Thần Thoại Hy Lạp
Quyển 1 - Chương 8: Cuộc giao tranh với Typhon

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Nữ thần Gaia vẫn không nguôi mối oán hận trong lòng. Bà vẫn muốn giải thoát cho các Titan bị giam giữ trong lòng đất. Lần này Gaia giao sứ mạng phục thù cho Typhon. Như trên đã kể, cuộc tình duyên của Gaia với Tartare đã sinh ra Typhon; một con quỷ thần cực kỳ hung dữ, cực kỳ quái dị. Hắn cao chót vót tưởng như đầu chạm tới trời, lưng rộng mênh mông tưởng chừng như sông dài biển cả, tiếng nói ầm ầm tựa thác đổ sấm rền. Hơn nữa Typhon còn biết nói đủ mọi thứ tiếng của vạn vật, muôn loài. Hắn có thể sủa như chó, hót như chim, rú như sói, rống như bò, kêu như dê, gầm như sư tử... Chỉ dang hai tay ra là tưởng như Typhon có thể ôm được cả châu Âu, châu Á vào lòng. Đầu của Typhon không phải là đầu người mà là một trăm cái đầu rồng, đầu rắn tua tủa, ngoằn ngoèo, quằn quại, lúc nào cũng lăm le như muốn quấn, muốn siết lấy ai. Có chuyện lại kể, đó là những ngón tay của Typhon. Typhon lại có cánh để bay khắp mọi nơi. Cả mắt cả miệng đều có thể phun ra lửa, những ngọn lửa có lưỡi dài hung tợn có thể liếm băng mọi thứ trên đời. Mình Typhon là một lớp vẩy cứng, lớp vẩy mà ngày nay chúng ta có thể thấy ở loài bò sát như con kỳ đà, cá sấu. Typhon rất hung hăng và táo tợn, đâu đâu hắn cũng có thể sục sạo, luồn lách, len lỏi đến, cho nên hắn rất kiêu căng, ngang ngược. Các vị thần Olympe đã đối phó với Typhon ra sao? Đây là một sự thật đáng buồn, không lấy gì làm vẻ vang cho các vị, song lại không thể che giấu được. Các vị chỉ có mỗi một cách đối phó là... cao chạy xa bay. Tam thập lục sách tẩu vi thượng sách! Các vị chạy thẳng một mạch sang tận Ai Cập.

Thế nhưng có một vị thần của các vị thần dám trụ lại đương đầu với Typhon. Đó là thần Zeus. Chẳng phải kể dài dòng chúng ta cũng đoán biết được cuộc giao tranh lần này ác liệt, khủng khiếp gấp muôn ngàn lần hai cuộc giao tranh trước. Typhon phóng lửa thiêu đốt hết mọi vật xung quanh. Zeus liên tiếp đánh trả bằng những đòn sét đánh. Typhon phóng lửa, ném đá thì Zeus cũng ném đá, phóng lửa. Khói bụi mù mịt. Đất run lên và giật giật từng cơn. Trời vùng vẫy, giãy giụa trong màn hơi nóng dày đặc bốc lên cuồn cuộn. Biển thì nóng sôi lên sùng sục. Sông lớn, sông nhỏ đều cạn nước. Thần Hadès ở tận thế giới ngục tù sâu thẳm, dưới lòng đất cũng run lên vì sợ hãi quá chừng. Cả đến thần Cronos và các Titan cũng nhớn nhác, lo âu.

Cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn và xem ra khó có thể đoán định được kết thúc như thế nào, vì hai đối thủ đều không phải là những kẻ tầm thường và không hề thua kém nhau về bất cứ một vũ khí gì. Trong một đòn ác hiểm, Zeus giáng một nhát sét ầm vang xuống và thấy Typhon loạng choạng rồi ngã gục. Zeus bèn tiến lại gần định để bắt sống Typhon hoặc để bồi cho Typhon một đòn nữa, kết thúc thắng lợi cuộc giao tranh. Ai ngờ Typhon mới bị thương nhẹ. Và bất chợt Typhon vùng dậy giật phăng lấy cây rìu Zeus cầm trong tay bổ cho Zeus một đòn tựa trời giáng. Bị một đòn bất ngờ, Zeus ngã quay xuống đất, mê man. Typhon liền lấy dao lóc hết gân ở chân tay Zeus. Typhon không thể giết chết được Zeus bởi lẽ Zeus vốn bất tử. Nhưng bằng cách làm ấy, lóc hết dây gân, Typhon biến Zeus thành một vị thần vô dụng, sống cũng như chết, không cử động được. Bây giờ thì chẳng còn phải đề phòng gì nữa, Typhon vác ngay Zeus lên vai đem về ném vào một cái hang hẻo lánh ở tận đảo Sicile. Tiếp đó Typhon đem những dây gân lóc được ở người Zeus ra bỏ vào một miếng da gấu bọc kín lại rồi giao cho con rồng Delphesnée canh giữ. Thế là Typhon có thể yên chí mà khoái cảm với thắng lợi của mình, một thắng lợi mà theo hắn là vĩnh viễn, là không thể nào xoay chuyển được. Chỉ còn mỗi một việc giải thoát các Titan nữa là xong nhiệm vụ với Gaia.

Tình hình thật là bi đát. Vị thần phụ vương của các thần và người trần thế bị cầm tù. Vương triều Olympe liệu có thể đứng vững được không, một khi các Titan được giải thoát khỏi Tartare-Địa Ngục? Làm thế nào để cứu được Zeus bây giờ? Chỉ có cách giải thoát cho Zeus thì các vị thần Olympe mới có thể giữ được quyền cai quản thế gian. Hermès và Pan, hai con của Zeus, suy tính như thế và đảm nhận sứ mạng cứu cha. Dùng vũ lực đương đầu với Typhon hẳn là không được rồi. Chỉ có thể dùng mưu được thôi.

Hermès và Pan lên đường. Hai người đem theo cây đàn lia và ống sáo. Họ lần tìm đến chỗ Typhon và gảy lên những tiếng đàn thánh thót êm ái. Lần đầu tiên trong đời, gã quỷ thần Typhon được nghe tiếng đàn. Hắn say mê, ngây ngất tưởng chừng như được thưởng thức rượu nho của thần Dionysos pha với mật ong vàng. Bỗng dưng Hermès và Pan ngừng lại, thở dài:

- Chà, thật đáng tiếc! Cây đàn này tồi quá, đến phải vứt nó đi thôi. Biết thế này, chúng tôi sẽ làm một cây đàn thật tuyệt diệu để đến đây chúng ta cùng thưởng thức thì có phải hay biết bao không!

- Sao? - Typhon hỏi lại. - Có thể làm được một chiếc đàn tuyệt diệu hơn chiếc này ư?

- Làm được chứ! Nhưng phải cái hơi khó.

- Khó những gì các bạn cứ nói đi, ta sẽ giúp đỡ.

- Phải tìm được gân của một vị thần làm bộ dây thì mới được. Tiếng đàn sẽ trong trẻo, ấm cúng, thánh thót khác thường, sẽ hay gấp muôn nghìn lần thứ tiếng đàn anh vừa nghe.

Typhon lập tức đi lấy bọc gân của thần Zeus về giao cho Hermès và Pan. Không để lỡ thời cơ, hai vị thần này liền lẻn vào trong hang Zeus bị giam, nhanh nhẹn và khéo léo nối lại các dây gân vào bắp thịt cho Zeus. Phút chốc Zeus trở lại khỏe mạnh như xưa và sẵn sàng lao vào cuộc chiến đấu phục thù. Lần này Zeus đứng trên một cỗ xe thần có cánh, từ xa, đánh nhau với Typhon. Zeus vung lưỡi rìu giáng sét liên hồi, bủa vây Typhon bằng một lưới lửa dày đặc. Typhon vác hết quả núi này đến quả núi khác ném Zeus. Nhưng vô ích, vì Zeus cho nổi phong ba bão táp làm cho những hòn núi đá đó bay ngược lại, đè lên Typhon. Cuối cùng Typhon bị đánh bại hoàn toàn và Zeus sau khi xem xét kỹ mới yên tâm trở về đỉnh núi Olympe bốn mùa mây phủ, mở tiệc mừng chiến thắng với các chư vị thần linh. Chuyện Typhon đánh nhau với Zeus nói qua là như thế chứ thật ra còn có thể kể dài hơn.

Xin kể rõ về cái chết của Typhon. Typhon giao chiến với Zeus hồi lâu thì bị trọng thương, đành phải bỏ chạy. Thần Zeus không hề chậm trễ, rượt đuổi theo ngay. Vừa đuổi thần vừa giáng sét chém, đốt lần lượt hết trăm đầu của Typhon. Trong lúc tên quỷ thần này hoang mang, nao núng, mải cắm đầu chạy thì Zeus thừa thắng vác luôn ngọn núi Etna ném theo Typhon. Không thể tưởng tượng được đòn đánh này mạnh đến như thế nào, ác hiểm đến như thế nào. Ngọn núi bay vèo đi như ta ném một hòn đá và đè sập xuống Typhon kết liễu gọn đời hắn. Giống như một người thợ rèn nung miếng sắt cứng trong lò khi kéo miếng sắt ra đặt trên đe, khói còn bốc lên nghi ngút hồi lâu rồi mới tắt. Cũng vậy, xác của Typhon bị ngọn núi Etna chôn vùi còn phụt lửa lên miệng núi gây ra biết bao tai họa cho thế gian. Để thật yên tâm hơn nữa đối với một địch thủ đáng sợ, Zeus tống giam hẳn Typhon xuống địa ngục Tartare sâu thẳm. Thế nhưng cuộc đời của Typhon chưa hết. Ở dưới địa ngục, Typhon kết duyên với một quái vật nửa phụ nữ, nửa rắn tên là Échidna. Về dòng dõi của quái vật này, người thì bảo mụ là con của Gaia với thần Biển-Pontos. Có người lại kể chính bố mẹ của mụ là Chrysaor và tiên nữ Callirhoé con gái của thần Okéanos. Typhon và Échidna sinh ra được khá nhiều con. Con cái của đôi vợ chồng quái đản này đứa nào cũng lưu giữ, thừa kế được cái “nếp nhà” quái vật bắt đầu từ cha mẹ chúng. Trước tiên quái vật Chimère đầu sư tử, đuôi rồng, thân dê. Có người lại nói chính mắt đã trông thấy Chimère có ba đầu: sư tử, rồng và dê; miệng phun ra ba dòng lửa. Quê hương của Chimère mỗi người kể mỗi khác, có người nói, chính quê tên này ở tận bên Ấn Độ. Rồi đến chó ngao hai đầu Onthros, chó ngao ba đầu Cerbère, mãng xà trăm đầu Lerne. Đấy là những anh em sinh ba của gia đình quái vật.

Về chó ngao Cerbère, có người bảo không phải chỉ có ba đầu mà có tới năm chục đầu. Chó ngao Cerbère lại kết hôn với mẹ Échidna sinh ra quái vật Sphinx có cánh, nửa thân trên và khuôn mặt là người phụ nữ, nửa thân dưới là sư tử, đuôi rồng. Lại còn ác quỷ Méduse, sư tử Némée, con rồng ở xứ Colchide, con rồng Ladon canh giữ những quả táo vàng, tặng phẩm của nữ thần Đất mẹ-Gaia cho Héra ngày cưới.

Typhon còn sinh ra những ngọn gió hung bạo (không phải gió Euros, Notos, Borée và Zéphyr) gây nên những cơn lốc, cơn bão và những ngọn sóng thần khiến cho thuyền bè đi biển bị đắm, mùa màng bị thiệt hại, người chết, của mất đau thương, ai oán không sao kể xiết.

Nói về Zeus thì từ đây không còn phải bận tâm đối phó với một kẻ thù nào nữa. Zeus cũng chẳng còn phải lo sợ một thế lực nào, vì thế đã đến lúc Zeus có thể ân xá cho những vị thần thuộc thế hệ trước. Zeus mở ngục Tartare giải thoát cho các Titan và Cronos, đưa họ đến trị vì ở một nơi xa tít tắp mù khơi. Đó là một thế giới tuyệt diệu trên những hòn đảo “hạnh phúc”, nơi mà tất cả niềm hạnh phúc vô tư, thanh thản sung túc của thời đại Hoàng kim đang còn lưu giữ được.

images

Zeus và héra

Như vậy là kết thúc cuộc giao tranh lần thứ ba của các vị thần trẻ, các vị thần của thế giới Olympe văn minh và năng động hơn những vị thần già cổ hủ của ngọn núi Othrys56. Và thần Zeus trở thành vị thần tối cao của trật tự mới và pháp chế mới: trật tự và pháp chế của thời đại anh hùng. Thật ra hình ảnh này về Zeus có phần nào làm người ta quên đi cái hình ảnh “thuở hàn vi” xưa kia của Zeus, lúc Zeus chỉ đơn thuần là sấm sét, giông bão, mây mưa. Lại có lúc Zeus là hàng rào, là gióng cửa, là thanh gỗ chắn đảm nhận chức năng vị thần bảo hộ cho gia đình. Giờ đây ở cương vị mới, Zeus giữ lại sấm sét như là thuộc tính của mình.

[56] Othrys là một ngọn núi thuộc đất Thessalie (Bắc Hy Lạp) ở phía nam của ngọn núi Olympe.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương