Tuổi Thanh Xuân Bên Nhau
C60: Có Những Chuyện Còn Dang Dở, Cũng Bỏ Đi Thôi

No. 315

Tôi vẫn còn nhớ, vào hai ngày thi đại học cả thành phố mưa rất to.

Vào thời gian đó, trên ti vi đưa rất nhiều tin về hành động hào hiệp của các anh chị chở các bạn thí sinh miễn phí đến trường thi, song cũng có rất nhiều bi kịch, vì trời mưa nên xảy ra trục trặc, bị cánh cổng trường thi đóng lại từ chối. Tôi và những người bạn khác đều thi ở những điểm thi khác nhau nên tôi không hề gặp một người quen nào.

Về kì thi mà tôi phải dùng sức mười tám năm để phấn đấu thì tôi không còn nhớ rõ lắm. Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là chuyện được chứng kiến sau khi thi xong môn Vật lí. Thi xong, tôi đi theo dòng người ra ngoài thì bắt gặp một học sinh nữ gầy guộc quỳ trước phòng thi, ôm chân của một giám thị và nói, cậu ấy chỉ cần nửa phút để điền vào tờ đáp án, chỉ cần nửa phút, cầu xin thầy, nếu không cuộc đời cậu ấy coi như xong.

Một cô gái trông có vẻ thẹn thùng ấy vậy mà lạị khóc tức tưởi và đau khổ trước mặt nhiều người như thế, không hề kiêng dè hay lo nghĩ gì. Kính của cậu ấy trượt xuống sống mũi, đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in đôi mắt của cậu ấy, trong veo, đỏ vằn và tràn đầy tuyệt vọng.

Cậu ấy chỉ quỳ ở trước cửa, không đi ra ngoài, như thể kì thi đại học vẫn chưa hề kết thúc, cậu ấy vẫn còn cơ hội để sửa chữa.

"Em cầu xin thầy, không thì cuộc đời em coi như xong."

Tôi không dừng lại ở đó lâu và dòng người cứ thế cuốn tôi đi về phía trước.

Kì thi đại học trong hai ngày mưa to liên tiếp, đến buổi tối hôm kết thúc lại tạnh. Đài truyền hình đưa tin có rất nhiều học sinh cấp ba đêm đó tập trung ở các quán ăn liên hoan ăn mừng. Nhưng tôi không hề nghe Chấn Hoa có chuyện như thế.

Ngày mai là có thể đến trường lấy đáp án chuẩn của đề thi đại học. Trước khi có kết quả chắc chắn, ai cũng mong muốn xõa, quẩy điên cuồng sớm một chút, để lại cho bản thân một khung cảnh sướng quá hóa bi ư?

Đêm đó, tôi gọi điện cho Dư Hoài, hẹn thời gian cùng đến trường lấy đáp án.

Khi đó tôi rất căng thẳng, còn căng thẳng hơn gấp ngàn lần khi thi đại học, cứ nói cứ nói đến lúc bắt đầu có tiếng khóc.

Bởi lúc đó trong đầu tôi cứ hiện lên hình ảnh khóc sướt mướt của bạn nữ đó. Thế nhưng đến khi nhớ lại, những ngón tay tôi lại run lẩy bẩy, họng cũng vì căng thẳng mà đau, rất đau.

Dư Hoài an ủi tôi qua điện thoại: "Đừng sợ, mai tớ ở bên cậu, nếu không vui thì cứ cấu véo thoải mái, ra sức mà cấu véo."

Cuối cùng tôi cũng nhớ, giọng cậu ấy lúc đó thân mật hơn lúc bình thường và còn có một chút suồng sã.

Cậu hỏi tôi: "Vết tích √ trên tay cậu chưa bị mất chứ?" Tôi nói: "Chưa?" Dư Hoài cười nói: "Ừ, tớ cũng chưa."

Cậu ấy nói: "Vậy là đúng rồi, còn có tớ mà."

Tự dưng tôi không thấy sợ nữa.


Tôi tự nói với chính mình, dẫu thế nào thì kì thi đại học cũng đã kết thúc, nó không thể hủy mất cuộc đời của tôi, bởi vốn dĩ tôi đã không nhiều phần trăm khả năng để thi được thành tích tốt.

Nhưng theo sự kết thúc của nó, còn có rất nhiều người và chuyện tốt đẹp đang chờ đợi tôi, ví dụ như giọng nói của Dư Hoài. Rốt cuộc điều đó dự báo điều gì có lẽ tôi không thể biết được nhưng tôi không muốn nghĩ quá nhiều, chỉ sợ vui quá hóa thực.

Tuy cậu ấy chưa nói bất cứ điều gì.

Nhưng, tôi đã nói, tôi sẽ đợi.

No. 316

Thời gian nhận đáp án là từ chín giờ sáng đến ba giờ chiều. Tôi và Dư Hoài hẹn nhau chín rưỡi, cậu ấy nói nửa tiếng thì ai cũng nhận hết rồi và không cần xếp hàng nữa.

Nhưng điện thoại của tôi bị sập nguồn, sáng sớm đồng hồ báo thức không kêu, lúc cô Tề đến gọi tôi dậy thì đã là chín rưỡi.

Tôi vội vàng sạc điện thoại, nhảy xuống giường đi đánh răng rửa mặt. Bố nói tôi không cần phải gấp, ăn sáng xong bố sẽ chở tôi đến trường.

Bố còn chưa nói hết câu tôi đã chộp vội lấy điện thoại và cặp sách rồi chạy ra ngoài.

Trên đường tôi gọi cho Dư Hoài rất nhiều cuộc, định bảo cậu ấy đến muộn một chút nhưng cậu ấy lại không nghe máy.

Khi tôi xông vào phòng phát thanh thì đã là 10 giờ 10 phút. Tôi lấy tờ đáp án, kí tên vào ô trống thì nhìn thấy Dư Hoài đã kí rồi vì vậy lại gọi cho cậu ấy một cuộc điện thoại.

Vẫn không có ai nghe máy.

Tôi ngồi ở bóng cây phòng thể dục gần ngọn đồi kia đợi rất lâu.

Cái cây mà chúng tôi trồng không ngờ vẫn ngoan cường sống sót, quãng thời gian ôn tập cuối cùng trước khi thi đại học tôi thường chạy đến lay lay thân cây, phát hiện cây bám rễ rất chắc. Không có gì phải lo ngại cả, thật tốt.

Tôi ngập ngừng, chần chừ mãi không dám mở ra xem đáp án. Điện thoại vốn sạc chưa đầy, chỉ còn một chút điện nên tôi không dám gọi lung tung, sợ cậu ấy gọi mà không tìm thấy tôi.

Cuối cùng tôi gửi cho cậu một tin nhắn, nói tôi ở ngọn đồi.

Vừa gửi đi thì điện thoại đã sập nguồn.

Tôi đoán Dư Hoài cũng ngủ quá giấc, giống tôi vậy, sau lại nghĩ, ở trên tờ kí tên đã có chữ kí của cậu ấy rồi.


Nhưng có thể là do cậu ấy không mang điện thoại cho nên không tìm được tôi. Tôi nghĩ.

Cho nên tôi không nên cuống. Cậu ấy đã hứa là xem đáp án cùng tôi rồi, cậu ấy nhất định sẽ đến.

No. 317

Tôi ngồi đến ê cả mông, lại thêm bị say nắng, chỉ còn cách đứng dậy quay về khu giảng đường tránh nắng.

Tôi đứng trước cửa phòng phát thanh thì nhìn thấy Từ Diên Lượng đang soát tờ kí tên của lớp tôi.

"À, Cảnh Cảnh!" Từ Diên Lượng nhìn tôi cười: "Cậu lấy rồi đúng không? Ừm, tớ xem một chút, vậy chỉ còn ba người chưa lấy tờ đáp án."

"Cậu nhìn thấy Dư Hoài không?"

"Cậu ấy đi từ lâu rồi." Từ Diên Lượng nói: "Chín giờ cậu ấy đến lấy tờ đáp án, bọn mình đối chiếu một tẹo. Cậu ấy xem rất nhanh, xem xong thì cậu ấy không nói câu gì, cứ thế đi về thôi."

"Đi ra ngoài cổng trường rồi ư?"


"Tất nhiên, tớ còn thấy cậu ấy gọi xe taxi." Từ Diên Lượng ngạc nhiên: "Sao thế?"

Không có gì, tôi lắc đầu.

No. 318

Những chuyện diễn ra trong mấy ngày đó thật sự tôi nhớ không rõ.

Đối chiếu đáp án chẳng có gì đáng sợ cả. Tôi ngồi ở nhà đã có thể tính ra tầm điểm của mình, tốt hơn tôi mong đợi.

Bố tôi không dám tin, nhất định phải cầm tờ đáp án tôi làm đi đến trường để thầy Trương Bình tính lại một lượt, còn âm thầm lấy bài viết văn và Tiếng Anh của tôi đến nhờ nhân viên giảng dạy nghiên cứu thành phố mà bố quen biết để nhờ đánh giá.

Kết quả tính ra không hề sai, điểm cao hơn so với điểm sàn của các trường tự nhiên trọng điểm tận mấy chục điểm.


Bố mẹ tôi tính toán rất lâu, lao tâm khổ tứ nhiều về việc đăng kí cho tôi vào trường nào, hai người cũng đi rất nhiều hội tuyển sin. Mà bố tôi cũng đã dùng hết tất cả những chiêu thức trong môn đánh cờ mà ông còn nhớ rồi, còn tôi chỉ bình chân ngồi ở nhà.

Bố mẹ tôi hỏi tôi muốn đi đâu, tôi nói đâu cũng được.

Chỉ cần là Bắc Kinh.

Không ai biết về tình hình của Dư Hoài, tôi đi vào phòng làm việc của thầy Trương Bình và cùng mấy bạn khác đưa bảng biểu cho thầy, sau đó cứ đứng ở một góc nhìn các bậc phụ huynh và các bạn cùng lớp lần lượt lần lượt đến và lần lượt lần lượt ra về.

Cuối cùng thầy cũng đỡ bận, thầy chỉnh đi chỉnh lại các tờ giấy đăng kí tự nguyện, trước khi đi ra ngoài thì nhìn thấy tôi.

"Cảnh Cảnh, sao em chưa về?"

"Thầy Trương." Tôi cố gắng để bản thân không bị lộ quá rõ kích động: "Em muốn hỏi một chút, thầy biết Dư Hoài đi đâu rồi không ạ?"

Thầy cụp mắt xuống.

"Dư Hoài học lại rồi." Thầy nói.

Kể cả tôi có đoán được nhưng khi nghe được câu này, tôi vẫn có cảm giác như có búa đập vào lòng mình vậy. Đau!

Tôi thở một hơi dài, cố gắng để giọng không bị run: "Cậu ấy ở đâu ạ?"

Trương Bình thở dài: "Em ấy bây giờ không còn ở Chấn Hoa nữa. Dư Hoài cũng không thuộc lớp các học sinh điểm cao học lại. Thành tích của em ấy nhất định không thể đỗ được Thanh Hoa nhưng em ấy lại không muốn học những trường khác, cho nên trường cao đẳng thực nghiệm của thành phố kế bên đã kéo cậu ấy đi rồi. Em cũng biết mà, trường đó luôn dùng tiền để lôi kéo các học sinh điểm cao học lại của Chấn Hoa, để trường họ công kích số học sinh của Thanh Hoa, Bắc Đại, nói không chừng còn vớt được một trạng nguyên đó. Dư Hoài đi sang đó là một sự lựa chọn tốt, lớp học lại phải trọ ở trường, tất cả đều phong tỏa, có lẽ em ấy đã vào trọ rồi đó."

Tôi nói: "Em biết rồi ạ, cảm ơn thầy."

Trương Bình gật đầu, nhìn tôi vẻ lo lắng.

Thầy nói: "Cảnh Cảnh, đừng buồn."

Thầy biết gì chứ, lại còn bảo em đừng buồn!

Tôi cố gắng không để rơi nước mắt, nhưng cho đến tận hôm nay, nhắm mắt lại tôi vẫn nhớ được ánh mắt của thầy lúc đó.

Nói thật lòng, đó là ánh mắt không cam tâm nhìn vào mắt tôi.

No. 319

Tôi chịu được, tôi không hề khóc. Vốn dĩ đã ăn mặc rất lịch sự rồi lại còn ngồi bên vệ đường nơi con phố đông người, tôi mà còn lau nước mắt nữa thì chắc chưa đến năm phút sau sẽ có ca sĩ đường phố đến hát cho tôi bài "Bắc Kinh, Bắc Kinh".

Cho nên tôi không khóc, tôi chỉ cười chính bản thân mình.


Lúc tôi ở Tây Tạng, tại sao lại không nói cái kết này cho lão Phạm?

Có lẽ là do bản thân tôi thấy mất mặt.

Tôi từng viết thư cho Dư Hoài nhưng vì không biết rõ tên lớp nên ở dòng người nhận luôn viết "Dư Hoài, học sinh lớp học lại trường Cao đẳng thực nghiệm"; lại còn n tin nhắn khích lệ dài dằng dặc nửa đêm tôi nhắn từng chữ từng chữ một. Song điều đó khiến tôi sau này ghét cay ghét đắng, lúc đó còn chu đáo thu thập bản chép tay của Chickensoup of soul cho cậu ấy, những cuộc điện thoại ấn hủy bỏ....

Cuối cùng đều nhận lại một kết cục giống nhau.

Số điện thoại ở chế độ máy bay đó sau này không biết có phải không chịu được quấy nhiễu, dứt khoát ngừng sử dụng.

Thật mất mặt làm sao, Cảnh Cảnh.

Tất nhiên, một người chắc chắn sẽ không biến mất thật. Sau này tôi cũng có nghe ngóng được chút tin tức của cậu ấy. Lần thứ hai cậu ấy thi đứng thứ ba toàn tỉnh, như ước nguyện mà đỗ vào Thanh Hoa. Ba năm đã học xong, hoàn thành xong các khung điểm, tốt nghiệp cùng khóa với bọn tôi, nhận được học bổng đi Mỹ học thạc sĩ, cùng với Lâm Dương, Dư Châu Châu học cùng một bang, nghiễm nhiên ghi danh vào lịch sử những học sinh ưu tú của Chấn Hoa.

Chỉ cần cậu ấy chưa chết thì sẽ không biến mất hoàn toàn. Nếu tôi thật sự muốn tìm cậu ấy thì thực ra cũng không khó.

Chỉ là tôi không muốn và cũng như trong ba năm chúng tôi cùng học ở Bắc Kinh, cậu ấy cũng không một lần đến tìm tôi.

Tôi từng tự biên tự diễn, Dư Hoài năm đó gặp phải đả kích lớn, không chịu để ý đến bất kì ai, bao gồm cả tôi. Nhưng còn sau này? Cậu ấy đâu có chết.

Dần dần tôi hiểu, có lẽ Dư Hoài chưa từng nghĩ qua sẽ định nói với tôi điều gì, tất cả đều là ảo giác của tôi.

Sau khi con người ta trưởng thành, tự do hơn hồi học cấp ba nhiều, không còn bó buộc của cái phòng học nữa thì muốn chạy đằng nào thì chạy. Nhiều vấp ngã chỉ cần né đi là được.

Điều duy nhất mà tôi không né được, là Dư Hoài.

Trong lòng dường như bị cái gì đó làm mắc kẹt, bảy năm liền, đều không có cách nào bỏ nó đi.

Tôi không thể kể cho lão Phạm nghe kết cục này được.

Cậu ta sẽ cười ha ha: "Tình đầu của cậu cuối cùng là một anh chàng học lại? Thế bây giờ cậu bao nhiêu tuổi rồi? Hai mươi sáu rồi đúng không? Chuyện to tát đến đâu chứ, tớ còn tưởng cậu ta bị máu trắng hay gặp tai nạn xe mà chết chứ. Có thể cậu ta sớm đã có bạn gái rồi, thậm chí đã kết hôn bên Mỹ. Hai mươi sáu tuổi đầu rồi mà còn canh cánh mãi chuyện thi đại học và chàng trai của bảy năm về trước, đáng không chứ?"

Đúng thế, có gì đáng canh cánh trong lòng chứ?

Có gì đáng canh cánh trong lòng chứ!

Hàm nghĩa của bốn chữ này vốn dĩ là như thế, năm ấy tôi lại cho rằng đó là duyên phận.

Cái cây năm đó chính tay chúng tôi trồng cuối cùng cũng mang theo "Cảnh Cảnh Dư Hoài" lớn lên trong lòng của tôi. Hết

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương