Viết Xuống Chút Hồi Ức
-
Chương 33
Trong thời gian đó, những ngày tháng của tôi lại bắt đầu đơn điệu và bận rộn hơn.
Sau khi gửi xong luận văn vào tháng 5 mới dần dần được thả lỏng.
Trong khoảng thời gian ấy, tôi và Thẩm Phương chủ yếu liên lạc qua điện thoại, tổng cộng số lần chị đến tìm tôi chỉ có hai hoặc ba lần.
Nhưng tôi cũng phát hiện rằng hoá ra chị rất thân thiết với người Scotland.
Theo như lời chị, là vì công ty chị từng hợp tác với ông trong các dự án thảo dược tự nhiên.
Chị ấy nói với người Scotland rằng chúng tôi là "chị em họ".
Trong tiếng Anh, chị em họ hàng là quan hệ huyết thống có thể bao hàm tổ tiên từ đời thứ 18 hoặc thậm chí còn xa hơn, chỉ cần thân thiết một chút, và không cùng một mẹ sinh ra thì đều có thể dùng từ này.
Nên người Scotland không nghi ngờ gì, ông chỉ thi thoảng nói với tôi là: "Chị họ cô rất quan tâm đến việc học của cô."
Chị luôn có thể biết được tình hình của tôi từ người Scotland.
Ví dụ như, chị sẽ chủ động hỏi tôi, có phải tôi muốn tiếp tục học xong cả tiến sĩ không.
Lúc đó, đúng là tôi đang hoang mang về việc này.
Có vẻ người Scotland rất hài lòng với tôi, ông luôn khuyên tôi không nên chỉ học mỗi MPhil, mà hãy dũng cảm học luôn PhD.
Nếu như đối với người khác, đây chính là một cơ hội hiếm có khó tìm.
Tôi trưng cầu ý kiến từ mẹ tôi, đương nhiên mẹ tôi hi vọng tôi có thể mang về được tấm bằng Dr.
Tôi lại hỏi bạn trai, lúc đầu anh ấy nói đây là một cơ hội rất tốt đối với tôi, sau đó lại không giấu được tiếng thở dài buồn bã vì sắp phải xa nhau lâu hơn.
Sau đó tôi hỏi ý kiến Thẩm Phương, Thẩm Phương cũng giống mẹ tôi, kiên quyết ủng hộ tôi học PhD, đến lúc lấy được tấm bằng tiến sĩ cũng chỉ 26 tuổi, tiền đồ rộng mở.
Như vậy tỉ số là 2:1.
Nói ra cũng buồn cười, không biết từ lúc nào, tự dưng tôi cũng coi Thẩm Phương là một người quan trọng trong sinh mệnh mình.
Mà bản thân tôi, tôi có chút không an tâm về mẹ và bạn trai tôi, hơn nữa, tôi thực sự rất nôn nóng muốn ra ngoài tìm việc và kiếm tiền.
Đặc biệt là khi nghe thấy mẹ nói với tôi qua điện thoại rằng bố tôi mưa thuận gió hoà chuẩn bị huy động vốn lên thị trường, tôi như đang ngồi lên đống lửa, ghen ghét đến mức muốn cướp ngân hàng.
Tôi nghĩ về điều đó rất lâu, sau đó, tôi gọi cho Thẩm Phương, nói với chị ấy, là tôi quyết định sẽ không học lên.
Chị hỏi tôi vì sao.
Tôi nói, lúc đó lớn tuổi, còn chưa bắt đầu kiếm tiền nuôi gia đình sẽ khiến lương tâm cắn rứt.
Chị khuyên tôi, việc kiếm tiền có thể gác lại, mới 23 tuổi mà.
Tôi lắc đầu, nói: "Không đợi được đâu." Chị nói: "Đợi gì không được?" Tôi cười: "Em muốn tiền, không đợi được muốn kiếm tiền." Thẩm Phương không còn nói thêm về quan điểm của chị nữa, chỉ nói: "Em thật sự coi trọng tiền bạc đến vậy sao?"
Người no không hiểu kẻ đói, lúc đó đầu tôi chợt nghĩ tới câu này.
Sau khi tôi nói quyết định của mình cho người Scotland, ông ấy cũng hỏi câu hỏi giống của Thẩm Phương.
Tôi lại nói, điều kiện kinh tế của gia đình không tốt, tôi bắt buộc phải kiếm việc làm.
Người Scotland cũng không khuyên tôi nữa.
Ông ấy nói với tôi, nếu như tôi thật sự nóng lòng muốn tốt nghiệp như vậy, tôi có thể ngay lập tức chuyển sang khâu viết luận văn.
Bởi vì, dựa theo kinh nghiệm của ông ấy, trong hơn 50 tiến sĩ và thạc sĩ mà ông ấy đã từng hướng dẫn, ông ấy tin rằng chỉ cần trình bày rõ ràng những kết quả hiện có của tôi là có thể vừa đủ qua được MPhil, lấy được tấm bằng không thành vấn đề.
Đương nhiên, nếu như tôi hi vọng lấy được kết quả MPhil hoàn hảo, có lẽ còn chưa đủ đô.
Tôi nghĩ thêm, nếu như sau này đi làm, việc mà tôi làm chắc chắn sẽ không liên quan đến môn mà tôi đang nghiên cứu.
Mà về phần thiết bị và công nghệ thí nghiệm, tôi đã nắm vững tất cả cách sử dụng thiết bị và lý thuyết trong phòng thí nghiệm.
Đương nhiên vẫn cần duy trì nâng cao kỹ năng, những đây không phải là chuyện một sớm một chiều, hơn nữa, dù có đi làm thì vẫn có thể rèn luyện.
Điều tôi cần nhất lúc này chính là lấy chứng chỉ tốt nghiệp càng sớm càng tốt.
Luận văn của Mphil có thể không dễ viết như vậy, nó có giá trị hơn nhiều so với bằng thạc sĩ giảng dạy, hơn nữa lại phải tham gia bảo vệ luận án chính thức như bằng tiến sĩ.
Nếu như tôi muốn bắt đầu viết, bổ sung sửa đổi lần cuối và chuẩn bị cho việc bảo vệ, ước tính sẽ mất nửa năm nữa.
Thế nên, tôi nói với người Scotland, vậy tôi bắt đầu viết đây.
Người Scotland không phản đối, chỉ nói với tôi rằng ông hy vọng tôi có thể học lên tiến sĩ sau khi quay lại.
Ông ấy nói, ông thật sự rất ít gặp qua một học sinh cần cù và thông minh như tôi.
Tôi thầm nghĩ, cho dù ông ấy có đang tâng bốc tôi đi chăng nữa, ít nhất ngài ấy cũng đã công nhận thành quả của tôi, điều đó là đủ.
Sau khi hoàn thành các thủ tục, tôi mới nói với Thẩm Phương.
Chị nghe xong, không nói gì nữa.
Chỉ hỏi tôi có dự định gì, Tôi nói, trước hết tìm một công việc bán thời gian đã, một tuần làm làm 20 giờ, điều đó vừa có thể giải quyết nhu cầu ăn mặc, vừa giúp tôi nhanh chóng hoàn thành luận văn.
Thẩm Phương đăm chiêu một lúc, nói: "Hay là, em đến công ty chị làm đi, chỗ chị cần một thư ký bán thời gian."
Tôi thực sự thiếu tự tin.
Khi Thẩm Phương đề nghị để tôi đến công ty chị làm, tôi nghĩ vẫn nên từ chối thì hơn.
Tôi nghĩ chuyên ngành của tôi quá không liên quan đến việc làm thư ký, hơn nữa, tôi không muốn sự quan tâm của Thẩm Phương đối với tôi cứ tăng dần đều.
Mặc dù thật ra trong lòng rất muốn, nhưng lại rất khó xử.
Haha, tôi tự khinh thường chính mình.
Tôi sớm tìm được một công việc tại McDonalds trong một khu kinh doanh khá thịnh vượng ở London.
Dù sao, tôi cũng đã từng làm việc này khi ở Trung Quốc, trước khi xuất ngoại, tôi còn đặc biệt bảo cửa hàng cấp chứng chỉ lao động cho tôi, tuy không cùng hệ thống, nhưng nó vẫn giúp ích rất nhiều.
Tôi làm việc tại McDonalds trong hai tuần.
Làm quầy, làm hamburger và trông coi sảnh lớn.
Loại công việc hoàn toàn tay chân này mặc dù hơi vất vả, nhưng vì không cần lo lắng nhiều nên cũng khá là vui vẻ, hơn nữa bữa ăn miễn phí cho nhân viên có thể giúp tôi no bụng, dù rằng thời gian nghỉ không được tính lương.
Điểm trừ duy nhất là tiền lương thấp hơn nhiều, và chỉ trả ở mức lương tối thiểu.
Tôi nhớ rằng lúc đó, mức lương tối thiểu của Anh là khoảng 4 bảng 5 mỗi giờ, tôi làm việc đủ 20 giờ cũng chỉ miễn cưỡng có ăn có mặc, vì chỉ riêng tiền thuê nhà hàng tuần của tôi đã tốn 60 bảng.
Hai tuần sau, tôi nói với Thẩm Phương, tôi định đổi việc và tìm một việc nào đó dành cho người Trung Quốc, như vậy, mặc dù mức lương không đến mức tối thiểu, nhưng thứ nhất là tôi có thể làm thêm giờ, thứ hai là không bị tính thuế, trả bằng tiền mặt luôn.
Vì vậy, Thẩm Phương lại đề cập đến việc đi làm cho công ty chị, chị nói: "Em cứ làm mấy việc này sẽ không có giá trị lớn, hiện giờ em cũng sắp tốt nghiệp, một chút kinh nghiệm việc làm cũng không có, đến lúc viết CV sẽ chỉ có những công việc bán sức lao động thứ yếu này.
Mặc dù công ty chị không có vị trí phù hợp với việc của em, nhưng dù sao cũng là kinh nghiệm làm việc chính thức, hơn nữa bên chị là cung cấp thảo dược tự nhiên, cũng tính là có tí dính đáng đến loại thuốc Tây của em, lúc viết CV cũng không đến nỗi tạm bợ quá."
Lời nói của chị thực sự khiến tôi lay động.
Thật vậy, thời đó, đừng nói là nước Anh, đến cả việc làm ở Trung Quốc cũng không dễ kiếm như vậy.
Đối với những người học một mạch từ mẫu giáo cho đến hết như tôi, mặc dù lấy được bằng thạc sĩ, nhưng chẳng qua cũng chỉ bắt đầu từ một cử nhân đi đào tạo và thử việc, lơ ngơ là phí bằng thạc sĩ ngay.
Nên là, tôi hỏi Thẩm Phương: "Chị nghĩ em có làm được không? Dù em chưa làm thư ký bao giờ? Em phải làm những gì?"
Thẩm Phương cười: "Người ta cầm trên tay tấm bằng đại học là làm được, thần đồng như em còn sợ uỷ khuất sao."
Công ty mà Thẩm Phương đang làm, thật ra ông chủ đứng sau là ông bố người Hong Kong và ông chú (hoặc là bác) người Anh tên William của Sue.
Trụ sở chính tại Anh là công ty lớn nhất ở thành phố cảng phía nam.
Mà trụ sở ở London chỉ là mặt tiền để giao dịch, liên hệ và điều tiết trung chuyển trong và ngoài nước.
Ở đó, có rất nhiều thành viên là người trong nhà Thẩm Phương và người chú (hoặc bác) của Sue, có một người tên là Peter, nhưng lại là người Hong Kong nắm quyền không hiểu tiếng Anh.
Còn tôi, mỗi tuần đi làm từ chiều thứ Hai đến thứ Sáu, một tuần vừa đủ đi làm 20 tiếng, lương mỗi giờ đâu đó khoảng 8 bảng.
Người đi làm buổi sáng là một phụ nữ người Hong Kong tên là chị Lisa.
Chị Lisa là một người rất thích tám chuyện.
Chồng chị ấy kinh doanh đồ ăn Trung Quốc, sở hữu rất nhiều nhà hàng, hơn nữa đa số đều không ở London, anh ấy mở mạng lưới từ thành phố phía bắc nhất của Anh cho tới phần phía nam của London từ thành phố cực bắc nước Anh đến phía nam London, cũng không biết con số cụ thể có bao nhiêu nữa.
Ban đầu chị Lisa và con chị ở Hongkong, sau khi con chị lớn chuyển tới đây học, chị cũng đi cùng.
Chị ở nhà vài năm làm nội trợ, nhưng thấy ngày nào cũng làm việc nhà, đánh mạt chược và hít drama mãi đâm ra cũng chán.
Thế là, chị ra ngoài tìm một công việc dễ thở, hơn nữa chỉ cần đi làm nửa ngày.
Buổi sáng đưa con đi học xong đến làm việc, buổi chiều nhanh nhanh chóng chóng về nhà đi đón con và làm bữa tối.
Trong hai đứa con nhà chị, đứa lớn hình như tôi nhớ là đã lên college, đứa nhỏ còn chưa được 11 tuổi, vẫn còn độ tuổi chưa thoát khỏi giám sát được, nên là, buổi chiều 2-3 giờ chị đã bắt buộc phải đón về nhà.
Về nội dung công việc, nói thế nào nhỉ, thực ra là làm việc vặt, làm đủ thứ trên đời.
Tôi không biết có phải thư ký nào cũng như vậy không.
Chủ yếu chính là làm bảng biểu, đăng ký, có khi là làm vận đơn, đôi khi là soạn tiền lương, và đôi khi là giúp quản lý sổ tiền.
Nói chung là bên trên giao gì thì làm cái nấy.
Ngoài ra, có thi thoảng giúp chú Peter dịch thư từ và tài liệu tiếng Anh.
Tôi rất sầu, một người Hong Kong ở Anh đã 20 năm, đến cả chữ ký cũng đổi thành tiếng Anh, thế mà đến cả thư cũng không biết dịch.
Tôi thường bị chú Peter vẫy tay gọi vào khi đang làm việc: "Thuý Hoa à, cháu đến nhìn hộ chú xem bức thư này viết gì?" Sau đó, tôi dịch ngay tại chỗ cho chú.
Đôi lúc tôi không có mặt ở đó, chú sẽ rất táo bạo mà soạn thư, phần người nhận viết tiếng anh, đúng vậy, là tiếng Anh, viết là: "CC Thuý Hoa for Chinese translation." Phong cách tiếng Anh và Trung lẫn lộn này của chú đã khiến tôi bị xuất huyết trong khá lâu.
Thật ra chú ấy không hài lòng lắm với bản dịch của tôi, chú không quen nghe tiếng phổ thông, tôi viết tiếng Trung giản thể, người già như chú ấy đọc cũng mệt.
Chú ấy đặc biệt thích bản dịch của chị Lisa, nhưng tôi nhìn những chữ phồn thể xiêu vẹo của chị Lisa cũng thấy mệt.
Nhưng tôi là người được Thẩm Phương giới thiệu, cũng quen biết với Sue, nên chú ấy chỉ có cách chịu đựng.
Tuy nhiên, mặc dù trông chú Peter hơi bỉ ổi, nhưng chú ấy cũng đối xử tốt với tôi, luôn coi tôi là người có học, nhất là khi biết tôi là nghiên cứu sinh, chú luôn khen tôi có học thức, kiểu vậy.
Lúc đó tôi thầm nghĩ, không biết hồi trẻ chú ấy có chăm chỉ học hành không?
So với chú Peter, công việc của Thẩm Phương có thể được nói là vất vả hơn nhiều.
Công việc của công ty ở Anh, được phân cho rất nhiều superviser quản lý, cuối cùng báo cáo lên cho chị hoặc chú Peter.
Những giấy từ đến từ nội bộ hay từ Thượng Hải hay Hong Kong, hầu như đều được viết bằng tiếng Anh, chị phải đọc, phải nghĩ, và phải bàn bạc với Peter, lại còn phải trả lời.
Tôi từng hỏi Thẩm Phương: "Supervisor và quản lý, chức nào to hơn?"
Thẩm Phương không hổ là người đã làm việc nhiều năm, hiệu quả trong công ty cũng rất ra gì và này nọ.
Chị đối xử với nhân viên rất lịch sự, chữ "please" luôn không rời miệng, tính tình cũng tốt, khi tức giận thì đa số đều im bặt, không giống như chú Peter thẳng thừng đập bàn mắng người.
Cộng thêm việc vị cô nương này vừa trẻ trung, vừa có ngoại hình khiến người ta dễ mến, hay cười ha ha, nên các nhân viên có xu hướng có vẻ quý mến chị hơn.
Bên cạnh đó, chú Peter không hiểu chữ và không biết tiếng Anh, khiến rất nhiều BBC trong công ty lắc đầu ngán ngẩm, bọn họ muốn tìm đến một người cũng được tiếp thu giáo dục phương Tây như Thẩm Phương mỗi khi gặp vấn đề, mà mỗi khi đến gặp Peter, cuối cùng cũng bị Peter đẩy sang chỗ Thẩm Phương cho đỡ việc.
Trong khoảng thời gian đầu, tôi tỏ ra rất kính cẩn với Thẩm Phương trong công ty.
Tôi khéo léo gọi chị ấy là "madam", đây là cách gọi mà tôi bắt chước từ những phim truyền hình dài tập Hong Kong.
Thẩm Phương có vẻ không muốn tôi gọi chị là madam lắm, chị nói rằng tôi có thể gọi tên tiếng Anh của chị như những đồng nghiệp khác, nhưng, tôi nghĩ, mặc dù tôi và Thẩm Phương có mối quan hệ riêng, nhưng tôi không muốn để những người khác, đặc biệt là các đồng nghiệp, nghĩ rằng tôi là một kẻ lợi dụng rẻ tiền.
Mặc dù, tôi thực sự đã lợi dụng điều này.
Nên, qua vô số lần lặp lại không đổi của tôi, chị cũng thoả hiệp.
Tôi cũng cố tình duy trì mối quan hệ cấp trên - cấp dưới với chị.
Không biết là do tôi chủ động làm vậy, hay là vì chúng tôi thực sự không còn thân thiết như vài tháng trước, sau này, chị cũng khá là cố tình làm vậy hơn.
Đôi khi tôi cần đưa tài liệu cho chị hoặc cần chị ký gì đó, cũng chỉ làm xong việc rồi tôi ra ngoài luôn, nhưng nếu là người khác, xử lý việc xong họ sẽ nán lại nói vài câu chuyện phiếm hay gì đó.
Thi thoảng tôi tình cờ chạm mặt với chị ngoài hành lang hoặc trong WC, tôi cũng chỉ gật đầu chào, chị gật đầu đáp lại rồi sượt qua người tôi.
Nhưng tôi thấy lần nào chị cũng cố gắng tránh nhìn vào mắt tôi, luôn vội vàng tránh né khi vô tình giao tiếp bằng mắt với tôi.
Hoặc có lẽ tôi cũng vậy.
Nhưng, tôi rất hưởng thụ cảm giác bịt mắt trốn tìm này, rất thú vị.
Đến tối, có lần, thật ra là hầu hết mỗi lần, tôi đều tan làm muộn hơn một chút, một là vì hiệu quả của Lisa luôn khiến tôi chồng chất thêm nhiều việc, hai là, tôi phát hiện Thẩm Phương cũng tan làm khá muộn.
Tôi có hơi ngạc nhiên, vốn dĩ còn nghĩ chị rất rảnh, vì ngày trước mỗi khi điểm 5 giờ hơn là chị sẽ đến trường tìm tôi, mà giờ thì, ngày nào cũng gần như đợi mọi người về hết, chị mới bắt đầu thu xếp đồ đạc.
Chỉ là, tôi thực sự rất thích đợi khi mọi người về gần hết sau khi tan làm, tôi sẽ ngồi bên chiếc bàn nhỏ ở trước cửa sảnh lớn, nhìn trộm chị đang làm việc ở trong qua cánh cửa văn phòng rộng mở hoặc qua khe lá lách chưa khép kín nơi tấm kính thuỷ tinh.
Chị dường như không chút nào đếm xỉa đến sự tồn tại của tôi.
Có lúc tôi cố tình đứng lên cầm lấy chiếc cốc, đi ngang qua sảnh để lấy nước từ máy lọc nước bên ngoài cửa văn phòng chị, và cố tình gây ra tiếng động ồn ào.
Chị chỉ liếc tôi một cái, sau đó lại cúi đầu đọc tài liệu, nhìn máy tính.
Khi tan làm, chị luôn đung đưa những chiếc túi hàng hiệu gần như được thay mới mỗi ngày dưới mi mắt tôi, cũng không nhìn thẳng vào tôi.
Còn tôi, sẽ cố ý đứng lên, gọi với thật to rằng: "Cu, madam." Sau đó, chị sẽ ngay lập tức đáp lại tôi bằng một nụ cười khẽ: "Cu."
Khoảng thời gian đầu đó, chúng tôi cứ như đang chơi trốn tìm như vậy, đến cả điện thoại cũng không gọi nữa.
Chị không gọi cho tôi, tôi cũng không gọi cho chị.
Tôi có chút hụt hẫng, nhưng lại nghĩ, thôi vậy, dù sao ngày nào cũng có thể gặp mặt, gọi hay không gọi cũng không sao.
Có một tối nọ, tôi đã hoàn thành công việc từ sớm.
Đến giờ tan sở, trong văn phòng công ty chỉ còn lại hai chúng tôi.
Vốn dĩ tôi định đi, nhưng sau đó, thấy Thẩm Phương đi từ văn phòng ra, cầm một cốc nước rồi lại quay lại, tôi cũng nán lại theo.
Hằng đêm nhân viên bảo vệ của công ty sẽ đến khóa cửa chống trộm lúc 8h30.
Tôi thấy thời gian còn sớm, nên làm bộ như vẫn còn việc cần làm, tay đặt trên bàn phím, thật ra không gõ gì cả, đôi mắt vẫn chốc chốc quét qua bên chị ấy.
Lúc đó cũng được tính là mùa hè, vĩ độ nước Anh cao, không có điều hòa, chỉ có máy sưởi.
Chị chỉ mặc chiếc sơ mi có độ dài tay áo 3/4, tà áo được ủi phẳng phiu trông rất có khí chất của một cô nàng công sở.
Tôi trộm nhìn chị, có lúc chị như đang suy nghĩ, có lúc sẽ uống ngụm nước, gõ vài tiếng trên bàn phím máy tính.
Góc nghiêng trên khuôn mặt chị thật đẹp, các đường nét rất yêu kiều, khoé môi chị đôi lúc khẽ động đậy như đang đọc nhẩm thứ gì đó, những lúc chị dùng điện thoại cũng mang dáng vẻ chăm chú.
Quả là một mỹ nhân, tôi thầm cảm thán.
Lúc này, chiếc điện thoại trong túi tôi rung lên.
Tôi lấy ra xem, là chị ấy, tôi đọc đoạn tin nhắn ấy:
"Take back ur eyes,
See my name XXX,
Smile..."
Tôi cười lên thật.
Đang lúc cười, lại nhận được mẩu tin nhắn, trên đó viết, "Good girl.".
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook