Tay Cự Phách
-
Chương 2
Mừng Giáng Sinh, Tặng Ngay 15% Giá Trị Nạp. Chương Trình Khuyến Mãi Kéo Dài Từ 24/12 Đến Hết 27/12, Nhanh Tay Lên Các Bạn Ơi!!
“Lạy chúa, đây mới thực sự là một “Donderstorm”! Jamie McGregor kêu lên. Anh đã lớn lên giữa những cơn bão hung dữ của miền thượng du xứ Tô Cách Lan, nhưng chưa hề bao giờ chứng kiến một cơn bão ghê gớm như thế. Cả một bầu trời vào buổi trưa đột nhiên bị xoá sạch bởi những đám mây cát khủng khiếp, ngay lập tức ngày biến thành đêm. Bầu trời đầy bụi bặm loé lên những tia chớp – người Africaner gọi là Weerlig – như đốt cháy không khí, tiếp theo là “donderslag”, tức sấm sét. Sau đó là cơn đại hồng thuỷ. Những làn mưa đập mạnh lên những tấm lều vải và trên những căn chòi làm bằng thiếc, biến các đường phố rác rưởi của Klipdrift trở thành những dòng sông lầy lội điên cuồng. Tiếng sấm sét rầm vang bầu trời, cái này kế tiếp cái kia, nghe như tiếng đại bác nổ rền trong một trận chiến giữa các thiên thần.
Jamie McGregor vội vàng nhảy sang một bên khi một căn nhà xây bằng gạch thô tan vụn ra thành bùn. Anh lo ngại không biết thị trấn Klipdrift có còn tồn tại được nữa hay không.
Klipdrift không hẳn là một thị trấn, đúng hơn đó là một ngôi làng bằng vải bạt, lổn nhổn những căn lều, chòi và xe chở hàng, chen chúc nhau bên bờ sông Vaal, trong đó sinh sống những con người man dại, đầy mơ tưởng, từ mọi miền của thế giới kéo đến Nam Phi do cùng có chung một ám ảnh: kim cương.
Jamie McGregor là một trong những kẻ mơ tưởng ấy. Anh chỉ mới mười tám tuổi, trẻ, đẹp trai, dáng người cao, tóc hoe và có một cặp mắt sáng kỳ lạ. Anh có một vẻ ngây thơ đáng yêu, lúc nào cũng hăm hở làm vui lòng kẻ khác, khiến ai cũng phải mến chuộng. Tính tình anh vô tư và tâm hồn lúc nào cũng lạc quan.
Anh đã đi gần tám ngàn dặm, từ nông trại của cha anh ở miền thượng du xứ Tô Cách Lan, đến Edinburg, Luân Đôn, Cape Town và bây giờ anh đến Klipdrift này. Anh đã từ bỏ phần nông trại anh đã cày cấy cùng với cha và anh, mà lẽ ra anh có quyền hưởng, nhưng Jamie không lấy làm tiếc chút nào. Anh biết rằng rồi đây anh sẽ được hưởng hơn thế gấp mười nghìn lần. Anh đã để lại cuộc sống an toàn duy nhất mà anh đã quen thuộc để đến nơi xa xôi, hẻo lánh này bởi vì anh mơ ước được trở nên giàu có. Anh không quản ngại công việc nặng nhọc nhưng việc cấy cày ruộng đất ít ỏi và đầy sỏi đá về phía Bắc Aberdeen đem đến cho anh những thu hoạch rất nghèo nàn. Anh làm việc từ lúc mặt trời lên đến lúc mặt trời lặn, cùng với các anh em trai, chị anh là Mary và cha mẹ, nhưng họ chẳng được bao nhiêu kết quả. Có một lần anh đến xem hội chợ ở Edinburg và trông thấy bao nhiêu những thứ đẹp đẽ lạ lùng mà đồng tiền có thể mua được. Tiền chắc phải làm cuộc sống của mình dễ dãi, nếu mình khoẻ mạnh và thoả mãn các nhu cầu khi mình đau ốm. Jamie đã thấy quá nhiều bạn bè và láng giềng sống và chết trong cảnh nghèo túng.
Anh nhớ lại nỗi xúc động của anh khi lần đầu tiên anh nghe người ta nói đến việc tìm kim cương mới đây ở Nam Phi. Một viên kim cương lớn nhất thế giới đã được tìm ra ở nơi ấy, nằm lẫn trong cát và toàn thể vùng đất ấy, theo lời đồn đại, sẽ là một cái rương đầy châu báu lớn lao đang còn đợi người ta mở ra.
Anh đã tiết lộ tin này cho cả gia đình sau bữa ăn tối vào đêm thứ Bảy. Mọi người ngồi quanh chiếc bàn ăn chưa dọn trong căn bếp thô sơ bằng gỗ, bỗng Jamie cất tiếng, bằng một giọng nói bẽn lẽn nhưng kiêu hãnh: “Con sẽ đi sang Nam Phi để tìm kim cương, tuần sau con sẽ lên đường”.
Cả năm cặp mắt đều trố lên nhìn Jamie chằm chằm như thể anh đã điên rồi.
“Con sắp đi tìm kim cương hay sao?” cha Jamie hỏi “Như thế là mày khùng rồi con ạ. Tất cả chỉ là chuyện thần tiên thôi. Ấy là do ma quỷ dụ dỗ để ngăn cản người ta làm ăn lương thiện”.
“Sao chú không nói chú kiếm đâu ra tiền để đi đến đó?” anh trai của Jamie là Ian hỏi “Phải đi hết nửa vòng trái đất, thế chú kiếm đâu ra tiền?”
Jamie cãi lại: “Nếu có tiền thì em đã không phải đi tìm kim cương. Ở đó chẳng ai có tiền cả. Em sẽ giống như những người khác thôi. Em có đầu óc, sức khoẻ, nhất định sẽ không thất bại”.
Chị Mary lên tiếng: “Annie Cord sẽ thất vọng. Nó đang mong một ngày nào đó sẽ là vợ em, Jamie ạ”.
Jamie rất thương yêu chị. Mary mới hai mươi bốn tuổi mà trông như bốn mươi. Chị ấy chưa bao giờ có thứ gì đẹp đẽ trong đời. Mình sẽ tạo nên sự thay đổi, anh tự hứa với mình như vậy.
Bà mẹ lặng lẽ nhấc đĩa thịt nhồi “Baggins” nóng hổi còn sót lại rồi đi đến chậu rửa bát bằng sắt.
Vào lúc đêm khuya hôm ấy, bà đi đến giường Jamie. Bà nhẹ nhàng đặt một bàn tay lên vai Jamie, như truyền tất cả sức mạnh của bà sang cho anh. Bà nói: “Con hãy làm tất cả những gì cần phải làm, con ạ. Mẹ không biết ở nơi đó có kim cương hay không, nhưng nếu có, chắc chắn con sẽ tìm ra”. Bà lấy ra từ sau lưng một túi bằng da cũ kỹ, rồi nói tiếp: “Mẹ có để dành ra một ít tiền. Con không cần phải nói ra điều này với ai. Cầu Chúa phù hộ cho con”.
Khi rời khỏi Edinburg, Jamie có năm mươi bảng Anh trong chiếc túi da.
Cuộc hành trình đến Nam Phi thật là gian lao, khó nhọc. Jamie phải mất gần một năm trời mới đến được nơi ấy. Thoạt tiên anh làm hầu bàn trong một tiệm ăn bình dân ở Edinburg cho đến khi anh gom góp được thêm năm mươi bảng Anh nữa bỏ vào túi da. Sau đó anh lên đường đi London. Jamie cảm thấy quá khiếp hãi vì thành phố quá to lớn, người đông đúc và những chiếc xe ngựa chở khách to lớn lăn bánh ồn ào với tốc độ năm dặm một giờ. Khắp nơi có những chiếc xe ngựa hai bánh, chở những cô gái xinh đẹp, đội chiếc mũ thật to, mặc những chiếc váy lả lướt và đi những đôi giày xinh xắn có cài khuy cao. Anh trố mắt nhìn ngạc nhiên khi các cô gái bước xuống xe để đi mua sắm trong khu buôn bán Burlington Arcade, nơi chất đầy những đồ bằng bạc, bát đĩa, quần áo, lông thú, đồ sứ và những tiệm bán thuốc chật ních những chai lọ bí mật.
Jamie tìm được một chỗ trọ tại số nhà 32 đường Fitzroy. Tiền trọ là mười silling một tuần, nhưng đó là giá rẻ nhất. Ngày nào anh cũng đi ra bến tàu để xem có chiếc tàu nào đưa anh đến Nam Phi hay không; đến tối thì anh đi xem các quang cảnh kì diệu của thành phố London. Một tối nọ, anh chợt thoáng thấy Edward, ông hoàng xứ Wales đi vào một tiệm ăn ở Convert Garden bằng cửa hông bên tay kè kè một cô gái xinh đẹp. Nàng đội một chiếc mũ lớn có cắm hoa, Jamie nghĩ rằng nếu chị anh ấy được đội một cái mũ như vậy thì chắc đẹp lắm.
Jamie dự một buổi hoà nhạc ở Crystal Palace. Nơi này đã được xây dựng cho cuộc đại triển lãm năm 1851. Anh đến xem rạp hát Drury Lane, rồi vào lúc nghỉ giải lao, anh lẻn sang rạp Savoy Theatre. Đó là toà nhà công cộng đầu tiên ở Anh được đặt hệ thống chiếu sáng bằng điện khí. Một số đường phố cũng có đèn điện và Jamie nghe nói rằng người ta có thể nói chuyện với người nào đó ở bên kia thành phố bằng một thứ máy mới kỳ lạ, gọi là điện thoại. Jamie có cảm tưởng như anh đang nhìn vào tương lai.
Mặc dầu có những sự canh tân và hoạt động như vậy, nước Anh đã ở giữa sự khủng hoảng kinh tế gia tăng lớn vào mùa đông năm ấy. Đường phố đầy cả những người thất nghiệp và đói ăn. Có những cuộc biểu tình của quần chúng và đánh lộn trên đường phố. Mình phải rời khỏi nơi này mới được, Jamie thầm nghĩ. Mình đến đây để thoát khỏi sự nghèo khổ. Ngày hôm sau, Jamie đăng ký làm chiêu đãi viên trên chiếc tàu Walmer Castle, sắp nhổ neo đi Cape Town ở Nam Phi.
Cuộc hành trình bằng đường biển kéo dài trong ba tuần với những thời gian dừng lại ở Madeira và St. Helena để lấy thêm than làm chất đốt. Hành trình thật vất vả vì sóng lớn giữa mùa đông, Jamie bị say sóng ngay từ lúc tàu mới nhổ neo. Nhưng anh lúc nào cũng vui vẻ vì mỗi ngày đi qua anh lại tiến gần hơn chiếc rương đầy châu báu của anh. Khi con tàu đến gần xích đạo, khí trời thay đổi hẳn. Kỳ lạ thay, mùa đông bắt đầu bớt rét lạnh, tiến sang mùa hạ. Khi con tàu đến gần bờ biển Phi Châu, khí hậu trở nên nóng và ẩm thấp.
Chiếc Walmer Castle đến Cape Town vào lúc rạng đông, di chuyển một cách thận trọng xuyên qua một eo biển hẹp phân chia vùng định cư của người cùi trên đảo Robbes với đất liền rồi thả neo ở Table Bay.
Jamie đứng trên boong tàu trước khi mặt trời mọc. Anh nhìn như bị thôi miên, lớp sương mù ban mai được vén lên, lộ ra quang cảnh hùng vĩ của ngọn núi Table Mountain vươn lên vòi vọi nhìn xuống thành phố. Anh đã đến nơi.
Ngay khi con tàu vừa được buộc chặt vào bến, các boong tàu đều bị ngập tràn bởi một đám đông người rất kỳ dị mà Jamie chưa hề trông thấy bao giờ. Họ là những kẻ chào hàng cho tất cả các khách sạn khác nhau ở đây. Những người da đen, da vàng, da nâu, da đỏ rối rít xin vác hành lý hộ cho khách. Bọn trẻ con chạy đi chạy lại để bán báo, kẹo và trái cây. Những người lái xe ngựa là những người lai Âu, người Parsi hay da đen la hét om xòm kêu gọi khách mướn xe. Những người đi bán rong hay đẩy những chiếc xe đựng thức ăn uống kêu gọi người ta chú ý đến những thức bán của họ. Không khí dày đặc những con ruồi đen thật lớn. Các thuỷ thủ và phu khuân vác xô đẩy, la hét để vạch lối đi xuyên qua đám đông, trong khi các hành khách cố gom góp hành lý của họ vào một chỗ và để mắt trông coi nhưng vô hiệu quả. Thật là một mớ hỗn độn những tiếng nói và tiếng động xen lẫn nhau. Người ta nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ mà Jamie chưa bao giờ được nghe. Anh chẳng hiểu được một lời nào.
Cape Town hoàn toàn không giống bất kỳ thành phố nào Jamie đã được thấy. Ở đó không nhà nào giống nhà nào. Sát bên cạnh một kho hàng lớn cao hai ba tầng lầu, là một hiệu ăn uống nhỏ làm bằng sắt mạ, rồi đến một tiệm nữ trang với cánh cửa làm bằng sắt dày; giáp đó là một cửa hàng tạp hoá nhỏ rồi đến một cửa hiệu bán thuốc lá xiêu vẹo.
Jamie như bị thôi miên trước những đám đông đàn ông, đàn bà và trẻ con lúc nhúc trên đường phố. Anh trông thấy một người “kaffir” mặc chiếc quần sọc kiểu miền thượng du Tô Cách Lan cũ kỹ, một chiếc túi vải dùng làm áo có xẻ lỗ ở đầu và hai cánh tay. Người Kaffir đi sau lưng hai người Trung Hoa, đang nắm tay nhau bước đi; hai người này mặc những chiếc áo dài màu xanh, bím tóc dài của họ cuộn lại một cách cẩn thận dưới chiếc nón rơm. Có những công dân người Boer mặt đỏ ửng, tóc nhạt màu vì nắng, đang đẩy những chiếc xe chất đầy khoai tây, bắp ngô và các thứ rau. Ngoài ra cũng có những người đàn ông mặc quần áo màu nhung nâu, đội mũ nỉ mềm rộng vành, ngậm những tẩu thuốc dài bằng đất sét, bước dài ở phía trước các bà vợ của họ, mặc toàn màu đen, đeo mạng đen dày, đầu đội mũ có vành lụa cũng màu đen. Các bà thợ giặt người Parsi đội trên đầu những bó quần áo bẩn to lớn len lỏi đi qua các binh sĩ mặc áo đỏ, đội mũ đỏ. Thật là một cảnh tượng hấp dẫn vô cùng.
Việc làm đầu tiên của Jamie là kiếm một nhà trọ rẻ tiền theo lời giới thiệu của một thủy thủ trên tàu. Bà chủ nhà là một goá phụ trung niên, lùn tịt và béo mập.
Bà ta nhìn Jamie từ đầu đến chân rồi tủm tỉm cười:
“Zoek youlle good?”
Anh đỏ mặt: “Xin lỗi, tôi không hiểu”.
“Người Anh hả? Anh đến đây tìm vàng phải không? Hay tìm kim cương?”
“Vâng thưa bà, tìm kim cương”.
Bà kéo anh vào trong nhà “Rồi đây cậu sẽ thích nơi này, tôi có đủ các thứ tiện nghi cho các chàng trai trẻ như cậu”.
Jamie tự hỏi không biết bà ta có phải là một người trong bọn họ hay không. Hy vọng rằng không phải thế.
“Tôi là bà Venster”, bà nói với một vẻ duyên dáng, “Nhưng bạn bè gọi tôi là Dee Dee”. Bà cười để lộ ra chiếc răng cửa bằng vàng “Tôi có cảm tưởng rồi đây chúng ta sẽ là những người bạn tốt với nhau. Cậu có cần gì thì cứ hỏi tôi”.
“Bà thật tốt bụng” Jamie nói “Bà có thể cho tôi biết nơi nào bán bản đồ của thành phố này không?”
Với bản đồ trong tay, Jamie bắt đầu thăm dò khắp nơi. Ở một bên thành phố, về phía đất liền, là ngoại ô Rondeborsh, Claremont và Wyndberg, theo dọc các vùng đồn điền và vườn trồng nho thưa thớt dần, trải dài chín dặm. Ở phía bên kia là các ngoại ô vùng biển có tên là Sea Point và Green Point. Jamie bước đi xuyên qua khu vực nhà ở giàu có, xuống đến đường Strand Street và Bee Street, ngắm các toà nhà lớn hai tầng với mái bằng và mặt tiền đắp bằng vữa có hình nổi và đỉnh nhọn. Nền cao và dốc vượt lên khỏi mặt đường. Anh bước đi mãi cho đến khi anh buộc phải nấp vào trong nhà vì những đàn ruồi có vẻ hận thù riêng với anh. Chúng rất lớn và đen, đến tấn công từng đàn. Khi Jamie trở về nhà trọ, anh thấy căn phòng của anh đầy là ruồi. Chúng đậu kín cả bàn, tường và giường nằm.
Anh đến gặp bà chủ “Bà Venster ạ, có cách nào khử đàn ruồi ấy trong phòng của tôi không? Chúng…”
Bà cười đến rung cả người véo vào má Jamie một cái và nói “Myn Magtig, rồi cậu sẽ quen thôi. Cứ chờ đấy sẽ thấy”.
Các phương tiện vệ sinh ở Cape Town vừa xưa cổ vừa không thích hợp. Đến khi mặt trời lặn, một mùi hôi bao trùm lấy thành phố như một tấm mền hơi độc. Thật không sao chịu nổi. Nhưng Jamie biết rằng anh sẽ có thể chịu được. Anh cần phải kiếm ra tiền trước khi anh rời khỏi nơi này. Người ta đã cảnh cáo với anh: “Anh không thể nào sống sót trong các vùng đất kim cương mà không có tiển trong túi. Muốn thở anh cũng phải trả tiền”.
Ngày thứ hai ở Cape Town, Jamie tìm ra được một việc làm. Anh sẽ đánh xe ngựa cho một hãng phân phát hàng. Ngày thứ ba, anh bắt đầu làm việc rửa bát đĩa trong một tiệm ăn sau bữa ăn tối. Anh sống bằng thức ăn thừa mà anh đã lấy lén rồi đem về nhà trọ để ăn. Những món ăn này có mùi vị lạ lùng, khiến cho anh đâm ra thèm thuồng những món ăn mà mẹ anh vẫn thường nấu cho anh ăn trước đây. Nhưng anh không phàn nàn điều gì, vì anh đã quyết hy sinh mọi thứ tiện nghi và cả tiền ăn uống để làm sao tăng lên số tiền tiết kiệm. Anh đã chọn lựa cuộc sống như vậy nên không có gì ngăn cản anh được, dù cho phải làm việc cực nhọc, dù cho phải hít không khí hôi hám, dù đám ruồi có bắt anh phải thức gần như cả đêm. Anh cảm thấy cô đơn vô cùng. Xa bạn bè, xa gia đình, anh lại không quen biết một người nào ở nơi xa lạ này. Jamie thích nơi vắng vẻ, tĩnh mịch nhưng sự cô đơn đối với anh là nỗi đau thường trực.
Cuối cùng, phép lạ đã đến. Chiếc túi da của anh đã chứa đựng hai trăm bảng Anh. Anh đã sẵn sàng, anh sẽ rời Cape Town vào sáng hôm sau để lên đường đi đến các mỏ kim cương.
Hành khách muốn đi đến các mỏ kim cương ở Klipdrift phải giữ chỗ trước tại Công ty chuyên chở Nội địa, đặt tại một nhà kho nhỏ bằng gỗ gần bến tàu. Khi Jamie đến đó vào lúc bảy giờ sáng thì nhà kho đã nghẹt kín người đến nỗi anh không làm sao tiến lại được nơi đăng ký. Có hàng trăm người tranh nhau chỗ ngồi trên tàu để đi tìm sự giàu có. Họ đã đến những nơi rất xa như Nga, Mỹ, Úc, Đức và Anh. Họ la hét bằng hàng chục thứ tiếng khác nhau, bao vây, van nài người bán vé dành một chỗ cho họ. Jamie nhìn theo một ông người Ái Nhĩ Lan vạm vỡ đang xô đẩy, đấm đá, tìm lối đi xuyên qua đám đông để rời khỏi văn phòng, tiến ra phía lề đường.
“Xin lỗi ông” Jamie hỏi “có chuyện gì xảy ra ở đây vậy?”
“Không có gì cả” ông Ái Nhĩ Lan khịt mũi ra vẻ khinh bỉ. “Các toa tàu chó chết ấy đã được đăng ký hết chỗ cho sáu tuần tới đây”. Thấy vẻ mặt thất vọng của Jamie, ông ta nói tiếp, “Nhưng không phải chỉ tệ đến mức ấy mà thôi. Bọn khốn khiếp ấy còn buộc phải trả năm mươi bảng Anh một đầu người”. Thật là không thể tưởng tượng nổi, “Chắc phải có cách nào khác để đi đến mỏ kim cương”.
“Có hai cách, cậu có thể đi bằng chuyến xe tốc hành Dutch Express hoặc là đi bộ”.
“Dutch Express là gì vậy?”
“Đó là xe la, tốc độ hai dặm một giờ. Chừng nào cậu đến nơi thì các mỏ kim cương đã biến mất cả rồi”.
Jamie McGregor đâu có ý định trì hoãn cho đến khi mỏ kim cương biến mất. Suốt cả buổi sáng còn lại ấy, anh ta cố tìm phương tiện chuyên chở khác. Gần đến trưa thì anh ta tìm ra được. Đi ngang một chuồng ngựa cho thuê, anh chợt nhìn thấy tấm bảng đề chữ “TRẠM THƯ”. Ngay lập tức, anh bước vào bên trong. Một người gầy còm chưa từng thấy, đang chất từng túi đựng thư từ lên một chiếc xe nhỏ hai bánh. Jamie đứng nhìn người ấy một lát.
“Xin lỗi ông”, Jamie hỏi “Ông có chở thư đến Klipdrift không?”
“Đúng vậy, đang chất thư lên bây giờ đây”
Jamie cảm thấy trong lòng dâng lên niềm hy vọng, “Bác có chở hành khách không?”
“Đôi khi cũng có”, Bác ngẩng đầu lên nhìn Jamie “Cậu bao nhiêu tuổi?”
Một câu hỏi kỳ lạ, “Mười tám. Sao bác lại hỏi như vậy?”
“Chúng tôi không chở khách trên hai mươi mốt, hai mươi hai tuổi, cậu có sức khoẻ chứ?”
Lại một câu hỏi kỳ quặc hơn nữa.
“Thưa bác, vâng ạ”.
Người gầy còm ấy đứng thẳng dậy “Tôi nghĩ cậu cũng khoẻ mạnh đấy. Tôi sẽ rời nơi này trong một giờ. Giá tiền là hai mươi bảng”.
Jamie không tin nổi sự may mắn của mình, “Thật là tuyệt quá! Tôi đi lấy cái vali của tôi rồi…”
“Không được đem theo vali. Chỉ có chỗ cho cái áo sơ mi và cái bàn chải răng thôi”
Jamie tiến gần chiếc xe để quan sát kỹ hơn nữa. Quả thật chiếc xe ấy quá nhỏ và chế tạo thô sơ. Thân xe là một cái lồng chứa thư từ, và ở phía trên cái lồng ấy có một khoảng chật hẹp cho một người ngồi, lưng chạm lưng, ở phía sau người đánh xe. Cuộc hành trình này chắc chắn sẽ không dễ chịu chút nào.
“Đồng ý”, Jamie nói “Để tôi đi lấy cái áo sơ mi và bàn chải răng”.
Khi Jamie trở lại, bác đánh xe đã đóng ngựa vào chiếc xe không mui. Có hai người trẻ tuổi, to lớn đang đứng gần chiếc xe; một người thấp và đen, người kia là người Thuỵ Điển cao, tóc hoe. Hai người đang đưa bác đánh xe một số tiền.
“Khoan đã’, Jamie gọi to với bác đánh xe, “Lúc nãy bác bảo bác cho tôi đi mà?”
“Tất cả chúng ta đều cùng đi”, bác đánh xe nói, “Thôi, nhảy lên nào”
“Cả ba chúng ta hay sao?”
“Đúng vậy”
Jamie không hiểu bằng cách nào bác ta có thể nhét cả ba người lên chiếc xe được, nhưng anh biết rằng anh sẽ được ngồi lên xe khi nó chuyển bánh.
Jamie tự giới thiệu với hai người bạn đồng hành. “Tôi tên là Jamie McGregor”
“Tôi là Wallach” người thấp và đen nói.
“Tôi là Pederson” người cao, tóc hoe đáp lại.
Jamie nói “Chúng ta may mà gặp phải chiếc xe này, phải không các bạn? Không ai biết được, như thế cũng hay”.
Pederson nói: “Ồ, họ đều biết được có chiếc xe chở thư này, Jamie McGregor ạ. Chỉ có điều là những người không đủ sức khoẻ hoặc không dám liều mạng đi những chiếc xe thế này thôi”.
Jamie chưa kịp hỏi lại thì người đánh xe đã lên tiếng, “Thôi, chúng ta đi nào!”
Ba người – Jamie ngồi ở giữa – lách lên chiếc xe, ngồi nép vào nhau, đầu gối co quắp, tựa sát vào lưng gỗ của chiếc ghế bác đánh xe. Không còn chỗ nào để cựa quậy hay thở nữa. Không tệ gì lắm, Jamie tự an ủi.
“Giữ chặt lấy nhé”, bác đánh xe kêu lên. Một lát sau, chiếc xe lăn bánh xuyên qua các đường phố ở Cape Town tiến về phía mỏ kim cương ở Klipdrift.
Hành trình bằng xe la chở khách thì tương đối dễ chịu. Những chiếc xe chuyên chở hành khách từ Cape Town đến mỏ kim cương đều lớn và rộng rãi, có vải bạt như che nắng thiêu đốt về mùa đông. Mỗi chiếc xe chứa trên hơn chục hành khách và kéo bởi một đàn ngựa hay la. Các thứ giải khát được cung cấp ở các trạm đều đặn, và cuộc hành trình kéo dài mười ngày.
Chiếc xe chở thư thì khác thế. Nó không bao giờ ngừng, trừ lúc thay đổi ngựa hoặc người đánh xe. Nó phi hết tốc lực trên con đường và đồng ruộng gồ ghề, những con đường mòn đầy ổ gà. Chiếc xe lại không có lò xo nên mỗi lần nó chồm lên thì giống như bị ngựa đá vậy. Jamie nghiến chặt răng ngẫm nghĩ “Mình có thể chịu đựng được cho đến khi chúng ta dừng xe lại vào lúc trời tối. Mình sẽ ăn và ngủ một giấc, rồi đến sáng mai mình sẽ khoẻ ngay thôi”. Nhưng đêm đến, xe chỉ dừng lại mười phút để thay ngựa và người đánh xe, rồi lại lên đường, phi hết tốc lực.
“Khi nào chúng mình dừng lại ăn cơm?” Jamie hỏi.
“Không dừng lại”, người đánh xe mới lầm bầm. “Chúng ta đi thẳng một mạch, chúng tôi chở thư từ, cậu ạ”.
Chiếc xe chạy nhanh trong đêm tối dày dằng dặc, ngang qua những con đường gồ ghề, bụi bặm dưới ánh sáng trăng. Lúc thì chồm lên đồi, lúc thì chúi mũi xuống thung lũng, nhún nhảy trên các vùng đất bằng phẳng. Thân thể Jamie đau nhừ, bầm dập khắp mọi chỗ vì những cái nhồi lên nhồi xuống của chiếc xe. Anh mệt quá nhưng không sao ngủ được. Mỗi khi bắt đầu thiu thiu ngủ thì chiếc xe lại giật mạnh một cái làm anh bừng mắt dậy. Thân thể anh bị co quắp, tê liệt, thế nhưng không có chỗ nào để thò chân ra. Anh vừa đói vừa cảm thấy như say sóng. Không còn biết bao nhiêu ngày nữa anh mới được ăn bữa cơm kế tiếp. Cuộc hành trình này dài sáu trăm dặm, nhưng Jamie không chắc anh còn sống cho đến khi nó kết thúc hay không. Anh cũng không chắc anh có muốn như vậy không nữa.
Đến cuối ngày và đêm thứ hai thì nỗi khổ cực đã lên cùng cực. Các bạn đồng hành của Jamie cũng ở trong trạng thái giống y như vậy, không còn có thể mở lời phàn nàn được gì nữa. Bây giờ Jamie mới hiểu vì sao công ty chuyên chở này đòi hỏi hành khách phải trẻ và khoẻ mạnh.
Đến rạng sáng hôm sau, họ đi vào vùng đất Great Karoo nơi khung cảnh hoang dã bắt đầu xuất hịên. Thảo nguyên bằng phẳng, ghê rợn trải dài đến vô tận, dưới ánh nắng không xót thương của mặt trời. Các hành khách đều bị ngạt thở vì sức nóng, bụi bặm và những đàn ruồi. Thỉnh thoảng qua làn hơi lờ mờ, độc địa, Jamie trông thấy những nhóm người lê bước ì ạch trên mặt đường. Có những người kéo ngựa cô đơn và hàng chục chiếc xe bò kéo bởi mười tám hay hai mươi con bò, do những người đánh xe điều khiển bằng những cây roi da, miệng la hét om sòm. Chiếc xe to lớn chất hàng nghìn cân (Anh) sản phẩm và hàng hoá, lều vải, dụng cụ đào đất, lò đốt bằng củi, bột mì, than và đèn dầu. Chúng chuyên chở sợi gai dầu của Nga, đường và rượu vang, rượu whisky và đèn cầy của Belfast và mền. Đó là đường dây đem đến sự sống cho những kẻ đi tìm kim cương ở Klipdrift.
Mãi đến khi chiếc xe thư vượt qua con sông Orange, phong cảnh mới bắt đầu thay đổi, không còn là thảo nguyên đơn điệu buồn nản nữa. Cây cối dần dần mọc cao hơn, điểm màu lá xanh. Đất đỏ hơn, bãi cỏ xanh nhấp nhô như gợn sóng trong cơn gió heo may và những cây gai thấp bắt đầu xuất hiện.
“Mình sắp thành công rồi”, Jamie mơ màng suy nghĩ, “mình sắp thành công rồi”.
Anh cảm thấy hi vọng lớn lên len lỏi vào cơ thể mệt mỏi của anh.
Họ đi thêm tiếp bốn ngày đêm thì vào đến thị trấn Klipdrift.
Chàng trai trẻ tuổi Jamie McGregor không biết mình đang chờ đợi cái gì, nhưng quang cảnh diễn ra trước cặp mắt mệt mỏi đỏ ngầu của anh, không giống bất cứ quang cảnh nào anh có thể tưởng tượng được. Klipdrift là bức toàn cảnh rộng lớn gồm những lều vải và xe bò xếp thành hàng dài trên đường phố chính và bên bờ sông Vaal. Trên những con đường đất, lúc nhúc những người kaffir trần truồng, ngoại trừ những chiếc áo màu sặc sỡ, những người thăm dò kim cương râu xồm xoàm, những người bán thịt, làm bánh, những tên trộm cắp, những thầy giáo. Ở trung tâm Klipdrift, những túp lều bằng gỗ và sắt xếp thành dây, dùng làm cửa hiệu, tiệm ăn uống, phòng chơi bi da, nhà ăn, văn phòng mua bán kim cương và văn phòng luật sư. Ở một góc là một ngôi nhà xiêu vẹo, gọi là khách sạn Royal Arch, gồm một dãy phòng không có cửa sổ.
Jamie bước ra khỏi chiếc xe thì ngã lăn trên đất. Hai cẳng tê cứng của anh không còn đủ sức nhấc nổi thân hình đứng thẳng nữa. Anh nằm xuống đấy, đầu óc quay cuồng, cho đến khi anh đủ sức đứng dậy. Anh loạng choạng đi về phía khách sạn, xô đẩy đám người huyên náo đang đứng đông nghẹt trên các đường phố, các lề đường. Căn phòng người ta dành cho anh nóng nực đến nghẹt thở, đầy cả ruồi. Nhưng anh có một chiếc ghế bố, Jamie ngã nhoài lên trên ấy, để nguyên quần áo rồi ngủ tức thì. Anh ngủ luôn một mạch mười tám tiếng đồng hồ.
Jamie thức dậy. Thân thể anh cứng và đau không tưởng tượng được nhưng tâm hồn anh tràn ngập vui sướng. Mình đã đến nơi. Mình thành công rồi! Bụng đói như cào, anh đi tìm thức ăn. Khách sạn không cung cấp thức ăn, nhưng có một tiệm ăn nhỏ đông nghẹt người ở bên kia đường. Anh ăn ngấu nghiến một con cá rán, giống như loại cá chó, thịt cừu nướng trên lửa bằng một cái xiên, rồi tráng miệng bằng món Koeksister, một thứ bánh làm bằng bột nhào rán lên và tẩm bằng nước đường.
Dạ dày của Jamie đã không chứa thức ăn khá lâu, bây giờ bắt đầu cho thấy những triệu chứng đáng sợ. Anh quyết định để cho nó nghỉ ngơi một lát trước khi tiếp tục ăn nữa. Lúc ấy, anh bắt đầu chú ý tới những cảnh tượng xung quanh. Ở các bàn ăn, những người thăm dò đang bàn cãi sôi nổi về vấn đề chiếm hàng đầu trong suy nghĩ của mọi người: kim cương.
“Vẫn còn một ít kim cương quanh vùng Hopetown, nhưng mạch mỏ chính là ở New Rush…”
“Kimberley có đông dân cư hơn là Joburg…”
“Về việc tìm ra mỏ kim cương ở tận Dutoispan vào tuần trước ấy à? Người ta nói rằng ở đó có nhiều kim cương đến nỗi mỗi người không khiêng nổi…”
“Mới đây người ta dò đúng kim cương ở Christiana. Ngày mai tôi sẽ đi đến đấy”
Như vậy là đúng rồi, có kim cương ở khắp mọi nơi! Chàng Jamie trai trẻ quá vui sướng đến nỗi anh khó uống cho hết ly cà phê to bự. Anh choáng váng khi nhìn thấy số tiền quá lớn ghi trên hoá đơn. Hai bảng, ba shillings cho một bữa ăn: lần sau mình phải cẩn thận mới được, anh nghĩ thầm trong khi bước ra đường phố đông đúc, náo nhiệt.
Một tiếng nói nổi lên phía sau lưng anh: “Vẫn còn giữ ý định làm giàu chứ, Jamie McGregor?”
Jamie quay lại, đó là Pederson, anh chàng người Thuỵ Điển đã cùng đi với anh trên chiếc xe chở thư.
“Cố nhiên rồi!” Jamie đáp
“Vậy thì chúng ta hãy đi đến nơi nào có kim cương”, anh ta đưa ngón tay ra chỉ, “Con sông Vaal ở về phía ấy”.
Họ bắt đầu bước đi.
Klipdrift nằm trong một lòng chậu, xung quanh là đồi và nhìn xa tít đến chân trời chỉ toàn thấy là đất cằn cỗi, không có một bụi cây, ngọn cỏ. Bụi đỏ toả lên dày đặc trong không khí, khiến rất khó thở. Con sông Vaal cách nơi ấy một phần tư dặm, và khi hai người đến gần con sông, không khí trở nên mát mẻ hơn. Hàng trăm người thăm dò đứng xếp hàng ở hai bên bờ sông, một số người đang đào đất tìm kim cương, một số khác đang đãi đá bằng những thùng đãi lắc lư qua lại, một số khác nữa đang lựa chọn và phân loại đá ở những chiếc bàn ọp ẹp, chế tạo thô sơ. Các dụng cụ của họ có đủ loại, từ những máy rửa đất đá khoa học đến những chiếc thùng và xô đựng nước cũ kỹ. Đàn ông đều bị rám nắng, râu không cạo, mặc những áo sơ mi kỳ dị đủ loại, không cổ, bằng do có sọc, màu sắc loè loẹt, những chiếc quần nhung sọc và ủng cao su, quần chẽn dùng để đi ngựa, đeo xà cạp quấn bằng giấy, đội mũ rộng vành bằng li- e (bần) . Tất cả đều đeo dây lưng da có túi để đựng kim cương hay tiền.
Jamie và Pederson bước đến rìa sông, đứng nhìn một cậu bé cùng một người lớn tuổi đang ra sức di chuyển một tảng đá lớn để họ có thể đào tới lớp đá sỏi xung quanh đó. Áo sơ mi của họ ướt đẫm mồ hôi. Bên cạnh đó, một toán người khác chất đá sỏi lên xe để đem đi đãi. Một người trong bọn đào đất lắc lư cái thùng trong khi một người khác đổ những xô nước vào thùng làm trôi đi đất bùn. Những viên sỏi lớn được trút vào một chiếc bàn thô sơ tự chế tạo lấy, ở đó họ lựa ra các viên sỏi và quan sát một cách thích thú.
“Trông có vẻ dễ dàng nhỉ” Jamie nhe răng cười và nói.
“Đừng có dễ tin như vậy, Jamie McGregor ạ. Tôi đã nói chuyện với những người đào kim cương đã từng sống ở đây lâu rồi. Tôi cho rằng chúng mình đều bị lừa cả”.
“Anh nói thế nghĩa là thế nào?”
“Cậu có biết có bao nhiêu người đào kim cương ở nơi này không? Hai mươi nghìn mạng tất cả, tất cả đều hy vọng trở nên giàu có. Thế nhưng không có đủ kim cương cho mọi người, anh bạn ạ. Dù có có chăng nữa, tôi cũng bắt đầu nghi ngờ rằng người ta cũng chẳng bõ công mà đào. Mùa hạ thì nóng như thiêu đốt, mùa đông thì rét tê cóng, mọi người ướt như chuột lột dưới những cơn donerstormen (bão tố) khốn khiếp ấy, rồi lại còn phải đương đầu với bụi bặm, ruồi và mùi hôi thối. Mình không được tắm rửa và nằm trên chiếc giường cho ra hồn, cũng chẳng có các phương tiện vệ sinh trong cái thị trấn khốn khiếp này. Tuần nào cũng có người bị chết chìm trên con sông Vaal. Một số là do tai nạn, nhưng người ta vẫn bảo với đa số kẻ chết chìm ấy, đó là lối giải thoát tốt nhất, một cách duy nhất để có thể ra khỏi địa ngục trần gian này. Tôi không hiểu vì sao nhiều người vẫn cứ cố bám vào cái nơi này?”
“Tôi hiểu”, Jamie nói, đưa mắt nhìn về phía cậu bé tràn đầy hy vọng với chiếc sơ mi nhuốm bẩn “Đến nhát xẻng sau sẽ thấy!”
Nhưng khi đi trở về thị trấn, Jamie đành phải công nhận Pederson nói cũng có lý. Họ đi ngang qua những đống xương khô của bò, cừu và dê đã bị giết để mục nát bên ngoài lều vải, bên cạnh những hầm không che đậy dùng làm nhà vệ sinh. Mùi hôi thối ở đó xông lên ngút tận trời, Pederson đang nhìn anh chằm chằm và hỏi: “Bây giờ cậu định làm gì nào?”
“Đi kiếm một ít dụng cụ thăm dò”.
Ở trung tâm thị trấn có một cửa hiệu treo một tấm bảng đã hoen gỉ, trên đề mấy chữ: “Salomon Van Der Merwe, cửa hàng bách hoá”. Một người da đen cao lớn, trạc tuổi Jamie đang rỡ hàng từ một chiếc xe bò đặt trước cửa hiệu. Anh ta có đôi vai rộng, bắp thịt nở nang, một trong những người đẹp trai nhất Jamie chưa từng thấy. Anh ta có đôi mắt đen như bồ hóng, một cái mũi khoằm và một cái cằm hếch lên kiêu hãnh. Ở anh ta có một vẻ gì đường hoàng, trầm lặng và tách biệt. Anh nhấc một thùng gỗ nặng đựng súng trường trên vai, nhưng khi quay người lại, anh trượt chân trên một miếng lá rơi ra từ thùng bắp cải. Do bản năng, Jamie vươn tay ra để đỡ anh ta. Nhưng người da đen ấy làm như không biết đến sự hiện diện của Jamie. Anh ta quay người lại rồi đi vào cửa hiệu. Một người Boer thăm dò kim cương đang đứng buộc con la ở gần đấy liền nói bằng giọng khinh bỉ: “Thằng ấy là Banda, thuộc bộ tộc Barolong, làm việc cho ông Van Der Merwe. Tôi không biết vì sao hắn vẫn giữ cái vẻ xấu xa ấy. Bọn Bantu chó đẻ ấy tưởng rằng chúng làm chủ trái đất này”.
Cửa hiệu bách hoá mát mẻ và tối tăm ở bên trong, khiến cho người ta cảm thấy khoan khoái, quên đi cảnh nóng bức, chói chang của đường phố. Cửa hiệu xông lên những mùi vị xa lạ. Jamie có cảm tưởng như từng phân tấc trong khoảng không gian này đều nhét đầy hàng hoá. Anh vừa bước đi vừa ngạc nhiên đến cuối cửa hàng. Ở đó có bán các dụng cụ nông nghiệp, bia, sữa hộp, bơ, lọ, xi măng, ngòi nổ, cốt mìn, thuốc súng, đồ sứ, bàn ghế, kim, chỉ, dầu, sơn, vecni, quả khô, yên ngựa và dây cương, thuốc tắm cho cừu, xà phòng, các thứ rượu, giấy và vật liệu văn phòng, trà, thuốc lá, thuốc hít, xì gà… hàng chục cái kệ chất đầy hàng từ trên xuống dưới các loại sơ mi dạ, mền, giày mũ và yên ngựa. Jamie nghĩ thầm, người nào làm chủ tất cả từng này hẳn phải giàu có lắm.
Một tiếng nói chợt nổi lên sau lưng anh, “Anh muốn mua gì?”
Jamie quay đầu lại, thấy mình đang đứng trước một cô gái trẻ. Anh đoán cô ấy chừng mười lăm tuổi. Cô ta có nét mặt thanh tú, hình quả tim, một cái mũi ngổ ngáo, đôi mắt xanh và sáng. Tóc cô ta đen và quăn, Jamie nhìn dáng người cô ta, đoán chẳc cô ta gần mười sáu tuổi.
“Tôi là người đi tìm kim cương”, Jamie đáp, “Tôi đến đây để mua một ít thiết bị”.
“Thế ông cần thứ gì?”
Vì một lý do nào đó, Jamie cảm thấy cần phải làm cho cô gái này mến phục, “Ờ, ờ… cô biết rồi đấy, những thứ thông thường thôi mà”.
Cô ta tủm tỉm cười, đôi mắt có vẻ ranh mãnh, “Những thứ thông thường là thứ gì vậy, thưa ông?”
“À…”, anh do dự, “một cái xẻng”,
“Chỉ có thế thôi à?”
Jamie biết rằng cô ấy đang muốn trêu anh, anh nhoẻn miệng cười và thú thật, “Xin nói thật với cô, tôi mới vào nghề này nên không biết mình cần những thứ gì?”
Cô gái nhìn anh mỉm cười, cái mỉm cười của một phụ nữ già dặn. “Cái ầy cũng còn tuỳ thuộc vào nơi nào ông muốn thăm dò, thưa ông…”
“Tên tôi là McGregor, Jamie McGregor”.
“Tôi là Margaret Van Der Merwe”, cô lo lắng nhìn về phía sau cửa hàng.
“Rất hân hạnh được gặp cô, cô Van Der Merwe”.
“Ông mới đến đây hay sao?”
“Vâng, ngày hôm qua, bằng xe chở thư”.
“Lẽ ra phải có người nào cảnh báo trước với ông về những chuyến xe ấy mới phải. Có nhiều hành khách bị chết trên cuộc hành trình bằng xe ấy”, đôi mắt của cô lộ vẻ tức giận.
Jamie nhoẻn miệng cười. “Tôi không thể trách họ, nhưng tôi vẫn sống nhăn ra đây này. Xin cảm ơn cô”.
“Rồi bây giờ sắp sửa đi tìm “mooi klipe” phải không?”
“Mooi klipe là gì vậy?”
“Đó là tiếng Hà Lan, là kim cương, loại sỏi rất đẹp”
“Cô là người Hà Lan?”
“Gia đình tôi từ Hà Lan đến đây”.
“Tôi đến đây từ Scotland”.
“Trông thấy ông tôi nhận ra ngay”, đôi mắt cô lại một lần nữa lo lắng nhìn ra sau cửa hàng, “Có kim cương xung quanh nơi này, ông Gregor ạ, nhưng cần phải biết chọn nơi nào mà tìm. Đa số những người đào kim cương chạy loanh quanh, rốt cuộc lại quay lại chỗ cũ. Mỗi khi có người nào tìm ra được một nơi có kim cương, thế là những người khác lại tới, vét sạch những gì còn sót lại. Nếu muốn trở nên giàu có, ông phải tự tìm lấy mỏ kim cương cho mình”.
“Như thế phải làm thế nào?”
“Cha tôi là người có thể giúp đỡ ông về việc ấy, ông ấy là người biết đủ mọi thứ. Ông ấy sẽ rảnh rang trong một giờ nữa”.
“Tôi sẽ trở lại đây”, Jamie nói, “Cảm ơn cô, cô Van Der Merwe”.
Jamie đi ra ngoài ánh nắng, trong lòng vô cùng phấn khởi, mọi cơn đau nhức đã biến đi đâu mất. Nếu Salomon Van Der Merwe bảo cho anh biết nơi nào tìm kim cương thì chắc chắn anh không thể nào thất bại được. Anh sẽ có ưu thế hơn tất cả mọi người khác. Jamie cười thật to lên với niềm sung sướng cảm thấy mình còn trẻ, sung sức, đang tiến dần đến chỗ giàu sang.
Jamie đi xuống đường phố chính, ngang qua một lò rèn, một phòng chơi bida và năm sáu quán rượu. Anh đứng trước một khách sạn tồi tàn, có treo một tấm biển phía trước ghi mấy dòng chữ:
"R. D. Miller, tắm nóng và lạnh
Mở cửa hàng ngày từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối.
Với tất cả mọi tiện nghi của một phòng tắm và trang điểm ngăn nắp, sạch sẽ"
Jamie ngẫm nghĩ, đã bao lâu mình không tắm nhỉ? Phải, mình đã tắm bằng xô nước ở trên tàu thuỷ. Đột nhiên anh nhận ra rằng người mình hôi hám quá. Anh nhớ đến trước kia, hồi còn ở nhà, anh tắm hàng tuần trong bồn nước ở trong bếp, trong khi mẹ anh gọi to lên “Nhớ tắm rửa cho sạch sẽ, cả ở phía dưới nữa Jamie”.
Anh quay người lại, đi vào nhà tắm. Bên trong có hai cánh cửa, một cánh cửa dành cho đàn bà và cánh cửa kia dành cho đàn ông. Jamie đi vào khu đàn ông, tiến thẳng đến người phục vụ lớn tuổi. “Một lần tắm bao nhiêu lần hả bác?”
“Tắm lạnh thì mười shillings, tắm nóng thì mười lăm”.
Jamie do dự. Ý nghĩ được tắm nước nóng sau một cuộc hành trình dài như thế thật khó mà cưỡng lại nổi. Anh nói “Tắm lạnh”, anh không thể nào vứt tiền ra cho những thú vui xa xỉ được. Còn cần phải mua các dụng cụ đào mỏ.
Người phục vụ đưa cho anh một miếng xà phòng giặt màu vàng và một chiếc khăn tay sờn chỉ rồi đưa tay chỉ. “Vào chỗ kia, anh bạn”.
Jamie bước vào một căn phòng nhỏ chỉ gồm có một bồn tắm bằng thiếc lớn ở giữa và ít cái móc quần áo trên tường. Người phục vụ đổ đầy nước lạnh vào bồn tắm bằng một cái gáo gỗ.
“Sẵn sàng rồi đấy cậu ạ. Cứ treo các quần áo lên cái móc kia”.
Jamie đợi người ấy đi ra rồi mới cởi quần áo. Anh nhìn xuống thân hình cáu ghét rồi đặt một chân vào bồn nước. Nước thật là lạnh, đúng như đã quảng cáo. Anh nghiến răng lại, dầm mình trong bồn nước, xoa xà phòng tới tấp từ đầu đến chân. Khi bước ra khỏi bồn tắm, anh thấy nước trong bồn đen ngòm. Anh cố lau khô người bằng chiếc khăn đã sờn chỉ và mặc quần áo vào người. Quần và áo của anh cứng nhắc vì bẩn, khiến anh không muốn mặc chúng vào người. Anh sẽ phải mua quần áo mới để thay thế và điều này lại một lần nữa nhắc nhở cho anh biết rằng anh có rất ít tiền. Thế rồi anh lại thấy cồn cào trong bụng.
Jamie rời nhà tắm, chen chúc đi xuống con đường đông đúc, đến một quán ăn gọi là Sundowner. Anh gọi bia và một bữa ăn trưa, sườn cừu với cà chua, xúc xích, khoai tây, xà lách và dưa chuột dầm dấm. Trong khi ăn, anh lắng tai nghe câu chuyện lạc quan mà người ta nói với nhau ở xung quanh.
“… Tôi nghe nói người ta tìm được một viên kim cương gần Colsenberg, cân nặng đến 21 cà rá. Nhớ đấy nhé, nếu ở đấy đã có một viên kim cương thì chắc chắn còn nhiều nữa…”
“… Người ta mới tìm thấy kim cương ở Herbron. Tôi đang dự tính sẽ đến đó…”
“Anh là thằng điên, những viên kim cương lớn đều ở Orange River…”
Ở chỗ quầy rượu, một ông khách hàng, râu quai nón, mặc chiếc áo sơ mi dạ có sọc, không cổ và quần nhung sọc đang vân vê một ly bia chanh rõ bự. Ông ta đang tâm sự với người phục vụ quầy rượu “Tôi bị vét sạch túi ở Herbron. Tôi cần có một số tiền làm vốn”.
Người bán rượu là một anh chàng to béo, trán sói, mũi gãy và méo xẹo, mắt như cú vọ. Anh ta cười to: “Mẹ kiếp anh bạn ạ, ai mà chẳng sạch túi? Tại sao tôi lại mở quầy rượu, anh rõ không? Chừng nào tôi có đủ tiền, tôi sẽ rút nhanh lên mạn Orange”. Anh lấy một chiếc giẻ bẩn chùi sạch quầy rượu và nói tiếp, “Nhưng tôi bảo cho anh biết điều này nhé, anh hãy đến gặp Salomon Van Der Merwe. Lão ta làm chủ hiệu bách hoá và nửa thị trấn này”.
“Lão ta giúp gì được tôi?”
“Nếu thích anh, lão có thể góp vốn với anh”
Ông khách nhìn anh bán rượu chằm chằm “Thật thế hả, anh nghĩ rằng lão sẵn sàng làm như vậy sao?”
“Lão đã làm như vậy với một số người, theo như tôi biết. Anh bỏ công sức anh ra, lão bỏ vốn. Kiếm được bao nhiêu sẽ chia đồng đều”.
Các suy nghĩ của Jamie nhảy vọt lên về phía trước. Lâu nay anh vẫn tin tưởng rằng số tiền một trăm hai mươi bảng Anh anh đã dành dụm sẽ đủ để anh mua các đồ trang bị và thức ăn để tồn tại, thế nhưng giá cả ở Klipdrift cao một cách lạ lùng. Anh đã để ý thấy ở cửa hiệu Van Der Merwe, rằng một túi bột mì Úc nặng chừng trăm cân Anh giá năm bảng. Một cân đường giá 1 shilling. Một chai bia năm shillings, bánh bích quy ba shillings một cân, trứng tươi bảy shillings một tá. Với cái đà này, tiền bạc của anh chẳng tồn tại được bao lâu. Jamie nghĩ: “Lạy chúa, ba bữa ăn ở đây bằng cả gia đình mình sống trong một năm. Nhưng nếu mình có một người giàu có như ông Van Der Merwe hỗ trợ cho thì…”. Anh vội vã trả tiền bữa ăn rồi hối hả đi trở lại cửa hiệu bách hoá.
Salomon Van Der Merwe đang ngồi sau quầy hàng, gỡ các khẩu súng ra từ một chiếc hòm gỗ. Ông ta là một người nhỏ nhắn với một gương mặt gầy choắt, xung quanh điểm râu quai nón. Tóc ông màu cát, đôi mắt nhỏ và đen, một cái mũi phồng ra và đôi môi nhíu lại. Cô con gái ông ta chắc phải giống mẹ, Jamie nghĩ thầm. “Xin lỗi ông…”
Van Der Merwe nhìn lên: “Ja” (Vâng)
“Ông có phải là ông Van Der Merwe không? Tôi tên là Jamie McGregor từ Tô Cách Lan đến đây. Tôi đến đây tìm kim cương”.
“Vậy thì sao?”
“Tôi có nghe nói rằng ông giúp đỡ những người thăm dò”.
Van Der Merwe lẩm bẩm: “Anh bạn ạ, không biết ai đã tung ra cái chuyện ấy? Tôi chỉ giúp đỡ một ít người đào kim cương, thế là mọi người đều tưởng rằng tôi là ông Santa Claus (ông già Noel) ”
“Tôi đã để dành được một trăm hai mươi bảng Anh”, Jamie hăm hở nói, “Nhưng tôi biết rằng từng đó không giúp tôi mua được bao nhiêu thứ cả. Tôi sẵn sàng đi đến nơi hoang dã với một cái xẻng, nếu cần thiết, nhưng tôi nghĩ rằng nếu có một con la và dụng cụ thích hợp có lẽ tôi có cơ may thành công nhiều hơn!”
Van Der Merwe quan sát anh bằng cặp mắt đen ti hí: “Cái gì khiến anh nghĩ rằng anh có thể tìm được kim cương?”
“Tôi đã đi nửa vòng trái đất, ông Van Der Merwe, và tôi nhất định sẽ không rời khỏi nơi này khi nào tôi chưa được giàu có. Nếu có kim cương ở nơi nào đó thì chắc chắn tôi sẽ tìm ra. Nếu ông giúp tôi, cả hai chúng ta sẽ trở nên giàu có”.
Van Der Merwe hứ lên một tiếng quay lưng lại phía Jamie, tiếp tục rỡ súng ra khỏi thùng, Jamie vẫn đứng lóng ngóng ở đấy, không biết nói gì thêm nữa. Khi Van Der Merwe bắt đầu mở lời trở lại, câu hỏi của ông ta làm anh choáng váng, như bị chộp bất thình lình: “Anh đến đây bằng xe bò chở khách hả?”
“Không, bằng xe chở thư”.
Ông già quay lại quan sát chàng trai trẻ một lần nữa, cuối cùng ông nói, “Chúng ta sẽ bàn về chuyện ấy”.
Hai người bàn với nhau về chuyện ấy vào buổi tối trong một căn phòng ở phía sau cửa hiệu, nơi ăn ở của Van Der Merwe. Đó là một phòng nhỏ làm phòng ăn, vừa là nhà bếp, vừa là phòng ngủ, với một chiếc màn phân chia hai chiếc giường bố. Phần dưới các bức tường xây bằng đá và bùn, còn phần trên là các hộp bằng cáctông trước kia đựng các loại thực phẩm. Một lỗ hình vuông được xẻ ra trên một bức tường được dùng làm cửa sổ. Về mùa mưa, lỗ này được bít lại bằng một tấm gỗ gán ở phía trước. Bàn ăn là một tấm ván dài, đặt ngang trên hai thùng gỗ. Một chiếc thùng gỗ, được đặt lại ở bên hông, dùng làm tủ đựng bát đĩa. Jamie đoán rằng Van Der Merwe không phải là một người chịu rời xa đồng tiền của ông ta một cách dễ dàng.
Cô con gái của Van Der Merwe yên lặng đi qua đi lại để chuẩn bị bữa ăn. Thỉnh thoảng cô đưa mắt thật nhanh nhìn về phía ông bố nhưng không nhìn Jamie một lần nào. Tại sao cô ấy có vẻ khiếp hãi thế nhỉ? Jamie tự hỏi.
Khi mọi người đã vào bàn ăn, ông Van Der Merwe mở lời: “Chúng ta hãy đọc một bài kinh nào. Lạy Chúa, chúng con cám ơn ngài về những ân thưởng rộng rãi mà chúng con đã nhận được từ Ngài. Chúng con cảm ơn ngài đã tha thứ các tội lỗi của chúng con và chỉ ra cho chúng con con đường chính đáng và giải thoát chúng con khỏi các cám dỗ. Chúng con cảm ơn Ngài đã cho chúng con cuộc sống lâu dài, nhiều lợi lộc và đã đập chết tất cả những kẻ nào xúc phạm đến Ngài. Amen” Rồi ngay tiếp đó, luôn một hơi thở, ông ta nói với con gái, “Chuyển đĩa thịt lại đây cho bố”.
Bữa ăn thật thanh đạm: một miếng thịt rán nhỏ, ba củ khoai tây và một đĩa rau cải. Các phần dọn cho Jamie thật ít ỏi. Hai người nói chuyện với nhau rất ít trong bữa ăn còn Margaret thì không nói gì cả.
Ăn xong, Van Der Merwe mới nói: “Thật là ngon, con gái ạ”. Giọng nói của ông pha lẫn một chút hãnh diện. Rồi ông quay về phía Jamie,
“Chúng ta bàn về công việc chứ?”.
“Vâng, thưa ông”.
Van Der Merwe nhặt lên một ống điếu từ mặt tủ gỗ con, lấy thuốc lá thơm từ một chiếc túi con nhét vào ống điếu. Ông châm thuốc. Đôi mắt ông nhìn chăm chú vào mặt Jamie qua làn khói thuốc cuồn cuộn.
“Những bọn đào kim cương ở vùng Klipdrift đều khùng cả. Có quá ít kim cương nhưng lại quá nhiều. Người ta có thể làm gãy xương sống suốt cả năm trời mà chẳng tìm ra được cái gì ngoài “schlenter”. Đó là loại kim cương vô giá trị ấy mà. Anh có hiểu tôi nói không?”
“Vâng, tôi hiểu. Vậy thì phải làm thế nào?”
“Bọn Griquas”
Jamie ngơ ngác. “Đó là một bộ lạc Châu Phi ở mạn Bắc. Họ tìm thấy kim cương – những viên kim cương thật lớn – rồi đôi khi họ mang đến cho tôi. Sau đó tôi bán lại để mua hàng hoá”. Người Hà Lan ấy hạ thấp giọng xuống thì thầm một cách bí mật, “Tôi biết họ tìm thấy kim cương ở đâu rồi”.
“Thế nhưng tại sao ông không tự mình đi tìm lấy ông Van Der Merwe?”
Van Der Merwe thở dài: “Không, tôi không thể rời cửa hiệu này được. Chúng nó sẽ ăn cắp mà mình không biết được. Tôi cần một người nào đủ tin cậy để đi đến nơi ấy, rồi đưa kim cương về cho tôi. Khi nào tìm được đúng người, tôi sẽ cung cấp cho hắn đủ mọi dụng cụ cần thiết”. Ông dừng lại một lát để kéo hơi thuốc “Rồi tôi sẽ bảo cho hắn kim cương ấy ở đâu”.
Jamie vụt đứng dậy, tim đập thình thình: “Ông Van Der Merwe ạ, tôi chính là người mà ông đang tìm kiếm. Hãy tin tôi đi, tôi xin ông, tôi sẽ làm việc cả ngày đêm”. Giọng anh sôi nổi, đầy nhiệt tình “Tôi sẽ mang kim cương về cho ông, nhiều không thể đếm nổi”.
Van Der Merwe lặng lẽ nhìn anh một lát nhưng anh thấy nó lâu như cả thế kỷ. Cuối cùng, khi Van Der Merwe thốt lời, ông chỉ nói gọn một chữ “Ja”.
Jamie ký hợp đồng vào sáng hôm sau. Hợp đồng ấy viết bằng tiếng Africaner (Nam Phi)
“Để tôi giải thích cho anh”, Van Der Merwe nói, “hợp đồng đó ghi rằng, chúng ta hợp tác kinh doanh với nhau, tôi bỏ vốn, anh bỏ công sức. Chúng ta chia nhau đồng đều tất cả mọi thứ”
Jamie nhìn vào bản hợp đồng trong tay Van Der Merwe. Giữa những hàng chữ khó hiểu, anh chỉ nhận ra một dòng chữ: tổng số hai bảng Anh.
Jamie lấy tay chỉ chữ ấy và hỏi: “Cái này để làm gì thưa ông Van Der Merwe?”
“Cái đó có nghĩa là thêm vào một nửa số kim cương thuộc về phần anh, anh sẽ nhận được hai bảng Anh một tuần lễ làm việc. Dù tôi biết rằng ở đó có kim cương, cũng có thể xảy ra trường hợp anh sẽ không tìm được cái gì cả, anh bạn ạ. Nhưng như vậy, ít nhất anh cũng nhận được chút ít gì đó do công lao anh đã bỏ ra”.
Một người như thế thật quá ư sòng phẳng, “Cảm ơn ông, cảm ơn ông nhiều lắm”. Jamie tưởng chừng như muốn chồm lên mà hôn ông.
Van Der Merwe nói: “Bây giờ ta hãy lo việc trang bị mọi thứ cho anh đã”.
Phải mất hai giờ đồng hồ mới chọn được mọi thứ cho Jamie mang theo: một lều vải nhỏ, dụng cụ nấu ăn, hai cái sàng, một cái đãi đá, một cái cuốc chim, hai cái xẻng, ba xô nước, tất và áo lót. Có một cái rìu, một cây đèn và dầu garrafin, diêm và xà phòng arsenic. Ngoài ra còn có những hộp thiếc thức ăn, thỏi thịt, đường, cà phê và muối. Cuối cùng mọi thứ đã sẵn sàng, đầy đủ. Tên đầy tớ da đen, Banda, lặng lẽ giúp Jamie xếp gọn ghẽ mọi thứ trong những túi đeo trên lưng. Anh chàng to lớn ấy không bao giờ đưa mắt nhìn Jamie và cũng chẳng nói một lời nào. Hắn không nói được tiếng Anh, chắc vậy. Margaret ở trong cửa hiệu, chờ đợi khách hàng, nhưng nếu cô ta biết rằng Jamie đang có mặt ở đấy cô ta cũng chẳng tỏ ra một dấu hiệu nào cả.
Van Der Merwe bước lại gần Jamie: “Con la của anh đã đợi ở trước nhà”, ông nói, “Banda sẽ giúp anh chất đồ đạc lên”.
“Cám ơn ông Van Der Merwe”, Jamie nói, “Tôi…”
Van Der Merwe xem xét một mảnh giấy đặc sệt những con số và nói, “Tất cả một trăm hai mươi bảng Anh”
Jamie nhìn ông ngơ ngác: “S… sao? Cái này nằm trong điều khoản đã được thoả thuận giữa chúng ta mà. Chúng ta…”
Khuôn mặt gầy choắt của Van Der Merwe sụm lại vì giận dữ: “Anh tưởng rằng tôi tặng anh tất cả các thứ này, thêm vào một con la thật tốt, rồi cho phép anh hợp tác kinh doanh với tôi, ngoài ra lại còn cho anh thêm hai bảng một tuần hay sao? Nếu anh mong tìm một cái gì đó mà không muốn bỏ ra một chút nào hết thì anh tìm lầm chỗ rồi”. Nói xong ông ta liền dỡ một túi xách xuống.
Jamie vội vàng nói: “Đừng, xin ông đừng làm thế, ông Van Der Merwe. Ấy chỉ vì tôi không hiểu thôi. Ông muốn như thế thì cũng được, tôi có sẵn tiền ở đây”. Anh thọc tay vào túi da, trút tất cả số tiền dành dụm của anh cho đến đồng xu cuối cùng lên mặt bàn.
Van Der Merwe do dự, “Thôi được rồi”, ông ta nói với vẻ miễn cưỡng, “Có lẽ đó là một sự hiểu lầm, thật đấy. Thị trấn này toàn những tên lừa đảo. Tôi phải thận trọng khi giao thiệp buôn bán với ai”.
“Vâng, ông làm thế là phải”, Jamie ngỏ ý tán thành. Trong lúc quá sôi nổi, anh đã hiểu sai các điều thoả thuận với nhau. Mình thật may mắn, vì ông ta còn cho mình một cơ hội sửa chữa sai lầm, Jamie thầm nghĩ.
Van Der Merwe thọc tay vào túi, rút ra một tấm bản đồ vẽ tay nhỏ nhăn nhúm: “Anh sẽ tìm thấy mooi kliper ở chỗ này. Phía Bắc nơi này, ở Magerdam trên bờ sông phía Tây của con sông Vaal”.
Jamie quan sát bản đồ, tim anh bắt đầu đập nhanh, “Nơi ấy xa bao nhiêu dặm?”
“Ở đây chúng tôi đo khoảng cách bằng thời gian. Với con la này, anh sẽ đi mất khoảng 4,5 ngày. Lúc trở về sẽ chậm hơn vì trọng lượng của kim cương”.
Jamie mỉm cười: “Ja”.
Khi Jamie trở lại đường phố của Klipdrift, anh không còn là một du khách nữa. Anh là một nhà thăm dò, một người đào kim cương đang tiến gần đến sự giàu có. Banda đã chất xong đồ đạc lên lưng con la mảnh khảnh, yếu đuối bị cột chặt vào trước cửa hịêu.
“Cảm ơn”, Jamie mỉm cười nói
Banda quay lại, nhìn vào mắt anh rồi lặng lẽ quay đi nơi khác. Jamie tháo sợi dây cương và nói với con la: “Đi nào anh bạn, đã đến giờ chúng ta đi tìm mooi kliper rồi”.
Người và la cùng tiến về phía Bắc,
Jamie dựng lều vải bên cạnh con suối vào lúc đêm xuống, anh tháo la ra, cho nó uống nước và ăn cỏ. Anh soạn ra cho mình ăn một ít thịt bò khô, mơ khô và cà phê. Đêm tối vang lên những tiếng động kỳ lạ, anh nghe thấy tiếng rú, tiếng ụt ịt của những con thú đang đi xuống uống nước. Anh không có gì để tự bảo vệ cả, giữa những con thú nguy hiểm vây xung quanh, trên một mảnh đất hoang sơ, xa lạ. Một tiếng động khiến anh giật thót người, lúc nào anh cũng lo sợ móng vuốt của các thú rừng nhảy chồm ra từ bóng tối tấn công anh. Trí óc anh bắt đầu nghĩ miên man. Anh nghĩ đến chiếc giường khô ở quê hương, đến cuộc sống an toàn, tiện nghi mà anh chấp nhận như là điều đương nhiên. Anh ngủ từng chập, thấy trong mơ sư tử và voi tấn công anh, những người to lớn, râu ria xồm xoàm đang cố gắng giật khỏi tay anh những viên kim cương thật lớn.
Lúc rạng đông, khi anh thức dậy, con la đã chết.
Jamie McGregor vội vàng nhảy sang một bên khi một căn nhà xây bằng gạch thô tan vụn ra thành bùn. Anh lo ngại không biết thị trấn Klipdrift có còn tồn tại được nữa hay không.
Klipdrift không hẳn là một thị trấn, đúng hơn đó là một ngôi làng bằng vải bạt, lổn nhổn những căn lều, chòi và xe chở hàng, chen chúc nhau bên bờ sông Vaal, trong đó sinh sống những con người man dại, đầy mơ tưởng, từ mọi miền của thế giới kéo đến Nam Phi do cùng có chung một ám ảnh: kim cương.
Jamie McGregor là một trong những kẻ mơ tưởng ấy. Anh chỉ mới mười tám tuổi, trẻ, đẹp trai, dáng người cao, tóc hoe và có một cặp mắt sáng kỳ lạ. Anh có một vẻ ngây thơ đáng yêu, lúc nào cũng hăm hở làm vui lòng kẻ khác, khiến ai cũng phải mến chuộng. Tính tình anh vô tư và tâm hồn lúc nào cũng lạc quan.
Anh đã đi gần tám ngàn dặm, từ nông trại của cha anh ở miền thượng du xứ Tô Cách Lan, đến Edinburg, Luân Đôn, Cape Town và bây giờ anh đến Klipdrift này. Anh đã từ bỏ phần nông trại anh đã cày cấy cùng với cha và anh, mà lẽ ra anh có quyền hưởng, nhưng Jamie không lấy làm tiếc chút nào. Anh biết rằng rồi đây anh sẽ được hưởng hơn thế gấp mười nghìn lần. Anh đã để lại cuộc sống an toàn duy nhất mà anh đã quen thuộc để đến nơi xa xôi, hẻo lánh này bởi vì anh mơ ước được trở nên giàu có. Anh không quản ngại công việc nặng nhọc nhưng việc cấy cày ruộng đất ít ỏi và đầy sỏi đá về phía Bắc Aberdeen đem đến cho anh những thu hoạch rất nghèo nàn. Anh làm việc từ lúc mặt trời lên đến lúc mặt trời lặn, cùng với các anh em trai, chị anh là Mary và cha mẹ, nhưng họ chẳng được bao nhiêu kết quả. Có một lần anh đến xem hội chợ ở Edinburg và trông thấy bao nhiêu những thứ đẹp đẽ lạ lùng mà đồng tiền có thể mua được. Tiền chắc phải làm cuộc sống của mình dễ dãi, nếu mình khoẻ mạnh và thoả mãn các nhu cầu khi mình đau ốm. Jamie đã thấy quá nhiều bạn bè và láng giềng sống và chết trong cảnh nghèo túng.
Anh nhớ lại nỗi xúc động của anh khi lần đầu tiên anh nghe người ta nói đến việc tìm kim cương mới đây ở Nam Phi. Một viên kim cương lớn nhất thế giới đã được tìm ra ở nơi ấy, nằm lẫn trong cát và toàn thể vùng đất ấy, theo lời đồn đại, sẽ là một cái rương đầy châu báu lớn lao đang còn đợi người ta mở ra.
Anh đã tiết lộ tin này cho cả gia đình sau bữa ăn tối vào đêm thứ Bảy. Mọi người ngồi quanh chiếc bàn ăn chưa dọn trong căn bếp thô sơ bằng gỗ, bỗng Jamie cất tiếng, bằng một giọng nói bẽn lẽn nhưng kiêu hãnh: “Con sẽ đi sang Nam Phi để tìm kim cương, tuần sau con sẽ lên đường”.
Cả năm cặp mắt đều trố lên nhìn Jamie chằm chằm như thể anh đã điên rồi.
“Con sắp đi tìm kim cương hay sao?” cha Jamie hỏi “Như thế là mày khùng rồi con ạ. Tất cả chỉ là chuyện thần tiên thôi. Ấy là do ma quỷ dụ dỗ để ngăn cản người ta làm ăn lương thiện”.
“Sao chú không nói chú kiếm đâu ra tiền để đi đến đó?” anh trai của Jamie là Ian hỏi “Phải đi hết nửa vòng trái đất, thế chú kiếm đâu ra tiền?”
Jamie cãi lại: “Nếu có tiền thì em đã không phải đi tìm kim cương. Ở đó chẳng ai có tiền cả. Em sẽ giống như những người khác thôi. Em có đầu óc, sức khoẻ, nhất định sẽ không thất bại”.
Chị Mary lên tiếng: “Annie Cord sẽ thất vọng. Nó đang mong một ngày nào đó sẽ là vợ em, Jamie ạ”.
Jamie rất thương yêu chị. Mary mới hai mươi bốn tuổi mà trông như bốn mươi. Chị ấy chưa bao giờ có thứ gì đẹp đẽ trong đời. Mình sẽ tạo nên sự thay đổi, anh tự hứa với mình như vậy.
Bà mẹ lặng lẽ nhấc đĩa thịt nhồi “Baggins” nóng hổi còn sót lại rồi đi đến chậu rửa bát bằng sắt.
Vào lúc đêm khuya hôm ấy, bà đi đến giường Jamie. Bà nhẹ nhàng đặt một bàn tay lên vai Jamie, như truyền tất cả sức mạnh của bà sang cho anh. Bà nói: “Con hãy làm tất cả những gì cần phải làm, con ạ. Mẹ không biết ở nơi đó có kim cương hay không, nhưng nếu có, chắc chắn con sẽ tìm ra”. Bà lấy ra từ sau lưng một túi bằng da cũ kỹ, rồi nói tiếp: “Mẹ có để dành ra một ít tiền. Con không cần phải nói ra điều này với ai. Cầu Chúa phù hộ cho con”.
Khi rời khỏi Edinburg, Jamie có năm mươi bảng Anh trong chiếc túi da.
Cuộc hành trình đến Nam Phi thật là gian lao, khó nhọc. Jamie phải mất gần một năm trời mới đến được nơi ấy. Thoạt tiên anh làm hầu bàn trong một tiệm ăn bình dân ở Edinburg cho đến khi anh gom góp được thêm năm mươi bảng Anh nữa bỏ vào túi da. Sau đó anh lên đường đi London. Jamie cảm thấy quá khiếp hãi vì thành phố quá to lớn, người đông đúc và những chiếc xe ngựa chở khách to lớn lăn bánh ồn ào với tốc độ năm dặm một giờ. Khắp nơi có những chiếc xe ngựa hai bánh, chở những cô gái xinh đẹp, đội chiếc mũ thật to, mặc những chiếc váy lả lướt và đi những đôi giày xinh xắn có cài khuy cao. Anh trố mắt nhìn ngạc nhiên khi các cô gái bước xuống xe để đi mua sắm trong khu buôn bán Burlington Arcade, nơi chất đầy những đồ bằng bạc, bát đĩa, quần áo, lông thú, đồ sứ và những tiệm bán thuốc chật ních những chai lọ bí mật.
Jamie tìm được một chỗ trọ tại số nhà 32 đường Fitzroy. Tiền trọ là mười silling một tuần, nhưng đó là giá rẻ nhất. Ngày nào anh cũng đi ra bến tàu để xem có chiếc tàu nào đưa anh đến Nam Phi hay không; đến tối thì anh đi xem các quang cảnh kì diệu của thành phố London. Một tối nọ, anh chợt thoáng thấy Edward, ông hoàng xứ Wales đi vào một tiệm ăn ở Convert Garden bằng cửa hông bên tay kè kè một cô gái xinh đẹp. Nàng đội một chiếc mũ lớn có cắm hoa, Jamie nghĩ rằng nếu chị anh ấy được đội một cái mũ như vậy thì chắc đẹp lắm.
Jamie dự một buổi hoà nhạc ở Crystal Palace. Nơi này đã được xây dựng cho cuộc đại triển lãm năm 1851. Anh đến xem rạp hát Drury Lane, rồi vào lúc nghỉ giải lao, anh lẻn sang rạp Savoy Theatre. Đó là toà nhà công cộng đầu tiên ở Anh được đặt hệ thống chiếu sáng bằng điện khí. Một số đường phố cũng có đèn điện và Jamie nghe nói rằng người ta có thể nói chuyện với người nào đó ở bên kia thành phố bằng một thứ máy mới kỳ lạ, gọi là điện thoại. Jamie có cảm tưởng như anh đang nhìn vào tương lai.
Mặc dầu có những sự canh tân và hoạt động như vậy, nước Anh đã ở giữa sự khủng hoảng kinh tế gia tăng lớn vào mùa đông năm ấy. Đường phố đầy cả những người thất nghiệp và đói ăn. Có những cuộc biểu tình của quần chúng và đánh lộn trên đường phố. Mình phải rời khỏi nơi này mới được, Jamie thầm nghĩ. Mình đến đây để thoát khỏi sự nghèo khổ. Ngày hôm sau, Jamie đăng ký làm chiêu đãi viên trên chiếc tàu Walmer Castle, sắp nhổ neo đi Cape Town ở Nam Phi.
Cuộc hành trình bằng đường biển kéo dài trong ba tuần với những thời gian dừng lại ở Madeira và St. Helena để lấy thêm than làm chất đốt. Hành trình thật vất vả vì sóng lớn giữa mùa đông, Jamie bị say sóng ngay từ lúc tàu mới nhổ neo. Nhưng anh lúc nào cũng vui vẻ vì mỗi ngày đi qua anh lại tiến gần hơn chiếc rương đầy châu báu của anh. Khi con tàu đến gần xích đạo, khí trời thay đổi hẳn. Kỳ lạ thay, mùa đông bắt đầu bớt rét lạnh, tiến sang mùa hạ. Khi con tàu đến gần bờ biển Phi Châu, khí hậu trở nên nóng và ẩm thấp.
Chiếc Walmer Castle đến Cape Town vào lúc rạng đông, di chuyển một cách thận trọng xuyên qua một eo biển hẹp phân chia vùng định cư của người cùi trên đảo Robbes với đất liền rồi thả neo ở Table Bay.
Jamie đứng trên boong tàu trước khi mặt trời mọc. Anh nhìn như bị thôi miên, lớp sương mù ban mai được vén lên, lộ ra quang cảnh hùng vĩ của ngọn núi Table Mountain vươn lên vòi vọi nhìn xuống thành phố. Anh đã đến nơi.
Ngay khi con tàu vừa được buộc chặt vào bến, các boong tàu đều bị ngập tràn bởi một đám đông người rất kỳ dị mà Jamie chưa hề trông thấy bao giờ. Họ là những kẻ chào hàng cho tất cả các khách sạn khác nhau ở đây. Những người da đen, da vàng, da nâu, da đỏ rối rít xin vác hành lý hộ cho khách. Bọn trẻ con chạy đi chạy lại để bán báo, kẹo và trái cây. Những người lái xe ngựa là những người lai Âu, người Parsi hay da đen la hét om xòm kêu gọi khách mướn xe. Những người đi bán rong hay đẩy những chiếc xe đựng thức ăn uống kêu gọi người ta chú ý đến những thức bán của họ. Không khí dày đặc những con ruồi đen thật lớn. Các thuỷ thủ và phu khuân vác xô đẩy, la hét để vạch lối đi xuyên qua đám đông, trong khi các hành khách cố gom góp hành lý của họ vào một chỗ và để mắt trông coi nhưng vô hiệu quả. Thật là một mớ hỗn độn những tiếng nói và tiếng động xen lẫn nhau. Người ta nói chuyện với nhau bằng một thứ ngôn ngữ mà Jamie chưa bao giờ được nghe. Anh chẳng hiểu được một lời nào.
Cape Town hoàn toàn không giống bất kỳ thành phố nào Jamie đã được thấy. Ở đó không nhà nào giống nhà nào. Sát bên cạnh một kho hàng lớn cao hai ba tầng lầu, là một hiệu ăn uống nhỏ làm bằng sắt mạ, rồi đến một tiệm nữ trang với cánh cửa làm bằng sắt dày; giáp đó là một cửa hàng tạp hoá nhỏ rồi đến một cửa hiệu bán thuốc lá xiêu vẹo.
Jamie như bị thôi miên trước những đám đông đàn ông, đàn bà và trẻ con lúc nhúc trên đường phố. Anh trông thấy một người “kaffir” mặc chiếc quần sọc kiểu miền thượng du Tô Cách Lan cũ kỹ, một chiếc túi vải dùng làm áo có xẻ lỗ ở đầu và hai cánh tay. Người Kaffir đi sau lưng hai người Trung Hoa, đang nắm tay nhau bước đi; hai người này mặc những chiếc áo dài màu xanh, bím tóc dài của họ cuộn lại một cách cẩn thận dưới chiếc nón rơm. Có những công dân người Boer mặt đỏ ửng, tóc nhạt màu vì nắng, đang đẩy những chiếc xe chất đầy khoai tây, bắp ngô và các thứ rau. Ngoài ra cũng có những người đàn ông mặc quần áo màu nhung nâu, đội mũ nỉ mềm rộng vành, ngậm những tẩu thuốc dài bằng đất sét, bước dài ở phía trước các bà vợ của họ, mặc toàn màu đen, đeo mạng đen dày, đầu đội mũ có vành lụa cũng màu đen. Các bà thợ giặt người Parsi đội trên đầu những bó quần áo bẩn to lớn len lỏi đi qua các binh sĩ mặc áo đỏ, đội mũ đỏ. Thật là một cảnh tượng hấp dẫn vô cùng.
Việc làm đầu tiên của Jamie là kiếm một nhà trọ rẻ tiền theo lời giới thiệu của một thủy thủ trên tàu. Bà chủ nhà là một goá phụ trung niên, lùn tịt và béo mập.
Bà ta nhìn Jamie từ đầu đến chân rồi tủm tỉm cười:
“Zoek youlle good?”
Anh đỏ mặt: “Xin lỗi, tôi không hiểu”.
“Người Anh hả? Anh đến đây tìm vàng phải không? Hay tìm kim cương?”
“Vâng thưa bà, tìm kim cương”.
Bà kéo anh vào trong nhà “Rồi đây cậu sẽ thích nơi này, tôi có đủ các thứ tiện nghi cho các chàng trai trẻ như cậu”.
Jamie tự hỏi không biết bà ta có phải là một người trong bọn họ hay không. Hy vọng rằng không phải thế.
“Tôi là bà Venster”, bà nói với một vẻ duyên dáng, “Nhưng bạn bè gọi tôi là Dee Dee”. Bà cười để lộ ra chiếc răng cửa bằng vàng “Tôi có cảm tưởng rồi đây chúng ta sẽ là những người bạn tốt với nhau. Cậu có cần gì thì cứ hỏi tôi”.
“Bà thật tốt bụng” Jamie nói “Bà có thể cho tôi biết nơi nào bán bản đồ của thành phố này không?”
Với bản đồ trong tay, Jamie bắt đầu thăm dò khắp nơi. Ở một bên thành phố, về phía đất liền, là ngoại ô Rondeborsh, Claremont và Wyndberg, theo dọc các vùng đồn điền và vườn trồng nho thưa thớt dần, trải dài chín dặm. Ở phía bên kia là các ngoại ô vùng biển có tên là Sea Point và Green Point. Jamie bước đi xuyên qua khu vực nhà ở giàu có, xuống đến đường Strand Street và Bee Street, ngắm các toà nhà lớn hai tầng với mái bằng và mặt tiền đắp bằng vữa có hình nổi và đỉnh nhọn. Nền cao và dốc vượt lên khỏi mặt đường. Anh bước đi mãi cho đến khi anh buộc phải nấp vào trong nhà vì những đàn ruồi có vẻ hận thù riêng với anh. Chúng rất lớn và đen, đến tấn công từng đàn. Khi Jamie trở về nhà trọ, anh thấy căn phòng của anh đầy là ruồi. Chúng đậu kín cả bàn, tường và giường nằm.
Anh đến gặp bà chủ “Bà Venster ạ, có cách nào khử đàn ruồi ấy trong phòng của tôi không? Chúng…”
Bà cười đến rung cả người véo vào má Jamie một cái và nói “Myn Magtig, rồi cậu sẽ quen thôi. Cứ chờ đấy sẽ thấy”.
Các phương tiện vệ sinh ở Cape Town vừa xưa cổ vừa không thích hợp. Đến khi mặt trời lặn, một mùi hôi bao trùm lấy thành phố như một tấm mền hơi độc. Thật không sao chịu nổi. Nhưng Jamie biết rằng anh sẽ có thể chịu được. Anh cần phải kiếm ra tiền trước khi anh rời khỏi nơi này. Người ta đã cảnh cáo với anh: “Anh không thể nào sống sót trong các vùng đất kim cương mà không có tiển trong túi. Muốn thở anh cũng phải trả tiền”.
Ngày thứ hai ở Cape Town, Jamie tìm ra được một việc làm. Anh sẽ đánh xe ngựa cho một hãng phân phát hàng. Ngày thứ ba, anh bắt đầu làm việc rửa bát đĩa trong một tiệm ăn sau bữa ăn tối. Anh sống bằng thức ăn thừa mà anh đã lấy lén rồi đem về nhà trọ để ăn. Những món ăn này có mùi vị lạ lùng, khiến cho anh đâm ra thèm thuồng những món ăn mà mẹ anh vẫn thường nấu cho anh ăn trước đây. Nhưng anh không phàn nàn điều gì, vì anh đã quyết hy sinh mọi thứ tiện nghi và cả tiền ăn uống để làm sao tăng lên số tiền tiết kiệm. Anh đã chọn lựa cuộc sống như vậy nên không có gì ngăn cản anh được, dù cho phải làm việc cực nhọc, dù cho phải hít không khí hôi hám, dù đám ruồi có bắt anh phải thức gần như cả đêm. Anh cảm thấy cô đơn vô cùng. Xa bạn bè, xa gia đình, anh lại không quen biết một người nào ở nơi xa lạ này. Jamie thích nơi vắng vẻ, tĩnh mịch nhưng sự cô đơn đối với anh là nỗi đau thường trực.
Cuối cùng, phép lạ đã đến. Chiếc túi da của anh đã chứa đựng hai trăm bảng Anh. Anh đã sẵn sàng, anh sẽ rời Cape Town vào sáng hôm sau để lên đường đi đến các mỏ kim cương.
Hành khách muốn đi đến các mỏ kim cương ở Klipdrift phải giữ chỗ trước tại Công ty chuyên chở Nội địa, đặt tại một nhà kho nhỏ bằng gỗ gần bến tàu. Khi Jamie đến đó vào lúc bảy giờ sáng thì nhà kho đã nghẹt kín người đến nỗi anh không làm sao tiến lại được nơi đăng ký. Có hàng trăm người tranh nhau chỗ ngồi trên tàu để đi tìm sự giàu có. Họ đã đến những nơi rất xa như Nga, Mỹ, Úc, Đức và Anh. Họ la hét bằng hàng chục thứ tiếng khác nhau, bao vây, van nài người bán vé dành một chỗ cho họ. Jamie nhìn theo một ông người Ái Nhĩ Lan vạm vỡ đang xô đẩy, đấm đá, tìm lối đi xuyên qua đám đông để rời khỏi văn phòng, tiến ra phía lề đường.
“Xin lỗi ông” Jamie hỏi “có chuyện gì xảy ra ở đây vậy?”
“Không có gì cả” ông Ái Nhĩ Lan khịt mũi ra vẻ khinh bỉ. “Các toa tàu chó chết ấy đã được đăng ký hết chỗ cho sáu tuần tới đây”. Thấy vẻ mặt thất vọng của Jamie, ông ta nói tiếp, “Nhưng không phải chỉ tệ đến mức ấy mà thôi. Bọn khốn khiếp ấy còn buộc phải trả năm mươi bảng Anh một đầu người”. Thật là không thể tưởng tượng nổi, “Chắc phải có cách nào khác để đi đến mỏ kim cương”.
“Có hai cách, cậu có thể đi bằng chuyến xe tốc hành Dutch Express hoặc là đi bộ”.
“Dutch Express là gì vậy?”
“Đó là xe la, tốc độ hai dặm một giờ. Chừng nào cậu đến nơi thì các mỏ kim cương đã biến mất cả rồi”.
Jamie McGregor đâu có ý định trì hoãn cho đến khi mỏ kim cương biến mất. Suốt cả buổi sáng còn lại ấy, anh ta cố tìm phương tiện chuyên chở khác. Gần đến trưa thì anh ta tìm ra được. Đi ngang một chuồng ngựa cho thuê, anh chợt nhìn thấy tấm bảng đề chữ “TRẠM THƯ”. Ngay lập tức, anh bước vào bên trong. Một người gầy còm chưa từng thấy, đang chất từng túi đựng thư từ lên một chiếc xe nhỏ hai bánh. Jamie đứng nhìn người ấy một lát.
“Xin lỗi ông”, Jamie hỏi “Ông có chở thư đến Klipdrift không?”
“Đúng vậy, đang chất thư lên bây giờ đây”
Jamie cảm thấy trong lòng dâng lên niềm hy vọng, “Bác có chở hành khách không?”
“Đôi khi cũng có”, Bác ngẩng đầu lên nhìn Jamie “Cậu bao nhiêu tuổi?”
Một câu hỏi kỳ lạ, “Mười tám. Sao bác lại hỏi như vậy?”
“Chúng tôi không chở khách trên hai mươi mốt, hai mươi hai tuổi, cậu có sức khoẻ chứ?”
Lại một câu hỏi kỳ quặc hơn nữa.
“Thưa bác, vâng ạ”.
Người gầy còm ấy đứng thẳng dậy “Tôi nghĩ cậu cũng khoẻ mạnh đấy. Tôi sẽ rời nơi này trong một giờ. Giá tiền là hai mươi bảng”.
Jamie không tin nổi sự may mắn của mình, “Thật là tuyệt quá! Tôi đi lấy cái vali của tôi rồi…”
“Không được đem theo vali. Chỉ có chỗ cho cái áo sơ mi và cái bàn chải răng thôi”
Jamie tiến gần chiếc xe để quan sát kỹ hơn nữa. Quả thật chiếc xe ấy quá nhỏ và chế tạo thô sơ. Thân xe là một cái lồng chứa thư từ, và ở phía trên cái lồng ấy có một khoảng chật hẹp cho một người ngồi, lưng chạm lưng, ở phía sau người đánh xe. Cuộc hành trình này chắc chắn sẽ không dễ chịu chút nào.
“Đồng ý”, Jamie nói “Để tôi đi lấy cái áo sơ mi và bàn chải răng”.
Khi Jamie trở lại, bác đánh xe đã đóng ngựa vào chiếc xe không mui. Có hai người trẻ tuổi, to lớn đang đứng gần chiếc xe; một người thấp và đen, người kia là người Thuỵ Điển cao, tóc hoe. Hai người đang đưa bác đánh xe một số tiền.
“Khoan đã’, Jamie gọi to với bác đánh xe, “Lúc nãy bác bảo bác cho tôi đi mà?”
“Tất cả chúng ta đều cùng đi”, bác đánh xe nói, “Thôi, nhảy lên nào”
“Cả ba chúng ta hay sao?”
“Đúng vậy”
Jamie không hiểu bằng cách nào bác ta có thể nhét cả ba người lên chiếc xe được, nhưng anh biết rằng anh sẽ được ngồi lên xe khi nó chuyển bánh.
Jamie tự giới thiệu với hai người bạn đồng hành. “Tôi tên là Jamie McGregor”
“Tôi là Wallach” người thấp và đen nói.
“Tôi là Pederson” người cao, tóc hoe đáp lại.
Jamie nói “Chúng ta may mà gặp phải chiếc xe này, phải không các bạn? Không ai biết được, như thế cũng hay”.
Pederson nói: “Ồ, họ đều biết được có chiếc xe chở thư này, Jamie McGregor ạ. Chỉ có điều là những người không đủ sức khoẻ hoặc không dám liều mạng đi những chiếc xe thế này thôi”.
Jamie chưa kịp hỏi lại thì người đánh xe đã lên tiếng, “Thôi, chúng ta đi nào!”
Ba người – Jamie ngồi ở giữa – lách lên chiếc xe, ngồi nép vào nhau, đầu gối co quắp, tựa sát vào lưng gỗ của chiếc ghế bác đánh xe. Không còn chỗ nào để cựa quậy hay thở nữa. Không tệ gì lắm, Jamie tự an ủi.
“Giữ chặt lấy nhé”, bác đánh xe kêu lên. Một lát sau, chiếc xe lăn bánh xuyên qua các đường phố ở Cape Town tiến về phía mỏ kim cương ở Klipdrift.
Hành trình bằng xe la chở khách thì tương đối dễ chịu. Những chiếc xe chuyên chở hành khách từ Cape Town đến mỏ kim cương đều lớn và rộng rãi, có vải bạt như che nắng thiêu đốt về mùa đông. Mỗi chiếc xe chứa trên hơn chục hành khách và kéo bởi một đàn ngựa hay la. Các thứ giải khát được cung cấp ở các trạm đều đặn, và cuộc hành trình kéo dài mười ngày.
Chiếc xe chở thư thì khác thế. Nó không bao giờ ngừng, trừ lúc thay đổi ngựa hoặc người đánh xe. Nó phi hết tốc lực trên con đường và đồng ruộng gồ ghề, những con đường mòn đầy ổ gà. Chiếc xe lại không có lò xo nên mỗi lần nó chồm lên thì giống như bị ngựa đá vậy. Jamie nghiến chặt răng ngẫm nghĩ “Mình có thể chịu đựng được cho đến khi chúng ta dừng xe lại vào lúc trời tối. Mình sẽ ăn và ngủ một giấc, rồi đến sáng mai mình sẽ khoẻ ngay thôi”. Nhưng đêm đến, xe chỉ dừng lại mười phút để thay ngựa và người đánh xe, rồi lại lên đường, phi hết tốc lực.
“Khi nào chúng mình dừng lại ăn cơm?” Jamie hỏi.
“Không dừng lại”, người đánh xe mới lầm bầm. “Chúng ta đi thẳng một mạch, chúng tôi chở thư từ, cậu ạ”.
Chiếc xe chạy nhanh trong đêm tối dày dằng dặc, ngang qua những con đường gồ ghề, bụi bặm dưới ánh sáng trăng. Lúc thì chồm lên đồi, lúc thì chúi mũi xuống thung lũng, nhún nhảy trên các vùng đất bằng phẳng. Thân thể Jamie đau nhừ, bầm dập khắp mọi chỗ vì những cái nhồi lên nhồi xuống của chiếc xe. Anh mệt quá nhưng không sao ngủ được. Mỗi khi bắt đầu thiu thiu ngủ thì chiếc xe lại giật mạnh một cái làm anh bừng mắt dậy. Thân thể anh bị co quắp, tê liệt, thế nhưng không có chỗ nào để thò chân ra. Anh vừa đói vừa cảm thấy như say sóng. Không còn biết bao nhiêu ngày nữa anh mới được ăn bữa cơm kế tiếp. Cuộc hành trình này dài sáu trăm dặm, nhưng Jamie không chắc anh còn sống cho đến khi nó kết thúc hay không. Anh cũng không chắc anh có muốn như vậy không nữa.
Đến cuối ngày và đêm thứ hai thì nỗi khổ cực đã lên cùng cực. Các bạn đồng hành của Jamie cũng ở trong trạng thái giống y như vậy, không còn có thể mở lời phàn nàn được gì nữa. Bây giờ Jamie mới hiểu vì sao công ty chuyên chở này đòi hỏi hành khách phải trẻ và khoẻ mạnh.
Đến rạng sáng hôm sau, họ đi vào vùng đất Great Karoo nơi khung cảnh hoang dã bắt đầu xuất hịên. Thảo nguyên bằng phẳng, ghê rợn trải dài đến vô tận, dưới ánh nắng không xót thương của mặt trời. Các hành khách đều bị ngạt thở vì sức nóng, bụi bặm và những đàn ruồi. Thỉnh thoảng qua làn hơi lờ mờ, độc địa, Jamie trông thấy những nhóm người lê bước ì ạch trên mặt đường. Có những người kéo ngựa cô đơn và hàng chục chiếc xe bò kéo bởi mười tám hay hai mươi con bò, do những người đánh xe điều khiển bằng những cây roi da, miệng la hét om sòm. Chiếc xe to lớn chất hàng nghìn cân (Anh) sản phẩm và hàng hoá, lều vải, dụng cụ đào đất, lò đốt bằng củi, bột mì, than và đèn dầu. Chúng chuyên chở sợi gai dầu của Nga, đường và rượu vang, rượu whisky và đèn cầy của Belfast và mền. Đó là đường dây đem đến sự sống cho những kẻ đi tìm kim cương ở Klipdrift.
Mãi đến khi chiếc xe thư vượt qua con sông Orange, phong cảnh mới bắt đầu thay đổi, không còn là thảo nguyên đơn điệu buồn nản nữa. Cây cối dần dần mọc cao hơn, điểm màu lá xanh. Đất đỏ hơn, bãi cỏ xanh nhấp nhô như gợn sóng trong cơn gió heo may và những cây gai thấp bắt đầu xuất hiện.
“Mình sắp thành công rồi”, Jamie mơ màng suy nghĩ, “mình sắp thành công rồi”.
Anh cảm thấy hi vọng lớn lên len lỏi vào cơ thể mệt mỏi của anh.
Họ đi thêm tiếp bốn ngày đêm thì vào đến thị trấn Klipdrift.
Chàng trai trẻ tuổi Jamie McGregor không biết mình đang chờ đợi cái gì, nhưng quang cảnh diễn ra trước cặp mắt mệt mỏi đỏ ngầu của anh, không giống bất cứ quang cảnh nào anh có thể tưởng tượng được. Klipdrift là bức toàn cảnh rộng lớn gồm những lều vải và xe bò xếp thành hàng dài trên đường phố chính và bên bờ sông Vaal. Trên những con đường đất, lúc nhúc những người kaffir trần truồng, ngoại trừ những chiếc áo màu sặc sỡ, những người thăm dò kim cương râu xồm xoàm, những người bán thịt, làm bánh, những tên trộm cắp, những thầy giáo. Ở trung tâm Klipdrift, những túp lều bằng gỗ và sắt xếp thành dây, dùng làm cửa hiệu, tiệm ăn uống, phòng chơi bi da, nhà ăn, văn phòng mua bán kim cương và văn phòng luật sư. Ở một góc là một ngôi nhà xiêu vẹo, gọi là khách sạn Royal Arch, gồm một dãy phòng không có cửa sổ.
Jamie bước ra khỏi chiếc xe thì ngã lăn trên đất. Hai cẳng tê cứng của anh không còn đủ sức nhấc nổi thân hình đứng thẳng nữa. Anh nằm xuống đấy, đầu óc quay cuồng, cho đến khi anh đủ sức đứng dậy. Anh loạng choạng đi về phía khách sạn, xô đẩy đám người huyên náo đang đứng đông nghẹt trên các đường phố, các lề đường. Căn phòng người ta dành cho anh nóng nực đến nghẹt thở, đầy cả ruồi. Nhưng anh có một chiếc ghế bố, Jamie ngã nhoài lên trên ấy, để nguyên quần áo rồi ngủ tức thì. Anh ngủ luôn một mạch mười tám tiếng đồng hồ.
Jamie thức dậy. Thân thể anh cứng và đau không tưởng tượng được nhưng tâm hồn anh tràn ngập vui sướng. Mình đã đến nơi. Mình thành công rồi! Bụng đói như cào, anh đi tìm thức ăn. Khách sạn không cung cấp thức ăn, nhưng có một tiệm ăn nhỏ đông nghẹt người ở bên kia đường. Anh ăn ngấu nghiến một con cá rán, giống như loại cá chó, thịt cừu nướng trên lửa bằng một cái xiên, rồi tráng miệng bằng món Koeksister, một thứ bánh làm bằng bột nhào rán lên và tẩm bằng nước đường.
Dạ dày của Jamie đã không chứa thức ăn khá lâu, bây giờ bắt đầu cho thấy những triệu chứng đáng sợ. Anh quyết định để cho nó nghỉ ngơi một lát trước khi tiếp tục ăn nữa. Lúc ấy, anh bắt đầu chú ý tới những cảnh tượng xung quanh. Ở các bàn ăn, những người thăm dò đang bàn cãi sôi nổi về vấn đề chiếm hàng đầu trong suy nghĩ của mọi người: kim cương.
“Vẫn còn một ít kim cương quanh vùng Hopetown, nhưng mạch mỏ chính là ở New Rush…”
“Kimberley có đông dân cư hơn là Joburg…”
“Về việc tìm ra mỏ kim cương ở tận Dutoispan vào tuần trước ấy à? Người ta nói rằng ở đó có nhiều kim cương đến nỗi mỗi người không khiêng nổi…”
“Mới đây người ta dò đúng kim cương ở Christiana. Ngày mai tôi sẽ đi đến đấy”
Như vậy là đúng rồi, có kim cương ở khắp mọi nơi! Chàng Jamie trai trẻ quá vui sướng đến nỗi anh khó uống cho hết ly cà phê to bự. Anh choáng váng khi nhìn thấy số tiền quá lớn ghi trên hoá đơn. Hai bảng, ba shillings cho một bữa ăn: lần sau mình phải cẩn thận mới được, anh nghĩ thầm trong khi bước ra đường phố đông đúc, náo nhiệt.
Một tiếng nói nổi lên phía sau lưng anh: “Vẫn còn giữ ý định làm giàu chứ, Jamie McGregor?”
Jamie quay lại, đó là Pederson, anh chàng người Thuỵ Điển đã cùng đi với anh trên chiếc xe chở thư.
“Cố nhiên rồi!” Jamie đáp
“Vậy thì chúng ta hãy đi đến nơi nào có kim cương”, anh ta đưa ngón tay ra chỉ, “Con sông Vaal ở về phía ấy”.
Họ bắt đầu bước đi.
Klipdrift nằm trong một lòng chậu, xung quanh là đồi và nhìn xa tít đến chân trời chỉ toàn thấy là đất cằn cỗi, không có một bụi cây, ngọn cỏ. Bụi đỏ toả lên dày đặc trong không khí, khiến rất khó thở. Con sông Vaal cách nơi ấy một phần tư dặm, và khi hai người đến gần con sông, không khí trở nên mát mẻ hơn. Hàng trăm người thăm dò đứng xếp hàng ở hai bên bờ sông, một số người đang đào đất tìm kim cương, một số khác đang đãi đá bằng những thùng đãi lắc lư qua lại, một số khác nữa đang lựa chọn và phân loại đá ở những chiếc bàn ọp ẹp, chế tạo thô sơ. Các dụng cụ của họ có đủ loại, từ những máy rửa đất đá khoa học đến những chiếc thùng và xô đựng nước cũ kỹ. Đàn ông đều bị rám nắng, râu không cạo, mặc những áo sơ mi kỳ dị đủ loại, không cổ, bằng do có sọc, màu sắc loè loẹt, những chiếc quần nhung sọc và ủng cao su, quần chẽn dùng để đi ngựa, đeo xà cạp quấn bằng giấy, đội mũ rộng vành bằng li- e (bần) . Tất cả đều đeo dây lưng da có túi để đựng kim cương hay tiền.
Jamie và Pederson bước đến rìa sông, đứng nhìn một cậu bé cùng một người lớn tuổi đang ra sức di chuyển một tảng đá lớn để họ có thể đào tới lớp đá sỏi xung quanh đó. Áo sơ mi của họ ướt đẫm mồ hôi. Bên cạnh đó, một toán người khác chất đá sỏi lên xe để đem đi đãi. Một người trong bọn đào đất lắc lư cái thùng trong khi một người khác đổ những xô nước vào thùng làm trôi đi đất bùn. Những viên sỏi lớn được trút vào một chiếc bàn thô sơ tự chế tạo lấy, ở đó họ lựa ra các viên sỏi và quan sát một cách thích thú.
“Trông có vẻ dễ dàng nhỉ” Jamie nhe răng cười và nói.
“Đừng có dễ tin như vậy, Jamie McGregor ạ. Tôi đã nói chuyện với những người đào kim cương đã từng sống ở đây lâu rồi. Tôi cho rằng chúng mình đều bị lừa cả”.
“Anh nói thế nghĩa là thế nào?”
“Cậu có biết có bao nhiêu người đào kim cương ở nơi này không? Hai mươi nghìn mạng tất cả, tất cả đều hy vọng trở nên giàu có. Thế nhưng không có đủ kim cương cho mọi người, anh bạn ạ. Dù có có chăng nữa, tôi cũng bắt đầu nghi ngờ rằng người ta cũng chẳng bõ công mà đào. Mùa hạ thì nóng như thiêu đốt, mùa đông thì rét tê cóng, mọi người ướt như chuột lột dưới những cơn donerstormen (bão tố) khốn khiếp ấy, rồi lại còn phải đương đầu với bụi bặm, ruồi và mùi hôi thối. Mình không được tắm rửa và nằm trên chiếc giường cho ra hồn, cũng chẳng có các phương tiện vệ sinh trong cái thị trấn khốn khiếp này. Tuần nào cũng có người bị chết chìm trên con sông Vaal. Một số là do tai nạn, nhưng người ta vẫn bảo với đa số kẻ chết chìm ấy, đó là lối giải thoát tốt nhất, một cách duy nhất để có thể ra khỏi địa ngục trần gian này. Tôi không hiểu vì sao nhiều người vẫn cứ cố bám vào cái nơi này?”
“Tôi hiểu”, Jamie nói, đưa mắt nhìn về phía cậu bé tràn đầy hy vọng với chiếc sơ mi nhuốm bẩn “Đến nhát xẻng sau sẽ thấy!”
Nhưng khi đi trở về thị trấn, Jamie đành phải công nhận Pederson nói cũng có lý. Họ đi ngang qua những đống xương khô của bò, cừu và dê đã bị giết để mục nát bên ngoài lều vải, bên cạnh những hầm không che đậy dùng làm nhà vệ sinh. Mùi hôi thối ở đó xông lên ngút tận trời, Pederson đang nhìn anh chằm chằm và hỏi: “Bây giờ cậu định làm gì nào?”
“Đi kiếm một ít dụng cụ thăm dò”.
Ở trung tâm thị trấn có một cửa hiệu treo một tấm bảng đã hoen gỉ, trên đề mấy chữ: “Salomon Van Der Merwe, cửa hàng bách hoá”. Một người da đen cao lớn, trạc tuổi Jamie đang rỡ hàng từ một chiếc xe bò đặt trước cửa hiệu. Anh ta có đôi vai rộng, bắp thịt nở nang, một trong những người đẹp trai nhất Jamie chưa từng thấy. Anh ta có đôi mắt đen như bồ hóng, một cái mũi khoằm và một cái cằm hếch lên kiêu hãnh. Ở anh ta có một vẻ gì đường hoàng, trầm lặng và tách biệt. Anh nhấc một thùng gỗ nặng đựng súng trường trên vai, nhưng khi quay người lại, anh trượt chân trên một miếng lá rơi ra từ thùng bắp cải. Do bản năng, Jamie vươn tay ra để đỡ anh ta. Nhưng người da đen ấy làm như không biết đến sự hiện diện của Jamie. Anh ta quay người lại rồi đi vào cửa hiệu. Một người Boer thăm dò kim cương đang đứng buộc con la ở gần đấy liền nói bằng giọng khinh bỉ: “Thằng ấy là Banda, thuộc bộ tộc Barolong, làm việc cho ông Van Der Merwe. Tôi không biết vì sao hắn vẫn giữ cái vẻ xấu xa ấy. Bọn Bantu chó đẻ ấy tưởng rằng chúng làm chủ trái đất này”.
Cửa hiệu bách hoá mát mẻ và tối tăm ở bên trong, khiến cho người ta cảm thấy khoan khoái, quên đi cảnh nóng bức, chói chang của đường phố. Cửa hiệu xông lên những mùi vị xa lạ. Jamie có cảm tưởng như từng phân tấc trong khoảng không gian này đều nhét đầy hàng hoá. Anh vừa bước đi vừa ngạc nhiên đến cuối cửa hàng. Ở đó có bán các dụng cụ nông nghiệp, bia, sữa hộp, bơ, lọ, xi măng, ngòi nổ, cốt mìn, thuốc súng, đồ sứ, bàn ghế, kim, chỉ, dầu, sơn, vecni, quả khô, yên ngựa và dây cương, thuốc tắm cho cừu, xà phòng, các thứ rượu, giấy và vật liệu văn phòng, trà, thuốc lá, thuốc hít, xì gà… hàng chục cái kệ chất đầy hàng từ trên xuống dưới các loại sơ mi dạ, mền, giày mũ và yên ngựa. Jamie nghĩ thầm, người nào làm chủ tất cả từng này hẳn phải giàu có lắm.
Một tiếng nói chợt nổi lên sau lưng anh, “Anh muốn mua gì?”
Jamie quay đầu lại, thấy mình đang đứng trước một cô gái trẻ. Anh đoán cô ấy chừng mười lăm tuổi. Cô ta có nét mặt thanh tú, hình quả tim, một cái mũi ngổ ngáo, đôi mắt xanh và sáng. Tóc cô ta đen và quăn, Jamie nhìn dáng người cô ta, đoán chẳc cô ta gần mười sáu tuổi.
“Tôi là người đi tìm kim cương”, Jamie đáp, “Tôi đến đây để mua một ít thiết bị”.
“Thế ông cần thứ gì?”
Vì một lý do nào đó, Jamie cảm thấy cần phải làm cho cô gái này mến phục, “Ờ, ờ… cô biết rồi đấy, những thứ thông thường thôi mà”.
Cô ta tủm tỉm cười, đôi mắt có vẻ ranh mãnh, “Những thứ thông thường là thứ gì vậy, thưa ông?”
“À…”, anh do dự, “một cái xẻng”,
“Chỉ có thế thôi à?”
Jamie biết rằng cô ấy đang muốn trêu anh, anh nhoẻn miệng cười và thú thật, “Xin nói thật với cô, tôi mới vào nghề này nên không biết mình cần những thứ gì?”
Cô gái nhìn anh mỉm cười, cái mỉm cười của một phụ nữ già dặn. “Cái ầy cũng còn tuỳ thuộc vào nơi nào ông muốn thăm dò, thưa ông…”
“Tên tôi là McGregor, Jamie McGregor”.
“Tôi là Margaret Van Der Merwe”, cô lo lắng nhìn về phía sau cửa hàng.
“Rất hân hạnh được gặp cô, cô Van Der Merwe”.
“Ông mới đến đây hay sao?”
“Vâng, ngày hôm qua, bằng xe chở thư”.
“Lẽ ra phải có người nào cảnh báo trước với ông về những chuyến xe ấy mới phải. Có nhiều hành khách bị chết trên cuộc hành trình bằng xe ấy”, đôi mắt của cô lộ vẻ tức giận.
Jamie nhoẻn miệng cười. “Tôi không thể trách họ, nhưng tôi vẫn sống nhăn ra đây này. Xin cảm ơn cô”.
“Rồi bây giờ sắp sửa đi tìm “mooi klipe” phải không?”
“Mooi klipe là gì vậy?”
“Đó là tiếng Hà Lan, là kim cương, loại sỏi rất đẹp”
“Cô là người Hà Lan?”
“Gia đình tôi từ Hà Lan đến đây”.
“Tôi đến đây từ Scotland”.
“Trông thấy ông tôi nhận ra ngay”, đôi mắt cô lại một lần nữa lo lắng nhìn ra sau cửa hàng, “Có kim cương xung quanh nơi này, ông Gregor ạ, nhưng cần phải biết chọn nơi nào mà tìm. Đa số những người đào kim cương chạy loanh quanh, rốt cuộc lại quay lại chỗ cũ. Mỗi khi có người nào tìm ra được một nơi có kim cương, thế là những người khác lại tới, vét sạch những gì còn sót lại. Nếu muốn trở nên giàu có, ông phải tự tìm lấy mỏ kim cương cho mình”.
“Như thế phải làm thế nào?”
“Cha tôi là người có thể giúp đỡ ông về việc ấy, ông ấy là người biết đủ mọi thứ. Ông ấy sẽ rảnh rang trong một giờ nữa”.
“Tôi sẽ trở lại đây”, Jamie nói, “Cảm ơn cô, cô Van Der Merwe”.
Jamie đi ra ngoài ánh nắng, trong lòng vô cùng phấn khởi, mọi cơn đau nhức đã biến đi đâu mất. Nếu Salomon Van Der Merwe bảo cho anh biết nơi nào tìm kim cương thì chắc chắn anh không thể nào thất bại được. Anh sẽ có ưu thế hơn tất cả mọi người khác. Jamie cười thật to lên với niềm sung sướng cảm thấy mình còn trẻ, sung sức, đang tiến dần đến chỗ giàu sang.
Jamie đi xuống đường phố chính, ngang qua một lò rèn, một phòng chơi bida và năm sáu quán rượu. Anh đứng trước một khách sạn tồi tàn, có treo một tấm biển phía trước ghi mấy dòng chữ:
"R. D. Miller, tắm nóng và lạnh
Mở cửa hàng ngày từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối.
Với tất cả mọi tiện nghi của một phòng tắm và trang điểm ngăn nắp, sạch sẽ"
Jamie ngẫm nghĩ, đã bao lâu mình không tắm nhỉ? Phải, mình đã tắm bằng xô nước ở trên tàu thuỷ. Đột nhiên anh nhận ra rằng người mình hôi hám quá. Anh nhớ đến trước kia, hồi còn ở nhà, anh tắm hàng tuần trong bồn nước ở trong bếp, trong khi mẹ anh gọi to lên “Nhớ tắm rửa cho sạch sẽ, cả ở phía dưới nữa Jamie”.
Anh quay người lại, đi vào nhà tắm. Bên trong có hai cánh cửa, một cánh cửa dành cho đàn bà và cánh cửa kia dành cho đàn ông. Jamie đi vào khu đàn ông, tiến thẳng đến người phục vụ lớn tuổi. “Một lần tắm bao nhiêu lần hả bác?”
“Tắm lạnh thì mười shillings, tắm nóng thì mười lăm”.
Jamie do dự. Ý nghĩ được tắm nước nóng sau một cuộc hành trình dài như thế thật khó mà cưỡng lại nổi. Anh nói “Tắm lạnh”, anh không thể nào vứt tiền ra cho những thú vui xa xỉ được. Còn cần phải mua các dụng cụ đào mỏ.
Người phục vụ đưa cho anh một miếng xà phòng giặt màu vàng và một chiếc khăn tay sờn chỉ rồi đưa tay chỉ. “Vào chỗ kia, anh bạn”.
Jamie bước vào một căn phòng nhỏ chỉ gồm có một bồn tắm bằng thiếc lớn ở giữa và ít cái móc quần áo trên tường. Người phục vụ đổ đầy nước lạnh vào bồn tắm bằng một cái gáo gỗ.
“Sẵn sàng rồi đấy cậu ạ. Cứ treo các quần áo lên cái móc kia”.
Jamie đợi người ấy đi ra rồi mới cởi quần áo. Anh nhìn xuống thân hình cáu ghét rồi đặt một chân vào bồn nước. Nước thật là lạnh, đúng như đã quảng cáo. Anh nghiến răng lại, dầm mình trong bồn nước, xoa xà phòng tới tấp từ đầu đến chân. Khi bước ra khỏi bồn tắm, anh thấy nước trong bồn đen ngòm. Anh cố lau khô người bằng chiếc khăn đã sờn chỉ và mặc quần áo vào người. Quần và áo của anh cứng nhắc vì bẩn, khiến anh không muốn mặc chúng vào người. Anh sẽ phải mua quần áo mới để thay thế và điều này lại một lần nữa nhắc nhở cho anh biết rằng anh có rất ít tiền. Thế rồi anh lại thấy cồn cào trong bụng.
Jamie rời nhà tắm, chen chúc đi xuống con đường đông đúc, đến một quán ăn gọi là Sundowner. Anh gọi bia và một bữa ăn trưa, sườn cừu với cà chua, xúc xích, khoai tây, xà lách và dưa chuột dầm dấm. Trong khi ăn, anh lắng tai nghe câu chuyện lạc quan mà người ta nói với nhau ở xung quanh.
“… Tôi nghe nói người ta tìm được một viên kim cương gần Colsenberg, cân nặng đến 21 cà rá. Nhớ đấy nhé, nếu ở đấy đã có một viên kim cương thì chắc chắn còn nhiều nữa…”
“… Người ta mới tìm thấy kim cương ở Herbron. Tôi đang dự tính sẽ đến đó…”
“Anh là thằng điên, những viên kim cương lớn đều ở Orange River…”
Ở chỗ quầy rượu, một ông khách hàng, râu quai nón, mặc chiếc áo sơ mi dạ có sọc, không cổ và quần nhung sọc đang vân vê một ly bia chanh rõ bự. Ông ta đang tâm sự với người phục vụ quầy rượu “Tôi bị vét sạch túi ở Herbron. Tôi cần có một số tiền làm vốn”.
Người bán rượu là một anh chàng to béo, trán sói, mũi gãy và méo xẹo, mắt như cú vọ. Anh ta cười to: “Mẹ kiếp anh bạn ạ, ai mà chẳng sạch túi? Tại sao tôi lại mở quầy rượu, anh rõ không? Chừng nào tôi có đủ tiền, tôi sẽ rút nhanh lên mạn Orange”. Anh lấy một chiếc giẻ bẩn chùi sạch quầy rượu và nói tiếp, “Nhưng tôi bảo cho anh biết điều này nhé, anh hãy đến gặp Salomon Van Der Merwe. Lão ta làm chủ hiệu bách hoá và nửa thị trấn này”.
“Lão ta giúp gì được tôi?”
“Nếu thích anh, lão có thể góp vốn với anh”
Ông khách nhìn anh bán rượu chằm chằm “Thật thế hả, anh nghĩ rằng lão sẵn sàng làm như vậy sao?”
“Lão đã làm như vậy với một số người, theo như tôi biết. Anh bỏ công sức anh ra, lão bỏ vốn. Kiếm được bao nhiêu sẽ chia đồng đều”.
Các suy nghĩ của Jamie nhảy vọt lên về phía trước. Lâu nay anh vẫn tin tưởng rằng số tiền một trăm hai mươi bảng Anh anh đã dành dụm sẽ đủ để anh mua các đồ trang bị và thức ăn để tồn tại, thế nhưng giá cả ở Klipdrift cao một cách lạ lùng. Anh đã để ý thấy ở cửa hiệu Van Der Merwe, rằng một túi bột mì Úc nặng chừng trăm cân Anh giá năm bảng. Một cân đường giá 1 shilling. Một chai bia năm shillings, bánh bích quy ba shillings một cân, trứng tươi bảy shillings một tá. Với cái đà này, tiền bạc của anh chẳng tồn tại được bao lâu. Jamie nghĩ: “Lạy chúa, ba bữa ăn ở đây bằng cả gia đình mình sống trong một năm. Nhưng nếu mình có một người giàu có như ông Van Der Merwe hỗ trợ cho thì…”. Anh vội vã trả tiền bữa ăn rồi hối hả đi trở lại cửa hiệu bách hoá.
Salomon Van Der Merwe đang ngồi sau quầy hàng, gỡ các khẩu súng ra từ một chiếc hòm gỗ. Ông ta là một người nhỏ nhắn với một gương mặt gầy choắt, xung quanh điểm râu quai nón. Tóc ông màu cát, đôi mắt nhỏ và đen, một cái mũi phồng ra và đôi môi nhíu lại. Cô con gái ông ta chắc phải giống mẹ, Jamie nghĩ thầm. “Xin lỗi ông…”
Van Der Merwe nhìn lên: “Ja” (Vâng)
“Ông có phải là ông Van Der Merwe không? Tôi tên là Jamie McGregor từ Tô Cách Lan đến đây. Tôi đến đây tìm kim cương”.
“Vậy thì sao?”
“Tôi có nghe nói rằng ông giúp đỡ những người thăm dò”.
Van Der Merwe lẩm bẩm: “Anh bạn ạ, không biết ai đã tung ra cái chuyện ấy? Tôi chỉ giúp đỡ một ít người đào kim cương, thế là mọi người đều tưởng rằng tôi là ông Santa Claus (ông già Noel) ”
“Tôi đã để dành được một trăm hai mươi bảng Anh”, Jamie hăm hở nói, “Nhưng tôi biết rằng từng đó không giúp tôi mua được bao nhiêu thứ cả. Tôi sẵn sàng đi đến nơi hoang dã với một cái xẻng, nếu cần thiết, nhưng tôi nghĩ rằng nếu có một con la và dụng cụ thích hợp có lẽ tôi có cơ may thành công nhiều hơn!”
Van Der Merwe quan sát anh bằng cặp mắt đen ti hí: “Cái gì khiến anh nghĩ rằng anh có thể tìm được kim cương?”
“Tôi đã đi nửa vòng trái đất, ông Van Der Merwe, và tôi nhất định sẽ không rời khỏi nơi này khi nào tôi chưa được giàu có. Nếu có kim cương ở nơi nào đó thì chắc chắn tôi sẽ tìm ra. Nếu ông giúp tôi, cả hai chúng ta sẽ trở nên giàu có”.
Van Der Merwe hứ lên một tiếng quay lưng lại phía Jamie, tiếp tục rỡ súng ra khỏi thùng, Jamie vẫn đứng lóng ngóng ở đấy, không biết nói gì thêm nữa. Khi Van Der Merwe bắt đầu mở lời trở lại, câu hỏi của ông ta làm anh choáng váng, như bị chộp bất thình lình: “Anh đến đây bằng xe bò chở khách hả?”
“Không, bằng xe chở thư”.
Ông già quay lại quan sát chàng trai trẻ một lần nữa, cuối cùng ông nói, “Chúng ta sẽ bàn về chuyện ấy”.
Hai người bàn với nhau về chuyện ấy vào buổi tối trong một căn phòng ở phía sau cửa hiệu, nơi ăn ở của Van Der Merwe. Đó là một phòng nhỏ làm phòng ăn, vừa là nhà bếp, vừa là phòng ngủ, với một chiếc màn phân chia hai chiếc giường bố. Phần dưới các bức tường xây bằng đá và bùn, còn phần trên là các hộp bằng cáctông trước kia đựng các loại thực phẩm. Một lỗ hình vuông được xẻ ra trên một bức tường được dùng làm cửa sổ. Về mùa mưa, lỗ này được bít lại bằng một tấm gỗ gán ở phía trước. Bàn ăn là một tấm ván dài, đặt ngang trên hai thùng gỗ. Một chiếc thùng gỗ, được đặt lại ở bên hông, dùng làm tủ đựng bát đĩa. Jamie đoán rằng Van Der Merwe không phải là một người chịu rời xa đồng tiền của ông ta một cách dễ dàng.
Cô con gái của Van Der Merwe yên lặng đi qua đi lại để chuẩn bị bữa ăn. Thỉnh thoảng cô đưa mắt thật nhanh nhìn về phía ông bố nhưng không nhìn Jamie một lần nào. Tại sao cô ấy có vẻ khiếp hãi thế nhỉ? Jamie tự hỏi.
Khi mọi người đã vào bàn ăn, ông Van Der Merwe mở lời: “Chúng ta hãy đọc một bài kinh nào. Lạy Chúa, chúng con cám ơn ngài về những ân thưởng rộng rãi mà chúng con đã nhận được từ Ngài. Chúng con cảm ơn ngài đã tha thứ các tội lỗi của chúng con và chỉ ra cho chúng con con đường chính đáng và giải thoát chúng con khỏi các cám dỗ. Chúng con cảm ơn Ngài đã cho chúng con cuộc sống lâu dài, nhiều lợi lộc và đã đập chết tất cả những kẻ nào xúc phạm đến Ngài. Amen” Rồi ngay tiếp đó, luôn một hơi thở, ông ta nói với con gái, “Chuyển đĩa thịt lại đây cho bố”.
Bữa ăn thật thanh đạm: một miếng thịt rán nhỏ, ba củ khoai tây và một đĩa rau cải. Các phần dọn cho Jamie thật ít ỏi. Hai người nói chuyện với nhau rất ít trong bữa ăn còn Margaret thì không nói gì cả.
Ăn xong, Van Der Merwe mới nói: “Thật là ngon, con gái ạ”. Giọng nói của ông pha lẫn một chút hãnh diện. Rồi ông quay về phía Jamie,
“Chúng ta bàn về công việc chứ?”.
“Vâng, thưa ông”.
Van Der Merwe nhặt lên một ống điếu từ mặt tủ gỗ con, lấy thuốc lá thơm từ một chiếc túi con nhét vào ống điếu. Ông châm thuốc. Đôi mắt ông nhìn chăm chú vào mặt Jamie qua làn khói thuốc cuồn cuộn.
“Những bọn đào kim cương ở vùng Klipdrift đều khùng cả. Có quá ít kim cương nhưng lại quá nhiều. Người ta có thể làm gãy xương sống suốt cả năm trời mà chẳng tìm ra được cái gì ngoài “schlenter”. Đó là loại kim cương vô giá trị ấy mà. Anh có hiểu tôi nói không?”
“Vâng, tôi hiểu. Vậy thì phải làm thế nào?”
“Bọn Griquas”
Jamie ngơ ngác. “Đó là một bộ lạc Châu Phi ở mạn Bắc. Họ tìm thấy kim cương – những viên kim cương thật lớn – rồi đôi khi họ mang đến cho tôi. Sau đó tôi bán lại để mua hàng hoá”. Người Hà Lan ấy hạ thấp giọng xuống thì thầm một cách bí mật, “Tôi biết họ tìm thấy kim cương ở đâu rồi”.
“Thế nhưng tại sao ông không tự mình đi tìm lấy ông Van Der Merwe?”
Van Der Merwe thở dài: “Không, tôi không thể rời cửa hiệu này được. Chúng nó sẽ ăn cắp mà mình không biết được. Tôi cần một người nào đủ tin cậy để đi đến nơi ấy, rồi đưa kim cương về cho tôi. Khi nào tìm được đúng người, tôi sẽ cung cấp cho hắn đủ mọi dụng cụ cần thiết”. Ông dừng lại một lát để kéo hơi thuốc “Rồi tôi sẽ bảo cho hắn kim cương ấy ở đâu”.
Jamie vụt đứng dậy, tim đập thình thình: “Ông Van Der Merwe ạ, tôi chính là người mà ông đang tìm kiếm. Hãy tin tôi đi, tôi xin ông, tôi sẽ làm việc cả ngày đêm”. Giọng anh sôi nổi, đầy nhiệt tình “Tôi sẽ mang kim cương về cho ông, nhiều không thể đếm nổi”.
Van Der Merwe lặng lẽ nhìn anh một lát nhưng anh thấy nó lâu như cả thế kỷ. Cuối cùng, khi Van Der Merwe thốt lời, ông chỉ nói gọn một chữ “Ja”.
Jamie ký hợp đồng vào sáng hôm sau. Hợp đồng ấy viết bằng tiếng Africaner (Nam Phi)
“Để tôi giải thích cho anh”, Van Der Merwe nói, “hợp đồng đó ghi rằng, chúng ta hợp tác kinh doanh với nhau, tôi bỏ vốn, anh bỏ công sức. Chúng ta chia nhau đồng đều tất cả mọi thứ”
Jamie nhìn vào bản hợp đồng trong tay Van Der Merwe. Giữa những hàng chữ khó hiểu, anh chỉ nhận ra một dòng chữ: tổng số hai bảng Anh.
Jamie lấy tay chỉ chữ ấy và hỏi: “Cái này để làm gì thưa ông Van Der Merwe?”
“Cái đó có nghĩa là thêm vào một nửa số kim cương thuộc về phần anh, anh sẽ nhận được hai bảng Anh một tuần lễ làm việc. Dù tôi biết rằng ở đó có kim cương, cũng có thể xảy ra trường hợp anh sẽ không tìm được cái gì cả, anh bạn ạ. Nhưng như vậy, ít nhất anh cũng nhận được chút ít gì đó do công lao anh đã bỏ ra”.
Một người như thế thật quá ư sòng phẳng, “Cảm ơn ông, cảm ơn ông nhiều lắm”. Jamie tưởng chừng như muốn chồm lên mà hôn ông.
Van Der Merwe nói: “Bây giờ ta hãy lo việc trang bị mọi thứ cho anh đã”.
Phải mất hai giờ đồng hồ mới chọn được mọi thứ cho Jamie mang theo: một lều vải nhỏ, dụng cụ nấu ăn, hai cái sàng, một cái đãi đá, một cái cuốc chim, hai cái xẻng, ba xô nước, tất và áo lót. Có một cái rìu, một cây đèn và dầu garrafin, diêm và xà phòng arsenic. Ngoài ra còn có những hộp thiếc thức ăn, thỏi thịt, đường, cà phê và muối. Cuối cùng mọi thứ đã sẵn sàng, đầy đủ. Tên đầy tớ da đen, Banda, lặng lẽ giúp Jamie xếp gọn ghẽ mọi thứ trong những túi đeo trên lưng. Anh chàng to lớn ấy không bao giờ đưa mắt nhìn Jamie và cũng chẳng nói một lời nào. Hắn không nói được tiếng Anh, chắc vậy. Margaret ở trong cửa hiệu, chờ đợi khách hàng, nhưng nếu cô ta biết rằng Jamie đang có mặt ở đấy cô ta cũng chẳng tỏ ra một dấu hiệu nào cả.
Van Der Merwe bước lại gần Jamie: “Con la của anh đã đợi ở trước nhà”, ông nói, “Banda sẽ giúp anh chất đồ đạc lên”.
“Cám ơn ông Van Der Merwe”, Jamie nói, “Tôi…”
Van Der Merwe xem xét một mảnh giấy đặc sệt những con số và nói, “Tất cả một trăm hai mươi bảng Anh”
Jamie nhìn ông ngơ ngác: “S… sao? Cái này nằm trong điều khoản đã được thoả thuận giữa chúng ta mà. Chúng ta…”
Khuôn mặt gầy choắt của Van Der Merwe sụm lại vì giận dữ: “Anh tưởng rằng tôi tặng anh tất cả các thứ này, thêm vào một con la thật tốt, rồi cho phép anh hợp tác kinh doanh với tôi, ngoài ra lại còn cho anh thêm hai bảng một tuần hay sao? Nếu anh mong tìm một cái gì đó mà không muốn bỏ ra một chút nào hết thì anh tìm lầm chỗ rồi”. Nói xong ông ta liền dỡ một túi xách xuống.
Jamie vội vàng nói: “Đừng, xin ông đừng làm thế, ông Van Der Merwe. Ấy chỉ vì tôi không hiểu thôi. Ông muốn như thế thì cũng được, tôi có sẵn tiền ở đây”. Anh thọc tay vào túi da, trút tất cả số tiền dành dụm của anh cho đến đồng xu cuối cùng lên mặt bàn.
Van Der Merwe do dự, “Thôi được rồi”, ông ta nói với vẻ miễn cưỡng, “Có lẽ đó là một sự hiểu lầm, thật đấy. Thị trấn này toàn những tên lừa đảo. Tôi phải thận trọng khi giao thiệp buôn bán với ai”.
“Vâng, ông làm thế là phải”, Jamie ngỏ ý tán thành. Trong lúc quá sôi nổi, anh đã hiểu sai các điều thoả thuận với nhau. Mình thật may mắn, vì ông ta còn cho mình một cơ hội sửa chữa sai lầm, Jamie thầm nghĩ.
Van Der Merwe thọc tay vào túi, rút ra một tấm bản đồ vẽ tay nhỏ nhăn nhúm: “Anh sẽ tìm thấy mooi kliper ở chỗ này. Phía Bắc nơi này, ở Magerdam trên bờ sông phía Tây của con sông Vaal”.
Jamie quan sát bản đồ, tim anh bắt đầu đập nhanh, “Nơi ấy xa bao nhiêu dặm?”
“Ở đây chúng tôi đo khoảng cách bằng thời gian. Với con la này, anh sẽ đi mất khoảng 4,5 ngày. Lúc trở về sẽ chậm hơn vì trọng lượng của kim cương”.
Jamie mỉm cười: “Ja”.
Khi Jamie trở lại đường phố của Klipdrift, anh không còn là một du khách nữa. Anh là một nhà thăm dò, một người đào kim cương đang tiến gần đến sự giàu có. Banda đã chất xong đồ đạc lên lưng con la mảnh khảnh, yếu đuối bị cột chặt vào trước cửa hịêu.
“Cảm ơn”, Jamie mỉm cười nói
Banda quay lại, nhìn vào mắt anh rồi lặng lẽ quay đi nơi khác. Jamie tháo sợi dây cương và nói với con la: “Đi nào anh bạn, đã đến giờ chúng ta đi tìm mooi kliper rồi”.
Người và la cùng tiến về phía Bắc,
Jamie dựng lều vải bên cạnh con suối vào lúc đêm xuống, anh tháo la ra, cho nó uống nước và ăn cỏ. Anh soạn ra cho mình ăn một ít thịt bò khô, mơ khô và cà phê. Đêm tối vang lên những tiếng động kỳ lạ, anh nghe thấy tiếng rú, tiếng ụt ịt của những con thú đang đi xuống uống nước. Anh không có gì để tự bảo vệ cả, giữa những con thú nguy hiểm vây xung quanh, trên một mảnh đất hoang sơ, xa lạ. Một tiếng động khiến anh giật thót người, lúc nào anh cũng lo sợ móng vuốt của các thú rừng nhảy chồm ra từ bóng tối tấn công anh. Trí óc anh bắt đầu nghĩ miên man. Anh nghĩ đến chiếc giường khô ở quê hương, đến cuộc sống an toàn, tiện nghi mà anh chấp nhận như là điều đương nhiên. Anh ngủ từng chập, thấy trong mơ sư tử và voi tấn công anh, những người to lớn, râu ria xồm xoàm đang cố gắng giật khỏi tay anh những viên kim cương thật lớn.
Lúc rạng đông, khi anh thức dậy, con la đã chết.
Mừng Giáng Sinh, Tặng Ngay 15% Giá Trị Nạp. Chương Trình Khuyến Mãi Kéo Dài Từ 24/12 Đến Hết 27/12, Nhanh Tay Lên Các Bạn Ơi!!
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook