Tâm Lí Học Tổng Hợp
C41: 41.vì Sao Con Người Ta Đau Khổ?




Kì vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều" – đó là điều mà ông bà hay nói. Không phải tự nhiên mà người xưa lại đúc kết ra sự thật này, mà đằng sau nó – đây là một nguyên nhân tâm lý. Trong một xã hội thay đổi quá nhiều, con người ta liên tiếp đặt những kì vọng vào bản thân mình, vào cả những người xung quanh họ, và vào cả xã hội mà họ đang sống. Khi mọi thứ không diễn ra theo đúng kì vọng, họ thất vọng, họ đau khổ. Từ đó dẫn đến việc, họ mãi mãi không bao giờ thành công.

HIỆN TƯỢNG KÌ VỌNG

Bố mẹ kì vọng vào con cái: thời đi học, con phải được như này, con phải được như kia, lớn lên, con phải vào trường đại học này, con phải được mức lương kia. Vợ chồng kì vọng vào nhau, vợ kì vọng chồng phải là mẫu người như lí tưởng của mình, phải chiều mình theo cách mình mong muốn, chồng kì vọng vợ phải là hình mẫu mà mình vẫn thấy trên truyền hình, phải vừa xinh, vừa chu đáo, vừa đảm đang,.. mọi thứ phải đúng ý mình. Đồng nghiệp kì vọng vào nhau, nhân viên kì vọng sếp phải tâm lý, phải nhẹ nhàng, sếp kì vọng nhân viên phải trách nhiệm, giỏi giang, xông xáo. Đi làm môi trường phải chuyên nghiệp, năng động. Ở chính bản thân mình, mình phải ông nọ, bà kia, tiếng tăm trong đời. Ở xã hội, đời sống phải cao cấp, cuộc sống phải văn minh. Mọi kì vọng trên đều tốt đẹp. Mọi mong muốn tốt đẹp là một điều chính đáng. Nếu không có những mong muốn tốt đẹp thì có lẽ nó đáng sợ hơn rất nhiều. Thế nhưng, khi người ta kì vọng khi mà chưa hiểu rõ mình đang ở đâu và điểm đích mình có thể đến, thì họ sẽ áp lực và đau khổ hơn rất nhiều.


Theo từ điển định nghĩa: kì vọng là đặt nhiều hi vọng, mong mỏi ở ai, cái gì một điều gì đó. Tức là một mong muốn về điểm đích trong tâm trí – do vậy đây là một điều chưa diễn ra, chưa xảy ra trong thực tại. Lẽ thông thường, ai cũng muốn một điểm đích tốt đẹp: chẳng hạn cuộc sống giàu có, gia đình hạnh phúc, sự nghiệp viên mãn,.. Đó là một điều rất tốt. Tuy nhiên, đôi khi họ vô tình mắc phải sai lầm làm bản thân thất vọng đó là chưa xác định được rõ điểm xuất phát. Và dĩ nhiên, mỗi một người sẽ có những vạch xuất phát khác nhau, cho nên khi vạch xuất phát khác nhau mà lại xác định kì vọng như nhau: ví dụ trong lớp là học sinh giỏi nhất lớp, phải là thủ khoa, phải là triệu phú ở tuổi 30, sự nghiệp phải là ông chủ,... thì đó là một kì vọng sai thực tế. Điểm mù tâm lý ở đây nằm ở chỗ: khi bị kì vọng sai thực tế, kết quả diễn ra không như mong đợi, con người ta đau khổ.

VÌ SAO KÌ VỌNG LÀ NGUY HIỂM?

Tại World Cup 2014, sau một đêm kinh hoàng, người ta gọi thất bại 1-7 của đội tuyển Brazil trước đội tuyển Đức là nỗi ô nhục, là sự sỉ nhục lớn nhất trong lịch sử World Cup, rồi sau đó, báo chí đăng tin về bạo động bùng phát tại Brazil sau trận thua đó. Họ để thua 4 bàn trong vòng 6 phút (từ 23-29) là 6 phút đau đớn nhất trong lịch sử bóng đá xứ Samba. Quay trở lại bản chất vấn đề, vậy nguyên nhân là do đâu? Nó nằm ở kỳ vọng. Giả sử, nếu đó là đội tuyển Lào thì chuyện gì sẽ xảy ra? Báo chí sẽ nói rằng: đây là cơ hội tuyệt vời để Lào được chạm trán đối tủ lớn, để có những kinh nghiệm quý giá vững vàng. Nhưng thực tế, đó là Brazil, người ta kỳ vọng Brazil phải là nhà vô địch, và là đội bóng hàng đầu thế giới, thì không được phép thua, mà nếu thua thì không được phép thua đậm như vậy.

Nhưng thực tế, nếu thua 1-7 hay thua 0-1 thì vẫn là thua (trong một trận đấu loại trực tiếp). Thứ hai, trong bóng đá có một khái niệm gọi là "vỡ trận", tức là khi bị thua một vài bàn thắng ảnh hưởng đến tâm lí thi đấu chung của cả đội dẫn đến việc thủng lưới liên tiếp. Thứ ba, trong thi đấu đỉnh cao, thắng thua là chuyện bình thường, bởi lẽ trận đấu phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố. Brazil thua có thể là do Brazil hôm đó đá kém, nhưng cũng có thể là do hôm đó là ngày phong độ cao xuất thần của đội tuyển Đức. Có lẽ, thứ thất bại lớn nhất ở đây là người dân Brazil, các cầu thủ Brazil đã đặt một gánh nặng áp lực lên đôi chân của các cầu thủ quá nhiều với kỳ vọng họ phải là nhà vô địch. Thế nhưng, nếu như thay đổi kì vọng bằng mơ ước, mơ ước là nhà vô địch, và sau đó là cứ nỗ lực đá hết mình, cố gắng hết sức, cho dù kết quả như nào, thì mọi chuyện sẽ lại khác.


Tương tự như bóng đá, trong nhiều cuộc thi khác cũng như vậy. Có vô số người, và cả người thân của họ thất vọng, buồn phiền, chán nản thậm chí giận dữ khi mà họ thất bại. Nguyên nhân chung quy lại, cũng nằm ở chỗ kỳ vọng sai thực tế. Là bởi vì, trong các cuộc thi, chỉ có 1 người chiến thắng. Giả sử một cuộc thi sắc đẹp, không bao giờ có chuyện 15 người được giải hoa hậu, đã là hoa hậu, là chỉ có 1 người được. Trong cuộc thi bóng đá, giải đấu 4 năm 1 lần, không bao giờ có chuyện 10 đội bước vào trận chung kết và có 10 đội vô địch, vô địch là chỉ có 1. Tương tự như thế, đã là thủ khoa thi cử, thì không thể có 3 thủ khoa chung một ngành thi, môn thi, thủ khoa là đứng đầu, đứng đầu thì chỉ có 1. Trong các game show, không thể nào có 2 giải nhất, có người thắng thì phải có người thua. Khi họ đặt kì vọng vào bản thân lớn quá, một đích đến lớn quá, trong khi xuất phát điểm khác nhau, thì đó là yếu tố dẫn đến thất vọng.

CĂN BỆNH "SO SÁNH" BẢN THÂN MÌNH VỚI NGƯỜI KHÁC Những kì vọng ấy ở đâu mà ra, đó là do căn bệnh SO SÁNH.

Về bản chất, so sánh là rất tốt. Khi chúng ta so sánh mình với ai đó, chúng ta nhìn được những điểm gì người khác làm được, những câu chuyện thành công, những bài học cuộc sống,..nếu so sánh với mục đích để học hỏi, để mình tốt lên, để mình nỗ lực lên thì không nói làm gì. Tương tự như vậy, giả sử bố mẹ so sánh con mình với "con nhà người ta", theo một cảm xúc trung dung; nếu vợ chồng so sánh chồng vợ mình với người khác – những điểm tốt của họ, theo một suy nghĩ tích cực thì không có gì để nói. Thế nhưng, đôi khi vô tình, vì cảm xúc xuất phát là mong muốn tốt đẹp nhưng phương pháp là sai khi chưa thấu hiểu tâm lý, dẫn đến sự kì vọng: kì vọng bản thân mình, con mình, bố mẹ mình, vợ chồng mình, đồng nghiệp mình phải được cái nọ, phải có cái kia (như những người khác) thì đó đang là một sự so sánh và kì vọng sai thực tế.

Không những vậy, việc so sánh con người với con người rất dễ làm cho chúng ta bị tổn thương, cảm giác bị phán xét và đánh giá. Bởi lẽ, không một ai là hoàn hảo, ai cũng có nét đẹp và ai cũng có điểm yếu. Nếu cứ lấy những thứ bên ngoài làm thước đo cho bên trong mình thì tự nhiên áp lực hình thành. Bên cạnh đó, cảm xúc vẫn luôn là thứ làm cho con người ta đau khổ, nhất là với những trái tim mỏng manh tổn thương dễ vỡ. Bởi lẽ, đôi khi sự so sánh mà không trung dung được cảm xúc, sẽ dẫn đến sự đố kỵ, hoặc sự không thoải mái khi mà ta đang tập trung vào thứ người khác có mà mình không có. Cho nên, cách tốt nhất là hãy so sánh mình với chính mình của ngày hôm qua. Chẳng hạn, hôm nay mình phải làm gì để tốt hơn hôm qua. Những gì mình cần tiếp tục, những gì mình cần cố gắng, đó mới là sự so sánh đúng mực nhất. Còn nếu muốn so sánh với người khác, thì hãy so sánh bằng một cảm xúc trung dung, tích cực, không phán xét, không ghen tỵ, không tiêu cực.


CÓ NÊN NGỪNG KÌ VỌNG?

Quay trở lại vấn đề đã nêu, kì vọng bản chất nó là mong muốn tốt đẹp. Vậy thì lẽ nào lại ngừng kì vọng? Như vậy không cần thiết bởi lẽ, nếu ngừng kì vọng, vô tình người ta sẽ đi vào lối mòn của AQ chính truyện – một sai lầm cực đoan về tinh thần, tự ngụy biện bản thân và không cố gắng, nỗ lực. Ngừng kì vọng nghĩa là thôi bản thân mình chỉ như thế, cố gắng làm gì. Ngừng kì vọng bản thân nghĩa là chấp nhận những thứ bình thường, thậm chí tầm thường. Cho nên, hãy kì vọng đúng, hay còn gọi hãy biết ước mơ. Kì vọng chính là đích đến, vậy thì hãy mơ ước đến đích đến đó, nhưng KHÔNG BẮT BUỘC BẰNG MỌI GIÁ PHẢI LÀM ĐƯỢC, mà hãy NỖ LỰC LÀM HẾT SỨC của mình. Vẫn mơ ước với đích đến nhưng bắt buộc mọi giá phải làm được và nỗ lực làm hết sức của mình là hai điều khác biệt nhau hoàn toàn.

Ví dụ như sinh ra trong một gia đình nghèo khó, mơ ước tương lai có cuộc sống giàu thật giàu và nỗ lực hết sức để làm giàu khác với bắt buộc bằng mọi giá phải giàu trước tuổi 30. Bởi con đường đó nhiều gian nan, không thể nỗ lực một sớm một chiều. Mơ ước có một người vợ xinh đẹp, giỏi giang, chu đáo khác với bắt buộc phải có được như vậy. Bởi để có được điều đó còn phụ thuộc vào bản thân mình có gì. Từ học sinh học dốt nhất lớp, mơ ước trở thành top 1 khác với bắt buộc phải là top 1. Bởi khi mình cố gắng, không có nghĩa là những người trong lớp đang không cố gắng. Khi mình cố gắng, thì người đang là top 1, top 2, top 3 khi đó họ cũng cố gắng, họ đang có xuất phát điểm tốt hơn, và thậm chí họ có thể còn cố gắng nhiều hơn. Cho nên, chỉ đơn giản là hiểu được đích đến mình muốn đến và rồi cứ nỗ lực hết sức mình là được. Trong bài viết Thấu hiểu bản thân – kỹ năng tâm lý quan trọng để thành công có đề cập một vấn đề quan trọng là làm sao để thấu hiểu bản thân mình, khi hiểu bản thân mình rồi sẽ xác định được rõ điểm xuất phát của bản thân, điểm mạnh, điểm yếu từ đó xác định đích đến phù hợp.

CÓ MỘT THỨ BẮT BUỘC PHẢI KÌ VỌNG

Đó là kì vọng bản thân phải luôn luôn nỗ lực từng ngày. Cuộc sống giống như chèo thuyền ngược nước, không tiến sẽ phải lùi. Do vậy, cho dù bản thân mỗi người có khác nhau như nào, thì ai cũng đều phải nỗ lực, nỗ lực mỗi ngày. Mỗi sáng ở châu Phi, con linh dương thức dậy biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất nếu không muốn bị giết. Mỗi sáng, con sư tử thức dậy biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất hoặc nó sẽ bị chết đói. Điều quan trọng không phải ở chỗ bạn là sư tử hay linh dương. Khi mặt trời mọc, bạn hãy bắt đầu chạy. Đó là điều tốt đẹp nhất cần kì vọng ở bản thân.


Khi đã luôn nỗ lực rồi, hãy xác định điều quan trọng nhất có thể làm được trong khả năng của mình, chứ không phải là xác định nhiều điều không tưởng để rồi bản thân thất vọng. Thời Steve Jobs điều hành Apple trên đỉnh hoàng kim, hàng năm ông đều tổ chức những kì nghỉ cho nhân viên, và trong những giây phút thư giãn ấy, đó là lúc mà nhân viên Apple thảo luận ra những ý tưởng, sáng tạo, cải tiến giúp Apple phát triển. Họ hào hứng liệt kê ra rất nhiều ý tưởng. Họ nói đến đâu, Steve Jobs viết ra đến đấy. Kết thúc buổi họp, ông ta gạch hết tất cả các ý tưởng và chỉ để chừa ra 3 ý tưởng cuối cùng với lời giải thích: chúng ta chỉ có đủ thời gian và nguồn lực để làm thêm 3 việc này mà thôi. Kì vọng đúng cách là hiểu nguồn lực mình và hiểu đích đến gần nhất của mình, hiểu được những gì mình có thể làm và sẵn sàng nói KHÔNG với thứ mà mình chưa thể làm.

KHÉP LẠI

"Đừng quá lạc quan, cũng đừng quá bi quan, hãy là một người thực tế biết hy vọng." Kì vọng cũng tương tự như vậy. Đừng quá ảo tưởng và kì vọng nhiều về những điều bản thân không thể làm được cũng như người khác không thể làm được. Nhưng cũng đừng quá bi quan, nghĩ rằng bản thân mình kém cỏi mà thôi kì vọng. Hãy là một người thực tế, hiểu mình đang ở đâu, hiểu đích đến mong muốn của mình, và hãy biết hy vọng vào một ngày mai, sau những nỗ lực bền bì thì kì vọng đúng sẽ mang lại thành quả tuyệt vời.



Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương