Tâm Lí Học Tổng Hợp
-
C159: 159. Áp Lực Từ Thành Công Của Người Khác
Để bước lên ngôi vị thần tượng của giới trẻ, một chàng ca sĩ mất gần ba năm xây từng bậc thang, đi từ vị trí người mẫu của các tạp chí tuổi teen sang lĩnh vực ca hát. Rồi anh lại mất thêm chừng ấy thời gian khẳng định thực lực giọng ca, bỏ túi loạt bài hit, tiến từ sân chơi nhạc mạng lên các sân khấu ca nhạc chính thống, xuất hiện trên truyền hình, bật lên giữa những ca sĩ cùng thế hệ để trở thành ngôi sao thực thụ.
Thế nhưng, ngay vào thời điểm anh được xem như một nam thần tượng trẻ tuổi sáng giá bậc nhất, đột ngột một tia chớp vụt lóe trên bầu trời ca nhạc: Một chàng ca/ nhạc sĩ trẻ tuổi như cơn bão ngông cuồng quét qua, hút sạch mọi sự quan tâm của công chúng, tạo nên những luồng tranh cãi dữ dội, khuấy động các cung bậc cảm xúc trái ngược mãnh liệt trong lòng khán giả trẻ. Tất cả những gì nam ca sĩ thần tượng cùng ê-kíp kỳ công gây dựng nhiều năm, "tia chớp" kia đạt được chỉ trong thời gian rất ngắn, gần như được hỗ trợ bởi một sức mạnh thần kỳ. Dù vẫn đắt show, dù vẫn là gương mặt các nhãn hàng săn đón, dù vẫn được ủng hộ bởi lượng fan trung thành, nhưng bước tiến vũ bão của nhân tố mới kia đã tác động mạnh đến tinh thần chàng ca sĩ. Có một thời gian, không hẳn trầm cảm, nhưng việc so sánh bản thân với một kẻ khác khiến anh rơi vào trạng thái nặng nề. Các hoạt động nghệ thuật của anh trầm lắng hẳn... Bạn có bắt gặp chính mình trong câu chuyện của nam ca sĩ ấy? Bất kỳ ai trong chúng ta, dù không hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến danh tiếng, không bị đặt lên đường đua cho hàng triệu con mắt dõi vào, cũng đều ít nhất một lần rơi vào trạng thái bất ổn trên. Ta trở nên căng thẳng lo âu, nhiệt huyết sống trong ta vơi dần, thậm chí có lúc ta tuyệt vọng tưởng chết, chỉ vì ta đã đặt mình lên bàn cân với một người khác.
Kẻ mà không-ai-biết-là-ai
Có một thứ áp lực khá kỳ khôi trong cuộc sống hiện đại: Áp lực từ thành công của người khác (!) Trong mọi môi trường, từ học đường đến công sở, từ trong nhà ra ngoài đường, từ đời thực đến mạng ảo, luôn hiện diện một hay vài hình ảnh nào đó buộc ta nhìn vào và so sánh. Ta thường tự nhủ mình xấu xí làm sao khi ngắm nhìn hình ảnh người mẫu trên pa-nô quảng cáo. Ta thấy mình chẳng có gì trong tay khi đọc về thành công của một ai kia. Ta giận mình kém cỏi khi đứa bạn cùng lớp báo tin vừa giành được học bổng du học. Thậm chí một người đeo mặt nạ nhận thưởng vé số tiền tỉ cũng làm ta chạnh lòng...
C hẳng cần đợi đến khi nhân vật "con nhà người ta" trở thành hot trend trên mạng xã hội, ta với "hắn" vẫn vô cùng thân quen. Đó là một nhân vật bí ẩn, hoàn hảo, xuất hiện mọi lúc mọi nơi và ta thường xuyên phải nghe bậc phụ huynh nhắc đến "hắn" trong một phép so sánh khó chịu: "Con nhà người ta chăm ngoan, học giỏi. Con nhà mình lười nhác hết chỗ nói!"; "Con nhà người ta nghèo khó mà có chí tiến thủ. Con nhà mình được lo cho đầy đủ mà chẳng làm nên cơm cháo gì!"... Suốt thời đi học, dù chẳng biết "con nhà người ta" chính xác là "đứa nào", ta vẫn cứ phải trải qua vô số phút giây buồn tủi bởi sự so sánh dai dẳng ấy. Tình hình không thay đổi là bao khi ta trưởng thành. Giờ đây, ta không chỉ đối mặt với "con nhà người ta" giả tưởng từ lời bố mẹ, mà "hắn" nấp sau thành công của các nhân vật cụ thể như anh chị em họ, bạn bè, hàng xóm láng giềng, cả những người nhờ truyền thông nhắc đến mà ta mới biết. "Hắn" chỉ là bóng hình hư ảo mọc ra từ chính tâm trí không ngừng so sánh của ta, nhưng những cảm xúc tiêu cực mà "hắn" đem lại cho ta thì rất thật. Với sự lên ngôi của mạng xã hội, cánh tay vô hình của "hắn" càng vươn dài, khuấy đảo tinh thần người trẻ. Đã bao lần ta nhận ra mình mất tự tin khi lướt trên Newsfeed? Cảm giác buồn bã và thầm ghen trỗi dậy trong ta như thế nào khi xem các bộ ảnh lộng lẫy trên Instagram? Trái ngược với cuộc sống có phần tầm thường của ta, dường như người đời đang sống cuộc sống trong mơ. Họ vừa đi du lịch nước ngoài, chụp hình giữa những khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp. Họ vừa được thăng chức, tươi cười cụng ly bên cạnh lãnh đạo cấp cao. Họ đang chia sẻ nụ hôn với người yêu trong quán café lung linh lãng mạn...
Lạ lùng hơn và cũng tồi tệ hơn là khi đạt được một vài thành tựu, làm người thân tự hào hay bạn bè ngưỡng mộ, ta vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Trong tâm thức, "hắn" vẫn hiện diện, thì thầm vào tai ta rằng thứ ta có chẳng là gì cả. Luôn có ai đó thành công hơn, và có vẻ hạnh phúc hơn ta. T., 25 tuổi, từng là một MC có tiếng, lấy chồng và định cư ở Canada. Kinh tế đảm bảo, cuộc sống bên chồng con bình yên, nhưng T. luôn cảm thấy không hài lòng. Mỗi lần về Việt Nam, cô lại tụ tập bạn bè, than thở cuộc sống nhàm chán. Để chứng minh cho nỗi "bất hạnh" của mình, cô mở album ảnh các nữ đồng nghiệp hiện định cư ở Mỹ, những người thường xuyên post hình ảnh vui chơi du lịch và tận hưởng cuộc sống xa hoa.
Tảng đá vô hình
Nếu bạn buồn chán với mặc cảm thua sút, mỗi ngày cảm giác ấy càng nặng nề hơn, đừng vội buông tay. Bạn không phải là người duy nhất. Gần như chúng ta không thể tránh khỏi tình trạng này, giữa biển thông tin dội đến mỗi ngày. Tình trạng ấy càng rõ rệt hơn khi ta tham gia vào mạng xã hội, có mối liên hệ với đủ loại thành phần. Nếu có khác, thì đó là mỗi người bị tác động theo các mức độ khác nhau. Nếu phải gọi tên, có lẽ người Việt đã duy trì nếp "văn hóa so sánh" từ thời xa xưa. Với niềm tin đang theo đuổi "phương pháp giáo dục" rất hay, người đi trước luôn đặt ra cho người trẻ một vài tấm gương để soi vào. Thói quen này tạo nên tảng đá vô hình truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, ngày càng nặng nề hơn, mà không hề được nhận diện. Ngay từ tuổi mẫu giáo, những đứa trẻ đã chịu áp lực từ các so sánh của bố mẹ với con nhà hàng xóm ngoan hơn, với bạn học thứ hạng cao hơn.
Ta cố gắng đến đâu cũng không được thừa nhận. Ta thua sút mọi người xung quanh. Và như thế, tâm thức thất bại đã được gieo mầm. Đến thời đại mạng xã hội, cơ hội tạo dựng tên tuổi rộng mở cho mọi cá nhân. Để khẳng định "cái tôi", đồng thời như một phản ứng tự nhiên xóa bỏ những mặc cảm sâu kín, người ta rất ý thức trong việc thể hiện bản thân, thậm chí đưa ra những miêu tả/ hình ảnh vượt quá sự thật bản thân. Tất cả những gì ta thấy trên mạng xã hội, có thứ ngỡ vớ vẩn hay ngẫu nhiên, kỳ thực đều là kết quả của một quá trình tính toán chọn lựa. Mọi người đều muốn phô ra những gì tốt nhất, hấp dẫn nhất của bản thân, giấu đi phần còn lại. Ngay cả quá trình gian khổ để có được kết quả tốt đẹp ấy cũng bị chủ nhân lờ đi.
Vấn đề là, khi tiếp nhận thông tin, đặc biệt các thông tin bằng hình ảnh, não bộ con người vốn dĩ không được lập trình kèm với các phân tích mặt khuất dữ kiện. Nó đơn thuần chỉ ghi nhận dữ liệu, tin vào tất cả những gì mắt thấy. Kế tiếp, nó sẽ tiến hành các bước so sánh, đối chiếu, phán xét... Các chất hóa học tiêu cực tiết ra trong quá trình này ảnh hưởng trực tiếp đến cảm nhận, thái độ và hành vi của chính chủ nhân. Và còn có một sự thật khó chấp nhận với nhiều người, nhưng mạng xã hội lại là nơi phơi bày rõ nhất: Con người sinh ra vốn dĩ không hề bình đẳng. Hiện diện một số ít các cá nhân may mắn hơn nhiều người khác, trời phú cho ngoại hình xinh đẹp, sở hữu trí thông minh vượt trội, công việc của họ thu hút và chi phối đám đông, được hậu thuẫn bởi gia đình giàu có... Rất tự nhiên, họ có hàng trăm ngàn lượt like, lượt theo dõi, luôn là trung tâm chú ý của hàng ngàn hàng vạn người. Trong khi đó, hầu hết cá nhân khác chỉ là những kẻ vô danh, một đơn vị bé nhỏ trong con số hàng ngàn hàng triệu. Thật khó để không tội nghiệp bản thân, trước thành công của người khác ta lại thấy ấm ức và bất công, dù ít hay nhiều.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook