Thần Long Cửu Chuyển
Chương 3: Ẩn náu vô tình chiếm được Diệp Lạc kinh

- Đây rồi! Diệp Lạc kinh đây rồi!

Vừa nghe được âm thanh này, Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào giậm chân thình thịch như vừa giẫm phải rắn.

Sự ồn ào nổi lên ở bên trên cùng một lúc với sự thất vọng nổi lên trong lòng Cừu Dĩ Đào.

Do giận dữ, do lo giẫm chân thình thịch nên Cừu Dĩ Đào không biết bên trên đã xảy ra những cuộc đối thoại gì sau khi họ Hoàng phát hiện được Diệp Lạc kinh.

Chỉ đến khi có tiếng khí giới chạm nhau chát chúa và tiếng la hét vang lên dậy cả đất trời thì Cừu Dĩ Đào mới bình tâm lại.

Cừu Dĩ Đào thầm nghĩ :

“Chưa hẳn ta đang ở đây là họa, và có những người ở bên trên chưa hẳn là có phúc hơn ta, ngỡ rằng mọi người sẽ có những giải pháp êm đẹp để giải quyết Diệp Lạc kinh không ngờ lại diễn ra những trận quyết tử như thế. Có khi ngư ông đắc lợi chính là ta đây. Rõ ràng là thiên số đã định sẵn. Hay lắm! Phen này có khả năng dưỡng tử của ta là Cừu Thạch được một phen mở mày mở mặt với thiên hạ, nếu ta được hoàng thiên ngó lại ban cho Diệp Lạc kinh”.

Nghĩ thế nên Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào đã bình tâm lại càng càng bình tâm hơn. Cừu Dĩ Đào lắng tai nghe tiếng xô xát càng lúc càng rộ lên nhiều hơn. Và hầu như mọi chỗ ở trên lư bằng đều có người giao đấu. Chốc chốc, Cừu Dĩ Đào lại nghe có người kêu rằng :

- Huynh đệ đâu! Mau mau bảo vệ cho Hoàng sư huynh mau! Cố bảo vệ Diệp Lạc kinh.

- Chạy đâu cho khỏi, hử? Hãy đưa Diệp Lạc kinh đây!

- Ái chà! Gớm nhỉ? Bọn Võ Đang lại còn có đòn đánh trộm nữa à?

- Mau mau dừng tay! Úy! Cô nương kia, sao không bảo mọi người đình thủ lại? Thế cô nương không định tranh đoạt Diệp Lạc kinh sao? Cô nương không thấy gã họ Hoàng giở trò đó sao? Cô nương không phải đã lên tiếng cảnh cáo trước rồi đó sao?

- Việc gì bản nhân phải làm thế? Bản nhân đâu có thấy gã họ Hoàng giở trò gì đâu? Là tại họ đấy chứ? Họ Hoàng vừa mới kêu lên thì họ đã ào ào lên như thiêu thân lao vào lửa vậy! Cứ để mặc họ tranh giành nhau, đúng là lũ bại hoại đáng chết cả!

Nghe đến đây, Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào đã hiểu phần nào sự việc. Hóa ra vì lo sợ họ Hoàng nuốt trọn Diệp Lạc kinh nên đã có nhiều người xông càn lên làm ẩu. Và vì sự liều lĩnh này nên trường náo nhiệt này mới phát sinh ra như vậy. Vậy là Hoàng Cao Sơn không có lỗi gì cả, chẳng trách nào vị cô nương kia - chủ nhân Bạch Phướng Khô Lâu Ký đã không chịu ra tay trừng trị

Và bây giờ, sự tình đã diễn ra đến thế thì dù có Bạch Phướng bà bà đích thân xuất hiện tại đây thì cũng không sao giải quyết xuể. May ra thì chỉ có những nhân vật vào hạng thượng đỉnh như Phó minh chủ Từ Kinh Nhân, như Hư Không thánh tăng, Tùng Hạc Tiên Kiếm, Không Động Thần Quyền hoặc giả là Loạn Pháp Đả Cẩu Cổ Khả Lạc thì mới có cơ cứu vãn nổi tình thế này. Chứ nếu không là những nhân vật này, thay vào đó là các nhân vật chưởng giáo các môn bang phái khác thì cũng phải chịu bó tay thôi.

Trong tình thế này, ai khôn thì cố giữ mình đừng để sa chân vào vũng nước xoáy mới có hy vọng. Ngược lại, thì dù bất kỳ là ai đi chăng nữa hễ cầm giữ được Diệp Lạc kinh trên tay sẽ biến thành bia cho mọi người nhắm vào. Và như thế thì cái chết như đã nắm chắc trên tay không sao tránh khỏi.

Đúng là thế! Ngay lúc đó đã có một bóng người lao ầm ầm vượt qua chỗ ẩn thân của Cừu Dĩ Đào rồi mất hút vào khoảng không vô tận không thấy tăm hơi đâu cả. Kể cả tiếng phản âm từ đáy vực vọng lên Cừu Dĩ Đào cũng không sao nghe được.

Do tối mịt nên Cừu Dĩ Đào không biết kẻ vừa đẩy rơi xuống đó là ai, nhưng qua tiếng kêu thất thanh ở bên trên đưa xuống thì Cừu Dĩ Đào thừa khả năng để biết.

Tiếng kêu bên trên đã thất thanh hô lên :

- Hoàng sư huynh! Trời! Hoàng sư huynh bị hại rồi! Giết! Giết hết bọn chúng để báo thù cho Hoàng sư huynh!

Lẫn trong tiếng la thất thanh vẫn là tiếng chưởng kình, tiếng quyền phong và kể cả tiếng ám khí được ném ra.

- Chết! Cho mi chết!

- Đỡ này!

- Hự! Được! Xem kiếm đây!

Choang! Choang! Choang!

- Chạy đâu? Mau để lại Diệp Lạc kinh!

- Đừng hòng! Đỡ này!

- Ha ha ha... chạy đâu cho thoát!

Bùng! Bùng! Bùng!

- Teen kia! Buông bí kíp xuống!

Ầm!

Thế là trường nhiệt nào càng lúc càng sôi động, Diệp Lạc kinh không biết hình thù ra sao, nhưng đã thay đổi chủ nhân liền liền. Không một nhân vật nào cầm giữ được Diệp Lạc kinh đến hai cái chớp mắt.

Tiếp theo sau Hoàng Cao Sơn táng thây trong hố sâu muôn trượng là nhiều người nữa.

Có người đã chết trước khi bị đẩy rơi xuống vực, có người còn sống hẳn hòi nhưng do sẩy tay sểnh chân nên đành vùi thân nơi vực sâu thẳm. Những người còn sống khi bị rơi xuống còn làm cho bầu không khí đang kinh khiếp thêm kinh khiếp bằng những tiếng kêu man dại và rùng rợn của họ. Tiếng kêu kéo dài mãi, tiếng kêu của người này nối tiếp tiếng kêu của người khác vọng lại thành một chuỗi tiếng thất thanh, nghe hoàn toàn giống như tất cả mọi người đang ở tại địa ngục a tỳ vậy.

Không phải nói, Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào càng lúc càng khiếp đảm hơn. Chỗ ẩn thân của Cừu Dĩ Đào chỉ cách bên trên chừng trượng rưỡi, vì thế, dù bên trên lúc dầu sôi lửa bỏng, tiếng động vang lên khắp cả góc trời, nhưng lúc này Cừu Dĩ Đào hoàn toàn nín lặng không dám ngo ngoe, ngọ nguậy. Cừu Dĩ Đào bế khí, bế mục và gần như bế luôn cả thính giác, thế mà Cừu Dĩ Đào vẫn không thấy hết sợ. Vẫn không thể tách mình ra khỏi hoàn cảnh bên ngoài. Muốn định thần quên đi bản ngã trong trường hợp này phải là người có nội công tối thượng kia, phải là bậc đại thành có định lực cao, nội công phải đạt mức lô hỏa thuần thanh thì mới có hy vọng, chứ còn Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào chỉ là hạng vô danh tiểu tốt, công phu võ học chỉ vào loại sơ đẳng, tuy có thể trên bậc tiểu sư xoàng xoàng nhưng Cừu Dĩ Đào cũng chỉ là một hạt cát bé nhỏ trong sa mạc bao la vô tận.

Do không thể tách mình ra khỏi hoàn cảnh ngoại lại, nên Cừu Dĩ Đào tuy bế nhĩ, nhưng vẫn nghe tiếng gió xao động khi có người rơi sượt qua chỗ ẩn thân, những thây ma và những con người sống này hầu như là rớt ngay bên mình Cừu Dĩ Đào, đến nỗi Cừu Dĩ Đào muốn thì có thể chỉ cần với tay ra là có thể lôi giữ họ lại ngay lập tức.

Nhưng lôi giữ họ lại để làm gì khi chỗ hõm này không thể chứa được quá hai người? Không lẽ cứu một người còn bao nhiêu sanh mạng khác thì thôi sao? Tốt hơn hết là không cứu ai cả. Để chỗ ẩn thân càng kín đáo, càng tốt cho sinh mạng của Cừu Dĩ Đào hơn.

Số người rơi xuống càng lúc càng nhiều, Cừu Dĩ Đào khó có thể đếm được chính xác, mười người? Hay mười lăm? Có khi lại là hai mươi người thì đúng hơn.

Nhưng người ở đâu ra đông vậy? Nếu đã đến hai mươi người rơi xuống thì tại sao ở bên trên tiếng xô xát nghe vẫn nhiều như lúc đầu? Hay chỉ mới có năm, ba người rơi xuống thôi?

Điều này Cừu Dĩ Đào không thể biết vì không thể đếm. Cho nên Cừu Dĩ Đào không màng lo nghĩ đến điều này nữa. Điều mà Cừu Dĩ Đào quan tâm nhất vào lúc này là chừng nào cái đám bên trên thôi không giao đấu nữa? Nghĩa là chừng nào Cừu Dĩ Đào có thể thoát thân được? Canh tư hay canh năm? Hay là phải kéo dài hết ngày mai, ngày kia?

Điều này Cừu Dĩ Đào cũng không biết chắc, do không biết chắc nên tốt hơn là Cừu Dĩ Đào cứ ẩn thân cho kỹ, chuẩn bị tinh thần trong trường hợp phải ẩn thân lâu hơn dự định.

Để giết thời gian, Cừu Dĩ Đào thử lắng nghe và nhận định thử xem ở bên trên đang còn hiện diện bao nhiêu người, và là tùy thuộc bang phái nào hoặc lộ số nào trên giang hồ?

Nhưng sau một lúc lâu nghe ngóng, Cừu Dĩ Đào buồn lòng vì Cừu Dĩ Đào với kiến văn thô lậu và kém cỏi, Cừu Dĩ Đào không thể nào phân biệt được chiêu kiếm nào là Đạt Ma kiếm, là Thái Cực kiếm, Lưỡng Nghi kiếm, Kim Long kiếm hay Trường Xà kiếm pháp. Đó là những kiếm pháp thành danh trên giang hồ mà nếu là người nào khác có kiến văn uyên bác hơn, họ có thể nghe được theo kiếm phong mà đoán định được. Riêng với Cừu Dĩ Đào với hỏa hầu kém cỏi trong Hỏa Phong kiếm pháp được Cừu Dĩ Đào tự xưng là Nhất Kiếm Sưu Hồn thì không thể được vậy.

Đó là nói về kiếm pháp là lãnh vực sở trường của Cừu Dĩ Đào mà còn như vậy, nói gì đến quyền pháp và chưởng pháp.

Quyền pháp thì Cừu Dĩ Đào có thể vanh vách các loại quyền pháp trứ danh. Đại để như Lôi Công quyền là quyền pháp trấn sơn của phái Không Động mà Tạ lão đã khổ luyện đến thập thành, đến mức được xưng tụng là Tạ lão thần quyền. Còn nữa, nào là La Hán quyền, Thái Cực quyền là những quyền phép khét tiếng đã được giang hồ truyền tụng.

Nhưng Cừu Dĩ Đào chỉ có thể kể ra bằng lời mà thôi, chứ làm sao Cừu Dĩ Đào có thể thấy mặt gọi tên, dù cho Cừu Dĩ Đào có tận mục sở thị đi chăng nữa cũng vậy.

Chưởng pháp cũng thế, Cừu Dĩ Đào biết có đến năm loại chưởng pháp mà sức công phá có thể nói là vô thượng. Nhưng biết chỉ để biết mà thôi, chứ bản thân Cừu Dĩ Đào đã được chứng kiến ắt Cừu Dĩ Đào không còn sống đến bây giờ. Là họa hay là phúc, Cừu Dĩ Đào không biết. Nhưng rõ ràng là Cừu Dĩ Đào còn quá kém cỏi, quá thua thiệt so với hàng ngàn người võ lâm giang hồ.

Nhưng dù sao, cũng có một điều khiến cho Cừu Dĩ Đào tìm được niềm an ủi, đó là bây giờ Cừu Dĩ Đào vẫn còn sống và có khả năng là người duy nhất còn sống sót đêm nay ở tại đây. Cừu Dĩ Đào hy vọng rằng sẽ được sống để sau này có thể kể cho mọi người nghe về diễn biến kinh hồn của đêm nay. Trong đó nổi cộm lên một nghi vấn mà Cừu Dĩ Đào vừa nghĩ ra là tại sao vào một đêm như thế này, trong dịp tranh đoạt một bí kíp võ học hãn thế thế này mà không hề có sự hiện diện của những tay đại cao thủ? Họ không nghe thông tin về Diệp Lạc kinh sao? Hay là trong sự việc này có ẩn chứa một ẩn tình nào đó mà họ đã biết trước, đã đoán biết được?

Nếu đã là thế thì Diệp Lạc kinh là việc có thật hay chỉ là một cái mồi giả nhằm phục vụ cho một âm mưu nào đó cực kỳ nguy hiểm cho mọi người?

Dù là giả, như Cừu Dĩ Đào vừa nghĩ, nhưng Cừu Dĩ Đào cũng phải bàng hoàng đến độ nổi gai đầy người khi nghe ở bên trên có tiếng kêu thất thanh của nhiều người cùng kêu lên :

- Ối! Mau chộp hắn lại! Hắn đang rơi xuống vực kia kìa! Mau mau! Diệp Lạc kinh đang ở trong tay hắn đó.

Người nào đó đang rơi xuống còn sống hay đã chết Cừu Dĩ Đào bất cần. Bây giờ mới tới lượt Cừu Dĩ Đào ra tay đây. Hay có thể nói là hoàng thiên bất phụ khổ nhân tâm. Thiên ý đã định sẵn, Cừu Dĩ Đào không cần tranh đoạt cũng vẫn có thể chiếm lấy Diệp Lạc kinh như thường, miễn là Cừu Dĩ Đào có phúc phần.

Đúng là Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào đã đến thời may mắn

Vù!

Soạt!

Phịch!

Tiếng gió xao động khi bóng người đó bay xuống, không có một âm thanh nào khác kèm theo, vậy là hắn hết sống.

Cừu Dĩ Đào chỉ cần nhắm hướng gió, đưa tay ra là đã chộp được đúng ngay thắt lưng của hắn, chỉ cần một cái lôi nhẹ là hắn đã nằm ngay ngắn trong hõm đá kề bên Cừu Dĩ Đào không sai chạy

Thật nhẹ nhàng và thật nhanh, Cừu Dĩ Đào gỡ được từ tay hắn một bọc vải có tẩm dầu rồi Cừu Dĩ Đào xô hắn một cái, thế là hắn tiếp tục con đường đi của hắn như lúc mới rồi.

Nếu ở bên trên có ai đó tiếc nuối Diệp Lạc kinh mà khom người nhìn xuống thì cũng không sao nhìn thấy gì trong bóng tối âm u. Còn nếu lắng tai để nghe thì người đó hoặc những người đó sẽ chỉ nghe thân người này vẫn tiếp tục rơi như không hề có lần gián đoạn ngắn nào cả.

Đúng như Cừu Dĩ Đào vừa nghĩ, ở bên trên có tiếng kêu của nhiều người lần lượt kêu lên :

- Thôi rồi! Vậy còn gì là Diệp Lạc kinh!

- Sao lại không còn? Cứ leo xuống dưới tìm thì làm sao lại không tìm được?

- Ngốc! Vực sâu đến ngày trượng, bộ dạng của ngươi mà leo xuống đó được sao?

- Ngươi nói ai ngốc? Cứ có đởm lược thì đừng nói là sâu đến ngàn trượng, dù là sâu hơn nữa ta vẫn dám leo xuống, có sao đâu!

- Đây! Thì ngươi cứ leo xuống đi, hay ngươi muốn ta giúp ngươi một tay?

- Giúp ta? Ngươi làm thế nào mà giúp ta được chứ? Ngươi có phương thế à?

- Cần gì phương thế? Chỉ cần một phát là ngươi sẽ xuống tới đó ngay kia mà!

- Ngươi...

- Ha ha ha...

- Thôi, nhị vị huynh đài đừng có mà đùa nữa được không? Chân kinh một khi đã rơi xuống đó thì không sao thu hồi lại được đâu!

- Sao lại thu hồi không được? Ngươi ngại nguy hiểm à?

- Không phải, là tại hạ muốn nói rằng dù nhị vị huynh đài có xuống được đáy vực thì Diệp Lạc kinh chỉ còn là đống nát vụn mà thôi, vì nó còn được làm bằng lá cây mà, chứ đâu phải bằng lụa hay bằng giấy gì đâu mà vẫn còn nguyên vẹn sau khi rơi xuống vực. Tại hạ nghĩ rằng thật là không đáng để leo xuống tận dưới đáy vực.

- Nói chí lý lắm! Diệp Lạc kinh đã nát bấy rồi chúng ta còn xuống đó làm gì, có khi đã nát bấy khi chúng ta tranh giành nãy giờ rồi

Nghe đến đây, Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào phập phồng lo sợ, e rằng Diệp Lạc kinh đến tay thì cũng là vô dụng thôi, nên Cừu Dĩ Đào len lén nắn bóp nhè nhẹ bọc vải dầu mà Cừu Dĩ Đào đã nhét khá sâu vào bọc áo.

Đoạn Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào thấy tỉnh hồn lại ngay, bằng cảm xúc trên mười đầu ngón tay, Cừu Dĩ Đào cảm nhận được Diệp Lạc kinh vẫn còn nguyên vẹn. Thế là tốt lắm rồi! Rồi đây Nhất Kiếm Sưu Hồn sẽ đúng là Nhất Kiếm Sưu Hồn và dưỡng tử của Cừu Dĩ Đào là Cừu Thạch sẽ giương danh thiên hạ

Mải mừng vui nên Cừu Dĩ Đào không biết là bọn bên trên bỏ đi tự lúc nào, không gian ở bên trên và ở ngay chỗ ẩn thân của Cừu Dĩ Đào hoàn toàn im lặng, im đến độ Cừu Dĩ Đào ngỡ rằng đây là giấc chiêm bao mà thôi, chứ không phải là sự thật.

Bóp nhẹ tay một lần nữa, Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào mới tin được những việc đã xảy ra đúng là sự thực, không phải mộng mị gì cả.

Có lẽ do số của Cừu Dĩ Đào còn may mắn, vì có chút ít ngờ vực nên Cừu Dĩ Đào vẫn còn nguyên vị tại chỗ cũ, nên việc Cừu Dĩ Đào vô tình chiếm được Diệp Lạc kinh không bị một ai phát hiện, nhất là đối với một nhân vật thần bí vừa mới đến.

Thân thủ của nhân vật thần bí này quả là bất phàm. Đúng là “Lai vô ảnh khứ vô hình”.

Chỉ khi nhân vật thần bí này phát lên một tràng cười dài đầy bí hiểm thì Cừu Dĩ Đào mới biết rằng bên trên vẫn còn có người hiện diện, không phải bọn họ đi hết như Cừu Dĩ Đào đã tưởng

Cố nén nhịn cái thở phào nhẹ nhõm, Cừu Dĩ Đào lại tiếp tục ngưng thần bế khí, Cừu Dĩ Đào e rằng không khéo che giấu hình tích thì Diệp Lạc kinh vừa mới vào tay sẽ bị kẻ khác chiếm đoạt mát, có khi sanh mạng cũng không còn nữa là đằng khác.

- Ha... ha... ha

Tràng cười của nhân vật bên trên càng lúc càng lớn và càng có vẻ rùng rợn hiểm độc hơn. Không những thế, với nội lực phổ vào tràng cười, Cừu Dĩ Đào tin rằng nhân vật đó là nhân vật chỉ vừa mới xuất hiện thôi. Bằng không nếu ngay từ đầu đã có sự hiện diện của nhân vật này thì làm gì đến phần Hoàng Cao Sơn lên giọng kể cả, làm gì đến lượt Bạch Phướng Khô Lâu Ký uy hiếp mọi người.

Hoặc giả nhân vật này đã xuất hiện ngay từ lúc đầu, nhưng cũng như Cừu Dĩ Đào, nhân vật này chỉ muốn ở bên ngoài quan chiến và hưởng lợi mà thôi. Nhưng nếu thế thì vô lý, nhân vật này sao lại cười thích thú như thế khi Diệp Lạc kinh không còn nữa?

Vậy thì không phải như Cừu Dĩ Đào ức đoán là nhân vật này muốn ở thế hưởng lợi về phần bí kíp rồi. Mà có thể là hưởng lợi về một số vấn đề khác, quan trọng hơn nhiều Diệp Lạc kinh. Nhưng đó là vấn đề gì?

Nghĩ mãi mà không sao lý giải được. Cừu Dĩ Đào thấy đầu óc bỗng trở nên mù mờ. Nhưng mù mờ đến mức nào đi nữa thì Cừu Dĩ Đào cũng mang máng có một linh cảm xấu. Nhưng xấu như thế nào thì Cừu Dĩ Đào không sao biết được. Có thể nhân vật đó đã phát hiện được Cừu Dĩ Đào chăng?

Lo sợ, Cừu Dĩ Đào càng nép mình sâu hơn, khuất hẳn vào chỗ lõm. Mặc dù tràng cười của nhân vật nọ đã tắt hẳn rồi. Và có khả năng là nhân vật đó đã bỏ đi rồi không chừng, nhưng đoán là đoán vậy, Cừu Dĩ Đào vẫn cứ tiếp tục ẩn thân, ẩn thân cho đến khi trời sáng hẳn.

Đã sáng bạch rồi, thế mà Cừu Dĩ Đào vẫn chưa dám lộ diện. Cừu Dĩ Đào e sợ bọn giang hồ còn quanh quẩn đâu đó ở dưới chân núi thì sao?

Đến chánh ngọ, Cừu Dĩ Đào vẫn kiên trì ẩn thân tiếp tục.

“Tốt hơn hết là chờ đến khi trời tối hẳn rồi ta hãy lên!”.

Nghĩ thế, nên Cừu Dĩ Đào đành chịu đói, chịu khát cho đến khi bóng đêm đổ ập xuống.

Thế là xong, Cừu Dĩ Đào an tâm khi bám lần vào vách đá leo lên

Đúng là không có ai là người sống ở tại Diệp Lạc miếu này nữa, chỉ còn lại độ mười cái thây ma mà thôi.

Không chút trù trì, Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào quăng mình vào bóng đêm, nương theo bóng đêm ly khai hẳn Lữ Lương sơn Diệp Lạc miếu vẫn tiếp tục là Diệp Lạc miếu với từng chiếc lá lác đác rơi khi có cơn gió nhẹ đưa về...

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương