Thời Hoàng Kim
Chương 27: Mảnh vườn tinh thần của tôi

Khi tôi mười ba tuổi thường lấy trộm sách trong tủ của cha để đọc. Khi đó tình hình chính trị căng thẳng, ông cất vào tủ và khóa kỹ những sách không nên bày ra, trong tủ có “  Ký sự biến hình  ” của Ovide, kịch của Shakespeare thậm chí có cả “  Mười ngày  ”. Anh tôi có cách mở, còn xui dại tôi thò tay vào lấy: mày bé, lại gầy gò, bố thương không đánh đâu. Nhưng thực ra, chuyện đánh tôi thì cha không e dè gì cả, tôi lại không nhanh nhẹn càng tiện cho ông. Tóm lại sách lấy ra hai người đọc nhưng đòn thì mình tôi chịu, xem được một ít sách, tuy no đòn nhưng cũng không hối tiếc. 

Xem xong “  Ký sự biến hình  ” tôi mê luôn cổ Hy Lạp. Anh tôi còn bảo: Cổ Hy Lạp có một loại triết gia, mặc áo thụng đi tới đi lui. Một hôm có một triết gia đi thăm bạn nhưng bạn đi vắng, ông bảo người quản gia lấy một miếng gỗ đánh sáp rồi ông phóng bút trên đó, vẽ một đường cong đưa cho anh ta rồi về. Ông bạn về nhà nhìn thấy miếng gỗ, bị tin phục bởi đường cong tuyệt đẹp đó, vội vã chạy đến nấp bên nhà triết gia chờ ông ra khỏi nhà bèn xông vào, cũng đòi một miếng gỗ rồi cẩn thận vẽ một đường cong… tất nhiên phần sau câu chuyện dễ đoán ra: Triết gia trở về nhà, nhìn miếng gỗ bạn để lại bèn lấy một miếng gỗ vẽ những suy nghĩ của mình vào một đường cong, đưa cho bạn xem làm cho ông ta thật sự tin phục. Bây giờ tôi nghĩ chuyện đó anh tôi bịa ra. Nhưng hồi đó tôi nghĩ mãi rồi ngây ngô nói: Hay quá. Ba mươi năm sau nghĩ lại, tôi không xấu hổ. Con ếch ngồi đáy giếng cũng có bầu trời của nó, đứa trẻ mười ba tuổi cũng có thể có khu vườn tinh thần của mình. Ngoài ra người ta có anh chị là rất tốt, mặc dù tôi không chê bai chính sách dân số của nhà nước   (   [1]  )  . 

Khi đã lớn, tôi mới hiểu khoa học và nghệ thuật là một sự nghiệp như thế nào. Anh tôi về sau trở thành đệ tử của ngài Thẩm Hữu Đỉnh, giáo sư đầu ngành logic học, tôi thì học toán lý, chúng tôi còn ngồi với nhau bàn những hiểu biết thật giả của mình. Nhưng đó là chuyện hồi hai mươi tuổi. Lớn hơn một chút, tôi đi du lịch nước ngoài, nhìn thấy cây táo ở San Francisco, nơi Newton cảm nhận được sức hút vạn vật, thấy “hồ Byron” nơi nhà thơ Byron nhảy xuống bơi, nhưng tôi vẫn hồi tưởng lại thời thơ ấu ngắm nhìn bầu trời đầy sao của trí tuệ loài người. Tòa nhà cao ngất phải có những tảng đá làm nền, sự mê say đầu đời chẳng gì thay thế nổi. Tất cả mọi trí giả, thi nhân chắc đều trải qua những khoảnh khắc cảm xúc tuổi thơ trước ánh sao lung linh trên bầu trời. Tôi luôn luôn cảm thấy sự đam mê đó không thể thiếu như không thể thiếu tình yêu trai gái. 

Tôi thường trở về tuổi nhỏ, suy nghĩ mọi chuyện với trái tim thơ ấu thì nhiều vấn đề phiền phức trở nên dễ cắt nghĩa. Con người ta sống đương nhiên phải có một sự nghiệp, và là một sự nghiệp nhân văn. Ví như có một con đường, có một nhân vật thuộc bậc học giả kiểu cũ cầm thước cầm roi dẫn bạn đi, vậy thì không phải là đi đường mà là cõng một bộ kinh. Tôi nghe Liên Xô trước đây dạy trẻ thế này: Phải học thuộc hết một cuốn Puskin, nửa cuốn Lermontov, còn phải nhớ nước Nga là quê hương của voi (Shostakovits kể khá nhiều chuyện trong hồi ký của mình). Chúng ta dạy trẻ thế nào, tôi không nói nữa để khỏi mắc tội với tiền bối. Tôi hoài nghi phải chăng đọc hết bộ kinh là coi như đã có một mảnh vườn tinh thần, nhưng tôi cũng chẳng muốn thuyết phục ai. Christian Andersen đã viết “  Con đường chông gai vẻ vang  ”, ông nói sự nghiệp nhân văn là mảnh đất đầy gai và nó đang bốc lửa, trí giả và hiền nhân đi trên đó. Tất nhiên ông nghĩ đến cả trần thế ồn ào này. 

Tôi thấy chẳng cần nghĩ nhiều đến thế. Trái tim thơ bé nhìn con đường đó thế này: nó nằm giữa hai dãy hàng rào. Trên hàng rào nở đầy hoa bìm bìm, trên mỗi nhị hoa đều mọc ra một con chuồn chuồn xanh. Nói như thế e rằng tình tứ quá, nhưng muốn thuyết phục Andersen thì phải dùng cách nói như thế. Khi lâm chung, Werthgenstand nói: bảo với họ rằng ta đã sống một cuộc đời tươi đẹp. Câu nói đó cho người ta một cảm giác là: ông vừa bước ra khỏi những khóm hoa bìm bìm. Mặc dù tôi chẳng hiểu tí gì về sự nghiệp của ông, nhưng tôi cảm thấy tôi nghĩ như ông. 

Tôi không hiểu nổi ý nghĩa cao siêu của cách nói như sau: Muốn xây dựng lại mảnh vườn tinh thần, khôi phục tinh thần nhân văn, phải diệt hết những kẻ tầm thường – trong đó phải diệt trước hết là những kẻ tầm thường đầu têu. Nếu tiền trong túi người đọc không nhiều, họ mua sách người khác thì không còn tiền mua sách của tôi, cho nên phải diệt người khác, cái ấy thì tôi hiểu, nhưng cách nói trên kia thì không chắc cao siêu đến thế. Giả sử cao siêu thế thật thì tôi cũng không tán thành – chúng ta nên giống như thương gia, lấy sự thành thật làm đầu, phản đối cạnh tranh không chính đáng. Hãy để cho suy nghĩ và tác phẩm của chúng ta trở thành tôn giáo chính trong trần thế ồn ào này, tôi không có và không dám có quan niệm ấy. Đã vậy tôi phải giải thích động cơ tôi viết văn, kể cả viết bài này. Nói thật lòng tôi cũng không giải thích được rõ đâu, chỉ có thể nói rằng: Nếu hôm nay tôi chết, e rằng không thể nói như Werthgenstand: tôi đã sống một cuộc đời tươi đẹp, cũng không thể nói được như Stendhal: tôi đã sống, tôi đã yêu, tôi đã viết. Tôi rất sợ làm gì cũng chẳng đến đầu đến đũa cho nên vẫn đang chịu khó làm việc. 

[1]  Trung Quốc quy định mỗi gia đình chỉ có một con (ND).

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương