Tử Cấm Thành Nghìn Lẻ Một Đêm
-
Chương 49: C49: Chương 38
#Xin_chào_Cố_Cung #Kỷ_niệm_600_năm_Cố_Cung
#An_dịch_và_viết
TRIỀU THANH TRONG LỊCH SỬ KHÁC PHIM ẢNH RA SAO?
Chân Hoàn, Như Ý, Tiểu Yến Tử,...
Hoàng đế, hậu cung, ngự hoa viên,...
Tất thảy đều nói lên một điều, Tử Cấm Thành cất giấu quá nhiều câu chuyện.
Liệu đêm khuya thanh vắng, Phó Hằng và Ngụy Anh Lạc có thể lén tư tình?
Hở tí là lôi ra Ngọ Môn xử trảm, Ngọ Môn này có phải là ác mộng của chúng quan?
Các bộ phim cung đấu mang đến cho chúng ta rất nhiều niềm vui song cũng lừa gạt chúng ta không ít, rốt cuộc thì chân tướng của lịch sử có hình dáng như nào?
Hôm nay, tôi sẽ kể cho các bạn nghe những câu chuyện có liên quan đến Cố Cung mà bạn không biết, khác xa hoàn toàn với hình ảnh Cố Cung mà bạn nhìn thấy qua màn ảnh.
Thứ nhất, trong Hoàn Châu Cách Cách, Tiểu Yến Tử ở Thấu Phương Trai?
Hoàn Châu Cách Cách quả là bộ phim hot vào thời đại của chúng ta, cùng hot với phim không những là dàn diễn viên mà còn có một địa điểm tên là "Thấu Phương Trai".
Suốt tuổi thơ, phân cảnh "Tiểu Yến Tử đại náo Thấu Phương Trai" là ký ức không thể nào nhạt phai, vậy nên sau này chỉ cần nhắc tới Thấu Phương Trai là chúng ta lại nhớ đến Tiểu Yến Tử. Song kỳ thực, Thấu Phương Trai kia lại chẳng liên quan gì đến Tiểu Yến Tử cả. Thậm chí từ thời Càn Long đến cuối đời Thanh, chẳng có một "cách cách" nào của vua trú ngụ hay nghỉ ngơi ở đó cả.
Hình ảnh một sân khấu kịch ở Thấu Phương Trai
Nói tới đây xin phép phổ cập chút kiến thức có liên quan đến Cố Cung. Nơi dùng để tổ chức lễ nghi gọi là "điện", ví như điện Thái Hòa, điện Bảo Hoa là nơi tổ chức các buổi lễ mang tính quốc gia. Nơi mà hoàng đế và gia quyến ở gọi là "cung", ví như cung Khôn Ninh, cung Trữ Tú, cung Trường Xuân, vân vân. Còn "Hiên", "Trai", "Các" đều là nơi dùng để uống trà, hàn huyên, chơi cờ, xem kịch, tổ chức các hoạt động văn nghệ. Vậy nên Thấu Phương Trai không phải là nơi cho cách cách ở.
Trong lịch sử, Thấu Phương Trai vốn là thư phòng lúc Càn Long làm Thái tử, sau khi Càn Long đăng cơ thì Thấu Phương Trai trở thành nơi xem kịch và thưởng trà. Trong Cố Cung có bốn sân khấu kịch, trong đó có hai cái nằm tại Thấu Phương Trai. Càn Long rất thích đến Thấu Phương Trai, hàng năm vào lễ Tết, dẫu bận bịu đến đâu cũng dành ra một ngày dẫn mẹ là Hiếu Thánh Hoàng thái hậu đến Thấu Phương Trai xem kịch. Cho nên Thấu Phương Trai không phải là tẩm cung của Tiểu Yến Tử mà là một "rạp chiếu phim" thực thụ!
Vũ Hoa Các, Trọng Hoa Cung, Thấu Phương Trai hồi chưa sửa sang lại.
Thứ hai, tại sao tẩm cung của Hoàng hậu trong Hoàn Châu Cách Cách và Diên Hy Công Lược lại khác nhau?
Trong Hoàn Châu Cách Cách, ngoại trừ tẩm thất của Tiểu Yến Tử thì tẩm cung của hoàng hậu và thái hậu cũng khiến chúng ta có ấn tượng sâu sắc. Khi nhắc đến Hoàng hậu, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến cung Khôn Ninh, còn nhắc tới "Lão Phật gia" thì sẽ nhớ ngay tới cung Từ Ninh. Song trên thực tế, hoàng hậu triều Thanh vốn không ở tại cung Khôn Ninh, mà kể từ thời Hiếu Trang Hoàng thái hậu trở về sau cũng không có thái hậu nào trú lại đó nữa.
Tấm biển đề chữ Thấu Phương Trai bằng chữ Hán và chữ Mãn
Ta khái quát sơ lược chút về cung Khôn Ninh. Vào thời Minh, cung Khôn Ninh quả đúng là tẩm cung của hoàng hậu. Nhưng tới thời Thanh đã tiến hành thay đổi, dựa theo phong tục của tộc Mãn vùng Đông Bắc, cung Khôn Ninh trở thành nơi tế tự. Đông Noãn Các ở cung Khôn Ninh còn có một tác dụng, ấy là nơi động phòng của hoàng đế và hoàng hậu. Vào ngày đại hôn của hoàng đế, Đế Hậu sẽ ở lại đây ba ngày, hết ba ngày rồi hoàng hậu sẽ trở về tẩm cung được phong. Đồng thời, tân phòng chuẩn bị cho đại hôn phải có chút bụi, ý chỉ huy hoàng của những tháng ngày xưa cũ.
Trong Diên Hy Công Lược, nơi mà hoàng hậu ở là cung Trường Xuân, hồi Chân Hoàn Truyện thì hoàng hậu lại ở cung Cảnh Nhân, song đó mới phù hợp với miêu tả trong lịch sử. Ngoại trừ điều đó thì cung Từ Ninh cũng rất hiếm có thái hậu vào ở, kể từ khi Hiếu Trang Hoàng thái hậu qua đời thì không có thái hậu nào lấy cung Từ Ninh này làm tẩm cung. Song tại sao một cung điện lớn như này lại không có thái hậu nào muốn ở? Đây không thể không đề cập đến chủ nhân của nơi này - Hiếu Trang Thái hậu. Cả đời Hiếu Trang Thái hậu phò tá ba đời vua gồm Hoàng Thái Cực, Thuận Trị, Khang Hy, giữ vai trò trọng yếu trong sự hình thành nên triều Thanh và thống nhất đại nghiệp, địa vị tôn quý, danh vọng cực cao. Vậy nên các thái hậu và thái phi sau này không dám vào ở, một mặt là kính nể người phụ nữ vĩ đại này, mặt khác cũng sợ thân phận của mình không "đè" nổi tòa cung này, vậy nên mới thà tới trú ngụ ở cung khác. Từ đó về sau, cung Từ Ninh trở thành nơi thiết yến, tổ chức các điển lễ quan trọng như thụ sách, thụ bảo,...
Bên trong Thấu Phương Trai
Thứ ba, "lôi ra Ngọ Môn xử trảm"!
Chỉ cần xem qua phim cổ trang thì hẳn ai cũng sẽ có ấn tượng với câu "Lôi ra Ngọ Môn xử trảm". Trong "Kỷ Hiểu Lam" có một phân cảnh Càn Long bảo Kỷ Hiểu Lam đi kiếm Mạc Sầu nhưng Kỷ Hiểu Lam không đi, Càn Long tức giận quát lớn: "Lôi Kỷ Hiểu Lam ra Ngọ Môn xử trảm!". Vậy nên Ngọ Môn trở thành pháp trường chém đầu thị chúng. Thực ra nơi chém đầu phạm nhân thời Minh Thanh phải là chợ củi hoặc chợ bán thức ăn. Nhưng tình tiết chém đầu tại Ngọ Môn này cũng không phải là không có, quả thực có liên quan đến bối cảnh lịch sử. Vào thời Minh có một hình phạt vô cùng tàn khốc gọi là "đình trượng" (ý chỉ dùng gậy đánh). Quan viên hai triều Minh Thanh rất thảm, nếu vào triều mà khiến hoàng đế không vui cũng bị kéo ra ngoài "đình trượng", nơi thụ hình là Ngọ Môn. Bởi từng có quan viên bị đánh đến chết nên Ngọ Môn cũng phủ thêm một lớp máu.
Ngoại từ những điều đó thì Ngọ Môn có hai nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ thứ nhất là "hiến phu", tức nếu đánh thắng trận thì phải mang những tù binh quan trọng áp giải đến kinh thành và buộc phải đi qua Ngọ Môn. Nhiệm vụ thứ hai là tiếp kiến sứ thần, vào các dịp đại điển, hoàng thượng sẽ lên thành lâu của Ngọ Môn để tiếp kiến các sứ thần ngoại quốc.
Thứ tư, trong Diên Hy Công Lược, vào tối muộn, Phú Sát thị vệ đi qua đi lại trong hoàng cung, không những thế còn tìm Ngụy Anh Lạc để tán tỉnh?
Thời gian trước, cặp đôi Ngụy Anh Lạc và Phó Hằng trong bộ webdrama siêu hot là Diên Hy Công Lược rải không ít đường cho khán giả. Dường như Phó Hằng rất thích tới tối lại đi tìm Ngụy Anh Lạc. Lúc Ngụy Anh Lạc bị bệnh, cảnh tượng chàng đêm khuya ghé thăm quả rất ngọt ngào. Chỉ có điều đó là kịch bản mà thôi, thị vệ nào lại dám bay nhảy tùy thích trong hoàng cung Đại Thanh chứ!
Theo như ghi chép lại, buổi tối trong Tử Cấm Thành chỉ có 8 người đàn ông gồm 1 hoàng đế, 4 thị vệ, 1 quan tấu sự (tức thông tri) và 2 thái y. Theo như ghi chép của thái giám triều Thanh thì khi mặt trời lặn ở Đại Nội thì thái giám của 5 điện và 13 ty sẽ đóng hết các cửa lại, 4 thị vệ thân cận sẽ bảo vệ hoàng thượng, không một ai được tùy ý đi lại. Dưới cung quy nghiêm khắc như vậy, Phó Hằng nào thể gặp gỡ Ngụy Anh Lạc cơ chứ?
Thứ năm, trong Công Chúa Hoài Ngọc, công chúa có thể lẻn ra khỏi cung, lẽ nào xuất cung dễ như ra ngoài mua rau thế sao?
Hiếu Trang thái hậu trong Công Chúa Hoài Ngọc là một người hoa gặp hoa nở, người gặp người thích. Lần nọ, Thái hoàng thái hậu muốn ra khỏi cung nên bảo Đồ Đức Hải thay y phục, qua mặt thị vệ, thuận lợi trốn khỏi cung. Đoạn này quả khiến chúng ta phải cảm khái, Thái hậu à, người ghê thật đấy! Nhưng nếu quay ngược lại thời Thanh thì chuyện này không thể xảy ra. Một mình Thái Hậu ra khỏi cung? Đoán chừng thủ vệ, thái giám vả cả Đồ Đức Hải sẽ bị trảm cả 9 đời.
Ai từng đọc Hồng Lâu Mộng hẳn nhớ cảnh Nguyên Xuân về thăm nhà, trong sách có viết: "Chuẩn tấu ngày mười lăm tháng Giêng năm sau, ân chuẩn cho Giả phi về thăm nhà." Hai chữ "ân chuẩn" này ý chỉ không thể dễ dàng về nhà thăm nom. Nguyên Xuân về nhà cũng chỉ ngắn ngủi năm tiếng đồng hồ, nhưng trước sau lại khóc tận sáu lần. Hồi còn non trẻ bị đưa vào cung, xa cách gia đình, máu mủ chia lìa, lòng đau đáu nỗi nhớ nhà, nhưng Tào Tuyết Cần cũng chỉ có thể cho Nguyên Xuân một cơ hội thăm nhà. Còn phi tần đời Thanh không ai được phép về nhà, trong hồ sơ triều Thanh không có bất kỳ ghi chép nào về việc hậu phi về nhà cả. Chỉ khi hoàng đế đi tuần thì mới có cơ hội xuất cung.
Thứ sáu, trong Chân Hoàn Truyện, nhiều chuyện xảy ra trong ngự hoa viên, dù tranh sủng hay thất sủng cũng hát.
Ngự hoa viên chưa bao giờ thiếu chuyện: khi ngắm hoa bị gián đoạn thì nổi lên tranh chấp, dâng trà sai cũng bị phạt quỳ,... Trong Chân Hoàn Truyện, Chân Hoàn sau khi khỏi bệnh thì dạo ngự hoa viên giải sầu, nàng ở đó ngồi xích đu, thổi tiêu, thành công thu hút hoàng thượng, lập tức thượng vị trở thành phi tử được sủng ái. Vậy nên chúng ta mới đơn thuần cho rằng, thu hút hoàng đế là chuyện dễ, tú nữ tiến cung chỉ cần vô tình gặp hoàng đế ở ngự hoa viên là có thể được sủng hạnh, còn phi tần thất sủng chỉ cần cất tiếng hát ở đây là sẽ khiến hoàng đế kính trọng thêm mấy phần. Đó là do mọi người nghĩ nhiều thôi!
Chúng ta trước tiên phân tích khả năng gặp được hoàng đế tại ngự hoa viên. Trong phim truyền hình, ngự hoa viên rất rộng, các phi tử có thể sóng vai tản bộ ở đây, thi thoảng còn mở cả tiệc trà, nhưng ngự hoa viên hàng thật giá thật tuy đẹp nhưng lại hơi nhỏ. Vậy nên chuyện hoàng đế đến ngự hoa viên ngắm hoa nghe nhạc không nhiều, nếu muốn giải sầu sẽ đến Viên Minh Viên hoặc Di Hòa Viên, những nơi có cảnh sắc đẹp hơn và rộng hơn. Chỉ vào tết Đoan Ngọ tháng Năm, tết Trung Thu tháng Tám và tết Trùng Cửu tháng Chín thì hoàng đế mới dẫn hậu phi lên nơi cao nhất của ngự hoa viên để cầu phúc và trừ tà tránh uế.
Tiếp đó ta lại phân tích tiếp tần suất hậu phi đến ngự hoa viên. Nơi thâm cung sâm nghiêm này, ngự hoa viên không phải là nơi phi tử muốn là có thể đi. Ai có thể nghênh ngang đến ngự hoa viên thưởng cảnh đều phụ thuộc vào địa vị cao thấp mà hoàng đế ban cho. Người được sủng ái thì cười như gió xuân, kẻ bị thất sủng thì sầu muộn, đó cũng là nỗi bi ai của nữ nhân nơi hậu cung.
Cố Cung là trung tâm chính trị của Đại Thanh và tượng trưng cho hoàng quyền chí cao vô thượng. Kể từ khi Minh Thành Tổ Chu Đệ hạ lệnh xây dựng từ năm 1406 đến nay đã trải qua xấp xỉ 600 năm lịch sử. Hơn 600 năm qua, tại tòa Tử Cấm Thành bị vây khốn bởi lớp lớp tường cao này, có biết bao hoàng đế, hậu phi, đại thần, cung nữ cười vui buồn tủi, kinh qua thăng trầm. Phim ảnh chẳng qua chỉ là người nay diễn kịch, lịch sử chân chính đặc sắc hơn phim ảnh nhiều lắm, cũng đau lòng hơn phim ảnh rất nhiều.
Cố Cung từng đi qua bao tháng năm huy hoàng, cũng từng hứng chịu bao mưa bom bão đạn, mất đi sự tôn nghiêm oai hùng của dĩ vàng. Cố Cung cách chúng ta xa lắm ư? Thoạt trông là vậy, bởi nó chứa đựng quá nhiều lịch sử và mai táng quá nhiều chuyện xưa. Song nó cũng cách chúng ta rất gần, bởi nó cũng từng là một ngôi nhà. Một ngôi nhà cần tình yêu và sự ấm áp, nhưng khi mất đi sự kính nể và bảo vệ thì cũng chỉ đành bất đắc dĩ già đi và biến thành đoạn thời gian xưa thất lạc.
Ấy cũng giống như Dư Thu Vũ từng nói trong "Hành giả vô cương": "Lịch sử là sự xa xỉ bí ẩn, song cũng là phế tích trên vách đá".
-------------------------
Như đã giới thiệu với các bạn từ trước, chuỗi series "Xin chào Cố Cung" kỷ niệm 600 năm Cố Cung sẽ được bắt đầu từ giờ phút này. Và tất nhiên, các bạn có thể tìm kiếm "Tử Cấm Thành nghìn lẻ một đêm" để có cái nhìn sơ bộ về Tử Cấm Thành trước khi bắt đầu đọc series mới này của An nhé <3 Mong rằng sẽ nhận được ủng hộ của các bạn.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook