Tinh Khiết Và Vẹn Nguyên
-
1: Mồ Yên Mả Đẹp
Tuổi thơ tươi đẹp của Hạng Khiết khép lại ở tuổi mười hai khi cha cô nghe theo lời ngon ngọt của bạn bè mà sa chân vào con đường rượu chè be bét, đêm đêm vùi mình ở chốn đỏ đen rồi ra về với những khoản nợ chất cao như núi.
Tiết Hiểu Lam là vợ của ông, thời điểm đó bà chỉ có thể bán sức lao động cho một xưởng may cỏn con, đồng lương kiếm được ít ỏi vô cùng.
Mới mấy tháng trước, Hạng An Phong vẫn còn là một người chồng, người cha mẫu mực, ngày ngày mang về những đồng tiền chân chính trong bộ quần áo lấm lem đất đá, vậy mà giờ đây ông lại trở thành gánh nặng của gia đình, gây ra biết bao khổ lụy cho người vợ tảo tần và đứa con thơ dại.
Năm ấy Hạng Khiết chuẩn bị bước vào cấp hai, ngày tựu trường đã cận kề mà trong tay cô chẳng có lấy một quyển sách giáo khoa, nhìn bạn bè được cha mẹ lựa chọn từng bộ đồng phục đến những cục tẩy đầy đủ hình thù, nép mình vào một góc, Hạng Khiết chỉ có thể đắp từng lớp đất ngậm ngùi tiếc thương cho giấc mơ được đứng trên bục giảng của mình.
Trở về căn nhà đã từng là tổ ấm của một gia đình, Hạng Khiết bắt đầu thu nhặt từng mảnh vỡ sắc nhọn đang nằm rải rác ở dưới chân, sau những cuộc cãi vã là vô số vết thương không thể chữa lành, một người cố gắng vun đắp trong khi người còn lại chỉ muốn đạp đổ, ước mơ về một gia đình hạnh phúc cũng lặng lẽ trôi theo những vất vả lo toan.
Đêm nay Tiết Hiểu Lam phải tăng ca, Hạng An Phong cũng không về nhà, Hạng Khiết khoá cửa cẩn thận mới lên giường đi ngủ, bên tai đã không còn những tiếng mắng nhiếc thậm tệ nhưng cớ sao cõi lòng cô vẫn chưa thể an yên?
Ngày hôm sau, Hạng Khiết phải dậy từ lúc ba giờ sáng để phụ thím Lâm nấu nước dùng, xắt mì, gói hoành thánh.
Cánh cửa học hành đã chính thức đóng lại, những tháng ngày mưu sinh của cô cũng bắt đầu từ đây.
Quán mì của thím Lâm nằm cạnh một ngôi trường cấp hai, không tên không tuổi, khách hàng chủ yếu là học sinh và công nhân, một ngày không bán dưới trăm bát.
Hạng Khiết đã làm việc ở đây được nửa tháng, công việc không quá nặng nhọc nhưng phải đứng xuyên suốt, đến khi được ngồi thì đã bị đống bát đũa vây kín người.
Công việc kết thúc vào lúc năm giờ chiều, cúi đầu chào thím Lâm, Hạng Khiết ngồi trên chiếc xe đạp cũ mon men tìm đường về nhà, băng qua hai con hẻm nhỏ, bánh xe vẫn lăn đều trên đường lớn, đến trước một cửa hàng văn phòng phẩm thì bất chợt dừng lại.
Chống một chân xuống đất, Hạng Khiết chậm rãi phóng tầm mắt nhìn xuyên qua khung cửa kính trong suốt, thời gian cũng không còn sớm nữa nhưng các bậc phụ huynh vẫn dắt con cái của mình đến đây để mua vội những bộ sách giáo khoa, có lẽ vừa mới tan ca nên trên người họ vẫn còn nguyên bộ đồng phục công nhân, những mệt mỏi sau một ngày làm việc cũng không khiến cho nụ cười ấy trở nên nhạt nhòa.
Hạng Khiết chợt nhớ đến người mẹ đã một tuần không gặp của mình, ngày mai là ngày cả nước tưng bừng chào đón năm học mới, cô không dám đòi hỏi những thứ xa xỉ ấy, chỉ cần bà chịu về nhà ăn với con gái một bữa cơm đạm bạc là đủ rồi.
Thở dài một tiếng, cô biết điều đó là không thể, đến thời gian ngủ nghỉ bà còn không có thì lấy đâu ra thời gian về nhà thăm cô, mỗi ngày trôi qua khoản nợ mà cha cô đã vay ở sòng bạc lại tăng lên một ít, bà chỉ hận không thể moi tim móc ruột của mình ra để bán lấy tiền trả nợ.
Ánh hoàng hôn nhẹ nhàng in lên đôi gò má xác xơ của Hạng Khiết khiến nó trở nên có sức sống hơn, cánh môi nhợt nhạt chậm rãi cong lên, hòa chung niềm hân hoan cùng những mầm non tương lai của tổ quốc, nhưng niềm vui vay mượn ấy có thể níu giữ được bao lâu?
Ước mơ của cô không thành, vỡ tan ra từng mảnh rụng rời rồi đi theo cơn gió về vùng trời xa xôi nào đó.
Hạng Khiết thu lại nụ cười, đôi chân gầy yếu khẽ đặt lên bàn đạp, bánh xe nặng nề xoay vòng, bóng lưng lẻ loi xa dần, xa dần rồi mất hút sau con hẻm.
Đường về nhà nói xa không xa, nói gần chẳng gần, một cơn gió vô tình lướt qua cuốn theo những hạt bụi bay tứ tung trong không khí, vương trên đôi mắt u buồn của người thiếu nữ.
Khép chặt hàng mi, Hạng Khiết lập tức cho xe dừng lại để chờ cảm giác khó chịu ấy qua mau, nhưng dường như phần số đã định kiếp này cô phải sống với xác thân chẳng được vẹn nguyên.
Tai nạn đáng tiếc xảy ra, lỗi không hoàn toàn thuộc về người tài xế xe bán tải, khi đó Hạng Khiết bất thình lình dừng xe lại khiến anh ta không kịp xử lý nên đã tông trực diện vào cô, phần đầu xe đạp bị biến dạng, chân trái của Hạng Khiết cũng vùi chôn mãi mãi dưới bánh xe tử thần, thịt nát xương tan, các bác sĩ chỉ có thể nghẹn ngào thốt lên những câu bất lực.
Việc mất đi một bộ phận của cơ thể đối với một đứa trẻ mà nói là một câu chuyện vô cùng khủng khiếp, ấy vậy mà khi nhìn vào mắt con gái, Tiết Hiểu Lam không tìm thấy gì ngoài sự trơ trọi và bất cần, phải chăng khi người ta đã mất đi thứ quý giá nhất trên đời thì những thứ khác cũng không cần đến nữa?
"Tiểu Khiết, mẹ xin lỗi.
"
Sau tất cả, Tiết Hiểu Lam mới nhận ra thứ quý giá nhất của mình đang ở ngay trước mắt, cái gọi là tình nghĩa vợ chồng thủy chung son sắc cũng đã nằm yên dưới ba tấc đất cùng với phần cơ thể bị khiếm khuyết của con gái bà.
Nhìn lại những tháng ngày bán sống bán chết kiếm tiền trả nợ, Tiết Hiểu Lam cảm thấy khinh bỉ làm sao, vì người đàn ông tệ bạc như Hạng An Phong mà con gái bà phải khổ sở thế này, mỗi khi nghe cô gọi mình một tiếng mẹ là biết bao nỗi dằn xé lũ lượt ùa về, bóp nghẽn trái tim bà.
Kể từ ngày Hạng Khiết xảy ra tai nạn, Tiết Hiểu Lam đã xin nghỉ việc ở xưởng may, đợi cô khoẻ hơn một chút bà sẽ đưa cô rời xa nơi này, bắt đầu một cuộc sống mới, sống chết của Hạng An Phong không liên quan đến bà nữa.
.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook