Tâm Lí Học Tổng Hợp
C164: 164. 5 Yếu Tố Của Trí Thông Minh Cảm Xúc (eq)




Bạn có biết về những người dường như luôn giữ bình tĩnh, những người có thể xử lý ngay cả những tình huống khó xử nhất bằng sự thông minh tinh tế của họ, và những người dường như luôn khiến người khác cảm thấy thoải mái khi ở cạnh? Khả năng cao là những cá nhân đó sở hữu thứ mà các nhà tâm lý học gọi là Trí thông minh cảm xúc (EQ).

Thông minh cảm xúc liên quan đến khả năng hiểu và quản lý cảm xúc. Các chuyên gia cho rằng loại trí thông minh này đóng vai trò quan trọng trong sự thành công và một số người cho rằng EQ thậm chí có thể quan trọng hơn IQ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng EQ có liên quan đến mọi thứ, từ việc ra quyết định đến thành tích học tập.
1

Vì vậy, cần điều gì để trở nên thông minh về mặt cảm xúc? Nhà tâm lý học đồng thời là tác giả nổi tiếng Daniel Goleman đã gợi ý rằng có năm thành phần quan trọng của Trí thông minh cảm xúc EQ. Hãy xem 5 yếu tố này là gì:

1. Tự nhận thức


Tự nhận thức, hay khả năng nhận biết và hiểu cảm xúc của chính bạn, là một phần quan trọng của trí thông minh cảm xúc. Tuy nhiên, ngoài việc nhận ra cảm xúc của bạn, bạn còn nhận thức được sự ảnh hưởng từ hành động của bạn, cũng như tâm trạng và cảm xúc của người khác.

Để trở nên một cá nhân có khả năng tự nhận thức, bạn phải có khả năng theo dõi cảm xúc của chính mình, nhận ra các phản ứng cảm xúc khác nhau và sau đó xác định chính xác từng cảm xúc cụ thể. Các cá nhân tự nhận thức cũng nhận ra mối quan hệ giữa những điều họ cảm nhận và cách họ hành xử. Những cá nhân này cũng có khả năng nhận ra những điểm mạnh và hạn chế của họ, cởi mở với những thông tin và kinh nghiệm mới, đồng thời học hỏi từ những tương tác của họ với những người khác.

Goleman cho rằng những người sở hữu khả năng tự nhận thức này có khiếu hài hước tốt, tự tin vào bản thân và năng lực của họ, và nhận thức được cách người khác nhìn nhận về họ.

2. Tự điều chỉnh

Ngoài việc nhận thức được cảm xúc của chính bạn và tác động của bạn đối với người khác, trí thông minh cảm xúc đòi hỏi bạn phải có khả năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc của mình. Điều này không có nghĩa là bưng bít và che giấu cảm xúc thật của bạn - nó đơn giản có nghĩa là chờ đợi đúng thời điểm, địa điểm và phương pháp để thể hiện cảm xúc của bạn. Tự điều chỉnh chính là sự thể hiện cảm xúc của bạn một cách thích hợp.

Những người có kỹ năng tự điều chỉnh có xu hướng linh hoạt và thích nghi tốt với sự thay đổi. Họ cũng giỏi trong việc quản lý xung đột và làm giảm nhẹ các tình huống căng thẳng hoặc khó khăn.

Goleman cũng gợi ý rằng những người có kỹ năng tự điều chỉnh mạnh mẽ có ý thức cao. Họ chu đáo đến cách họ ảnh hưởng lên người khác và chịu trách nhiệm cho hành động của chính họ.

3. Các kỹ năng xã hội

Có khả năng tương tác tốt với người khác là một khía cạnh quan trọng khác của trí tuệ cảm xúc. Sự hiểu cảm xúc đích thực liên quan đến nhiều thứ khác hơn là đơn thuần hiểu cảm xúc của chính bạn và cảm xúc của người khác - bạn cũng cần có khả năng dùng những thông tin này trong các tương tác và giao tiếp hàng ngày của bạn.

Trong môi trường chuyên nghiệp, các nhà quản lý có thể được hưởng lợi bằng cách xây dựng mối quan hệ và kết nối với nhân viên, trong khi người lao động có thể hưởng lợi từ việc có thể phát triển mối quan hệ mạnh mẽ với các nhà lãnh đạo và đồng nghiệp. Một số kỹ năng xã hội quan trọng bao gồm lắng nghe tích cực, kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, kỹ năng lãnh đạo và thuyết phục.


4. Đồng cảm

Đồng cảm, hoặc khả năng hiểu cảm giác của người khác, là thành phần quan trọng của trí thông minh cảm xúc. Nhưng điều này không chỉ liên quan đến khả năng nhận ra trạng thái cảm xúc của người khác.

Nó cũng liên quan đến phản ứng của bạn với mọi người dựa trên cái bạn nhận thấy. Ví dụ như khi bạn cảm thấy rằng ai đó đang cảm thấy buồn hoặc vô vọng, nó có thể sẽ ảnh hưởng đến cách bạn phản ứng với cá nhân đó. Bạn trở nên quan tâm, chăm sóc họ hơn hoặc bạn nỗ lực để khiến tinh thần của họ tốt hơn..

Khả năng đồng cảm cũng cho phép hiểu được các động lực chi phối có ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội, đặc biệt là trong các thiết đặt ở nơi làm việc. Những người có khả năng này có thể thấy được ai là người có quyền trong các mối quan hệ khác nhau, hiểu được điều này ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi như thế nào, và giải thích chính xác các tình huống khác nhau xoay quanh các động lực chi phối đó.

5. Động lực

Động lực bên trong cũng đóng một vai trò quan trọng trong trí thông minh cảm xúc. Những người thông minh về mặt cảm xúc được thúc đẩy bởi những thứ vượt ra ngoài những phần thưởng bên ngoài như danh tiếng, tiền bạc, sự công nhận và tôn vinh.

Thay vào đó, họ có một niềm đam mê để hoàn thành các mong muốn và mục tiêu bên trong của riêng họ. Họ tìm kiếm những thứ dẫn đến phần thưởng bên trong, trải nghiệm dòng chảy từ việc hoàn toàn chìm đắm trong một hoạt động và theo đuổi những trải nghiệm đỉnh cao.


Những người có năng lực này thường hành động một cách có định hướng. Họ đặt mục tiêu, khát khao thành tích và luôn tìm cách để làm tốt hơn. Họ cũng có xu hướng rất tận tâm và chủ động khi đứng trước một nhiệm vụ nào đó.

Dịch + Ảnh: Mathilda

Nguồn: https://.verywellmind.com/components-of-emotional-intelligence-2795438

Bài trước về chủ đề này ở đây:

9 Dấu hiệu cổ điển chỉ ra Thông minh cảm xúc của bạn ở mức độ thấp

https://.facebook.com/WhyPsy/photos/a.1160885324020584/1842980992477677/?type=3&theater

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương