- Cái gì? Các vị muốn ta làm hoàng đế? Tại sao? – Trần Quý Khoáng giật mình đứng dậy nói



- Bình tĩnh bình tĩnh, ngài cứ ngồi xuống nghe ta nói – Mạnh giơ tay ý bảo mời ngồi, đợi khi Trần Quý Khoáng ngồi xuống rồi, Mạnh mới nói tiếp – mấy ngày nay ngài đi thăm Hội An thấy thế nào?



- Dân chúng an cư lạc nghiệp, quân dung chỉnh tề mạnh mẽ. – Trần Quý Khoáng thật lòng nói



- Ngài nghĩ sao nếu toàn dân Việt đều có thể như thế?



- Việc này có liên quan gì đến việc ta lên làm vua?



- Có đấy, Khổng Tử nói, danh bất chính ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tất sự bất thành, lễ nhạc bất hưng, hình phạt bất trúng. Bởi vậy chúng ta cần một cái biểu tượng chính nghĩa



- Ngôi vua của ta chỉ là biểu tượng thôi sao, có khác gì là bù nhìn... – Trần Quý Khoáng tức giận nõi



- Không không không. Ngôi vua là biểu tượng là đúng, bù nhìn là sai. Bởi vì theo luật mà chúng tôi sắp ban ra, ngôi vua là tượng trưng của quốc gia, sẽ được hưởng một số quyền lợi như có hoàng cung, có chiến hạm cùng một số quyền lợi về kinh tế cùng chính trị, nhưng tuyệt đối sẽ không có quyền lợi về quân sự.



- Thật là hồ đồ, nước làm sao có thể một ngày không có vua?



- Hội An đâu có vua, mà dân chúng vẫn sống tốt đấy thôi



- Việc này...



- Tôi chỉ hỏi ngài 1 việc, ngài nghĩ cuộc sống của dân chúng quan trọng, hay quyền lực của hoàng tộc quan trọng?




- Thôi được rồi – Trần Quý Khoáng suy nghĩ 1 lúc – tôi đồng ý. Nhưng – mắt cậu ta sáng lên – ta muốn chiến hạm Victoria I



- Ặc... không được



- Tại sao, không phải ngươi vừa nói



- Chúng tôi đang lên kế hoạch đóng chiến hạm 3 tầng, trang bị 108 pháo, đặt tên là Chiến hạm Trùng Quang. Nó mới xứng với tầm vóc của ngài chứ, thưa bệ hạ.



Trần Quý Khoáng cười vui vẻ, rồi cùng Mạnh bàn bạc kỹ hơn về phương hướng phát triển của Liên Việt. Vị hoàng đế tương lai lúc này tự đặt mình vào vị trí của một thành viên của hội, chứ không phải là người kế thừa của nhà Trần nữa. Mạnh cũng rất vui mừng được thấy điều này.



Lại tiếp tục là những buổi tiệc, những buổi nói chuyện bí mật, thuyết phục, đe dọa, lôi kéo, cuối cùng, mấy vị khách quý đều đồng ý ra nhập hội Liên Việt. Đặc biệt là mấy người trẻ tuổi như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên hãn, đều tỏ ra rất tò mò và háo hức với các phát minh của hội Liên Việt. Mạnh cũng tổ chức những buổi thăm quan nhỏ, thăm quan nhà máy dệt, nhà máy cơ khí, xưởng đóng tàu... cho các vị khách. Đồng thời Mạnh còn đề nghị mấy người trẻ tuổi này ra nhập Học Viện quân sự Hội An sắp khánh thành. Trần Nguyên Hãn muốn trở về hỏi ý kiến mẫu thân, còn Nguyễn Trãi thì lập tức đồng ý ngay.



------------



Tháng 9, khi chiến hạm 48 pháo của Liên Việt hạ thủy, cũng là lúc tin dữ bay đến từ đất Chăm, La Khải bị tướng của mình là Chế Lam Lũ cướp ngôi, giết hại. Mỏ sắt của hội Liên Việt bị đóng cửa, công nhân bị bắt làm tù binh, 1 chiếc xà lan cũng bị giữ lại ở cảng Đồ Bàn. Việc này lập tức châm ngòi chiến tranh Việt – Chiêm, sử gọi Trận chiến ra đời đế quốc



Đầu tháng 10, chiến hạm Victoria I, Victoria II cùng chiến hạm Bà Triệu 48 pháo mới hạ thủy, kéo theo 10 chiếc xà lan chuyên chở 3000 lính thủy đánh bộ do Gia Bảo dẫn đầu, men theo bờ biển tiến về phía Nam. Trên tàu còn có 2 vị khách đặc biệt, Trần Quý Khoáng và Nguyễn Trãi. Hai người trẻ tuổi đã trải qua một đợt huấn luyện quân sự, đang mặc đồng phục thủy quân Liên Việt, đứng trên boong chỉ huy tàu Victoria I, cùng Jame trao đổi một số vấn đề liên quan đến buồm cùng với chiến hạm. Đồng thời, 2 vạn lính Chiêm, 5000 lính Việt, 500 pháo binh cùng 200 kỵ binh bắt đầu được theo đường bộ tiến vào lãnh thổ Chiêm Thành. Trần Nguyên Hãn cũng được bố trí đi cùng đội quân này.



Quân Liên Việt tấn công cực kỳ thuận lợi, chỉ 3 ngày đã tiến đến ngoại ô Đồ Bàn. Lý do rất đơn giản, thứ nhất, người Chiêm năm qua nhận được rất nhiều lợi ích, cũng đã quen với sự có mặt của sản phẩm của Liên Việt, vô cùng biết ơn vua La Khải anh minh. Nay Chế Lam Lũ cướp ngôi, hại chết La Khải, các tướng tuy bị ép phải thuần phục, nhưng trong bụng không cam tâm, hoặc là chỉ nghe quân Liên Việt bắn pháo liền ra lệnh đầu hàng, hoặc là ra nhập ngay vào quân Liên Việt. Thế nên quân Liên Việt thế mạnh như chẻ tre, chẳng mấy chốc mà đã chiếm hết các huyện giáp biên giới.



Ở Đồ Bàn, Chế Lam Lũ lo sợ không yên, lập tức triệu tập sứ thần Đại Minh. Đó là một gã béo mập, đôi mắt híp tịt, mặt núng nính đầy những mỡ



- Hòa đại nhân, ngài phải giúp tiểu vương, quân Liên Việt sắp đánh đến chân thành rồi.



- Yên tâm, yên tâm. Ngài chỉ cần đem quân thủ vững thành trì, đợi khi thiên triều xuất binh đến cứu viện là quân địch lập tức phải tan ngay ấy mà – Viên quan nhà Minh được gọi là Hòa đại nhân đó lập tức liền an ủi Chế Lam Lũ, nhưng trong bụng không ngừng chửi thầm tên này ngu xuẩn, cùng quân Chiêm hèn nhát, chưa đánh đã chạy sạch



Đúng lúc này, một người lính Chiêm hớt hải chạy vào báo



- Bẩm đại vương, quân Liên Việt, quân Liên Việt đánh vào cảng rồi ạ.



- Cái gì...



Cả Hòa đại nhân lẫn Chiêm vương Chế Lam Lũ đều sửng sốt thốt lên



------------



Đoàng!!! Đoàng!!! Đoàng!!!... Các họng pháo từ 3 chiếc chiến hạm thi nhau nã vào cảng Đồ Bàn. Pháo đánh nổ tung các chiến hạm gỗ của quân Chiêm, pháo đánh gãy cột buồm tàu đánh cá, pháo đánh nổ tung những cột cờ tung bay, pháo thổi bay thủy quân Chiêm lên trời ngắm cảnh... Suốt 15 phút oanh tạc, bến cảng của quân Chiêm đã không còn ra hình dáng gì nữa. Những cột khói đen nghi ngút bay lên. Qua ống nhòm dã chiến, Nguyễn Trãi và Trần Quý Khoáng mắt trợn trừng nhìn cảnh hoang tàn đổ nát ở Đồ Bàn, khẽ rùng mình một cái. Hỏa lực của Liên Việt quả thực quá khủng bố rồi.



Lúc này, 10 chiếc xà lan bắt đầu xịt khói đen nghi ngút. Lò hơi được mở lớn, than đá, gỗ được ném vào lò. 10 chiếc xà lan dã chiến chở theo 3000 lính thủy quân lục chiến bắt đầu đổ bộ lên cảng Hội An.



Vèo! Vèo! Vèo!... Ầm! Ầm! Ầm!... Những quả đạn cối được phóng ra từ trên xà lan, vẽ một đường cong đẹp mắt rồi rơi xuống nổ tung trên bến cảng. Quân Chiêm trên bờ cũng thi nhau phóng ra những mũi tên nhọn, nhưng chỉ có thể đánh vào vỏ ngoài xà lan kêu long cong, rồi rơi xuống đáy biển. Trái lại, pháo cối của quân Liên Việt lại có thể rơi xuống đầu quân Chiêm và nổ tung.



Cuối cùng thì xà lan cũng mắc cạn. Những cánh cửa sắt khổng lồ được mở ra, 3000 chiến sỹ thủy quân lục chiến ôm súng trường lao lên bờ cát



Quân Chiêm cũng lợi dụng cơ hội khi cửa xà lan mở ra để bắn tên. Mấy chục chiến sỹ Liên Việt bị trúng tên, ngã gục xuống nước. Máu của các chiến sỹ Liên Việt chảy ra nhuộm đỏ cả một vùng ven bờ. Từng cơn sóng đỏ ngầu đánh dạt lên bờ biển, xác lính nổi bập bềnh trên mặt nước. Quân Chiêm ỷ vào quân số đông hơn và dựa vào các cao điểm, có bờ cát yểm hộ để bắn tên xuống quân Liên Việt. Gần trăm chiến sỹ thủy quân lục chiến Liên Việt đã ngã xuống trên bờ cát. Cuối cùng, dưới sự yểm trợ của pháo cối phóng ra đạn lửa, quân Liên Việt cũng đã chiếm được bờ cát. Tiếng súng nổ vang lên khắp nơi. Các chiến sỹ Thủy quân lục chiến được trang bị súng trường Liên Việt 1401-t3, liên tục trút đạn xuống đầu quân địch. Dưới sự yểm trợ của đồng đội, đội cảm tử cũng áp sát được khu vực cồn cát, ném những quả lựu đạn hay những bao thuốc nổ về phía trận địa của quân Chiêm.




ẦM!!! ẦM!!!... Những tiếng nổ dữ dội vang lên, quân Chiêm bị nổ tan xương nát thịt.



- Xung phong!!! – Gia bảo đứng dậy, hô lớn



Tất cả lính Liên Việt đều đứng dậy, rút lưỡi lê đeo ngang hông lắp vào rãnh ở mũi súng, khóa chặt lại, rồi xông lên. Quân Chiêm bị áp đảo về hỏa lực, lại bị cắt nhỏ, sỹ khí giảm sút, nhanh chóng bỏ chạy mất mật. Trận đổ bộ đầu tiên của Liên Việt, giết chết quân địch 4000 người, bắt sống 3000, quân địch bỏ chạy khoảng 5000. Thủy quân lục chiến Liên Việt nhanh chóng giải cứu các thuyền viên xà lan vận chuyển khoáng sản cùng các thợ mỏ Liên Việt bị bắt giam trong cảng, ổn định lại đội hình. Trận này có 125 lính Liên Việt nằm lại trên bờ cát trong chuyến đổ bộ, 54 người bị thương.



Trần Quý Khoáng và Nguyễn Trãi cùng Jame lên xuồng xà lúp đổ bộ lên đảo. Nhìn cảnh máu chảy đầu rơi, thây chất ngổn ngang, hai vị xuất thân quý tộc này đều nôn ọe không ngừng. Jame bắt chước Mạnh cười nói



- Nôn đi, nôn đi, nôn dần rồi sẽ quen...



Chỉnh đốn quân đội ở bến cảng một chút, thủy quân lục chiến bắt đầu hành quân hướng về phía Đồ Bàn. Vũ khí bọn họ mang theo có 3 khẩu cối, 2 khẩu lựu pháo 12mm, 2 khẩu sơn pháo 20mm, súng ống đạn dược, 1 khẩu trung liên cùng 5000 viên đạn. 3000 tù binh Chăm, ngoại trừ mấy chục tên tướng lĩnh các cấp, còn lại bị ép cởi bỏ vũ khí, rồi trả tự do cho bọn chúng về quê an dưỡng. Lúc này Gia Bảo cùng Jame cũng không có thời gian và công sức mà chăm sóc tù binh, mà giết họ thì lại không thể nhẫn tâm ra tay được, thôi thì thả ra cho lành.



-------------



Nam Kinh, kinh đô Đại Minh



- Bẩm bệ hạ, có quan Đô Úy Cẩm Y Vệ Dương Bất Lực xin cầu kiến – tiếng eo éo của một tên thái giám vang lên



- Cho hắn vào – Chu Đệ phất tay, tiếp tục cúi mặt xem tấu chương



- Vi thần Đô Úy Cẩm Y Vệ Dương Bất Lực bái kiến bệ hạ. Ngô hoàng vạn tuế, vạn tuế vạn vạn tuế



- Ái khanh bình thân – Chu Đệ đặt tấu chương xuống, ra hiệu cho Dương Bất Lực đứng dậy, rồi hỏi – Ái khanh vội vàng xin gặp trẫm có chuyện gì khẩn cấp sau?



- Ngô hoàng minh giám, quân Giao Châu đã xuất phát tấn công nước Chiêm Thành, sứ thần Hòa đại nhân hạ lệnh cho người khẩn cấp đưa thư 800 dặm cấp báo về kinh, xin Ngô hoàng xuất binh cứu viện Chiêm Thành – Dương Bất Lực nói rồi trình lên một bản tấu



Chu Đệ cầm bản tấu lật ra xem, hỏi



- Việc này là do Hồ Nguyên Trừng làm?



- Bẩm Ngô hoàng, không phải. Là do một người hầu tước ở châu Thuận hóa làm.



- Hầu tước?



- Đúng, là hầu tước mà lần trước dâng lên bệ hạ và nương nương chiếc kính thần kỳ đấy ạ



- À, trẫm nhớ rồi. Lần này Trương đô đốc sang Giao Châu, nhớ dặn hắn đem những người tài này về cho trẫm.



- Tuân chỉ.



- Về việc Chiêm Thành, liền lệnh cho Thủy quân đô đốc Mông Trạch Đao dẫn theo 9 chiến thuyền, 1 vạn binh sỹ đến cứu viện cho quân Chiêm – Chu đệ ra lệnh



- Vi thần tuân chỉ! - Dương Bất Lực chắp tay vái rồi lui ra ngoài.



---------




UỲNH!!! UỲNH!!! UỲNH!!!... Bên ngoài thành Đồ Bàn, quân Liên Việt không công thành, mà lại đào vô số chiến hào chằng chịt, rồi từ trận địa pháo bên ngoài ra sức nã pháo về phía Đồ Bàn. Trần Nguyên Hãn thấy thế liền tìm đến tư lệnh lực lượng Liên Việt là Huỳnh Văn Nam để thắc mắc



- Tướng quân, tại sao lại không tấn công ngay khi sỹ khí đang hăng hái, mà lại bắt binh sỹ đào hào, nhỡ quân địch nhân lúc sức quân ta mệt mỏi, ùa ra đánh thì sao – Trần Nguyên Hãn vẻ mặt lo lắng hỏi Huỳnh Văn Nam



- Đừng gọi ta là tướng quân, gọi tư lệnh ấy. – Nam mỉm cười chỉnh lỗi cho viên tướng trẻ, rồi nói – Sở dĩ ta không đánh thành ngay mà để quân sỹ đào địa đạo, nguyên nhân lát nữa ngươi sẽ biết



---------



Trên tường thành Đồ Bàn, Hòa Thiu Hòa đại nhân đứng cạnh vua Chiêm, nhìn quân Liên Việt vuốt râu mà cười, nói rằng



- Tướng Liên Việt thật không hiểu binh pháp, mới đến không nhân sỹ khí đang thịnh mà công thành, lại bắt binh sỹ lao động mệt mỏi, thật là kẻ vũ phu. Chỉ cần bệ hạ ra lệnh tượng binh cùng kỵ binh ra công, lại cho bộ binh theo sau, một trận tất phá địch



- Hòa đại nhân nói chí lí. Chế Cha Nan, lệnh ngươi dẫn 10 thớt tượng binh, 4000 kỵ binh cùng 1 vạn bộ binh ra ngoài, tấn công quân địch. – Chế Lam Lũ cười lớn ra lệnh



- Thần tuân lệnh – Một tướng Chiêm râu ria xồm xoàm, nước da đen láy nói lớn, nhảy xuống thành lầu dẫn voi xông trận



------------



“Pháo binh, ngắm chuẩn tường thành cho ta” - Huỳnh Văn Nam hạ lệnh. Các sỹ quan Pháo binh cũng bắt đầu đo đạc, bắn thử, rồi bắt đầu chỉnh tọa độ pháo



KITTT... Cánh cửa thành to lớn được mở ra, mấy chục con voi trang bị sặc sỡ, bành voi dệt gấm có tua vàng, trên có lọng che. Quản tượng ngồi trên lưng voi, cầm búa gõ vào sọ để ra lệnh. Bên trên lưng voi còn có gắn một cái bành, bên trong có 3 lính Chiêm, một người cầm câu liêm, một người cầm khiên tròn và đao, một người cầm cung, có 2 con voi trên bành voi còn được gắn hỏa pháo. Theo sau đàn voi chiến là mấy ngàn kỵ binh, cầm khiên mây và giáo dài, dàn hàng ngang ngay phía sau lưng voi. Cuối cùng là bộ binh, trang bị lộn xộn, hàng ngũ vô kỷ luật, quân kỳ ngả ngớn, ùn ùn tràn ra khỏi cổng thành.



“Tiến lên!!!” – Chế An Na vung đao, lớn tiếng ra lệnh. Các quản tượng người Chăm ở trên lưng voi thúc voi tiến lên, pháo cùng tên ra sức bắn về phía quân Liên Việt, nhưng làm sao có thể thương tổn được những người lính nấp dưới chiến hào, nên chỉ có rải rác vài người lính bị trúng tên lạc mà thôi.



“Bắn!!!” Sỹ quan pháo binh hạ lệnh. Những nòng pháo đen sì gầm lên, nhả đạn vào đội hình dày đặc của quân Chiêm. Khói súng mù mịt cả bầu trời. Mấy con voi trúng đạn rú lên, ngã nghiêng người đè chết một đám kỵ binh và bộ binh Chiêm.



“Bắn!!!” Sỹ quan lục quân cũng ra lệnh. Những chiến sỹ Liên Việt thò đầu khỏi chiến hào, phóng ra những mũi tên sắc bén, quét ngã hàng loạt quân Chiêm.



Đàn voi trận của Chiêm bị hoảng sợ, lập tức rú lên, quay đầu bỏ chạy, húc chết, dẫm chết không biết bao nhiêu quân Chiêm.



Nhưng chỉ trong khoảng ngắn thời gian, kỵ binh quân Chiêm đã đến sát tuyến phòng thủ thứ nhất của quân Liên Việt. Nhưng khi bọn chúng đến nơi thì các chiến sỹ Liên Việt đã nép vào thành Chiến hào, dùng giáo hay câu liêm đánh lén quân Chiêm, hoặc bắn lén. Khi kỵ binh quân Chiêm vừa vượt qua trận địa thứ nhất, lực lượng phòng thủ Liên Việt liền nhô lên, hướng về phía bộ binh Chiêm ném lựu đạn. Quân Liên Việt ở tuyến 2 cũng dùng nỏ và đạn chì tiếp đón kỵ binh Chiêm.



ẦM!!! ẦM!!!... Tiếng nổ, khói lửa bốc lên mù mịt. Tiếng người kêu thét, tiếng ngựa hí, voi gào vang lên khắp nơi. Quân Chiêm bị nổ tung, sợ hãi khóc la bỏ chạy, vứt cả gươm giáo lại. Quân Liên Việt cũng không đuổi theo, chỉ dùng súng và nỏ bắn sau lưng, tiêu diệt sinh lực địch. Khi tên lính Chiêm cuối cùng rút vào thành, cửa thành đóng kín lại, cũng là lúc tiếng reo vang lên từ trận địa của quân Liên Việt, cùng khúc quân ca



“Bao chiến sỹ anh hùng, cùng vung gươm ra sa trường. Quân xung phong, nước non đang chờ, mong tay người hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời. Ngựa phi nơi xa kia nghe súng vang lưng trời hồi kèn rộn ràng, là trang nam nhi, quyết chiến xa trường, sống thác coi thường, mong thác trong da ngựa bọc thân thể trai...”



Điệu nhạc rộn rã thúc giục sỹ khí của quân Liên Việt, làm kẻ thù phải run sợ. Sau trận chiến thử này, quân Chiêm thiệt hại 6000 lính, trong đó có hơn một phần ba là bị voi giày chết. Liên Việt chết 17 người, bị thương 74 người...


Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương