Thập niên 80: Nữ phụ xinh đẹp
-
Chương 11: 11: Bà Lưu
Sơn Trà suy nghĩ nửa buổi tối, chuẩn bị thật kỹ càng tỉ mỉ con đường tiếp theo mà mình định sẽ đi.
Kể cả sau này Chu Bình An có thăng chức cực nhanh đi chăng nữa, thì cô cũng chẳng ham hố tới mức đi làm mẹ kế cho người ta, “chuyện tốt” này, nếu Tưởng Ngọc Trân muốn thì cứ nhường lại cho cô ta là được.
Dựa dẫm vào người khác chẳng thà tự dựa vào bản thân, ai có tiền cũng không chắc chắn được bằng tự chính cô có tiền.
Thế nên thay vì khiến cho hai mẹ con Tưởng Ngọc Trân nếm mùi đau khổ, trước mắt chuyện quan trọng hơn đối với cô đó chính là kiếm tiền.
Là một thế hệ giàu có đời thứ hai, từ lúc sinh ra Sơn Trà đã chẳng bao giờ phải lo nghĩ đến chuyện tiền bạc, nhà ở cũng chính là biệt thự, đi học thì được học nhiều nhất là nghệ thuật tiêu tiền và thiết kế, sau khi tốt nghiệp bằng thạc sỹ thì tự nghĩ nghệ danh rồi bắt đầu con đường làm nhà thiết kế.
Ăn, mặc, ở, đi lại đều được sắp xếp cực kỳ thoả đáng, chưa từng để cho cô phải vì tiền bạc mà nhăn mày lấy một lần.
Kết quả không ngờ lại sẽ có một ngày xuyên sách, nghèo đến nỗi trong túi không có nổi một xu.
Sơn Trà chỉ có thể ở trong lòng cảm thán một câu sự đời khó lường.
Đầu những năm tám mươi, nền kinh tế còn chưa bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc, nhưng cũng có rất nhiều cơ hội tiềm ẩn, thời đại này giống như nơi đầu gió, chỉ cần tìm được đúng cách, thì kể cả có là heo cũng có thể bay lên được, đối với một cô chiêu nhà giàu tốt nghiệp thạc sỹ như Sơn Trà mà nói thì càng không có gì khó khăn.
Có điều làm gì thì cũng cần phải có tiền vốn.
Nguyên thân sống ở dưới mí mắt Triệu Xuân Hoa nhiều năm như vậy, ngay cả một quả trứng gà còn bị bà ta khóa ở trong ngăn tủ không cho nhìn thấy, vậy nên dĩ nhiên trong tay sẽ không thể tích cóp được gì rồi, cho nên việc cấp bách của Sơn Trà, đó là phải nghĩ cách để kiếm được một ít tiền làm bước khởi đầu.
Tuy rằng thời buổi này dễ dàng gây dựng được sự nghiệp, nhưng những việc nằm trong khả năng lại nhiều như vậy, muốn tìm ra thứ phù hợp với Sơn Trà nhất, cũng không phải là đơn giản.
Điều quan trọng là cần tiền vốn thì không nói, chưa kể nơi xa xôi hẻo lánh ít có cơ hội, kiếm tiền sống cũng toàn phải vào trong thị trấn, kể cả cô có muốn vào thị trấn, thì trước tiên cũng phải móc ra được tám đồng tiền vé xe đã.
Mà nếu như tự dựa vào chính mình, thứ duy nhất mà Sơn Trà có thể làm được nhanh chóng mà lại hữu dụng trước mắt, cũng chỉ có thể làm quần áo.
Nghe Sơn Trà nói muốn dùng máy khâu, bà Lưu cũng không hỏi nhiều lấy một câu, đã cho cô mượn máy khâu, hơn nữa còn cẩn thận dạy cô nên dùng như thế nào.
Máy khâu này là lúc con trai út của bà còn sống đã nhờ người mang từ trong thị trấn về cho bà, bà nâng niu nó chẳng khác nào bảo bối, lần này cũng may là Sơn Trà mượn, chứ nếu đổi lại là người khác, chắc chắn bà cũng sẽ không cho nhìn lấy một cái.
Tuy rằng Sơn Trà chưa từng động vào loại máy khâu kiểu cũ này bao giờ, nhưng học theo lại rất nhanh, dù sao những thứ này đều có cơ chế hoạt động na ná nhau, từ cái nọ suy ra cách dùng của cái kia cũng không khó lắm.
Cô ghi nhớ thật kỹ những điều bà Lưu dạy cho mình, không mất quá nhiều thời gian, đã hoàn toàn học được cách dùng nó vô cùng thuần thục.
Đợi khi học xong rồi, bà Lưu mới có thời gian hỏi cô: “Trà à, cháu học cái này làm gì vậy? Có phải mẹ kế của cháu lại gây chuyện gì với cháu nữa rồi đúng không?”
Sơn Trà lắc đầu, bây giờ cô không gây chuyện với Triệu Xuân Hoa đã là tốt lắm rồi, Triệu Xuân Hoa còn muốn gây chuyện gì với cô nữa?
Có điều đang là ở trước mặt bà Lưu, cô vẫn giữ dáng vẻ của nguyên thân, nhỏ giọng nói: “Bà ơi, cháu muốn tìm chút việc để làm, để kiếm một ít tiền thôi ạ.”
Tuy rằng cô không hề có ý muốn tố cáo, nhưng bà Lưu nghe xong, sao còn không hiểu nữa chứ.
Ở trong mắt của bà, Sơn Trà chỉ là một cô bé mười mấy tuổi, từ sau khi Triệu Xuân Hoa gả vào nhà họ Tưởng, cô ấy chưa từng được yên ổn một ngày nào, Triệu Xuân Hoa luôn muốn có được thanh danh tốt, nên có mặt người ngoài thì cũng không dám quá mức khắt khe với cô ấy.
Nhưng mà trên thực tế cuộc sống của Sơn Trà như thế nào, bà ấy lại biết rất rõ.
Ở nhà có thể được ăn một bữa no cũng phải để xem tâm trạng của Triệu Xuân Hoa có tốt hay không, càng đừng nói đến chuyện cho cô ấy lấy một đồng.
Nhưng con gái đang tuổi lớn sao có thể ngay cả một xu cũng không có được, cho dù không tiêu vào những chuyện khác, thì ít nhất khi con gái tới kỳ kinh thì cũng phải tốn ít tiền để còn mua vải bông về dùng nữa chứ.
Sơn Trà vừa nói như thế, bà Lưu lập tức cảm thấy nhất định là Sơn Trà mới bị Triệu Xuân Hoa ức hϊếp.
Bà thở dài, dùng bàn tay thô ráp kéo Sơn Trà lại vỗ vỗ, nói: “Cháu cũng phải sống thật không dễ dàng, nếu đã có suy nghĩ muốn kiếm tiền, vậy bà giúp cháu.
Sau này cháu muốn dùng máy khâu của bà thì cứ việc tới, người khác bà không cho mượn, nhưng cháu dùng thì chắc chắn là không thành vấn đề.”
Nói rồi xoay người vào nhà lấy ở trong ngăn tủ ra một túi vải thô, từ bên trong móc ra mấy tờ tiền nhỏ.
“Cho cháu đấy, cầm đi, có cần thứ gì thì đi mua.”
Tuy rằng Sơn Trà từ trong ký ức của nguyên thân đã biết bà Lưu là người như thế nào, nhưng đây cũng mới là lần đầu tiên cô tiếp xúc với bà ấy, cô không ngờ hai người không thân cũng chẳng quen, vậy mà bà Lưu lại đối xử tốt với cô như thế, trong lòng vốn đang không hề gợn sóng, cũng lập tức có chút cảm động.
Có điều cảm động thì cảm động, nhưng mà chỗ tiền này cô chắc chắn sẽ không nhận.
Số của bà Lưu không được tốt, sinh được ba người con trai, cả ba đều gia nhập quân đội, hai người chết vì chiến tranh, khó khăn lắm người con trai út còn sống sót còn được nhậm chức trong quân đội, tiền đồ xán lạn, cuối cùng lại mất mạng trong một lần hăng hái ra tay vì việc nghĩa.
Hồi còn trẻ bà không có chồng, sau khi về già lại lần lượt mất con trai, bệnh nặng một trận suýt thì không qua khỏi.
Sau đó bà được cứu về, lãnh đạo bên trên nói tìm chỗ ở cho bà lần nữa, cũng nhân tiện tìm người giúp chăm sóc bà.
Nhưng bà cũng từ chối, bà không muốn thêm phiền phức cho Đảng và nhà nước, cho nên đã tự mình mang theo tro cốt của con trai út trở về nhà.
Bà không có con cái, lẻ loi một mình sống ở nơi này cũng đã nhiều năm.
Tuy rằng nhà nước có viện trợ phần nào, nhưng dù sao cũng đã lớn tuổi, rất nhiều chuyện đều lực bất tòng tâm.
Thời gian đầu, mọi người đều biết trong tay bà có tiền trợ cấp, vì thế năm mà bà vừa trở về thôn, bà gặp chuyện gì là người của nửa thôn đều chạy tới giúp.
Nhưng sau đó thấy không vớt được lợi lộc gì từ trên người bà, dần dần cũng chẳng có ai tới nữa, chỉ có nguyên thân là thường hay chạy tới chỗ này của bà lúc rảnh rỗi.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook