Tâm Lí Học Tổng Hợp
-
C13: 13. Khi Nỗ Lực Chưa Tạo Nên Thành Quả
Nỗ lực vốn dĩ không đáng sợ, cái đáng sợ của nỗ lực là không biết phải nỗ lực đến bao giờ. Trong cuộc sống, con người ta ai cũng luôn luôn đã từng có những lúc rất nỗ lực, nhưng rồi lại có những khi chìm vào cảm giác không biết nỗ lực vì điều gì, không biết phải nỗ lực vì ai và nỗ lực cho đến khi nào mới tạo nên thành quả. Đó là hiện tượng tâm lý hết sức phổ biến và bình thường. Đôi khi, chính bởi vì chưa nhìn thấy thành quả trong quá trình mình đang nỗ lực, cho nên có rất nhiều người đã bỏ cuộc, trước khi thành quả xuất hiện.
CHUYỆN CỦA U19 VIỆT NAM
Những ngày đầu năm 2018, người hâm mộ Việt Nam có một niềm tự hào vượt bậc, một niềm vui rạo rực, một biểu tượng của tinh thần quả cảm và đồng đội, đó chính là U23 Việt Nam. Có lẽ báo chí và các cây bút phân tích về thành công của U23 Việt Nam đã quá nhiều rồi. Khi nhắc đến thế hệ U23 Việt Nam, điều mà Edward nhớ đến chính là U19 Việt Nam, những chàng trai ấy ở thời điểm 2014.
Đội U19 là tiền thân cho U23 - một đội hình với phong cách đá bóng mới, lối chơi bóng mới, tinh thần mới. Nhưng U19 cũng là đội mà phải chấp nhận rất rất nhiều thất bại. Năm 2014, sau khi U19 liên tiếp thất bại, cơn mưa gạch đá đã trút xuống đầu họ, hàng tá triết lý, rao giảng được đưa ra. Edward vẫn còn nhớ như in một bài báo khi ấy, trong đó có đoạn.
"Trận thua 0-6 của U19 Việt Nam chiều qua khiến nhiều người nhớ lại trận thua 0-7 của thầy trò HLV Guillaume trước U19 Nhật Bản ở giải giao hữu quốc tế hồi đầu năm nay tại TP.HCM. Và trận thua chiều qua cũng là một minh chứng rõ nhất để tất cả cùng nhìn nhận lại U19 Việt Nam không phải là một điều gì đó đặc biệt để có thể mơ mộng hoang đường. Kết quả thua 0-1 trước U19 Nhật Bản ở trận chung kết giải U19 Đông Nam Á 2014 trên sân Mỹ Đình cách đây 1 tháng đơn thuần chỉ màn ý nghĩa khích lệ, động viên mà những "người bạn" dành cho nhau mà thôi.
Muốn thi đấu ngang ngửa được với những đối thủ hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, bóng đá Việt Nam không còn cách nào khác phải đưa được bóng đá vào trong trường học, nâng được "cái nền" thể lực, sự hứng thú của trẻ em với môn thể thao vua. Tiếp đến, cần có thêm nhiều Học viện như HAGL-Arsenal JMG, thì may ra 20-30 năm nữa mới bắt kịp trình độ bóng đá châu lục."
Văn hóa Việt là thứ văn hóa nặng về đả kích. Khi chúng ta làm sai, chúng ta rất dễ bị phán xét. Khi chúng ta thất bại, chúng ta cũng rất dễ bị công kích. Lẽ dĩ nhiên, ở thời điểm U19 thất bại, đó là lúc mà những nỗ lực của họ chưa đạt được thành quả. Vậy khi nỗ lực chưa đạt được thành quả, chúng ta sẽ phản ứng như thế nào? Gục ngã trước chỉ trích của dư luận hay âm thầm nỗ lực để tiếp tục? Đó hoàn toàn là lựa chọn của cá nhân mỗi người.
Nếu muốn tương lai khác đi, thì chúng ta phải thay đổi cách hành xử trong hiện tại.
Quay trở lại câu chuyện của U19, nếu muốn tương lai bóng đá khác đi, thì buộc phải thay đổi cách đá trong hiện tại. Mà thay đổi cách đá khi ấy là gì, đó chính là việc đi cọ xát với càng nhiều đối thủ mạnh càng tốt. Mà khi ấy, những U19 Nhật Bản, U19 Hàn Quốc, U19 Trung Quốc, U19 Tottehham Hotspur, U19 Australia,... đều là những đối thủ trên tầm. Chính thất bại khi ấy là chất nền cho thành công trong tương lai. Cho nên, nếu thất bại, thay vì đổ lỗi, công kích, phán xét thì lẽ ra, người đời phải vui, phải mừng rỡ, phải tăng cường động viên thì mới mong tương lai có thành quả.
Edward vẫn còn nhớ một trận U20 Việt Nam đá với U20 Indonesia, trong một trận cầu nảy lửa, một tình huống mà trọng tài thổi penalty tại vòng cấm địa của Việt Nam. Lúc đó, các cầu thủ U20 đã bình tĩnh đi ra gặp trọng tài, nhờ trình độ ngoại ngữ để giải thích, cuối cùng trọng tài đã rút lại quyết định thổi penalty. Đó chính là một lứa cầu thủ khác biệt hơn bởi việc không chỉ học bóng đá, họ còn được học cả văn hóa, học ngoại ngữ và học cả cách làm người.
Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta rất dễ bỏ cuộc. Chúng ta rất dễ nản. Chúng ta rất dễ vấp ngã trước những dèm pha của người đời. Chúng ta rất dễ từ bỏ khi nỗ lực mà chưa nhìn thấy thành quả. Nhưng sự thật thì người đời luôn luôn như vậy. Chúng ta sẽ không thể nào tránh khỏi sự phán xét. Thực ra, người đời không vô lý, họ chỉ nhìn thấy thành quả, và họ đánh giá chúng ta bởi thành quả, chứ không bởi vì nỗ lực.
Bạn đi học, bạn được điểm 10, mọi người sẽ đánh giá bạn học giỏi cho dù bạn học chăm hay bạn lười học. Bạn thành công, mọi người buộc phải tôn trọng bạn, cho dù bạn nỗ lực ít hay nỗ lực nhiều. Phần lớn, khi bạn thành công, người đời mới chú ý đến những nỗ lực của bạn. Cho nên, khi mà những nỗ lực chưa đạt được thành quả, tốt hơn hết là hãy âm thầm hành động, hành động cho đến khi nào đạt được thành quả.
"Work hard in silence, let your success be your noise" - Hãy âm thầm làm việc thật chăm chỉ, thật quyết liệt và rồi một ngày nào đó, hãy để cho thành công của bạn tạo nên tiếng vang ồn ào.
Con người ta, ai cũng có cái tôi, ai cũng muốn được công nhận. Nhưng sự thật thì chẳng đứa trẻ nào có thể bước đi được mà không nhiều lần vấp ngã. Ông cha cũng từng nói "Mấy ai lên khôn mà không dại đôi lần". Cho nên, trong chính giây phút mà chúng ta vấp ngã, chính giây phút mà sự nỗ lực chưa tạo nên thành quả, lại là lúc mà ta phải bỏ đi cái tôi nhiều nhất, chấp nhận chuyện người đời phán xét, bỏ qua một bên để âm thầm nỗ lực, âm thầm hành động.
Khi bạn thành công, bạn sẽ bỏ đi cái tôi được nhiều hơn so với khi bạn thất bại. Chính vì thế, giây phút mà bạn thất bại, lại là lúc bạn phải vượt lên chính mình để quyết tâm hành động. Thất bại là lúc mà chúng ta rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm, để một ngày nào đó khi ta thành công, ta hiểu rằng chẳng có gì là tự nhiên xảy ra cả. Bởi thành công nào thì cũng cần phải có điểm bùng phát của nó.
Cuối cùng, để khép lại bài này, Edward kể các bạn nghe câu chuyện vui về loài tre. Chuyện kể rằng mầm tre mất 5 năm để có thể trồi lên khỏi mặt đất được khoảng 1 cm, và chỉ mất 6 tháng để cây tre vươn cao mọc dài lên tận tới 5 mét. Hỏi tre mọc cao 5 mét mất 5 năm hay mất 6 tháng? Nhìn đơn giản thì tre chỉ mất 6 tháng để cao được 5 mét, nhưng trong vòng 5 năm trước đó, nếu bất kì ngày nào, người ta cách ly không cho mầm tre được tiếp nhận sương, ánh nắng, nước, chất dinh dưỡng, mầm tre ấy sẽ chết ngay lập tức.
Nếu không có những nỗ lực khi chưa tạo nên thành quả, làm sao có ngày thành quả xuất hiện...
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook