[Tứ Đại Danh Bộ] Đàm Đình Hội
Chương 5: Tập II: Không phải nàng giết - Sát niệm

1.

Sương mù buổi sớm trắng đục như sữa, phủ lên cổng thành Vũ Dương một lớp sa dày, kiếm rút khỏi vỏ, chỉ thấy chuôi chứ không thấy mũi kiếm đâu.

Tòa thành trong sương vẫn còn chưa thức tỉnh. Xa xa có tiếng gà gáy văng vẳng.

Lam Nguyên Sơn đứng trong sương, bất giác có một cách nghĩ rất kỳ quái: con người sống ở giữa tục thế hay ẩn cư nơi đào nguyên thế ngoại, hàng ngày nghe tiếng gà tiếng chó, nhưng lại không già, không chết, cuộc sống đạm bạc ấy mới thật là lý tưởng.

Có điều ý nghĩ đó vừa thoáng hiện ra trong đầu y thì lập tức biến mất. Y đã sống cuộc sống ấy không biết bao nhiêu ngày rồi, y đã chán ngán, giờ y phải bù đắp cho những ngày tháng vô vị đó.

Lúc này y chợt liếc thấy một bóng nhân ảnh vận kình trang màu xanh thấp thoáng ẩn hiện trong sương.

Vừa nhìn thấy bóng người này, mỗi một đốt xương, mỗi một sợi gân, mỗi một cơ thịt khắp toàn thân y đều thả lỏng hết cỡ, bởi vì chỉ có buông lỏng cực điểm, mới có thể đánh ngã bất kỳ người nào khí thế đang căng cứng như dây đàn.

Lam Nguyên Sơn vừa trông thấy Ân Thừa Phong xuất hiện trong sương, thì liền có cảm giác mình đã đánh giá thấp người thanh niên này.

Y vốn cho rằng người có thể cản trở y đoạt lấy quyền tông chủ của Võ lâm tứ đại gia, chỉ có một mình Chu Bạch Tự. Đến giờ thì xem ra cả Ân Thừa Phong cũng tuyệt đối không dễ đối phó.

Ân Thừa Phong mang theo nhuệ khí kinh người cùng với đấu chí thiêu đốt toàn thân bước tới thành môn. Nhưng vừa nhìn thấy Lam Nguyên Sơn đứng trong sương mù, ống tay áo dài chấm đất, y liền cảm thấy chiến ý của mình dường như đã bị đối phương hút đi như kình ngư hấp thủy.

Y liền đứng lại, bạt kiếm.

Kiếm trong sương mù, ánh lên sắc màu như thủy tinh, lưỡi kiếm sáng bóng, gạt cả sương mù sang hai bên.

Dưới một gốc cây, là Chu Bạch Tự vận bạch y trắng toát.

Y nhìn hai bóng người áo xanh và áo lam trong sương, cảm thấy đây là một buổi sáng sớm đầy sát ý, cả tiếng ríu rít của những con chim nhỏ sống trong các lỗ châu mai trên tường thành cũng tắt lịm.

Lúc này, một nhà sư khất thực cầm bát đi qua, vừa đi vừa gõ chiếc mõ nhỏ bằng gỗ. Đi qua nơi này, bất chợt há miệng ngáp dài hai cái.

Lúc hòa thượng này ngáp dài vươn mình, Ân Thừa Phong và Lam Nguyên Sơn đều cùng có cảm giác “thế sự này thật là phiền não, hà tất phải khổ sở đấu tranh làm gì?”, cả hai đều muốn vứt bỏ tất cả quay về nhà đánh một giấc thật say. Ý niệm này và ý nghĩ kỳ quái của Lam Nguyên Sơn lúc nghe thấy tiếng gà gáy nơi xa xa cũng gần giống như nhau, có điều khác biệt duy nhất chính là đây là ý niệm của hai kẻ sắp quyết đấu không hẹn mà cùng nghĩ tới.

Nhưng vừa mới manh nha thì nó đã lập tức biến mất.

Một tia nắng rọi xuống đúng vào thân kiếm, giống như móng vuốt của dã thú, lấp lánh bạch quang.

Thanh âm của Lam Nguyên Sơn vang lên sau màn sương mù dày đặc: “Ân trại chủ, ngài thành danh với khoái kiếm, hãy xuất thủ trước đi. Ta dùng nội lực đấu với ngài, vì vậy tuyệt đối không thể để ngài đến gần mới động thủ”.

Ân Thừa Phong chầm chậm đưa kiếm lên. Mũi kiếm phát ra những tiếng sì sì, giống như một con rắn đang bò lạo xạo trên nền cát.

Lam Nguyên Sơn buông thõng tay, đáng tiếc màn sương mù quá dày đặc, nên không thể nhìn rõ, ống tay áo của y đang không ngừng rung động như mặt nước lúc nổi cơn phong ba.

Y đang dùng nội công tuyệt thế vô song của mình để chống lại khoái kiếm của Ân Thừa Phong.

Sau trận quyết chiến với Chu Bạch Tự, y đã hiểu rõ được một chân lý, lấy so về nội lực, y có lẽ cao hơn nửa phần, nhưng bao nhiêu đó tuyệt đối không đủ để thắng được khoái kiếm nhanh như bôn lôi thiểm điện đối phương.

Huống hồ giang hồ còn truyền ngôn kiếm của Ân Thừa Phong nhanh hơn cả Chu Bạch Tự.

Nhưng cũng có truyền ngôn rằng nội lực của Ân Thừa Phong quyết không thâm hậu như Chu Bạch Tự.

Lam Nguyên Sơn quyết định dùng Viễn Dương thần công mạnh như bài sơn đảo hải của mình, đánh ngã Ân Thừa Phong trước khi y kịp xuất kiếm.

Còn Ân Thừa Phong cũng quyết định dùng khoái kiếm của mình, giành phần thắng trước khi đối thủ kịp đẩy nội lực ra.

Chu Bạch Tự dựa lưng vào gốc cây, đột nhiên lá cây rơi lả tả xuống trước mắt y, giống như có một trận cuồng phong thổi qua vậy.

2.

Trận chiến này cực ngắn.

Kiếm quang lóe lên trong sương sớm, đâm về phía lam bào nhân.

Hai ống tay áo của lam bào nhân tung bay, Viễn Dương thần công khiến cho chu vi ba thước xung quanh y như có tường đồng vách sắt, kiếm đâm không qua.

Nội lực của người áo xanh cơ hồ như không thể nào đưa kiếm xuyên qua bức tường vô hình.

Nội lực phản kích dồn ngược lại.

“Rắc!”.

Kiếm gãy làm đôi.

Mũi kiếm bay lên không, giữa chừng liền bị những luồng kình đạo dày đặc kích trúng, vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, bắn tung tóe khắp nơi.

Đúng vào sát na mà đầu mũi kiếm bị nội lực chấn vỡ đó, bức tường vô hình ngăn cản kiếm thế kia cũng lộ ra kẽ hở. Kiếm kia dù gãy nhưng vẫn là kiếm, kiếm đâm vào mạng sườn của người áo lam.

Song chưởng của lam bào nhân cũng kích trúng ngực người áo xanh.

Người áo xanh liền mượn thế nhảy ngược về sau, hóa giải một nửa phần chưởng lực, bay ra xa hơn trượng.

Lam bào nhân kích trúng cường địch, khiến kiếm của đối phương chỉ không đâm vào da thịt quá hai thốn, song cũng đã gãy mất một đoạn xương sườn.

Giao thủ chỉ mới một chiêu.

Hai người tách ra.

Trên mặt đất có thêm một vết máu, máu chảy ra từ khóe miệng người áo xanh.

Sườn bên hữu của lam bào nhân vẫn còn cắm nửa thanh kiếm gãy.

3.

Ân Thừa Phong trọng thương.

Lam Nguyên Sơn cũng đã thọ thương không nhẹ.

Nhất thời, hai người chỉ có thể trừng mắt lên nhìn đối phương, cũng không biết là bội phục, hay thống hận? Hay là thù hằn? Là tán thưởng hay là đang cố nhịn đau? Tóm lại là trong khoảnh khắc ấy, cả hai người đều không thể nói được nửa câu.

Nhưng có một người đang run lên kịch liệt, không phải là Lam Nguyên Sơn, cũng chẳng phải Ân Thừa Phong.

Mà là Chu Bạch Tự.

Y run lẩy bẩy, đến nỗi cả lá cây cũng bị chấn động rơi xuống lả tả.

Y chưa từng sợ hãi như thế bao giờ.

Chu Bạch Tự thân kinh bách chiến, trải qua vô vàn sinh tử, có chuyện gì mà y chưa từng trải qua đâu. Vậy mà giờ đây y lại sợ, không phải sợ người khác, mà là sợ chính bản thân mình. Y sợ ý nghĩ vừa mới nảy sinh ra trong đầu mình.

Tây trấn Lam Nguyên Sơn và Nam trại Ân Thừa Phong đều đã thọ trọng thương, đây là một cơ hội tuyệt vời để giết cả hai người bọn họ. Đây là hai trở ngại lớn ngăn cản bước tiến của Bắc thành, chỉ cần giết hai người này, y có thể rửa mối bại nhục, có thể dương danh thiên hạ, nở mặt nở mày, Vũ Dương thành có thể đứng đầu tứ đại gia, thậm chí có thể thôn tính cả thực lực Thanh Thiên trại, Phục Ngư Trấn, hơn nữa cho dù có giết bọn họ, cũng có thể coi là ngộ sát trong lúc tỷ võ, thậm chí có thể đùn đẩy thành Lam Nguyên Sơn và Ân Thừa Phong lưỡng bại câu thương, hoàn toàn không liên quan gì đến y.

Đây là một cơ hội tuyệt hảo để tuyết nhục dương danh, trước đây, chưa từng có một cơ hội nào như vậy. Sau này, e là tuyệt đối cũng không có cơ hội nào như thế nữa.

Y có động thủ hay không? Y có thể động thủ hay không?

Trong đầu y không ngừng vang lên ý niệm này, thanh âm càng lúc càng lớn, cơ hồ như rách cả màng nhĩ, khiến hai chân y mềm nhũn ra, quỳ gục xuống, suýt chút nữa thì bật khóc thành tiếng.

Dù sao y cũng là người trong chính đạo, tuy đắc chí từ khi còn rất trẻ, song xưa nay chưa từng làm qua những chuyện bỉ ổi tiểu nhân. Âm mưu vừa rồi, cả đời y, đây mới là lần đầu tiên y nghĩ tới. Đó là vì y cảm thấy y vốn có thể thắng Lam Nguyên Sơn mà lại thua một trận hết sức hồ đồ, mà trước mắt hai người này rõ ràng đều không phải là địch thủ của y, sự bất phục cùng với áy náy, đã làm cho y manh nha nảy sinh sát ý.

Sát ý còn mạnh còn nồng hơn cả sát ý của Ân Thừa Phong đối với Lam Nguyên Sơn hoặc sát ý của Lam Nguyên Sơn với Ân Thừa Phong.

Chỉ là Ân Thừa Phong và Lam Nguyên Sơn đều chưa cảm giác thấy.

Y có động thủ hay không? Y có dám động thủ hay không?

Trong lòng Chu Bạch Tự thầm thở dài tuyệt vọng.

May mà đúng lúc này Lam Nguyên Sơn đã mở miệng.

Câu này đã phá vỡ bầu không khí im lặng, kỳ thực cũng đã cứu Chu Bạch Tự, cũng cứu sống Ân Thừa Phong, cứu sống cả chính bản thân y.

4.

“Chúng ta, bình thủ”. Lam Nguyên Sơn nói.

“Sáng mai”. Ân Thừa Phong cố nhịn đau, sự thực thì giờ đây mắt y đã chỉ còn nhìn thấy màn sương mờ mờ, không còn thấy bóng lam bào thấp thoáng đâu nữa. “Chúng ta tái chiến”.

“Lúc nào?”.

Bên hông Lam Nguyên Sơn vẫn còn cắm thanh đoạn kiếm, dường như đang có một mũi dùi nóng bỏng đang đâm xoáy vào đó, Lam Nguyên Sơn cơ hồ như muốn hét lên thật lớn, nhưng cuối cùng vẫn bình tĩnh thốt lên một câu như vậy.

“Chính ngọ!”.

Ân Thừa Phong thầm nhủ: hiện giờ trong nội thể ta đang có hai luồng kình khí chạy loạn, nhưng chỉ cần điều tức mấy thời thần là có thể áp chế chúng xuống, tạm thời đè nén nội thương, tiếp tục tái chiến, còn vết thương của Lam Nguyên Sơn là ngoại thương nhập cốt, nhất định đã thành nội thương, trong mấy ngày không thể khôi phục, động thủ rất dễ lưu huyết không ngừng. Vì vậy, tuy không thể lập tức tái chiến, nhưng trận này phải càng sớm càng tốt.

Y đã quyết định thời gian, liền lập tức bổ sung thêm một câu: “Ở đâu?”.

“Nhân Chỉ quan”.

Nhân Chỉ quan rất gần Thanh Thiên trại, vách cao vực sâu, bên dưới là dòng nước chảy xiết, quái thạch lởm chởm, lữ khách đến đây đều phải dừng bước, thế nên mới có tên là Nhân Chỉ quan.

“Cách!”.

Chu Bạch Tự không còn run rẩy nữa. Đó là vì y phát hiện, hai kẻ quyết đấu này tuy thù hận càng sâu, nhưng nếu y xuất thủ lúc này, hai người này tất sẽ liên thủ lại đối phó y. Hai hảo thủ bị thương, vẫn có thể đánh lại một cao thủ chưa bị thương, Chu Bạch Tự thực sự không nắm chắc phần thắng.

Vì vậy, y rất có lý do để không mạo hiểm phen này.

Điều kỳ lạ là, khi vừa nghĩ đến chuyện không cần phải làm những việc ám toán bỉ ổi đó nữa, toàn thân y liền không run rẩy nữa, tinh thần cũng trấn định trở lại.

“Vậy thì...”. Chỉ nghe Lam Nguyên Sơn trầm giọng nói: “Chính ngọ ngày mai, chúng ta quyết một trận thư hùng ở Nhân Chỉ quan”.

Kỳ thực trong lòng y cũng đang thầm nghĩ: Ân Thừa Phong đã trúng hai chưởng, tuy có thể dùng khinh công tuyệt đỉnh hóa giải đi một nửa phần lực đạo, song chắc cũng thọ thương không nhẹ, trong vòng nửa tháng tuyệt đối không thể phục nguyên, một khi động thủ, võ công ắt sẽ giảm sút, còn y thì chỉ cần rút thanh kiếm ra, cầm máu, rồi dùng công lực thâm hậu áp chế nội thương, nhất định sẽ có thể đánh bại được họ Ân.

Vì vậy y cũng chỉ mong trận quyết chiến này diễn ra càng sớm càng tốt.

Ân Thừa Phong quay mặt lại nói với Chu Bạch Tự: “Ngày mai, vẫn phải phiền Bạch Tự huynh làm trọng tài”.

Chu Bạch Tự lúc này đã không còn run nữa, giọng nói đầy vẻ mệt mỏi nhưng cũng bình tĩnh đến bất ngờ: “Được!”.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương