Thế Lực Khách Trú Và Vấn Đề Di Dân Vào Nam Kỳ
-
Chương 9: Kỳ 9
Công nghệ của xứ Bắc đối với Nam kỳ có quan hệ là thế nào? – Vấn đề đem thợ vào làm – Vấn đề ấy vì đâu mà khó – Nghĩ cách đem họ vào làm thế nào cho chắc chắn và lợi công việc.
Phương ngôn ta có câu rằng: “túng thì phải tính”; ấy công nghệ của xứ Bắc mà sở dĩ khá là tại “túng thì phải tính” vậy.
Trong khoảng mươi năm trở về đây, công nghệ của xứ Bắc mỗi ngày một khá thật, từ đồ dệt, đồ đồng, đồ khảm, đồ da, đồ sứ… nhất thiết đều chế tạo có vẻ mỹ thuật cả, đem so với cùng những đồ ấy chế ra từ mươi năm về trước, thì thấy tiến bộ rõ ràng lắm. Thứ nhất là mỗi năm nhân dịp trong kỳ Hội chợ hay là trong một cuộc bác lãm nào, là những khi mà công nghệ linh tinh ở các nơi đều tụ họp cả lại, chẳng có con mắt nhà kỹ sư chuyên môn gì, nhưng trông kỹ thì bao giờ ta cũng phải chịu rằng năm nay đã hơn năm ngoái, ấy là chưa phải làm bằng máy móc, mà còn theo cách thức cũ, dùng khí cụ xưa, chế tạo ra được những đồ như thế giá đem bày ở trong thị trường thế giới, kể cũng là xứng đáng lắm vậy.
Tiếng thế, đồ xuất cảng của ta mỗi năm hàng mấy triệu quan, nhưng sản vật chiếm đến 90 thành, thì đồ công nghệ chế tạo mới được 10 thanh, nghĩa là vật sản bán ra ngoài được nhiều mà đồ công nghệ ít, vì những đồ ấy của ta, dù có khéo thật đấy song mới đủ để cho trong xứ dùng đỡ dùng đồ ngoại hóa được đôi tí mà thôi, chớ chưa có thể nào đem bán cho ngoại quốc được. Vì sao?
Ta nên biết rằng: công nghệ có hai thứ: một là công nghệ nghĩ ra, một là công nghệ bắt chước. Thứ công nghệ nghĩ ra ấy, thì lấy hóa học và cơ khí làm nguyên chất; nhất thiết đồ gì, không kể là to nhỏ, đều phải qua phòng thí nghiệm rồi sang nhà máy, mới thành được thứ đồ, cho nên đồ gì chế tạo cũng đến mức tinh xảo, kiểu mẫu rất dễ coi, lại được điều cốt nhất là nhờ vì cơ khí, thành ra phí công phu ít, mà chế tạo được nhiều, cùng là nhờ cách vận tải chắc chắn mau chóng, sự xuất cảng nhân đó mà được phát đạt. Tức như là đồ chế tạo của Âu Mỹ bây giờ, bày la liệt ở trong chợ thế giới, đâu cũng phải dùng, là bởi những đồ ấy do trí sáng tạo của họ làm ra, rất thích hợp cho sự cần dùng của đời nay, cho nên họ đem đi đâu, cũng có chỗ tiêu thụ được là thế. Đồ công nghệ bắt chước thì không như thế được. Thứ nhất công nghệ bắt chước, chỉ là rập khuôn của người ta làm nên, lại thường chỉ làm bằng tay mà không có phương pháp hóa học và cơ khí thì không kể gì là phí công phu nhiều, thành ra trị giá phải đắt, mà nói ngay đến sự tinh khéo, chắc hẳn không bằng thứ đồ chế ở phòng thí nghiệm và nhà máy ra. Đã bắt chước mà không bằng đồ của người ta, thì tài nào bán cho người ta được, lẽ ấy tưởng là rõ ràng lắm.
Công nghệ của mình mới là công nghệ bắt chước, mà bắt chước chưa đến nơi, hay chưa khéo hơn đồ ngoài, chưa đem bán ra ngoài được là thế.
Bắt chước là một tính cách rất hay rất quý của người Bắc này, chính người Nhật cũng đã phải công nhận, vì mấy năm trước, đồ sơn của họ rất thịnh hành ở ta, thế mà bây giờ ta học lỏm ngay được, làm chẳng thua gì họ bao nhiêu, bơi thế họ phục lắm. Sẵn cái tính hay ấy, lại giữa lúc trong nước bị tràn lam những đồ ngoài, thì ta cứ việc bắt chước mà làm, để cho ta dùng và tìm ngay chỗ tiêu thụ ở quanh trong nước mình, tưởng không phải là thiếu. Xứ Nam kỳ tức là một mối hàng to nhất của công nghệ xứ Bắc vậy.
Ta đã biết rằng: xứ Nam kỳ ta vốn là một xứ không có công nghệ gì vừa dùng cả, cho nên bấy lâu, từ cái ăn mặc cho đến đồ thường dùng, nhất thiết đều mua đồ ngoại hóa; trong khi ấy, tuy công nghệ Bắc đã nhóm lên rồi, những người Nam chưa hề để mắt đến, duy có từ khi “tẩy chay khách trú” trở về sau, thì đã biết chuộng nội hóa, nghĩa là đã ưa dùng đồ Bắc. Thật thế, trước kia an hem ở trong Nam kỳ ta, có thèm ngó tới the lụa của Bắc kỳ đâu, thế mà đến nay, cửa hàng tơ lụa tầm thường nhất ở ngoài ta, mỗi năm bán vào Nam kỳ cũng được 3,4 vạn bạc, lại ta thử đi xem các nhà chế tạo, hỏi họ làm ra bán cho ai, thì trong mười nhà đến chín nói rằng: “bán vào Nam kỳ”, xem thế đủ hiểu đồ Bắc tiêu thụ vào trong Nam mạnh là thế nào, không kể gì đến những thứ đồ đắt tiền như đồ khảm, đồ gụ … ngoài này thường bán cho Tây và một số rất ít người mình mới dùng, nhưng đem vào bán cho an hem trong Nam đã có tiếng, quý mấy đã thích cũng dám mua; lại đến những thứ lặt vặt như giép Nhật Bản, guốc Sài Gòn, cái rổ, cái rá … chở vào Nam kỳ, có lẽ không chuyến tàu nào không hàng trăm kiện hàng như thế, chỉ tiếc rằng không có sổ thống kê nào, nên không biết mỗi năm đồ Bắc chở vào bán trong Nam được bao nhiêu tiền, nhưng xem đại khái cái hiện tình, cũng đủ biết là phát đạt lắm vậy.
Ta nên chú ý rằng: đồ công nghệ Bắc mà vào Nam được chừng nào là đồ công nghệ Tàu và một vài phần của Âu châu đều có chịu ảnh hưởng sâu xa chừng ấy. Cứ xét mà xem: trước kia những hạng bình dân trong Nam, hay mặc thứ vải mùi xám của Hoa kiều dệt ngay ở đó, mà bây giờ thông dụng vải ta và ít nhiều hàng tơ lụa Bắc; trước kia những thứ ghế mây, gọi là ghế tô nê thì trong Nam vẫn dùng thứ ghế ở Tây đem sang, mà ngày nay đã thông dụng ghế ấy của Bắc làm ra; trước kia đôi guốc cũng mua của Tàu, bây giờ đã ưa dùng giầy hạ (tức gọi là giầy ta) rồi, nhân thế mà sự dùng đồ ngoại hóa, trong 10 phần, cũng đã giảm đi được một vài phần, biết đâu lâu dần không bớt được nữa. Đồ Bắc vào khiến cho đồ chế tạo của các cửa hàng ngoại quốc càng thiệt thòi, tuy bề ngoài chẳng có gì là xung đột nhau, nhưng nghĩ cho kỹ thì chưa chắc bề trong đã không có ý cạnh tranh ngấm ngầm. Tác giả khi còn ở Sài gòn, trong khi đi chơi ngẫu nhiên thấy một cửa hàng ngoại quốc kia ở phố Catinal, đem bày một dãy ghế mây, có treo cả biển có mấy chữ: “Fabrication locate”, nghĩa là đồ chế tạo trong xứ, mà xem kỹ thì những ghế ấy, cái thì khuôn méo, cái thì mây thô, rõ ràng là đồ của người Bắc chế ra, sao cửa hàng này bày ra mà viết mấy chữ như thế, là có ý chiêu hàng, hay là có ý biêu xấu; nếu chiêu hàng thì tất bày thứ tốt đẹp hẳn hoi, bày những thứ thế kia, có lẽ là cốt bêu xấu, tức là muốn giễu hàng chế tạo của ta vậy. Xem thế, ví bằng các nhà công nghệ mình, không bỏ cái tính cẩu thả, là lúc đắt hàng thì hay làm liều muốn bán tống đi được là thôi, vậy thì công nghệ Bắc đối với trong nam e có ngày thất bại, cho nên bây giờ chế một thứ đồ gì, cần phải cho kỹ lưỡng, phải cho tốt đẹp mới mong bán lâu dài được, chớ có tham lam giối trá không nên, mà phải biết rằng đồ chế tạo của mình, trong khi chưa bán được ra ngoài, thì phải lấy Nam kỳ làm chỗ tiêu thụ mới được, có chỗ tiêu thụ rồi, sau khuyếch trương ra mới dễ.
Duy có điều bây giờ còn hơi ngăn trở ở một chỗ: là sự vận tải. Ví với ngày xưa, đường bộ thì trạm dịch, đường thủy thì… mành, mà ngày nay đã có tàu bể và hỏa xa rồi, ai dám bảo rằng sự vận tải khó? Nhưng khó là bởi tự tình thế ấy trong nước mình. Ta chẳng lạ gì rằng: đường vận tải ở ta bây giờ, đường bộ từ Bắc vào Nam, thì chỉ nói việc giao thông, chớ không nói việc vận tải được; còn có đường thủy là nhờ tàu bể. Giá tàu mà năm bảy hãng gì,, thì sự vận tải chắc được mau chóng rẻ giá hơn; đằng này độc quyền chỉ ở một hãng, kỳ hạn đã lại thường khi đến mươi ngày hay nửa tháng mới có một chuyến nhận chở bao nhiêu kiện hàng đó, thì đã có hạn, nhiều hơn không thể chở được, thành ra khi nào đến ngày là “kỳ tàu”, những người có hàng muốn gửi, đều tranh thủ sợ sau, chậm chân một tí là đọng ngay lại, không thể gửi đi, ấy là chưa nói đến sự có một vài điều tình tệ ở trong, những người có hàng họ gửi đi, vẫn lấy làm phàn nàn lắm. Tiền cước cứ tính theo thước khối, thay đổi khoảng từ 10$, 12$ hay 14$, kể cả không lấy gì làm đắt lắm, nhưng là không đắt cho những thứ hàng to tát và có giá trị mà thôi, chứ những hàng lặt vặt thì cũng kể là nặng; phương chi những hàng như đồ khảm, đồ gụ, hình thù to, nếu tháo ra được còn khá, thường có đồ nều tháo ra là hỏng, mà phải đóng nguyên như thế gửi đi, thì công cước chuyên chở rất nặng nhọc và tốn kém lắm. Lại những sự bảo hiểm không được phân minh, cho nên kiện hàng khi mang lên vận xuống, bị ẩm ướt mất mát, người có đồ thường phải chịu thiệt nữa. Đái khái sự vận tải khó khăn, chậm chạp, tốn kém như vậy thành ra đồ Bắc chở vào được đến trong Nam, cái giá phải gấp đôi gấp ba, không có chừng đỗi nào cả, nhân thế mà đồ Bắc cũng có tiếng là đắt. Vậy tưởng công nghệ Bắc nên đem ngay vào trong Nam mà chế tạo là hơn.
Vả chăng, công nghệ cần thứ nhất là phải có nguyên liệu, mà những nguyên liệu ngoài Bắc dùng để chế tạo các thứ đồ đem vào bán trong Nam ấy, thì trong Nam có đủ cả, nói hẳn ngay là không thiếu thứ gì cũng được, bấy lâu chỉ để dư, hoặc vào tay người ngoại quốc dùng mất; nay nếu đem công nghệ Bắc vào ngay trong Nam mà làm mà bán thì một cái vấn đề nguyên liệu, quyết nhiên không lo thiếu: dệt thì có sẵn tơ ở Châu đốc, Tân châu, cói ở Rạch giá, làm đồ gỗ thì trong Nam rất sẵn gụ và nhiều thứ gỗ quý, không thì dùng gỗ ở ngay Cao miên đó cũng gần; khảm thì rất sẵn ốc và đồi mồi ở Hà tiên và Phú quốc… thế nghĩa là không lo đến sự phải đem nguyên liệu ở ngoài này vào mới làm được, mà chỉ lo đem thợ vào.
Cái vấn đề “đem thợ vào” này rất là khó, cho nên các nhà công nghệ ta thí nghiệm mãi không thấy có thành công gì lớn cả. Mấy năm trước, tác giả còn ở Nam kỳ, thấy trừ bọn thợ giày thợ mũ là thợ ngoài này đem vào cả, thì tuyệt nhiên không thấy một xưởng công nghệ của người Bắc nào cho xứng được cái tên, duy gần đây mới có nhà Tiến Đức ở Haiphong đem thợ vào mở xưởng đóng đồ gụ và nhà Chân Thụy đem thợ vào làm ghế cói thì còn có thể gọi là được đem công nghệ vào đôi chút, nhưng nghe nói cũng không phát đạt gì, cái cớ hình như cũng tại khó đem thợ vào vậy.
Thợ của mình hễ anh nào làm được việc, mà ông chủ phải ỷ làm tay chân đó thì hay có tính “khủng khỉnh” khó chiều lắm, mấy ông chủ biết thế mà vẫn phải chiều họ, vì họ có quan hệ đến sự lợi hại của mình, đã có ông nói rằng: “tôi phải chiều thợ như ông vua con của tôi”, tưởng không phải là nói quá. Ở ngoài này, là chỗ làm gì cũng sẵn thợ, vậy chẳng mướn đứa ấy thì mướn đứa khác, mà họ còn thế, nay đem họ vào Nam kỳ, là nơi chỉ họ là thợ mà thôi, nếu thất ý họ một tí mà họ bỏ đi, thế là công cuộc của mình, đang tiến hành bao nhiêu cũng phải đứng dừng ngay lại, có khi đến nguy, vì bọn thợ muốn phá công nghiệp của ông chủ thì rất dễ, chỉ “bỏ việc mà thôi” là đủ. Tuy đôi bên khi đầu có giao kèo hay là giấy cam đoan với nhau, nhưng miếng giấy ấy không đủ tin được, phương chi lại cũng không phải thật là giấy giao kèo cho hẳn, bởi không phải làm bằng cách chính thức, nghĩa là không có pháp luật và chính trị can thiệp nào, mà chỉ viết bằng miếng giấy lộn qua loa mấy chữ, gọi là có truyện, bởi thế sau xảy ra việc gì, đem những cái đó ra thi hành khó lắm. Chẳng qua đôi bên chỉ lấy lương tâm với nhau, mà lương tâm của bọn thợ như thế đấy. Họ đang làm với mình, bỏ đi đâu? Đi làm với chỗ hơn độ 5 hào hay một đồng bạc lương, vì bị xúi giục, bị cám dỗ nên mới sinh ra trở lòng làm hại cho các ông chủ, nông nỗi như thế, đối phó có phải dễ đâu.
Lại còn vấn đề đem thợ đàn bà vào nữa.
Trong công nghệ, có nhiều thứ phải cần đến tay chân đàn bà mới được, hãy nói như nghề dệt. Nhiều người biết thừa đi rằng: trong Nam kỳ bây giờ dùng the lụa của Bắc nhiều, mà cứ ở ngoài này gửi vào, phải bán mỗi cái áo đắt mất hai ba đồng bạc, vì tiền thuế má công cước nặng, nay giá có ngay thợ đàn bà ở ngoài này vào trong ấy dệt thì tiện hơn, nhưng chưa ai làm được, là bởi đem được thợ đàn bà vào là khó quá, một là không thể nói chuyện ký giao kèo được với họ, hai là phải làm sao giữ gìn được đức tính của họ, thì mới khỏi lỡ việc của mình, ba là đàn bà không thoát li được cái vòng gia đình mà đi dễ được như đàn ông. Không đem được thợ đàn bà vào dệt, là một điều đáng tiếc lắm, vì trong Nam kỳ cũng sẵn tơ, mà bấy lâu cứ bán cho mấy chú Hoa kiều đem về Tàu dệt hàng và bán cho mình mãi.
Xét lại, đem được thợ vào và giữ được họ làm việc với mình cho lâu dài chăm chỉ thì thật là một sự khó khăn, các nhà công nghệ ta đã phải chịu công nhận như thế. Nhưng vì đâu mà sinh sự khó khăn, tưởng không phải là không có cớ.
Thứ nhất cũng tại họ xa gia đình. Gia đình ở người mình, thật làm trung kiên cho mọi việc hay dở có ảnh hưởng ở đó mà ra lắm. Phương ngôn có câu rằng: “Xảy nhà ra thất nghiệp”, thất nghiệp nghĩa là “hư thân” đi, thì ra thấy ở bọn thợ ta rất hợp. Thật thế, họ xa gia đình, không có ai đe nẹt khuyên răn, lại đến ở một chỗ phồn hoa như đất Nam kỳ, càng dễ khiến cho họ nuôi cái tính kiêu căng và liều lĩnh lắm, thứ nhất là họ không biết lấy phận sự, và giai cấp của mình là người thợ mà tự xử, thành thế ra họ hại đã đành, mà người chủ đem họ vào cũng có hại nữa. Nhiều người đã nghiệm ra rằng: họ vào trong ấy thì sinh ra ăn chơi quá, thường chiều mát ở Sài gòn ta thấy bọn người lũ năm lũ ba kia, ăn mặc rất mực xa hoa, xe cao xu phóng khắp mọi chỗ, hỏi ra thì mới biết đấy là mấy ông thợ người Bắc. Ai chẳng biết cái khoái lạc về vật chất ở đời nay, không thể chia giai cấp, không thể ai cấm ai, nhưng tưởng vượt phận mình thì tưởng có khi sinh lụy. Quả nhiên, sau cuộc chơi mất mát ấy rồi, mấy ông thợ ấy mới dở ra nhiều trò khác: đua nhau đánh bạc, thuốc phiện, trai gái … suốt đêm rồi ngày mai về làm việc, mắt nhắm mắt mở, đụng đâu hỏng đó, ngày ấy ngày khác, chơi bời lãng phí thành ra cái tật quen, chỉ mong chóng mong việc để đi chơi, chẳng thiết gì cả. Khi vung tay quá, đâm nợ nần túng bấn, mới vay tiền chủ, được ra thì thành ra cái nợ chất nợ chồng, không bao giờ gỡ nổi, không được thì sinh sự, bỏ việc mà đi: có người đi còn kiếm được chỗ khác làm ăn, có kẻ đi bơ vơ chẳng ai dùng đến. Đại khái cái tình cảnh ấy, nếu có người nhà người cửa họ ở gần thì có đâu đến nỗi chơi bời, đến nỗi mất việc, đến nỗi bơ vơ?
Thứ hai là tại các ông chủ không có tình liên lạc. Cái nhà công nghệ ta ngoài này đem thợ vào làm, được một điều đáng khen là nuôi thợ ăn ở trong nhà mình, tình chủ thợ nhân thế có bề thân thiết, nhưng chỉ tiếc trong các ông ấy với nhau, không thấy có tình liên lạc, chỗ khuyết điểm ấy, ai cũng trông thấy rõ ràng lắm. Xét cái tâm lý của nhiều ông, hình như cho xứ Nam kỳ dễ làm ăn như thế này, mà mình mở ra một nghề gì, thì chỉ muốn một mình chiếm lấy độc quyền mà thôi, không muốn cho ai cùng làm cái nghề ấy mà phân lợi với mình nữa, ấy cái tình không liên lạc bởi đó mà ra. Tác giả xin kể một câu chuyện nhỏ này làm chứng. Ở phố Catinal, có nhiều cửa hàng bán mũ của người Bắc, trong đó có một ông A, một ông B, người thuật chuyện không nỡ nói tên, (tức là để bảo toàn danh dự cho các ông ấy) cạnh tranh nhau một cách con nít quá. Nguyên có một thứ dạ lợp mũ ở bên Tây mới sang đâu có vài trăm thước, mỗi thước giá đắt tới mười mấy đồng, vậy ông B ít vốn, chỉ mua dăm thước một về làm, hết rồi lại mua, ông A giàu có, bỏ tiền ra mua hết cả mấy trăm thước ấy về chất đống ở nhà, tức là để ông B không mua đâu được dạ ấy, thì không làm được thứ mũ ấy cùng với mình nữa. Trong khi công nghệ Bắc mới nhóm lên ở Nam kỳ, mà cái lối cạnh tranh của phần nhiều ông ấy, đại khái như thế cả, gọi là lối cạnh tranh tiểu nhân, tưởng cũng không oan. Các ông lại còn có lối cướp thợ của nhau nữa; sự đem thợ vào khó khăn thế nào, trên kia đã nói, muốn tránh sự khó khăn ấy, cho nên thường ông này chờ ông kia đem thợ vào rồi, tìm cách cám dỗ thợ về với mình, thế là không tốn kém nhọc nhằn gì mà được thợ làm việc, hay là tìm cách nói gièm, khiến cho bọn thợ phải biến tâm mà phản chủ. Ôi! Tình tệ còn nhiều, nói không thể hết được. Bọn thợ cũng có con mắt tinh, thấy bọn chủ đối với nhau như thế, thì lại càng làm cao giá, trễ nải công việc, vòi vĩnh lôi thôi, ví bằng các ông chủ có tình liên lạc với nhau, thì đâu họ lại có sinh sự như thế được.
Nay, muốn đem công nghệ Bắc vào trong ấy mà làm, thì một sự dưỡng dục được bọn thợ là khó nhất, vậy tưởng phải tìm phương pháp nào cho khéo, mới mong có thành công, lấy sự thế bây giờ mà bàn, nghĩ cũng có hai cách sau này là phải.
Trước hết khi đem thợ vào làm, thì sự phải kén chọn lấy những thợ giỏi giang, đứng đắn đã đành rồi, thế mà sau vẫn thường thấy xảy ra những nỗi bất tiện như trên kia, không biết thế nào mà lượng trước, cho nên giá ông chủ công nghệ làm sao cho vợ con hay thân nhân họ cùng đi, là một điều hay lắm.
Tiền lương ít nhiều không đủ giữ nổi họ, vì họ còn có chỗ nhiều lương hơn, nghĩa lý phải chăng không đủ cảm được họ vì họ là người vô học, vậy bây giờ ta lấy cách gián tiếp buộc họ là buộc bằng gia đình, có dễ là kế diệu hơn cả, đã có nơi thí nghiệm như thế có hiệu quả lắm rồi. Tại Rạch giá, có một cái đồn điền toàn người Bắc làm, ông chủ điền ấy cho mỗi người cấy chia ba mẫu mỗi hạn độ 3 năm, hết hạn người này muốn về thì ông chủ ruộng tìm cách đem vợ con ở ngoài này vào cho hắn, lập thành gia đình, thành ra buộc chân, mà không còn điều tưởng vọng gì nữa, chỉ một mực làm ăn mà thôi.
Nếu làm được như thế, thật có lợi cho họ và lợi cả cho mình, vì vợ con hay thân nhân họ cũng là nhân công cả đó, có khi giúp đỡ được việc cho chồng, hay là lợi dụng bọn này vào việc khác, thí dụ như nuôi tằm dệt cửi ... lại càng tiện việc lắm. Được thế, mà có khi bọn thợ nhân đó lập được địa vị, mưu được sản nghiệp về sau cũng nên. Bọn người Bắc vào Nam trước hết là bọn người do ông Schneider đem vào, mà bây giờ đều thành như người có căn cước ở trong ấy, lại lớn nhỏ đều có sản nghiệp cả, ấy là một chứng cớ vậy.
Sau hết, các ông chủ công nghệ phải có hội liên hiệp với nhau mới được. Phải có thế, tức là để khích tiến nghề nghiệp của nhau lên, giữ thể thống đó với bọn thợ, lòng tín nhiệm đối với khách mua hàng, cùng là cái giá trị của đồ chế tạo mình giờ cũng có chừng mực, đừng nên thừa lúc người trong Nam đã chiếu cố đến mình, mà có lòng tham bán của giả lấy tiền thật, chắc không được bền. Không cần xem đâu xa xôi, hãy xem mấy nhà công nghệ Hoa kiều ở ta, nghề gì họ chẳng có hội liên hiệp nghề ấy, để gắn bó bênh vực cho nhau, cho nên cùng một thứ đồ ấy ở hàng này hàng kia, không bao giờ ta thấy tốt xấu cách nhau xa, giá cả cách nhau xa, mà cũng chẳng bao giờ có cái lối gièm hàng và cướp thợ của nhau như ta vậy. Tác giả đã từng đem cái tình hình công nghệ của người Bắc ở trong Nam để phô trương với một người Hoa kiều ở Chợ lớn, tức là có ý dò cái bụng phán đoán của họ ra sao. Người này nói: “Các ông nên biết người Việt Nam chưa bỏ nổi cái tính ưa đồ tàu đi được, nay các công định đem đồ của mình thế vào, thì tất đồ ấy phải tốt, phải rẻ, thế mà xem cái hiện tình công nghệ của các ông trong này bây giờ: đồ chế tạo thì quyết nhiên không phải chúng tôi không cạnh tranh được, còn thợ, thì chúng tôi chỉ dử tiền là cám dỗ được họ, các ông chủ công nghệ, thì chúng tôi chỉ dùng kế nhỉ mà li gián là tự làm hại nhau ngay...”. Bằng ấy lời đủ biết họ hiểu rằng mình không có cái nghĩa “đồng nghiệp liên đái” vậy.
Xem hết cái sự thế như vậy, thì các nhà công nghệ ta muốn kinh doanh trong Nam kỳ, có nên không liên lac để bênh vực giúp đỡ nhau không? Nếu không, thì không những là bị người ngoài thừa cơ ám hại, bọn thợ thừa cơ khinh nhờn, mà đồ chế tạo ngày một kém suy, khách mua hàng ngày mất tin cậy, thì công cuộc tất nguy. Làm một công cuộc gì, sự thành bại vẫn biết là việc thường, nhưng đối với nền công nghệ Bắc mới hay là sắp xây dựng ở trong Nam thì một công cuộc nguy, cũng có quan hệ đến đại cục nhiều lắm.
Tác giả dám chắc rằng: nền công nghệ Bắc lập ở trong Nam thế nào cho chắc chắn vững vàng có thế bành trướng ra được, thì công nghệ của Hoa kiều và ngay đến đồ chế tạo của ngoại quốc nữa cũng chịu ảnh hưởng xấu xa lắm vậy.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook