Tìm Trăng Đáy Nước
2: Chỉ Còn Mình Uyển Nhi Cô Quạnh


Nói đến cô bạn này, Ngô Uyển Nhi cảm thấy may mắn mới quen được cô ấy.Khi mới nhập học, thấy trong danh sách lớp có cái tên Trần Chân Lý, Uyển Nhi đã có ấn tượng.

Sau thời gian thân thiết, Chân Lý hỏi Uyển Nhi: “Chị có tò mò về cái tên của em không?” Uyển Nhi chưa kịp trả lời thì cô ấy đã nhau nhảu nói tiếp, “Chắc chị nghĩ là gia đình kỳ vọng vô em chứ gì?”Uyển Nhi gật đầu xác nhận thì Chân Lý mới tiết lộ, tên cô ấy đánh dấu hoàn cảnh éo le của gia đình.

Ông nội Chân Lý bị kết án nhầm, bà nội và ba cô ấy đi kêu oan khắp nơi.

Thời điểm đó, mẹ cô ấy sinh ra anh trai, đặt tên Trần Công Bằng.

Đến lúc sinh ra cô ấy thì ông nội được minh oan nên đặt tên là Trần Chân Lý.

Và cả nhà tin rằng Chân Lý là vận may của cả nhà nên hết mực yêu thương.Nghe tới đây, Uyển Nhi nói đùa với Chân Lý: “Vậy nếu lúc đầu đặt tên anh trai của em là Trần Minh Oan, có khi ông nội được giải oan sớm hơn.” Chân Lý nghe xong ngẩn ra ngẫm nghĩ như thật rồi phá lên cười ngặt nghẽo.

Đại hoạ đi qua, mọi người chuyện gì cũng suy nghĩ đơn giản, cuộc sống vậy mà vui vẻ, bù đắp cho những tháng ngày tăm tối trước đó.Tính cách Chân Lý nhiệt tình cởi mở, lại hài hước.

Ở cạnh cô ấy lúc nào Uyển Nhi cũng thấy vui vẻ thoải mái.

Có điều cô ấy nhanh nhảu quá đôi khi thành nhanh nhảu đoảng, nên Uyển Nhi mới cài bài hát “Bé Lật đật” làm chuông điện thoại cho số của cô ấy.

Lúc mới biết, cô ấy còn cười khanh khách, “ý chị nói em trông thì đáng yêu đúng không nè!”, thì ra tinh thần tự hào về bản thân của cô gái này cũng cao quá đi.Còn cách xưng hô “chị em” với Trần Chân Lý là do Ngô Uyển Nhi năm hai mươi hai tuổi mới thi vô trường Đại học Mỹ thuật, trong khi Chân Lý học xong phổ thông thi vào ngay, nên dù chung lớp, Uyển Nhi lớn hơn Chân Lý bốn tuổi.


Ngoài những người bạn xã giao không thân thiết, thì trong gần năm năm qua, Chân Lý là người bạn thân duy nhất của Uyển Nhi, cũng giống như em gái của cô vậy.

Bao lâu nay một thân một mình cô đơn, đến khi gặp được Chân Lý, Uyển Nhi mới cảm nhận được chút tình cảm ấm áp.Vừa suy nghĩ Ngô Uyển Nhi vừa lần trong túi xách lấy chiếc ví bằng thổ cẩm.

Trong đó có tấm hình mà Uyển Nhi trân quý như bảo vật.

Tấm hình chụp năm người đang cười hạnh phúc, đó là ba mẹ Uyển Nhi đứng ở dãy phía sau, dãy phía trước có cô đứng giữa, bên trái là người bạn thân thiết mà cô xem như chị gái - Dương Phước An, bên phải là anh bạn đẹp trai hiền lành, Mạc Anh Khôi - học trên Uyển Nhi một lớp, mỗi buổi tan học hay đợi chở cô về.

Tấm hình có năm người, vậy mà giờ đây, chỉ còn mỗi mình Uyển Nhi cô quạnh…Mạc Anh Khôi, cái tên đã từng là cảm xúc một thời thiếu nữ của Uyển Nhi, khi cô còn là một tiểu thư được bao bọc nuông chiều.

Nhưng sau gần mười năm xa cách, biết bao biến cố đã xảy ra, cô không thể mơ mộng rằng người ấy còn giữ chút tình xưa cũ.

Theo miêu tả của Chân Lý, hiện giờ Mạc Anh Khôi rất thành đạt, còn cô vẫn chật vật chuyện tiền nong học hành, hai mươi sáu tuổi chưa tốt nghiệp đại học.

Liệu khoảng cách ấy có cách gì san lấp!Tiểu thuyết hay nói tình cảm không phân biệt sang hèn.

Nhưng hiện thực thì sao, sự chênh lệch quá lớn sẽ khiến bên thua kém cảm thấy tự ti, còn bên có điều kiện sẽ cảm thấy mệt mỏi.

Theo thời gian, sự tự ti lớn dần, sự mệt mỏi cũng tăng.

Cuối cùng, còn lại chỉ là sự oán thán, chán ghét, xa lạ mà thôi.Mãi nghĩ vẩn vơ, nhìn lại đồng hồ đã gần bảy giờ tối.

Ngô Uyển Nhi vội tìm quán hủ tiếu gõ gần đó ăn tạm, rồi đón xe buýt đến đường Lê Duẩn để kịp giờ làm thêm.Tám giờ mỗi tối từ thứ hai đến thứ sáu, Uyển Nhi đánh đàn tại Boudoi Louge (1).

Cô làm ở đây gần một năm, cũng do một sự tình cờ.

Lần đó, anh bạn học Nguyễn Văn Nguyễn có bức tranh sơn dầu dự cuộc triển lãm quy mô toàn quốc, còn được giải B, được thưởng mười ba triệu đồng.

Đây chỉ là số tiền thưởng tượng trưng, chứ giá cả của một bức tranh sơn dầu phải nhiều hơn thế, còn giá trị thì không biết bao nhiêu mà định.

Văn Nguyễn liền mời bạn bè đi ăn, nói là để tiêu hết tiền thưởng, Uyển Nhi cũng bị kéo đi vì trong lớp được xếp cùng một nhóm với anh.Lần đầu đến Boudoi Louge, Ngô Uyển Nhi đã thấy ấn tượng và thích thú.

Đó là sự kết hợp giữa bar, pub và cafe, không quá náo nhiệt và sôi động như ở bar, cũng không trầm lắng yên tĩnh như cafe.

Không gian trang nhã pha chút lãng mạn và quý phái, với nội thất nhung mềm mượt kết hợp gỗ mộc tối màu, toát lên vẻ bí ẩn của quán rượu cổ điển thời Pháp.


Vừa bước vào cửa, khứu giác liền bị đánh thức bởi mùi thơm lừng của cafe, trà, bánh các loại.Vừa hay hôm đó, người chơi đàn piano nghỉ đột xuất, Văn Nguyễn có quen với quản lý, nói để Uyển Nhi đàn thay.

Cô đàn vài bản nhạc thì được khách tán thưởng.

Sau đó, khi người này nghỉ luôn thì quản lý gọi cô đến đàn mỗi tối trong tuần, từ thứ hai đến thứ sáu.

Còn cuối tuần đông khách là không gian của live music (ca sĩ hát trực tiếp) và DJ (Disc Jockey – người chọn lọc và chơi nhạc sôi động).

Cứ vậy mà Uyển Nhi đi làm tại đây được gần một năm.Khi Uyển Nhi đến nơi là bảy giờ bốn mươi, nhìn cô ăn mặc rất chi là sinh viên như vậy, nhiều người ngoái nhìn, nhưng quản lý thì đã quá quen.

Cô bận học bận làm nhiều chỗ nên để phòng trường hợp không kịp về nhà thay quần áo, cô luôn để sẵn trong tủ đồ nhân viên một chiếc váy và ít đồ trang điểm cơ bản.

Sau mười lăm phút, mở cửa bước ra, cô như lột xác thành người khác, tươi thắm, thanh tao trang nhã.

Quản lý hay nói đùa, cánh cửa này sao giống trong truyện cổ tích vậy, chỉ cần vô đó bước liền biến thành tiên nữ.

Biết anh ấy trêu, cô chỉ mỉm cười khoe hai lúm đồng tiền xinh xắn.Đúng tám giờ, Ngô Uyển Nhi ngồi vào đàn.

Hôm nay cô chơi dòng nhạc acoustic (2) du dương, êm dịu phù hợp với không gian quán, cũng hợp tâm trạng hiện tại của cô.

Hình ảnh Uyển Nhi bên đàn piano trông thật đẹp mắt.

Một thân ảnh thướt tha váy trắng, mái tóc đen dài được buộc lơ đễnh bằng một sợi dây vải hoa mảnh, ngồi bên cây đàn Grand Piano (3) đen nhẹ nhàng mà nổi bật.


Hình ảnh đó như một điểm nhấn cho không gian quán.

Uyển Nhi học đàn piano từ năm lên năm tuổi cho đến năm mười tám tuổi, nên đàn như một phần con người của cô.

Chỉ cần đặt mười ngón tay lên bàn phím, nhẹ nhàng lướt tạo ra vô số giai điệu trầm bổng.Những khách đến đây đa phần là những người không thích quá ồn ào, họ nói chuyện, nhấm nháp thức uống, thong thả nghe đàn, đôi lúc lơ đễnh ngắm nhìn thân ảnh của cô.

Mà thông thường khách chỉ chăm chú vào câu chuyện của họ và những bạn bè đi cùng, ít khi để ý đến người đàn như cô.

Đa phần cô chơi theo cảm hứng của bản thân.

Khi có khách yêu cầu bài đặc biệt, cô mới đàn theo yêu cầu của họ.

Cô cứ thoải mái trải cảm xúc của mình trên phím đàn suốt cả buổi tối, đến khi hết khách hoặc hết giờ thì ra về.******Chú thích:(1) Tên một louge nổi tiếng trên đường Lê Duẩn, Q1, Tp.HCM.

Louge là một loại hình dịch vụ mới ra đời sau này nhưng phát triển nhanh chóng tại các thành phố lớn, kết hợp giữa bar, pub và cafe.

Khách đến đây thường không quá ồn ào, để thưởng thức không gian sang trọng, thức uống thượng hạng, âm nhạc tinh túy.

Vì là loại hình đặc trưng nên tác giả sẽ dùng tên louge để gọi luôn.(2) Acoustic: dòng nhạc cổ điển sử dụng các nhạc cụ truyền thống, không dùng thiết bị điện tử.Grand Piano: loại đàn piano nằm, có thùng âm lớn chuyên dùng để biểu diễn..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương