Vị Bắc Xuân Thiên Thụ
-
17: Yến Trong Lồng
Trần Trung Tín là bạn đồng môn của cha Xuân Thiên, tình nghĩa của hai người không thể đem so với những người bình thường.
Nhưng thời trẻ chú Trần đã tòng quân đến biên tái, số lần gặp mặt rất ít ỏi, Xuân Thiên hoàn toàn không nhớ rõ mặt mũi ông, chỉ nhớ mang máng có đôi bàn tay dịu dàng xoa đầu nàng, bật cười sang sảng: "Ta đưa cha của con đi rồi, Nữu Nữu không được khóc nhè đâu đấy nhé."
Cha nàng tên Xuân Việt, tự là Trọng Phủ, vốn là người phụ trách văn thư ở Trường An, rất có phong phạm thiếu niên hiệp khách.
Đến độ hai mươi cưới thứ nữ Tiết gia sống bên cạnh về nhà, hai người là thanh mai trúc mã, tình cảm sâu đậm, sau khi thành thân một năm thì Xuân Thiên cất tiếng khóc chào đời.
Xuân gia là người xứ khác, ông nội Xuân Thiên hồi trẻ đưa gia đình chuyển đến Tân Phong Trường An, sản nghiệp nhỏ bé, chẳng bì được với những nhà giàu sang quyền quý.
Bổng lộc của cha không nhiều, đối nhân xử thế rộng rãi hào phóng, nỗi khổ về cái nghèo và cuộc sống giật gấu vá vai luôn canh cánh trong thâm tâm ông.
Xuân thiên nhớ trong nhà chỉ có một tỳ nữ nhỏ là Lan Hương, mọi công việc nhà đều do mẹ quán xuyến.
Nhưng cha mẹ nàng luôn tôn trọng lẫn nhau, sắt cầm hòa hợp, nâng niu Xuân Thiên như vàng bạc châu báu, che chở bằng mọi cách.
Khi đó gia đình nàng còn ở nhà thuê, phòng ở chật chội, ngoài bậc thềm dựng một giàn nho, ở hành lang trồng cây bóng nước.
Xuân Thiên cùng cha ngồi dưới giàn nho học bài, chi hồ giả dã*, gật gù đắc chí, mẹ ngồi ở hành lang thêu hoa, móng tay vừa tô sắc hồng đưa qua đưa lại như con thoi trên tấm lụa Vân Cẩm.
Ba người ngẩng đầu nhìn nhắn, mỉm cười rạng rỡ, chẳng còn cảm giác của một cuộc sống vất vả, củi gạo dầu muối và hoa xuân trăng thu, cũng là một loại lý thú.
(*Chi, hồ, giả, dã: Theo từ điển Hán Nôm đây là bốn tiếng hư tự dùng trong cổ văn Trung Hoa, người học chữ Hán là phải học cách dùng những tiếng này)
Mẹ nàng còn một người anh ruột, dưới gối có hai gái một trai, hai nhà vốn ở gần nhau, mấy chị em họ thường hay chơi đùa với Xuân Thiên.
Cậu mới vào Hình bộ, tuy chức quan thấp, nhưng luôn có cách luồn cúi, thuận lợi bước đi trên con đường làm quan.
Nhiều lần cậu muốn dẫn dắt cha nàng, nhưng đều bị cha khéo léo từ chối.
Sau đó cậu mua phủ đệ trong thành Trường An.
Có tết Trung Nguyên năm kia cha đưa cả nhà sang nhà cậu ăn cỗ, ăn được nửa bữa thì cậu và cha cãi nhau một trận to.
Cậu giận dữ vỗ bàn, quở mắng cha rằng "không biết điều, tự cho mình là thanh cao", vân vân.
Ngược lại thái độ của cha rất lạnh lùng, phất tay áo bỏ đi.
Từ đó trở về sau hai nhà không còn lui tới nữa.
Xuân Thiên hỏi mẹ: "Sao cha lại cãi nhau với cậu vậy ạ? Từ lần đó...!các chị nghỉ chơi với con luôn.
Hôm qua con gặp chị Oánh Ngọc, chị ấy ngồi tít trên xe ngựa cao, con gọi mà chị chả thèm đáp."
Mẹ nhíu mi, nói giọng nhỏ nhẹ: "Cha con quang minh lỗi lạc, chí hướng cao cả, có một số việc cậu hiểu lầm cha con.
Các chị không phải là làm lơ Nữu Nữu đâu, chắc là không nghe thấy đó thôi."
Xuân Thiên cũng chẳng bận tâm việc các chị họ không chơi với mình, so với hoạt động đùa hoa bắt bướm cùng các chị, thì nàng càng thích chơi với cha hơn, cha sẽ dẫn nàng đi cưỡi ngựa ngắm hoa, tới quán trà nghe kịch.
Nhưng từ đó mẹ nàng thường hay suy nghĩ ưu sầu, vì anh ruột và trượng phu có khoảng cách, mà anh bà lại còn chê nghèo yêu giàu.
Chú Trần quay về Trường An một lần cuối cùng, ngồi cùng cha dưới giàn nho nâng cốc vui vẻ, hai người say mèm, gõ vò rượu cất vang giọng hát, rồi lại bá vai nhau cười ầm ầm.
Nửa đêm Xuân Thiên đi tiểu, dụi hai con mắt nhập nhèm, phát hiện cha mẹ mình đang thủ thỉ với nhau bên ngọn nến lập lòe, đôi mắt mẹ đỏ au, khóc thút thít, cha ôm lấy bờ vai gầy gò của bà, nhẹ nhàng an ủi.
Bắt đầu từ đêm ấy, cha xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, đi theo chú Trần gia nhập quân đội.
Một lần nữa, cha đưa mẹ và nàng đến gõ cửa nhà cậu, lúc này cậu đã có hoạn lộ hanh thông, đâu thể so với bần cùng năm xưa.
Xuân gia không có tôn trưởng, cũng không có họ hàng cùng thế hệ, cha lo mẹ nàng yếu đuối không lèo lái nhà cửa được, nên đã gửi gắm vợ con cho nhà cậu chăm sóc.
Mặc dù cậu có đôi chút hờn giận với cha, nhưng dù sao cũng là em gái ruột của mình, cuối cùng gật đầu đồng ý.
Sau khi cha đi, Xuân Thiên và mẹ chuyển tới Tiết gia, vào căn phòng ở cửa hông, nương tựa nhau sống qua ngày.
Tuy nhiên ngày tháng ở nhà cậu chẳng khấm khá hơn được là bao.
Trong phủ cậu bận chính vụ, mợ cầm quyền việc bếp núc, mợ hà khắc với người khác, dẫu ngoài miệng không nói, nhưng ở chung lâu rồi dần dà thấy hai mẹ con nàng ở trong nhà này là một gánh nặng.
Ví dụ như mẹ con hai người có chỗ nào phải tiêu nhiều tiền trong phủ, sắc mặt của mợ tức khắc trở nên mất kiên nhẫn.
Thỉnh thoảng đám con nít lục đục, mợ sẽ mắng cây dâu chỉ cây hòe với mấy đứa nhỏ, làm mẹ nàng thường xuyên khóc, chỉ biết cúi đầu khuất phục, lén tìm các mối thêu để đỡ đần chi phí.
Tài thêu của mẹ rất khéo, khi đó Lan Hương hay cắp cái giỏ đi ra khỏi cửa hông, bán quần áo và khăn mẹ làm cho hiệu may ở ngoài, đổi về ít đồ gia dụng.
Tất cả thư của cha phải thông qua dịch trạm rồi gửi đến chỗ cậu, cậu sẽ chuyển cho mẹ.
Hôm nhận được thư, hai mẹ con vui như thể là ngày hội, mẹ nàng vội vàng mở thư ra, cha sẽ kể về phong tục tập quán ở biên tái, rồi thì những chuyện vụn vặt ngày thường.
Ông ở một nơi gọi là Cam Lộ Xuyên của miền Tây Bắc, đó là một ốc đảo trong hoang mạc thênh thang, cỏ cây um tùm, trâu ngựa hợp đàn, xảy ra rất nhiều chuyện thú vị.
Thư hồi âm đều do Xuân Thiên chấp bút, mẹ ngồi bên cạnh vừa thêu hoa vừa nói chuyện, phần cuối Xuân Thiên còn thêm vào vài câu: "Cỏ rễ đào lên ăn có ngon không cha, nó có vị gì ạ? Lần trước cha kể cha đỡ đẻ cho ngựa, sinh được mấy con vậy cha?"
Ngày đơn điệu nhưng có chờ mong, sau đó chiến tranh dần nổ ra, thư từ giảm bớt, rồi sau nữa, hoàn toàn bặt vô âm tín.
Cuối cùng, có người đưa di vật của cha trở về.
Cậu nói cha tham công danh, tự ý quyết định dẫn binh đánh úp quân Đột Quyết, rơi vào bẫy của địch, chết trận trong bụng địch.
Quân đội không đòi hài cốt của vong tướng, chỉ mang di vật của cha về, trong đó còn có một thanh chủy thủ của cha.
Khi đó nàng còn chưa đến mười tuổi thì đã hiểu được rất chuyện.
Dưới sự giúp đỡ của cậu, mẹ lập mộ chôn quần áo và di vật, nhưng nàng vẫn tin chắc rằng cha còn sống trên cõi đời này.
Có lẽ đã được người cứu, có lẽ là lạc đường, nhưng nhất định sẽ có một ngày ý chí phấn chấn trở lại Trường An, để nàng và mẹ được sống những tháng ngày vui vẻ hạnh phúc, để người cậu chê nghèo yêu giàu của nàng càng thêm coi trọng.
Nửa năm sau khi cha mất, Tam phu nhân Vi gia tổ chức một bữa tiệc hoa cúc, người mợ chẳng bao giờ qua lại gì với Vi gia vậy mà lại nhận lời mời.
Điều lạ lùng là mợ còn kéo cả mẹ nàng theo, bà cũng không tài nào hiểu, từ chối đủ đường, nhưng mợ đã ân cần đưa tới bộ xiêm y và trang sức thịnh hành thời đó.
Rốt cuộc mẹ nàng phải miễn cưỡng đi theo, nhưng hôm đó chỉ có một mình mợ về nhà.
Mợ bước vào nhà, sắc mặt tối tăm, thở hổn hển chạy vào thư phòng cậu, liên miệng mắng mỏ: "Cái ngữ tầm mắt hạn hẹp, không biết sống chết!"
Mợ bảo trong bữa tiệc, mẹ nàng đã trộm một cây trâm vàng của Tam phu nhân Vi gia, bị người Vi gia âm thầm bắt quả tang, giam vào phòng chứa củi, không cho gặp bất kì ai.
Xuân Thiên nghe tin, tranh cãi với cậu mợ, mợ nổi cơn tam bành ra tay đẩy nàng, làm nàng ngã ra hành lang, đầu va đập sưng xanh đen.
Vi gia là nhà giàu có đương thời, quyền thế rất mạnh, không ai đụng chạm vào nổi, nhưng mẹ nàng đâu thể là người như vậy được.
Trước mắt không rõ tình hình mẹ ra sao, Xuân Thiên khóc mà ruột gan đứt từng khúc.
Cậu bận trước bận sau vật vã hai ngày, rồi bỗng dưng lại thảnh thơi hẳn.
Từ giọng điệu lời nói giấu giấu giếm giếm của người lớn, nàng biết ở bữa tiệc hoa kia mẹ mình bị Vi Thiếu Tông để ý, bức hiếp bắt vào trong phủ.
Hóa ra, vụ cây trâm vàng chẳng qua chỉ là vật ngụy trang.
Sau đó mẹ có về một lần, áo quần rực rỡ, thần sắc thê lương, ăn bữa cơm với nàng, thu dọn ít quần áo rồi dẫn Lan Hương vội vã rời đi.
Hôm sau, Vi gia đưa mấy rương hòm đến, mợ mừng khấp khởi cho vào sương phòng.
Kể từ đó, mợ đối xử với nàng hết sức nhã nhặn thân thiết.
Vi gia của khi đó thịnh sủng một thời, Vi Thiếu Tông là con trai thứ ba của Vi gia, có thể bấu víu vào mối quan hệ như thế, xác thực là có nhiều lợi ích cho con đường làm quan của cậu.
Sự ngây ngô của nàng, có lẽ đã dừng lại từ ngày cha lên đường hành quân.
Sau khi mẹ bước vào Vi gia, Xuân Thiên biến thành một tiểu thiếu nữ ảm đạm và ít nói hẳn.
Mẹ đã vào Vi gia, ngày sau khó mà gặp lại, thỉnh thoảng mợ sẽ đưa nàng ra ngoài, đứng ở phía xa xa nhìn, có thể trông thấy khuôn mặt mẹ chất chứa u sầu, gầy yếu không mặc nổi áo.
Năm Xuân Thiên mười hai tuổi, Vi gia làm vua phật lòng, cả nhà chịu tội, cả vợ lẫn con gái đi làm kỹ làm nô.
Nàng xin cậu đưa mẹ ra khỏi Vi phủ, nhưng vì trước đó cậu đã bám váy Vi phủ, nên bị quan trên chèn ép, sống nơm nớp lo sợ, ốc còn không mang nổi mình ốc.
Sau đó tìm quan hệ hỏi thăm, nghe nói ngày Vi gia xét nhà, mẹ nhảy cầu tự vẫn, tuy nhiên đã được người cứu lên, sau chẳng biết tung tích.
Xuân Thiên bệnh nặng một trận.
Nhưng một năm sau, nàng theo cậu mợ vào chùa dâng hương thì bị một người hầu ngăn bước ở thiên điện, rồi bàng hoàng khi gặp lại người mẹ đã lâu không gặp của mình châu ngọc đầy người, bên cạnh là một người đàn ông trung niên hào hoa cao quý.
Đó là đương kim Tĩnh vương, cũng là đại thần hôm ấy khám xét Vi gia đã dẫn mẹ ra khỏi Vi phủ.
Cậu mợ kéo tay nàng, đưa nàng đến yết kiến Tĩnh vương, ngay sau đó chỉ vào Xuân Thiên rồi quay qua cười nói với Tĩnh vương, nói đây là ấu nữ Tiết gia, tên là Xuân Thiên, người trong nhà đều gọi nàng là Nữu Nữu.
Mẹ ở bên ôm nàng khóc không thành tiếng, giống như ngầm thừa nhận những lời này.
Từ đó, mẹ thành cô của nàng, nàng thành con gái của cậu mợ.
Sau đó nữa, mẹ chuyển vào Tĩnh vương phủ, quý phủ tịch mịch đã lâu của cậu lần nữa tưng bừng trở lại.
Cứ cách mấy tháng là mẹ sẽ mượn cớ đến thăm nàng, kéo tay nàng, dịu dàng đủ kiểu với nàng.
Về sau nàng tìm được một phong thư đã mở trong thư phòng cậu.
Là thư của mấy năm trước, sau khi cha qua đời, Trần Trung Tín đã viết cho mẹ.
Thư viết, năm đó là ông khuyên Trọng Phủ vứt bút tòng quân, nào ngờ Trọng Phủ chết trận ngoài chiến trường, ông vô cùng hổ thẹn với chị dâu và cháu gái.
Có điều việc này rất kỳ lạ, đáng tiếc ông thấp cổ bé họng, muốn điều tra lại rõ nhưng bị quấy rối liên tiếp.
Ông vốn định vào Cam Lộ Xuyên gom lấy di cốt Trọng Phủ, mà lại nhận chỉ cách chức tới Tây Châu, hỏi mẹ có thể đi tới phía Nam trước, giúp ông mang di cốt của cha từ chiến trường về, hồi hương an táng.
Phong thư này, cậu đọc rồi, tuy nhiên chưa từng tiết lộ dù chỉ một chút.
Bởi vì mẹ nàng lúc ấy đã vào Vi gia, làm thị thiếp của Vi Thiếu Tông.
Sau khi đọc thư, Xuân Thiên òa khóc thảm thiết.
Tiếc là Xuân gia không có đến một gã tôi tớ hay người bà con xa, mẹ lấy người khác, để lại mình nàng cô nhi không ai giúp, ngay cả việc mang di cốt vong phụ về cũng đành bất lực.
Nàng lại đưa phong thư cho cậu, năn nỉ cậu hỗ trợ điều tra rõ cái chết của cha.
Mặc dù lúc bấy giờ chức quan của cậu nàng không coi là quá cao, nhưng người ở Hình bộ chung quy vẫn nói được một hai câu, những người cùng vai vế hằng ngày lui tới xã giao, có các quan viên các bộ khác nhau có thể kiếm chứng.
Nhưng cậu nhiều lần thoái thác, liên tục lảng tránh, nhiều lần nuốt lời khiến nàng thất vọng.
Xuân Thiên đã nghĩ sẽ giao thư cho mẹ, xin mẹ, cũng là xin Tĩnh vương giúp thu gom di cốt của cha, trả lại trong sạch cho cha.
Ngờ đâu cậu lại cản nàng, nói Tĩnh vương phủ là dòng dõi quý tộc, mẹ được Tĩnh vương sủng ái, sống ở Tĩnh vương phủ luôn phải thận trọng dè dặt.
Nếu để chuyện duyên phận ngày xưa nổi lên, chọc giận Tĩnh vương, thì sau này mẹ nàng biết sống thế nào.
Vả lại cha nàng đã mất nhiều năm, tình hình chiến đấu ở biên thùy biến đổi thường xuyên, không dễ gì đi qua đó, nàng chỉ được phép vào miếu làm mấy buổi cúng bái hành lễ cho cha thôi.
Cái chết của cha, người đau buồn thống khổ, hiện giờ còn mỗi một mình nàng.
Tiết phu nhân mẹ nàng, hệt như đóa tóc tiên nhỏ bé, luôn đơn thuần, nhu nhược, lẻ loi.
Tạo hóa trêu ngươi hoặc ý trời là thế, thân bất do kỷ, càng lúc càng đi xa nàng.
Xuân Thiên nghĩ, nếu mẹ ta chỉ có thể sống dựa vào người khác, vậy thì cuộc đời của ta phải nuôi chí làm một cây tùng xanh sừng sững, làm chim én thuộc về bầu trời, không ai trói buộc được ta, chiếm giữ ta, cản trở ta.
Một thiếu nữ khuê phòng mười ba tuổi sẽ có suy nghĩ và dũng khí như thế nào, không một ai biết được.
Nàng thông minh sáng dạ, nghe rộng biết nhiều, vì cha tòng quân nên nàng vô cùng khát khao hướng tới cuộc sống nơi Tây Bắc tái ngoại.
Mấy năm nay mẹ và Tĩnh vương hay cho nàng rất nhiều vàng bạc trân bảo, nàng đem bán đi một phần để đổi lấy ngân lượng, nhân duyên trùng hợp, nàng bỏ ra một số tiền lớn mua được tờ giấy thông hành trắng tinh.
Kế tiếp là cải trang thành nam giới, rốt cuộc thời cơ cũng đến, nàng theo chân một nhà quan lại thân thích đi về phía Tây, tới Lũng Tây.
Cha chết uổng nơi sa trường, dù kẻ thù đã bỏ mạng, nhưng vong hồn còn ở ngoài không được ngủ yên.
Nàng muốn mang di cốt cha về Trường An, giả như bất hạnh chết trên đường, nàng cũng không thấy sợ hãi.
Nàng của giờ đây gần như là đơn độc một mình, chẳng lưu luyến gì ở nhân sinh, chết thì có sao.
Vì thế mà nàng đã trù tính rất lâu, đọc hết tất cả những cuốn sách liên quan đến lộ trình hành Tây, thậm chí công báo trong thư phòng cậu cũng không bỏ qua.
Sau đó cẩn thận hết mức, từ Trường An đến Lương Châu, ước chừng đi hơn ba tháng.
Rồi lại tiếp tục từ Lương Châu đi về Tây, cho tới lúc gặp nạn ở Hồng Nhai Câu.
Nếu người khác biết được những gập ghềnh trong suốt quá trình đó, hẳn là chỉ biết tặc lưỡi trợn mắt, nói một câu bội phục.
(còn tiếp).
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook