Vị Vương Công Cuối Cùng
Chương 15: Số kiếp (1)

Hóa ra cậu bé Minh Nguyệt nhìn thấy là cậu em trai mười sáu tuổi của Ngô Lan Anh, tên là Lan Thuyên. Hai năm trước hai chị em đi tàu hỏa từ Cáp Nhĩ Tân đến Phụng Thiên, từ đó đến nay chưa từng trở về lần nào. Họ sinh ra trong một thôn làng có khoảng một trăm hộ gia đình, thời gian của cha cô chia ra một nửa để làm nông, một nửa để dạy bọn trẻ con trong thôn học chữ, học phí là ba đấu lúa mạch thu về được mỗi năm. Mẹ họ ở nhà dệt vải làm giày. Chị em Lan Anh từ nhỏ đã thông minh chăm chỉ, học rất khá, nhất là em trai Lan Thuyên. Thằng bé này trí nhớ cực kì tốt, từ khi còn nhỏ xíu đã thuộc làu làu mọi đường ngang ngõ dọc khắp các thôn núi trong vùng, đến người lớn cũng phải hỏi đường cậu. Chỉ là năm chín tuổi, Lan Thuyên ốm nặng một trận, hỏng mất một bên mắt, đầu óc hơi lơ mơ, không ghi nhớ được gì nữa, sau đó chỉ ở nhà đỡ đần cha chăm sóc cho ba mẫu ruộng.

“Việc đồng áng Lan Thuyên làm rất khá, cấy mạ thẳng tắp như kẻ thước vậy, tính tình vừa ngoan ngoãn vừa hiểu chuyện, rất tốt với tôi. Sau nữa, tôi đi học trung học ở Cáp Nhĩ Tân, tiêu tốn hết tiền nong của cha mẹ, trong nhà không còn tiền cho tôi tới Phụng Thiên học đại học nữa. Em tôi bèn nói với cha mẹ, Vậy con sẽ theo chị đến Phụng Thiên, con sẽ tìm được việc làm, con có thể nuôi chị ăn học.” Ngô Lan Anh nói đến đây, cầm khăn tay lau nước mắt, cô ngừng lại một lúc lâu, ngực lên xuống dữ dội, “Từ lúc tôi tới đây, sinh hoạt phí đều là dùng tiền làm công của em trai. Nó từng làm rất nhiều công việc, chỉ giữ đủ ăn cho mình, số tiền còn lại đều để dành hết cho tôi. Em thấy giày tôi rồi đấy, vừa hỏng vừa cũ, đúng không? Tôi nói em hay, đây thực ra là giày mới đấy, mua trong cửa hàng chứ chẳng phải là đồ rẻ tiền mua ở mấy sạp bán sang tay đâu. Đó cũng là em trai tôi mua cho tôi, bạn học đều rất hâm mộ. Ngày đó tôi bị ốm, em tôi chạy từ xưởng tới thăm tôi, vừa dúi số tiền kiếm được cho tôi, vừa để lỡ giờ công, bị trừ tiền. Em thấy rồi đó, thằng bé vẫn chỉ là một đứa trẻ, đúng không? Có khi nó còn chẳng lớn bằng em…”

“Em trai chị làm việc ở xưởng cao su phải không?”

Ngô Lan Anh gật đầu.

Hồi lâu sau, Minh Nguyệt mới nói: “Tôi có thể làm gì giúp chị? Hoặc là, tôi có thể làm gì giúp em chị?”

“Tôi nói ra không phải là muốn giành được sự cảm thông của em, càng không phải là muốn em bố thí cho tôi. Em giúp tôi nên tôi muốn giải thích với em vài câu, nhưng xin đừng nói với người khác, như vậy là em đã giúp tôi lắm rồi. Còn những chuyện khác, tôi sắp tốt nghiệp rồi, tôi sẽ tìm được một công việc thật tốt. Tôi không so được với em, nhưng tôi cũng sẽ càng ngày càng sống tốt hơn…”

Minh Nguyệt gật đầu, trong lòng cứ luẩn quẩn mãi câu Ngô Lan Anh nói, “Tôi không so được với em”. Sao Ngô Lan Anh lại không so được với nàng chứ? Cô là một sinh viên chăm chỉ nỗ lực, có lý tưởng và tiền đồ cao xa, quan trọng hơn là cô vẫn còn cha mẹ và em trai, còn những đồng tiền đồng và đôi giày cũ nát đong đầy sự quan tâm và thương yêu của người nhà.

Nhưng Minh Nguyệt không nói gì.

Chỉ có điều, trong cô bé mười sáu tuổi ấy, ký ức và cuộc sống của nàng, suy nghĩ và hiện thực, những gì nàng nghe và thấy được, những gì nàng tiếp xúc và gặp phải đã thôi thúc nàng suy ngẫm. Suy ngẫm khiến con người ta trở nên bình tĩnh, biết tự kiềm chế, khiến con người ta thông minh và độc lập hơn và bởi thế, như một lẽ tự nhiên, cũng trở nên càng lúc càng không đáng yêu so với trước.

Hiển Sướng đã từng chút từng chút phát hiện ra một vài nhân tố khiến chàng cảm thấy bất an trong tính cách của Minh Nguyệt. Cảm giác này có thể truy nguyên từ lần nàng suýt bị gả xuống phía Nam mùa thu năm ngoái. Toàn bộ vụ việc đó, người nào đã nói gì, đóng vai trò gì, về sau chàng nghe kể qua lời trần thuật của đầy tớ và gia đinh, tìm được dấu vết từ thái độ nói chuyện của mẹ và Thải Châu, sau đó tự mình xâu chuỗi chỉnh lý lại mà hiểu ra. Mà Minh Nguyệt niên thiếu thì kể từ khi bị chàng lôi xuống khỏi tàu hỏa đã để mặc chàng tức giận, hiểu lầm mình, lặng thinh không nhắc nhỏm lấy nửa chữ. Về sau, tiểu vương gia tự giải thích với mình rằng: Minh Nguyệt không phải chính là như vậy sao, là đứa trẻ ngốc nghếch thậm chí đến cả khi cha qua đời cũng chỉ biết khóc mà không biết hỏi.

Sau nữa, nàng bày ra câu nói dối kia, đó là cái nhọt nhức nhối không sao nặn ra được trong lòng chàng: Chàng là chú nàng. Đương nhiên, để giải thích rõ ràng mối quan hệ của họ với đám con gái quả thực là rất lằng nhằng, bảo chàng nghĩ cũng chưa chắc đã nghĩ ra được biện pháp nào tốt hơn. Bởi vậy nên chàng vẫn luôn không bóc trần. Chàng chờ đợi Minh Nguyệt vào một tối nào đó, dưới ánh sáng của chiếc đèn bàn được tạo dáng hình hoa huệ tây, sẽ thỏ thẻ than phiền với chàng về những khó xử và do dự của mình. Nhưng không có. Chuyện đã qua cứ thế mà qua, trong mắt người ngoài chàng trở thành người chú giàu có săn sóc của nàng, nhưng không có bất kì một lời gì cả dù chỉ là một câu thương lượng hay đánh tiếng.

Còn cả chuyện nàng nấn ná bên ngoài càng ngày càng lâu, về nhà càng ngày càng muộn nữa. Ban đầu chàng còn tưởng là do trường học giữ lại làm lao động công ích hay ở lại làm bài tập với bạn bè chi đó, kết quả, một hôm nọ chàng ra ngoài gặp bạn, lúc ngồi trên xe đã trông thấy người kia một mình dắt xe đạp đi dạo trên phố. Chàng còn tưởng mình nhìn lầm, bảo tài xế đánh xe quay lại, bắt gặp nàng ngồi xổm ven đường xem mấy ông già chơi cờ tướng. Cạnh bàn cờ tướng có hai cái sạp, một sạp bán dưa hấu, một sạp bán dưa gang. Có một quả dưa gang bổ nửa cho người ta xem thơm chín ra sao, để bên ngoài lâu bị nắng nóng hun đốt, bị ruồi nhặng bò liếm, bốc lên thứ mùi ôi thối trộn lẫn cùng đống vỏ dưa hấu xú uế phía dưới sạp bên kia. Hiển Sướng muốn xuống xe tóm Minh Nguyệt ra khỏi cái đống ấy lôi về, cửa mở được nửa chừng lại đóng lại, bảo tài xế lái đi, bụng nghĩ vậy cũng được, cũng chẳng phải lỗi lầm gì, nàng thấy vui là được.

Trung tuần tháng Sáu, đám gia quyến cùng nhau đi biển Đan Đông nửa tháng. Minh Nguyệt còn phải đến trường học bài chuẩn bị thi nên không muốn đi cùng, Hiển Sướng cũng không ép buộc, cho nàng ở lại Phụng Thiên. Đến bên kia, chàng đi gặp bộ hạ cũ và đám ngư dân tá điền trước rồi lệnh cho đám Lý Bá Phương điều chỉnh lại các khoản nợ năm trước, xóa bỏ cho vài người, giục vài người giao trả, mất mất năm, sáu ngày vào chuyện này. Xong việc, hôm sau, Hiển Sướng định ngồi thuyền chài ra khơi, sáng sớm mặt trời còn chưa mọc đã lên thuyền. Kết quả, trên bến thuyền chợt có một người nặng nhọc chạy lại, một chân giẫm lên mạn thuyền, khom người thở hổn hển nói với chàng: “Đưa…đưa thiếp đi với.” Chính là Thải Châu đang mang thai sáu tháng.

Hiển Sướng: “Vậy sao được? Giày vò khổ chết nàng chứ còn.”

Thải Châu chạy cả một đường, căn bản là chẳng còn hơi sức đâu mà đi tranh luận, ngồi riệt trên thuyền không đi đâu hết. Hiển Sướng không còn cách nào khác đành bảo chủ thuyền cho thuyền chạy, nói với cô: “Không thoải mái phải nói ngay đấy, chúng ta trở về.”

Chủ thuyền chăng một sợi thừng dài giữa hai rãnh biển, cứ cách hai, ba trượng lại buộc một cái lờ lớn, tôm cá ngao sò chui vào rồi sẽ không ra được nữa, đám phu thuyền nhấc lờ đổ lên thuyền, đó chính là thu hoạch từ biển. Thuyền không lớn, tròng trành dữ dội trong sóng gió, đi một lúc lại dừng một lúc. Đừng nói là Thải Châu đang mang bầu sáu tháng, dù có là thời con gái thân mình còn nhẹ nhàng linh hoạt cũng chưa chắc đã chịu được. Nhưng cô vẫn chịu đựng, một mực im lặng. Hiển Sướng nhìn cô từ phía sau cả nửa ngày, rốt cuộc vẫn đi qua nói: “Muốn nôn thì nôn đi, ta cũng từng nôn mà.”

“Thiếp không muốn nôn.” Thải Châu nói.

“Ghê, kiên cường phết nhỉ.” Chàng bật cười, “Trước đây chưa từng thấy biển à?”

“… Thấy rồi.” Thải Châu nói.

“Lúc nào?”

“Cách đây rất nhiều năm. Chị thiếp xuất giá, cả nhà đến Thiên Tân tiễn chị ấy lên thuyền.”

“Chưa từng nghe nàng nhắc đến.”

Cô cúi thấp đầu: “Thiếp cũng là hôm nay mới nhớ tới.”

“… Vào khoang ngồi đi, trong đó ấm.”

“Thiếp không lạnh.”

Phu thuyền mở hai con hàu mang ra, Hiển Sướng nhận lấy, hút một miếng, lại cắn một miếng bánh bột ngô, ăn rất ngon lành. Thải Châu cũng muốn ăn. Hiển Sướng nói, Tanh lắm, nàng không ăn được đâu. Thải Châu càng muốn ăn hơn, học chàng bỏ hai thứ vào miệng, nhai vài cái, nuốt không nổi.

Hiển Sướng nói: “Nhổ ra đi.”

Lúc này cô mới phun ra ngoài thuyền, vội vàng lấy nước súc miệng rồi rút khăn tay từ dưới nách ra lau miệng.

Hiển Sướng cười ha hả: “Thích bướng cơ.”

Chàng nhớ tới Minh Nguyệt là vào chập tối vài ngày sau đó. Trên sân thượng biệt thự ven biển bày rượu ngon bánh ngọt và trái cây hái trong vườn nhà, máy hát chạy một đĩa nhạc phương Tây. Chủ đề bàn luận mới của đám anh em họ hàng là việc quân phiệt Phụng hệ (*) vào quan và tình hình chiến sự ngày càng nghiêm trọng ở các tỉnh miền Nam. Đám nữ quyến thì hóng gió tán gẫu, em gái chàng Hiển Du có vẻ thất thần, cô sắp đi gặp một thanh niên gia thế danh giá từ châu Âu về vào ngày mai…

(*) Quân phiệt Phụng hệ là một trong những phe phái quân phiệt Bắc Dương (chỉ vùng duyên hải Phụng Thiên – Liêu Ninh, Trực Lệ – Hà Bắc, Sơn Đông), vì thủ lĩnh Trương Tác Lâm sinh ra ở Phụng Thiên nên gọi là Phụng hệ.

Hiển Sướng cầm ly rượu một mình một góc đứng trên sân thượng, nhìn đám trẻ con trong tộc đắp nhà cát trên bãi biển bên dưới. Mấy thằng nhóc lớn tuổi hơn xây xong một tòa nhà lớn nom rất ra dáng rồi, lại xây tường xây sân cho nó. Chúng nảy ra chút ý nghĩ xấu bụng, muốn rào luôn cả cái hố nhỏ cô bé con tự mình đào vào sân nhà mình, không biết là để làm hồ bơi hay làm ao cá nữa. Cô bé con chỉ mới chừng ba, bốn tuổi, trên đầu thắt hai bím tóc, là con gái lớn nhà anh họ bên Trường Xuân. Cô bé đang hết sức chăm chú đào hố cát của mình, chợt phát hiện ra có gì đó không đúng, công trình độc lập của mình vậy mà lại bị rào vào tường sân của bọn con trai rồi. Cô bé tỉ mỉ nhìn một lúc, không phản đối cũng không om sòm mà đẩy đổ một lỗ thủng nhỏ trên tường rào, mở rộng phạm vi hố cát của mình thêm một chút, sau đó lại tiếp tục cắm cúi đào hố.

Đó là một cục diện rất thú vị: Đám nhóc lớn tìm mọi cách đoạt hố cát của cô bé, nhưng cô bé lại tiếp tục mở rộng nó đào ra bên ngoài tường rào. Cô bé có hẳn một xứ sở nho nhỏ không bị vây rào cho riêng mình.

Hiển Sướng trở vào nhà, băng qua phòng khách đi gọi điện thoại.

Chàng một tay cầm ống nghe, một tay cầm ống nói, gọi vào số của vương phủ ở Phụng Thiên.

Là quản gia nghe máy, nói với chàng, Minh Nguyệt tiểu thư vẫn chưa về nhà.

Chàng treo điện thoại xong, cảm thấy mình không còn chút sức lực nào, xoay người quay lại chốn náo nhiệt.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương