Thần Chiến Triều Trần
Quyển 2 - Chương 31: Phủ Chiêu Văn

Thăng Long thời Trần ngoài khu vực Hoàng Thành ra thì đều thuộc phủ Phụng Thiên. Phủ Phụng Thiên bao gồm hai huyện lớn là Vĩnh Thuận và Thọ Xương. Huyện Thọ Xương ở phía Đông, nằm giáp với sông Nhị Hà và là khu vực buôn bán sầm uất. Huyện Vĩnh Thuận thì ngược lại với Thọ Xương, ở phía Tây và bao gồm cả khu Thập Tam Trại là nơi canh tác nông nghiệp, tạo ra sản vật cùng lương thực chủ yếu cho toàn bộ Thăng Long.

Sau khi đi qua cửa Tây Dương của Đại La Thành, Nhật Duật và Bạc Nương phi ngựa tới khu vực huyện Vĩnh Thuận. Bến Tây Dương tuy nằm bên ngoài kinh thành nhưng lúc nào cũng tấp nập vì nơi đây vừa là bến thuyền, lại vừa là chợ. Còn khu vực huyện Vĩnh Thuận mặc dù nằm bên trong nhưng bình thường rất yên ắng do chỉ toàn đường đất với đồng ruộng. Tuy nhiên do sáng nay xảy ra việc động trời tại bến Tây Dương, nên hiện thời khu vực này khá nhộn nhịp. Binh lính đóng tại trại Giảng Võ, trại Kim Mã được điều động về phía Tây để hỗ trợ điều tra. Trên đường đi, Nhật Duật và Bạc Nương gặp khá nhiều quân Túc Vệ(1). Bọn họ ai nấy đều lưng hùm, vai gấu, giáp trụ sáng loáng. Hai người băng qua toán lính, thúc ngựa phi nước đại trên con đường xuyên qua khu Thập Tam Trại.

Cảnh sắc hai bên đường liên tục thay đổi, từng cánh đồng mạ non màu như cốm chín trải dài của trại Vạn Phúc nhanh chóng nhường chỗ cho các trại ngựa ồn ào, chất đống cỏ khô của trại Kim Mã. Sau khi trêu ghẹo lũ ngựa chiến chán chê, hai con Hồng Mao đưa Nhật Duật và Bạc Nương lạc vào cánh đồng hoa bát ngát của trại Ngọc Hà.

- Úi chà, đẹp thật đấy. Em thích!

Bạc Nương hồ hởi ngó nghiêng xung quanh. Cánh đồng hoa vào thời điểm này trong năm bắt đầu tàn tạ, không có được vẻ rực rỡ như mùa xuân và mùa hè, nhưng đối với Bạc Nương vẫn là một khu vực ngập tràn màu sắc. Ngựa Hồng Mao tốc độ mau lẹ, nhanh chóng băng qua trại hoa. Bạc Nương thấy vậy thì quay sang Nhật Duật năn nỉ.

- Anh… ta… em muốn dừng ở đây xem trại hoa.

Nhật Duật cười giòn, nói:

- Sau này ta sẽ đưa em quay lại trại Ngọc Hà xem hoa, còn nhiều dịp mà. Hiện tại ta cần vào Cấm Thành gấp.

Bạc Nương nghe thế thì hơi sụt sùi nhưng không nài nỉ thêm, chỉ nói:

- Anh… anh nhớ nhé.

Nhật Duật gật đầu, đoạn thúc nhẹ vào bụng ngựa. Đông A Xích Thố phi vọt lên trước, con ngựa Hồng Mao của Bạc Nương liền tăng tốc theo sau. Hai con ngựa cứ thế phi mau. Sau khi băng qua Thập Tam Trại, con đường đất mở rộng ra, đưa Nhật Duật và Bạc Nương vào khu trung tâm của kinh thành. Lúc này Thăng Long mới phô trương ra vẻ đồ sộ của đô thành lớn nhất phương Nam. Tại khu trung tâm, đường đất to rộng, sông suối, ao hồ có cầu gỗ bắc qua, nhà cửa thì đều mái ngói vảy cá, thấp thoáng ẩn hiện giữa các vườn cây xanh.

Nhật Duật và Bạc Nương đi qua mấy khu phủ đệ hoành tráng thì tới chùa Diên Hựu. Tại đây bọn họ rẽ ngoặt xuống phía Nam, phi ngựa thêm một đoạn đường ngắn nữa là tới khu nhà rộng có tường bao quanh nằm sát bên bờ hồ Liên Thủy. Trên chiếc cổng to của khu nhà có treo tấm biển đề ba chữ “Chiêu Văn Phủ”. Nhật Duật phi ngựa tới trước cổng thì nhảy xuống, rồi chàng lần mò tìm chiếc búa con kẹp trên cổng. Sau đó chàng lấy búa gõ mạnh lên chiếc chuông đồng treo phía ngoài khu nhà hai tiếng, rồi dừng lại một nhịp lại gõ thêm ba tiếng nữa, lại dừng thêm một nhịp rồi dứt điểm bằng hai tiếng thật đanh. Tiếng chuông dứt được một hồi thì từ bên trong khu nhà vọng ra tiếng người hô vội vã tiếp nối bằng tràng kẽo kẹt. Cửa chính khu nhà trong chốc lát mở toang, một lão bộc già với mấy chục kẻ hầu, người hạ hàng lối chỉnh tề ra đón tận nơi.

- Đức ông… đức ông đã về! - Lão bộc trông thấy Nhật Duật thì không dấu nổi vẻ vui mừng, kêu to sung sướng. Bọn người hầu đằng sau thì vội vã vái chào.

Nhật Duật bước tới nắm lấy đôi tay gân guốc của lão bộc, nói thân thiết.

- Lão Phúc, lão vẫn khỏe chứ? Hai năm nay chăm nom nhà cửa cho ta khiến lão vất vả nhiều rồi.

Lão bộc nghe Nhật Duật nói vậy thì lắc đầu, sụt sùi đáp.

- Bẩm đức ông, chăm nom vương phủ cho đức ông là bổn phận của lão bộc này, nào có gì gọi là vất vả. Đức ông phải đóng quân ở biên cương xa xôi, lại chỗ rừng thiêng nước độc mới thật là lao lực. Lão vẫn luôn lo lắng cho ngài lắm. Nhưng hiện ngài đã trở về, thân thể lại khỏe mạnh, cường tráng. Lão thấy mừng vô cùng.

Lão Phúc nói xong thì rơm rớm nước mắt khiến Nhật Duật cũng cảm động lây. Chàng từ bé được lão bộc già chăm sóc chú đáo, tình cảm rất khăng khít. Nhật Duật vỗ vai, nói vài câu động viên lão bộc rồi chàng một tay kéo Bạc Nương, một tay dắt con Đông A Xích Thố tiến vào trong phủ. Bọn người hầu chờ khi chủ nhân vào hẳn nhà liền cài then đóng cửa, lẽo đẽo theo sau.

* * * * *

Phủ Chiêu Văn tuy không phải là phủ đệ hoa mỹ, đẹp đẽ nhất trong các phủ tại kinh thành, nhưng Nhật Duật vốn là người quảng giao, có nhiền bạn bè, vì thế phủ Chiêu Văn rất rộng, lại chia thành các khu gồm nhiều gian nhà trống làm nơi nghỉ ngơi cho những môn khách đến tìm chàng đàm đạo. Trước khi Nhật Duật được giao cho quản lý Chiên Văn Quân đóng tại Tây Bắc thì phủ Chiêu Văn hết sức đông vui, nhộp nhịp, ngày nào cũng nườm nợp khách khứa ra vào. Sau khi Chiêu Văn Vương đi trấn thủ biên cương, nơi đây quả thực đã có chút vẻ quạnh hiu.

- Đức ông, người mau vào phòng nghỉ ngơi để kẻ hầu này đi pha nước tắm. À, người có thích ăn món nào không để tôi bảo nhà bếp làm luôn.

Nhật Duật quay sang lão bộc trung thành, nói.

- Không cần đâu lão Phúc. Ông bảo người chuẩn bị cho ta một bộ quần áo sạch để ta vào yết kiến đức quan gia và đức thượng hoàng luôn. À, bảo người trông nom và tắm rửa cho cô gái nhỏ này nữa.

- Vị tiểu thư này là… - Lão Phúc nhìn qua Bạc Nương, ánh mắt sáng lên mừng rỡ.

“Vẫn còn hơi nhỏ nhưng nhan sắc thật là phi phàm, quả cũng có dáng dấp vương phi tương lai lắm”, lão bộc già vừa ngắm Bạc Nương vừa nghĩ. Nhật Duật thấy ánh mắt khác thường của lão ta thì thở ra, nói:

- Đây là em gái nuôi ta mới nhận, tên là Bạc Nương. Giờ ta có việc gấp phải vào Cấm Thành đây, lão nhớ chăm lo chu đáo cho nàng.

Lão Phúc nghe thế thì ngẩn người ra, nói:

- Vậy không phải là… vương…

Nhật Duật nghe thế thì phát cáu:

- Vương, vương cái gì, lão mau đi chuẩn bị đồ cho ta.

Lão Phúc sợ hãi vâng dạ liên tục đoạn lật đật chạy đi. Nhật Duật chờ lão bộc đi rồi mới quay sang Bạc Nương, nói:

- Em ở đây chờ nhé. Ta vào yết kiến đức quan gia rồi quay trở lại ngay.

Bạc Nương nghe thế thì mặt mũi xám xịt, nói:

- Anh không giữ lời, đã bảo mang em theo luôn mà.

Nhật Duật cười, đáp:

- Cung cấm không phải là nơi ai vào cũng được. Nếu em chịu khó ngoan ngoãn ở yên trong phủ, khi nào có thời gian ta sẽ đưa em đi chơi trại hoa Ngọc Hà.

Bạc Nương nghe nhắc đến trại hoa thì rạng rỡ hơn hẳn, nói:

- Hoa đẹp lắm, em thích. Được, vậy em sẽ ở đây chờ anh. Nhưng anh nhớ đi nhanh về đấy nhé, đừng bỏ em lại một mình.

Nhật Duật nghe Bạc Nương nói thế có chút cảm động, đáp:

- Em yên tâm. Em đã là em gái ta rồi, ta không bao giờ bỏ rơi em đâu.

Chàng nói xong liền đưa tay ra xoa đầu Bạc Nương. Cô gái nhỏ lè lưỡi nhưng không phản ứng gì. Vừa lúc đó lão Phúc đi vào, tay cầm theo bộ đồ mới.

Nhật Duật vào trong phòng thay quần áo. Khi chàng trở ra thì mưa chỉ còn lất phất nhưng bầu trởi vẫn một màu đen kịt. Mấy tên gia tướng trong nhà nghe lão Phúc thông báo đã chuẩn bị xong kiệu và sẵn sàng đi theo tháp tùng, nhưng Nhật Duật cho bọn chúng lui hết. Chàng nhảy lên lưng con Đông A Xích Thố, dặn dò lão Phúc chăm sóc cho Bạc Nương rồi phi ra khỏi phủ, nhằm hướng cổng Quảng Phúc của Hoàng Thành mà tới.

* * * * *

Hoàng Thành là vòng thành thứ hai của Thăng Long, bao bọc bên ngoài Cấm Thành. Nơi đây tập trung nhiều đền đài, cung điện quan trọng của kinh thành. Đồng thời Hoàng Thành cũng là nơi đóng quân của đội quân Thánh Dực, một đội quân chuyên nhiệm vụ bảo vệ cho đức vua và thượng hoàng.

Lúc còn nhỏ Nhật Duật và mấy anh chị em khác cũng ở tại một cung điện trong Hoàng Thành. Nhưng khi trưởng thành, mọi người đều phải ra bên ngoài tự lập phủ riêng.

Chính vì quan trọng như thế nên khác hẳn với Đại La Thành chỉ toàn tường đất, Hoàng Thành được vây xung quanh bởi bức tường đá lớn kiên cố. Cổng Quảng Phúc là một trong bốn cổng chính của Hoàng Thành. Hiện tại cổng đóng im lìm, quân lính đi lại canh phòng nghiêm ngặt phía trên bức tường đá. Nhật Duật đứng dưới cổng thành, dơ lệnh bài ra hét lớn:

- Mau chóng mở cổng, ta có việc gấp cần vào trong.

Lát sau tiếng cọt kẹt vang lên, đích thân viên đội trưởng của tốp lính đang canh gác xuống tận nơi đưa Nhật Duật vào. Gã trông thấy Chiêu Văn Vương thì nụ cười liền hiện ra trên khuôn mặt đầy căng thẳng như cây cao xanh tốt mọc lên giữa vùng đất đai khô cằn.

- Bẩm, bề tôi lâu lắm mới được gặp lại đức ông. Người mấy năm rồi mới về lại kinh thành.

Nhật Duật cũng cười với gã, nói.

- Nguyễn Xiển, ngươi vẫn khỏe chứ. Giờ đã được thăng lên làm đội trưởng rồi à?

Nguyễn Xiển thấy Nhật Duật vẫn nhớ tên mình thì càng vinh dự, cười tít đáp.

- Bẩm, bề tôi có chút cố gắng, hiện vừa được phong đội trưởng cách nay chưa đầy một tháng.

Nhật Duật gật đầu, nói.

- Vậy chúc mừng ngươi. Ta đang có việc quan trọng cần vào Cấm Thành, lần sau có thời gian trò chuyện với ngươi sau. Hiện giờ bến Tây Dương vừa xảy ra việc, các ngươi canh gác nhớ không được lơ là.

- Bẩm đức ông, chúng bề tôi biết. - Nguyễn Xiển vâng dạ rối rít, trên mặt biểu hiện đầy vẻ trách nhiệm.

Duật gật đầu với gã đội trưởng rồi lên ngựa trở lại. Phía trong Hoàng Thành đường lát đá xám, lầu son, gác tía, cung điện đài các hiện lên hết lớp này đến lớp khác. Hoàng Thành tuy tráng lệ, đẹp đẽ nhưng khác với khu Đại La Thành ở bên ngoài có đông dân cư, chợ búa sầm uất nên vô cùng nhộn nhịp, Hoàng Thành chỉ gồm các cung điện, đền đài, chùa chiền được rào xung quanh bởi các dải tường đá đã lên màu rêu phong. Vì vậy đường xá trong Hoàng Thành tuy to rộng nhưng ít người qua lại nên có đôi phần đìu hiu.

Trời càng lúc càng âm u, mưa bắt đầu rơi nặng hạt trở lại khiến cho gần trưa mà cảnh sắc vẫn một màu tối tăm. Bất chấp cái thời tiết éo le đó, Nhật Duật vẫn miệt mài phi ngựa trên con đường đá xám tịnh không một bóng người.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương