Trò Chơi Sớm Chiều
-
Chương 9
Tranh thủ thời gian Úc Thừa quay về lấy rượu, Hoài Hâm lôi gương ra soi.
Lớp trang điểm đậm đã nhòe đi quả thật cực kỳ thê thảm, thay đổi đến độ ngay cả mẹ ruột e là cũng chẳng thèm nhận cô.
Nên dù có để tâm để mắt thế nào thì Úc Thừa cũng sẽ không tài nào nhận ra.
Có điều có thể bình tĩnh ngồi đây tán dóc với cô nãy giờ thì đúng là làm khó cho anh rồi.
Hoài Hâm mở khóa màn hình điện thoại, mục ghim trên cùng chính là QQ mà Úc Thừa vừa kết bạn với cô.
Hai người đều đã có Wechat của đối phương, nhưng lại ăn ý trao đổi phương thức liên lạc khác.
Lúc anh đứng dậy quay về chỗ của mình, cô gọi anh lại rồi hỏi tên anh.
"Alvin." Anh đáp.
Hoài Hâm ngẩng đầu nhìn anh, bĩu môi nói rằng anh chẳng có thành ý gì, ngoài đường có bao nhiêu là Alvin, tốt xấu gì cũng phải để lại cái họ chứ.
Úc Thừa hờ hững nhếch môi, hỏi thế cô tên gì.
"Lisa."
Úc Thừa buồn cười, ngoài đường cũng chẳng thiếu gì người tên Lisa.
- - Nếu cô gái này mà nhạt nhẽo thì anh sẽ không nán lại đây trò chuyện với cô lâu như thế.
Lúc cầm chai Louis XIII quay lại thì người đã trốn đâu mất rồi, chỗ sofa cô vừa ngồi còn hơi lõm xuống, nhiệt độ vẫn còn khá ấm, Úc Thừa mở điện thoại lên thì thấy mấy tin nhắn cô vừa mới gửi đến.
[Vừa nãy mới soi gương, OMG, xấu đến ma chê quỷ hờn *khóc chạy* *khóc chạy* *khóc chạy*, vậy mà anh cũng chịu được.]
[Là một mỹ nữ có lòng tự trọng, tôi đành phải rút lui sớm, lần sau nếu có duyên ắt sẽ gặp lại.
*chắp tay*]
...
Hoài Hâm ngồi vào taxi, như không thể chờ thêm được giây phút nào, cô vội vàng lấy khăn giấy tẩy trang ra lau lau tẩy tẩy trên mặt.
Mười phút sau, gương mặt trắng mịn như trứng gà bóc xuất hiện.
Bấy giờ cô mới thở phào nhẹ nhõm, thầm khen chiêu "ve sầu thoát xác" này của mình đúng là đỉnh của chóp.
Thú thật, với gương mặt này của cô, chỉ cần nán lại ngồi với Úc Thừa lâu hơn một chút thì e rằng hình tượng này sẽ được khắc sâu vào đầu anh, sau này dù có làm bạn qua mạng chắn chắn sẽ có một vé xếp xó trong danh sách bạn bè.
Đám chị em vừa nãy kéo nhau đi "dẩy" đầm cũng đã ai về nhà nấy, thứ được đánh đổi sau mỗi một đêm thỏa thích bay nhảy chính là tinh thần rệu rã, Hoài Hâm mệt như cún, vừa về đến trường là nằm đơ ra giường.
Hôm sau tỉnh dậy đã là giữa trưa, Hoài Hâm mò mẫm tìm điện thoại, ngồi dậy bắt đầu trả lời tin nhắn.
Trên góc trái phần mềm QQ hiển thị số 2 màu đỏ, lòng cô đã tỏ như trăng, bấm vào xem tin nhắn tối qua anh gửi cho mình.
Úc Thừa trả lời tin nhắn cô tự chê mình xấu kia, [Không hề, cùng lắm là "ôm tỳ bà che nửa mặt hoa" thôi.]
Sau đó anh gửi một tấm ảnh sang, thân bình màu vàng của Louis XIII lấp lánh dưới ánh đèn mờ ảo, [Chẳng phải cô bảo muốn uống sao, tôi tạm thời cất lại, lần sau chờ cô đến rồi cùng nâng ly.]
Hoài Hâm lười biếng đáp lại một câu "OK", lịch sự kết thúc cuộc trò chuyện đầy xã giao trên khung chat.
Ánh nắng từ bên ngoài cửa sổ khẽ vén một góc màn tràn vào, cả căn phòng như được phủ một lớp ánh sáng vàng nhạt ấm áp, Hoài Hâm thấy bầu không khí cũng dễ chịu hơn, hít một hơi thật sâu, rời giường chuẩn bị cho tiết học buổi chiều.
Hoài Hâm biết, Úc Thừa sẽ không bao giờ để ý đến một người mà mình tùy tiện thêm bạn ở quán bar, trong danh sách bạn bè của anh có vô số người như cô, và cô cũng biết "lần sau" của anh có lẽ là một chuyện xa vời, mà có khi bình rượu ấy đã được anh và đám bạn xử sạch từ tối qua rồi cũng nên, thế nhưng...
Chuyện này thú vị ở chỗ...!thông tin giữa đôi bên có một sự bất đối xứng.
Cô biết tên anh, công việc của anh, nắm rõ toàn bộ thông tin trong cuộc sống của anh, mà anh chỉ nghĩ cô là một tác giả.
Cảm giác nấp sau màn nắm rõ mọi chuyện thế này rất dễ "hốt thuốc đúng bệnh".
Tuy vào năm tư việc học đã bắt đầu ổn định, nhưng cô vẫn chưa phải lo đến chuyện việc làm.
Cuộc sống mỗi ngày của Hoài Hâm đều vô cùng phong phú và đặc sắc.
Dường như sau khi rảnh rỗi người ta thường sẽ chú ý đến cuộc sống bản thân hơn, thỉnh thoảng cô sẽ đi shopping cùng vài người bạn thân, hoặc dạo phố, xem phim.
Một buổi sáng cuối tuần nào đó, một cô bạn đam mê nghệ thuật gọi điện cho Hoài Hâm, nói rằng cô ấy lấy được hai vé xem triển lãm tranh, hỏi cô có muốn cùng ăn trưa rồi đi xem luôn không.
Tối hôm trước Hoài Hâm vừa đi karaoke về, giờ đang nằm ì trên giường dưỡng sức, lười đến độ ngay cả ngón út cũng chẳng buồn nhấc lên, thế là đành từ chối cô bạn, hẹn sang dịp khác.
Cô ngủ một giấc đến ba giờ chiều, sau khi thức dậy vẫn cố "nướng" thêm vài phút mới tựa lên đầu giường lướt vòng bạn bè.
Cô bạn kia vừa mới đăng trạng thái mới cách đây ba phút.
Ảnh đăng kèm là ảnh phòng triển lãm nghệ thuật - "500 năm hội họa phương Tây", có vẻ là một buổi triển lãm cao cấp.
Hoài Hâm phóng to ảnh lên, bất chợt ngây người.
- - Lấp ló trong đám người trên tấm ảnh, cô nhìn thấy Úc Thừa.
Anh mặc một chiếc áo dài tay màu đen form rộng đơn giản, trông rất thoải mái.
Anh cũng đến xem triển lãm tranh sao?
Kể từ lần chia tay ở quán bar đến nay, đã gần hai tuần hai người không liên lạc với nhau, lòng Hoài Hâm bắt đầu nhộn nhạo, cô lên mạng tìm kiếm tin tức liên quan đến buổi triển lãm tranh.
Đây là một buổi triển lãm quốc tế trưng bày hơn 92 tuyệt tác hội họa phương Tây được bảo tàng mỹ thuật Fuji, Tokyo và viện bảo tàng Prado tại Madrid, Tây Ban Nha sưu tầm.
Theo dòng thời gian trải dài từ thời kỳ Phục Hưng, Baroque và Rococo, đến Tân cổ điển, chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, đến trường phái ấn tượng và trường phái hiện đại, có thể nói là quy mô cực kỳ hiếm có ở trong nước.
Vừa bỏ lỡ buổi triển lãm vừa bỏ lỡ cơ hội gặp mặt Úc Thừa, Hoài Hâm hối hận nhân đôi, nhưng vé đã tặng cho người khác mất rồi.
Cô ngẫm nghĩ một lúc, bèn hỏi cô bạn kia có mã QR xem triển lãm bằng công nghệ VR hay không.
Ban đầu cô cũng chẳng ôm hy vọng gì, nhưng không ngờ lại có thật.
Hoài Hâm mua một vé xem triển lãm bằng VR trên mạng, sau đó đi theo bản đồ vào trong.
Cô không hứng thú mấy với thời kỳ Phục hưng và Baroque, vì chủ đề tôn giáo chiếm giữ phần lớn, lại nặng về học thuật, có lẽ là do khác biệt về gen văn hóa nên cô không đánh giá cao những thứ ngôn ngữ nghệ thuật quá mức cứng nhắc này.
Thoắt cái đã dạo đến khu chủ nghĩa tân cổ điển, cô nhìn quanh một vòng, với độ phân giải cực nét, công nghệ VR khiến người xem có thể thoát khỏi giới hạn bản thân, bước đến một chiều không gian cao hơn để cảm nhận ý nghĩa tinh thần ẩn trong những kiệt tác này.
Chủ nghĩa lãng mạn là khu vực quan trọng nhất, đây là phong cách yêu thích của Hoài Hâm.
Và họa sĩ người Đức - Friedrich cũng chính là họa sĩ cô thích nhất.
Có lẽ vì cuộc đời ông từng lâm vào hoàn cảnh bi thảm, nên người đời đánh giá tranh của ông mang đến cảm giác cực kỳ lạnh lẽo, xa lạ, tối tăm, và cô đơn.
Những bức tranh phong cảnh theo trường phái lãng mạn của ông đa phần là về phế tích suy tàn, mộ đá, cây khô, núi non trùng điệp, đại dương mênh mông và trời tuyết trắng xóa vô tận, tất cả đều khuếch đại vẻ tàn khốc của chủ nghĩa lãng mạn, sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự nhỏ bé của con người.
Nhưng Hoài Hâm luôn có thể nhìn thấy hy vọng lấp ló sau mỗi bức tranh của Friedrich.
Ví như tác phẩm "Những ngọn đồi và những cánh đồng đã được cày gần Dresden" được sáng tác vào năm 1825 trước mắt này đây.
(Hills and Ploughed Fields near Dresden)
Khi ấy ông đã gần năm mươi, sau bao lần bị tra tấn bởi căn bệnh trầm cảm, vậy mà khi cầm bút lên ông đã có thể vẽ nên một cảnh tượng như thế.
Dresden trong chiều hoàng hôn, sườn đồi phủ cỏ xanh mướt, những tán cây trơ trọi in bóng tà dương, vài nét bút màu vàng thắp sáng cả bầu trời xanh và vùng biển thẳm, vài chú chim không biết tên tung cánh bay về nơi xa, gợi lên một khung cảnh đầy tĩnh mịch.
Tựa như thời gian đã dừng lại ngay khoảnh khắc ấy, cuối cùng cũng có một ánh mắt ngóng nhìn về nơi xa.
Nhưng nếu để tâm một chút sẽ thấy, nơi chạc cây đã nảy mầm xanh, cây khô tìm được mùa xuân, khát vọng được sống đã được thắp sáng.
Cô híp mắt nhìn hồi lâu, sau đó cap lại màn hình, đăng một trạng thái mới lên QQ, kèm theo dòng chữ -- Eternity.
Vĩnh hằng.
Cô cố tình ghi chú thêm tên triển lãm "500 năm lịch sử hội họa phương Tây".
Đăng bài xong, Hoài Hâm lẳng lặng ngồi chờ, không có thêm bất kỳ động tác nào.
Tình cờ chạm mặt là phân cảnh thường thấy nhất trong tiểu thuyết và phim truyền hình, Hoài Hâm cũng rất rành chiêu này, nhưng cô không trông mong vào cái gọi là vận mệnh.
Có lúc chỉ là vô tình để lỡ, nếu không tự mình tiến lên giành lấy thì sao có thể viết tiếp câu chuyện "tương lai".
Hiển nhiên, nước cờ hôm nay của cô đã đi đúng.
Sau mười phút đăng bài, QQ của cô nhận được tin nhắn mới.
Alvin, [Cô cũng tham quan triển lãm tranh này sao?]
Hoài Hâm cầm điện thoại lên trả lời, [Cũng?]
Lisa, [Anh cũng đi à? *thắc mắc*]
Alvin, [Ừ, hôm nay vừa hay đang rảnh nên tôi đến xem.]
Hoài Hâm đảo mắt, gửi lại một tin nhắn hơi lạnh nhạt, [Ồ, khéo thế.]
Alvin, [Friedrich, cô xem đến chủ nghĩa lãng mạn rồi hả?]
Alvin, [Nhanh thế.]
Lisa, [Tôi không mấy hứng thú với những trường phái trước đó.]
Bên kia im lặng một lúc rồi đáp, [Khéo thật, tôi cũng thế.]
Sở thích hai người giống nhau là điều mà trước đó Hoài Hâm không hề hay biết.
Cô vừa xem triển lãm vừa trò chuyện cùng anh, sau đó chụp lại sơ đồ triển lãm gửi cho anh, [Anh xem cái này đi.]
The Chasseur in the Forest - Thợ săn trong rừng.
Trong cánh rừng nguyên sinh của nước Đức, từng gốc thông cao lớn chen chúc thành từng cụm, phủ kín đen đặc một góc trời, giữa rừng có một dải đường mòn phủ tuyết trắng ánh thêm một lớp ánh sáng vàng cam, người thợ săn đứng lặng im ở giữa bãi đất trống, trông cô đơn và nhỏ bé vô ngần.
Hoài Hâm hỏi, [Lần đầu nhìn thấy anh có cảm giác thế nào?]
Úc Thừa hỏi lại cô, [Cô thì sao?]
Lisa, [Tôi thấy nó cực kỳ yên tĩnh, bình yên.
Ánh sáng phủ xuống lớp tuyết khiến tôi cảm thấy vô cùng ấm áp.
Tôi nghĩ có lẽ ông ấy đang muốn trở về nhà.]
Dường như anh đang cười, [Lần đầu tiên tôi nghe thấy có người đánh giá như thế đấy.]
Alvin, [Nếu cô bạn tác giả đây thử tìm hiểu một chút sẽ biết đây là tác phẩm của Friedrich vẽ sau khi Đức đánh lui đội quân của Napoleon, người trong tranh là một kỵ binh Pháp bị lạc trong rừng.]
Hoài Hâm khẽ cười.
Lisa, [Anh có thể đừng vạch trần tôi thế được không! *phồng má*]
Alvin, [Ha ha ha, Ok.]
Alvin, [Vậy cô phân tích sâu thêm một tí được không? Tôi xin rửa tai lắng nghe.]
Lisa, [Hừ hừ, được thôi.]
Lisa, [*Hắng giọng*]
Lisa, [Tôi đây phân tích tiếp nhé.]
Lisa, [Người "thợ săn" này thật xui xẻo, chúng ta đều biết anh ta hẳn sẽ phải chết, đúng không? Nhưng tôi thấy nó cũng không hề mâu thuẫn với sự ấm áp mà tôi đã nói.]
Hoài Hâm dừng một lúc rồi gõ chữ tiếp, [Bởi vì, chẳng phải "chết" cũng là một hình thức "về nhà" hay sao? Anh ta lạc vào rừng rậm, thoát khỏi chiến trường đầy khói súng, thi thể đầy đất, những cơn ác mộng ngày xưa.
Tôi đoán lòng anh ta lúc ấy có lẽ cũng rất bình yên, rõ ràng đây chính là kết cục tốt nhất.]
Lisa, [Thế nên mới nói tranh của Friedrich chỉ cần dùng 2 chữ đã có thể miêu tả một cách khái quát, vĩnh hằng.]
Chết là sự yên lặng vĩnh hằng, là vẻ đẹp vĩnh hằng.
Lisa, [Sao? *đắc ý*]
Lisa, [Hoàn hảo chứ?]
Bên kia đáp lại bằng icon ngón cái.
Alvin, [Lau mắt mà nhìn.]
Hoài Hâm cong tít đôi mắt, kéo kéo sợi dây mảnh trên bờ vai.
Cô đã điều chỉnh bộ biến giọng, thay đổi âm thanh, sau đó bấm nút ghi âm, "À, tôi đã nói với anh là tôi đang xem triển lãm online chưa?"
"Triển lãm online?" Anh cũng trả lời lại bằng tin nhắn thoại.
"Ừm, tôi muốn đi xem nhưng không có vé, đành phải xem online."
"Hóa ra là thế." Hơi thở của người đàn ông truyền qua tai nghe hết sức rõ ràng, giọng nói trầm thấp, "Cô nên nói với tôi sớm, tôi sẽ giúp cô lấy thêm một vé."
Cũng chẳng phải muốn hẹn cô xem triển lãm, quả là một lời khách sáo làm sao.
Hoài Hâm khẽ cười, "Thế à? Tiếc thật đấy."
Cô cầm điện thoại, đôi môi khẽ chạm vào micro, mấp máy khi đóng khi mở, "Nhưng tôi còn một cách nữa."
"Cách gì?"
Hoài Hâm khẽ cong môi, cụp mắt đáp, "Anh có muốn gọi thoại cho tôi không? Chúng ta có thể cùng thưởng thức một tác phẩm, chắc hẳn sẽ thú vị lắm đấy.".
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook