Thái Tử Phi Thăng Chức Ký
Chương 19: Lời thề của Tề Thịnh

Tề Thịnh dường như kiên quyết buộc tôi phải sinh đứa bé ấy nên ngày nào cũng sai Tống thái y đến bắt mạch, còn sai hai ma ma đến để chăm lo việc ăn uống cho tôi nữa.

Tôi vô cùng căm ghét những phụ nữ trung niên đang ở độ tuổi tiền mãn kinh có khuôn mặt lúc nào cũng nghiêm nghị ấy, càng không cần nói đến chuyện mỗi lần nhìn thấy họ tôi lại nghĩ tới cảnh không lâu sau tôi sẽ phải sinh con. Tôi trực tiếp sai Lục Ly trả những người đó lại, không ngờ, Lục Ly và Tả Ý mỗi người ôm một bên chân tôi, khóc lóc: “Nương nương, hãy coi như nương nương xót thương bọn nô tì, nương nương đừng như thế. Người Hoàng thượng sai đến, sao nói trả về là trả về được!”.

Bị hai người đó giữ chặt lấy, tôi không sao cử động được, vì thế lại càng thấy bực dọc. Đẻ con chứ có phải là táo bón, cố gắng chịu một chút rồi qua đâu, phải cần đến lực hấp dẫn mạnh đến cỡ nào thì mới sinh ra được một đứa trẻ lớn như vậy! Càng nghĩ tôi lại càng thấy sợ.

Tôi cứ ở trong tâm trạng ấy cho đến Tết Đoan ngọ, khi cái bụng của tôi đã nổi rõ thì việc canh chừng của Tề Thịnh với tôi mới lơi lỏng đi một chút. Và thế là tôi lại gặp Nhà xí huynh trong trận bóng mỗi năm một lần. Chỉ có điều hai người chỉ có thể nhìn nhau từ phía xa, hơn nữa lại trước đám đông nên chẳng thể nào mà liếc mắt đưa “tình” cho nhau được.

Năm nay Tề Thịnh ngồi trên cao chủ trì cuộc thi đấu, vì không có sự tham gia của anh ta nên bộ áo xanh của Triệu vương đổi thành màu vàng rực.

Năm nay, Giang thị ở trong điện Ưu Lan tự mình thương thân trách phận. Không có sự tham gia của cô ta, cuộc thi đấu diễn ra rất thuận lợi, chẳng có ai bị ngã ngựa hay bị thương.

Năm nay tôi cũng không cần phải đau đầu che giấu kỹ thuật cưỡi ngựa kém cỏi của mình nữa, yên tâm ngồi trên lầu Bảo Tân ngắm mỹ nhân. Chỉ có điều, lầu Bảo Tân năm nay không nhộn nhịp bằng năm ngoái.

Những mỹ nhân trên lầu Bảo Tân cũng đã thay đổi, những hoa lá xưa kia của Tiên đế chỉ còn lại vài cọng đã ra hoa kết trái, số còn lại không biết đã đi về đâu. Còn hoa lá của Tề Thịnh chưa nhiều, vì thế mà lầu Bảo Tân trống trải hơn hẳn.

Thái hậu hình như cũng chú ý tới điều nay nên khuyên bảo tôi với ý tứ sâu xa: “Hoàng hậu này, ta biết hiện giờ con đang có thai, sức khỏe không được tốt, nhưng con vẫn phải để ý chăm sóc đến Hoàng thượng. Hoàng thượng chuyên tâm lo việc triều đình xã tắc, đó là tổ tông phù hộ, là phúc đức của Nam Hạ, nhưng hậu cung cũng phải con cháu đầy đàn mới tốt!”.

Tôi cảm thấy câu nói ấy của Thái hậu vừa vặn phù hợp với suy nghĩ trong lòng, vì thế vội gật đầu, đáp: “Mẫu hậu dạy rất phải, con cũng luôn có ý định chọn giúp Hoàng thượng những cô gái hiền lành để bổ sung hậu cung, nhưng lại sợ Hoàng thượng không đồng ý nên con định tới xin ý chỉ của mẫu hậu”.

Thái hậu nghe vậy, mặt lộ vẻ vui mừng.

Không ngờ, trên thái hậu còn có thái hoàng thái hậu. Thái hậu còn chưa kịp nói gì thì Thái hoàng thái hậu đã chậm rãi cất tiếng: “Hoàng thượng vừa mới lên ngôi, tuổi còn trẻ, hoàng hậu lại đang có thai, chuyện tuyển tú nữ chưa cần vội, cứ để hai năm nữa hãy hay”.

Nghe vậy, sắc mặt của Thái hậu tối sầm xuống.

Tôi cân nhắc rồi cười, nói với Thái hoàng thái hậu: “Hoàng tổ mẫu nói cũng phải!”.

Thái hậu không nén được, nghiến răng ken két.

Tôi lại nói tiếp: “Có điều, hiện bên cạnh Hoàng thượng chỉ có mấy người theo về từ Đông Cung, đúng là hơi ít. Con nghĩ, việc tuyển tú nữ để sau, trước tiên cứ chọn mấy người mặt mũi dễ coi, tính tình hiền hậu trong cung đến bên Hoàng thượng là được”.

Lúc này thì Thái hậu đã hiểu ra, không chờ mẹ chồng lên tiếng, bà lập tức nói: “Được! Ý này của Hoàng hậu hay đấy! Ta thấy cứ làm như thế đi!”.

Tôi cũng không cho Thái hoàng thái hậu cơ hội từ chối, vội lớn tiếng sai Lục Ly: “Lập tức truyền cho hậu cung, báo tên tất cả những người đẹp, tính nết hiền thục lên cung Hưng Thánh. Ta muốn chọn kỹ từng người một, nhất định phải chọn ra mấy người mà Hoàng thượng vừa lòng!”.

Nói rồi quay sang cười với Thái hậu và Thái hoàng thái hậu: “Hoàng tổ mẫu, mẫu hậu, xin hai người đừng trách tay Bồng Bồng vươn dài, nếu trong cung của Mẫu hậu và Hoàng tổ mẫu mà có người đáp ứng đủ điều kiện thì con cũng xin được thay Hoàng thượng xin hai người!”.

Thái hậu cười rất vui, đáp: “Hoàng hậu đúng là con người hiền lương”.

Thái hoàng thái hậu chỉ khẽ mỉm cười, không nói gì.

Lúc này trận đấu trên sân đã kết thúc. Tề Thịnh cưỡi con ngựa to lớn diễu một vòng trên sân bóng, sau đó cho ngựa chạy thẳng tới trước lầu Bảo Tân, nhảy từ trên mình ngựa xuống, oai phong bước lên lầu, đầu tiên thỉnh an Thái hoàng thái hậu và Thái hậu rồi mới đặt mông ngồi xuống bên cạnh tôi.

Tôi mỉm cười với anh ta nhưng mắt lại lén nhìn Nhà xí huynh đang đi về phía chúng tôi, bụng thầm nghĩ: Lúc này nếu tôi đi xuống thì biết đâu có thể nói được với anh ta vài câu.

Nghĩ vậy, tôi bèn đứng dậy, Tề Thịnh không biết tôi định làm gì nên đưa tay đỡ tôi, khẽ hỏi: “Sao vậy?”.

Tôi cười xấu hổ, thì thầm: “Một trong ba việc khẩn”.

Tề Thịnh hơi ngây ra, trong mắt anh lên nét cười.

Tôi hơi gật đầu, mang theo Lục Ly nhẹ nhàng rời khỏi chỗ. Quả nhiên, ở góc ngoặt cầu thang, tôi đã chạm trán Nhà xí huynh.

Nhà xí huynh ngước nhìn tôi, ánh mắt để lộ nụ cười dịu dàng, né người tránh sang một bên, chào: “Hoàng tẩu”.

Tôi nhìn anh ta, bỗng nhiên thấy không biết phải nói gì. Chuyện này đúng là chẳng thể nào giải thích được. Không hiểu sao tôi thấy chột dạ, khi đi ngang qua người Nhà xí huynh, tôi chỉ khẽ nói: “Chuyện này không tính trước được. Hoàn toàn không phải là ý của ta”.

Nhà xí huynh hơi ngây người ra, sau đó khẽ đáp lại: “Ta tin nàng”.

Bước chân của tôi bỗng hơi khựng lại, cảm giác khâm phục đối với Nhà xí huynh chợt xuất hiện trong lòng.

Thì ra, người anh em này mới là ông hoàng thực lực của thế giới điện ảnh! Không cần nói tới những điều khác, chỉ riêng ba từ “ta tin nàng” cũng đã đủ cướp đi trái tim của không biết bao nhiêu thiếu nữ.

Khi chúng tôi xuống mấy bậc nữa thì có người chạy huỳnh huỵch từ dưới lên, mãi tới lúc đến trước mặt tôi mới dừng lại, ngẩng lên nhìn tôi, vẻ mặt lộ rõ sợ hãi sau đó quay ngoắt người chạy xuống trở lại.

Tôi khẽ gọi: “Dương Nghiêm, đứng lại!”.

Dương Nghiêm đã chạy được mấy bước, nghe vậy dù không muốn cũng phải đứng lại, ngước mặt lên nhìn tôi, làm ra vẻ bất ngờ trông thấy, kêu lên vui mừng: “Hoàng hậu nương nương, đã lâu lắm rồi không gặp. Nương nương có khỏe không?”.

Kể từ hôm đẩy Dương Nghiêm xuống Uyển Giang đến nay tôi vẫn chưa gặp lại anh ta, đúng là lâu ngày không gặp thật! Tôi chậm rãi gật đầu, dựa vào tay Lục Ly đi xuống bậc thang cuối cùng, rồi đi vòng quanh Dương Nghiêm hai vòng, cười hỏi anh ta: “Quả là đã lâu không gặp rồi. Ngươi vẫn ở lại Thái Hưng à?”.

Trán Dương Nghiêm toát mồ hôi, anh ta vội gật đầu: “Đúng thế, đúng thế”.

Tôi vươn người tiến lại sát bên anh ta, khẽ hỏi: “Vẫn học bơi ở Uyển Giang đấy chứ? Liệu có chút tiến bộ nào chưa?”.

Dương Nghiêm dùng tay áo lau mồ hôi trên trán, đáp: “Có tiến bộ, có tiến bộ”.

Chuyện trả thù càng kéo dài lại càng khiến người ta mất ăn mất ngủ. Tôi mỉm cười, không thèm để ý đến Dương Nghiêm nữa, quay người bỏ đi. Quả nhiên, tôi mới đi được mấy bước thì đã nghe tiếng Dương Nghiêm đuổi theo, hỏi tôi với vẻ rất ngạc nhiên: “Thế là đã kết thúc rồi sao?”.

Tôi mỉm cười, đáp: “Chưa kết thúc đâu”.

Dương Nghiêm nhướng mày ngạc nhiên, nhìn tôi vẻ không hiểu, chờ tôi nói tiếp.

Tôi chỉ nhếch môi, bám vào tay Lục Ly đi về phía nhà vệ sinh ở phía sau lầu Bảo Tân. Có điều chẳng có nhu cầu giải quyết vấn đề nào nên tôi chỉ loanh quanh một chút rồi đi ra. Cũng không muốn quay trở lại lầu Bảo Tân tiếp tục diễn kịch với Tề Thịnh và những người ở đó, tôi bèn sai người báo tin rồi cùng Lục Ly trở về cung.

Đến tối, sau một thời gian không tới cung Hưng Thánh, Tề Thịnh đột ngột xuất hiện, dáng đi hơi loạng choạng, rõ ràng đã uống không ít rượu.

Tôi cảm thấy hơi ngạc nhiên, còn Lục Ly thì rất vui, vội mừng rỡ đi rót trà dâng lên Tề Thịnh.

Tề Thịnh khoát tay ra hiệu cho bọn Lục Ly lui ra. Câu đầu tiên mà anh ta nói với tôi là: “Hạ Binh Tắc xin ta ban chiếu tứ hôn”.

Tôi sững sờ, hỏi: “Với Trương nhị cô nương?”.

Sắc mặt của Tề Thịnh rõ ràng có hơi men, đôi mắt lại thanh tĩnh như nước, môi khẽ nhếch lên, mỉm cười đáp: “Đúng thế, Hạ Binh Tắc nói không thể để cho Trương nhị cô nương phải chịu điều tiếng, muốn danh chính ngôn thuận cưới Trương nhị cô nương về làm vợ”.

Tôi ngẩn người. Tôi chỉ khích lệ Trương nhị cô nương tìm cách lôi kéo tình cảm của Hạ Binh Tắc, muốn Hạ gia có quan hệ với Trương gia, không ngờ thằng nhãi Hạ Binh tắc lại dám tới cầu xin Tề Thịnh tứ hôn.

Không thể ngờ được, thực sự là không thể ngờ được.

Tề Thịnh liếc xéo sang tôi, hỏi: “Thế nào? Nàng nghĩ sao về chuyện này?”.

Tôi gật đầu vẻ khâm phục, đáp: “Khâm phục thật đấy, thiếp không ngờ Hạ tướng quân lại là người trọng tình trọng nghĩa như vậy!”.

Tề Thịnh nhếch môi vẻ coi thường, hỏi tiếp: “Còn có gì khác nữa không?”.

Tôi suy nghĩ một lát rồi đáp rất nghiêm chỉnh: “Thủ đoạn của Trương nhị cô nương quả là rất cao siêu!”.

Tề Thịnh cười lạnh lùng, vươn người qua chiếc bàn, nhìn chằm chằm vào tôi, nói: “Nàng còn giả vờ được sao? Đây chẳng phải là điều nàng mong muốn còn gì?”.

Tôi cân nhắc, anh chàng này có lẽ đã bị Hạ Binh Tắc kích động, từ xấu hổ trở thành giận dữ. Lựa chọn nguyên tắc “im lặng là vàng”, tôi ngoan ngoãn ngậm miệng lại.

Ai ngờ Tề Thịnh vẫn không chịu thôi, đưa tay vuốt lên khuôn mặt tôi, nói gần như thì thầm: “Những người đàn bà nhà họ Trương đều là những người thủ đoạn như vậy có phải không?”.

Tôi cảm thấy nổi gai ốc toàn thân, rất khó chịu, cố nén nhưng không được nên vừa gỡ tay Tề Thịnh xuống, vừa hỏi: “Chàng khen thiếp hay là khen Trương Bồng Bồng? Thiếp cảm thấy vấn đề này cần phân biệt cho thật rạch ròi. Trước hết, thiếp không phải là đàn bà nhà họ Trương, Giang thị cũng vậy; thứ nữa, Trương Bồng Bồng trước đây cũng không thể coi là người có thủ đoạn, vì nếu cô ta mà có được một nửa bản lĩnh như của Ánh Nguyệt thì đã chẳng có kết cục như vậy”.

Thân hình Tề Thịnh cứng đờ, từ từ thu tay về.

Tôi thấy trong lòng sửng sốt, nghi ngờ liệu có phải vì mang thai mà nội tiết có vấn đề hay không, nếu không thì sao lại so đo như đàn bà vậy? Lại còn nói ra toàn những lời đánh thẳng vào điểm yếu của người khác thế, có khác gì trực tiếp vả vào mặt Tề Thịnh đâu!

Nghĩ vậy, tôi thận trọng đưa mắt nhìn Tề Thịnh, thấy anh ta vẫn cụp mắt xuống im lặng, chợt nghĩ có khi vẫn còn cơ hội vớt vát nên vội vàng bổ sung: “Nhưng Hoàng thượng nói cũng rất phải. Đàn bà nhà họ Trường từ trẻ đến già đều là những người thủ đoạn”.

Tề Thịnh vẫn im lặng không nói gì.

Tôi chép miệng, quyết định tốt nhất là cứ nói theo lập trường của Tề Thịnh, nên tiếp tục tỏ vẻ phẫn nộ: “Mà đâu chỉ có thủ đoạn, là xảo quyệt ghê gớm ấy chứ!”.

Tề Thịnh vẫn không có phản ứng gì, một lát sau thì đứng dậy.

Tôi vội vàng đứng lên theo, miệng hỏi: “Chàng định về rồi sao? Không ở thêm nữa à?”, rồi không chờ Tề Thịnh trả lời, cười với vẻ cực kỳ nhiệt tình: “Để thiếp tiễn chàng!”.

Tề Thịnh mở miệng ra định nói gì nhưng lại thôi, sau đó quay người đi thẳng ra bên ngoài, đến cửa điện bỗng dừng lại, nói với tôi: “Nàng đi theo ta”.

Tôi lập tức muốn tự vả vào mặt mình, tự nhiên cười tươi như thế làm khỉ gì, lại còn xun xoe nịnh nọt muốn tiễn cái khỉ gì! Dù vậy tôi vẫn cố nặn ra một nụ cười, khéo léo từ chối: “Trời tối rồi, bên ngoài lạnh, có chuyện gì ngày mai Hoàng thượng hãy nói”.

Tề Thịnh nhìn tôi chăm chăm rồi sai Lục Ly vẫn đứng chầu bên cửa: “Mang áo choàng cho Hoàng hậu”.

Lục Ly đáp với vẻ vô cùng sung sướng, quay vào trong điện, loáng một cái đã mang một tấm áo choàng thêu chim phượng bằng chỉ màu có đường viền lóng lánh, nhưng không đưa cho tôi mà lại đưa cho Tề Thịnh.

Không cần nghĩ tôi cũng hiểu được ý của Lục Ly, dù vậy vẫn lườm cô một cái rõ sắc. Nụ cười trên mặt Lục Ly lại càng rạng rỡ hơn, cô thu tay về đứng sang một bên.

Tề Thịnh choàng áo lên người tôi, thắt dây lại, tiếp đó kéo tay tôi, nói bằng giọng bình thản: “Đi thôi”.

Nói xong Tề Thịnh kéo tôi đi ra ngoài, tôi cố nén nỗi kinh ngạc trong lòng, cùng anh ta đi hết hành lang, vòng quanh đường mòn, qua cầu, trèo lên giả sơn, cuối cùng tới đình hóng gió ở nơi cao nhất trên núi Linh Long cạnh hồ Thái Dịch. Từ đây nhìn có thể thấy được quang cảnh của nửa thành Thịnh Đô.

Tề Thịnh im lặng nhìn những ánh đèn nhấp nháy trong thành rồi quay sang hỏi tôi: “Thấy thế nào?”.

Tôi kéo áo choàng, trấn tĩnh đáp: “Gió hơi to”.

Tề Thịnh mượn ánh trăng nhìn vào đôi mắt tôi, khóe môi khẽ nhếch lên, sau đó quay đầu đi, đột nhiên hỏi: “Nàng tên gì?”.

Tôi suy nghĩ một lát, đáp: “Cứ gọi là Trương Bồng Bồng đi”.

Sự việc đã đến nước này, ngoài lấy cái tên đó ra tôi chẳng còn sự lựa chọn nào khác.

Bàn tay đang nắm lấy tay tôi của Tề Thịnh hơi đờ ra nhưng vẫn không quay lại nhìn tôi. Im lặng một lát Tề Thịnh mới nói: “Được, thế thì ta sẽ gọi nàng là Bồng Bồng, nàng có biết nguồn gốc của cái tên này không?”.

Tôi giật nảy mình, bất giác hỏi: “Không lẽ chuyện này chàng cũng biết?”.

Tề Thịnh không để ý đến lời khen của tôi, chỉ mỉm cười, khẽ đáp: “Ngã hành kỳ dã, bồng bồng kỳ mạch”.

Tôi trầm mặc, lặng lẽ nhìn ánh đèn của những căn nhà phía xa.

Tề Thịnh quay lại, hỏi tôi: “Vì sao nàng không hỏi xem tại sao lại lấy hai câu đó?”.

Tôi cũng nhìn Tề Thịnh, vẻ mặt rất bình tĩnh, nói một cách nghiêm túc: “Thiếp có thể hỏi một câu khác trước không?”.

Tề Thịnh nghe tôi nói vậy có vẻ rất ngạc nhiên nhưng vẫn gật đầu: “Nàng hỏi đi”.

“Chàng nói cho thiếp biết ý nghĩa của hai câu đó trước đi!”.

Tề Thịnh ngây người, mở to mắt nhìn tôi, một hồi lâu sau thì bật cười lớn khiến cho tiểu thái giám và thị vệ đứng hầu ở phía xa đều kiễng chân lên nhìn về phía chúng tôi.

Tôi thấy vừa xấu hổ vừa tức giận, nhìn anh ta bằng con mắt lạnh lùng. Loại người hơi một tí là ném sách vứt vở này thật vô cùng đáng ghét, anh có biết nói những lời tử tế không?

Một hồi lâu sau Tề Thịnh mới dừng lại, đôi mắt đã trở nên sáng rực tự lúc nào, mỉm cười giải thích: “Đây là hai câu trong Kinh thi, đại ý là: Ta đi giữa đồng ruộng, lúa mạch trong ruộng mọc xanh tốt. Vì tên người trong lòng của Thành Tổ có chữ “mạch”, khi nàng ra đời lại đúng lúc ông ấy đang ở Trương gia nên đã ban cho nàng tên đó”.

“Ồ”, tôi gật đầu, “Hiểu rồi, ý của Thành Tổ là hy vọng lúc nào cũng có thể nhìn thấy người ấy trong nhà họ Trương, đúng không?”.

Tề Thịnh cười, gật đầu: “Nàng thực sự rất thông minh”.

Tôi trề môi vẻ coi thường, hỏi tiếp: “Thái hoàng thái hậu có lẽ không biết nguồn gốc của cái tên này, đúng không?”.

Tề Thịnh ngạc nhiên, hỏi lại: “Sao nàng biết?”.

“Chuyện đó còn phải hỏi? Nếu Thái hoàng thái hậu biết trong lòng của chồng mình luôn nghĩ tới đàn bà khác, chắc chắn đã nhổ ngay ngọn lúa mạch xanh mơn mởn là thiếp rồi, sao có thể để cho thiếp sống vui vẻ đến ngày hôm nay?”.

Vẻ mặt của Tề Thịnh trầm xuống, nhìn tôi đầy suy tư rồi khẽ nói: “Nàng nghĩ thế à?”.

Tôi xua tay phản đối, cười: “Không phải thiếp nghĩ vậy mà là đàn bà đều làm vậy”.

Tề Thịnh lại nhìn tôi rồi im lặng.

Tôi thấy hơi buồn ngủ, hơn nữa cũng thấy rất chán kiểu nói chuyện thốt ra một câu lại im lặng cả chục câu của Tề Thịnh, nói: “Về chuyện của Hoàng thượng với Giang thị, trước đó chàng đã nói với thiếp rồi, thiếp vẫn còn nhớ. Bây giờ đã muộn, để hôm khác nói tiếp, chúng ta về đi ngủ thôi”.

Nói xong, không chờ Tề Thịnh mở miệng tôi đã quay người bước đi. Còn chưa ra khỏi đình thì nghe thấy tiếng Tề Thịnh ở phía sau: “Hôm nay ta muốn nói với nàng về chuyện của Giang thị”.

Tôi dừng lại, quay người mỉm cười với Tề Thịnh: “Thế thì cũng để hôm khác nói được không? Thức đêm không có lợi cho sức khỏe”.

Tề Thịnh nhìn tôi một hồi lâu, mãi sau mới bình thản hỏi: “Có phải nàng định làm ta tức chết mới vừa lòng đúng không?”.

Tôi giật thót. Chà, sao anh ta lại nhìn thấy hết thế nhỉ?

Nhưng bị anh ta nhìn thấu là một chuyện khác, còn tự miệng tôi nói ra lại là một chuyện khác, vì thế tôi cũng im lặng theo.

Tề Thịnh quay người đi, im lặng một lát rồi mở miệng bắt đầu nói một câu không đầu không đuôi: “Ta và nàng ấy quen nhau ở nhà họ Trương”.

Tôi ngây người, một lúc sau mới hiểu ra “nàng ấy” là chỉ Giang thị.

Tôi “ừm” một tiếng ý nói là tôi đang nghe. Thấy Tề Thịnh lại im lặng, tôi dứt khoát bước trở lại, quấn chặt áo choàng ngồi xuống lan can quanh đình, ngẩng mặt nhìn lên Tề Thịnh, hỏi với vẻ cổ vũ: “Sau đó thì sao?”

Tề Thịnh dừng lại một lúc rồi tiếp tục nói: “Lúc đó nàng ấy mới tới nhà họ Trương chưa lâu, vì đời này nữ nhi nhà họ Trương tầm tuổi ấy rất ít nên Trương lão thái thái để cho nàng ấy ở cạnh chỗ Trương thị, hằng ngày cùng học hành, đọc sách với Trương thị. Một lần, ta theo Thành Tổ đến nhà họ Trương chơi thì gặp nàng ấy”.

Tôi thực sự không cảm thấy câu chuyện ấy có gì là đặc biệt, có chăng cũng chỉ là mang hơi hướng của chuyện Cô bé Lọ Lem, cũng tương tự như truyền kỳ về tình yêu lãng mạn giữa một chàng trai nhà nghèo với một cô con gái nhà giàu mà các đồng bào nam giới thường xuyên mơ tưởng mà thôi. Có điều trong hiện thực, các hoàng tử thường chỉ lấy các công chúa, thiên kim tiểu thư cũng chỉ lấy con nhà quan lại, vì thế tình yêu giữa Tề Thịnh và Giang thị đã được định đoạt trước rằng chỉ có nở hoa chứ không thể kết trái.

Bất giác tôi thở dài, lắc đầu.

Tề Thịnh liếc nhìn tôi một cái vẻ ngạc nhiên, có điều không nói gì.

Mặc dù câu chuyện này chẳng có gì mới mẻ, nhưng vì cố giữ nguyên tắc làm một thính giả biết lắng nghe, tôi kịp thời hỏi một câu: “Sau đó thì sao?”.

Câu nói đó xem như đúng ý Tề Thịnh, anh ta dừng lại một lúc rồi tiếp tục nói: “Lúc đó mặc dù Trương thị đã mười hai, mười ba tuổi, nhưng vì quen thuộc với ta từ hồi nhỏ nên nhà họ Trương không gò bó cô. Cô ấy biết ta tới là lập tức tìm ta để chơi. Giang thị thường đi theo cô ấy, người thì gầy khô, lúc nào cũng cúi đầu, khác hẳn với Trương thị hay cười hay nói. Ta luôn không thích vẻ nghịch ngợm của Trương thị, vì thế thường để mắt đến Giang thị hơn. Trương thị thấy thế liền để bụng, thỉnh thoảng lại tìm cách gây sự với Giang thị, nhưng Trương thị càng làm vậy, ta lại càng hướng về Giang thị”.

Tôi gật đầu tỏ ra đã hiểu, lại hỏi: “Sau đó thì sao?”.

Tề Thịnh đáp: “Lúc đó ta chỉ cảm thấy Giang thị rộng lượng hơn Trương thị. Quá rõ ràng, nếu sau này nàng ấy làm vợ ta thì nhất định sẽ là một hoàng hậu tốt”.

Tôi nghe câu nói này bất giác tặc lưỡi, cứ một mực đòi “một đời một kiếp chỉ có mình thiếp” thì không biết trở thành hoàng hậu tốt cái nỗi gì? Có điều tôi giữ câu đó lại, chỉ mở miệng hỏi: “Sau đó nữa thì sao?”.

Tề Thịnh trầm ngâm một lát rồi tự cười giễu: “Sau đó thì ta lập Trương thị làm thái tử phi, còn Giang thị thì lựa chọn lấy Ngũ đệ”.

Tôi hỏi tiếp: “Vì sao?”.

Tề Thịnh khẽ đáp: “Vì hồi còn sống Thành Tổ vô cùng sủng ái ta, mỗi lần thị sát quân tình đều đưa ta đi, đến nỗi sau khi Tiên hoàng kế vị rồi mà vẫn rất đố kỵ với ta. Tiên đế rất quý Cửu đệ, Tống hậu thì lại luôn nghĩ cách lập Cửu đệ làm thái tử thay ta. Hoàn cảnh của ta lúc ấy rất khó khăn, chuyện tình cảm trở thành một thứ xa xỉ. Quan hệ giữa ta với Ngũ đệ luôn rất thân thiết, hai chúng ta thỏa thuận với nhau, thay vì suốt ngày phải thấp thỏm không yên, chi bằng trước tiên tỏ ra yếu đuối, tiến vào chỗ chết tìm đường hồi sinh. Đầu tiên dùng Giang thị làm cớ để ngụy tạo sự rạn nứt giữa hai huynh đệ ta, khiến cho phe Cửu đệ lơ là cảnh giác với Ngũ đệ, sau đó Ngũ đệ sẽ thay ta tìm cách móc nối với tướng lĩnh ba quân”.

Tôi bỗng hiểu ra, đồng thời càng thấy thông cảm hơn với anh bạn Triệu vương đen đủi. Chuyện ấy làm cũng thật là… Tìm cớ gì thì tìm, sao lại cứ nhất định phải tự cắm sừng lên đầu mình như thế?

“Vì chuyện của Giang thị, Trương thị thường xuyên gây sự với ta. Tiên hoàng cũng mấy lần gọi ta tới để quở mắng. Bề ngoài thì Người tỏ ra tức giận nhưng trong lòng lại thấy yên tâm về ta, vì ta và Trương thị bất hòa, nhà họ Trương sẽ không đồng lòng với ta. Hơn nữa, với một thái tử chỉ biết đến chuyện tình cảm, bất chấp đạo đức thì không thể tạo ra mối đe dọa nào với ông, chỉ cần ông muốn thì lúc nào cũng có thể tóm được đuôi của ta”.

Tôi không khỏi cảm thấy sửng sốt, không kịp nghĩ gì nhiều đã bật hỏi: “Ông ấy thực sự là cha ruột của chàng chứ?”.

Tề Thịnh ngây người, đôi lông mày nhíu lại.

Tôi ngẫm nghĩ một lát cũng thấy câu hỏi đó không ổn, vội giải thích: “Ý của thiếp là, Tiên hoàng có vẻ không giống như cha ruột của chàng”.

Lông mày của Tề Thịnh càng nhíu chặt hơn, mặt tối sầm hẳn lại.

Tôi cuống quýt, lưỡi cũng líu cả lại, càng nói càng rối: “Tiên hoàng là cha đẻ của chàng! Tuyệt đối! Không! Không! Không! Không phải là ý đó, mà là…”.

“Đủ rồi!”, Tề Thịnh quát lên, giọng lạnh lùng.

Tôi biết mình lỡ lời, ngoan ngoãn ngậm miệng.

Hai chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau một hồi lâu, tôi đang định mở miệng thì Tề Thịnh bất giác chau mày lại, tôi vội giơ hai tay lên, nói: “Thiếp muốn hỏi là sau đó thì sao?”.

Không biết Tề Thịnh nghĩ những gì mà đột nhiên nhìn tôi cười, một lát sau mới nghiêm mặt lại, quay đi không nhìn tôi nữa, giọng bình thản: “Ta đã nói với Trương thị, giữa ta và Giang thị cứ nhùng nhằng là có lý do của nó, Giang thị lấy Ngũ đệ thì đã là em dâu ta, ta không thể có tư tình gì với nàng ấy nữa. Nhưng Trương thị không chịu tin, lúc nào cũng cứ nhằm vào Giang thị nên mới xảy ra chuyện ngã xuống nước. Sau đó thế nào thì nàng cũng biết rồi đấy”.

Tôi không kịp nghĩ gì, hỏi tiếp: “Sau đó thì sao?”.

Tề Thịnh hơi ngây người ra, ngẫm nghĩ một lát rồi mới khẽ nói: “Sau này ta mới biết, vì ta mà tình cảm của Ngũ đệ đối với Giang thị chuyển từ yêu sang hận, giày vò cô ấy tới chết. Mặc dù phải chịu nhiều đau khổ như vậy, nhưng Giang thị không hề ca thán với ta nửa lời”. Giọng của Tề Thịnh mỗi lúc một trầm xuống, cuối cùng gần như là thì thầm: “Vốn là ta có lỗi với Giang thị. Nàng ấy đã vì ta mà bất chấp sống chết, thế mà ta chỉ có thể mang đến cho nàng ấy một cuộc sống không thiếu ăn thiếu mặc”.

Nghe đến đây, chuyện không cần phải kể thêm nữa, nhưng vì tôi đã hỏi quen miệng nên chẳng nghĩ gì, lại hỏi tiếp: “Sau đó thì sao?”.

Tề Thịnh quay lại nhìn tôi, khóe môi trễ xuống.

Thấy vậy tôi mới chợt bừng tỉnh, chỉ muốn đánh cho mình một cái. Các bạn nghĩ mà xem, lẽ ra nghe đến đây thì hoặc là phải vỗ tay khen hay, hoặc là lắc đầu thở dài, đâu có cái kiểu cứ luôn mồm hỏi “sau đó thì sao?” như tôi bao giờ!

Tôi thực sự thấy rất buồn ngủ, chỉ mong nhanh chóng được giải thoát để được về, vì thế vội tìm cách bù đắp tội lỗi của mình. Tôi vừa lắc đầu vừa dài giọng than thở: “Chà, rõ ràng là một mối lương duyên, thế mà rồi mỗi người một ngả, đáng tiếc làm sao, đúng là tạo hóa trêu ngươi!”.

Nói xong câu này tôi mới nhận ra, phen này thì hay rồi, mặt của Tề Thịnh lại càng tối sầm hơn.

Tề Thịnh lặng lẽ nhìn tôi hồi lâu, sau đó hỏi: “Bồng Bồng, nàng không hiểu thật hay đang giả vờ ngu ngốc thế?”.

Tôi vô cùng chán ghét cái thói chuyện gì cũng không chịu nói hết mà cứ bắt người khác phải đoán này, nên cúi đầu suy nghĩ một lát rồi ngẩng lên nhìn anh ta, hỏi thẳng vào vấn đề: “Chàng muốn nói gì?”.

Tề Thịnh lại nhìn tôi không nói.

Tôi nghĩ, có lẽ anh ta không nghe rõ câu hỏi của tôi, nên đổi cách nói khác: “Nói cách khác, chàng muốn thiếp làm đến mức nào? Ví dụ, mấy ngày thì gặp mặt một lần? Khi gặp nhau thì nói mấy câu? Tỏ ra nhiệt tình hay lạnh nhạt? Nếu mỉm cười thì khóe môi phải nhếch lên mức nào thì chàng mới vừa ý?”.

Tề Thịnh vẫn không nói gì, chỉ có điều ngực phập phồng rất dữ dội.

Tôi thực sự lo ngại cái ngực như ngực cóc ấy phập phồng đến nổ tung, nên quyết định nói thẳng: “Tề Thịnh, thực ra những chuyện chàng nói thiếp đều hiểu. Chàng chẳng qua là muốn nói, dù chàng lấy Trương thị vì quyền thế cũng vậy, bỏ rơi Giang thị vì theo đuổi ngôi báu cũng vậy, tất cả đều là bất đắc dĩ, còn bản chất của chàng là người trọng tình trọng nghĩa. Nhưng, Trương thị mà chàng không phụ kia thì đã chết, còn Giang thị khiến chàng vẫn luôn thấy áy náy thì đã được đón vào trong cung, đó đều là sự thật! Bây giờ chàng muốn lật đổ nhà họ Trương nên muốn tới để giải thích cho thiếp, đúng thế không?”

Tề Thịnh nắm hai bàn tay lại thành nắm đấm, đứng yên nhìn tôi, một hồi lâu sau mới thở hắt ra, hỏi bằng giọng lạnh lùng: “Nàng nghĩ như thế à?”.

Vì đứng lâu, bàn chân đã tê dại, tôi đành gác một chân lên thành lan can, ngước mắt nhìn Tề Thịnh: “Không thể trách thiếp sao lại nghĩ như vậy, từ trước đến giờ chàng vẫn làm như thế cơ mà, huynh đệ! Tề Thịnh ơi là Tề Thịnh, đời này chàng có thể sống mà không trông chờ vào đàn bà được không? Dù gì thì chàng cũng đã đọc rất nhiều sách lược trị quốc của các bậc đế vương, không lẽ chỉ nhớ đến mỹ nhân kế? Đừng thế nữa, vẫn còn ba mươi nhăm kế khác kia mà!”.

Tề Thịnh nhìn tôi chăm chăm, hỏi: “Bồng Bồng, nàng hận ta lắm, đúng không?”.

Tôi cảm thấy câu hỏi này quá sâu, rất khó trả lời. Vì vậy, tôi ngẫm nghĩ một lát, quyết định đổi tư duy để giải quyết vấn đề, trả lời rất thoải mái: “Không hận, thiếp hiểu chàng, thiếp nói thật lòng đấy. Nếu thiếp ở vào vị trí của chàng thì cũng sẽ loại hết vây cánh của nhà họ Trương. Nhưng bây giờ thiếp là hoàng hậu, là hoàng hậu xuất thân từ Trương gia, chàng loại bỏ vây cánh nhà họ Trương thì có khác gì nhổ sạch lông của thiếp, chàng bảo thiếp phải làm thế nào? Mỗi lần chàng nhổ một sợi là một lần thiếp phải kêu đau chắc?”.

Tề Thịnh không trả lời.

Tôi tặc lưỡi: “Được rồi, cứ coi như là thiếp không sợ đau đi, nhưng vấn đề ở chỗ, nếu chàng vặt sạch lông của thiếp, rồi lại chỉ vào thiếp mà nói đây là phượng hoàng, không hiểu chàng làm vậy để lừa ai? Mà ai tin chàng?”.

Tề Thịnh đứng im lặng một hồi lâu rồi khẽ nói: “Nàng nhìn thấy rõ như vậy…”.

Tôi thở dài: “Chuyện đã bày ra ngay trước mắt, thiếp có muốn không nhìn rõ cũng không được”.

Tề Thịnh cười tự giễu rồi nói: “Ta biết là nàng cứ giả vờ ngốc nghếch để khiến ta tức giận”.

Tôi nhún vai bất lực: “Phải giả vờ như vậy thực ra cũng rất khó”.

Tề Thịnh nhìn tôi một lát rồi bình thản nói: “Cửu đệ cũng không phải là người dễ chơi, nàng tin Cửu đệ thật à?”.

Tôi mở to mắt, ngạc nhiên nhìn anh ta: “Không hề, đến cả chàng thiếp cũng không tin thì liệu có thể tin Cửu đệ được không? Dù gì chúng ta cũng từng ngủ chung một giường, còn Cửu đệ với thiếp chẳng có quan hệ gì”.

Tề Thịnh không nói gì, chỉ nhìn tôi thở dài.

Tôi cười, nói một cách rất thẳng thắn: “Có điều, bây giờ thì thiếp đã rõ. Nhà họ Trương và Cửu đệ đều không thể đổ được, thiếp còn phải chờ bọn họ đến để đỡ cái kiệu hoàng hậu này cơ mà. Hơn nữa, Hoàng thượng cũng đừng có vội loại trừ bọn họ, bậc quân vương phải có nghệ thuật cân bằng giữa các vấn đề, đúng thế không? Tìm cách để họ tự cân bằng chẳng phải tốt hơn sao? Người càng đông thì càng dễ nâng kiệu mà”.

Tề Thịnh cũng mỉm cười: “Bồng Bồng, nàng là một nữ tử mà ta chưa từng gặp bao giờ”.

Tôi gật đầu, “ừm” một tiếng, bụng thầm nghĩ, anh chưa gặp người phụ nữ nào như ta, nếu anh được đến chỗ Trương thị, anh cũng sẽ thấy chưa gặp người đàn ông nào như Trương thị…

Tề Thịnh đột nhiên chìa tay về phía tôi.

Trong phút chốc tôi ngây người ra, không hiểu anh ta có ý gì.

Tay của Tề Thịnh vẫn đưa ra, sau đó khẽ vẫy về phía tôi. Tôi do dự một lát rồi đặt tay mình lên tay anh ta, Tề Thịnh bất ngờ ôm lấy và nhấc tôi lên thành lan can, sau đó xoay người tôi lại, để tôi quay mặt ra phía ngoài đình.

Xa xa là một bầu trời đầy sao lấp lánh, nhìn xuống phía dưới là những ánh đèn nhấp nháy trong thành. Gió đêm thổi nhẹ, mang theo hương thơm thoang thoảng.

Mẹ kiếp, mặc dù trái tim tôi là của đàn ông nhưng không thể không thừa nhận chiêu này của Tề Thịnh rất tuyệt!

Tề Thịnh ở phía sau lưng tôi khẽ nói: “Bồng Bồng, hai chúng ta đánh cược, được không?”.

Tôi nhìn xuống khoảng đất dốc đứng phía dưới, thầm nghĩ, nếu tôi nói ra những lời không hay, liệu anh ta có đẩy tôi xuống đấy rồi dựng hiện trường một vụ tự sát không nhỉ?

Có thể do tôi im lặng khá lâu nên Tề Thịnh đặt cằm lên vai tôi, gọi tên tôi bằng giọng rất mềm mại: “Thế nào, Bồng Bồng?”.

Tôi cảm thấy nhồn nhột, toàn thân bất giác run lên, hít một hơi thật sâu rồi mới quay người lại, hỏi anh ta: “Cược cái gì?”.

Tề Thịnh ngẩng lên nhìn tôi, ánh trăng phản chiếu qua đôi mắt anh ta biến thành những dải lấp lánh, dịu dàng, anh ta nói từng từ từng từ một: “Giang sơn, còn cả ta và nàng”.

Tôi lại hỏi: “Cược thế nào?”.

Tề Thịnh đáp: “Cược rằng ta sẽ che chở cho nàng suốt đời”.

Tôi mỉm cười, không nói gì.

Tề Thịnh lại nói: “Nếu ta thua, ta sẽ giao giang sơn lại cho nàng. Nhưng nếu ta thắng…”, anh ta dừng lại đôi chút, nhìn sâu vào mắt tôi, “Nàng sẽ phải một lòng một dạ với ta, cùng ta thưởng ngoạn giang sơn này”.

Tôi đáp dứt khoát: “Không cược đâu!”.

Tề Thịnh hơi ngây người ra, có vẻ ngạc nhiên, hỏi: “Vì sao?”.

Tôi không nén được cười, đáp: “Chàng nói với thiếp cứ như thể thiếp là trẻ con vậy. Nếu chàng thua, có nghĩa là chàng không thể che chở được cho thiếp, đến lúc ấy, chàng còn có thể giao lại giang sơn cho thiếp được không? Chàng tưởng giang sơn là quần của chàng, muốn cởi là cởi chắc?”.

Tề Thịnh lặng lẽ nhìn tôi, một hồi lâu không nói năng gì.

Trong lòng tôi bất giác cũng thấy chột dạ, cố suy nghĩ xem liệu lời mình nói có quá thô lỗ không.

Cuối cùng Tề Thịnh cũng cười, dang tay ôm tôi từ trên lan can xuống, nói: “Về thôi.”

Rồi không chờ tôi nói gì, Tề Thịnh kéo tay tôi đi ra ngoài đình. Mấy lần tôi định rụt tay về nhưng Tề Thịnh lại càng nắm chặt hơn, vì thế tôi đành từ bỏ ý định, ngoan ngoãn đi sau anh ta nửa bước, để mặc cho anh ta lôi đi.

Dọc đường, cả hai chúng tôi không ai nói gì. Tề Thịnh đưa tôi về đến phía ngoài cung Hưng Thánh rồi mới quay người rời đi.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương