Thư Kiếm Ân Cừu Lục
Chương 29: Vây Chặt Thành Cao Theo Diệu Kế-vào Trong Hầm Kín Đụng Cừu Nhân


Về đến Hàng-Châu, Trần-Gia-Cách thấy mọi người tập họp đông đủ bao quanh Thạch-Song-Anh thăm hỏi tại tư thất của Mã-Thiện-Quân.
Thấy Tổng-Đà-Chủ đã trở về, Thạch-Song-Anh đứng dậy chào mừng nói:
-Tôi vào kinh đô dò được tin tức Thanh-đế du hành Giang-Nam nên tức tốc đi suốt ngày đem về báo tin, nhưng không ngờ Hồng Hoa Hội đã cùng y một phen đụng độ thử thách.
Trần-Gia-Cách nói:
-Thập-nhị ca lại một phen vất vả, đáng lý nên nghỉ ngơi mà dưỡng sức thì hơn.
Thạch-Song-Anh lú đó quay đầu nhìn Lạc-Băng nói:
-Tứ tẩu! Con ngựa của chị thật là thần mã! Chuyến này đệ lại dượt cho nó thêm thuần thục.
Lạc-Băng đáp:
-Cám ơn thập-nhị đệ rất nhiều!
Như sực nhớ ra điều gì, Thạch-Song-Anh nói:
-Quên nữa! Trên đường tôi có gặp chủ nói là Hàn-Văn-Xung.
Lạc-Băng hỏi:
-Vậy hả? Hắn có ý định cướp lại ngựa không?
Thạch-Song-Anh đáp:
-Hắn không trông thấy tôi. Lúc tôi vào khách sạn tạm nghỉ nghe hắn ngồi nói chuyện với mấy tên tiêu đầu của Trấn-Viễn tiêu cục. Tôi nghe hắn chửi mắng Hồng Hoa Hội chúng ta không biết mấy. Tôi nghe thoang thoáng thì hình như hắn căm hận có một người anh em của chúng ta dùng thuốc mê làm gục cả đám và giết chết tên Đổng-Triệu-Hòa.
Từ-Thiện-Hoằng và Châu-Ỷ nghe nói nhìn nhau tủm tỉm cười. Thấy Thạch-Song-Anh ngạc nhiên, Châu-Ỷ nói:
-Đêm hôm ấy nhờ chúng tôi mở lượng từ bi nên hắn mới sống sót được mà còn dám lên tiếng mắng chửi ai nữa!
Từ-Thiện-Hoằng hỏi:
-Thập-nhị đệ có biết tụi Trấn-Viễn tiêu cục đi đâu, làm chuyện gì không?
Thạch-Song-Anh đáp:
-Nghe đâu chúng từ Bắc-Kinh hộ tống châu báu gì đó của Thanh-đế gửi tặng cho phủ Tướng-quốc ở Hải-Ninh.
Nói đến đây, Thạch-Song-Anh xoay qua Trần-Gia-Cách nói:
-Tôi có thông tri cho hai Tổng đầu-mục ở Hải-Ninh và Tề-Nam hổ trợ ngầm cho chúng.
Trần-Gia-Cách cười nói:
-Đa tạ Thập-nhị đương-gia. Không ngờ lần này chúng ta với Trấn-Viễn tiêu cục lại bất ngờ liên kết để cùng lo chung một công việc.
Thạch-Song-Anh nói:
-Làm thì làm vậy, chứ thôi thấy thật sự cũng không cần thiết lắm vì lần này tôi được nhìn thấy tận mắt Vương-Duy-Dương đích thân đứng ra chỉ huy. Như vậy thì còn đám nào dám phá phách!
Mọi người nghe nói Uy-Chấn Hà-Sóc Vương-Duy-Dương ra mặt cầm đầu cuộc bảo tiêu thì ai nấy không hẹn mà cùng nhau kinh ngạc cả một lượt.
Châu-Trọng-Anh nói:
-Đã trên 10 năm nay Vương-Duy-Dương không còn phải đi lo công việc bảo tiêu mà chỉ cần sai khiến đám lâu mà thôi. Lần này đích thân y đứng ra lo việc này thì thật là ngoài sự tiên liệu của mọi người. Chuyện này không phải là tầm thường đâu!
Thạch-Song-Anh nói:
-Thật tôi cũng lấy làm lạ cho nên mới cố tìm hiểu mới hay ngoài món bảo vật của Thanh-đế gửi tặng phủ Trần Tướng-quốc còn có cặp ngọc bình nữa.
Trần-Gia-Cách hỏi:
-Ngọc bình là gì?
Thạch-Song-Anh đáp:
-Đó là một vật quý vô giá của xứ Hồi. Lần này Triệu-Huệ đem đại quân sang chinh phạt xứ Hồi bị tổn thất nặng nề. Nhưng cuối cùng, Mộc-Trác-Luân lão anh hùng phải đem món ấy ra làm cống phẩm để cầu hòa.

Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội nghe tin Hồi-bộ thắng trận thì ai nấy hết sức vui mừng.
Thạch-Song-Anh lại nói tiếp:
-Nghe đâu đại quân của Triệu-Huệ vì cạn lương thực và quân lương tiếp tế bị cướp sạch nên bắt buộc phải lui binh. Đã thế, trên đường về còn bị phục kích tổn thất lên đến trên 5000 người.
Châu-Ỷ nghe nói nhoẻn miệng cười nói với Từ-Thiện-Hoằng:
-Nếu chị Tiêu-Thanh-Đồng biết rõ mưu kế của Hồng Hoa Hội cúng ta chắc sẽ cám ơn anh nhiều lắm.
Từ-Thiện-Hoằng nghe nói ghé miệng Châu-Ỷ thì thào:
-Chính em mới là người nghĩ ra kế cướp lương tiếp tế của Triệu-Huệ, anh chỉ là người thi hành mà thôi.
Thạch-Song-Anh lại kể tiếp:
-Nhưng không may cho người Duy là chưa rút khỏi biên giới Hồi Thì Triệu-Huệ lại nhận được lương thực tiếp tế gửi đến nên lập tức quay binh trở lại để phản công. Biết binh lực mình không sao cự nổi với đại quân đông đảo như vậy, Mộc-Trác-Luân đành phải đem dâng cặp ngọc bình để cầu hòa. Bởi vua Càn-Long không có mặt ở Bắc-Kinh thành ra không ai dám đụng đến cặp ngọc bình, phải nhờ người hộ tống đến tận Giang-Nam. Do đó, ta có thể kết luận rằng Vương-Duy-Dương lần này tái xuất giang hồ không ngoài việc liên quan đến báu vật này của xứ Hồi.
Trần-Gia-Cách nói:
-Đừng nói là một cặp ngọc bình! Dẫu cho có nạp hết của báu của xứ Hồi, Càn-Long cũng không chấp thuận đâu. Mà cho dù có chấp thuận thì cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi lại tiếp tục đem quân chinh phạt vì lý do khác mà thôi!
Thạch-Song-Anh nói:
-Theo lời đám tiêu sư thì nếu việc cầu hòa được chấp thuận thì cặp ngọc bình sẽ được cất vào kho tàng của triều đình. Trái lại, nếu không được chấp thuận thì sẽ đem trả lại cho xứ Hồi. Do đó mà Vương-Duy-Dương phải đích thân ra tay đem đến cho Càn-Long xem mà quyết định chứ không dám phó thác cho ai cả, kể cả Hàn-Văn-Xung.
Mã-Thiện-Quân nói:
-Tên giặc Vương-Duy-Dương này ỷ tài ỷ sức, vào tận xứ Triết-Giang này mà không gửi cảnh thiếp đến báo cho chúng ta. Há lão lại không biết có Tổng-Đà-Chủ của chúng ta nơi đây sao? Có lẽ nào hắn lại dám cả gan tự đại ngông cuồng đến thế!
Chương-Tấn cả giận nói:
-Trấn-Viễn tiêu cục dám giở thói ⬘mục hạ vô nhân⬙ như thế thì chúng ta hãy ra tay đoạt lấy cặp ngọc bình đó thử xem làm gì nhau cho biết!
Lạc-Băng xen lời can:
-Điều ấy không nên đâu! Xứ Hồi đang tìm cách cầu hòa, nếu chúng ta làm thế sợ hỏng việc của Mộc-Trác-Luân lão anh hùng.
Trần-Gia-Cách láy mắt ra dấu cho Từ-Thiện-Hoằng. Cả hai vào thư phòng bàn chuyện riêng. Trần-Gia-Cách nói:
-Đêm qua tôi có giáp mặt với Càn-Long. Y nói nội trong ba ngày sẽ trở về Bắc-Kinh và trước một ngày hồi-giá sẽ giết chết Văn tứ ca.
Từ-Thiện-Hoằng kinh hoàng nói:
-Tình thế đã đến lúc nguy ngập, chúng ta phải hành động ngay thôi!
Trần-Gia-Cách nói:
-Văn tứ ca bị giam trong khám đặc biệt trong nội thành của tướng-quân Lý-Khả-Tú. Thất ca hãy thử nghĩ xem có kế hoạch nào không?
Từ-Thiện-Hoằng hỏi:
-Chứ không phải ở Hàng-Châu?
Trần-Gia-Cách liền đem tất cả chuyện gặp gỡ Càn-Long ra sao thuật lại tỉ mỉ cho Từ-Thiện-Hoằng nghe. Chỉ có việc vua Càn-Long tế mộ cha mẹ chàng là giữ kín theo đúng với lời hứa với.
Từ-Thiện-Hoằng suy nghĩ một hồi nói:
-Thưa Tổng-Đà-Chủ! Chúng ta mạnh hơn, có thể tấn công được!
Trần-Gia-Cách gật đầu. Hai người ngồi tiếp tục bàn về chiến lược và đồng ý với nhau trên mọi quan điểm. Sau đó hai người ra lại tụ họp tất cả mọi người lại mà phân công.
Trần-Gia-Cách bắt đầu truyền lệnh:
-Trước tiên, thập-tam đương-gia Tưởng-Tứ-Căn hãy chỉ huy 500 anh em chuẩn bị thuyền bè đầy đủ, chờ đợi tin tức mà đi thẳng về Thái-Hồ.
Bang chúng nghe khẩu lệnh của Trần-Gia-Cách đều hăng hái, lên tinh thần. Gọi Mã-Đại-Đình ra ngoài, Trần-Gia-Cách nhờ cho người đặc phái đến Hải-Ninh bốc mộ Trần-Tấn-Trung về chôn gần Vũ-Thi và lo giúp đỡ mọi việc cho Tĩnh-Họa, đồng thời sắp đặt chỗ cho Tâm-Nghiện dưỡng bệnh.
Từ-Thiện-Hoằng bàn:
-Anh em bang chúng ở Hàng-Châu tạo nên sự nghiệp ở đây tốn không biết bao nhiêu mồ hôi nước mắt, kể cả một số đang nằm vùng trong binh chủng Mãn-Thanh. Nếu huy động toàn lực chẳng hóa ra vì cứu mạng một mình Văn tứ ca mà làm cho bao nhiêu anh em bang chúng phải hy sinh tất cả sự nghiệp và sinh mạng hay sao?
Trần-Gia-Cách nói:
-Thất ca có cao kiến gì xin cứ bày tỏ.
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Vẫn biết chúng ta lần này dùng sức mạnh để đương đầu với cường địch, nhưng nếu giữ được trong vòng bí mật thì vẫn hay hơn. Thứ nhất, đừng nên để cho hơn một vạn quân ở Hàng-Châu tham gia vào trận chiến. Thứ hai, tiết kiệm sức lực xương máu anh em bang hội càng nhiều càng tốt. Thứ ba đừng để lộ những anh em có dinh gia cơ nghiệp và gia đình tại đây, vì những người này đóng vai trò làm hậu thuẫn cho bao nhiêu người.
Vô-Trần Đạo-Nhân khen:
-Thất đệ nói rất đúng. Chúng ta cứ thế mà thi hành.
Từ-Thiện-Hoằng liền phân công:
-Văn tứ tẩu, chị đến trước cửa Đông dinh Hàng-Châu Tướng-quân chuẩn bị xạ thủ với tên lửa và đại pháo, chờ đúng giờ Tỵ sẽ phóng hỏa. Xong việc, chị lập tức sang ngay cửa Tây để hợp sức đánh thẳng vào dinh thự của Tướng-quân Lý-Khả-Tú.
Quay sang Mã-Thiện-Quân, Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Mã đại ca lập tức cho tản cư dân chúng sống gần vùng chúng ta định phóng hỏa để ngăn ngừa tai nạn rủi ro. Cứu được Văn tứ ca xong, chúng ta sẽ điều tra thiệt hại mà bồi thường sau. Còn việc cần gấp là đại ca lập tức triệu tập tất cả anh em có chân trong đạo quân Thủy-Long khoảng 500 người, và dặn 400 anh em trong đội quân Kỳ-Dinh chuẩn bị sẵn mà làm nội ứng vào đầu giờ Thìn.
Mã-Thiện-Quân tuân lệnh. Từ-Thiện-Hoằng lại sai Dương-Thanh-Hiệp chỉ huy chừng 300 người dùng xe đầy tay chở rơm cỏ, 150 người cầm liềm, lưỡi hái, mác, rựa, giả làm nông dân. Vệ-Xuân-Hoa thì chỉ huy đội Thủy-Long ở các phường cứu hỏa, còn Châu-Ỷ thì cầm đầu 200 nam, phụ, lão ấu, là hội viên của Hồng Hoa Hội tuyển từ các xưởng dệt của Mã-Thiện-Quân tại Hàng-Châu, dặn mỗi người trên tay phải cầm một cái gáo nhưng bên trong lại đựng dầu.
Rồi Từ-Thiện-Hoằng lại ra lệnh cho Chương-Tấn lãnh 200 người giả làm thợ nề, mỗi người đẩy một cỗ xe chở đầy thạch khối.
Xoay qua Mã-Thiện-Quân, Từ-Thiện-Hoằng dặn:
-Mã đại ca, phần anh thay đổi quân phục, giả làm quan thủ-bị, dẫn 500 anh em trong đạo Kỳ-Dinh đi tuần tra nghiêm ngặt không cho ai đến gần, cũng như không cho người trong dinh Lý-Khả-Tú ra ngoài đi cầu viện.
Quay sang phía Châu-Trọng-Anh, Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Xin nhạc-phụ cùng với hai anh Mạnh-Kiện-Hùng và An-Kiện-Cường đợi sẵn ở cửa Nam mà tấn công vào. Triệu tam ca cùng Thường ngũ, lục ca hai vị tấn công từ phía Bắc vào. Tổng-Đà-Chủ, Vô-Trần Đạo-Nhân và tôi sẽ đánh từ cửa Tây vào. Ba đội này phải đánh chớp nhoáng, tốc chiến tốc thắng, đội vào vào được dinh thự Lý-Khả-Tú trước sẽ đoạt công đầu.
Phân công đâu đó xong xuôi, Từ-Thiện-Hoằn mới từ từ giải thích kế hoạch tỉ mỉ cho tất cả cùng biết rõ để khai thông. Ai nấy đều khâm phục Từ-Thiện-Hoằng là đa mưu túc kế, thần cơ diệu toán.
Thế lực Hồng Hoa Hội ở Hàng-Châu rất hùng hậu nên cuộc huy động võ trang không gặp khó khăn trở ngại một chút nào cả. Chỉ trong vài khắc đồng hồ là đâu đó đã chuẩn bị chu đáo, đâu ra đó. Dùng cơm tối xong, mọi người nai nịt chỉnh tề lên đường, chia nhau chực sẵn ở từng vị trí, kiên nhẫn chờ đợi nghe tiếng đại pháo của đoàn quân của Lạc-Băng vào giờ Tỵ
Trần-Gia-Cách nói với Từ-Thiện-Hoằng:
-Thất ca thật đã tận dụng Tôn-tử binh pháp. Từ lửa đến nước đều có đủ cả, lại còn thêm cả dầu nữa! Không biết Lý-Khả-Tú chống đỡ bằng cách nào?
Hai người đang chuyện trò bỗng nghe tiếng pháo nổ vang trời. Sau đó là dân cư chung quanh đua nhau chạy trốn. Tình thế trở nên xáo trộn và hỗn loạn vô cùng.
Trong dinh thự của Lý-Khả-Tú, có mấy trăm tên quân cầm sẵn từng thùng nước nhưn lạ lùng thay vẫn đứng im không động đậy gì cả.
Lạc-Băng nghĩ thầm:
-"Lý-Khả-Tú là một đại tướng văn võ song toàn, cơ mưu đầy đủ. Chắc là hắn sợ trúng kế ⬘điệu hổ ly sơn⬙ nên để mặc kệ cho bên ngoài thế nào vẫn một mực thủ kín bên trong. Như thế gì việc giải cứu Văn tứ ca không dễ dàng chút nào cả!"
Bỗng nhiên, Lạc-Băng nhìn phía lửa đang cháy thấy một đám nông dân như hoảng hốt vô cùng. Họ thay phiên nhau đầy những xe rơm tới gần. Mấy viên võ quan trong phủ thấy vậy lớn tiếng mắng:
-Khốn nạn! Lửa cháy như thế kia mà chúng bây còn đẩy xe rơm lại gần nữa à? Có mau đẩy đi chỗ khác hay không? Nguy hiểm tới nới rồi!
Đám nông dân tỏ ra luýnh quýnh, đám võ quan giận quá dùng roi quất túi bụi vào đám nông dân khiến họ sợ hãi bỏ mặc những xe rơm đó mà chạy đi hết. Giữa lúc nguy cấp, tiếng phèn la đánh lên chát chúa, mấy chục chiếc xe thủy long lướt tới nhẹ nhàng.
Lúc bấy giờ, lửa cháy đã lan tới các doanh trại chung quanh phủ đại tướng quân hết sức mãnh liệt. Gặp các xe rơm, lửa bắt vào ngay lập tức cháy bùng lên dữ dội. Kế đến Châu-Ỷ lại cầm đầu đám dân giả làm nạn nhân hỏa hoạn kéo tới, múc dầu đổ thêm vào ngọn lửa đang cháy dữ dội.
Lý-Khả-Tú đứng trong nhìn thấy đám dân chúng có những hành động lạ lùng liền gọi Tham-tướng Tăng-Đồ-Nam ra ngoài thanh tra.
Tăng-Đồ-Nam đến trước đám người của Châu-Ỷ hỏi:
-Các ngươi làm gì ở đây?
Châu-Ỷ cười đáp:
-Cứu hỏa!
Tăng-Đồ-Nam hét lớn:

-Có mau dẹp hết những trò ngu xuẩn dại dột kia đi hay không? Bị cháy nhà rồi đâm ra mất trí hết cả rồi sao?
Đang lúc Tăng-Đồ-Nam còn đang cãi vả với đám người Châu-Ỷ thì Mã-Thiện-Quân kéo binh lính tuần phòng đến bao vây dinh thự tướng quân giải tán hết đám người chung quanh.
Tăng-Đồ-Nam lớn tiếng gọi:
-Vị tướng quân nào nào chỉ huy đội quân xin bắt hết đám người này nhốt lại dùm!
Tăng-Đồ-Nam vừa nói dứt lời, Châu-Ỷ đã tạt vào người ông ta một gáo dầu. Tăng-Đồ-Nam kinh hãi chạy ngược trở lại, tránh xa ngọn lửa. Lý-Khả-Tú đứng trên thành trông thấy thế thì giận lắm, ra lệnh cho xạ thủ dùng cung nỏ bắn sả xuống đám dân chúng ngoài thành.
Đã được huấn luyện từ trước, đám người chạy tới núp đàng sau những chiếc xe nên chẳng một ai bị thương vong.
Thấy dầu của đạo quân ⬘nạn nhân⬙ do Châu-Ỷ lãnh đạo đã cạn dầu, Vệ-Xuân-Hoa liền đốc thúc đạo quân Thủy-Long nhắm bờ thành mà đổ dầu sôi không ngừng. Đám quân-sĩ thấy thế thì hoảng hồn, đua nhau chạy trốn, bất chấp quân kỷ.
Lý-Khả-Tú tin chắc đây không phải là hỏa hoạn mà do chính Hồng Hoa Hội đã hoạch định chương trình tấn công với mục đích giải cứu Văn-Thái-Lai. Vì vậy, Lý-Khả-Tú một mặt đặc phái một số quân ra ngoài đi cầu viện, một mặt chỉ huy quân lính trong thành cố thủ.
Nhưng Lý-Khả-Tú có ngờ đâu đã trúng kế Từ-Thiện-Hoằng. Mấy lần gửi quân đi cầu viện đều bị Mã-Thiện-Quân bắt hết.
Theo kế hoạch của Từ-Thiện-Hoằng thì hỉ đốt rơm để hư trương thanh thế chứ không có ý định đốt dinh thự của Lý-Khả-Tú, vì nếu làm như thế mà không cứu kịp Văn-Thái-Lai ắt chàng phải bị chết cháy mà thôi.
Chương-Tấn chỉ huy đội quân ⬘thạch khối⬙ tới sát bờ thành. Mọi người chồng những bao đá sỏi lên nhau dựa vào vách thành để làm thang.
Đạo quân Thủy-Long của Vệ-Xuân-Hoa sau đó đổi dầu thành nước lạnh tướo lên mặt thành từ từ dập tắt các ngọn lửa.
Lúc đó, đám quân sĩ canh gác trên thành vì bị trận ⬘mưa dầu⬙ đã trốn hết cả nên Trần-Gia-Cách mới ra lệnh cho mọi người vượt tường mà tấn công vào. Cả bốn mặt đều dùng những bao ⬘thạch khối⬙ đựng đá sỏi bên trong chồng lên nhau để làm thang mà tiến vào trong thành.
Chẳng bao lâu, ba đội quân Hồng Hoa Hội tại ba cửa Tây, Nam, Bắc đã vào cả được trong thành. Gặp bất cứ tên quân nào chạy, mọi người đều bắt lại để hỏi thăm chỗ dấu Văn-Thái-Lai.
Từ-Thiện-Hoằng lớn tiếng kêu gọi mọi người hợp sức tiêu diệt hết đám Thanh-binh trong thành. Lý-Khả-Tú đích thân đứng ra điều khiển, đốc thúc quân lính chống lại.
Hai bên đang giao tranh kịch liệt thì bỗng nhiên có một người cất cao giọng như nói một tràng tiếng lóng giang hồ rồi tự nhiên đám hào kiệt Hồng Hoa Hội tản mác ra.
Lý-Khả-Tú sợ trúng gian kế nên lập tức truyền lệnh:
-Ai ở đâu giữ yên vị trí nấy, không được bắn tên hay đuổi theo.
Ngay sau đó, đội Thủy-Long kéo tới nhắm vào hàng ngũ của Lý-Khả-Tú phun nước xuống như mưa. Đám quân sĩ chịu không nổi tranh nhau mà chạy trốn bất kể hiệu lệnh.
Từ-Thiện-Hoằng ra lệnh cho đội Thủy-Long ngừng tay rồi hướng về đám tàn quân của Lý-Khả-Tú nói:
-Bọn ngươi muốn sống thì mau buông hết vũ khí xuống.
Cả đám nghe nói đều răm rắp tuân theo. Lý-Khả-Tú bấn loạn tinh thần. Bỗng đâu từ bên ngoài một thanh niên phi thân tới như bay nắm tay ông ta dắt đi nói:
-Thân phụ mau theo con thoát khỏi nơi này.
Lý-Khả-Tú nhận ra thanh niên ấy là Lý-Mộng-Ngọc, con gái mình cải nam trang thì an lòng vững dạ. Nhưng ông ta ngạc nhiên không hiểu tại sao con gái mình hôm nay có sức mạnh như thần, dắt mình bay đi vùn vụt.
Chương-Tấn từ đâu cầm song phủ hùng hổ xông ra nạt lớn:
-Đứng lại! Không được chạy!
Lý-Mộng-Ngọc phóng một kiếm đâm ngay mặt Chương-Tấn làm chàng ta thất kinh vội vàng đưa sống búa lên đỡ. Nhưng thì ra đó chỉ là một hư chiêu. Chương-Tấn vừa nhấc búa lên thì Lý-Mộng-Ngọc đã thâu ngay kiếm về và tiếp tục dắt Lý-Khả-Tú chạy tiếp.
Chương-Tấn định rượt theo thì Triệu-Bán-Sơn cản lại nói:
-Thập đệ! Đừng rượt theo! Việc cứu Văn tứ ca quan trọng hơn!
Chương-Tấn nghe gọi bèn đứng lại ngay, không rượt theo nữa. Nguyên Triệu-Bán-Sơn đã nhận ra được Lý-Mộng-Ngọc là đồ đệ của Lục-Phỉ-Thanh nên không cản lại, thầm nghĩ:
-"Không biết hắn và Lý-Khả-Tú có mối quan hệ như thế nào mà lại liều mạng giải cứu trong lúc nguy hiểm như thế này. Tốt hơn hết là nể mặt Lục lão ca để cho hắn làm tròn bổn phận là hơn."
Lúc ấy toàn thể binh lính trong dinh thự đã buông hết vũ khí xuống đầu hàng. Dương-Thanh-Hiệp dồn tất cả vào một góc. Đám hào kiệt Hồng Hoa Hội thi nhau đi tìm Văn-Thái-Lai mà vẫn không thấy được một tung tích nào cả. Lạc-Băng nóng lòng, hết tra khảo hàng binh lại tra khảo đến hàng tướng. Nhưng không một ai biết được tên Văn-Thái-Lai khi nàng hỏi đến.
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Có hỏi hay giết hết đám người này cũng vô ích thôi! Chi bằng rượt theo Lý-Khả-Tú bắt lại mà hỏi thì may ra còn tìm được manh mối!
Thấy Từ-Thiện-Hoằng nói có lý, định ra ngoài chia nhau đi bắt Lý-Khả-Tú thì một người bịt mặt từ đâu xông ra chặn lại. Lạc-Băng giơ đao lên chém người bịt mặt một nhát thì hắn vung kiếm lên gạt đao của nàng qua một bên rồi nhìn Lạc-Băng nói:
-Muốn gặp chồng hãy theo tôi!
Lạc-Băng như ngây cả người hỏi:
-Người nói gì vậy?
Tuy hỏi vậy nhưng Lạc-Băng lập tức chạy theo người ấy. Châu-Ỷ cùng Chương-Tấn sợ Lạc-Băng mắc phải quỷ kế của địch nhân nên cùng đi theo hổ trợ. Người bịt mặt có khinh công tuyệt diệu, nên phi như gió. Qua một khúc quanh co, hắn lại nhắm hoa viên chạy thẳng một mạch.
Lạc-Băng vừa chạy vừa ngạc nhiên hỏi:
-Ngươi là ai?
Người bịt mặt không trả lời. Hình như thông thạo hết cả đường lối trong dinh Lý-Khả-Tú, hắn lách qua lách lại thật tài tình và may lẹ vô cùng. Hắn dẫn mọi người qua khỏi những cửa động kỳ lạ trong hoa viên rộng thênh thang được ngụy trang trong những cụm hoa thật khéo léo. Lạc-Băng để ý dưới đất có nhiều tử thi nằm la liệt chưa ráo máu. Đó là những kẻ bị Vô-Trần Đạo-Nhân giết khi nãy lúc mọi người chạy đi tìm nơi giam giữ Văn-Thái-Lai mà không gặp.
Người bịt mặt đảo quanh một hồi thì đến một cái gò cao, phía trên trồng toàn mẫu đơn trắng. Đi vòng một hồi, người bịt mặt liền vỗ tay bốn cái. Lạc-Băng không hiểu gì cả, vừa định hỏi thì lại thấy người bịt mặt nắm tay Lý-Khả-Tú mà chạy vào, đàng sau có hai anh em Tây-Xuyên Song-Hiệp đuổi theo.
Thình lình, người bịt mặt phóng qua bồn hoa dùng một thế ⬘Hồi phong phất liễu⬙ tấn công hai anh em Tây-Xuyên Song-Hiệp. Anh em họ Thường lùi ra sau hai bước né tránh. Thừa cơ hội ấy, người bịt mặt nắm tay Lý-Khả-Tú phi thân lên đầu tường.
Thường-Bá-Chí đưa năm ngón tay chụp tới, trong khi Thường-Thích-Chí phóng ra một chưởng dồn người bị mặt vào thế bí cực kỳ nguy ngập. Hắn thoát được một tay một người thì lại bị người kia chụp trúng ngay bả vai. Lạc-Băng thấy thế la lên:
-Ngũ ca! Lục Ca! Đừng đánh hắn!
Tây-Xuyên Song-Hiệp nghe nói liền dừng tay lại ngơ ngác. Người bịt mặt lúc đó lại nhảy qua bồn hoa bên kia, và cứ thế nhảy qua nhảy lại mấy lần, hành động kỳ quái, thật là khó hiểu.
Chương-Tấn khó chịu, không thể nhịn được nữa gọi lớn:
-Tứ ca! Anh ở đâu? Có anh em đến cứ anh đây!
Dứt lời, Chương-Tấn vung búa lên, nhắm gò hoa đập loạn lên. Thường-Thích-Chí để ý chợt thấy phía dưới bồn hoa có một dấu hiệu rất là kỳ quái. Phóng mình lại gần xem thì khám phá ra một sợi dây xích sắt chôn dưới chậu hoa nọ.
Nắm sợi dây xích vận nội công kéo thử, thì nghe có tiếng động di chuyển. Dời mấy chậu hoa bên cạnh sang mộ bên thì bỗn đâu lòi ra một nắp hầm bằng đá xanh rất lớn. Mọi người thấy thế liền reo lên. Châu-Ỷ rồi ra ngoài kêu đám hào kiệt Hồng Hoa Hội vào giúp sức. Trong lúc đó, người bịt mặt biến đi lúc nào mà không ai để ý đến.
Mọi người cố sức mỗi người một đầu khiêng nắp hầm lên. Nhưng mặc cho mọi người tha hồ phí sức, nắp hầm vẫn không di chuyển một ly nào. Từ-Thiện-Hoằng liền ra dấu bảo mọi người dừng tay để cho chàng quan sát.
Dưới ánh trăng lờ mờ, trên mặt đá xanh như hiện ra những nét của một ⬘Bát Quái Thái Cực Đồ⬙. Từ-Thiện-Hoằng liền bước vào giữa ngay trung tâm của Bát Quái Thái Cực Đồ. Chàng án theo phương pháp, đạp thử vào các phương vị Bát Quái thì thấy dưới bàn chân như đang chuyển động nhè nhẹ. Chàng tung mình ra khỏi nắp hầm thì ngay sau đó phiến xanh xụp xuống, thành một miệng hang.
Lạc-Băng mừng quá định nhảy xuống thì Thường-Bá-Chí kinh hãi nắm hai tay kéo lại nói:
-Khoan đã!
Từ dưới miệng hầm, ba mũi phi tiêu bắn lên vun vút lên khiến Lạc-Băng hết hồn hết vía. Lúc đó, mọi người nhìn kỹ thì thấy có những bậc thang bằng đá dẫn xuống một đường hầm.
Trần-Gia-Cách nói:
-Ngũ ca và lục ca! Hai anh giữ miệng hầm, để chúng tôi xuống dưới coi thử.
Dứt lời, Trần-Gia-Cách từ từ cẩn thận từng bước đi xuống dưới hầm. Vô-Trần Đạo-Nhân, Triệu-Bán-Sơn, Châu-Trọng-Anh, Chương-Tấn, Lạc-Băng, Mạnh-Kiện-Hùng và Châu-Ỷ cùng đi theo. Dương-Thanh-Hiệp ở lại giữ cửa hầm phía trong để khi có tin tức gì từ trên hầm đưa xuống sẽ lập tức chạy vào thông báo cho mọi người.
Đi hết con đường trước mặt thì bất chợt gặp một cánh cửa sắt chạn ngang trước mặt. Từ-Thiện-Hoằng thấy vậy liền lấy đá lửa ra đánh vào bùi nhùi. Ánh sáng lóe lên rọi vào cửa sắt, một bản đồ Thái Cực lại hiện ra trước mặt mọi người.
Vận dụng nội công vào hai cánh tay, Từ-Thiện-Hoằng áng theo phương vị trong hình Thái Cực đánh luôn hai chưởng và kêu lớn:
-Tất cả dang ra hai bên cho thật xa!
Đám hào kiệt chia nhau ra hai nhóm, nép sát vào tường vì sợ có ám khí phóng ra. Nhưng trái với sự tiên liệu của mọi người, lần này cánh cửa từ từ mở ra mà không thấy ám khí đâu cả. Lạc-Băng vì quá nóng nảy nên khi cánh cửa vừa hé đủ cho một người chui lót đã nép mình chui ngay vào bên trong.
Từ-Thiện-Hoằng hốt hoản la lên:
-Tứ tẩu! Khoan đã!
Tiếng chàng vừa dứt thì Lạc-Băng đã sang đến bên kia rồi. Chương-Tấn và Châu-Ỷ liền sau đó cũng chui qua.
Bỗng nhiên, Vệ-Xuân-Hoa từ bên ngoài chạy vào gọi lớn:
-Tổng-Đà-Chủ! Có người cứu Lý-Khả-Tú thoát khỏi nơi đây rồi! Chúng ta mau ra tay cho lẹ kẻo viện binh kéo đến thì nguy!
Trần-Gia-Cách liền ra lệnh:
-Cửu ca mau ra tiếp sức với Mã đại ca chuẩn bị đội xạ thủ cản viện binh cho bằng được mới mong cứu được Văn tứ ca.
Vệ-Xuân-Hoa tuân lệnh lui ra. Trần-Gia-Cách lại tiếp tục dẫn mọi người chui qua cửa sắt vào bên trong. Trước mặt mọi người là một con đường dài hun hút như vô tận. Vì quyết tâm cứu Văn-Thái-Lai cho bằng được nên mọi người không sợ nguy hiểm, cùng nhau đi tới. Đi hết con đường đến chỗ tận cùng, mọi người thấy có một khúc rẽ. Ngay khúc rẽ ấy có một cánh cửa nhỏ hiện ra trước mắt mọi người. Chương-Tấn liền dùng búa đập một cái, cánh cửa mở ra. Sau cửa là một gian phòng nhỏ. Trong phòng có thắp mấy cây nến. Giữa phòng có một cái ghế, và ngồi trên ghế là một người cầm kiếm.

Người cầm kiếm không ai khác hơn là Hỏa-Thủ Phán-Quan Trương-Siêu-Trọng. Đàng sau Trương-Siêu-Trọng có một cái giường, và trên giường có một người đang nằm. Người ấy chính là Bôn-Lôi-Thủ Văn-Thái-Lai.
Văn-Thái-Lai nghe tiếng chân, quay đầu lại trông thấy Lạc-Băng thì tưởng mình đang nằm mơ. Tay chân chàng bị xiềng xích nên không cử động được, chỉ khẽ kêu lên một tiếng. Lạc-Băng rút ra ba mũi phi đao nhắm Trương-Siêu-Trọng phóng rồi chạy thẳng đến chiếc giường.
Trương-Siêu-Trọng một tay bắt ba mũi phi đao của Lạc-Băng, còn tay kia bấm nhẹ vào một nút ở trên ghế y đang ngồi, lập tức từ trên một cái lưới sắt chụp xuống dưới chụp kín quanh giường Văn-Thái-Lai.
Trần-Gia-Cách hét lớn:
-Tất cả anh em xông vào thanh toán tên gian tặc này trước!
Dứt lời, ngọn trủy thủ trên tay chàng nhắm ngực Trương-Siêu-Trọng đâm thẳng một nhát. Biết thời gian gấp rút nên mọi người không cần để ý gì đến luật giang hồ nữa, nên Vô-Trần Đạo-Nhân, Triệu-Bán-Sơn và Châu-Trọng-Anh cùng rút binh khí ra một lượt vây chặt lấy Trương-Siêu-Trọng vào giữa.
Trương-Siêu-Trọng bình tĩnh, đỡ gạt bốn phía. Được vài hiệp, Trần-Gia-Cách cất thanh trủy thủ vào bọc, dùng Cầm-Nã thủ đánh vào hông Trương-Siêu-Trọng. Hỏa-Thủ Phán-Quan vội vàng nín hơi vào một cái, bụng thóp lại khiến cho tay Trần-Gia-Cách trật sang một bên.
Vừa tránh được cái chộp hiểm nghèo, Trương-Siêu-Trọng lại bị hai nhát kiếm của Vô-Trần Đạo-Nhân và Triệu-Bán-Sơn chém tới cả hai bên tả hữu. Cùng lúc đó, thanh Kim bội đại đao của Châu-Trọng-Anh cũng nhắm giữa đĩnh đầu của Trương-Siêu-Trọng mà chém xuống.
Trương-Siêu-Trọng thấy tình thế cực kỳ nguy hiểm liền rút thanh Ngân-Bích-Kiếm ra đỡ hai chiêu kiếm của Vô-Trần Đạo-Nhân và Triệu-Bán-Sơn rồi sẵn trớn vung lên gạt đại đao của Châu-Trọng-Anh.
Mọi người đều biết rõ sự lợi hại của thanh Ngân-Bích Kiếm nên không dám cho binh khí của mình chạm vào nó liền lập tức thâu hồi chiêu thức. Trương-Siêu-Trọng vừa dùng Ngân-Bích-Kiếm đẩy lui được ba người thì lại bị Trần-Gia-Cách tấn công.
Trương-Siêu-Trọng biết trận đấu không thể nào kéo dài được. Nếu không nhờ thanh Ngân-Bích kiếm kia bảo vệ thì cho dù là một người y còn chưa chắc đã cự nổi, huống hồ là bốn người cùng hợp lực quyết hạ y.
Dồn được Trương-Siêu-Trọng vào góc tường, Vô-Trần Đạo-Nhân dùng một thế ⬘Trung bình thiên⬙ đâm thẳng vào bụng Hỏa-Thủ Phán-Quan.
Bỗng nhiên, vách tường tự nhiên lõm vào một cái như mở ra, và Trương-Siêu-Trọng như lọt hẳn vào đấy. Ai nấy nhìn nhau ngơ ngác như không hiểu chuyện gì xảy ra cả.
Lúc ấy Chương-Tấn và Lạc-Băng cùng Châu-Ỷ đang cố gắng đập cái lưới sắt ra để cứu Văn-Thái-Lai nhưng hoàn toàn chỉ phí công, vô ích. Chợt có tiếng động vang xuống rồi một bức tường sắt từ trên như tuột xuống giam kín Văn-Thái-Lai vào trong. Trần-Gia-Cách kịp thời nên nhảy tới, hai tay xách Lạc-Băng cùng Châu-Ỷ bay ra đàng sau.
Dương-Thanh-Hiệp đứng đàng sau cùng lúc đó bỗng nhiên la lớn:
-Không xong! Mau ra kẻo chết!
Mọi người bên trong lúc đó đang nghĩ cách cứu Văn-Thái-Lai thành thử không để ý. Chỉ có Triệu-Bán-Sơn và Châu-Trọng-Anh nghe được bèn chạy lẹ ra ngoài xem xét tình hình...
Triệu-Bán-Sơn và Châu-Trọng-Anh sau đó chạy vào trong la lớn:
-Tất cả ra mau! Nguy hiểm lắm!
Ai nấy đều hoảng hốt theo chân Triệu-Bán-Sơn ra ngoài. Chỉ có Lạc-Băng vẫn đứng im tại chỗ như mất hồn. Châu-Trọng-Anh không chút chậm trễ, nhảy tới xách ngang hông Lạc-Băng rồi phi thân ra ngoài.
Ra đến nắp hầm, mọi người nhìn thấy Dương-Thanh-Hiệp đang một mình vận nội công đỡ cánh cửa hầm bằng đá. Chương-Tấn vội vàng nhảy tới ghé lưng vào đỡ phụ với Dương-Thanh-Hiệp một tay. Dương-Thanh-Hiệp liền rút cây thiết trúc cương tiên chặn dưới tấm đá xanh. Mọi người sau đó lần lượt phóng ra ngoài.
Chờ cho mọi người ra hết an toàn, Chương-Tấn mới rút lưng ra khỏi cánh cửa hầm. Chỉ nghe ⬘rắc⬙ một tiếng, cây cương tiên của Dương-Thanh-Hiệp đã gẫy ra làm đôi và cánh cửa đá rơi xuống đạy kín cửa hầm lại.
Mọi người vừa trải qua cơn kinh hoàng thì lại nghe Tây-Xuyên Song-Hiệp từ đâu chạy đến la lớn:
-Không xong rồi, Tổng-Đà-Chủ! Đám Ngự-lâm quân đã đến tiếp viện rất đông!
Trần-Gia-Cách nói:
-Tất cả anh em mau rút lui!
Khi đến hoa viên, mọi người thấy một thiếu phụ tuyệt đẹp, y phục rất hoa mỹ nhưng thần sắc hết sức xanh xao, vẻ mặt ngơ ngác. Trần-Gia-Cách hét lớn:
-Bắt lấy!
Châu-Ỷ nhảy tới đưa tay chộp lấy tay thiếu nữ. Nàng ta hoàn toàn không chút kháng cự để yên cho Châu-Ỷ bắt lấy. Ra khỏi cửa dinh, mọi người trông thấy một cản hết sức hỗn loạn đang diễ ra trước mắt. Đám Thanh-binh cùng một số bang chúng Hồng Hoa Hội đang nhao nhao lên như sắp sửa giao tranh.
Thấy vậy, Trần-Gia-Cách giơ cao tín vật của Hồng Hoa Hội lên ra lệnh:
-Tất cả lập tức rút lui, gặp nhau tại cửa Bắc!
Ra khỏi thành, Trần-Gia-Cách nói:
-Chúng ta lui ra xa 10 dặm phía Bắc, cơm nước xong sẽ tính!
Mọi người vừa đi vừa bàn tán. Có một điều ai nấy đều thắc mắc không hiểu là người bịt mặt kia. Nhờ hắn tận tình chỉ điểm mà mọi người mới tìm được chỗ của Văn-Thái-Lai bị giam cầm. Nhưng đồng thời hắn cũng cứu Lý-Khả-Tú vượt thoát được hiểm nghèo! Cả hai việc, hắn đều làm hết mình, như liều mạng hy sinh. Phải chăng hắn là người của Hồng Hoa Hội? Hay là người của triều đình? Điều nào cũng chí lý. Mà điều nào cũng vô lý. Chuyện càng lúc càng phức tạp không hiểu nổi!...
Đang lúc ấy thì từ xa có tiếng rao truyền:
-Ngã (#1) Võ-Duy-Dương!.. Ngã Võ-Duy-Dương!...
Nghe tiếng rao truyền, Triệu-Bán-Sơn cười nói:
-Đám Trấn-Viễn tiêu cục lại đến rồi!
Từ-Thiện-Hoằng gọi Trần-Gia-Cách ra bàn riêng:
-Chúng ta không nên nói cho tứ tẩu biết chuyện Càn-Long đòi giết Văn tứ ca trong ba ngày. Tổng-Đà-Chủ nghĩ có đúng không?
Trần-Gia-Cách gật đầu. Từ-Thiện-Hoằng lại nói:
-Đêm nay chúng ta làm náo nhiệt thế này thì có khác nào thúc giục Càn-Long hạ sát Văn tứ ca cho mau!
Trần-Gia-Cách cau mày nói:
-Hẳn là thế! Bây giờ phải làm sao đây?
Từ-Thiện-Hoằng nói:
-Theo tôi thì tìm cách đoạt được cặp ngọc bình là hay nhất!
Trần-Gia-Cách chưa kịp hỏi thì Từ-Thiện-Hoằng đã nói tiếp:
-Nếu Càn-Long chịu cho xứ Hồi giảng hòa tất nhiên sẽ giữ lấy cặp ngọc bình đó. Mà không cho hòa thì cũng phải cho người đem trả lại cặp ngọc bình đó để khỏi mang tiếng là thất tín với thiên hạ.
Trần-Gia-Cách như chợt hiểu ra hỏi:
-Ý của thất ca là dùng cặp ngọc bình này làm kế hoãn binh?
Từ-Thiện-Hoằng đáp:
-Đúng như vậy, Tổng-Đà-Chủ! Đành rằng cặp ngọc bình này không thể chuộc được Văn tứ ca về, nhưng có thể cho chúng ta thêm ít thời gian để mà tính kế khác. Mặt khác có thể giúp được cho Mộc-Trác-Luân lão anh hùng có thêm thì giờ để chỉnh đốn lại binh lực để chống lại với đại quân của Triệu-Huệ trong trường hợp Càn-Long không chịu cho hòa.
Trần-Gia-Cách khen ngợi chẳng cùng, cười nói:
-Đây cũng là dịp may để thử xem Uy-Chấn Hà-Sóc lợi hại đến đâu!
Bàn tính xong, Trần-Gia-Cách sai Vệ-Xuân-Hoa đi thám thính tình hình của Trấn-Viễn tiêu cục...
Chú thích:
(1-) Ngã: tôi.


Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương