Trùng Sinh Chi Si Tửu Hữu Diễn
Chương 18: Bận rộn

Hỉ Cửu Túy đã bắt đầu tiến hành công tác chuẩn bị, ngoại trừ tiểu nhị đang học thuộc thực đơn và Thành chưởng quỹ mỗi ngày đều đến đây xem xét, Phương quản sự hầu như không thấy bóng dáng. Đương nhiên không phải là do hắn lười nhác, mà là Hạ Việt bận đi sang lò rượu không phân thân được nên giao cho hắn một nhiệm vụ.

Phương quản sự lúc này đang ở trong một lò gốm cách Dận thành hai mươi dặm.

Trước đó, Hạ Việt đã hỏi quản gia xem lò gốm nào có tay nghề tốt nhất Dận thành, lại cử hai hạ nhân mang một lá thư sang đó trước. Trong thư, Hạ Việt viết rõ mình muốn bình đựng rượu kết cấu như thế nào, cũng lấy gạch xây phòng tân hôn làm ví dụ. Hắn không biết công nghệ vàng mã gốm sứ của Lạc Việt phát triển đến đâu, nhưng nơi này lại có rất nhiều khoáng thạch thần kỳ, hoàn toàn nằm ngoài phạm vi tri thức của đời trước, bởi vậy hắn chỉ đề cập đại khái, hy vọng đối phương sẽ nghĩ ra cách.

Chủ lò gốm bên kia còn rất trẻ, chỉ chừng trên dưới 30 tuổi mà tài nghệ đã là số một số hai trong Dận thành. Lúc hắn nhận được thư của Hạ Việt liền cảm thấy vô cùng hứng thú, bảo người hầu quay về hồi đáp cho Hạ Việt. Có điều, loại gạch đá kia không thích hợp để nung thành chai lọ, giá cả cũng đắt, nhưng thật ra hắn biết có một loại đất sét khá tốt, có thể dùng nó làm thử.

Loại đất mà chủ lò gốm nghĩ tới là đất sét hoa đào, trên núi hoang cạnh đó có không ít. Hắn đã từng dùng đất sét hoa đào nung thử một ít đồ vật, lại chẳng biết tại sao chỉ có mấy cái chén nhỏ là ra lò thành công, mấy thứ lớn hơn một chút đều bị hỏng.

Tuy chủ lò phát hiện nó cách nhiệt rất tốt, nhưng nếu không thể làm thành chai lọ lớn thì hiệu quả có cao đến đâu cũng coi như vô dụng, sau đó, hắn liền quẳng luôn ý niệm khai thác đất sét hoa đào trong đầu.

Yêu cầu của Hạ Việt khiến hắn nhớ tới loại đất này, nếu như chỉ làm mấy bình rượu và li đựng nho nhỏ thì hẳn không thành vấn đề. Chủ lò gốm cuối cùng vẫn quyết định thử một lần xem sao, nếu như thành công, hắn vừa có thể ký khế ước dài hạn với Vân gia vừa không lãng phí chỗ đất sét kia, rất là có lời.

Sau đêm giao thừa, bên lò gốm gửi thư tới thông báo họ đã nung xong mẻ đầu tiên, hiệu quả giữ ấm duy trì liên tục một canh giờ, hỏi Vân thiếu gia bao giờ qua xem thành phẩm.

Hạ Việt thật sự không đi được, mùng hai cả ngày đều có việc, sau đó bên lò rượu còn nấu rượu mới, hắn hầu như hôm nào cũng phải đi qua đó, cuối cùng chuyện đồ uống rượu toàn quyền giao cho Phương quản sự xử lý.

Sáng sớm một ngày đầu tháng ba, Phương quản sự mang theo khế ước đã soạn sẵn đến. Giữ ấm được một canh giờ đối với bọn hắn mà nói vậy là đủ rồi, một bình rượu cũng chỉ khoảng một phần mười lít, có uống chậm cỡ nào đi nữa cũng không cần nhiều thời gian đến thế. Cái mà Phương quản sự lo lắng chính là hình dáng của đồ uống rượu.

Hắn không biết thành phẩm trông như thế nào nên khó tránh khỏi có chút bận tâm. Hỉ Cửu Túy chuyên về rượu, xếp thực đơn cũng lấy rượu làm trung tâm, trong *** cũng bố trí lịch sự tao nhã, tuyệt đối không thể đưa mấy bình rượu đen thui cục mịch ra cho khách được.

Thành chưởng quỹ biết được lo lắng của Phương quản sự thì liều mạng nhịn cười. Không phải là Phương quản sự không có lý, chỉ là…hình như hắn quên mất mục đích chính rồi a. Thiếu đương gia đặt làm cái này để giữ nóng rượu, vậy tại sao họ Phương kia lại không lo bình rượu không cách nhiệt tốt như lời của chủ lò gốm mà lại lo chúng nó không được đẹp nha.

Nhìn người kia cứ cuống cuồng đi tới đi lui, Thành chưởng quỹ xoay lưng cười trộm, không dám nói rằng tâm tư của Phương quản sự lúc này cứ như một khanh quan vậy.

Đến chạng vạng tối, Phương quản sự mới vui vẻ trở lại Hỉ Cửu Túy.

Theo chủ lò gốm, sở dĩ gọi là đất sét hoa đào bởi vì xúc cảm của nó rất mềm mịn, lại có màu hồng nhạt, lúc nung ra thành phẩm nước men trông cũng rất đẹp. Dù sao cũng là làm cho Hỉ Cửu Túy đem bán rượu, sau này vẽ thêm hoa văn nữa là xong.

Đồ uống rượu mười hai đồng một bộ, Phương quản sự cùng chủ lò gốm quyết định hoa văn trên mặt bình sẽ là hình sóng biển và đồ án triền chi (1), sau đó, hắn cầm lấy một bộ nhét vào trong áo.

“Ngươi chôm của người ta đó hả?!” Thành chưởng quỹ trợn mắt nhìn Phương quản sự hí hửng móc từ trong lòng ngực ra một cái bình đựng rượu, xoay qua xoay lại ngắm nghía.

“Ta có trả tiền hẳn hoi nhé.” Phương quản sự lấy khăn mùi xoa ra lau bình, yêu thích không buông tay, “Ngươi yên tâm, thiếu đương gia không có keo kiệt như vậy, bên lò gốm còn đang nung mẻ thứ hai mà.”

“Ai nói với ngươi cái này.” Thành chưởng quỹ nằm dài trên quầy hàng, vẻ mặt ai oán nhìn Phương quản sự, “Ta là nói sao ngươi lấy có một cái vậy? Của ta đâu?”

Phương quản sự chợt dừng động tác trên tay lại, trầm mặc quét mắt nhìn hắn một cái, đăm chiêu giây lát, cuối cùng vẫn không để ý tới Thành chưởng quỹ.

Thành chưởng quỹ nghẹn họng, thiếu chút nữa đã lao đến ngoạm bể cái bình trong tay Phương quản sự.

Hạ Việt hôm nào cũng phải đi công chuyện, bận rộn đến mức hầu như không hưởng thụ được ngày Tết nào.

Sáng sớm giờ Dần hắn đã thức dậy, rửa mặt mặc quần áo, ăn chút điểm tâm, nửa canh giờ sau chạy tới hầm rượu, vừa vặn lúc bọn họ đã vo gạo nấu cơm xong.

Lò rượu của Vân gia sau lưng dựa vào một tòa núi nhỏ, trên núi có sơn tuyền chảy xuống, được dẫn vào trong viện, vo gạo cùng chưng cất rượu đều dùng nước từ con suối này.

Tiết đông vẫn chưa hết hẳn, trời lạnh, người ở hầm rượu mỗi lần vo gạo đều rất khổ cực. Tuy đấy căn bản là công việc của các học đồ, thế nhưng Hạ Việt để thể nghiệm quá trình chưng cất rượu cũng xắn tay áo tham gia.

Vo gạo xong thì mọi người cùng nhau vận chuyển gạo vào trong viện nấu.

Hạ Việt cởi ngoại bào, bên trong mặc y phục gọn gàng tiện hoạt động, bắt tay cùng làm việc với những tàng nhân khác. Bò lên bục gỗ, ở trên cao dùng gậy lật lật cơm đang chín trong thùng, hơi nóng phả lên nghi ngút, có muốn than lạnh cũng không được.

Thùng đựng cơm là thùng gỗ, gọi là “tắng” (2), đứng ở phía trên nhìn xuống mới thấy nó vừa to vừa sâu, có khi tám, chín lang quan nhảy vào cũng được.

Khi cơm đã chín hẳn, dùng gậy ấn vào trong thùng để kiểm tra, sau đó các tàng nhân sẽ kiệu thùng gỗ lên vai, đem đến chỗ phơi cho nguội bớt. Không ít tàng nhân đều cởi trần mà lật cơm, Hạ Việt cũng không ngoại lệ.

Công việc này ngày nào cũng phải làm, tuy khô khan nhàm chán nhưng lại mang ý nghĩa rất trọng đại. Mỗi khi mọi người phơi cơm xong, lò rượu đã chuẩn bị nghênh đón ánh mặt trời của ngày hôm sau.

Sau khi cơm nguội là giai đoạn lên men thứ nhất, rải men lên cơm rồi dùng tay xoa đều, để cơm nghỉ. Tiếp sau đó là giai đoạn lên men thứ hai, công nhân bóp cơm thành một khối, cuối cùng trùm vải trắng lên để ủ là xong.

Lò rượu làm xong những việc này thì đã quá trưa.

Trong thời gian chờ mẻ cơm này lên men, Đỗ sư sẽ đưa Hạ Việt đi xem các nguyên sư làm việc.

Thời đại này, người ta chỉ dùng gạo và nước để sản xuất rượu. Trong phòng đặt một chiếc bồn lớn hình tròn chứa non nửa nước, bên trong là cơm đã lên men từ đợt trước, hai bên có hai tàng nhân phụ trách sử dụng gậy nhỏ quấy liên tục, quá trình này là gọi là quá trình tạo nguyên. Đây chính là kinh nghiệm nhiều năm tính lũy của Đỗ sư, phương pháp này sử dụng những con men tự nhiên phiêu đãng trong không khí để tạo ra nguyên.

Mấu chốt của công việc tạo nguyên không phải là khí lực mà là tiết tấu, có thể nói là càng nhàm chán hơn so với việc của mấy người lật cơm. Các nguyên sư phải liên tục lặp đi lặp lại một động tác đơn thuần, nhưng nó sẽ giúp các vi sinh vật ở trong bồn có thể thuận lợi sinh trưởng.

Nếu dùng ngôn ngữ hiện đại để giải thích, trong chiếc bồn này có khá nhiều loại vi sinh vật, gồm khuẩn axit lactic, khuẩn axit nitric và con men. Nếu quá trình tạo nguyên diễn ra chính xác, những loại vi khuẩn này sau đó sẽ biến mất, đại khái đây cũng giống như một chiến trường chém giết, không ngừng có vi khuẩn bị tiêu diệt, cuối cùng chỉ còn lại axit lactic. Nhưng khuẩn axit lactic cũng không hẳn là loại khuẩn cần thiết để lên men rượu, tác dụng của nó là ức chế những tạp khuẩn khác sinh sôi nẩy nở, sinh ra con men thích hợp. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, loại khuẩn này cũng sẽ từ từ biến mất, vì thế, tạo nguyên cũng chính là quá trình tạo ra axit lactic. Vi sinh vật không ngừng biến mất, xuất hiện, cuối cùng sẽ tạo ra mùi vị rượu thơm ngon thay thế.

Hạ Việt vẫn cảm thấy rất bất khả tư nghị, ở một quốc gia hoàn toàn không có khái niệm về vi sinh vật như Lạc Việt, cũng như thời kỳ cổ đại của Trung Hoa, vậy tại sao mọi người lại có thể phát hiện ra phương pháp chưng cất rượu vậy?

Hắn nghĩ thầm, đúng là rượu ngon mới có thể làm cho mọi người cố gắng nha.

Qua buổi trưa, Hạ Việt từ biệt mọi người ở lò rượu, vội vã chạy về nhà dùng dược thiện, nghỉ ngơi một lát lại mang Thức Yến đi Hỉ Cửu Túy.

Trước ngày khai trương, Thức Yến cần phải chỉ cho Thành chưởng quỹ và bọn tiểu nhị cách đun rượu. Bọn họ không có bàn tay vàng như của Thức Yến, chỉ có thể giúp họ nhớ bằng cách chạm tay vào bình rượu thử độ nóng.

Thành chưởng quỹ và bọn tiểu nhị đang tìm cách nhớ kỹ nhiệt độ, Thức Yến và Hạ Việt thì ngồi bên cạnh cầm giấy bút nghiên cứu, lượng than thế nào, thời gian bao lâu để đạt được độ ấm chuẩn nhất.

Không có nhiệt kế, cũng may còn có một phu lang vạn năng.

Hạ Việt nếm thử rượu được đun nóng ở nhiều cấp độ, hiện tại vẫn là tiết đông nên Hỉ Cửu Túy sẽ bán rượu nóng, khi nào thời tiết ấm lên thì bán rượu lạnh, dù sao cũng có vài loại rượu không thích hợp đun nóng, làm lạnh ngược lại ngon hơn. Hắn bắt đầu tính toán phải thừa dịp này xây một hầm băng.

Phân cấp nhiệt độ của các loại rượu Nhật Bản rất nhiều, Hạ Việt nghĩ tuy rằng ở đây không đun được rượu chuẩn xác từng cấp độ nhỏ như vậy nhưng hắn vẫn tham khảo một chút. Một loại rượu trên dưới hai mươi độ, một loại khác bằng với nhiệt độ cơ thể người, nóng hơn nữa thì Hạ Việt quyết định chỉ lấy tầm bốn mươi hoặc năm mươi độ là được.

Thức Yến nhìn Hạ Việt viết xuống mấy chữ kia, theo bản năng liền đọc lên.

“Nhiệt độ phòng, nhiệt độ cơ thể, nóng, sôi. Nghĩa là sao?”

Hạ Việt cười cười, để bút xuống, hắn đứng dậy lấy ba bình rượu mới, dựa vào trí nhớ đun nóng lên ba mươi lăm độ, bốn mươi độ và năm mươi độ, đưa cho Thức Yến sờ thử. May là đời trước hắn không thích dùng nhiệt kế mà thích chạm vào bên ngoài vỏ rượu, dần dần nhớ được cảm giác của một vài cấp độ nhiệt, bằng không hắn cũng không biết làm sao để chỉ cho y.

Thức Yến nhất nhất nhớ kỹ, nếm thử vị rượu, xem xét số lượng than và thời gian hâm rượu, thử đi thử lại vài lần. Hạ Việt ngồi cạnh cũng giúp y một tay, phu phu sau ba ngày cuối cùng cũng định ra phương pháp đun rượu độc quyền của Hỉ Cửu Túy. Bọn Thành chưởng quỹ suốt ba ngày ba đêm đau khổ sờ tới sờ lui mấy cái chai, rốt cục cũng phân biệt được các cấp nhiệt khác nhau.

Mùng sáu, bên lò gốm đưa tới mẻ thành phẩm đầu tiên đã được vẽ hoa văn sóng biển, mẻ thứ hai được vẽ triền chi văn. Hạ Việt cầm một chiếc bình hoa văn sóng biển kín đáo nhét cho Thức Yến để y mang về nhà. Vì vậy, Hỉ Cửu Túy cuối cùng nhận được chẵn hai mươi bộ đồ uống rượu làm bằng đất sét hoa đào.

Chủ lò gốm có khắc tên lên tác phẩm của mình, Hạ Việt cũng rất tự nhiên chấp nhận. Dung lượng của bình hoa đào vừa đủ, thân dài, cổ cao, bụng tròn, miệng bình to hơn so với bình hoa mai, không tròn hẳn mà có một góc nhọn, tiện cho việc rót rượu. Chất men của bình hoa đào tương đối dày, chỉ dùng để đựng rượu đã hâm xong. Lúc đun rượu vẫn sử dụng bình hoa mai, đun xong thì châm vào bình hoa đào đem lên cho khách, không những khách nhân có thể chậm rãi thưởng thức rượu ngon không sợ bị nguội, còn có thể phòng ngừa người nào muốn học lỏm cách đun rượu của Hỉ Cửu Túy.

Trong thời gian này, Thành chưởng quỹ đã treo sạn bài mới lên, lấy rượu làm trung tâm, bên dưới là các món ăn đi kèm.

Rượu mới cất khá dễ uống, mùi vị vừa thanh nhã vừa mạnh mẽ, rượu ủ lâu năm tương đối đắt, vị đạo lại càng thâm thúy. Thành chưởng quỹ dựa theo số năm ủ mà xếp hàng trình tự, ở trong thực đơn chọn rượu thì ghi rõ số năm, sau đó mới đề giá bên dưới.

Sổ thực đơn cũng đã làm xong, Phương quản sự tự mình viết tên món ăn, chữ viết xinh đẹp nho nhã, phong cách lại linh hoạt kỳ ảo, Thành chưởng quỹ nhìn hắn đang múa bút cuồng thảo thì làm ra vẻ “Đây là ai vậy ta không quen.”

Chờ tất cả xong xuôi mọi người mới phát hiện, hôm nay đã là mùng bảy, ngày mai là mùng tám, Hỉ Cửu Túy sẽ khai trương ngày đầu tiên trong năm.

————————————————

(1) Đồ án triền chi/ Triền chi văn: Nôm na là hoa văn đan ***g vào với nhau, đa số là dây leo cách điệu.

(2) Tắng: Là cái này, cứ tưởng tượng ở trong truyện thì nó to gấp 10 lần như này nhé.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương