Vợ Phi Công
Chương 22

ĐÂY HOÀN TOÀN LÀ MỘT CÂU CHUYỆN HƯ CẤU về một người phụ nữ có chồng tử nạn trong tai nạn máy bay. Các nhân vật không dựa trên người thật và không giống bất kỳ người nào tôi biết hoặc từng nghe nói đến.

Tôi muốn cám ơn những người sau đây ở nhà xuất bản Little, Brown and Company: biên tập viên của tôi, Michael Pietsch, vì con mắt tinh tường, niềm đam mê biên tập, và sự uyên bác khiêm tốn; người làm công tác đối ngoại của tôi, Jen Marshall, vì đã giải quyết mọi vấn đề phát sinh một cách dễ dàng; và Betsy Uhrig, vì sự rõ ràng và chu đáo mà cô đem lại cho công việc chỉnh sửa bản thảo quyển sách này.

Tôi cũng muốn cám ơn con gái tôi, Katherine Clemans, vì đã giúp định hình chân dung Mattie; Alan Samson ở Little, Brown and Company, Anh quốc, vì đã đọc bản thảo và sự ủng hộ không ngừng; và Gary DeLong, vì đã chia sẻ với tôi những chi tiết về thực tế khắc nghiệt của giai đoạn để tang.

Như thường lệ, tôi vô cùng biết ơn John Osborn, luôn là người đầu tiên đọc bất kỳ bản thảo nào của tôi và không ngừng hướng tôi đi đúng hướng một cách hết sức nhẹ nhàng.

Và cuối cùng, dù không kém phần quan trọng - kỳ thực, đây là điểm mấu chốt trong tất cả những quyển sách của tôi - tôi muốn cám ơn người đại diện và người bạn của tôi, Ginger Barber, vì sự phê bình sắc sảo và lòng tử tế vô biên.



Một cuộc trò chuyện với Anita Shreve

Bốn năm sau khi phát hành Vợ phi công, tác giả trò chuyện với phóng viên Sue Fox của báo The Independent về nguồn gốc quyển tiểu thuyết và về cuộc đời nhà văn của mình.

Thật là một cảm giác nhẹ nhõm khi gặp Anita Shreve ngoài đời. Ở khắp nơi trên thế giới, trên máy bay, tàu lửa, và bãi biển, khó mà không bắt gặp một ai đó đang đọc một trong những tiểu thuyết bán chạy của chị: Vợ phi công, Fortune’s Rocks, Thủy trọng, Lần cuối họ gặp nhau. Lại là chị - ảnh chân dung tác giả trên bìa sách, trông hoàn hảo đến khó tin. Áo khoác đen đắt tiền, áo sơ mi trắng cổ điển (một chiếc vòng bằng vàng kín đáo nằm dưới cổ tay áo), những lọn tóc vàng tinh tế, trang điểm hoàn hảo, và một ánh mắt bí ẩn.

“Chỉnh sửa và thủ thuật ánh sáng thôi,” Anita Shreve nói, xua con chó đi và đón cậu con trai, Christopher, một cậu bé mười hai tuổi đáng yêu và thích chuyện trò, mới đi học về. Chúng tôi đang ngồi trong nhà bếp của ngôi nhà là niềm ao ước của nhiều người, rộng, sơn trắng, tràn ngập ánh nắng, xây được gần một thế kỷ và vừa mới được tu sửa, ở Longmeadow, Massachusetts. “Người chụp bức ảnh đó chuyên làm việc với người mẫu mà.”

Không qua chỉnh sửa và ánh sáng, Shreve trông chẳng có nét nào giống bức ảnh đó. Nhưng ngay cả khi chỉ mặc quần jean và không trang điểm, trông chị vẫn khá đáng yêu. Chị sở hữu nhan sắc tự nhiên mặn mòi, hoàn toàn thích hợp với một người phụ nữ năm mươi lăm tuổi đã kết hôn lần thứ hai và có hai con (chồng chị, John, làm trong ngành bảo hiểm, đã có ba con với người vợ trước). Trông chị giống hệt như người vợ và người mẹ có những tác phẩm - viết bằng tay, trong lúc mặc áo choàng tắm, trong một góc của phòng khách - quá thành công đến nỗi có thể không cần phải làm việc nữa. “Nhưng tôi luôn có động lực và không thể tưởng tượng sẽ ra sao nếu không viết nữa. Đó là công việc của tôi. Anh không dừng lại chỉ vì anh đã viết xong một quyển sách. Không ai nghĩ đến việc nói với một kiến trúc sư, ‘Ông có thiết kế một tòa nhà khác không?’ nhưng người ta luôn hỏi các nhà văn câu hỏi đó.”

Shreve đã sáng tác chín tiểu thuyết trong mười một năm. Chị viết về những câu chuyện tình, kể bằng giọng lưu loát, nghệ sĩ và những đoạn đối thoại hấp dẫn. Chúng chứa đựng những con sóng thủy triều cảm xúc gây chấn động diễn ra ở những địa điểm được vẽ nên một cách hết sức tinh tế.

Tác phẩm mới nhất của chị là Thủy tinh biển, lấy bối cảnh New Hampshire năm 1929. Honora Beecher và chồng, Sexton, đang xây dựng gia đình hạnh phúc thì chợt rơi vào vòng xáo trộn của cơn khủng hoảng thị trường chứng khoán năm 1929. Mất sạch tất cả, họ buộc phải thích nghi với hoàn cảnh mới.

Shreve, khám phá mối liên hệ đan xen giữa những cuộc đời khác nhau, kể câu chuyện của họ bằng cách đưa độc giả trở lại ngôi nhà nằm ở trung tâm của Vợ phi công và Fortune’s Rocks. Chị cho biết ngôi nhà được dựa một phần trên một ngôi nhà có thật mà chị từng thấy từ bên ngoài mà vì lý do nào đó, chị không thể nào quên được. “Nhưng toàn bộ các chi tiết đều là tưởng tượng. Ngôi nhà ra đời từ chính sự tưởng tượng của tôi; nó cũng chỉ là một nhân vật, như Honora và Sexton. Trong Thủy tinh biển, tôi có nhắc đến bức họa của Claude Lugny, một họa sĩ mà tôi có đề cập trong Vợ phi công. Chỉ là do tôi tạo ra cho vui, nhưng một số độc giả lại tin rằng ông ta có thật và muốn biết họ có thể xem thêm tranh của ông ta ở đâu.”

Shreve thường xuyên trở về bờ biển New England, dùng những cách thức mới mẻ để tạo ra các nhân vật lặp lại, những tiên tri và hồi ức hấp dẫn, và những cái kết gây bồi hồi khôn tả. Hai quyển tiểu thuyết đã được chuyển thể thành phim. Vợ phi công được dựng thành phim trên đài truyền hình Mỹ. Thủy trọng, với sự tham gia của Liz Hurley và Sean Penn, được chiếu tại Liên hoan phim London. “Phim cũng khá giống sách, chỉ khác là trong phim thì đứa bé không chết. Hollywood sẽ không bao giờ làm phim với kết cục như thế.”

Oprah Winfrey đã thổi bùng sự thành công thương mại của Shreve, chọn Vợ phi công cho câu lạc bộ đọc sách truyền hình của bà. Những đầu sách do Oprah chọn thường lập tức bán được hơn một triệu bản, đẩy các tác giả lên bục vinh quang trong nước, và cả quốc tế. “Oprah đã khích lệ cả một lực lượng độc giả mới, vì vậy các nhà xuất bản rất quý chị ấy. Xác suất được chọn là cực kỳ thấp. Tôi đã quá may mắn.” Vợ phi công khiến Oprah nảy ra “ý tưởng thực hiện một chương trình về những người phụ nữ phát hiện ra chồng mình đang có gia đình ở nơi khác. Tôi được mời đến buổi ghi hình, hôm đó Oprah mời năm người phụ nữ đến để chia sẻ câu chuyện của họ. Từng câu chuyện đều thê thảm hơn những gì tôi từng viết. Cuộc đời thật lúc nào cũng thê thảm hơn so với tiểu thuyết.”

Shreve cho biết, viết tiểu thuyết là một sự nghiệp tuyệt vời đối với bất kỳ người nào có con nhỏ. “Tôi làm việc vào tất cả các buổi sáng, ngay sau khi Chris đi học, và kết thúc vào giờ ăn trưa. Có một số giai đoạn, khi quá nhập tâm với những gì đang diễn ra, tôi thường dành rất nhiều thời gian sống trong thế giới đó. Đôi khi rất khó để trở về thế giới thật - nhất là vào lúc đầu, khi có quá nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp. Nhân vật nào sẽ kể câu chuyện này? Tôi sẽ dùng thì gì?”

Trong ngôi nhà mới, Shreve không còn mặc áo choàng tắm ngồi viết nữa. Chị có một căn phòng riêng: một phòng làm việc nằm phía trên phòng ngủ trong căn nhà liền kề dành cho khách. Chị cũng có một hồ bơi với một thiết bị mà chỉ cần bấm một nút là sẽ tạo ra những gợn sóng giống như đang bơi trên biển. Hồ bơi này là thú giải trí xa xỉ duy nhất của chị. “Căn phòng nơi tôi viết là một lớp học trống. Chỉ có một chiếc bàn với những bức tường trơn. Tôi không nghe nhạc, không treo tranh ảnh, vì không muốn sự sống xâm lấn. Tác phẩm của tôi phải được tạo ra từ sự thiếu thốn, chứ không phải từ sự thừa mứa.”

Đặt câu hỏi từng là sở trường của Shreve. Từng làm nhà báo mười lăm năm, song chị không quá quan tâm đến phần việc này. “Tôi luôn cảm thấy căng thẳng mỗi khi đặt câu hỏi, nhưng tôi thích nghiên cứu trong thư viện và tìm ra những cách sáng tạo để kết hợp các tư liệu với nhau.” Nhưng bù lại, nghề báo là một sự tập dượt tốt cho nghề văn. “Tôi không thể nào viết được một bài báo nếu không biết câu cuối cùng sẽ là gì. Nó cũng tương tự như khi viết sách. Tôi phải biết kết cục, dù tôi không nhất thiết phải biết mình sẽ đến được đó bằng cách nào. Đó là một phần của thú vui mà - cảm giác được phát triển câu chuyện.” Dù lúc này không có thời gian, nhưng trong vài năm qua Shreve đã giảng dạy các lớp sáng tác tại trường Cao đẳng Amherst, dùng những kỹ thuật viết báo để khuyến khích sinh viên sáng tạo ra câu chuyện của họ.

Lớn lên ở Dedham, một vùng ngoại ô trung lưu ở Boston, chị đã luôn mơ ước trở thành nhà văn. “Tôi học chuyên ngành Anh ngữ ở trường cao đẳng, nhưng bố tôi lớn lên trong thời đại Suy thoái và là người rất thực dụng. Ông một mực bảo tôi rằng sau khi tốt nghiệp, tôi có thể làm bất cứ việc gì miễn là phải có bằng sư phạm và có một cái nghề. Tôi dạy phổ thông được năm năm thì nghỉ để viết truyện ngắn và nhận ra bố tôi đã đúng. Rất khó để kiếm sống bằng việc viết lách.” Một số truyện của Shreve được đăng trên tạp chí và có một tác phẩm đoạt giải thưởng O. Henry.

Lập gia đình và có một cô con gái (năm nay hai mươi tuổi, đang học cao đẳng ở xa), nghề báo, và thời gian ở Kenya đã tạo nên câu chuyện riêng của Shreve, nhưng chị rất dè dặt trong việc tiết lộ về đời tư của mình. “Tôi thích gặp gỡ mọi người ở các câu lạc bộ sách, thảo luận nội dung, hoặc đọc sách, nhưng chỉ có thế. Một phần trong tôi ao ước tôi có thể viết ẩn danh. Tất nhiên đó là điều không thể nếu anh muốn người ta mua sách của mình. Những câu chuyện của tôi đều được sáng tạo ra. Các nhân vật đều là tưởng tượng. Họ không phải là tôi hay cuộc đời tôi. Ngay từ đầu tôi đã ý thức phải gạt tất cả những người tôi quen biết - bố mẹ, bạn bè, thậm chí cả độc giả - ra khỏi đầu để khỏi có cảm giác bị trấn áp, và không có ai can thiệp vào những cơn mơ mộng của tôi.”

Shreve mô tả việc viết tiểu thuyết là mơ mộng giữa ban ngày. “Một cách tuyệt vời để có những cuộc nói chuyện tưởng tượng.” Chị bắt đầu viết truyện hư cấu một cách bí mật. “Nó cũng giống như cố gắng cai thuốc lá. Anh không muốn người ta biết anh đang làm chuyện đó, đề phòng trường hợp anh bỏ cuộc. Cần phải có một niềm tin mãnh liệt mới có thể viết được một thứ mà không ai yêu cầu và có thể không muốn.” Thành công là vậy, song chị vẫn rất kín kẽ. “Vũ trụ mà tôi đang tạo ra rất mong manh, không tiết lộ gì sẽ dễ hơn - kể cả tựa sách. Tôi không muốn biên tập viên của tôi hay bất kì ai biết tôi đang viết gì cho đến khi tôi đã sẵn sàng.”

Khi còn làm báo, Shreve là biên tập viên của tạp chí Us, cộng tác với tạp chí Newsweek và Tạp chí New York Times. Chị từng sống vài năm ở Nairobi, biên tập một tờ tạp chí châu Phi, “làm tất tần tật từ viết công thức nấu ăn đến phỏng vấn tổng thống.” Hai bài báo của chị đã được phát triển thành hai quyển sách phi hư cấu. “Khi viết xong một bài cho Tạp chí New York Times là anh đã thu thập được quá nhiều tư liệu nghiên cứu, việc mở rộng... không còn quá khó nữa. Nó cho tôi động lực để thoát ra khỏi sự giới hạn của báo chí về số chữ, nhưng phi hư cấu khiến tôi nhận ra là tôi thích sáng tác truyện hơn nhiều.”

Một điều trong nghề báo chưa bao giờ khiến Shreve thích thú là quy tắc vàng: nhà báo phải quan tâm đến sự thật. “Anh không thể đi vào đầu người khác để đưa ra phán đoán về họ,” chị nói. “Kể cũng lạ, tôi lại nghĩ rằng khi viết truyện hư cấu, anh sẽ dễ ‘nói thật’ hơn.”

Toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn của Sue Fox với Anita Shreve được đăng trên The Independent vào ngày 30 tháng 3 năm 2002.

Bản quyền 2002 The Independent. Việc in lại phải được sự cho phép.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương