Tâm Lí Học Tổng Hợp
C182: 182. Cách Giải Quyết Những Khó Khăn Thường Ngày




LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢI QUYẾT NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CUỘC SỐNG THƯỜNG NGÀY.
Trong cuộc sống, ai cũng từng gặp phải những rắc rối, khó khăn. Có những rắc rối chúng ta dễ dàng có thể giải quyết nhanh chóng mà không gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề khiến ta đau đầu khi không có một hướng giải quyết cụ thể hay những phương thức giải quyết hiệu quả trong quá khứ không còn phát huy tác dụng nữa, và chúng ta cần tìm một hướng giải quyết mới.

Sau đây là vài tips nhỏ để giải quyết khó khăn trong cuộc sống thường ngày.

Bước 1: Tự hỏi: " Có thực sự tồn tại một khó khăn ở đó không?"
Đầu tiên, điều quan trọng nhất là việc NHẬN RA rằng bản thân đang gặp vấn đề. Và bởi vì những rắc rối đó khiến mọi người cảm thấy lo lắng, nhiều người có xu hướng tránh né, phớt lờ hoặc thậm chí trì hoãn việc giải quyết nó.
Thật không may, càng trốn tránh thì càng khiến mớ bòng bong đó quay trở lại. Qua thời gian, một chuyện nhỏ cũng sẽ trở nên nghiêm trọng. Vậy, làm thế nào để sớm nhận diện được vấn đề?

1. Lập danh sách
Tạo thói quen ghi lại những chuyện khiến bạn thấy khó khăn khi giải quyết. Viết chúng ra giấy sẽ giúp giải quyết vấn đề tốt hơn và biết được khi nào chúng trở lại.

Gợi ý: Hãy viết chúng ra. Khi một vấn đề khiến bạn trở nên rối loạn, tự tay viết bằng giấy trắng mực đen sẽ tốt hơn là gõ chúng trên điện thoại hay laptop. Bạn sẽ cảm thấy dễ dàng đương đầu với chúng hơn nếu chúng hiển hiện ngay trước mắt bạn.

2. Hãy chấp thuận cảm xúc của bản thân
Chúng ta thường sai lầm khi coi những cảm xúc tiêu cực là nguồn gốc của rắc rối. Ví dụ, nếu bạn nghĩ "Tôi luôn cảm thấy vô cùng căng thẳng khi làm việc" thì chính xác hơn nó phải là " Công việc của tôi có vài chướng ngại, như là rắc rối với đồng nghiệp hay lượng công việc quá nhiều", những điều khiến tôi cảm thấy áp lực. Cố gắng tìm ra vấn đề đang khiến bạn cảm thấy lo lắng.

3. Tìm ra những thách thức.
Chướng ngại vật lớn nhất mà mọi người thường gặp phải khi đối diện với một cục diện khó khăn, đó là cách nhìn tiêu cực về vấn đề đó. Nếu nghĩ vấn đề đó thật là đáng sợ, hay chỉ vì những chuyện đó mà bạn cho rằng bản thân là một kẻ yếu kém, thì bạn đã tự coi mình là một kẻ thất bại và từ đó, chắc chắn bạn sẽ không giải quyết được nó. Bởi vậy, cho dù là một người có khả năng giải quyết tốt mọi chuyện, nhưng bạn còn chẳng thèm thử xử lý nó bởi bạn nghĩ bạn sẽ không giải quyết được chúng và bạn không nhìn thấy được bất kì lợi ích nào từ việc này. Nhưng nếu bạn nhận ra bản thân sẽ được lợi khi hóa giải vấn đề, bạn lại cảm thấy có động lực để giải quyết chúng hơn. Ví dụ, nếu vấn đề là không hòa nhập được với đồng nghiệp ở công ty, hãy coi đó là cơ hội để nâng cao kĩ năng giao tiếp.
Lưu ý: Sẽ luôn có những lợi ích nhất định khi tìm ra cách giải quyết các khó khăn trong cuộc sống. Hãy nhớ rằng, dù là một chuyện rất khó, nếu bạn bớt căng thẳng, vấn đề sẽ bớt nghiêm trọng hơn.

BƯỚC 2: VẤN ĐỀ ĐÓ LÀ GÌ?


Trước khi giải quyết một khó khăn, đầu tiên bạn cần phải hiểu được nó. Dưới đây là một số mẹo giúp bạn có thể tìm hiểu vấn đề đó.

- Chỉ tập trung vào "bản thân vấn đề" đó thôi. Hãy tự hỏi mình những câu hỏi sau:

+ Hoàn cảnh vấn đề xuất hiện ( Sếp yêu cầu làm quá nhiều việc,vv)

+ Tôi muốn nó sẽ được thay đổi như nào? ( Sếp đưa ít việc cho tôi hơn,vv)

+ Đâu là chướng ngại khiến tôi vẫn chưa thực hiện được điều đó? ( Tôi không biết phải nói như nào với sếp về vấn đề đó,vv)

Bạn có thể viết chúng thành những câu ngắn trên giấy. Ví dụ, tôi rất mệt mỏi vì sếp bắt tôi làm quá nhiều việc; Tôi muốn giảm tải lượng công việc của bản thân, nhưng tôi không biết phải nói thế nào.

- Chỉ nêu sự thật! Tránh đưa cảm xúc, quan điểm cá nhân vào việc tìm hiểu vấn đề. Nếu nghĩ vấn đề là " Bởi vì ông sếp là một kẻ ích kỉ" thì sẽ không thể giải quyết được.

- Hãy cụ thể
Nếu bạn cảm thấy mơ hồ, không rõ khó khăn của mình cụ thể nằm ở đâu, sẽ rất khó để tìm ra giải pháp. Lấy một ví dụ, nếu bạn nghĩ rằng " tôi gặp nhiều rắc rối trong công việc", chung chung và không cụ thể, rằng gặp rắc rối như nào, thì bạn sẽ có thể bắt đầu giải quyết chúng như thế nào đây?

BƯỚC 3: THIẾT LẬP MỤC TIÊU CẦN ĐẠT ĐƯỢC KHI GIẢI QUYẾT KHÓ KHĂN
Một vài mẹo sau đây sẽ giúp bạn xây dựng mục tiêu cho mình:

- Hãy thực tế
Đảm bảo chắc chắn rằng mục tiêu đó có thể thực hiện được, nếu phi thực tế quá thì dễ khiến bạn cảm thấy rất tệ khi không thực hiện được.

- Hãy cụ thể: Nếu mục tiêu còn mơ hồ chung chung thì sẽ rất khó để biết khi nào có thể đạt được nó. Ví dụ, nếu bạn nghĩ " mục tiêu của tôi là đi làm phải thật vui". Vui ở đây là như nào? Lúc nào cũng vui, hay khi nào thì được gọi là vui?


- Bắt đầu với những mục tiêu "ngắn hạn". Nếu mục tiêu của bạn nhanh chóng đạt được hiệu quả, thì bạn sẽ có thêm hứng thú và động lực để tiếp tục. Bạn cũng có thể đặt ra mục tiêu dài hạn cho chính mình, nhưng hãy đảm bảo phải có những mục tiêu ngắn hạn song hành nữa.

BƯỚC 4: NGHĨ RA GIẢI PHÁP

Vấn đề lớn nhất ở đây là mọi người thường hay nghĩ tới những cách giải quyết đã được dùng trong quá khứ. Nhưng nếu những cách này có hiệu quả, thì vấn đề đã không phải là vấn đề nữa.Chúng ta có thể vận dụng thử quy tắc của "brainstorming" như sau:

- Nghĩ ra thật nhiều hướng giải quyết. Cố gắng nghĩ ra ít nhất 10 cách để giải quyết vấn đề của bạn, càng nhiều cách thì bạn càng dễ dàng chọn lựa hơn.

- Không đánh giá chúng: hãy nhớ rằng bạn vẫn chưa phải chọn cách giải quyết nào cả, bạn chỉ đang nghĩ ra nhiều hướng đi nhất có thể thôi, vì vậy, đừng đánh giá những cách thức này vội. Dù ý tưởng đó có ngu ngốc như nào thì cũng hãy viết chúng ra. Chúng ta sẽ không bao giờ tìm ra được hướng giải quyết mới nếu thậm chí không dám nghĩ về những điều ngu ngốc nhất.

- Nghĩ ra những hướng giải quyết đa dạng.
Hãy đảm bảo rằng những ý tưởng của bạn không bị trùng lặp.Ví dụ, nếu gặp khó khăn trong công việc, một số giải pháp bạn có thể nghĩ ra là " mời sếp ăn trưa, mời sếp đi cà phê, hay mời sếp ăn tối,vv ",nhưng thực ra đó vẫn chỉ là cùng một hướng giải pháp " mời sếp một cái gì đó". Hãy đảm bảo rằng những hướng giải quyết phải đa dạng và hoàn toàn khác nhau.
- Hãy cụ thể
Cách giải quyết của bạn cần có hành động cụ thể chứ không phải một chiến lược chung chung. Ví dụ, "đưa cho sếp xem danh sách những việc mình đang phải làm" sẽ cụ thể hơn là "phải quyết đoán hơn với sếp". Nếu lựa chọn phương án thứ 2, bạn có thể sẽ mắc một vấn đề: rốt cuộc "quyết đoán" ở đây là như nào?

- Nhờ tư vấn
Nếu cảm thấy khó khăn để nghĩ ra hướng giải quyết, hãy hỏi bạn bè, gia đình, hoặc đồng nghiệp để xin lời khuyên. Người khác sẽ có những ý tưởng mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới.

BƯỚC 5: LỰA CHỌN CÁCH GIẢI QUYẾT.

Nếu bạn có vấn đề về rối loạn lo âu, lựa chọn cách giải quyết vấn đề của bạn có thể gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng, nếu không giải quyết nó, bạn sẽ càng lo lắng hơn, vì vậy, hãy cố gắng tìm cách giải quyết chúng cho dù bạn có rối rắm thế nào đi chăng nữa. Những hướng dẫn sau đây có thể giúp bạn tìm được cách giải quyết tốt nhất.


- Cách này sẽ gỡ rối được vấn đề và giúp tôi đạt được mục tiêu chứ?

Hướng dẫn đầu tiên này có vẻ quá "hiển nhiên", nhưng điều quan trọng nhất mà cách giải quyết bạn làm theo là nó phải có khả năng giúp bạn đạt được điều bạn mong muốn. Ví dụ, " làm việc chăm chỉ hơn" không phải là một hướng đi có thể khiến lượng công việc mỗi ngày của bạn giảm tải.


Hãy nhớ: Mục tiêu là tìm ra cách tốt nhất chứ không phải là cách hoàn hảo nhất. Nếu thực sự có cách giải quyết hoàn hảo thì bạn đã tìm ra nó từ lâu rồi!

- Cách giải quyết này cần nhiều thời gian và nỗ lực cỡ nào?

Có thể thấy rằng mọi cách giải quyết đều cần thời gian và công sức, nhưng phải xem xét thật kỹ rằng bạn có thể bỏ ra những gì mà nó yêu cầu hay không- cũng như cách xử lý đó có mang lại hiệu quả bạn mong muốn hay không. Bỏ việc có thể là một ý hay để giải quyết mấy vấn đề tào lao ở nơi làm việc, cho đến khi bạn nhận ra bạn phải tìm một công việc mới.

- Tôi sẽ cảm thấy như thế nào nếu lựa chọn cách giải quyết này?

Nếu bạn cho rằng hướng xử lý vấn đề này sẽ làm bạn cảm thấy tồi tệ, tội lỗi, hay quá mức lo lắng, có thể đó không phải là cách tốt nhất. Ví dụ, "nói dối sếp về lượng công việc mà tôi phải làm" có thể khiến bạn cảm thấy bứt rứt.

- Chi phí và lợi ích mà cách giải quyết này mang đến cho tôi và những người xung quanh như thế nào trong hiện tại và dài hạn?
Cách giải quyết tốt nhất sẽ cho ta nhiều lợi ích nhất, và sự trả giá thấp nhất có thể. Nhưng nếu suy nghĩ về việc này, bạn cần nhìn xa hơn rằng, cách xử lý này sẽ ảnh hưởng thế nào tới:

• Bạn của hiện tại và trong tương lai?
• Những người thân của bạn bây giờ và mai sau?

Ví dụ, nếu bạn chọn cách "Đổ lỗi cho đồng nghiệp về lượng công việc chưa được hoàn thành", có thể nó sẽ giải quyết được vấn đề hiện tại của bạn, nhưng chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp, và trong tương lai, sếp của bạn có thể sẽ phát hiện ra. Cái giá phải trả quá lớn so với lợi ích đạt được.

Không có một hướng giải quyết nào hoàn hảo,và nó có thể không đáp ứng được tất cả các yêu cầu của bạn. Sẽ chẳng thể tháo gỡ được một khó khăn khi không tốn thời gian hay nỗ lực mà bạn lại cảm thấy vui vẻ khi thực hiện, trong khi không mất một chi phí nào mà lại chỉ nhận lại lợi ích. Bạn đang tìm kiếm một cách giải quyết đáp ứng được và phù hợp nhất với tiêu chí chứ không phải là hoàn hảo nhất.

BƯỚC 6: GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Đây là bước khó khăn nhất bởi vì bạn sẽ phải thực sự bắt tay vào việc giải quyết nó. Hầu hết mọi người đều lo ngại rằng họ có thể đã chọn một hướng giải quyết sai lầm, hoặc có lẽ có một hướng giải quyết khác tốt hơn. Suy nghĩ này sẽ không giúp ích gì cả. Hành động bao giờ cũng sẽ tốt hơn là không làm gì.


Để giúp bạn giải quyết vấn đề, bạn có thể lập một kế hoạch hành động. Nếu bạn nhìn rõ từng bước trong kế hoạch, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm và dễ dàng thực hiện nó hơn.
Kế hoạch nên bao gồm tất cả các bước mà bạn cần để có thể giải quyết, càng cụ thể và chi tiết thì càng tốt. Ví dụ, nếu giải pháp là " tìm một công việc mới", một vài bước cần làm có thể là:

- Liệt kê một loạt các công việc mà tôi muốn có
- Đọc báo hằng ngày, kiểm tra thông tin tuyển dụng.
- Liên hệ với nhà tuyển dụng
- Sắp xếp thời gian biểu để đi phỏng vấn

BƯỚC 7: KIỂM TRA VẤN ĐỀ CỦA BẠN

Bởi vì bạn đã tiến hành giải quyết nó, bạn cần phải đảm bảo chắc chắn rằng nó có hiệu quả. Thi thoảng những kế hoạch tốt nhất lại không phát huy tác dụng một cách tuyệt đối, bởi vậy cần có những lưu ý để biết xem bạn đã đi đúng hướng hay chưa. Ví dụ, với vấn đề công việc, bạn có thể sử dụng lượng công việc của mình làm thước đo để theo dõi quá trình thực hiện kế hoạch. Nếu bạn nhận thấy khối lượng công việc của bạn đang giảm, thì giải pháp của bạn có thể đang phát huy tác dụng.

Tôi phải làm gì nếu giải pháp không phát huy hiệu quả?

Bởi cuộc sống chẳng bao giờ đoán trước được điều gì, đôi khi cách tốt nhất cũng chẳng thể có hiệu quả- thật đen đủi, nhưng đó là chuyện bình thường.Cách tốt nhất là hãy làm lại các bước trên và tự hỏi bản thân những câu hỏi sau:

- Tôi đã hoàn toàn hiểu được vấn đề chưa?
- Mục tiêu của tôi có thực tế không?
- Có những cách giải quyết nào khác hơn không?
- Tôi đã thực hiện đúng kế hoạch như đã dự định chưa?

Nếu làm lại những bước này, bạn sẽ nhận ra mình sai sót ở bước nào, và từ đó sửa chữa rồi bắt đầu lại!

TIP: giải quyết khó khăn trong cuộc sống này là một công việc khó khăn, vì vậy, hãy tự thưởng cho mình sau khi đã hoàn thành tốt một việc nào đó.

Nguồn:
Người dịch: Tô Thị Minh Hiền
Editor: Jelly

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương