Vùng Đất Vô Hình
-
Chương 21: Chương 21: Chuyện Cái Giếng
Cái giếng ma quái này nằm ở xóm Tả Nguyên, có tên là giếng Đá. Cái giếng có kiểu kiến trúc hình vuông, sâu khoảng ba đến bốn trượng, rộng hơn một trượng. Xung quanh được ốp những phiến gỗ quý, qua hàng trăm năm rồi mà vẫn cứng như đá, đen như than.
Cái giếng này ẩn chứa rất nhiều điều kỳ quái, đêm nào giếng cũng phát tiếng động lạ giống như có người đang múc nước. Dân trong làng mỗi thế hệ đều có những người tò mò, họ rình hàng đêm để xem ai múc nước giữa đêm, nhưng chưa bao giờ bắt được thủ phạm. Đặc biệt tiếng kêu này chỉ xuất hiện vào ban đêm, ban ngày thì yên ắng.
Ngoài ra, bất kể vào mùa nào nước giếng luôn trong vắt và ngọt lịm. Bởi thế nước giếng rất được người dân trong vùng ưa thích. Vào những ngày hạn hán, bọn họ đi cả mấy dặm đường đến để gánh nước về nhà uống. Lạ lùng thay, cho dù trong ngày có đông người múc nước cỡ nào thì nước giếng cũng không bao giờ cạn. Tuy nhiên khi nước dâng đến thành giếng thì mạch nước ngừng chảy, và nước không bao giờ tràn ra ngoài, dù chỉ một giọt.
Người dân trong vùng đồn rằng giếng rất thiêng. Có nhiều người từng đến đây cầu nguyện. Không ai biết họ có được như ý không nhưng trong làng thì xuất hiện một vài trường hợp. Ông Hạnh chẳng hạn. Nhà ông nghèo lắm, chỉ có mỗi túp lều lụp xụp với mảnh sân hẹp. Ông từng ra giếng cầu cho nhà khấm khá hơn một chút. ‘Cái giếng’ phán ông phải đi dọn rác rưởi quanh cái giếng mười năm. Ông dọn được tám năm rưỡi thì tìm được một túi bạc do ai đó dấu trong bụi. Từ đó ông mua được ruộng được trâu, đời sống trở nên sung túc.
Nhà bà Minh cũng là một ví dụ về những người tin vào cái giếng. Con trai bà bị bệnh dở, tức là nhiều lúc nó không bình thường. Bà cũng ra cầu cái giếng. Cái giếng phán bà phải mở trường làng cho lũ trẻ. Bà vay tiền xây một khu nhà trên mảnh vườn, rồi thuê thầy đến dạy học cho đám trẻ trong làng. Mấy năm sau, có ông thầy đến đó dạy, cảm phục tấm lòng bà, cho bà một cái đơn thuốc gia truyền. Con trai bà uống hai năm, bệnh đỡ nhiều, cũng biết đọc biết viết, giờ vào làm việc trên huyện nha.
Cái giếng sẽ tuyệt vời biết bao nếu không xảy ra những chuyện gần đây. Vào một đêm trời gần về sáng, cô Quy lại như thường lệ lại mang rau ra giếng Đá rửa trước khi bán ở chợ. Cái giếng gắn bó với làng đã qua nhiều thế hệ và trở thành một nét sinh hoạt riêng của làng, mọi công việc từ nấu ăn, tắm rữa đều lấy nước từ giếng.
Cô Quy thả gầu xuống giếng múc nước. Kì lạ, chiếc gầu không chạm mặt nước mà va phải vật gì cứng làm phát ra tiếng lộp cộp. Thấy lạ cô Quy cúi đầu nhòm xem xem vật gì dưới giếng. Và cô há hốc mồm khi dưới giếng là một cái đầu mèo to. Hai mắt nó sáng như hai ngọn đèn màu trắng. Nó nhìn cô chằm chằm. Không thể nói hết nỗi sợ hãi của cô Quy lúc này, cô vội vứt gầu, vứt cả rau, chạy một mạch về nhà và kể lại mọi chuyện cho chồng con nghe.
Sáng hôm sau cả làng ai cũng biết chuyện cô Quy gặp ma. Một số người xuống giếng để tìm xem có mèo chết dưới đó không, nhưng chẳng thấy gì. Đêm hôm đó, cô Quy mất tích. Cả làng nhốn nháo đi tìm.Chồng con cô sợ ma bắt, ra giếng tìm nhưng cũng chả thấy. Ba ngày sau, cô Quy tự nhiên trở về. Ai hỏi ba ngày nay ở đâu làm gì thì cô cứ bảo là không nhớ. Có người ác độc trong làng còn nói rằng cô bịa chuyện ma để đi ở nhà tình nhân nhưng hầu hết mọi người đều tin lời cô.
Cô Quy trở về thì đêm ấy lại có người mất tích. Lần này là ông Cà nhà cuối xóm. Nghe đâu buổi tối ông ra giếng lấy nước về nấu cháo cho con dâu mới đẻ. Ông Cà cũng đi một lần ba ngày. Khi trở về ông cũng giống cô Quy, tức là không nhớ một chút gì. Rồi đến lượt bé Tâm, rồi bà Hồng, tất cả đều được cái giếng cho đi chơi ba ngày. Dân làng sợ lắm, biết ở trên huyện có thầy bắt ma rất giỏi, liền mời thầy về làng.
Minh Dũng sau khi chia tay Minh Khánh, Minh Long ở huyện Nha Nghi, liền qua sông đến huyện Tân Phúc. Gã một mặt trừ ma bắt quỷ, một mặt tuyên dương phái Phổ Linh. Sau khi sư thúc mở cửa địa ngục, ma quỷ cũng bắt đầu nhiều lên, uy tín của gã càng lúc càng cao, đến dân ở các nơi khác cũng biết tiếng Minh Dũng.
Dân xóm Tả Nguyên đến mời Minh Dũng đi bắt ma. Gã cũng không từ chối. Trước khi đến gã dặn dân trong làng chuẩn bị trước chó, gà, tiền vàng các loại lễ cúng. Xong xuôi, gã mới thu thập hành lí, mang theo lệnh bài, kiếm, một ít tà vật bùa chú đến.
Hôm mà Minh Dũng đến nơi thì lại có người bị cái giếng bắt. Lần này là một thanh niên trẻ khỏe ra gánh nước buổi trưa. Minh Dũng quyết chí tìm cho ra con ma. Gã bắt đầu điều tra về nguồn gốc cái giếng, cả những người từng bị giếng bắt. Qua điều tra gã phát hiện một điều, cái giếng đã có từ khoảng ba trăm năm trước, và việc người bị bắt như thế này xảy ra lần đầu. Minh Dũng kiểm tra những người bị bắt. Bọn họ đều thật sự không nhớ gì trong thời gian ba ngày biến mất. Lúc trở về thứ duy nhất bọn họ cảm thấy là.. ‘đói’. Trên người bọn họ cũng không hề có một chút âm khí, oán khí nào.
Minh Dũng cho kết luận là dưới giếng có một con yêu quái, hoặc bản thân cái giếng chính là yêu quái. Thầy trừ tà, nhất là những người có tâm chí kiên định, lại có bảo vật hộ thân như Minh Dũng, làm sao có thể sợ yêu quái. Gã bèn giắt kiếm bên hông, một tay cầm lệnh bài, lặn xuống giếng. Suốt hai ngày, Minh Dũng không tìm ra con yêu quái đâu. Hắn chỉ cảm thấy cái giếng được bao bọc bởi một loại trận pháp rất inh.
Tối hôm đó, Minh Dũng lại ra giếng. Gã hi vọng ban đêm âm khí nhiều sẽ dễ dàng tìm được con yêu quái. Lúc gần tới cái giếng, Minh Dũng chợt thấy một cái bóng người xiêu vẹo đi trên thành giếng. Gã hỏi : “Ai đấy?” Người đó giật mình ù té chạy. Minh Dũng rút kiếm gỗ đuổi theo. Người đó chạy được mấy bước thì ngã vào một bụi cây. Minh Dũng từ từ tiến lại, hai mắt mở to. Gã muốn xem kẻ đó là người hay quỷ. Đột nhiên trong lúc này có một âm thanh kỳ lạ dưới giếng vọng lên. Minh Dũng cảm thấy đầu óc trở nên mơ hồ, giống như lúc say rượu. Tiếp đó gã cảm thấy mình muốn ngủ và không biết chuyện gì diễn ra tiếp sau nữa.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook