Trường Kiếm Tương Tư
Chương 66: Ác chiến trên sông

Lại nói, Chu Không Dực không hề nao núng, chờ cho mũi lạt đâm tới điểm trước người mới xuất thủ điểm nhẹ ra một luồng chỉ lực.

“Không... ong” một tiếng, chiếc “Nga Mi lạt” bị bắn tung lên trời.

Tên thủy binh cảm thấy hổ khẩu tê đi, chưa kịp trấn tính đã bị đối phương chộp lấy ngực rồi ném ngược ra sau lưng giống như người ta ném một thứ đồ chơi vậy.

Ông ta chỉ ném ra một cách tùy tiện không nhìn ngó gì, chẳng biết có chủ ý hay không nhưng tên này rơi xuống trúng ngay một tên khác mới từ dưới nước ngoi lên.

Tên này không kịp tránh, cả hai va vào nhau nghe “Bịch” một tiếng cùng ngã lăn ra, bất tỉnh.

“Phân Thủy Lao Ngư” Tố Vân Đồng thấy vậy lòng thầm kinh hãi, vội cho thêm thủ hạ tăng viện.

Lập tức có thêm sáu bảy nhân ảnh lao xuống nước.

Lúc này hai tên thủy binh xuống nước đầu tiên thấy đồng bọn xuất thủ còn chưa kịp xuất chiêu nào đã tiếp nhau bị thương thì khiếp hãi vô cùng, còn lòng dạ đâu mà dám đánh nữa?

Thế là hai tên đưa mắt ra hiệu cho nhau rồi cứ bơi quanh tảng đá nơi Chu Không Dực đang đứng.

Xung quanh hiện trường được thắp lên hàng chục ngọn đèn sáng trưng, soi rõ Chu Không Dực đứng bình thản trên tảng đá.

Thêm sáu chiếc thuyền chiến cắm lệnh kỳ của Tổng quản sự “Long Hổ Đinh” Hồ Địch Lang tiếp tục rẽ sóng tiến vào trận.

Cự li giữa song phương chỉ có ba trượng.

Nếu là hai đối thủ thì đó là khoảng cách khá xa, nhưng với hàng chục người tham chiến thì đó là cự li rất gần.

Đầu mũi sáu chiếc chiến thuyền đều treo một ngọn “Khổng Minh đăng” không phát xạ ra xung quanh mà đều quy tập luồng sáng vào Chu Không Dực.

Thần thái ông ta trông rất ung dung, mắt không hề chớp, hiển nhiên không coi thuyền trận vào đâu.

Hai tên thủy binh bơi quanh Chu Không Dực ra hiệu cho nhau rồi bất thần cùng lặn xuống.

Ánh đèn chiếu lên mặt nước gợn lên những vệt sóng lăn tăn như trăm ngàn con rắn nhỏ.

Lát sau, hai tên đó cùng trồi lên vung tay phóng hai mũi phi đao vào hậu tâm Chu Không Dực, đồng thời chồm lên khỏi mặt nước bổ tới ông ta.

Chu Không Dực không cần quay đầu lại, chỉ với tay ra sau lưng đã bắt ngay được hai mũi phi đao.

Vừa lúc đó hai tên vừa trồi lên khỏi mặt nước, một tên cầm “Ngư lân đao”, tên kia dùng chiếc chĩa ba, một tả một hữu đâm vào Chu Không Dực.

Nhưng thân thủ của chúng làm sao sánh nổi đối phương?

Chúng sai lầm ở chỗ ném phi đao ra trước, giống như trao binh khí cho địch nhân chống lại mình.

Khi mũi chĩa và ngọn đao chưa kịp đâm tới, Chu Không Dực đã phóng hai mũi phi đao ra.

Lẽ ra ông có thể lấy mạng hai tên này, chỉ do lòng nhân hậu không muốn giết người nên phóng chếch ngọn đao cắm vào vai chúng.

Cả hai kêu lên đau đớn, rồi cùng nhau nhảy ùm xuống nước cắm cổ bơi thục mạng thoát thân.

Bọn trên sáu chiếc chiến thuyền thấy rõ cảnh tượng này. Ngay cả người trong “Bảo Lũy sảnh” bên bờ cũng nhìn thấy.

“Long Hổ Đinh” Hồ Địch Lang đứng trên mũi thuyền đầu tiên thấy vậy tuy trong lòng rúng động, nhưng hắn được đích thân Tổng lệnh chủ trao mệnh lệnh, há có thể ngưng chiến trở về tay không?

Biết rằng cuộc đấu này sẽ vô cùng khó khăn, nhưng đến nước này thì đành liều mạng mà thôi.

Hơn nữa thủ hạ còn có mấy chục tên, thương vong chưa đáng kể, lại còn ở bờ bên kia đích thân Tổng lệnh chủ áp trận, có gì phải sợ?

Nghĩ thế, hắn lấy lại can đảm, chỉ vào Chu Không Dực quát :

− Hoàng y tiểu bối? Có phải là ngươi chủ ý tới đây tìm chết không? Hay ngươi bị mù mắt nên không biết đây là chỗ nào?

Dưới ánh đèn sáng rực ngưng tụ vào, đôi mắt Chu Không Dực nhìn hắn càng sáng ngời như hai bó đuốc.

Hồ Địch Lang lại quát :

− Tiểu bối. Mau báo tính danh ra.

Đột nhiên Hồ Địch Lang nhớ lại hai vị “Địa”, “Kiền” đường chủ nói rằng rất có thể người này bị câm.

Không sai. Chính hắn vừa hô hoán khàn cả cổ mà chẳng khác nào đàn gảy tai trâu, đối phương chẳng ừ hử lấy một tiếng.

Tức giận, hắn chửi đổng một câu rồi với tay lấy chiếc cung giương lên.

“Long Hổ Đinh” Hồ Địch Lang vốn được mệnh danh là “Thần tiễn”, có khả năng bắn ra một phát hai tên trúng hai mục tiêu, tài hiếm có đời nay.

Cự li chỉ có ba bốn trượng, đối phương lại không có nơi tránh né, thật là mục tiêu tốt cho cung thủ.

Hồ Địch Lang lắp tên vào quát :

− Xem tên.

Lời vừa dứt đã nghe “Vút. Vút”, hai mũi tên đồng thời bay ra nhằm đúng đôi mắt hoàng y nhân.

Với khoảng cách gần như thế, và thần lực của Hồ Địch Lang, tên bay rất nhanh và chuẩn xác.

Thế nhưng không biết bằng cách nào, chỉ chớp mắt đã thấy hai mũi tên nằm gọn trong tay hoàng y nhân.

Hồ Địch Lang còn đứng ngây ra thì chợt thấy trước mắt lóe sáng, kinh hãi cúi thụp người xuống.

Tiếp đó nghe hai tiếng rú thảm rồi tiếng hai thân người đổ nhào xuống nước, dám đoán rằng chúng đã bị trúng tên do hoàng y nhân ném trở lại.

“Long Hổ Đinh” Hồ Địch Lang vừa sợ vừa tức, ra lệnh cho tên Lệnh chủ Thủy đội “Phân Thủy Lao Ngưu” Tố Vân Đồng :

− Tố lệnh chủ cứ hạ thủ đối phó với tên này, bổn tọa sẽ cho thuyền trận giáp công yểm hộ.

“Phân Thủy Lao Ngưu” Tố Vân Đồng cậy mình thủy công thiên hạ vô địch, tự tin sẽ lôi đối phương xuống nước cho uống no nước một phen.

Nghe Hồ Địch Lang nói vậy hắn liền đáp :

− Ti chức tuân lệnh.

Dứt lời phất tay, lập tức hai mươi tên thủy binh trên ba chiếc khoái thuyền nhất tề nhảy ùm xuống nước.

“Phân Thủy Lao Ngưu” Tố Vân Đồng lao xuống trước tiên, giống như con hải mã lặn tới gần tảng đá rồi bất thần chồm tới hoàng y nhân, tay cầm một chiếc “Phân Thủy lạt” thi triển chiêu “Trường Hồng Quán Nhật” đâm tới chính diện địch.

Thực ra hắn cũng biết với bản lĩnh của hoàng y nhân thì một chiêu của mình khó lòng đắc thủ, chỉ cốt bức đối phương xuống nước mà thôi.

Hắn tin rằng chỉ cần làm được như thế là cầm chắc chín phần rồi.

Cùng với “Phân Thủy lạt” đâm tới, tay trái Tố Vân Đồng đồng thời nhằm giữa ngực đối phương đánh ra một chưởng.

Một đao một chưởng cùng lúc thi triển rất có uy lực, tin rằng cho dù đối phương tránh được, ít ra cũng phải bị ép tới sát bờ nước.

Tiếc rằng kế hoạch của hắn không thành.

Mặc dù công thế liên hoàn của “Phân Thủy Lao Ngưu” Tố Vân Đồng rất uy mãnh, nhưng hoàng y nhân Chu Không Dực vẫn đứng trơ ra như trái núi, không có hành động gì đối phó, cũng không có ý lùi.

Tố Vân Đồng cảm thấy ngọn đao bị một bức tường vô hình chặn lại không sa đâm vào được, còn chưởng thì giống như đánh vài trái núi.

Đã là núi thì sức người làm sao di dời?

Tên Lệnh chủ thủy đội sợ đến nỗi toàn thân phát mao, bụng bảo dạ :

− Nguy rồi.

Bấy giờ hoàng y nhân mới có hành động.

Thoạt tiên ông ta phất tay áo cuốn ngọn “Phân Thủy lạt” bay vút lên không, xa tới mười mấy trượng mất hút.

Vừa lúc ấy chợt có một mũi phi đao bay tới, Chu Không Dực chuyển thế phất ngọn đao ra, vừa vặn đâm thẳng vào ngực Tố Vân Đồng.

Một đao đó chưa phải chí mạng, tên Lệnh chủ định lao xuống nước thì cảm thấy “Hôn huyệt” nhói lên, ngã xuống bất tỉnh.

Hai mươi tên thủy binh thấy chủ soái bị khống chế, không tên nào dám vọng động, vừa sợ chết, vừa sợ hãi đến mạng “Phân Thủy Lao Ngưu” Tố Vân Đồng, nên chỉ bơi quanh tảng đá không dám vào gần.

Ngay cả “Long Hổ Đinh” Hồ Địch Lang cũng bối rối không biết xử trí thế nào, vì Tố Vân Đồng rất được Tổng lệnh chủ sủng ái, nếu tiếp tục hạ lệnh tấn công thì khó đảm bảo được mạng sống cho hắn, biết trả lời sao với Tổng lệnh chủ?

Cuộc chiến vì thế tạm ngưng.

Trong sáu chiếc thuyền chiến vốn đã ngầm bố trí “Liên hoàn tiền trận”, nhưng tới đây đành vô dụng.

Hồ Địch Lang thở dài nói :

− Thật là hỏng bét. Tố Lệnh chủ làm sao lại như vậy chứ?

Một tên đứng sau lưng hắn dâng kế :

− Bẩm Tổng quản sự. Chúng ta hãy dùng phi lưới mà bắt lấy hắn. Tố Lệnh chủ có bị trùm vào trong lưới cũng không đến nỗi hại đến tính mạng đâu.

Hồ Địch Lang gật đầu :

− Cũng chỉ còn cách đó thôi.

Tên đứng sau lập tức truyền lệnh, ngay sau đó bốn tên thủy binh kéo một tấm lưới rộng nhẹ nhàng lặn xuống nước.

Hồ Địch Lang phất kỳ lệnh cho hai mươi tên thủy binh quay trở về thuyền.

Chu Không Dực vẫn đứng thản nhiên trên tảng đá, tựa hồ tất cả sự điều động nhân mã của đối phương chẳng liên quan gì đến mình.

Mặt nước sau một hồi phẳng lặng đột nhiên sôi động, bốn tên thủy binh từ dưới nước đột ngột ngoi lên, tay cầm bốn góc một tấm lưới rộng, bất thần chụp lên tảng đá nơi Chu Không Dực đang đứng bên cạnh “Phân Thủy Lao Ngưu” Tố Vân Đồng vẫn còn nằm bất tỉnh.

Nhưng Chu Không Dực phản ứng nhanh hơn, khi tấm lưới chưa kịp chụp xuống thì ông đã thi triển một thức “Thanh Đình Điểm Thủy” chuỗi mình lao khỏi tảng đá là là sát mặt nước.

Dương như vị kỳ nhân này đã tính toán từ trước, nhằm thẳng chiếc thuyền của Tổng quản sự “Long Hổ Đinh” Hồ Địch Lang, thi triển công phu “Lăng Ba Hư Độ”, chớp mắt tới sát mũi thuyền.

Hồ Địch Lang quát lên :

− Tiểu bối to gan.

Vừa quát, tay vừa vung chiếc lệnh kỳ đầu sắc như ngọn giáo đâm thẳng tới ngực đối phương.

Chu Không Dực kình khí nổi lên như giông bão, một đánh bạt ngọn cờ, một quật thẳng tới mặt Du Hữu Lượng.

Tên Tổng quản sự thấy kình khí quá mạnh không sao trụ vững đành lui lại, chợt thấy tay nhẹ bỗng.

Nguyên chiếc lệnh kỳ đã rơi vào tay đối phương.

Chu Không Dực nhảy lên mũi thuyền.

Hồ Địch Lang lùi về giữa khoang thuyền, giận đến nỗi mặt đỏ bừng bừng, rút từ thắt lưng ra một đôi “Long Hổ trảo” phóng tới địch nhân.

Đôi trảo làm bằng thép luyện, sắc như vuốt hổ, là binh khí thành danh của “Long Hổ Đinh” Hồ Địch Lang, không biết bao nhiêu cao thủ cả hắc bạch lưỡng đạo đã bị táng thân bởi đôi trảo này.

Đôi trảo vốn được đeo vào tay dùng trong cận chiến, nhưng còn có một đoạn xích buộc vào tay có thể phóng đi như phi đao, với thủ pháp của Hồ Dịch Lang sau phi phóng sẽ quay về tay chủ nhân.

“Long Hổ Đinh” Hồ Địch Lang dùng thủ pháp này vì tình thế cấp bách, đồng thời cũng hy vọng rằng thừa khi xuất kỳ bất ý có thể đả thương được địch nhân.

Chu Không Dực vừa nhảy lên thuyền thì bị đôi trảo chộp tới ngực và diện môn với thế vô cùng mạnh mẽ và thần tốc.

Ông ta bước chếch sang trái nửa bước, nghiêng người tránh được, rồi sấn tới đối phương như cơn lốc, vung lệnh kỳ điểm tới “Cửu vĩ huyệt” đối phương.

“Long Hổ Đinh” Hồ Địch Lang vừa ra chiêu thất thủ, chưa kịp thu hồi “Long Hổ trảo” về thì địch nhân đã ở ngay trước mặt.

Trong khi bối rối không biết đối phó ra sao, Hồ Địch Lang chợt thấy trước ngực nhói lên, lực đạo lập tức tiêu thất.

Trên thuyền chỉ huy lúc đó không chỉ một mình “Long Hổ Đinh” Hồ Địch Lang mà còn nhiều người khác, thấy chủ tướng đã bị không chế, đều kinh hoàng đứng ngây ra.

Tuy nhiên còn ba tên can đảm hơn vung đao chém tới.

Chu Không Dực phất lệnh kỳ cuốn cả ba ngọn đao bay tít lên cao.

Bọn kia thấy vậy không còn hồn vía nào nữa, tranh nhau nhảy ào xuống sông bảo mệnh.

Chu Không Dực hú lên một tiếng, phi thân nhảy cao mấy trượng đáp xuống một chiếc thuyền khác.

Cảnh tượng ở đây lập tức trở nên huyên náo, mấy tên bị cuốn bay lên cao, số còn lại hốt hoảng nhảy xuống nước.

Giống như một thiên thần, Chu Không Dực lại nhảy sang chiếc chiến thuyền thứ ba, thứ tư...

Cảnh tượng diễn ra tương tự, chỉ chốc lát trên đoàn chiến thuyền đã vắng hoe không còn bóng người nào.

Trên tầng thượng “Bảo Lũy sảnh” bên bờ đối diện, Tổng lệnh chủ Thiết Hải Đường và bọn đầu não của “Vũ Nội thập nhị lệnh” thấy tình cảnh bi đát đó của thủy trận, ai ai cũng rùng mình thất đảm.

Tứ đại đường chủ không nén nổi đứng bật lên.

Chỉ riêng vị Tổng lệnh chủ quyền hành tối cao Thiết Hải Đường là còn giữ được trấn tĩnh đôi chút.

Tuy trong lòng cũng rối bời nhưng hắn vẫn còn ngồi yên trên chiếc Thái sư ỷ, vẻ mặt thâm trầm.

Bấy giờ hàng trăm ngọn đèn tập trung chiếu xuống mặt sông sáng trưng như ban ngày, vì thế nhất cử nhất động ở bờ bên kia đều nhìn thấy rõ.

Mắt thấy Chu Không Dực tỏ thần uy, xông vào giữa thủy trận như vào chỗ không người, đả thương Tố Vân Đồng, điểm huyệt Hồ Địch Lang, lùa hết thủy đội xuống sông chạy trốn, thương vong không biết bao nhiêu.

Những nhân vật trong Bách Lý Đồng ai cũng từng xông pha trăm trận, nhưng chưa bao giờ gặp phải cảnh tượng tang thương như thế.

Tổng lệnh chủ phu nhân Thẩm Ngạo Sương thở dài nói :

− Người đó tựa hồ có phép thần thông, chẳng phải người thường. Quả là người bất khả tư nghị.

“Tiêu Tương Hiệp Ẩn” Âu Dương Bất Bình tiếp lời :

− Xin Tổng lệnh chủ cho lệnh thuộc hạ tập hợp “Thất Sát Dũng Sĩ” của bổn bảo cùng tên đó quyết một trận tử chiến.

Thiết Hải Đường lắc đầu đáp :

− Đây chỉ là tiểu sự sao các ngươi đã cuống lên? Hơn nữa có huy động “Thất Sát Dũng Sĩ” cũng không kịp.

Thẩm Ngạo Sương hỏi :

− Vậy trước mắt chúng ta nên ứng phó thế nào?

Thiết Hải Đường cười nhạt đáp :

− Đừng quá khẩn trương. Nếu ta đoán không sai thì người này chỉ muốn thị uy mà thôi không có ý định tấn công “Vũ Nội thập nhị lệnh” đâu.

Mọi người nghe nói thế yên tâm không ít.

Xưa nay Tổng lệnh chủ liệu sự như thần, nay đến địch nhân đang gây náo loạn sát ngay ngoài bảo mà dám khẳng định như thế tất đáng tin.

Nhưng “Tiêu Tương Hiệp Ẩn” Âu Dương Bất Bình vẫn còn băn khoăn hỏi :

− Hắn không tấn công chúng ta, nhưng liệu có vào bảo không?

Thiết Hải Đường gật đầu :

− Hắn sẽ đến. Chúng ta cứ chờ ở đây.

Hắn nói xong thò bàn tay phải với những móng tay dài vào trong ống tay áo, mắt chợt sáng lên tia tàn độc.

Trong sảnh đều là nhân vật cao cấp của “Vũ Nội thập nhị lệnh” nên đều biết rằng Tổng lệnh chủ đang sắp sửa dùng ám khí độc môn bá đạo võ lâm “Đạn Chỉ phi châm” để chuẩn bị đối phó với cường địch.

Đương nhiên không ai dám nói ra điều đó.

Bên ngoài chợt trở nên yên tĩnh đến rợn người.

Lúc đó trên mặt sông vẫn sáng rực, chiếu rõ mười mấy chiếc thuyền không người điều khiển đang từ từ trôi.

Đúng hơn, trên mỗi chiếc thuyền đều có người bị điểm huyệt hoặc bị thương, nhưng không ai cử động được.

Có một điều lạ là không thấy hoàng y nhân đâu cả.

“Phong Lôi Thủ” Tần Ngư hỏi :

− Chẳng lẽ tên đó chạy mất rồi sao?

“Tiêu Tương Hiệp Ẩn” Âu Dương Bất Bình tiếp lời :

− Quả là một tên giảo hoạt.

Câu phỏng đoán của Tần Ngư làm mọi người ít nhiều cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Chỉ riêng vẻ mặt của Tổng lệnh chủ Thiết Hải Đường và “Thiên đường” Đường chủ “Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa là vẫn không thay đổi.

Thiết Hải Đường nói :

− Hắn đã tới đây rồi. Yến đường chủ. Hãy thay mặt bổn tọa ra đón hắn vào đây.

Yến Tam Đa đứng lên đáp :

− Tuân lệnh.

Dứt lời phất tay áo, thân ảnh như con chim ưng xuyên qua cửa sảnh lướt xuống trước bảo môn.

Nên biết “Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa là Đường chủ đầu tọa trong Tứ đại đường chủ, võ công chỉ kém Tổng lệnh chủ Thiết Hải Đường chút ít, trong võ lâm đương đại, số người xứng là đối thủ của lão chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Phong Lôi bảo cao thủ như vân, Thiên đường chủ Yến Tam Đa quyền cao chức trọng như thế nên hầu như không có cơ hội đối địch.

Bây giờ bọn thuộc hạ thấy đích thân Yến đường chủ ra tận ngoài sảng nghênh địch, đủ thấy địch nhân lợi hại đến đâu.

Võ công Yến Tam Đa thuộc hàng nhất đẳng không nói, còn thân pháp thì đến Thiết Hải Đường chưa chắc đã sánh kịp, vì thế có ngoại hiệu là “Thiên Mã Hành Không”.

Chỉ một cú nhảy, Yến Tam Đa đã ra tới ngoài “Bảo Lũy sảnh”.

Chân vừa chạm đất, vị Thiên đường Đường chủ đã nhận ra ngay tình hình bất lợi.

Bên ngoài “Bảo Lũy sảnh” có một hành lang, tiếp đó mới là cửa vào tầng thứ nhất.

Khi “Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa vừa đáp xuống đã thấy hai tên hồng y sát thủ nằm bất động ngoài hành lang, nhưng nhìn tư thế thì dường như là chúng bị điểm huyệt đạo chứ không phải bị giết.

Giữa hành lang, bốn tên hồng y sát thủ đang giao chiến với hoàng y nhân.

Bọn hồng y sát thủ gồm hai mươi bốn tên chịu trách nhiệm canh giữ ngoại vi “Bảo Lũy sảnh”, bất cứ ngoại nhân nào thâm nhập thì được nghiêm lệnh đặc cách giết không tha.

Nói rằng giao chiến thì không đúng, bởi vì hoàng y nhân vẫn đứng ung dung, nhưng khi Yến Tam Đa vừa tới thì bốn tên hồng y sát thủ bất thần lao tới vung bốn thanh đao đồng thời bổ xuống.

Trong tình hình đó thì dễ dàng đoán ra rằng hoàng y nhân sắp bị loạn đao băm vằm thành nhiều mảnh.

“Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa vốn có thể ngăn trở bọn này, nhưng thấy thuộc hạ đang giành được ưu thế, có thể lấy mạng được địch nhân, lão không ngăn cản chờ xem kết cục.

Nên biết bọn hồng y sát thủ được chọn lọc rất kỹ trong số mấy nghìn đệ tử của cả hai mươi bốn Lệnh đàn và chín mươi sáu Phân đà chọn ra hai mươi bốn người canh phòng địa điểm trong yếu nhất của Tổng đàn, ngoài võ công cao cường còn được huấn luyện kỹ về đao pháp và hợp đồng tác chiến, vì thế khi liên thủ tấn công địch có uy lực rất lớn.

Bốn tên sát thủ từ bốn hướng công vào hoàng y nhân, bốn thanh đao loang loáng bổ xuống với thế vạn cân.

Có vẻ như hoàng y nhân không đủ khả năng tránh khỏi tuyệt chiêu sát thủ này, bởi vì ông ta cứ đứng im, thậm chí không có phản ứng gì để đối phó.

Với thế đao uy mãnh đó của bốn tên sát thủ, chỉ cần một đao chém trúng cũng đủ mất mạng rồi.

Nhưng sự thực phát triển lại không giống như dự đoán.

Trong võ lâm cổ kim có truyền ngôn một vài nhân vật đã luyện thân thành kim cương bất hoại, đao kiếm chém không chết. Nhưng đó chỉ là truyền ngôn, không ai tận mắt nhìn thấy nên không có gì làm minh chứng.

Nhưng những gì mà “Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa và bọn sát thủ chứng kiến ở đây thì lại hoàn toàn xác thực, mặc dù nói ra chưa hẳn đã ai tin.

Chỉ thấy bốn thanh đao chém xuống người hoàng y nhân, nhưng chưa chạm đến mục tiêu đều bị bật ngược trở lại.

Không những thế, cả bốn tên sát thủ bị một thứ tiềm lực vô hình nào đó đẩy lui, thân thể chao đảo hồi lâu mới đứng vững, trong đó hai tên có lẽ do dụng lực quá mạnh nên lực phản chấn cũng lớn hơn, đao thoát khỏi tay bắn lên trời.

Tất cả những người có mặt tại trường đều đứng ngây ra.

Hoàng y nhân điềm nhiên bước lên thạch cấp.

Ngay trước cửa sảnh còn có bốn tên hồng y sát thủ khác canh giữ, trong đó hai tên đã sợ run lên không dám cử động, còn hai tên khác can đảm hơn, thét to một tiếng, vung đao chém tới.

Hoàng y nhân phất ngược hai tay áo lên.

Cả hai thanh đao bay vút đi.

Hai tên sát thủ còn bị dư lực từ tụ công điểm trúng huyệt đạo, đứng chết lặng đi như pho tượng.

Bọn hồng y sát thủ canh giữ “Bảo Lũy sảnh” có hai mươi bốn tên chia làm sáu tổ, khi có kẻ xâm phạm thì cứ từng tổ bốn tên một lần lượt xuất thủ tiêu diệt địch nhân, sẵn sàng hy cho đến tên cuối cùng.

Lần này lại một tổ bốn tên khác xông ra.

“Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa đã chứng kiến thần thông của hoàng y nhân, biết rằng chẳng những một tổ bốn tên hồng y sát thủ không thể ngăn được quái khách này mà đến cả Tứ đại đường chủ liên thủ cũng chưa chắc đã thắng.

Sợ để cho bọn thuộc hạ tiếp tục xuất thủ có thể sẽ làm đối phương nổi giận, hậu quả sẽ rất khó lường, lão liền quát lên :

− Dừng tay.

Dứt lời lướt tới trước mặt hoàng y nhân.

Lần đầu tiên vị Thiên đường Đường chủ trông thấy nhân vật mới xuất hiện nhưng đã làm kinh động cả Tổng đàn này, thấy đó là một hán tử cao lớn, diện mạo oai nghiêm, thần thái đường bệ, mắt phát thần quang khiến người ta vừa nhìn đã thấy kính phục.

Không hiểu sao, “Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa chợt cảm thấy mình bé nhỏ khi đứng bên nhân vật đầy thần uy này.

Lão vốn là người kiêu ngạo, ngay đối với Tổng lệnh chủ cũng không phải hoàn toàn kính phục, thế mà đứng trước hoàng y nhân lại có cảm giác này, quả là điều lạ chưa từng xảy ra, ngay chính lão cũng thấy ngạc nhiên.

Hoàng y nhân lẳng lặng nhìn lão không nói gì.

Yến Tam Đa chắp tay nói :

− Tráng sĩ thần uy cái thế, tệ bảo có mắt mà không thấy núi Thái Sơn nên lỡ mạo phạm, xin tráng sĩ lượng thứ.

Hoàng y nhân không đáp :

Yến Tam Đa nói tiếp :

− Lão phu là Yến Tam Đa, một trong bốn Đường chủ của “Vũ Nội thập nhị lệnh”, thừa lệnh của Tổng lệnh chủ xuống đây cung nghênh đại giá. Tổng lệnh chủ và các vị Đường chủ đang chờ được tiếp đón trong khách sảnh.

Chưa bao giờ “Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa nói được những lời khiêm nhường như thế.

Vậy mà hoàng y nhân dường như bỏ ra ngoài tai, chỉ “Hừ” một tiếng rồi tiếp tục tiến tới đại sảnh.

Yến Tam Đa được lệnh nghênh đón khách, nay để y tự tiện xông vào thì còn gì là thể diện?

Lão liền nhảy tới chặn lại nói :

− Tráng sĩ lưu bước.

Nhưng hoàng y nhân không để ý, vẫn tiếp tục tiến lên.

Không còn cách nào khác, Yến Tam Đa đành đưa hai tay ra, phát “Ngũ Hàng cang khí” hòng chặn đối phương lại.

Nhưng cang khí vừa phát ra, lão chợt cảm thấy có một luồng kình khí đối nghịch cực hàn đẩy tới mình giống như bị ngập trong khối băng, không chịu nổi phải lùi lại hai bước.

“Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa võ công phi phàm, “Ngũ Hành cang khí” có công phu khổ luyện ba mươi năm, tuy không sánh nối với “Băng Phách ngưng công” của hoàng y nhân nhưng vẫn có uy lực nhất định, buộc y phải dừng lại.

Bấy giờ trước sảnh còn mười sáu tên hồng y sát thủ, thấy Thiên đường Đường chủ xuất thủ đối địch liền đứng dồn lại thành hai hàng, sẵn sàng trợ chiến.

Vẻ mặt hoàng y nhân tỏ ra tức giận.

Yến Tam Đa chợt cảm thấy tiềm lực đang áp tới mình tăng lên đột ngột, đồng thời hoàng y nhân lại tiếp tục từng bước một tiến lên.

Lão biết rằng công lực của đối phương hơn mình nhiều, nhưng tình cảnh này không thể không chấp nhận cuộc đấu, liền đề tụ thực khí vào Đan Điền, vận công phu “Thiên Cân Trụy” để đứng trầm định.

Nhưng áp lực mỗi lúc một tăng.

Đầu tiên, bọn hồng y sát thủ đừng hai bên không chịu nổi hàn khí lạnh ngắt, người run lên cầm cập, hốt hoảng lùi cả ra xa.

Nhưng từ cách ba trượng, chúng vẫn lăm lăm binh khí, mắt nhìn chòng chọc hoàng y nhân chực xông vào.

“Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa vừa tận lực thi triển “Ngũ Hành cang khí” kháng cự lại khí băng hàn vừa quát bảo thủ hạ :

− Các ngươi không được vô lễ với quý khách. Lùi cả lại cho ta.

Mười sáu tên hồng y sát thủ thấy hoàng y nhân tỏ thần uy, không mất chút hơi sức, liên tiếp khống chế tám tên đồng bọn đã sợ xanh mắt, chỉ vì chức trách nên phải liều mạng cản địch mà thôi.

Nay được lệnh của đầu tọa Đường chủ chúng đều mừng rỡ thở phào như cha chết sống lại, lùi lại giữ trước sảnh môn.

Chốc lát, trước sảnh chỉ còn “Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa và hoàng y nhân hai người.

Chừng như thái độ nhũn nhặn của Yến Tam Đa làm hoàng y nhân bất ngờ.

Ông ta nhìn vị Đường chủ, mặt hơi dịu lại nhưng vẫn tiếp tục tiến lên.

Yến Tam Đa vẫn không ngừng phát “Ngũ Hành cang khí”, nhưng thân hình đã bắt đầu chao đảo.

Hoàng y nhân tiến thêm một bước thì dừng lại.

Yến Tam Đa bị bức lùi hai bước, người tiếp tục loạng choạng, trong khi đó hoàng y nhân thần thái vẫn ung dung.

Xem ra lão Đường chủ không còn duy trì được lâu nữa.

Hoàng y nhân lại tiến thêm một bước.

“Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa chợt lùi lại ba bước dài, đập lưng vào cửa sảnh, há miệng thổ ra một bãi máu.

Vừa lúc ấy thì sảnh môn chợt mở ra, một đoàn người xuất hiện, đi đầu chính là Tổng lệnh chủ Thiết Hải Đường.

Theo sau còn có Tổng lệnh chủ phu nhân Thẩm Ngạo Sương và ba vị Đường chủ khác.

Địa đường Đường chủ “Phong Lôi Thủ” Tần Ngư vội vàng chạy tới đỡ “Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa.

Hoàng y nhân dừng lại, đưa mắt nhìn đoàn người, dừng lại hồi lâu trên người Thiết Hải Đường đầy vẻ dò xét.

Một lúc sau, tên Tổng lệnh chủ bước lên chắp tay giới thiệu :

− Tại hạ là Thiết Hải Đường, Tổng lệnh chủ “Vũ Nội thập nhị lệnh”.

Rồi khoa tay sang bọn thuộc hạ sau lưng :

− Còn đây là tệ thê và bốn vị Đường chủ trong Tổng đàn.

Hoàng y nhân gật đầu, nhưng không nói gì.

Thiết Hải Đường lại nói :

− Tôn giá tới đây, xin hãy cùng Thiết mỗ lên khách sảnh đàm luận, không biết mỹ ý thế nào?

Hoàng y nhân gật đầu đồng ý ngay.

Hành động hào sảng của đối phương khiến bọn người của “Vũ Nội thập nhị lệnh” có phần bất ngờ.

Thiết Hải Đường dẫn hoàng y nhân lên tầng ba “Bảo Lũy sảnh” Thẩm Ngạo Sương và ba vị Đường chủ đỡ “Thiên Mã Hành Không” Yến Tam Đa cùng lên theo.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương