Thợ Sửa Giày FULL
-
4: Không Hợp
Nhiếp Chấn Hoành quả thực hơi hối hận vì ban nãy mình đã ra giá rẻ.
Cu cậu đây ăn tiêu thả phanh thế còn gì? Anh lại còn tốt bụng tiết kiệm tiền cho người ta, kết cục người ta vung hết ngay chỉ trong chớp mắt.
Cuối cùng, hình như chỉ mình anh thiệt thôi thì phải?
Anh cũng chẳng thiếu thốn mấy đồng lời lãi này, mà chỉ cảm thấy phí tấm lòng thành của mình.
Vì thế Nhiếp Chấn Hoành không thèm quan tâm rốt cuộc Lâm Tri định làm gì nữa, lại ngồi xuống làm nốt việc của mình.
Có điều lúc anh đặt giày lên giá đinh phơi cho khô, thì một bàn tay đột nhiên duỗi tới trước mắt anh, đưa cho anh một tờ giấy ướt.
(Loại giá đinh để thợ đóng, thợ sửa giày úp giày lên đấy cố định khi làm việc)
“Cảm ơn, không cần.”
Nhiếp Chấn Hoành không nhận, cúi đầu cất từng món dụng cụ mình vừa lôi ra về hộp.
Lâm Tri nhìn mười đầu ngón tay dính dầu và keo của người đàn ông, lại dứ giấy ướt đến gần một lát nữa.
Mãi đến lúc thấy Nhiếp Chấn Hoành dọn dẹp xong, cầm thẳng bát nước ngô mà bà chủ quán bên cạnh cho ban nãy lên uống một hơi cạn sạch, cậu mới lặng lẽ thu tay về.
Cậu nghiêm túc gấp tờ giấy ướt chưa dùng thật cẩn thận, nhét nó về gói giấy ướt.
Đến khi gặm hết bắp ngô, cậu mới rút giấy ra, cẩn thận lau mười đầu ngón tay một lượt.
Nhiếp Chấn Hoành không bắt chuyện với vị khách trẻ tuổi này nữa.
Con người anh bảo tốt tính cũng đúng, mà bảo xấu tính thì cũng chẳng sai.
Gặp ai vừa mắt, thì dù phải khổ sở thế nào anh cũng chịu, nhưng một khi đã ngứa mắt ai, thì anh còn chẳng thèm để mặt mũi cho họ luôn.
Anh ngồi trước cửa, rít nốt nửa điếu thuốc còn lại, kéo cái chân què qua quán mì bên kia đường, làm hai bát hoành thánh cay coi như ăn trưa sớm.
(Hoành thánh cay: Sao Thủ, là món ăn đặc trưng của vùng Tây Nam, Tứ Xuyên, Trùng Khánh.
Hoành thánh cỡ nhỏ nhân thịt lợn, nấu chín rồi chan với canh cay, dầu đỏ và các gia vị khác.)
Ăn xong dạo bước trở về, anh bảo Lâm Tri rằng cậu có thể trả tiền rồi đi được rồi.
Lâm Tri luôn ngoan ngoãn ngồi trong quán đợi keo khô nãy giờ, hình như cậu cũng không mảy may phát hiện hay thấy ngạc nhiên trước sự thay đổi thái độ của Nhiếp Chấn Hoành.
Cậu chỉ nghiêm túc đeo giày vào, giẫm giẫm mấy cái, rồi thật thà móc tiền trả Nhiếp Chấn Hoành.
Đi đến cửa tiệm, cậu còn vô cùng lịch sự nói lời cảm ơn với Nhiếp Chấn Hoành, chào tạm biệt anh và bà chủ quán kế bên.
“Chậc chậc, không biết cu cậu này làm nghề gì mà bô giai đáo để!”
Trương Thúy Phương tựa vào quầy thuốc lá của tiệm mình, cảm thán với Nhiếp Chấn Hoành.
“Bô giai” là từ địa phương ở vùng Tây Nam này, ý là khen ai đấy có tướng mạo đường hoàng đẹp đẽ.
Nhiếp Chấn Hoành quả thực rất hiếm khi thấy Trương Thúy Phương khen ai như vậy.
Dầu gì thím ta ở đây bao nhiêu năm ròng, tường tận gốc rễ tất cả hàng xóm láng giềng, còn nắm được kha khá tính cách chân thực của kha khá người, cứ nhắc tới ai đấy là lại tràn trề ghét bỏ.
“Vầng.”
Nhiếp Chấn Hoành chẳng mặn mà gì với chuyện xoi mói đời tư của người khác, nên đáp chị Trương một tiếng lấy lệ.
Có điều, từ cử chỉ hành vi và cách nói năng của Lâm Tri, anh có thể cảm nhận được vị khách này có cách giao tiếp khác với người thường.
“Chị ơi, chị mua máy mát xa nhé ạ? Xuất thẳng từ xưởng đấy, chỉ 199 tệ thôi chị!”
Khi hai người đang trò chuyện, thì có một thanh niên tóc vuốt keo, ôm món đồ gì đấy đang đi từ đầu đường qua bên này.
Nụ cười thường trực trên gương mặt cậu ta, hễ gặp hàng quán nào là cậu ta lại vào chèo kéo một lần, cái ba lô to cồ cộ đằng sau ép lưng cậu ta oằn về phía trước.
“Đại ca ơi, anh mua một chiếc nhé? Bình thường mình cứ treo trên cổ thôi, tự động mát xa, phê lắm ạ!”
Cậu tiếp thị trẻ tuổi đi đến trước mặt hai người rồi dừng lại, chào bán sản phẩm nhà mình.
Nhiếp Chấn Hoành xua tay với cậu ta, tỏ vẻ không cần.
Trương Thúy Phương cũng lắc đầu, tốt bụng nói thêm một câu với cậu tiếp thị.
“Cậu bán ở đây không đắt hàng được đâu!”
Thím hất cằm về hướng Đông, “Qua phố đàng trước ấy, bên đó có hai khu bất động sản mới phát triển, dân giàu đông hơn.”
Cậu tiếp thị kia mới đi hết một vòng khu này, chưa bán được chiếc máy nào, vốn đang hơi ỉu xìu.
Vừa nghe Trương Thúy Phương chỉ đường cho mình, mắt cậu ta lại sáng rỡ lên.
“Úi! Cảm ơn chị ạ!”
Cậu ta đứng thẳng lưng lên một tẹo, chỉnh đai ba lô của mình lần nữa, đoạn vác cái bao to oạch lên đường.
“199 tệ… tối nào về chị cũng đấm lưng cho bà cụ nhà mình, mà sao không thấy ai cho chị đồng cắc nào?!”
Trương Thúy Phương nhìn theo bóng lưng cậu tiếp thị, cảm thán mấy câu.
“Nhưng mà…” Thím ta lại thả tâm trí bay xa, “Nếu người bán là cu cậu tới sửa giày ban nãy, thì có khi chị còn suy nghĩ lại!”
Nghe thấy câu này, Nhiếp Chấn Hoành tự dưng hơi buồn cười.
Đây là kiểu “Mặt đẹp cân hết” mà người ta hay nói đấy ư?
Chẳng qua Nhiếp Chấn Hoành không có chung suy nghĩ với Trương Thúy Phương.
Anh ngáp một cái, quẳng lại một câu khiến Trương Thúy Phương lấy làm khó hiểu, rồi về quán đánh một giấc trưa ——
“Em e là cậu ta không hợp với công việc ấy đâu.”
*
Câu nói này của Nhiếp Chấn Hoành được nghiệm chứng vào hơn nửa tháng sau.
Hôm đó là cuối tuần, một khách quen của quán anh đã hẹn đến sớm để lấy đôi giày vừa đánh xi.
Nhiếp Chấn Hoành đành bò dậy từ sáng sớm tinh mơ, mở hàng trước 9 giờ.
Người trông quán kế bên vẫn là Vương Kim Bảo.
Thấy anh ra ngoài sớm như thế, chú ta còn tò mò hỏi phải chăng bữa nay mặt trời mọc ở đằng Tây.
Nhiếp Chấn Hoành cạn lời mua thêm chiếc bánh bao nhét vào miệng chú ta, thì mới đổi được một thoáng bình yên.
“Thời gian trôi nhanh quá, sao đã lại đầu tháng rồi!”
Một khách hàng tới mua thuốc lá, Vương Kim Bảo móc sổ kế toán ra ghi lại, rồi cầm máy tính gõ lạch cạch, “Lại đến con mẹ nó hạn nộp tiền nhà rồi.”
Nhiếp Chấn Hoành nuốt miếng bánh bao cuối cùng, rút một tờ giấy ra lau miệng, “Đấy là đầu việc cố định hằng tháng còn gì, anh phải quen phỏm lâu rồi chứ.”
“Hầy, tiêu tiền mới mau quen, chứ bỏ tiền ra khỏi túi mình thì quen làm sao được?!”
Quyền sử dụng tiền nong trong gia đình Vương Kim Bảo, không còn nghi ngờ gì nữa, thuộc về bà vợ Trương Thúy Phương nhà chú ta.
Chuyện làm ăn trong cửa hàng có sổ ghi riêng, Vương Kim Bảo không được động vào.
Mỗi tháng, thời điểm chú ta rủng rỉnh nhất là khi vợ bảo cầm tiền đi đóng tiền thuê nhà.
Những lúc còn lại, chú ta chỉ có mấy trăm tệ quỹ riêng để chơi mạt chược.
Mà còn rất hay thua liểng xiểng chẳng dư mấy xu.
“Nhắc mới nhớ, anh cũng đếch hiểu lão chủ nhà nhà anh nghĩ gì.
Năm ngoái lão giao nhà cho bên môi giới, bản thân lão thì chẳng thèm quan tâm, bảo anh chuyển hết tiền cho bên môi giới đi!”
Vương Kim Bảo nói đến đây là lại tức anh ách, “Thằng cò kia thì rõ tệ, nó bảo cứ nửa năm sẽ tăng tiền nhà một lần! Thèm tiền đến mức phát rồ rồi à!?”
Nhiếp Chấn Hoành vỗ vai Vương Kim Bảo với vẻ vô cùng thấu hiểu.
Tiệm sửa giày của anh cũng là nhà đi thuê, chẳng qua chủ nhà là một giáo viên già đã về hưu, còn ở chung một tòa với anh.
Ông cụ tốt tính lắm, anh thuê mấy năm liền mà cụ chưa tăng tiền lần nào, khiến Nhiếp Chấn Hoành ngại quá thể.
Ngày lễ ngày Tết anh đều xách ít trái cây tới biếu ông cụ, coi như bày tỏ tấm lòng.
Ngày xưa mấy cửa hàng mặt tiền chỗ này có giá rất rẻ.
Hồi đấy Nhiếp Chấn Hoành có tiền, nhưng cũng chỉ mua bừa một căn để làm chỗ nghỉ chân.
Nào ngờ về sau công việc gặp biến cố, những gia sản khác đều bị mang đi thế chấp hết, anh chỉ còn căn nhà ở khu phố cũ này.
Coi như vẫn còn may mắn, chưa đến mức cùng đường cạn lối.
Hai người tán dóc một lát ngoài cửa tiệm, vị khách mà Nhiếp Chấn Hoành đang chờ đã tứi.
Đó là một cô bé tầm mười sáu mười bảy, em nhảy chân sáo đến trên đôi giày vải.
Vào tiệm, em tự cởi giày ra, thay đôi bốt da đã được Nhiếp Chấn Hoành đánh xi đẹp y như mới vào.
“Lại để giày chỗ chú à?”
Nhiếp Chấn Hoành chỉ vào đôi giày vải mà em vừa cởi ra.
“Dạ dạ!” Cô bé cột tóc đuôi ngựa, gật đầu một cái là đuôi tóc dài sau đầu sẽ lúc lắc theo, trông vừa tươi trẻ vừa hoạt bát.
“Chú Nhiếp, chú nhất định phải giấu thật kỹ nha, đừng để mẹ con tìm được!” Em chắp tay trước ngực, vái Nhiếp Chấn Hoành, “Chiều về con qua thay ạ!”
Đoạn đối thoại này dường như đã diễn ra rất nhiều lần giữa hai người, Nhiếp Chấn Hoành cũng không nhiều lời nữa, chỉ nói thêm một câu trước khi cô bé đi.
“Chú bảo này Tri Nhạc, con đừng có yêu sớm nhé.
Không là mẹ con nện chết con đấy.” Anh nói rất chí tình, “E là bả sẽ tiện thể… đập tan tành tiệm chú luôn.”
“Phì!”
Phan Tri Nhạc phì cười trước câu nói khoa trương của Nhiếp Chấn Hoành, nhưng ngẫm lại tính nết của mẹ mình, nét cười kia lại nhạt đi.
“Chú Nhiếp cứ yên tâm ạ,” em vỗ ngực hứa hẹn với Nhiếp Chấn Hoành, “Con đi làm chuyện đàng hoàng! Không yêu sớm đâu!”
Nói xong, em nhảy xuống bậc thang, chạy đi xa.
Chỉ để lại Nhiếp Chấn Hoành đứng đó lắc đầu đầy vẻ bất đắc dĩ.
Anh giấu kỹ đôi giày vải mà mình đã dính lại keo rất nhiều lần dưới giá để hàng, không quá bận tâm đến lời cô nhóc.
Khu tập thể cũ náo nhiệt nhất vào lúc 8-9 giờ sáng.
Đám nhân viên văn phòng vội vã chạy xuyên con phố để bắt tàu bắt buýt, hội người già dậy sớm đã tập xong Thái Cực quyền, đang xách giỏ rau đi dạo xung quanh.
Các hàng quán nhỏ bày sạp bên ngoài cũng đã chiếm được vị trí đẹp hai bên đường, gào thét tham dự vào bức tranh đô thị tỉnh giấc ồn ào náo động.
“Lão Vương, ra dọn hàng này!”
Bấy giờ, Trương Thúy Phương ra chợ sỉ nhập hàng từ sáng sớm cũng đã đánh xe ba gác về.
Thím ta mau mắn nhảy xuống xe, gọi chồng ra làm việc.
“Vào Xuân rồi, em nhập thêm mấy loại bia, lát mình mang vào tủ đông nhé.”
Hai vợ chồng vừa dọn hàng, vừa nói chuyện với nhau.
Chưa được mấy câu, Trương Thúy Phương bỗng chợt nhớ ra chuyện mình mới dặn chồng hôm bữa, “À đúng rồi, mình nộp tiền nhà chưa?
“Với nữa, em đã bảo mình hỏi hộ Tiểu Triệu vụ tháng sau hợp đồng hết hạn thì nhà mình ký dài hạn được không, nó bảo lại sao rồi?
“Năm nay mọi người làm ăn kém lắm, nó nên giảm giá cho nhà mình đi chứ! Nó bảo nó giảm cho bao nhiêu?”
Trương Thúy Phương là người có tính nôn nóng, nghĩ sao là nói vậy, lúc nào cũng xổ một tràng ba la bô lô, khiến người ta không kịp trả lời.
Vương Kim Bảo lặc lè bê hai thùng rượu vào thì mới thấy có khe cho mình chen mồm.
“Vợ ơi, anh còn chưa kịp nộp tiền ấy!”
“…” Trương Thúy Phương cảm thấy sớm muộn gì mình cũng bị ông chồng làm cho tức chết.
“Bảo ông làm gì cũng hỏng!”
Thím ta tức tối đảo tròn mắt, tính tự gọi thẳng cho người ta để nói chuyện.
Nào ngờ vừa ngước mắt lên, nhắc Tào Tháo thì Tào Tháo tới liền.
“Kìa, Tiểu Triệu!”
Thím ta chào hỏi một người đang đi đến từ giao lộ, “Chú tới thu tiền đấy à? Đúng lúc quá, chị Trương có tí việc muốn bàn với chú đây!”
Người nọ thoạt trông ngoài ba mươi, để đầu đinh, mặc bộ comple trắng thêm cà vạt đỏ.
Tuy rằng bề ngoài tầm thường nhạt nhẽo, nhưng ăn vận áo quần như thế nên gã vẫn nổi bần bật trên đường.
“Chị Trương, để lát nữa được không ạ? Em đang bận tìm người.” Triệu Hữu Phòng trông cáu kỉnh ra mặt, phẩy tay với Trương Thúy Phương.
“Được được được, chú cứ bận trước đi.”
Trương Thúy Phương cũng không gấp gì, tiếp tục xắn tay áo dọn hàng của quán mình.
Thím ta chỉ thầm thấy kỳ lạ, bình thường quản lý Triệu lúc nào cũng tươi cười niềm nở chào hỏi mọi người, sao hôm nay mặt lại như đâm lê thế?
Cứ như có ai nợ gã ta cả triệu tệ vậy.
—
Nha Đậu:
Đoán xem Chít Chít đã làm gì nào ~.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook