăm năm.
Tất cả bọn họ đều không hối hận.
Năm thứ mười, bốn cõi đã yên, bá tánh có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Vua chủ Ngọc Huyên tuyên bố nhường ngôi cho Đại công chúa Vũ Miên, hoàn toàn rút khỏi triều đình Kinh Lạc.
Lúc này bá tánh mới vỡ lẽ, thì ra từ lúc đọc lời thề đăng cơ, Ngọc Huyên đã nhắc đến hai chữ "mười năm", chính là vì ngày hôm nay.
Ngay từ đầu, y đã quyết định chỉ trị vì mười năm mà thôi.
Vũ Miên lên ngôi Nữ đế, trở thành vị nữ chủ đầu tiên của Kinh Lạc trong vòng mấy trăm năm qua.
Việc đầu tiên Nữ đế làm sau khi lên ngôi chính là công bố thân phận cha của Hoàng tử Trác Quân.
Đó là Đại vương tử Khung Tuấn của Đại Thương, người đã bỏ mình trong trận đại chiến năm xưa.
Hoàng tử vốn họ Khung, không phải họ Chu.
Từ giờ về sau, tên ngài ấy là Khung Trác Quân.
Trác của trác ngọc, Quân của quân vương.
Điều này có nghĩa là, Hoàng tử chảy trong mình hai dòng máu đế vương.
Ngài là hậu duệ của hoàng tộc Đại Thương, cũng là hậu duệ của hoàng tộc Kinh Lạc.
Nữ đế Chu Vũ Miên mũ miện sáng loáng, ngồi trên đại điện khẽ mỉm cười.
Đã đến lúc đưa Hoàng tử quay về cố hương, nhận quê cha đất tổ.
Những cơn sóng ngầm trong triều đình Kinh Lạc cuộn lên khe khẽ, thế nhưng không thành công phá vỡ khí thế áp đảo của Nữ đế Vũ Miên.
Lần binh biến thứ nhất của Kinh Lạc mà Vũ Miên dự đoán vào mười năm trước, rốt cuộc đã không xảy đến.
Một sáng mùa xuân năm đó, hoa mận nơi biên giới lại nở trắng đất trắng trời.
Núi rừng Mạc Bắc lại chứng kiến một cuộc chia ly lịch sử, còn có cuộc đoàn tụ sau mười năm chia xa.
Vũ Miên dắt tay Ngọc Huyên và Trác Quân chầm chậm bước ra khỏi rừng mận, sau lưng có Trần Văn Chiêu theo hầu như mọi lần.
Nắng xuân chiếu rọi, soi rõ từng bước chân người đi.
Khung Dực nhảy xuống ngựa, nhìn thấy bóng dáng những con người phía trước, phút chốc lại thất thần.
Lúc mới bắt đầu hắn đã từng nghĩ, mười năm thật dài.
Đến tận lúc này, khi đã đi hết chặng đường mười năm, Khung Dực mới biết.
Tháng năm rất ngắn, chỉ có đêm trắng mới dài mà thôi.
Là những đêm cô đơn trên Đại Mạc, dưới bầu trời lồng lộng gió hát và ngàn sao, cõi lòng lại tan hoang lạnh lẽo.
Là những đêm một mình đi khắp các hành lang cung điện của Trích Nguyệt, từng nơi từng chỗ đều là bóng dáng của cố nhân.
Thế nhưng cố nhân đã đi rồi.
Là những đêm chong đèn tự hỏi, mình đã làm tốt chưa, liệu đã đi sai nước cờ nào, còn điều gì phải lo toan, suy nghĩ cho bá tánh?
Những đêm trắng đó luôn luôn là vô tận.
Còn tháng năm, tháng năm chỉ là một cái chớp mắt, là cái quay đầu, là những lần hoài niệm tất cả người xưa giờ đã tan thành tro bụi, là cái giật mình nhận ra những việc bản thân mình đã trải qua giờ lại hóa thành từng dòng từng dòng trong sử sách.
Trác Quân bước lại gần, mở cặp mắt tròn xoe nhìn Khung Dực.
Nó đã gặp người này một lần trong đại tang của ông ngoại, mẹ và cậu Huyên còn dặn nó gọi người này là...
"Hoàng thúc." Trác Quân lên tiếng gọi.
Khung Dực khom người khẽ xoa đầu nó, bàn tay còn chạm nhẹ lên những lọn tóc nâu, sau đó nhoẻn miệng cười.
"Chào con, Trác Quân."
Vũ Miên ngồi xuống nhìn vào mắt Trác Quân rồi dịu dàng hỏi:
"Cậu Huyên của con từ giờ sẽ đi theo Hoàng thúc.
Con còn nhớ lời mẹ nói không? Con muốn đi theo cậu Huyên, theo Hoàng thúc về phương bắc hay ở lại phương nam với mẹ?"
Ngọc Huyên cúi đầu nhìn ánh mắt Trác Quân, trong lòng chợt biết Trác Quân sẽ chọn cái gì.
"Sau này con còn gặp mẹ nữa không?" Trác Quân hỏi.
"Còn chứ, mỗi năm con đều có thể về thăm mẹ kia mà." Vũ Miên bật cười.
"Hơn nữa, bất cứ khi nào con nhớ mẹ, cứ quay đầu nhìn về phương nam."
"Mẹ luôn ở đó."
Sau khi Trác Quân chầm chậm gật đầu, Vũ Miên ôm con lần cuối rồi đứng dậy, giao Ngọc Huyên và Trác Quân cho Khung Dực.
Khung Dực chìa tay ra đón lấy bàn tay Ngọc Huyên, sau đó nhẹ nhàng và thành kính, đặt lên đó những nụ hôn thật mềm.
Mười ngón tay thon, mười năm dành cho thiên hạ.
Chỉ còn nửa đời dành cho nhau.
Ngọc Huyên mắt hoe hoe đỏ, chậm rãi quay lại từ biệt Vũ Miên.
Xúc động một hồi, vào giây phút y toan xoay người bước đi, nàng chợt đưa tay ra níu lại.
Soạt.
Vũ Miên gỡ chiếc khăn lụa trên trán Ngọc Huyên xuống, làm mái tóc đen huyền của y xổ ra, lấp lánh trong nắng sớm.
"Phải sống thật hạnh phúc nhé."
Mười sáu năm đã trôi qua kể từ lần đầu tiên họ gặp nhau, cũng ngay tại nơi này.
Khi đó Ngọc Huyên vừa tròn mười hai tuổi, Vũ Miên mười sáu, Khung Dực mười tám, còn Khung Tuấn thì hai mươi.
Mười sáu năm sau, người lại nắm tay ta, đưa ta vượt qua thảo nguyên cỏ vàng, rước ta về Vương Đô.
Ngọc Huyên nắm tay Khung Dực, tay kia thì đặt lên vai Trác Quân, chầm chậm xoay đầu nhìn về phương bắc.
Chặng đường về nhà mở ra thênh thang, đầy nắng.
- -
Hoàn chính văn.
30/1/2023
- ------------------------------------------------
Hoàn chính văn rồi!! Ngày mai tác giả bắt đầu đăng phiên ngoại nha, đại kết cục nằm ở phiên ngoại đó!.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook