Thuận Thiên Kiếm - Rồng Không Đuôi
Chương 29: Hồi tám (2)

Hồ Xạ nghe thấy Tông Đỗ Công Khôi tự mình dẫn quân đột kích doanh trại, biết ngay hai tên này hẳn là hấp tấp cướp công. Y nhìn về đường sông lớn, sau đó cắn răng hạ lệnh:

“ Còn chờ gì nữa? Toàn quân thẳng tiến nhắm thẳng địch doanh! ”

Vừa quét tan được thuyền giặc, Nguyễn Tông Đỗ và Nguyễn Công Khôi đã tập hợp hết thuyền Cổ Lâu, dẫn quân vòng lên phía tây, theo các kênh lạch nhỏ tập kích doanh trại quân Minh.

Thuyền Cổ Lâu là một loại thuyền chiến lớn đóng đinh sắt, có hai tầng boong với hàng chục tay chéo và hai người điều khiển một mái chèo. Đáy thuyền được làm thêm một “đáy” nữa, chia bụng thuyền làm hai phần: phần dưới để lính chèo thuyền, phần trên giấu lính chiến đấu. Cổ lâu thuyền vừa được dùng để tải lương, vừa sẵn sàng chiến đấu khi được trang bị Thần Cơ sang pháo.

Cứ như những gì Hồ Xạ, Hồ Đỗ bàn với Khai Đại đế thì đáng lẽ người dẫn quân tây tiến là hai người Đỗ Xạ. Còn kẻ cầm binh đánh vỗ mặt với Trương – Mộc phải là Tông Đỗ Công Khôi. Hồ Xạ không cho rằng hành động của hai tướng chỉ là một sự trùng hợp. Cho dù lá gan của Nguyễn Tông Đỗ, Nguyễn Công Khôi có lớn gấp đôi thì cũng không dám đặt tai mắt bên người Hồ Hán Thương.

Rất rõ ràng, con cờ mà Khai Đại đế muốn thí là hai người bọn hắn. Song biết thì cũng biết vậy, Hồ Xạ hắn lại sợ gì mà không xua quân tiến đánh?

[ Tướng quốc đã đoán trước được chăng? Không! Không lí nào người lại lên kế hoạch tự chia rẽ nội bộ như vậy. Thôi! Ta vẫn cứ y theo lời người mà làm là được. ]

Hồ Xạ nghĩ thông suốt, thì hướng xa soái kì của Hồ Đỗ cũng đã giương cao đón nắng. Y đoán rằng tên Hồ Đồ này hẳn cũng y theo căn dặn của tả tướng quốc mà xuất binh.

Thuyền nhỏ nhà Hồ hợp hai đội làm một, số lượng ước chừng mấy trăm chiếc, kéo nhau trực chỉ quân doanh của quân Minh. Sóng nước khẽ dập dềnh theo nhịp tay người, gió nhảy múa theo tấm chiến bào.

Binh sĩ đến bên mạn thuyền, dõi mắt ngóng nương dâu ruộng lúa đằng xa. Trông mảnh đất màu mỡ ngày nào nay khô cằn vì thiếu vắng bàn tay săn sóc của người nông phu, mà các binh sĩ thoáng chạnh lòng. Kì thực, họ cũng từ tầng lớp bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà ra chứ đâu? Chưa lúc nào, các binh sĩ nhà Hồ muốn chấm dứt cuộc chiến hơn hiện giờ.

Trống trận nổi đùng đùng, binh lính vỗ tay gõ mạn thuyền đánh nhịp cho ì oạp tiếng sóng. Đoàn thuyền chiến theo dòng chảy lớn nhất mà tiến về phía quân doanh nhà Minh.

Cách đó không xa…

Nguyễn Tông Đỗ chia nhỏ một vạn binh mã của mình làm năm cánh, mỗi cánh mười chiếc thuyền lớn khua chèo ngược sông vòng lên phía tây. Sau đó mượn lạch nhỏ kênh hẹp đông tiến, nhắm thẳng vào đại bản doanh nhà Minh.

Bóng cây hai bên bờ toả ra, trơ trọi chẳng mấy màu xanh. Trên bầu không, vài ba tiếng chim gọi bầy tê tái thê lương.

“ Bẩm, phó… ”

“ Phó cái gì mà phó! Ta đã bảo bao nhiêu lần rồi, phải gọi là ông lớn. ”

Nguyễn Tông Đỗ cầm bao kiếm gõ đánh bốp một cái xuống đầu người lính, vỏ kiếm bằng gỗ đụng vào mũ sắt đánh bốp một cái, tiếng vang không trong thanh mà hơi trầm đục.

“ Dạ, ông lớn. Doanh trại quân Minh chỉ còn cách chúng ta chừng một hai dặm đường thuỷ. Có cần tăng tốc không? ”

Nguyễn Tông Đỗ đưa tay vuốt râu, tỏ vẻ hài lòng. Đôi mắt y híp lại thành một đường kẻ hẹp, nếp nhăn trên trán sô vào nhau như sóng dưới sông. Khói cơm chiều bốc lên ở đằng xa, khiến y càng thêm yên tâm.

“ Vậy hả? Tốt lắm, cứ cho quân chạy chậm lại, thám thính cẩn thận. Chú ý trọng điểm phía Hồ Xạ tướng quân. ”

“ Rõ! ”

Người nọ chắp tay, hai hàm răng khẽ nghiến lại tức giận. Y vốn là bộ hạ của Hồ Đỗ, nhưng nay lại bất đắc dĩ bị phân vào dưới trướng Nguyễn Tông Đỗ. Y từng cùng Hồ Đỗ đánh mấy chục trận với quân Minh, trước đó lại từng xuất chinh tiến đánh Chiêm Thành nên không phải kẻ đần. Chỉ nghe thoáng qua là biết, Nguyễn Tông Đỗ đang muốn chờ, song không phải đợi cho quân Minh lơ lỏng canh phòng. Y đợi là đợi lúc Hồ Xạ, Hồ Đỗ đánh vỗ mặt vào doanh trại quân Minh.

Chỉ cần thế công đủ dữ dội,Trương Phụ - Mộc Thạnh ắt phải phân bớt lực lượng ở hai cánh ra phòng thủ.

Khi đó, Tông Đỗ và Công Khôi với hai vạn đại binh sẽ đánh úp ngay.

Doanh trại quân Minh cách đoạn sông Hàm Tử không quá xa, nên thám báo quân địch hẳn đã nắm được hướng khai triển quân của quân Hồ.

Song, Tông Đỗ không hề ngại. Năm vạn đại quân đang tiến thẳng về doanh trại, ngay cả khi chỉ chèo thuyền nhỏ cũng là một áp lực cực lớn. Nếu phân tán quân lực ra chặn cánh quân của hắn và Nguyễn Công Khôi thì có khác gì dâng đại bản doanh cho quân Hồ?

Người có cùng ý nghĩ ấy là Nguyễn Công Khôi. Sau khi nghe thám báo cáo tri hướng tiến công của hai người Đỗ, Xạ, y mới trộm thở phào. Không chỉ ham mê tửu sắc, so với Tông Đỗ y còn thiếu một chút quyết đoán.

[ Thánh thượng đúng là đoán việc như thần. Hồ Xạ Hồ Đỗ chỉ có thuyền nhỏ. Nếu một bên tử thủ đến cùng, bên kia liều mạng tấn công thì ắt tạo thành thế lưỡng bại câu thương. Khi đó ta chỉ cần ngư ông đắc lợi. Mượn tay quân Minh để nhổ đi gần hết phe phái ủng hộ tả tướng quốc trong quân ngũ, chiêu này của thánh thượng quả thực rất cao. ]

Y càng nghĩ càng thấy nể sợ Hồ Hán Thương. Chẳng những biết nếm mật nằm gai chịu làm con bù nhìn, còn có tầm nhìn xa trông rộng. Trên hết là lòng dạ đủ độc, thủ đoạn đủ tàn nhẫn. Nguyễn Công Khôi thầm nhắc nhở bản thân phải hết lòng hết dạ đi theo ủng hộ vị tân hoàng này mới được.

Cứ theo lẽ thường mà nói, Trương Phụ sẽ cố thủ tử chiến. Thế thì mũi nhọn chiến tranh sẽ bị đẩy về phía Đỗ, Xạ.

Thế nhưng…

Sau trận thua ê chề ở Muộn Hải, lần này Trương Phụ nhất quyết không hành quân đánh trận theo lẽ thường nữa.

Cánh quân do Nguyễn Công Khôi cầm đầu chèo ra giữa dòng sông.

“ Thưa tướng quân, phía trước có dòng nước ngược. Có lẽ thuyền đi sẽ hơi xóc. Mong tướng quân đứng vững. ”

“ Không sao! Cứ nhắc anh em vững tay chèo lên. Qua con nước này, doanh trại quân Minh sẽ ở trước mặt. ”

Chừng mười chiếc thuyền tiến vào đoạn sông khó vượt, dòng nước xiết khiến chúng thoáng rẽ ngang sang bãi bồi bên cạnh.

Rầm!! Rầm! Uỳnh!

Đáy thuyền chấn động mạnh, mọi vật trên khoang bao gồm cả con người bổ nhào về phía trước. Giống như có chớp nổ dưới lòng sông, pháo nổ ngang đáy thuyền vậy. Nguyễn Công Khôi choáng váng, loạng choạng cố để giữ vững thân mình. Y thoáng thấy đáy thuyền trầm xuống một chút.

“ Trời ạ, cái dòng nước này mạnh quá đi mất. ”

Nguyễn Công Khôi lau mồ hôi trán, cảm khái.

“ Đó không phải dòng nước đâu, chúng ta đâm vào bãi chông rồi. ”

Có bốn thuyền trên mười chiếc bị chông cố định, nước bắt đầu chảy vào đáy thuyền. Ở cái lạch nhỏ này, chiến thuyền mắc cạn chẳng khác nào cá nằm trên thớt.

Nguyễn Công Khôi lập tức giật mình, hai từ “ địch tập ” bật lên trong óc hắn theo bản năng. Y xiết tay quanh mũi kiếm, ra lệnh:

“ Ngừng chèo, mau ngừng chèo! Vây quanh soái thuyền… ”

Sáu thuyền còn lại đi lướt qua bốn chiếc mắc cạn. Mỗi chiếc chiến thuyền được lãnh đạo bởi một vị bách hộ. Trong một thoáng, sáu người vội vã lệnh cho tam quân ngừng chèo, tĩnh quan kì biến.

Song, thể hình to lớn khiến Cổ Lâu thuyền khó mà quay đầu nổi giữa đoạn sông chật hẹp thế này. Nay bốn chiếc đã bị vướng vào bãi cọc mắc cạn không tiến không lui được, ngoại trừ bỏ thuyền ra chẳng còn lựa chọn nào khác.

Nguyễn Công Khôi hốt hoảng ra lệnh dùng ván gỗ bắc cầu, để mình và quân lính trèo lên sáu chiếc còn lại. Mặc dù biết làm vậy là khiến toàn quân phải lâm vào hiểm cảnh, nhưng quân lệnh nặng như núi, các bách hộ còn lại dù không muốn nhưng cũng đành phải làm theo lệnh.

Cả mười chiếc Cổ Lâu thuyền dừng lại nơi lạch nhỏ, từng tấm ván gỗ thò ra qua mạn thuyền. Nguyễn Công Khôi dẫn đầu bò qua thuyền khác, tứ chi quặp chặt lấy những tấm ván chẳng khác nào con lười bám cành cây.

Các cụ lại có câu: “ ghét của nào trời cho của đó ”. Ngay cái thời điểm nhạy cảm này, lúc mà không ai trong quân Công Khôi muốn gặp phải mai phục, thì hai bên sông chợt dương lên những ngọn cờ của quân Minh. Liền đó, tiếng tù và giục ra quân nối đuôi nhau nổi lên khắp cả một vùng sông nước.

Nguyễn Công Khôi đang lôm côm bò qua thuyền khác, nghe tiếng hét đồng thanh vang trời dậy đất thì giật nảy mình. Hai tay đang tóm chặt tấm ván thoáng buông ra, người run bắn như cầy sấy. Thành thử, y trượt một cái, rơi đánh tòm xuống sông.

Hai bên sông túa ra cơ man nào là lính Minh, trong rừng cây còn thấp thoáng vô số bóng mũ, hình người. Hoả mai bắt đầu bắn, tên cháy lao vun vút về phía quân Hồ. Giống như một con chuột bị sa bẫy, đoàn thuyền Cổ Lâu chơ vơ giữa dòng nước dữ, mặc sức cho quân Minh đánh đánh giết giết.

Quân Hồ biết khó mà thoát thân, bèn cắn răng nổ pháo. đánh trả. Thần Cơ sang pháo đặt trên Cổ Lâu thuyền sống dậy, gầm vang một tràng khác nào sấm nổ trên không, núi non sạt lở.

Đùng đoàng tiếng pháo, thê lương giọng người cứ vang mãi trên sông như một vòng lặp vô tận. Có cảm giác những âm thanh ấy đã hoá thành bóng ma để ám lên khúc sông đầy thi thể nơi đây. Người này ngã xuống nối tiếp người kia, thây chất lên xác, súng ngả lên những mũi tên đứt đoạn, thương gãy vùi cùng kiếm mẻ xuống tận đáy sông. Mỗi lần tiếng thét vang lên, không phải người bắc chết thì dân nam về với đất. m thanh hoả pháo gầm vang như tiễn đưa các vong hồn về chốn cửu tuyền, xa lìa dương thế, bái biệt những nắng ấm sương mai.

Lần lượt, các bách hộ ngã xuống. Quân Minh đánh ập từ hai phía đã khó mà chống đỡ, họ lại cố tình đặt sẵn hoả pháo ở hai bên bờ sông. Cổ Lâu thuyền mắc cạn, là tấm bia ngắm bất động. Thật dễ làm sao.

Chiến thuyền bứt phá băng về phía trước, liều mạng mở con đường máu rút về phía quân doanh nhàMinh. Thương vong thật là thê thảm. Tổng cộng có bảy chiếc Cổ Lâu thuyền bị pháo oanh tạc thành một đống mảnh vụn, theo dòng nước trôi về biển đông.

Nguyễn Công Khôi toàn thân ướt sũng như chuột lột, lum cum bò lên bờ. Trông y nay còn thảm hơn cả con chó hoang mắc mưa, con mèo gần chết đuối. Chưa kịp thở hơi thứ hai, những ngọn thương tua tủa của quân Minh đã chĩa về phía y, không có đến một kẽ hở nhỏ. Cái sắc bén truyền tới từ mũi lao khiến lông tơ y dựng đứng. Biết là không còn cơ hội, Nguyễn Công Khôi lắc đầu, hai tay giơ lên xin hàng.

Các lộ binh mã tập kích của nhà Hồ liên tiếp trúng mai phục. Cánh của Tông Đỗ cũng chẳng phải là ngoại lệ. Quân Minh chọn đúng nơi nước lặng chảy chậm, tốc độ thuyền chiến không còn quá nhanh bèn ập ra từ hai bên sông, liên tiếp quăng những chum đất lên thuyền. Chum vỡ, ứa ra ngập ngụa sàn tàu không gì khác ngoài dầu và rượu.

Hoả công!

Trương Phụ cho quân xả tên cháy thẳng vào đoàn thuyền, đốt trụi sáu trên mười thuyền Cổ Lâu. Y trả mối thù đốt doanh lần trước bằng một trận mưa lửa, bằng một trận hoả hoạn trên sông.

Nguyễn Tông Đỗ cắn răng cho quân ngược sông tiến công, muốn mở đường máu như các nhánh quân khác. Nhưng than ôi, xui cho y là đụng ngay vào bãi cọc ngầm dựng giữa sông. Hai Cổ Lâu thuyền dẫn đầu va vào bãi cọc, hai chiếc còn đụng vào chiếc trước đánh ầm một cái. Mảnh gỗ vụn vương đầy trên sông.

Cổ Lâu thuyền hư hại nặng. Nguyễn Tông Đỗ vội vàng bỏ thuyền lên bộ. Y tuốt kiếm cắt tóc cạo râu cho mặt khác đi, đang muốn trốn, nào ngờ đón sẵn y lại là Mộc Thạnh.

Thạnh ngồi trên yên ngựa cao cao, siêu chỏ vào Tông Đỗ mà cười:

“ Ồ, chẳng phải tướng giữ thành Đa Bang đây sao? Hôm nay sao lại luân lạc tới mức này? ”

Nguyễn Tông Đỗ biết có trốn cũng chẳng thoát, bèn dập đầu như hái sao:

“ Con lạy ông, con lạy ông ạ… đều là mấy tên họ Hồ muốn kháng lại thiên triều, chứ con thấp cổ bé họng, gan chì bằng ngón chân cái thì làm gì dám chống lại thiên uy. Xin ông tha cho, con làm trâu làm ngựa gì cũng chịu. ”

Mộc Thạnh cười khẩy khinh thường, siêu vung cao muốn chém, nhưng lúc này lại có tiếng ai gọi với qua:

“ Mạng chó tên này hãy còn hữu dụng, mong hầu gia siêu hạ lưu nhân. ”

“ Hừ, tha nhà ngươi một mạng. Bay đâu, bắt! ”

Mộc Thạnh hừ lạnh, giục ngựa cho quân lui vào cánh rừng. Tông Đỗ bị trói nghiến hai tay, cổ thòng một sợi dây buộc vào yên ngựa. Y bị dắt đi như người ta dắt chó, song cũng đành cắn răng mà nhịn.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương