Tử Cấm Thành Nghìn Lẻ Một Đêm
-
Chương 31: C31: Chương 31
#Tử_Cấm_Thành_nghìn_lẻ_một_đêm
#An_dịch_và_viết
ĐÊM THỨ HAI MƯƠI CHÍN: PHÚ SÁT PHÓ HẰNG
Phú Sát Phó Hằng là một danh nhân nổi tiếng thời Càn Long, ngài được sinh ra vào năm Khang Hy thứ 59 (1720), xuất thân thuộc Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ, nhiều lần dẫn quân xuất chinh, lập vô số công trạng, được Càn Long thăng lên tước vị Đại Học Sĩ và Nhất Đẳng Trung Dũng Công, sau khi qua đời được phong Quận Vương và thờ ở Thái Miếu. Đồng thời, ngài là em trai ruột của hoàng hậu Hiếu Hiền Thuần Phú Sát. Phó Hằng là con trai út của Lý Vinh Bảo, các anh trai gồm Quảng Thành, Phó Thanh, Phó Ninh, Phó Khoan, Phó Ngọc, Phó Khiêm; các chị gái gồm hoàng hậu Hiếu Hiền Thuần Phú Sát và vợ cả của Phó Đô Thống Tát Lạt Thiện.
Cuộc đời của Phú Sát Phó Hằng là một vầng hào quang sáng chói với những điểm chính sau:
Thứ nhất và cũng là trực tiếp nhất, chị lớn của Phó Hằng đảm nhận vị trí Hoàng hậu của Đại Thanh, danh vọng cực cao, lại thuộc phía ngoại thích nên thân phận Phó Hằng cao quý hơn các vương tôn công tử cùng lứa rất nhiều.
Thứ nhì, Phú Sát là dòng họ thế gia, mỗi đời vua Thanh đều có công thần, hơn nữa đa phần đều nắm giữ vị trí quan trọng, vô cùng hiển hách, có thể nói, ngay cả thân phận Hoàng hậu của Phú Sát thị cũng một phần là do gia tộc mang đến.
Cuối cùng, bản thân Phó Hằng giỏi chinh chiến, là nhân tài mà triều đình bồi dưỡng trọng điểm, tuổi còn trẻ nhưng đã làm đến chức Nhất Đẳng Công, được gia phong làm Đại Học Sĩ thuộc Bảo Hòa điện.
Điểm quan trọng nhất cần phải đề cập đó là Phú Sát Phó Hằng sớm qua đời, ngài tạ thế lúc 50 tuổi. Thử nghĩ, một nhân vật xuất sắc như vậy, song thời gian lại mãi mãi dừng ở lúc rực sáng nhất, thế nhân không chứng kiến được sự già đi của ngài, cũng chẳng biết được nếu thọ mệnh của ngài dài hơn thì liệu ngài có như Hòa Thân, từ đỉnh cao danh vọng bị đánh ngã xuống đáy vực sâu vạn trượng hay chăng? Hầu như Phú Sát Phó Hằng chẳng có một vết nhơ nào trong cuộc đời cả, tất cả đều dừng lại ở khoảnh khắc huy hoàng nhất của đời người. Vì thế, cuộc đời của Phú Sát Phó Hằng khiến rất nhiều người tò mò, thậm chí cả thê tử của ngài cũng vậy, bởi ai cũng muốn tìm hiểu xem, người phụ nữ đứng sau vị tướng quân tuổi trẻ tài cao ấy là một cô gái như thế nào.
Thời cổ đại có truyền thống ghi gia phả, hoàng thất nhà Thanh cũng không ngoại lệ. Thân là nữ quyến; phúc tấn, trắc phúc tấn hay thậm chí chỉ là thiếp thất (có sinh con) của bất kỳ một vị hoàng thân quốc thích nào cũng đều có tư cách ghi vào gia phả. Thế nhưng lúc các sử gia tra duyệt gia phả của Phú Sát Phó Hằng thì không hề đọc được bất kỳ ghi chép xác thực nào về chính thê của ngài, chỉ biết bà là Qua Nhĩ Giai thị (có khá nhiều phim truyền hình cho rằng bà là Hỉ Tháp Lạp thị, từ điều này có thể góp phần chứng minh, sự tồn tại của thê tử Phó Hằng khá mơ hồ trong lịch sử). Thế nên, không còn cách nào khác, các sử gia đành phải chuyển sang nghiên cứu về các con của bà.
Đầu tiên là con trai trưởng Phúc Linh An, song lại bạc mệnh sớm qua đời khi còn tráng niên nên chúng ta tạm không đề cập tới.
Tiếp theo là con thứ Phúc Long An. Bởi có người cha là Phú Sát Phó Hằng, còn có một người cô là cựu hoàng hậu đương triều, nên con đường thăng quan tiến chức của Phúc Long An rất suông sẻ, không cần kinh qua bất kỳ sự tôi luyện hay rèn giũa nào. Sách sử bắt đầu ghi chép về cuộc đời ông khi ông ở tuổi 22, tuy chỉ mới 22 tuổi nhưng ông đã làm đến chức Binh Bộ Thượng Thư rồi Công Bộ Thượng Thư và đã bắt tay vào xử lý việc quân cơ. So sánh với đại thần nổi tiếng đời thanh là Trương Đình Ngọc, lúc Trương Đình Ngọc 26 tuổi vẫn còn đang tham gia kỳ thi hội. Chỉ có điều, nếu bạn tìm hiểu thêm chút nữa sẽ nhận ra một điều rằng tại sao Phúc Long An lại được trọng dụng tới thế, đó là do bởi ông là con rể của Càn Long. Năm Càn Long thứ hai mươi lăm, Hoàng tứ nữ - tức công chúa Hòa Thạc Hòa Gia - được gả cho Phúc Long An, mẹ ruột của công chúa là vị Thuần phi Tô thị rất được sủng ái, Tô thị cũng là một người phụ nữ có nhiều chuyện cần bàn, song tạm thời không đề cập ở bài này.
Sau khi cưới công chúa, địa vị của Phúc Long An phải nói là một bước lên mây và thay Phó Hằng đảm nhận trọng trách nối liền giữa dòng họ Phú Sát thị và hoàng thất. Càn Long cũng rất tán thưởng ông, từng nhiều lần viết thư mong Phúc Long An ở lại kinh thành. Thế nhưng lúc tuổi già, Phúc Long An bị liên lụy bởi vụ án của Hòa Thân, tuy thế với danh thế của dòng tộc và trước nay gây dựng, Phúc Long An vẫn không hề hấn gì.
Thứ ba là hai cô con gái. Trong sách sử, nhất là sử đời Thanh, chúng ta rất hiếm thấy tên của bất kỳ một cô gái nào, chỉ đề cập đến họ mà thôi, hai con gái của Phó Hằng cũng y vậy, chỉ vỏn vẹn đề cập là Phú Sát thị. Cô con gái đầu tiên của Phó Hằng được gả cho một vị hoàng tử rất giỏi thư pháp, đó là Hoàng tử thứ mười một của Càn Long - Thành thân vương Vĩnh Tinh. Thành thân vương Vĩnh Tinh, Bàng Cương, Lưu Dung và Thiết Bảo là tứ đại thư pháp nổi danh thời bấy giờ. Gia tộc Phú Sát thị không phải là một gia tộc nhỏ mà là một gia tộc lớn, vinh hiển đời đời, thế nhưng sau khi kết hôn, cuộc sống của Phú Sát thị không được sung sướng. Càn Long sống rất thọ, thời gian tại vị cũng dài, cũng không thiếu con cái nối dõi, nhưng đa phần đều chết trước Càn Long, bởi thế nên Càn Long thường xuyên khổ não trong việc chọn người nối nghiệp, Thập nhất a ca vốn cũng là một trong những hoàng tử được nằm trong danh sách đề cử, thế nhưng lại là người bị Càn Long loại bỏ đầu tiên, nguyên nhân quả thật không biết nên khóc hay nên cười, chỉ vì Càn Long ghét cái tính ki bo của Thập nhất a ca, nếu Thập nhất a ca mà lên làm hoàng đế, phỏng chừng ngay cả tiền cứu trợ thiên tai cũng không dám chi ra. Phải công nhận một điều rằng, Thành thân vương là một người rất keo kiệt, rất thắt lưng buộc bụng và không quan tâm đến cảm nhận của những người chung quanh. Vào ngày đại hôn, Phó Hằng cho con gái rất nhiều của hồi môn, song sau khi về đến nhà chồng thì ngay lập tức bị sung vào "quỹ phủ", ngày lễ ngày tết gì Vĩnh Tinh cũng không may áo mới và mua trang sức mới cho vợ, cuộc sống của bà còn chẳng sung sướng bằng hồi còn ở phủ Đại Học Sĩ. Ta lại liên tưởng một chút đến cuộc sống xa xỉ của Càn Long và đống của nả của Hòa Thân, quả là người ăn không hết, kẻ lần không ra.
Cô con gái thứ hai được gả cho Duệ Thân vương Thuần Dĩnh (không phải con của Càn Long, chỉ là người trong hoàng tộc), song đến năm Gia Khánh thứ năm (1800) Ái Tân Giác La Thuần Dĩnh qua đời, hưởng dương 40 tuổi, được ban thụy hiệu là Cung, trưởng tử Ái Tân Giác La Bảo Ân kế thừa tước vị Duệ Thân vương.
Một nhân vật không thể không nhắc đến, chính là Phúc Khang An, ông cũng là sủng thần của hoàng thượng không kém Hòa Thân, chưa kể Phúc Khang An và Hòa Thân luôn đối đầu nhau, là người dám đứng lên công khai đối địch với Hòa Thân. Ông cũng chính là nhân vật Phúc Nhĩ Khang trong Hoàn Châu Cách Cách. Con đường thăng quan tiến chức của Phúc Khang An thuận lợi gấp ngàn lần người anh thứ Phúc Long An của mình. Cũng bởi thế nên mới dấy lên tin đồn rằng Phúc Khang An là con riêng của Càn Long và vợ của Phú Sát Phó Hằng, cả chuyện Càn Long cưỡng dâm thê tử của Phó Hằng khiến Hoàng hậu ôm hận mà chết, đây cũng chỉ là lời đồn mà thôi, và là một cách lý giải của dân gian trước cái chết bất chợt của Hoàng hậu, nói thẳng ra chỉ là sự phỏng đoán, giống như những phỏng đoán về sự thất sủng của Kế hoàng hậu vậy, mình có tra thông tin về cuốn Thanh Đại Ngoại Sử mà Wiki có nhắc đến nhưng tìm không ra, chỉ tìm thấy một cuốn tên là Mãn Thanh Ngoại Sử. Đoán chừng do bởi Phúc Khang An được Hoàng thượng quá mức thiên vị nên mới dấy lên tin đồn này để giải thích cho sự thuận buồm xuôi gió ấy cũng nên. Song thực hư về lịch sử vẫn là lớp sương mờ, hậu nhân chúng ta không thể nào chạm tới được quá khứ mà chỉ có thể gián tiếp tiếp xúc qua giấy vở mà thôi, những gì mình viết trên đây cũng có cả nhận định và đánh giá của riêng mình, mỗi người có một quan điểm riêng về lịch sử, vẫn câu nói cũ: đúng sai ấm lạnh chỉ có người trong cuộc mới hiểu.
Phó Hằng còn một người con trai nữa là Phúc Trường An. Vào thời Càn Long, ông giữ chức Hộ Bộ Thượng Thư, là đại thần chuyên trách việc quân cơ và được phong thăng tước Nhất Đẳng Hầu nhờ góp công bình định Đài Loan. Phúc Trường An cũng như anh trai Phúc Khang An của mình, đều được Càn Long mang vào cung dưỡng dục, sau khi trưởng thành thì liên tiếp được Càn Long thăng chức. Song đến năm Gia Khánh thứ tư, Càn Long qua đời, Phúc Trường An bị khép tội đồng đảng với Hòa Thân.
Từ việc cưới được công chúa hoàng gia và cả hai con gái đều bước chân vào làm dâu hoàng thất, chỉ từ ba cuộc hôn nhân này cũng đủ thấy được sự quyền thế của gia tộc Phú Sát thị. Bên cạnh Càn Long có rất nhiều tài tử giai nhân, đồng thời cũng lắm sủng thần, nhưng dòng họ Phú Sát có thể được như thế quả cũng là phúc trạch, vả lại dòng họ Phú Sát có rất nhiều người tài nên được hoàng đế ưu ái cũng không có gì lạ. Lúc tuổi già, Càn Long đã đánh giá gia tộc Phú Sát thị là: thời đại sinh ra công thần, cùng vui buồn với vận mệnh quốc gia.
Dạo gần đây có một bộ phim Thanh đấu rất hot tên là Diên Hi Công Lược, nhân vật Phú Sát Phó Hằng là một vai rất quan trọng, đồng thời cũng là người giúp đỡ rất nhiều trong quá trình trưởng thành của Lệnh phi Ngụy thị, bởi những tình tiết đáng yêu nên khán giả xem đài cũng rất mong cả hai có thể thành một đôi. Thế nhưng sự thực lịch sử khó thể cải lại, dù duyên phận của cả hai trong phim có lớn thế nào thì cuối cùng cũng phải quay về với sự thực lịch sử, đường chia đôi ngả.
Trong Diên Hi Công Lược, người nên duyên với Phó Hằng là đại cung nữ Nhĩ Tình bên cạnh Hoàng hậu, cô gái này cũng là một người có tâm cơ khá sâu. Song dù sao đây cũng chỉ là phim ảnh, mọi tình tiết đều đã được nghệ thuật hóa, kết hợp với sự mơ hồ trong lịch sử về lai lịch chính thê của Phó Hằng, nhân vật Nhĩ Tình dù có nên duyên với Phó Hằng trong phim thì tất cả cũng chỉ là hư cấu và là sự suy đoán từ phía biên kịch, còn trong sử sách thì "Phú Sát Phó Hằng cưới ai" vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.
Sẵn tiện thì mình đề cập luôn một chút là những gì ghi chép về chính thê của Phó Hằng rất ít, là Qua Nhĩ Giai thị hay Hỉ Tháp Lạp thị thì vẫn có những sơ hở nhất định, chúng ta chỉ có thể hình dung ra đại thể hình tượng của bà mà thôi. Tuy gia tộc của Phó Hằng rất lớn nhưng ngài không phải hoàng tử, gia phả của nhà Phó Hằng cũng không giống với hoàng thất thuộc kiểu ghi chép chính quy, rất có khả năng đây là nguyên nhân cho sự thiếu sót này.
Hình vẽ của Phó Hằng thời đó
Phó hằng bây giờ :))
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook