Tu Hú Kêu Trăng
C3: Chương 3

Sau này, bà tám hàng xóm mới âm thầm nói cho nó biết là má nó lên Sài Gòn rồi, bả cũng không nói là lên trển làm gì, chỉ là tấm tắc chậc lưỡi, nói bằng cái giọng điệu chẳng biết là thương hay trách.

- Biết sao được! Má mày còn trẻ quá mà.

Năm đó, Giàu chín tuổi, còn thằng Lắm em nó mới lên hai.

Nhà ngoại cũng "giàu" y chang nhà nó, khác cái là bà ngoại còn có miếng đất con con trồng ít rau cải ăn qua ngày. Ở với ngoại nó không còn phải đầu tắt mặt tối cả ngày cả đêm để kiếm tiền kiếm gạo nữa, mà nó không có thấy vui, tại ở đây.. bà ngoại không có cho nó đi học.

Không phải bà ngoại không thương nó, chỉ tại trường xa quá, còn bà thì già dữ lắm rồi, lại thêm thằng Lắm còn nhỏ xíu, bịnh tới bịnh lui, ngoại nuôi nó trên trạm xá còn nhiều hơn ở nhà. Tính qua tính lại, từ ngày má đi rồi, nó sống có ên.

Đêm qua mưa lâm râm cả đêm, Giàu nằm không ngủ được, tiếng mưa lộp độp nện trên ngói làm nó nhớ ba, nhớ má quá trời quá đất, nhớ hồi xưa chưa có thằng Lắm, nhà nó nghèo mà ba người sống với nhau êm ấm biết chừng nào. Nhiều khi nó nghĩ rồi nó ghét em trai nó kinh khủng, nếu không phải tại thằng Lắm chui ra thì làm sao má nó bệnh, làm sao khiến ba nó khổ không chịu nỗi mới bỏ nhà đi, còn nó thì lưu lạc tới nông nỗi này? Biết vậy hồi xưa, nó đừng trông ba má nó đẻ thêm làm gì.

Sáng trời vừa dứt mưa, Giàu vác nơm ra con suối nhỏ nhỏ gần nhà đặng ụp mớ cá về nấu canh. Ngoài rạch nước sâu hơn, cá tôm cũng nhiều, mà Giàu nhỏ quá, nó sợ, nước cuốn nó trôi luôn. Tới chừng đi tới nơi nó mới phát hiện con suối nước cạn mọi hôm sau cơn mưa đến tận sáng nước đã lên tới tận nửa sào.

Giàu nhìn nước suối chảy rần rần cuốn mấy đám cỏ mọc hai bên bờ trôi tuốt luốt chỉ có thể thở dài, nước kiểu này thanh niên trai tráng xuống còn thấy sợ huống chi là thằng con nít mới hơn mười hai tuổi thiếu ăn như nó. Giàu xách cái nơm lủi thủi đi về, chắc mẩm cơm trưa nay thiếu thịt.

Bỗng đâu nó nghe tiếng sóc kêu, ngó thấy ở cái bụi xa xa đằng kia có một con đang ngồi trên buồng chuối có mấy trái vừa chín bối. Con vật say mê cắn lấy cắn để, trái này một miếng, trái kia một miếng, một hồi nguyên nãi chuối chín bị nó cạp nham nhở tùm lum.

Thôi thì đường nào cũng bị con sóc ăn hư, bỏ thì cũng phí. Giàu cầm cái nơm chạy tới, huơ cao hơn đầu, lớn tiếng hù con sóc chạy mất tiêu. Nó ngước lên nhìn buồng chuối một hồi để nhắm chừng khoảng cách rồi khệ nệ rinh một gốc cây khô chồng lên tảng đá gần bụi chuối. Giàu không định hái cả buồng, chỉ muốn "xin" mấy trái chín ở trên cùng hồi nãy mới bị con sóc cạp hư. Nó nhón chân, cả người căng ra như cọng dây đờn, làm lộ rõ mấy cái xương sườn bên dưới lớp vải áo đã sờn cũ. Từ hồi má nó bỏ đi, nó đâu còn được mặc áo mới.

Vừa mới bẻ được hai trái thì có tiếng đứa con gái đanh đá cất lên:

- Ê! Thằng ăn trộm! Dám hái chuối nhà tao hả mậy?

Giữa cái chỗ đồng không mông quạnh trống huơ trống hoác, tiếng con bé không khác gì sấm nổ bên tai. Giàu giật mình, trượt chân té huỵch xuống đất. Cú đập mạnh đến mức nó thấy cổ nghẹt lại, thở không ra hơi, cơn đau dữ dội từ trong lồng ngực truyền đến dữ làm nó ngất lịm.

Khi nó tỉnh lại đã thấy mình nằm trên cái li quăng bóng loáng không biết là của nhà ai, có đứa con gái trạc tuổi nhìn nó chăm chú bằng ánh mắt đầy vẻ ngại ngùng.

- Mày.. té có đau dữ hôn?

Nghe nó hỏi thăm Giàu mắc cười, trần đời người ta té đập mặt xuống đất bất tỉnh mà nó hỏi có đau hôn? Nếu không phải đau quá nói chuyện không nổi chắc Giàu sẽ nói với nó: Thôi mày leo lên cục đá rồi tao đạp cho mày té sấp là mày biết đau hay không liền.


Mà không để cho Giàu tiếp tục suy nghĩ lung tung, con nhỏ đã cất cái giọng cao chót vót kêu với ra ngoài.

- Má nó.. tỉnh rồi nè!

Ánh mắt Giàu bất chợt nhìn ra cửa, nơi một người phụ nữ vẻ ngoài nhân hậu mặc cái áo bà ma màu ngà với quần lụa đen mang guốc mộc đi vô, trên tay bưng tô cháo không biết nấu với cái gì mà thơm đến chảy dãi.

Giàu đâu có biết từ đây cuộc đời nó sẽ sang trang.

Nó với Nguyệt - con gái duy nhất của ông Sáu Lân - chủ đoàn lân sư rồng nứt danh xứ Nẫu trở thành bạn thân từ đó. Biết gia cảnh nó côi cút bần cùng, ba má Nguyệt cũng thương, tuy không nói nhận nó làm con như đối xử với Giàu cũng không khác gì con cháu.

Đến mùa trung thu năm đó, nó lên mười còn Nguyệt đã mười hai.

- Nè! Tui tặng chị!

Nguyệt cầm cái đèn quả trám làm từ mớ bìa cứng màu xám có vẽ hình con thỏ trắng được tọt mấy cái lỗ hình bông hoa để ánh sáng chiếu ngoài. Nguyệt nhớ rõ giấy bìa này là thằng Giàu xin má mình hồi hôm. Tưởng đâu nó làm gì, ai dè.. Nguyệt thấy cảm động lắm, tại mọi năm ba má cổ sẽ cho tiền mua đèn mua bánh chớ đâu có rảnh mà làm cho con gái. Nhưng vốn tánh đanh đá, nên Nguyệt đâu có chịu để người ta biết.

- Mày kiu tao bằng chị thì phải xưng em chớ sao mà xưng tui?

Giàu không trả lời, nó đâu dám nói là nó thấy xưng em ngượng miệng làm sao đó, nó sợ Nguyệt đá nó văng vô chuồng gà hay bay xuống ao cá tra y như cái lời Nguyệt hay hăm nó vậy. Giàu lảng qua chuyện khác.

- Bộ chị chê tui làm hổng đẹp hả?

- Chê đâu mà chê? Đẹp thấy mồ. Thôi mày vô nhà đi, để tao xin má cái bánh trung thu rồi tao dí mày đi rước đèn.

- Ủa chị hông ở nhà phá cổ dí ba má ha?

- Ba tao với mấy thằng đệ tử ổng vác đồ đi múa ngoài xã chiều giờ rồi, tí má tao cũng đi, năm nào trung thu tao cũng ở nhà có mình hà, nay hên là có mày đó.

Nguyệt nói xong nhăn răng cười, con nhỏ không đẹp mà cười thiệt ngộ, hàm răng thì trắng tinh đều như bắp còn đôi mắt thì nhắm tịt, cong cong như trăng non treo giữa trời. Trăng người ta đẹp vậy, Nguyệt cũng là trăng mà không biết giống cái chỗ nào. Giàu vừa nhìn vừa nghĩ một hồi thì phát hiện chắc là giống ở gương mặt, mặt Nguyệt tròn vo như cục xôi nước người ta ưa đem cúng rằm.


Vừa nghĩ là có, Nguyệt chạy tưng từng từ trong nhà ra, tay bưng hai cái chén, lớn tiếng kiu Giàu:

- Ê! Má tao nói bánh trung thu chưa thắp nhang không được ăn, có chè xôi nước thôi, nãy đốt nhang rồi, mày có ăn hôn?

Nghe Nguyệt hỏi mà Giàu có cảm tưởng như bây giờ là rằm tháng bảy cúng cô hồn chứ không phải là Tết Trung Thu. Nhưng thôi, có ăn là được.

- Ăn chớ! Ăn đặng có sức mà đi rước đèn.

Nguyệt đưa cho Giàu một chén rồi lôi nó ngồi xuống bậc thềm. Trong chén nó có hai viên xôi lớn tròn vo với đâu tám chín mười viên nhỏ không nhân, Giàu vừa nhai vừa nhớ má nó, tại lâu lâu má nó cũng làm.. mà thường là phải có giỗ quải tết nhứt gì đó mới làm. Mỗi lần má múc cho nó bưng lên bày cúng, nó để ý dòm thấy mỗi chén chỉ có một viên xôi lớn nhân đậu xanh hay đậu phộng với mè, chắc nhà Nguyệt khá nên mới làm gấp đôi. Biết đâu còn gấp ba gấp bốn, bất giác nó liếc mắt nhìn qua chén Nguyệt, thấy con nhỏ đang chóp chép nhai mấy viên xôi nước bé tí teo, nó buột miệng hỏi:

- Ủa xôi nước bự của chị đâu?

- Tao ăn hết rồi.

Nguyệt trả lời tỉnh rụi làm Giàu không biết phải nói thêm gì, nó lại cắm đầu cắm cổ mà ăn phần mình cho xong. Nó hay nghe ba má Nguyệt kể là từ nhỏ con bé đã quậy phá rần trời, được cưng chiều quá sanh ra không biết ăn nói, thêu thùa may vá hay cơm nước Nguyệt cũng không rành, coi cách Nguyệt nói chuyện như vậy chắc ông bà Sáu cũng không có giỡn chơi.

Giàu lại nghĩ tới xung quanh nó có biết bao nhiêu người hiền lành giỏi dang hết lòng vì chồng vì con mà cuối cùng cũng bỏ anh em nó lại cho ngoại, nên thôi, cũng không nhất thiết phải đảm đang làm gì, Nguyệt không biết nấu cơm thì để nó nấu. Giàu nghĩ bâng quơ một hồi tự dưng hoảng hồn hoảng vía, khi không mà nó lại nghĩ đâu đâu. Hình như nó thật sự coi ông bà Sáu là ba má, còn Nguyệt là chị ruột nó rồi.

Nguyệt không biết thằng em mà mình lụm ngoài bụi chuối đang nghĩ gì, thấy Giàu thất thần, con bé đưa tay vỗ lưng nó cái bốp. Thằng nhỏ bị đánh bất ngờ không kịp né, cục xôi nước đang nhai trong miệng văng ra cái vèo, Nguyệt giỡn chơi mà thiếu điều Giàu muốn phun luôn cả tim gan phèo phổi.

Bà Sáu Lân từng kể, lúc nhỏ có một lần Nguyệt lén chôm cái giàn nạn của một thằng múa lân trong đoàn, chạy ra mé suối canh bắn mấy con bói cá hay tới đó kiếm ăn, con nhỏ trèo lên nhánh xoài, nằm ở đó canh me, vừa thấy con chim liệng tới là nó kéo cái nạn thiệt căng rồi bắn cái tành, rớt nghe cái bịch. Mà không phải con chim rớt, mà Nguyệt rớt, nó lăn từ nhánh cây xoài xuống đất chết giấc.

Không biết con bé bắn kiểu sao mà viên đá không bay ra ngoài mà theo đà của dây cao su dội ngược vô lòng ngực khiến nó ná thở chết giấc rồi lăn đùng xuống đất. Lần đó tưởng đâu ông bà Sáu Lân phải mời bà con bánh men với đậu phộng luôn rồi. May phước có ông thầy thuốc ngoài tỉnh ghé nhà người quen chơi, hay tin chạy qua coi mới cứu được Nguyệt. Lần đó ông Sáu giận lắm, tuyên bố con Nguyệt mà dám leo cây nữa ổng đánh gãy giò. Nguyệt sợ ba, răm rắp nghe lời, đâu có dám hé răng cãi ổng nửa chữ.

Con bé không leo nữa mà nó phá chuyện khác. Kể như cái quần ông Sáu mặc đi múa lân, nó lấy kéo bấm cắt mất mấy cọng chỉ ở đáy quần, làm bữa đó ổng đang múa hăng tự dưng dân chúng ở vòng vòng người ta la lên "rớt trứng kìa cha nội", ổng có biết gì đâu, tới chừng bỏ cái đầu lân ra thấy đàn bà con gái chạy đâu mất hết, nhìn xuống mới thấy.. hỡi ôi. Về hỏi bà Sáu, bả ôm bụng cười ngất, thêm hôm qua thấy mất cây kéo bả biết ngay là con Nguyệt làm, mà bả sợ con gái cưng ăn đòn nên phải giả bộ ngạc nhiên, đổ thừa cho "quỷ thổ".

- Chết được! Lâu nay quên không cúng đất! Tụi nó lộng hành dữ quá.


Ông Sáu tức anh ách mà vợ đã nói vậy ổng đành phải nhịn. Ta nói.. sợ vợ để sống lâu, tránh.. trâu hổng xấu mặt nào. Hồi bà Sáu còn con gái, tay không đánh đổ cả cây chuối hột bự như cái cột nhà nên ông Sáu ổng hổng dám ho. Ai nói vợ ổng hiền lành đi, ổng là người đầu tiên đánh cho bầm mắt.

Vì có má chống lưng nên Nguyệt đâu có sợ, chuyện cắt chỉ quần vừa qua chưa lâu lại đến cái vụ nó lén lút chui tới cái sào phơi đồ biểu diễn của đoàn ở trước sân, coi cái áo nào của mấy ông múa rồng là nó khoét nách hết trọi. Mấy thằng chả gấp gáp quá đâu có biết, tới chừng lên đài, múa được nửa chừng mới biết "lông cánh" nó lộ hết trơn. Mấy ông trên xã thấy vậy lắc đầu, môi trề "tám thước".

- Đoàn ông Sáu Lân coi bộ hết tiền hết gạo rồi hay sao mà để lính lác mặc đồ ngộ dữ à.

Lần đó ông Sáu tức dữ, vừa về tới nhà là dựng đầu đứa con gái rượu dậy gõ cho một trận, con nhỏ khóc té lè, bà Sáu thấy vậy cũng chỉ có thể lắc đầu, coi như "hết cứu".

- Thiệt cái con nhỏ, con gái con lứa mà quậy quá trời, cũng không biết giống ai.

Tính ra từ hồi có thằng Giàu chơi chung, con Nguyệt mới bớt phá nhà, mỗi ngày ngồi ghe đi học về là nó lại qua nhà thằng Giàu hoặc rủ thằng Giàu qua nhà nó, hai đứa lúi húi chơi với nhau cả ngày trời. Chơi cái giống gì thì không biết nhưng con Nguyệt không khoét nách áo hay cắt đáy quần ba nó nữa là ổng mừng rồi.

Như bữa nay rằm tháng Tám, hai đứa ăn chè xôi nước xong thì cầm lồng đèn chạy ra bãi sông, theo đám nhỏ trong xóm đi đón trăng lên. Nguyệt lẹ tay chụp luôn cái nồi gang sứt quai mà má nó hay để cho gà ăn với một khúc củi đem theo, Giàu không biết để làm gì nhưng nó không dám hỏi. Nguyệt thấy Giàu ngơ ra thì lớn tiếng hối nó đi cho nhanh.

- Lẹ đi mày! Không là không kịp giờ chơi đấu đèn đâu à.

Nhà ngoại Giàu ở đây nhưng nó là dân xứ khác vừa tới chưa được bao lâu, nghe Nguyệt nói đấu đèn nó đâu có biết cái gì. Nguyệt nghe Giàu hỏi thì che miệng phì cười nhưng cũng không trả lời liền mà đưa khúc cây cho nó cầm rồi nắm tay nó lôi chạy băng băng trên đường bờ ruộng. Không bao lâu, tụi nó đã ra tới nơi.

Gió thổi ù ù làm tóc mai Nguyệt bay lất phất, nó đi ngược hướng mặt trời mà trán cũng chả thèm nhăn, cứ phơi phới, cứ rạng rỡ cười như chùm chôm chôm chín tới, đỏ au nổi bật giữa đám lá xanh đen mà tụi nó mới "chỉa" của nhà bà Tám Suối cách đây ít ngày.

Một đám nhóc đâu chừng hai chục đứa hẹn nhau tụ tập ở bãi đất trống ven sông khi trời còn chưa tắt nắng, đứa nhỏ nhất còn đang ẵm trên tay, dưới đất thì lăn lốc đủ thứ đồ, từ cành trúc tới dao rựa dây nhợ làm lồng đèn không thiếu thứ gì. Tụi nó chia nhau ra làm, đứa dán bọc, đứa chẻ nan, có đứa thì xé vỏ cây chuối ra để làm dây cột. Thấy Nguyệt dẫn theo một thằng nhóc lạ hoắc lạ huơ đen nhem nhẻm đi tới, tụi nó trố mắt ra nhìn thằng Giàu từ đầu tới chân hết cả buổi trời, cho tới khi con Nguyệt bực bội cắt ngang.

- Nhìn cái gì mà nhìn dữ dậy, bộ nào giờ không thấy người hả? Em tao đó. Tụi bây lớ rớ thì liệu cái hồn. Làm tới đâu rồi?

Tụi nhóc biết Nguyệt xưa nay hung dữ, đâu có đứa nào dám hó hé, cũng khống dám nhìn thằng Giàu tiếp mà nhao nhao trả lời:

- Chưa tới đâu hết, còn chờ chị quyết định coi làm cái gì.

- Nghe đâu tụi xóm Gạo làm cái đèn ông sao bự lắm, bự gấp đôi cái năm ngoái luôn á.

- Năm ngoái mình thua rồi năm nay không được thua.

- Mấy thằng múa lân đâu rồi? Tập xong chưa?

- Sắp rồi, hối gì hối quài, lo làm lồng đèn đi kìa.


Nguyệt hỏi có một câu mà làm cho tụi nó nhốn nháo lên hết cả. Biết sao được, Nguyệt có uy tín nhất trong đám trẻ xóm này, phần vì Nguyệt lớn nhất, phần vì nhà Nguyệt giàu nhất, mà quan trọng là Nguyệt "đầu gấu" nhất, thành ra đứa nào đứa nấy đều coi con nhỏ là thủ lĩnh nên hễ là chuyện "đại sự" thì phải có chị Nguyệt lên tiếng mới dám làm.

Nguyệt đứng nhìn đám nan trúc với dây chuối nằm lăn lốc dưới đất, ngẫm nghĩ cả buổi cũng không biết nên làm ra hình thù gì, mặt trời thì đã chìm nghỉm xuống sông, sắp tối tới nơi mà chưa đâu vô đâu, tụi con nít bồn chồn như gà tìm ổ mà vẫn phải im ru, đâu dám hối. Giàu đi tới, ngó nghiêng một hồi rồi nói:

- Làm hình tàu con thoi đi.

- Tàu con thoi là cái gì?

- Cái mà bay được lên mặt trăng đó.

- Không phải tàu chạy trên nước thôi hả? Sao bay được lên cung trăng? Có xạo hông dạ?

- Đâu mày vẽ ra coi.

Giàu gãi ót, nó đâu có ngờ tụi nhóc ở đây không biết tàu con thoi. Nó cầm nhánh cây, cẩn thận vẽ trên đất hình thù đại khái của con tàu.

Tụi nhóc xóm Lúa tròn mắt nhìn cái thứ hình trụ nhọn một đầu, đuôi có mấy cái chân xòe ra như tua mực mà thằng Giàu vẽ trên đất, có đứa buộc miệng chê:

- Chời má ơi! Hình gì xấu dữ thần!

- Xấu cái đầu mày!

Nguyệt đưa tay vỗ ót đứa nhỏ cái bộp làm nó đau tới hả họng, sau đó không còn đứa nào dám he răng phản đối thêm nửa lời. Con thoi thì con thoi, lồng đèn xấu đỡ hơn bị đòn.

Cả buổi chiều hôm đó, gần hai chục đứa con nít ở trên bãi bồi ven sông, đứa tập múa lân, đứa khua nồi, còn lại một đám hì hục uốn cành trúc, quấn dây rồi dán giấy. Đến khi trăng ló dạng thì tàu con thoi của tụi nó đã xong. Giàu còn tinh ý vẽ thêm lên đó hình Hằng Nga đạp trên mây. Nó vẽ khéo tới nỗi khi đốt đèn lên người ta có cảm giác như chị Hằng vừa té xuống từ cung Trăng. Nghe tiếng tụi nó suýt xoa, Giàu không thấy sao chứ Nguyệt thì cằm đã hất cao tới đỉnh đầu. Bạn nó mà, sao mà dở ẹc như mấy đứa này được.

Trăng lên cao. Đám con nít xóm Lúa rồng rắn nối đuôi nhau, thứ tự hệt như cái đám rước đèn trên chợ huyện mà thằng Giàu thấy hồi năm rồi, có Địa, có lân, có sư, có rồng, chỉ thiếu thằng thổi lửa. Có điều.. mấy cái con này.. nó lạ lắm.

Mấy đứa đi đầu không biết kiếm ở đâu một cái quạt mo, ông Địa đội một cái giỏ con con đan bằng sợi mây được vẽ màu xanh đỏ trên đầu, vừa đi vừa vẫy đám "đệ tử" theo sau. Hai con lân đầu bằng bội gà có đuôi làm từ vỏ bao cối gắn thêm đủ thứ bông hoa lá cây sặc sỡ đủ màu, như thể là đất quê có gì là tụi nó đem gắn lên cho bằng hết. Đôi sư tử cũng từa tựa như vậy, chỉ khác ở màu sắc ở đầu và cây lá dán trên thân, còn con rồng đi sau thì khỏi phải chê, tinh hoa hội tụ quanh mấy cái thùng bìa cứng giăng đầy dây nhợ và vải vụn đủ màu xin của thợ may. Năm đứa tụi nó cũng tung tăng tung tẩy nện bước trên đường bờ ven sông theo nhịp "trống múa" cắc tùng cheng. Nhưng khác với mấy con lân con sư con rồng ở nhà Nguyệt, hai đôi lân sư với con rồng thần này bốn chân tám cẳng khẳng khiu, không móng không vuốt, đen thui đen thủi múa theo nhịp chập chen bằng mỏ, trống múa bằng mồm và thanh la là cái nồi nhôm mà nhỏ Nguyệt thó được từ nhà.

Đàn trẻ con rùm beng đi dọc bờ, trông xa tụi nó hệt như đàn đom đóm mang theo thứ ánh sáng nho nhỏ vàng cam đến thắp sáng cả một đoạn sông, ồn ào, bát nháo nhưng làm Giàu vui đến lạ. Thứ tụi nó cầm trên tay không chỉ là ánh sáng leo lét của đèn cầy mà còn là ánh trăng đêm rằm, soi sáng luôn cả chuỗi ngày âm u cực nhọc của những con người quanh năm suốt tháng chìm trong bóng tối, soi sáng cả hồn Giàu.

Tiếng nồi khua rổn rảng đinh tai nhưng hòa trong tiếng cười hân hoan và những ánh mắt sáng như sao sa vô tư lự của đám con nít, lại khiến cho người ta cảm thấy thanh bình. Giàu cũng vậy.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương