Tâm Lí Học Tổng Hợp
-
C192: 192. Chúng Ta Thường Ngộ Nhận Về Năng Lực Bản Thân Như Thế Nào?
CHÚNG TA THƯỜNG NGỘ NHẬN VỀ NĂNG LỰC BẢN THÂN NHƯ THẾ NÀO? - Edward
Ngày nay, các bạn trẻ có xu hướng nhảy việc nhiều hơn bao giờ hết. Ngày nay, con người ta có khuynh hướng dễ chia tay nhiều hơn bao giờ hết. Ngày nay, dường như con người ta bỗng dưng cũng khó hợp tác với nhau hơn. Và có lẽ, một khuynh hướng không nhỏ đó là họ luôn nghĩ rằng họ giỏi. Thông thường, về mặt tâm lý con người ta thường có xu hướng đánh giá về năng lực của con người theo một cách cảm tính hơn là logic. Đôi khi, sự cảm tính dẫn đến việc một số nhóm người có khuynh hướng đánh giá bản thân mình cao hơn năng lực thực tế. Và thậm chí là đánh giá người khác kém cỏi hơn năng lực thực sự của họ. Lý giải hiện tượng tâm lý thú vị này, chắc chắn bạn sẽ thành công.
KHI SỰ CẢM TÍNH KHIẾN BẠN ĐÁNH MẤT TƯ DUY LOGIC
1. A + B = 10. Hỏi A > B hay A < B?
Dĩ nhiên về mặt toán học, câu hỏi này quá đơn giản. Đáp án là chúng ta chưa đủ dữ liệu. Thế nhưng, về mặt cuộc sống, sự cảm tính được thể hiện ra như sau: Hai người cùng hợp sức lại và tạo ra được kết quả là 10 phần. Như thế, để xác định công sức của mỗi người ai lớn hơn ai không phải lúc nào cũng dễ dàng. Sự cảm tính là khi chúng ta vội vàng suy nghĩ theo hai hướng cực đoan.
Một là nghĩ rằng mình giỏi hơn người ta. Nhóm người này sẽ luôn nghĩ rằng phải nhờ có mình mới đạt được kết quả tốt như vậy. Và thường họ không ghi nhận hoặc không công nhận công sức của người khác. Họ nghĩ rằng mình ngon ăn, để rồi khi tách ra tự làm, họ gặp thất bại vì ngộ nhận về năng lực của mình.
Hai là nghĩ rằng mình kém hơn người ta. Nhóm người này ngược lại luôn nghĩ rằng mình kém cỏi, phải nhờ người khác mới được kết quả như vậy. Và thường họ không công nhận và không tự tin vào năng lực của chính họ. Họ không dám tự lập, và dần dần bị lệ thuộc vào người khác.
2. A + B bằng 10. Hỏi A + C > 10 hay A + C < 10.
Thêm một lần nữa, về mặt toán học câu hỏi này cũng rất vô nghĩa. Đáp án là còn tùy B > C hay B < C. Nếu B > C thì A + C < 10, còn nếu B < C thì A + C > 10. Nhưng về mặt tâm lý trong cuộc sống thì ngạc nhiên thay, có không ít người bị ngộ nhận bởi một bài toán đơn giản như vậy.
Chẳng hạn hai người yêu nhau, và tổng hạnh phúc - những gì họ làm cho nhau bằng 10 phần. Thế rồi, vì một lý do gì đó họ chia tay. (Ở đây không bình luận về chuyện chia tay). Và về tâm lý, khi chia tay có một số người sẽ cảm tính nghĩ rằng người ta có được hạnh phúc như vậy là nhờ mình, hoặc theo thái cực khác là mình có được hạnh phúc như vậy là nhờ người khác. Từ đó, chúng ta gặp không hiếm những cặp đôi sau khi chia tay họ nói với nhau. "Không có tôi, còn lâu cô/anh mới được như vậy". Suy luận như vậy thì hết sức phi logic.
Lý do là bởi vì sau khi một người chia tay một người và tìm đến một người khác, ở đây phải xét 3 trường hợp. Trường hợp thứ nhất nếu người đó tìm được một người tốt hơn, thì người đó hạnh phúc hơn. Cũng có thể người đó tìm được một người không tốt bằng, thì người đó kém hạnh phúc hơn. Hoặc hy hữu là tìm được một người tốt y như vậy thì hạnh phúc không đổi. Chứ không thể nào có chuyện "Không có tôi còn lâu cô/anh mới được như vậy".
Điều này không chỉ ở trong tình yêu, mà ứng trong cuộc sống cũng rất phổ biến. Rất nhiều người khi hợp tác với nhau tạo ra kết quả nhưng rồi họ lại đánh giá quá cao (hoặc quá thấp) về bản thân mình. Nếu đánh giá quá cao, thường chính là tình trạng "ảo tưởng sức mạnh" như ngôn ngữ mạng hay dùng. Nếu đánh giá quá thấp, thì kết quả là luôn tự ti và nhút nhát (đã nói ở trên).
Vậy làm sao để không ngộ nhận (hay có thể đánh giá chính xác)?
KHÔNG AI THÀNH CÔNG MỘT MÌNH: 1+1=11
Giả sử khi làm việc độc lập, giá trị mỗi người tạo ra là 1 phần. Nhưng khi hai người kết hợp lại, giá trị mỗi người đều tăng lên, sức mạnh cộng hưởng được tạo ra, và nhờ sự kết nối của dấu cộng, giá trị thặng dư tạo ra là 11 phần. Hóa ra, giá trị thực sự của mỗi người chỉ là 1 phần nhưng nhờ người kia và nhờ vào sự kết hợp của dấu cộng, mà giá trị của họ được nhân lên. Cho nên, để hiểu đúng bản thân thì họ vẫn phải hiểu rằng giá trị của họ là 1 phần, nhưng nếu kết hợp với người khác thì giá trị tăng lên gấp bội.
Các tập đoàn lớn là minh chứng rõ nét cho điều đó. Và Apple là một ví dụ. Cho dù có đánh giá khen hay chê về Apple thì chúng ta cũng không thể phủ nhận một sự thật rằng Apple vẫn là một thương hiệu rất rất mạnh. Người ta tính ra, một nhân viên của Apple trung bình một năm tạo ra giá trị hàng chục triệu đô. Nhưng liệu có phải từng người khi tách ra đều có thể tạo ra giá trị hàng trăm tỷ đồng (quy ra tiền Việt) hay không? Câu trả lời dĩ nhiên là không. Nhưng nhờ sự kết hợp lại mà họ tạo ra được sức mạnh như vậy. Chẳng hạn, Apple thiết kê một chiếc iPhone X. Họ kiếm tiền siêu lợi nhuận là bởi vì chiếc iPhone X là tập hợp của hàng trăm, hàng nghìn sáng chế mini. Ví dụ như từ sáng chế camera, sáng chế chip, sáng chế con ốc, sáng chế màn hình, sáng chế loại kính đặc biệt, sáng chế phần mềm,... Đối thủ của họ, chắc chắn sẽ không thể nào lấy trộm những quyền sở hữu trí tuệ đó được. Và đó là lý do làm cho những siêu Smart Phone tạo nên sự khác biệt. Nhưng để tạo ra giá trị thặng dư đó, không thể đến từ công sức của chỉ một người.
Bóng đá cũng là một ví dụ rõ nét về sức mạnh của cả một tập thể. Khi một đội bóng giành chiến thắng, công lao không chỉ đến từ một người. Sức mạnh và sự nỗ lực đến từ tất cả các vị trí. Nhưng thông thường, chúng ta có thể sẽ dễ cảm tính rằng những trận thắng mang dấu ấn của một vị trí. Dấu ấn là sự thể hiện trội hơn, chẳng hạn một tình huống tỏa sáng của tiền đạo, hay những pha cản phá xuất thần của thủ thành. Nhưng nếu tách ra một người, thì không ai làm được gì hết. Chắc chắn rằng bạn chưa thể nào thấy một đội bóng thi đấu với một cầu thủ. Hoặc càng không thể so sánh tiền đạo thì giỏi hơn tiền vệ, hay thủ môn thì quan trọng hơn hậu vệ. Hiểu được điều này, khi làm việc với nhau chúng ta sẽ khách quan và tôn trọng nhau hơn rất rất nhiều.
Khởi nghiệp hay điều hành một doanh nghiệp cũng như thế. Chẳng hạn bạn là một đầu bếp siêu siêu giỏi. Và rồi bạn thấy rằng khi mình làm cho một nhà hàng, mặc dù mình là đầu bếp chính, không có mình thì không thể nào món ăn được nấu ngon. Không có mình thì nhà hàng không thể nổi tiếng. Thế nhưng, dường như mức lương trả cho bạn lại không được như ý muốn, bạn chỉ được nhận lương còm cõi từng tháng một. Bao nhiêu tiền còn lại, chủ nhà hàng là người được thừa hưởng. Và rồi bạn quyết chí sẽ đi mở một nhà hàng mới, tự bạn làm chủ. Nghe kịch bản thì đơn giản, nhưng sự thật thì như nào? Câu trả lời là còn tùy. Nếu bạn không có khả năng kết nối người khác, không có khả năng điều hành và quản lý, bạn sẽ thấy tất cả mọi việc đều đến tay mình. Từ việc thi công, quản lý nhà hàng, điều phối nhân viên, giải quyết phàn nàn của khách hàng, chiến lược cạnh tranh cho nhà hàng, marketing cho sản phẩm, giải quyết mâu thuẫn nhân viên, giải quyết pháp lý khi xảy ra,... ti tỉ thứ việc. Bạn có thể nghĩ tôi sẽ thuê người khác, tôi vẫn là chủ và tôi sẽ phải xứng đáng có được mức lương cao. Đúng. Nếu bạn có khả năng kết nối người khác, bạn sẽ làm được. Đồng thời, nếu bạn có khả năng giải quyết ti tỉ thứ việc không tên cùng lúc với làm việc của chuyên gia, bạn sẽ làm được. Còn không thì điều đó là không thể.
BIẾT NGƯỜI BIẾT TA - TRĂM TRẬN BẤT BẠI
Khi bạn hiểu thông điệp này rồi, chắc chắn bạn sẽ có một cái nhìn khách quan về năng lực bản thân. Không quá ảo tưởng, cũng không bi quan tiêu cực. Ai cũng sẽ có những thế mạnh và điểm yếu riêng. Cho nên, hãy dành thời gian thấu hiểu điểm mạnh bản thân, cũng như xác định điểm yếu của chính mình. Điểm yếu của bạn, tốt nhất là sử dụng sở trường của người khác để hỗ trợ.
Bên cạnh đó, hãy biết hợp tác. Khi bạn bước vào một công ty tốt, sức mạnh của bạn được nhân lên gấp nhiều lần (chứ năng lực của bạn không hẳn như vậy). Khi có một cuộc sống hạnh phúc, hạnh phúc đó đến từ sự cộng hưởng của nhiều mối quan hệ bạn có (chứ không hẳn một mình bạn tạo ra được tất cả những điều đó). Nếu hiểu tinh thần hợp tác này, cho dù làm ở đâu, bất kỳ điều gì, bạn cũng đều thành công.
Hiểu mình hiểu người cũng có nghĩa là với những người kém cỏi, không thể hợp tác, hãy nói không với họ. Một người quản lý giỏi, khi đánh giá khách quan năng lực của nhân viên, nếu họ yếu kém thực sự, phải dám thẳng thắn kỷ luật, cho thôi việc. Trong công việc, kết quả nói lên tất cả. Vì một người yếu kém, mà không dám cương quyết sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của cả đội ngũ. Trong một mối quan hệ, nếu một người làm chúng ta đau khổ hoặc khó chịu quá lâu, hãy dừng lại. Một nút thắt thường có hai cách để tháo dỡ: hoặc là tỉ mẩn, cặm cụi ngồi tháo ra; hai là hãy cắt đứt. Nhưng về tâm lý, nhiều người đôi khi lại sợ sự thay đổi để rồi họ chấp nhận những sự bất hạnh đến cả đời.
Hiểu đúng về năng lực bản thân cũng có nghĩa là bạn vẫn có thể thành công ngay cả khi có những điểm yếu. Hãy biết cách dựa vai người khổng lồ, tận dụng sức mạnh của người khác. Mang đến tư duy cùng thắng, giá trị tạo ra nhiều hơn giá trị bạn nhận lại, bạn sẽ thành công. Chẳng hạn nếu bạn chỉ là một nhân viên trẻ chưa nhiều kinh nghiệm. Ngay cả như vậy thì khi được đặt vào một tổ chức tốt, giá trị bạn tạo ra vẫn gấp nhiều lần. Khi đi làm, đừng bao giờ tư duy "việc nhẹ, lương cao, không cần trình độ". Làm ở bất kỳ đâu, hãy làm hết sức mình. Nếu được trả lương 1 triệu, hãy làm việc như thể bạn được trả lương 10 triệu. Làm vượt mong đợi là bí quyết cốt lõi để thăng tiến nhanh trong sự nghiệp. Ngay cả khi bạn làm vượt mong đợi mà sếp không ghi nhận xứng đáng, cũng không sao cả. Lúc đó hãy đi tìm một người khác. Nhưng cách bạn làm một việc là cách bạn làm nhiều việc. Nếu bạn không một lần làm vượt mong đợi thì sao hy vọng những công việc khác bạn có thể làm vượt mong đợi.
Hiểu đúng tư duy này, một là bạn sẽ không còn ngộ nhận về sức mạnh năng lực của bản thân. Hai là bạn sẽ không tự ti vào khả năng của bản thân. Ba là bạn sẽ luôn trân trọng và không đánh giá sai năng lực của người khác. Mà như vậy, thì sao mà không thành công được.
*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng.
- Edward -
*Link bài viết: https://tamly.blog/chung-ta-thuong-ngo-nhan-ve-nang-luc-cua-ban-than-nhu-nao/
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook