Thần Long Cửu Chuyển
Chương 14: Lam Chủy lệnh đâu? Cố nhân đâu?

Cừu Thạch hết sức kinh ngạc khi Cổ bang chủ đột ngột dừng lại tại một ngôi phá miếu, ẩn hiện xa xa con đường quan đạo khi vừa xa Hoài Dương thành không đầy một dặm.

Cừu Thạch liền lên tiếng hỏi :

- Lão nhân gia sao lại dừng ở đây? Không lẽ trong tòa miếu này có ẩn tình gì à?

- Ẩn tình gì đâu nào? Là do ngươi muốn nói chuyện gì đó với ta phải thế không? Vậy thì còn nơi nào tốt bằng nơi này? Vào đi!

Cả hai bằng thân pháp biến ảo đã từ ngoài xa lướt qua cổng miếu, rồi chân không chạm vào đâu đã lạng người chui qua cửa tò vò bằng cái trứng hạ thân xuống nền miếu thật nhẹ nhàng. Cổ bang chủ không thể không khen :

- Xem ra đúng là ngươi đã gặp kỳ tích hãn hữu rồi. Khá lắm! Với công phu này tiền đồ của ngươi còn xán lạn nhiều. Đâu, kể cho ta xem nào!

Cừu Thạch đỏ mặt vì được khen. Chàng nhún nhường nói :

- Có gì đâu mà lão nhân gia quá khen. Cũng là do thiên số mà thôi. Nguyên hài nhi bắt được di thư võ học của Cửu Chuyển...

- Cái gì? Là Cửu Chuyển quái khách à?

Cừu Thạch còn kinh ngạc hơn nhiều so với Cổ bang chủ, chàng hỏi vội :

- Lão nhân gia cũng biết Cửu Chuyển quái khách ư?

- Sao lại không biết? Mà sao ngươi lại gọi vậy? Ngươi không làm lễ bái sư sao?

Ngượng ngùng vì đã thất lời, Cừu Thạch ấp úng đáp :

- Có... có... hài nhi có bái lạy, có nhận người làm sư phụ tuy rằng...

- Nên nhớ kỹ điều này, đừng có bao giờ có hành vi khi sư diệt tổ! Còn ngươi hỏi ta có biết đến danh tự đó không thì... ta cũng là truyền nhân theo di thư của người đây! Ha... ha... ha... Vậy là ta đã không lầm khi không nhận ngươi làm truyền nhân. Vì xét kỹ ra về bối phận cũng như về thời gian thì ngươi là tam đệ của ta! Ha... ha... ha...

Cừu Thạch vừa kinh ngạc vừa hoảng sợ. Không ngờ lại có việc này, không ngờ chàng lại có cùng vai vế với... Cổ bang chủ.

Chàng líu lưỡi lại, nói không tròn câu :

- Nói như vậy... nói như vậy là... là...

- Ừ! Ta là Đại sư huynh, còn ngươi là Tam đệ, còn...

- Còn ai là Nhị sư huynh?

- Tiếc thay Nhị sư huynh của ngươi không còn sống đến hôm nay để chứng kiến sự thành tựu hơn người, vào niên kỷ như thế này của ngươi! Nhị sư huynh của ngươi chính là La Thái, La minh chủ đó

- Oái! Lại có việc này sao? Vậy sao mọi người lại bảo là... là La minh chủ được một vị Huỳnh Viên lão tổ nào truyền thụ Tốc Khoái quyền?

- Điều này cũng không thể trách mọi người được. Vì đến ta đây, mãi đến sau này khi đã cảm mến hành vi trượng nghĩa của La Thái, ta và La Thái mới kết bạn vong niên, vì La Thái kém ta gần hai mươi tuổi kia mà. Đến lúc đó, khi tỏ bày cho nhau nghe thân thế thì ta và La Thái mới vỡ lẽ ra cả hai cùng nhận được một phần võ học của ân sư. Do ta và La nhị sư huynh ngươi đều chung một ý nghĩ là chưa đạt được một phần nhỏ sở học của ân sư, nên không dám xưng mình là truyền nhân của người vì sợ làm ô danh của ân sư. Còn nói về mức độ thành tựu, thì còn tùy ở thiên bẩm. Như La nhị sư huynh ngươi được trời phú cho sự mẫn tiệp hơn ta nên Nhị sư huynh ngươi có mức thành đạt cao hơn. Cũng như ngươi vậy, do thiên phú ngươi mẫn tiệp hơn nữa, điều nay ta đã biết khi ngươi lãnh hội nhanh chóng Thiên Địa Ngũ Hợp chưởng, là công phu do ta tự tạo từ phần nhỏ ân sư để lại cho ta. Nêu mức thành tựu như ngươi bây giờ quả là hiếm có.

Cừu Thạch lấy làm khó nghĩ, nửa muốn giãi bày, nửa lại không dám khi biết là Cổ đại sư huynh không hiểu hết tất cả sự an bày của sư phụ, rằng còn những bảy phần võ học của sư phụ nữa ngoài lão ta và La minh chủ.

Giãi bày ra thì e Đại sư huynh không tin, cho là chàng đặt điều, muốn nhận rằng chàng mới đúng là môn đồ đích truyền của Cửu Chuyển quái khách. Hoặc giả khi Đại sư huynh đã tin lời chàng thì vô hình chung Ngũ Đài sơn sẽ biến thành nơi long tranh hổ đấu. Còn nếu không thế thì Đại sư huynh sẽ sinh lòng căm hận Cửu Chuyển quái khách vì đã cố tình chơi khăm thiên hạ. Toàn thể thiên hạ. Tốt hơn hết, Cừu Thạch sẽ từ từ giãi bày sau, sau khi đã đến Ngũ Đài sơn một chuyến, thu thập hết những phần riêng lẻ của ân sư, trao lại cho Đại sư huynh là người có vai vế lớn nhất trong Cửu Chuyển môn gìn giữ là đẹp mọi bề.

Do đó Cừu Thạch đã nhún nhường một lần nữa khi nói :

- Cừu Thạch cam bề thất lễ khi đã quá phận tham kiến Đại sư huynh

Nhân lúc Cổ bang chủ nhận lễ, Cừu Thạch nói thêm :

- Chỉ là phúc phận mà tiểu đệ có ngày hôm nay. Những mong Đại sư huynh hết lòng dạy dỗ cho. Đại sư huynh này, việc Từ Kinh Nhân quyết lòng cố sát tiểu đệ, đại sư huynh có nghe lão nhắc đến không?

- Khi nào? Có việc này nữa sao? Đâu, tam đệ nói cho ta nghe xem.

Cừu Thạch bèn thuật lại, nhưng thay vì chàng nói rằng chàng đã lọt xuống giòng Địa nhược thủy rồi sau đó đến được lăm tẩm Tề vương thì chàng lại nói rằng do lão họ Từ đã ngỡ chàng đã chết nên lão bỏ đi.

Để câu chuyện kể được rõ ràng hơn, Cừu Thạch cố nhớ lại những lời lẩm bẩm vô nghĩa của Từ Kinh Nhân hôm đó, mà Cừu Thạch trong lúc nửa tỉnh nửa mê đã nghe được nói lại cho Cổ bang chủ nghe.

Nghe xong Cổ bang chủ giật mình đánh thót một cái, rồi lẩm bẩm tính ngày tính tháng.

Đoạn bấy giờ Cổ bang chủ mới phân tích :

- Theo câu chuyện ngươi vừa thuật lại thì ngoài việc cho ta thấy Từ Kinh Nhân là kể khẩu phật tâm xà, bảo không muốn giết ngươi do muốn bảo vệ đạo ý, muốn đưa ra trước quần hùng luận tội nhưng sau đó lai cố tình giết hại ngươi, thì còn một việc nữa liên quan đến hiện tình nóng bỏng của Lam Y môn nhập Trung Nguyên, lại có hai người biết đến hình dáng và danh tự Lam Chủy lệnh. Ngươi là một và Từ Kinh Nhân là hai. Hãy khoan bàn đến chuyện tại sao Từ Kinh Nhân lại biết đến thanh Lam Chủy lệnh, mà nói về ngươi trước đã. Theo ngươi nói thì nguyên thanh Lam Chủy lệnh đó là của ngươi? Từ đâu mà ngươi có? Sau đó là vì sao mà thất lạc? Nếu không có gì sai trái trong việc này thì ngươi hãy nói rõ ra xem nào?

Ít nhất thì những người cao niên cũng có cái nhìn sâu xa tinh tế hơn kẻ trẻ tuổi. Cừu Thạch đã phải giật mình và thầm mắng chàng quá ngốc khi không nghĩ ra chính cái điều mà chàng vừa nói xong Cổ bang chủ đã nhìn thấy. Đã kính phục và tin tưởng ở Cổ bang chủ, lại thêm là bây giờ giữa chàng và lão ta còn có nghĩa huynh đệ đồng môn, thì Cừu Thạch không thể không nói hết những gì mà Cừu Thạch cho rằng nên nói. Bởi vậy, Cổ bang chủ vừa dứt lời, thì không một chút do dự Cừu Thạch đã nói ngay :

- Nguyên mẫu thân của tiểu đệ vốn là người của Lam Y môn. Cách đây mười tám năm một sự cố đã xảy đến cho tiên mẫu, khiến người bị Môn chủ là sư tổ của tiểu đệ xử phạt một cách oan uổng. Ngay khi đó Thạch Kiện Toàn là đại đệ tử và là Đại sư bá của đệ đã thay vì hành quyết tiên mẫu theo lệnh của sư tổ thì hắn lại cưỡng bức tiên mẫu, gạt tiên mẫu là nếu chịu hiến thân cho hắn thì hắn sẽ dành cho tiên mẫu con đường sống. Sau đó, tiên mẫu không chịu nên tên họ Thạch đã căm giận vì tiên mẫu không thuận tình. Hắn dùng thanh Lam Chủy lệnh mà sư tổ ban cho hắn để nắm giữ cương vị Môn chủ đâm vào tiên mẫu. Kế hắn vứt xác tiên mẫu xuống ghềnh Giải Oan làm mồi cho kình ngư, quên cả thu hồi tín vật. May sao Hoàng thiên hữu nhãn, phần thì tiên mẫu vốn vô tội nên nhờ vào thanh Lam Chủy lệnh, tiên mẫu đã giành cho mình phần sống. Sau đó, do kiệt lực, tiên mẫu đã thất tán võ công, được dưỡng phụ là Nhất Kiếm Sưu Hồn Cừu Dĩ Đào cưu mang, tiểu đệ có họ Cừu từ ngày ấy, và thanh Lam Chủy lệnh đã theo bên mình tiểu đệ từ khi tiên mẫu qua đời.

(Đây là những gì mà Hà Thạch Cúc đã nói lại cho Cừu Thạch nghe. Bà đã không động hoặc nhắc cho Cừu Thạch biết gia gia của chàng là ai cả. Nêu Cừu Thạch vẫn mơ hồ về thân thế).

Nghe xong, chính Cổ bang chủ cũng không để ý đến gia gia của Cừu Thạch là ai, vì lão cho đấy là ẩn tình riêng của mỗi người, không quan trọng lắm. Mà Cổ bang chủ chỉ hỏi đến một việc mà thôi. Lão hỏi :

- Võ công trước kia của ngươi là do ai truyền thụ? Lệnh mẫu hay dưỡng phụ?

Cừu Thạch không hiểu ý của Cổ bang chủ khi nghe hỏi thế, nhưng chàng vẫn đáp :

- Là dưỡng phụ. Vì theo tiên mẫu thì: tuy võ công của tiên mẫu nhắm ra còn cao hơn dưỡng phụ nhiều, nhưng vì không được phép của sư tổ, nhất là tiên mẫu không còn là môn nhân của Lam y nữa, nên tiêu mẫu không thể, không dám dạy võ công cho tiểu đệ. Có vấn đề gì không Đại sư huynh?

- Có thế chứ! Một là lệnh mẫu là người trung nghĩa thì đích thị việc trước kia là lệnh mẫu bị hàm oan. Lệnh mẫu không lấy đó làm giận, lại giáo dưỡng ngươi biết tôn kính bậc trưởng thượng cho dù những vị đó đã xử lệnh mẫu sai trái. Điều này rất tốt. Thứ hai là có như thế mới lý giải được tại sao trước kia võ công của ngươi lại quá non kém, trong khi môn nhân Lam Y môn theo lời giang hồ đồn đại lại có những tuyệt kỹ kinh nhân. Vậy thì rõ nguyên nhân nào mà ngươi có thanh Lam Chủy lệnh, sau đó thì sao?

Cừu Thạch nói tiếp :

- Việc này thì... Cách đây khoảng bảy tám tháng gì đó, sau khi tiểu đệ tiếp nhận được di thư của ân sư lưu lại và dời núi xong, trong lúc đi đường, tiểu đệ có va vào một người đi đường,. Sau đó không lâu đến lúc tiểu đệ phát giác ra thanh Lam Chủy lệnh đã không cánh mà bay, từ đó Lam Chủy lệnh mới lưu lạc trên giang hồ.

- Sau đó ngươi đã không đi tìm?

- Không!... Mà có! Không phải. Tiểu đệ cứ ngỡ là đã đánh rơi đâu đó lúc đi đường, tiểu đệ có quay lại tìm, nhưng không thấy đâu hết. Kế đó, tiểu đệ bỗng nghĩ ra ý nghĩa của một câu kinh văn do ân sư lưu lại, tiểu đệ bèn ẩn cư thêm một thời gian để đào luyện. Qua đó, tiểu đệ cũng vừa đến Tế An ngay hôm qua thôi. Nhưng cũng đã kịp nghe người ta nói đến Lam Chủy lệnh và Lam Y môn. Bởi thế tiểu đệ mới gấp rút tìm Đại sư huynh đây!

Phải nói là người chưa từng nói dối một khi đến lúc cần để nói dối thì cảm thấy rất khó khăn ngượng nghịu. Trái lại khi đã nói dối quen rồi thì mọi việc đều diễn ra trơn tru, quá dễ dàng.

Cừu Thạch cũng thế! Nói đúng ra phần thì có nhiều điều khó nói, phần thì Cừu Thạch không rõ thời gian từ lúc chia tay Cổ bang chủ ở thịnh hội Kim Lăng đến lúc chàng tỉnh dậy ở ngoại thành Tế An trong mộ huyệt là bao lâu, nên Cừu Thạch khó lòng mà nói dối cho suôn sẻ. Cũng may là Cổ bang chủ đã trọn tin nơi chàng, phần thì nguyên nhân đã dẫn đến sự thất lạc thanh Lam Chủy lệnh, Cừu Thạch đã dựa theo cung cách hành động của gã Độc Phiến Diệu Thủ Trang Tiếu Hỷ là cách mà bọn đạo chích có bản lãnh thường hay làm, nên Cổ bang chủ tin lời chàng giải thích ngay. Còn việc sau đó chàng mới phát giác, hoặc chàng đã bỏ công quay lại tìm một vật không hề rơi thì đúng là do Cừu Thạch còn thiếu kinh nghiệm.

Nghĩ rằng cần phải dạy dỗ Cừu Thạch một phen, sẵn đây Cổ bang chủ bèn nói :

- Vậy là Tam đệ đã gặp phải tay diệu thủ rồi. Xem ra Tam đệ còn kém lịch duyệt lắm. Điều này ta không trách không được.

Thoạt nghe Cổ bang chủ chê trách như vậy, Cừu Thạch há miệng định chống chế, nhưng Cổ bang chủ đâu chịu buông tha, lão đã ngăn chàng lại và nói luôn :

- Tam đệ hãy nghe ta nói đã, kẻo lại bảo ta không làm tròn trách nhiệm đại sư huynh. Như lúc nãy tại Hoài Dương thành cũng vậy, có ai lại như tam đệ không? Ta sợ Tam đệ lỡ tay giết uổng Tam Quyền Tam Nhỡn Ngụy Hồng, nên vừa hô hoán ta vừa đỡ đòn cho hắn, nhỡ Tam đệ không thu kình thì cũng gây nguy hại gì cho Ngụy Hồng. Ai ngờ Tam đệ thâu liễm toàn bộ chân lực trở lại, không chừa một ít để chận kình lực của ta xô đến. May là ta cũng lẹ tay thu bớt lại thêm một nửa nữa, và cũng nhờ Tam đệ mạng lớn nên không hề gì. Bằng không bây giờ ta khóc hận. Chưa hết đâu, xem chừng tiểu đệ còn chưa nhận rõ chân lực của mình mạnh đến bực nào phải không? Chính vì thế mà Tam đệ không biết đánh ra với lực đạo bao nhiêu là vừa đủ.

- Sao Đại sư huynh biết?

- Hừ! Vừa hiện thân ta đã thấy một tên đệ tử Cái bang chết thảm, nằm ngay tại đương trường, kế đó đến việc Tam đệ bị trúng thương dưới chưởng của ta, là ta biết ngay Tam đệ chỉ là lỡ tay thôi. Cứ cái kiểu này nhỡ Tam đệ gặp đại địch gặp kẻ gian ngoa có thừa, thì Tam đệ chỉ có mà chết.

Nhìn Cừu Thạch mặt thoạt xanh thoạt đỏ, Cổ bang chủ biết ngay là chàng nghe thì có nghe, nhưng vẫn ngấm ngầm bất phục. Chuyện kinh nghiệm trên giang hồ mà, mấy ai chỉ nghe là đủ hiểu. Phải trải qua nhiều phen lận đận thừa sống thiếu chết kia Cừu Thạch mới học được những kinh nghiệm quý báu. Nhưng Cổ bang chủ không hiểu liệu Cừu Thạch vượt qua được những lận đận đó hay không? Hay là chưa chi thì đã...

- Thôi! Chúng ta hãy trở lại chuyện thanh Lam Chủy lệnh đi. Vậy là Từ Kinh Nhân vì một nguyên nhân nào đó đã biết đến thanh Lam Chủy lệnh. Mặc dù thanh Lam Chủy lệnh bao năm trôi qua đã nằm trong tay Môn chủ, tên Thạch Kiện Toàn đó giữ được một ngày, kế đó là lệnh mẫu, rồi đến ngươi, ngoài ra không còn ai khác. Việc này hãy chỉ biết thế đã, từ từ ta sẽ liệu cách tìm hiểu sau. Còn bây giờ ngươi nói đi, còn việc gì nữa không?

Cái bang bèn đáp :

- Một là tiểu đệ muốn nhờ Đại sư huynh và lực lượng đông đảo bang chúng trong Cái bang tìm cho tiểu đệ xem bây giờ thanh Lam Chủy lệnh đang nằm trong tay ai? Vì đệ có hứa với người Lam Y môn là tiểu đệ sẽ tự tay đoạt lại và giao hoàn cho họ, mặc dù học còn chưa rõ giây mơ rẽ má giữa tiểu đệ và Lam Y môn. Hai là dò hỏi xem truyền nhân của Bạch Phướng Khô Lâu Ký giờ đang ở phương trời nào? Đệ cần gấp. Ba là nhân đây, đệ mong rằng, hễ Đại sư huynh tìm hiểu được gì quanh Từ Kinh Nhân thì xin cáo tri cho tiểu đệ biết. Bốn là...

- Sao nhiều vậy? Ta đâu phải là ba đầu sáu tay gì mà ngươi nêu ra lắm vấn đề thế?

- Bởi vậy tiểu đệ mới đề cập đến vấn đề thứ tư đây. Đó là tiểu đệ muốn biết Đại sư huynh có cần tiểu đệ giúp gì trong nội tình Cái bang không?

Vừa nghe Cừu Thạch nói xong, Cổ bang chủ đã nghe xúc động mối chân tình. Nhìn chàng một lúc, Cổ bang chủ mới nói :

- Cũng được! Và để cho tiện việc liên lạc sau này, ta sẽ cáo tri cho toàn thể bang chúng biết là ta và ngươi đã kết bạn vong niên, miễn nhắc đến danh tính ân sư làm gì, cũng như ta và La nhị sư huynh ngươi trước đây vậy. Ngươi cứ gọi ta là... lão ca ca... ta gọi ngươi là tiểu lão đệ. Và ngươi đương nhiên là bậc trưởng lão trong bang. Mỗi khi đi đến đâu, nghe có điều gì liên quan đến Cái bang, xét thấy cần thiết thì ngươi hãy hỗ trợ một tay, và mỗi khi có việc gì cần hỏi, ngươi cứ tìm đến Phân đà Cái bang. Được không?

Xét tình và lý thì sự sắp đặt của Cổ bang chủ không sai chạy vào đâu được, nên Cừu Thạch đáp ứng ngay. Chàng đáp :

- Lão ca ca! Lão ca ca còn nhắn nhủ gì nữa không? Nếu không thì...

- À! Những việc ngươi nêu lúc nãy, thì việc thứ hai ta chỉ biết thế này thôi, đó là sau khi gặp nha đầu đó tại Kim Lăng ta nghe được nha đầu đó vẫn thường quanh quẩn ở đó. Có khi ngươi đến đó sẽ gặp. Được rồi! Chúng ta cứ thế mà làm nhé! Tiểu lão đệ hãy bảo trọng.

- Lão ca ca bảo trọng. Đệ đi đây!

Vút...!

Vút...

Như hai cánh nhạn, Cừu Thạch và Cổ bang chủ liền rời bỏ tòa miếu, phân khai theo hai hướng mà đi mất dạng.

Lúc này hoàng hôn đang buông dần xuống...

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương