Vùng Đất Vô Hình
-
Chương 61: Chương 61: Làng Me Thuở Ấy
Trở về phủ lộ Bình An khiến Minh Khánh cực kỳ vui sướng. Với những người đa cảm như hắn, chỉ cần ngửi thấy mùi gió, mùi nắng của đất mẹ thôi cũng cảm thấy hạnh phúc rồi. Minh Khánh che mũ đứng chờ đò bên bãi sông vắng. Trời mùa hè như đổ lửa, thỉnh thoảng còn có những cơn hừng hực mang theo cả cát thổi rát mặt.Con sông mùa này cũng cạn nước, lộ ra bãi sông thoai thoải đầy cát mịn.
Ông lái đò sau khi chở một chuyến khách qua sông vẫn vui vẻ quay lại đón một mình Minh Khánh. Cái giọng đặc sệt của ông lái đò làm Minh Khánh thấy thân thuộc thế. Lên đò rồi, hắn vừa vui vẻ trò chuyện với ông lái vừa nhìn ngắm con sông. So với những mùa khác, nước sông đục hơn, thẫm màu hơn. Minh Khánh khẽ khoát tay. Nước sông vẫn lành lạnh. Làn nước cố gắng tràn qua các bãi cạn lộ rõ bên dưới, chầm chậm chảy về phía biển, cuốn trôi theo đám lá tre già khô úa. Con sông làm hắn nhớ tới chuyến đi bắt ma ở làng Me thưở nào.
*************************
Làng Me là một ngôi làng nằm bên sông Lục Bình. Gọi là thế vì mặt sông lúc nào cũng có đôi khóm lục bình, một loài bèo có hoa tím lớn trôi trên sông mà người ta hay vớt về băm nuôi lợn. Chả hiểu sao cái ngôi làng yên bình ấy lại gặp ma. Mà cũng không phải ma trong làng, mà là ma trên cái sông bên cạnh làng. Lạ nữa là con ma dưới nước đó không trừ bất cứ ai. Già trẻ lớn bé những ai qua sông vào ban đêm đều một đi không trở lại.
Sau khi chết hơn chục người, làng Me cũng cố đi khắp vùng để mời những thầy trừ ma cứng cựa nhất đến bắt. Thế nhưng đến khi ba bốn ông thầy cũng ra đi nốt, làng Me mới phát hoảng lên rằng con ma còn cao tay hơn rất nhiều “thầy”. Lúc này bọn họ mới bắt đầu tìm hiểu về nghề trừ tà và biết rằng trong tất cả những kẻ mang danh thầy trừ tà ấy, chỉ có ba phái là mang nghề trừ tà chính tông. Đó là phái Phổ Linh trên Hoàng Lĩnh Sơn, gia tộc họ Phạm ở đất Nam Lan và Quang Minh đạo tràng trên núi Bình Tử.
Quang Minh đạo tràng thì ở tận ngoài Bắc quá xa, nên các cụ trong làng Me chỉ đồng ý đi mời phái Phổ Linh hoặc gia tộc họ Phạm đến . Cuối cùng, sau những tranh luận nảy lửa xem bên nào hơn thì mấy nhà giàu sợ chết trong làng góp thêm tiền cho làng đi mời cả hai nơi. Có lẽ vì đất Nam Lan gần hơn mà người nhà họ Phạm đến trước. Khi đến làng Me ông ta một mình xuống sông điều tra suốt cả ngày. Rồi ngay trong đêm hôm sau, ông ta tổ chức bắt ma. Cả làng đèn đuốc sáng trưng theo dõi ông thầy leo lên con thuyền dán đầy bùa chú và đồ cúng, ung dung chèo ra giữa dòng. Mùa nóng nên nước sông cũng cạn, chỉ một lát con thuyền đã chui ra đến giữa giòng. Ông thầy lúc này bỏ chèo chui vào trong khoang. Kỳ lạ thay, chỉ trong chốc lát con thuyền bỗng xoay tròn trên sông. Rồi mọi người mới nhận ra dưới chân con thuyền đã hiện ra một xoáy nước khổng lồ tự bao giờ. Càng đáng kinh ngạc khi con thuyền vẫn chỉ xoay tròn bên trên xoáy nước to như cái ao đó mà không chìm. Rồi những bùa chú trên thuyền bắt đầu bóc ra và rơi lả tả. Có người làng Me còn khẳng định họ thậm chí nghe thấy tiếng hò hét và gươm đao chạm nhau trên thuyền.
Cứ thế suốt nửa canh giờ, cái xoáy nước bắt đầu bé lại, vòng xoáy cũng yếu dần, rồi biến mất. Con thuyền cũng dừng xoay. Mọi người thấy ông thầy họ Phạm chui ra khỏi khoang thuyền liền hoan hô. "Thầy cứu cả làng rồi" Nào ngờ, vừa hoan hô chưa được bao lâu thì cả con thuyền đột nhiên lật úp, hất luôn ông thầy xuống nước. Vì giữa đêm nên chả ai dám bơi ra cứu thầy. Mãi tới khi mặt trời lên vào sáng hôm sau, mọi người mới dám chèo thuyền ra sông đi mò. Đến gần chiều, có người tìm thấy xác thầy mắc vào một cái rễ cây bên sông cách làng khoảng hai dặm. Mang thầy về, ai cũng bịt mũi vì cái xác đã thối rữa như đã chết từ tháng trước.
Minh Khánh và sư phụ đến làng Me vào buổi trưa, lúc đấy dân làng đang tập trung ma chay cho thầy họ Phạm. Dẫu gì thì thầy cũng đã chiến đấu hết mình cho làng nên mọi người đều biết ơn. Minh Khánh và sư phụ được mọi người trong làng dẫn vào ăn cơm, nghỉ ngơi. Đến đầu giờ chiều thì một cụ già mới gặp hai người, bắt đầu kể đầu đuôi câu chuyện. Nghe xong, sư phụ Lê Văn Sơn bắt đầu suy nghĩ rồi xin cụ già gặp ông Tư Thồn, người đầu tiên và cũng là người duy nhất đã thấy con ma mà còn sống trong làng.
Ông cụ đồng ý, sai cháu dẫn hai người ra đầu làng. Nhà ông Tư Thồn nằm gần bến sông. Vừa bước tới cửa, Minh Khánh đã ngửi thấy mùi hương. Ấn tượng đầu tiên của hắn là nhà ông Tư Thồn cũng không giàu có gì nhưng thắp rất nhiều hương. Trong nhà ông phải có đến năm sáu lọ hương, lúc nào cũng khói nghi ngút. Lúc này mọi người đi làm đồng hoặc ra chỗ đám ma thầy họ Phạm hết, chỉ có mỗi ông Tư Thồn đang ngồi tụng kinh trên giường.
Gọi là đọc thì đúng hơn là tụng vì ông vừa nhìn sách vừa tụng, giọng còn ngắc ngứ chưa thuộc. Chắc ông vừa mới học đoạn kinh này không lâu. Thằng bé dẫn đường có vẻ vội, định lên gọi ông Tư Thồn báo có thầy đến nhưng bị sư phụ Lê Văn Sơn nắm tay kéo lại, ra hiệu không nên làm phiền. Ba người chờ đến lúc ông Tư Thồn đọc hết đoạn kinh thì mới tiến lên. Sư phụ Lê Văn Sơn chào ông: “Chào bác, bần đạo là thầy trừ tà trên chùa Phổ Linh. Hôm nay đến nghe chuyện làng, thấy mọi người bảo bác là người duy nhất gặp con ma, bần đạo mới xin gặp bác để hỏi chuyện.”
Ông Tư Thồn cúi lạy: “Dạ chào đạo trưởng, xin mời ngài ngồi để tôi đi rót nước.”
Sư phụ cười, nắm lấy tay ông, nói một cách rất thân thiết: “Không cần đâu, cơm nước bần đạo đã ăn uống no nê cả rồi. Giờ chỉ xin ông hãy thuật lại việc gặp ma đêm đó thật kỹ càng cho bần đạo có được không?”
Ông Tư Thồn đồng ý, bắt đầu ngồi nhớ lại. Giọng ông kể cứ như là từ một cõi xa xăm nào đó khiến Minh Khánh thấy rùng mình.
Đêm hôm ấy chiếc đồ ngang của ông lão Tư Thồn vẫn cố gắng chở khách qua sông. Ông đang gom tiền mua một mảnh ruộng, cho con có đất cắm dùi, không phải lận đận trên sông nước như ông. Tối nay, chỉ có bốn vị khách nhỡ đường, muốn đến làng Me trước giờ Hợi. Ông Tư Thồn năm nay đã gần năm mươi nhưng mắt mũi còn tinh lắm. Ông nhìn rõ khuôn mặt từng người khách dù chỉ bằng ánh đèn leo lét treo trên hông thuyền. Một bà đi chùa tuổi sồn sồn, bôi son trát phấn khá dày. Một cậu trai trẻ cắp tráp đi theo giống người hầu. Một người đàn ông có vẻ là sai dịch, mặc quần áo của nha môn, cái cằm lúc nào cũng hất lên, đầy vẻ khệnh khạng. Cuối cùng là một chàng thanh niên trẻ tuổi mặc đạo bào màu xám, lưng còn đeo kiếm gỗ. Cả bốn người đều có vẻ mệt mỏi, dựa lưng vào thuyền ngủ thiếp đi.
Lúc thuyền ra đến giữa sông thì ông Tư Thồn bỗng ngửi thấy một mùi ngai ngái hơi khó chịu, lại quen thuộc với ông. Ông Tư nghĩ mãi không ra đó là gì. Ông cố vươn cổ ra giữa trời hít một hơi, hi vọng không khí trong lành buổi đêm xua đi mùi khó chịu. Chỉ có điều khắp nơi tràn ngập cái mùi ngai ngái đó. Ông Tư nhìn vào trong khoang thuyền, nhìn xem có vị khách nào mang theo đồ vật thối rữa không?
Ông Tư bước vào khoang thuyền. Năm người vẫn ngủ say như chết. Cái mùi ngai ngái đó càng đậm đặc. Ông Tư định đánh thức bọn họ dậy để hỏi xem. Từ từ đã nào, từ lúc nào mà lại có thêm một người. Ông Tư nhớ lúc lên thuyền chỉ có bốn người khách thôi.
Ông Tư nhìn vào vị khách thứ năm. Không rõ y lên thuyền lúc nào. Người y ướt sũng như bị rơi vào nước, bụng phềnh như cái trống. Da thịt y bong tróc ra từng mảng lớn.
Y bỗng mở mắt nhìn ông Tư một cái, nhe một hàm răng chỉ còn răng và xương cười với ông. Ông Tư ớn lạnh trong người, sợ hãi kêu lên một tiếng. Y liền biến mất.
Tiếng kêu của ông Tư làm ba người khách tỉnh dậy, nhốn nháo hỏi ông chuyện gì. Ông Tư kể lại, bọn họ cũng đều sợ hãi mong ông mau chèo thuyền khỏi đây. Nhưng ông vừa cầm lấy mái chèo thì bà sồn sồn hét lên sợ hãi, ôm chầm lấy cậu trai trẻ. Ông Tư bước vào, thấy đạo sĩ mang kiếm đã chết tự bao giờ, cả người y ướt sũng nước như vừa ở dưới sông lên. Ông Tư sợ quá, vội vã chèo thuyền vào bến. Nhưng còn cách bến ba mươi thước thì cậu trai trẻ lại kêu lên. Ông Tư nhìn thấy cậu đẩy bà sồn sồn ra, bà ta cũng ướt sũng nước, có vẻ không còn thở nữa.
Cậu trai trẻ và gã sai dịch vừa bò ra khoang thuyền vừa hoảng hốt kêu cứu mạng. Ông Tư chèo càng nhanh, thuyền cập bến, hai người khách nhảy vội lên. Nhưng hai cánh tay trắng hếu từ dưới sông vươn ra, túm lấy chân bọn họ kéo ngược trở lại trong sông. Ông Tư mặc kệ tiếng kêu la của bọn họ, cắm đầu chạy thục mạng. Ngày hôm sau lúc ông trở ra thì con thuyền vẫn còn nguyên. Ông liền kéo thuyền về nhà, rồi đi thông báo với lý trưởng. Lúc đầu lý trưởng không tin ông, thậm chí biết ông không chèo đò nữa còn mua rẻ lại chiếc đò cũ. Bán chiếc đò rồi, ông Tư về nhà ốm một trận nặng tưởng chết. Thế nhưng mấy ngày hôm sau, khi tỉnh dậy ông nghe đồn lại có người bị ma bắt. Lần này đến người chèo đò là cháu họ xa nhà lý trưởng cũng không may mắn được như ông.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook