Trọng Sinh Chi Ta Là Quý Phi Bạch Tụ
-
C9: Chương 9
Sáng hôm sau, trời vừa sáng, Tiểu Tư đã hốt hoảng chạy vào báo với ta, Diệp tướng quân cho người khiêng sính lễ tới cửa để cầu thân. Nhưng cha ta cho người dàn hàng ngang chặn trước cửa không cho huynh ấy vào. Ta không kịp chỉnh trang tươm tất, đã tất tả chạy ra.
Tình cảnh ta trông thấy chính là, cha ta đứng ở một bên, chỉ huy toàn bộ hộ vệ trong phủ ôm một cây gỗ dài chắn ngang cửa, mà mặt sẹo ca ca thì đang tự mình dùng lực đẩy lùi thanh gỗ để bước qua.
Ta dừng lại, dựa vào cột đình, xa xa đứng ngắm, bất giác mỉm cười.
Người nam nhân này ấy, thế mà lại hiểu câu nói của ta thành nghĩa đen.
Đúng lúc này, mặt sẹo ca ca hét lớn một tiếng, vận lực nơi cánh tay, đẩy cho đội hộ vệ lùi lại một bước, huynh ấy cũng thành công bước một chân qua ngạch cửa.
Mặt cha ta đỏ lên vì giận. Ông ra lệnh cho tất cả hộ vệ lùi lại, giơ chậu cây kiểng trong tay lên, mắng:
"Diệp Vĩnh Thiên, tên nghịch tặc nhà ngươi, hôm nay ngươi dám bước chân vào thừa tướng phủ thử xem, ta liều mạng già với ngươi."
Ông nói xong liền ném luôn chậu cây trong tay ra ngoài. Chậu cây bay ra, lượn một vòng cung, đập ngay giữa trán của mặt sẹo ca ca. Cơ thể huynh ấy lung lay ngã xuống.
Mọi người ngớ ra, cha ta cũng ngớ ra.
Với công phu của mặt sẹo ca ca thì việc tránh thoát chậu cây là một chuyện quá đỗi dễ dàng. Huynh ấy đang cố chịu đựng để giúp cha ta hả giận. Cha ta rất nhanh đã hiểu ra. Ông run run chỉ tay:
"Ngươi.."
Nhưng ông còn chưa kịp nói hết câu, một tiếng gào vang dội đã vọng đến.
"Vĩnh Thiên!"
Ta từ xa nhìn thấy khuôn mặt đầy máu cùng thân người lung lay của mặt sẹo ca ca, trước mắt ta giống như xuất hiện bóng chồng, hình ảnh huynh ấy mặc khôi giáp, máu tươi loang lổ, ngã xuống và chết trong tay ta.
"Không! Vĩnh Thiên!"
Ta chạy tới ôm lấy thân người vừa ngã xuống, gào khóc thê lương. Tiếng khóc của ta tang thương đến độ mọi người ở hiện trường đều đứng hình không hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Ta giống như không còn phân biệt được đâu là kiếp trước, đâu là kiếp này. Ta chỉ biết ôm lấy thân xác của người đang nằm trong lòng rồi gào khóc.
Qua một lúc, người trong lòng gắng gượng nhổm dậy, dùng hai tay ôm lấy má ta, trán kề trán, thủ thỉ gọi.
"Tụ nhi.. Tụ nhi.. Tụ nhi.."
Tiếng gọi của huynh ấy giống như tiếng chuông dẫn đường, từng bước dẫn ta thoát khỏi ảo cảnh.
Tiếng khóc của ta nhỏ dần, sau đó ta ngơ ngác mở mắt.
"Vĩnh Thiên! Huynh còn sống sao?"
Huynh ấy khẽ cười:
"Huynh còn sống."
Ta choàng tay ôm cổ huynh ấy, vừa khóc vừa cười.
"Thật tốt quá!"
Huynh ấy nhè nhẹ vỗ lưng xoa dịu ta. Hai chúng ta cứ ôm thành một đoàn trước cửa thừa tướng phủ như vậy.
Qua một lúc, rốt cuộc Khôi Quý không nhịn được mà tiến tới nói nhỏ:
"Bạch tiểu thư, vết thương của Diệp tướng quân.."
Ta lúc này mới hốt hoảng nhớ ra, thế là ta la lớn:
"Cha! Mau mời y sư!"
Cha ta giống như bị hành động và trạng thái tinh thần của ta làm cho lú cả người, ông ấy vậy mà cho người đi gọi y sư thật, rồi còn giúp ta dìu mặt sẹo ca ca vào phòng của ta.
Đến lúc y sư tới, ta mới biết, vết thương mà Khôi Quý muốn nhắc, không phải vết thương trên trán, mà là vết thương ở sau lưng.
Lưng của huynh ấy máu me nhầy nhụa, ta vừa nhìn thấy liền hút một ngụm khí lạnh.
"Đây là làm sao?"
"Tụ nhi, không có gì.."
Ta nổi giận.
"Huynh im lặng cho muội. Khôi Quý, ngươi nói."
Sau đó Khôi Quý kể lại. Thì ra ngay sau khi ta ôm con bỏ trốn, mặt sẹo ca ca đã lập tức ra lệnh cho Khôi Quý chạy theo bảo vệ ta. Khôi Quý đến kinh thành cùng ngày với ta nhưng hắn chỉ âm thầm lặng lẽ làm đúng chức trách bảo tiêu của mình. Đáng lẽ người chạy theo là mặt sẹo ca ca nhưng vì việc quân ở tây bắc còn chưa bàn giao xong, cho nên nửa tháng sau khi ta về nhà thì huynh ấy mới xuất hiện ở kinh thành.
Về đến kinh thành, mặt sẹo ca ca không đi gặp ta mà đi gặp nội tổ mẫu để nài nỉ bà ấy mang sính lễ đến cầu thân với phủ thừa tướng.
Diệp lão thái thái không đồng ý. Bởi vì lúc ấy ở trong triều đã có tin đồn phong phanh rằng tứ điện hạ đang muốn xin hoàng thượng ban thánh chỉ tứ hôn cho mình và Bạch tiểu thư nhà thừa tướng phủ.
Tổ huấn của Diệp gia là không nhúng tay vào các cuộc phân tranh, cho nên hầu hết dâu rể của Diệp gia đều là người bình thường. Diệp lão thái thái không muốn đích tôn của mình vướng vào mối thù đoạt thê.
Mặt sẹo ca ca quỳ cầu ba ngày, Diệp lão thái thái dùng tổ huấn để phạt đánh huynh ấy năm mươi trượng hình. Sau khi đánh xong, Diệp lão thái thái cũng đã siêu lòng, bởi vì mặt sẹo ca ca nói với bà ấy, nếu bọn họ còn không nhanh chân cầu thân, tằng tôn của bà ấy sẽ không mang họ Diệp.
Mặt sẹo ca ca nằm trên giường dưỡng thương nửa tháng, Diệp lão thái thái cho người chuẩn bị sính lễ nửa tháng. Nhưng đợi đến lúc huynh ấy hơi hơi khỏe lại, muốn mang sính lễ qua nhà ta thì Diệp đại tướng quân từ đông bắc nghe tin đã quay về.
Diệp đại tướng quân dùng lý do Diệp Vĩnh Thiên không tuân thủ phép tắc, chưa cưới hỏi đã động phòng hoa chúc để đánh huynh ấy thêm năm mươi trượng nữa. Hậu quả là huynh ấy lại tiếp tục nằm trên giường dưỡng thương cho tới tận hôm nay vẫn chưa lành hẳn.
Nếu không phải tối qua ta gây sức ép, huynh ấy còn chưa thể xuất hiện trước mặt ta hôm nay.
Ta nghe Khôi Quý kể mà nước mắt rơi như mưa. Diệp Vĩnh Thiên nằm sấp trên giường, thương tích đầy mình mà vẫn không quên dỗ ngọt ta.
"Tụ nhi, muội đừng khóc.."
Ta nắm tay huynh ấy.
"Huynh khỏe lại. Muội sẽ không khóc nữa."
"Huynh rất nhanh sẽ khỏe lại."
"Vậy huynh mau ngủ dưỡng sức."
"Được, đều nghe muội."
Đợi huynh ấy ngủ rồi, ta lôi Khôi Quý ra ngoài sân viện. Ta không tin Diệp đại tướng quân lại có thể nổi trận lôi đình, phạt đánh huynh ấy nặng như vậy chỉ bởi vì vấn đề ăn cơm trước kẻng của chúng ta.
"Khôi Quý, ngươi nói thật với ta, huynh ấy đã làm gì?"
Khôi Quý chần chờ.
"Đừng lo, ta sẽ không nói lại với huynh ấy. Ta chỉ muốn nghe sự thật."
"Diệp tướng quân đi gặp một người tên Hoành Luật."
Ta cuối cùng đã hiểu.
Thảo nào thái tử lại có thể dễ dàng liên kết với Quan gia như vậy. Hoành Luật cho dù có tài ba đến đâu, cũng không thể chỉ dựa vào sức của một người xuất thân từ tây bắc để làm cầu nối cho hai thế lực ở kinh thành. Hóa ra bởi vì đằng sau còn có sự thúc đẩy của Diệp gia.
Diệp Vĩnh Thiên là đích tử, trên danh nghĩa là người có tiếng nói thay thể cả Diệp gia. Một bước thúc đẩy này của huynh ấy, chẳng khác nào tuyên bố ngầm rằng Diệp gia ủng hộ thái tử.
Kiếp trước không như vậy, mặt sẹo ca ca vẫn luôn giữ thái độ trung lập bàng quan với chuyện ai sẽ là người kế vị. Không đúng, ta bỗng nhiên nhớ tới, kiếp trước, chuyện về Hoành Luật, chuyện của thái tử, chính là mặt sẹo ca ca cho người thông tri với ta. Mà tin tức đó, chính là vết cắt chí mạng khiến thái tử không thể trở mình. Cho nên, kiếp trước là vì ta chọn tứ điện hạ ư? Còn kiếp này, là vì ta chọn thái tử sao?
Ai bảo huynh ấy ngu trung, này là ngu tình mới đúng.
Ta ôm mặt, không biết nên khóc hay nên cười.
Những ngày sau đó, mặt sẹo ca ca yên tĩnh ở trong phủ thừa tướng dưỡng thương. Chuyện của chúng ta, qua một đêm đã truyền khắp phố phường. Nhưng Bạch gia và Diệp gia vốn mang tiếng trung lập cho nên việc hai nhà kết đôi cũng chẳng khiến người ngoài cảm thấy đó là chuyện lớn.
Vài ngày sau, trong cung sinh biến.
Nếu ta nhớ không lầm thì hôm nay chính là ngày hoàng thượng băng hà.
Trời còn chưa sáng, cha ta đã bị Trương công công đến gọi vào triều.
Đêm qua ta không ngủ được nên lúc cha ta vội vã chuẩn bị, ta đến giúp ông cài áo.
"Cha, hãy lựa chọn công bình."
Kiếp trước, chỉ còn lại tứ điện hạ, việc chuyển giao quyền lực diễn ra suôn sẻ, không hề có chính biến. Đời này, cả thái tử và tứ điện hạ đều ở, hoàng thượng yêu thương cả hai người, mà tinh thần của hoàng thượng đang trên bờ sụp đổ, chẳng ai biết trong khoảng thời gian qua thế lực hai phe đã tác động những gì lên lựa chọn cuối cùng của hoàng thượng.
Thái tử dựa được Quan gia và có lẽ là cả Dương gia nhưng lại làm mích lòng Liễu gia. Tứ điện hạ có Đào Mặc Đức và những người bị hắn nắm thóp. Thế lực ngầm của ai mạnh hơn. Hôm nay, ai sẽ thắng, ai sẽ thua. Ngay cả bản thân ta cũng không đoán được.
Nhưng hôm nay là ngày hạ màn của tất thảy mọi âm mưu.
Và ta sợ rằng, cha ta sẽ bị đẩy lên đầu ngọn sóng.
Ta biết cha ta là một người công chính liêm minh. Kiếp trước, vì ta nên ông mới lựa chọn nghiêng lòng. Đời này, không quản chuyện gì xảy ra, ta muốn ông sống trọn vẹn với chí hướng của bản thân.
Ta không nghĩ hôm nay sẽ xảy ra binh biến nhưng để ngừa vạn nhất thì ta vẫn bảo Khôi Quý âm thầm đi theo bảo vệ cha ta.
Ta đợi đến trưa, quả thật nhận được tin tân đế đăng cơ.
Sau này ta nghe cha kể lại, hoàng thượng biết mình không qua nổi đêm nay nên đã triệu tập toàn bộ đại thần đến nghe ông truyền ngôi cho tân đế. Tình trạng của hoàng thượng nửa mê nửa tỉnh, dù đã được thái y châm cứu giữ một hơi tàn thì vẫn không thể truyền lời bằng miệng mà phải bảo thái giám đi lấy thánh chỉ để tuyên. Trong lúc Trương công công đi vào phòng lấy thánh chỉ thì hoàng thượng đột ngột nghẹn khí bỏ mình.
Thánh chỉ của Trương công công đề tên tân đế là tứ điện hạ. Nhưng lúc này thái sư Lâm Uẩn lại trình ra một thánh chỉ thứ hai, trên đó đề tên tân đế là thái tử.
Thánh chỉ của Lâm Uẩn là cái mà tất cả triều thần từng thấy trước đây bởi vì hoàng thượng đã viết xuống từ năm thái tử tròn một tuổi. Thánh chỉ này sau khi công bố trước mặt bá quan vào năm ấy đã được bí mật cất giữ ngay tại điện rồng. Ngoài hoàng thượng thì cũng chỉ có tam công mới biết vị trí bí mật kia.
Hai thánh chỉ, hai tên người. Đâu là thật đâu là giả?
Trương công công bảo, thánh chỉ ông ấy đang cầm mới là đúng, bởi vì hoàng thượng vừa quyết định thay đổi người kế vị tối hôm qua. Nhưng thánh chỉ này lại không có sự chứng thực của tam công, chỉ có sự chứng thực của một vị tam thiếu.
Thái sư Lâm Uẩn bảo, ông ấy nhận được khẩu dụ của hoàng thượng, đã sớm lấy đi thánh chỉ cũ để chờ đến một ngày này.
Lời của hai người đều có lỗ hổng.
Nếu hoàng thượng quả thật thay đổi lựa chọn vào phút cuối cùng như Trương công công nói, vậy thì không mời được tam công, còn có thể mời lục thái, hoặc chí ít sẽ mời thừa tướng đến làm chứng, không thể nào chỉ mời một vị tam thiếu.
Lời Lâm Uẩn cũng không hợp quy củ. Ai cũng biết hoàng thượng là bệnh nặng gần đất xa trời, không phải bị mưu hại, chẳng có lý do gì lại yêu cầu ông ta trộm đi thánh chỉ cũ để phòng ngừa chính biến như vậy.
Nếu hoàng thượng vẫn còn sống, vẫn có thể lên tiếng thì mọi chuyện sẽ không phiền hà đến vậy. Đáng tiếc, hoàng thượng đã băng hà.
Bá quan trong triều quay đầu nhìn cha ta, chờ đợi một lời từ thừa tướng gia.
Hoàng thượng có ý muốn đổi người kế vị cũng không phải ngày một ngày hai. Hoàng thượng đã vài lần nhắc tới chuyện này, mặc dù sau khi hỏi ý kiến của cận thần trung thành thì đều tự mình gạt đi. Nhưng điều này không có nghĩa hoàng thượng đã thực sự bỏ qua cho ý muốn thay đổi người kế vị.
Cha ta hít sâu một hơi, nói:
"Kiểm định."
Thánh chỉ trong tay Lâm Uẩn không thể giả, bởi vì nó đã tồn tại hai mươi năm. Đừng nói bá quan trong triều, ngay cả dân chúng toàn quốc cũng biết sơ về nội dung viết trên đó. Cho nên, việc kiểm định này là hướng về thánh chỉ của Trương công công.
Để công bằng, số người tham gia kiểm định trải rộng trong tất cả các bộ ngành, tổng cộng mười ba người.
Ngoài cha ta còn có Tả đô ngự sử Dương Đình và một vị trong lục khoa, tam công chọn một, tam thiếu chọn một, lục thái chọn hai, lục tự chọn hai, ngũ tư chọn hai là Tư khấu Liêm Thanh Chương và Tư thổ Tân Cách, lục bộ chọn hai là Lại bộ thượng thư Đào Mặc Đức và Lễ bộ thượng thư Bá Tất.
Bút tích trên chiếu chỉ đúng là thật, nhưng vài người đặt nghi vấn về cách dùng từ trong chiếu chỉ, giống như đầu óc của hoàng thượng không còn minh mẫn và bị người khác mớm lời để viết xuống.
Tứ điện hạ nghe lời nhận xét đó liền ngửa đầu cười lớn.
"Nghĩa là các ông cho rằng ta bắt ép phụ hoàng viết xuống chiếu chỉ kia?"
"Chúng thần không dám. Chúng thần chỉ đưa ra nhận xét khách quan."
Sau khi bỏ phiếu, kết quả sáu người tin, sáu người nghi vấn. Chỉ còn lại lá phiếu của cha ta.
Cha ta nhíu mày. Bản thân ông không muốn trở thành người quyết định chung cuộc. Cho dù tiên hoàng chọn ai, ông cũng sẽ không phản đối.
Cha ta còn chưa nghĩ thông, tứ điện hạ đã không chờ được, dùng lệnh bài ra lệnh cho cấm vệ quân bao vây bên ngoài đại điện, còn quan viên bên trong thì bị người của Cơ mật viện dùng đao kề cổ uy hiếp tính mạng.
"Hôm nay, thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết."
Không ai ngờ tiên hoàng lại giao toàn bộ cấm vệ quân cho tứ điện hạ. Cấm vệ quân giống như quân đội riêng của hoàng thượng, giao cho tứ điện hạ, chẳng lẽ vì tứ điện hạ là người được chọn?
Đúng lúc này, quân lính của binh bộ tràn vào cấm thành, dưới lệnh chỉ huy của con trai Binh bộ thượng thư là Quan Cẩm mà bắt đầu lao vào chiến đấu với cấm vệ quân.
Tình hình chiến đấu giằng co không thể phân biệt ai mạnh ai yếu.
Sau đó, thế lực thứ ba xuất hiện. Diệp Vĩnh Kha, đại tướng quân nắm giữ hổ phù, người đáng lẽ đang đóng quân ngoài biên thùy đông bắc, lại mang theo đại quân xông thẳng vào cung.
Diệp Vĩnh Kha vừa thúc ngựa vừa hô lớn:
"Nhận khẩu dụ từ tiên hoàng, Diệp Vĩnh Kha mang quân cứu giá."
Cứu ai?
Tất cả mọi người có mặt ở hiện trường đều nảy lên trong đầu cùng một câu hỏi.
Cả triều thần đều biết, Diệp gia chỉ tận trung với người ngồi trên ngai vàng. Không ai nghi ngờ tiên hoàng có thực sự truyền khẩu dụ xuống hay không, bởi vì nếu không có lệnh của tiên hoàng, Diệp đại tướng quân sẽ không có lý do gì mà quay về kinh. Chẳng ai lại nghĩ tới chuyện Diệp đại tướng quân lén lút về kinh từ nửa tháng trước chỉ vì muốn tẩn cho con trai một trận. Có lẽ sau khi biết Diệp Vĩnh Thiên đã làm ra chuyện gì, ông ấy mới nghĩ tới việc điều động đại quân cho một ngày này.
Nhưng tình hình hiện tại không cho phép những người ở hiện trường suy nghĩ sâu xa. Sự xuất hiện bất ngờ của Diệp đại tướng quân giống như một minh chứng, tiên hoàng thật sự có truyền xuống khẩu dụ.
Cho nên mọi người lúc này chỉ muốn biết, tiên hoàng ra lệnh cho Diệp đại tướng quân tới cứu ai.
Bởi vì người này chắc chắn là tân đế.
Không ai bảo ai, tất cả đều buông đao chờ đợi.
Diệp Vĩnh Kha lao vào đại điện, tới trước mặt thái tử, quỳ xuống:
"Diệp Vĩnh Kha cứu giá chậm trễ. Thỉnh hoàng thượng trách phạt."
Một lời liền định kết cục.
Mà thái tử thì từ đầu tới cuối đều yên lặng đứng ở một bên, bình tĩnh thong dong.
Tứ điện hạ không muốn tin vào kết quả này, hắn nổi điên tại chỗ, bị tân đế tạm giam vào đại lao.
Cha ta trở về kể lại vắn tắt sự tình. Ta ôm lấy ông, thỏ thẻ nói:
"Cha, người về ngủ thôi. Mọi sự ổn rồi."
Ta quay về phòng, nhìn người vẫn đang hôn mê trên giường, cõi lòng bỗng chốc hóa bình yên.
Sau khi tân đế lên ngôi, chính sự bận rộn, cha ta vẫn chưa thể nghỉ ngơi. Lời thỉnh cầu cáo lão hồi hương của cha ta cứ bị tân đế tìm cớ đẩy lùi, từ vài ngày đến nay đã vài tháng.
Diệp đại tướng quân sau khi bình ổn chuyện ở kinh thành liền dẫn đại quân trở về đông bắc. Mặt sẹo ca ca sau khi khỏe lại cũng đã quay về tây bắc theo lệnh của ta. Vài tháng sau, Diệp lão thái thái và Diệp tứ cô cũng ra tây bắc đoàn tụ với cháu con, đi theo còn có Diệp Vĩnh Thế, con trai của ta.
Ta không đi bởi vì ta còn muốn đợi cha ta, cho nên ta trở về thừa tướng phủ.
Một lần đợi liền đợi nửa năm.
Cho đến một ngày ta vô tình gặp hoàng thượng ở Tĩnh An Tự khi người đang cải trang vi hành.
"Bạch tiểu thư, đã lâu không gặp."
Ta cúi người hành lễ.
"Tham kiến hoàng thượng. Thần thiếp hiện giờ đã là Diệp thiếu phu nhân."
Hoàng thượng bật cười lớn.
Trước khi mặt sẹo ca ca về tây bắc, hai chúng ta đã tổ chức một lễ cưới thật long trọng. Quân binh đứng san sát nhau, dọc theo con đường từ phủ thừa tướng sang phủ tướng quân, trên tay vun vẩy một lá cờ màu đỏ nhỏ xinh, như cách người ta chào đón anh hùng thắng trận khải hoàn trở về. Ta không ngồi trong cỗ kiệu do tám người nâng mà ngồi trên xe ngựa do tám con bảo mã kéo, phía trước và phía sau còn có một tiểu đội hành quân. Đó là lễ cưới có một không hai trong lịch sử.
Hoàng thượng ngài khi ấy còn gửi quà mừng, thế mà bây giờ lại gọi ta là Bạch tiểu thư, ý gì đây?
"Trẫm không có ý gì. Chỉ ở nơi này, chỉ ở lúc này, đơn giản xem nàng như một người quen cũ. Bạch tiểu thư."
Ta cười cười.
"Vậy thần thiếp nên gọi ngài là hoàng thượng hay là thái tử điện hạ?"
Hoàng thượng khẽ liếc mắt nhìn ta, bất đắc dĩ lắc đầu.
"Tùy nàng."
"Hoàng thượng, vì sao vẫn chưa đồng ý cho cha thiếp cáo lão hồi hương?"
"Trẫm còn tưởng sẽ có người vì sốt ruột mà xin vào diện kiến, lại không đợi được người ấy tiến cung."
Ta khó tin chớp mắt. Đợi ta? Để làm gì?
Hoàng thượng giơ tay ra hiệu, người hầu vác vào một rương sắt lớn.
"Trò chơi Tam Quốc. Trẫm từng hứa sẽ tặng cho nàng một bản."
Ta hơi bất ngờ vì hoàng thượng vẫn còn nhớ chuyện này bởi vì đây chẳng qua chỉ là cái cớ để bọn ta rời đi vào lúc ấy.
"Đa tạ thịnh tình của hoàng thượng."
Sau đó hoàng thượng lại cho người mang vào hai hộp sứ trắng.
"Bạch tiểu thư, nhờ nàng về tây bắc thì chôn cất hai hũ tro này cùng một chỗ."
"Đây là?"
"Mẫu hậu và Hoành Luật."
Ta ngỡ ngàng mở to mắt. Hoành Luật là tự nguyện chết hay bị giết chết? Sau đó ta bỗng nhiên nghĩ tới, bí mật thân thế của hoàng thượng hiện giờ hình như chỉ còn hai người biết rõ, ngài ấy và ta.
Hoàng thượng khẽ cười.
"Trẫm sẽ không làm gì nàng. Quân vô hí ngôn."
Hoàng thượng đưa mắt nhìn ra xa.
"Biết được có một người trên đời san sẻ bí mật cùng trẫm.. cũng là một loại hạnh phúc."
Hai hôm sau, thánh chỉ ban xuống, cha ta được phép cáo lão hồi hương.
Bạch gia vẫn còn vài người làm quan trong triều. Phủ thừa tưởng đổi tên thành Bạch phủ. Cha ta bịn rịn rất lâu, thu dọn ba ngày còn chưa dọn xong, cuối cùng bị một câu nói của ta khiến ông quay ngược hối thúc ta.
Ta bảo với ông ấy, cha mà không nhanh lên, sẽ không kịp ngày nhìn tiểu Bạch Viễn ra đời.
Tiểu Bạch Viễn, nội tôn, đích tôn của cha ta, kiếp này vẫn đến.
Khi ta đặt chân lên đất tây bắc, tiết trời đã vào đông. Tuyết lất phất rơi, khí lạnh thổi về.
Ta bảo người hầu mang gốc đào ra ngoài biên quan, trồng tại mảnh đất ngay bên cạnh lều của tướng quân.
Mặt sẹo ca ca hỏi vì sao ta lại mang gốc đào ra đây trồng, sao không trồng trong sân viện ở Biên thành.
Cây đào năm nay đã cao hơn đầu ta một chút. Cành nhánh khẳng khiu. Vẫn chưa là bóng dáng ở kiếp trước. Ta nắm tay huynh ấy, kéo tới bên cạnh cây đào, ngẩng mặt nói:
"Vĩnh Thiên, mỗi năm chúng ta lại đợi hoa đào nở, có được không?"
Mặt sẹo ca ca vươn tay vuốt tóc cho ta, dịu dàng nói:
"Được."
Ta tiến gần một bước.
"Vĩnh Thiên, mỗi ngày chúng ta ngồi dưới tàn cây tán gẫu, có được không?"
"Được."
Ta dán sát lại, choàng hai tay lên cổ huynh ấy.
"Vĩnh Thiên, dù sau này xảy ra chuyện gì, huynh không được phép bỏ muội lại, cho dù chết, chúng ta cũng chết cùng ngày, có được không?"
Lý Nhân sẽ là một hoàng đế tốt. Ta không sợ anh ta nổi điên ra lệnh cho tướng công của ta đi chịu chết một cách vô cớ. Nhưng tướng công ta có thể làm ra chuyện gì thì ta không chắc.
Mặt sẹo ca ca vòng tay qua eo, nâng ta lên ngang tầm mắt, nhìn ta chăm chú, phát ra lời thề tự tận đáy lòng.
"Được."
Đời này, vật đổi sao dời, lịch sử sang trang, nhưng ta và tướng công của ta sẽ mãi có nhau đồng hành.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook