Ta Sống Lại Sau Khi Ở Góa
C170: Chương 170

Hoa Dương vào cung từ cuối tháng mười một, đúng vào dịp quan viên của các bộ trong triều đình bận rộn tổng kết thành tích của năm nay.

Hậu cung không thể tham gia vào chính sự, điều này có nghĩa Hoa Dương không thể chủ động nghe ngóng chuyện triều chính từ chỗ đệ đệ, lại càng không thể chủ động nhúng tay vào nhưng nếu như chính Nguyên Hựu Đế muốn trò chuyện với tỷ tỷ về đề tài này thì đương nhiên Hoa Dương có thể nghe.

Chiều hoàng hôn hôm ấy, sau khi ba mẹ con ăn cơm xong, Nguyên Hựu Đế dẫn tỷ tỷ tới ngự thư phòng, rút một bản tấu chương đưa cho tỷ tỷ.

Hoa Dương thong thả ngồi xuống chiếc giường ấm nằm gần cửa sổ, hai tay ôm một chiếc lò đồng sưởi ấm được khảm nạm đủ loại đá quý, nhìn bản tấu chương trước mặt rồi chẳng mấy hào hứng nhìn về phía đệ đệ: “Tấu chương gì mà lại đưa cho ta xem thế này? Đệ không sợ bị mẫu hậu trách mắng nhưng ta không muốn nghe đâu.”

Nguyên Hựu Đế cười nói: “Đọc thứ này sẽ khiến tỷ tỷ vui vẻ đấy, hơn nữa, có Tào Lễ đứng bên ngoài trông coi rồi, chỉ cần tỷ tỷ không nói ra thì sao mẫu hậu có thể biết được.”

Hoa Dương “hừ” một tiếng: “Đây là do đệ xin ta xem đấy nhé, sau này đừng có trách ta.”

Nguyên Hựu Đế: “Ta biết rồi, tỷ tỷ mau xem đi!”

Hoa Dương nghe vậy mới chuyển lò sưởi sang một bên tay, mở bản tấu chương ra.

Nàng hờ hững xem thử, mới đọc được một chút, nét mặt đã lộ rõ niềm vui: “Chín trăm triệu mẫu ruộng? Ta nhớ hồi thái tổ gia gia cũng chỉ mới có hơn tám trăm triệu mẫu thôi phải không?”

Đất đai trong thiên hạ này đều là đất của vua, Hoa Dương là Trưởng công chúa của Hoàng gia, nhà mình càng có nhiều đất đai thì đương nhiên nàng càng vui vẻ.

Nguyên Hựu Đế cười tươi, đôi mắt sáng lấp lánh: “Đúng vậy, lần đo đạc này cực kỳ thành công, cử Cẩm Y Vệ đi, phế bỏ Tấn Vương, khám xét mười gia đình phú hộ chuyên cầm đầu gây rối, các phiên vương ở khắp các nơi đều nghiêm chỉnh phối hợp, các quan lại, thân sĩ, cường hào cũng không dám bao che, giấu giếm nữa, có thể vẫn còn cá lọt lưới nhưng hẳn là không nhiều.”

Hoa Dương vui vẻ đọc bản tấu chương, sau đó đột nhiên hỏi: “Năm ngoái có tổng cộng bao nhiêu ruộng được ghi vào sổ đăng ký?”

Nguyên Hựu Đế lập tức nghiến răng nghiến lợi: “Chỉ bốn trăm bảy mươi triệu mẫu.”

Hoa Dương cũng nghiến răng theo: “Giấu giếm gần một nửa ruộng đất, bọn họ thật tham lam.”

Vẻ mặt của Nguyên Hựu Đế ánh lên sự tàn nhẫn: “Bọn chúng không thể tham lam được bao lâu nữa đâu, ngày mai Nội các sẽ đệ trình luật thu thuế mới.”

Hoa Dương: “Nội các đã thống nhất ý kiến rồi à? Ta nghe phò mã nói, Trần Các lão và Hà Các lão thường xuyên tranh cãi ở trên triều.”

Nhắc đến chuyện này, Nguyên Hựu Đế bóp trán: “Có lẽ ngày mai sẽ vẫn phải tranh cãi thêm một lần nữa. Nội các có năm người, Lữ Các lão, Lục Các lão, Thẩm Các lão đều nghe theo ý Trần Các lão, Hà Các lão tuyên bố ông ấy cũng tự soạn thảo một bộ chính sách mới, mời ta và mẫu hậu ngày mai bình phẩm về nó, xem thử xem chính sách của ông ấy khả thi hay là của Trần Các lão khả thi.”


Hoa Dương tiếc nuối: “Tiếc là ta không được tận mắt chứng kiến cảnh tượng sôi nổi ấy. Kể ra thì ta đã biết Trần Các lão từ lúc sáu, bảy tuổi. Mười mấy năm trôi qua, ngoại trừ thấy ông ấy mặt nặng mày nhẹ với phò mã ra, hình như chưa từng thấy ông ấy tranh luận đỏ mặt tía tai với người khác bao giờ.”

Nguyên Hựu Đế: “Chuyện này đơn giản thôi, ngày mai tỷ tỷ đi với ta, chúng ta cùng nghe báo cáo.”

Hoa Dương hất cằm về phía cửa sổ: “Liệu mẫu hậu có đồng ý không?”

Nguyên Hựu Đế: “Không sao, suy cho cùng hễ họ bắt đầu tranh cãi thì không ai trong số chúng ta có thể xen lời nổi.”

Hôm sau là ngày hai mươi chín tháng mười một, lúc Nguyên Hựu Đế lên triều, Hoa Dương vẫn hầu ở bên cạnh mẫu hậu.

Đến khi Nguyên Hựu Đế chuẩn bị nghe Nội các trình bày, Thích thái hậu cũng phải qua đó.

Hoa Dương nũng nịu ôm cánh tay của mẫu hậu: “Mẫu hậu, con nghe đệ đệ nói hôm nay Trần Các lão và Hà Các lão sẽ lại cãi nhau, ta cũng muốn đi xem thử.”

Thích thái hậu nghiêm túc nói: “Chuyện đại sự của triều đình có phải là trò đùa đâu?”

Hoa Dương: “Chỉ lần này thôi ạ, sau này ngài và đệ đệ có xin con dự thính, con cũng không đi.”

Thích thái hậu: “Không được.”

Hoa Dương chớp chớp mắt rồi cúi đầu xuống: “Nếu như phụ hoàng ở đây, chắc chắc phụ hoàng sẽ cho con đi.”

Thích thái hậu:...

Tất cả là tại tiên đế tạo ra tiền lệ xấu!

“Thôi, con đi đây, sau này con không vào cung làm khó ngài nữa.” Hoa Dương buông tay mẫu hậu ra, nghiêm chỉnh làm lễ rồi quay người bỏ đi luôn.

Thích thái hậu mím môi.

Thấy con gái đi xa dần, sắp sửa bước qua cửa, trong đầu Thích thái hậu chợt nhớ tới khuôn mặt mỉm cười dịu dàng lấy lòng bà của Nam Khang Trưởng công chúa.


Một người là con của tiên đế và nữ nhân khác, một người là nữ nhi ruột thịt của mình, đương nhiên Thích thái hậu yêu thương con ruột của mình hơn.

Nếu như Nam Khang không đến, bà biết con gái sống tốt ở ngoài cung thì sẽ không mong nhớ nhiều nhưng mỗi lần Nam Khang tới, Thích thái hậu lại không khỏi nghĩ tới Hoa Dương, nghĩ thầm, nếu như bà rảnh như vậy thì thà ngồi nói chuyện phiếm với con gái mình còn hơn.

“Được rồi, chỉ một lần này thôi đấy, sau này không được làm vậy nữa.”

Hoa Dương mới bước một chân qua ngưỡng cửa, nghe mẫu hậu nói vậy, nàng lập tức chạy vào, ôm mẫu hậu làm nũng.

Thế nhưng, dù sao Hoa Dương cũng đã lớn rồi, không thể nào làm như hồi bé ngồi trong lòng tiên đế hay trốn bên dưới gầm bàn được, Thích thái hậu chỉ tay vào phòng bên hông của điện nghe báo cáo.

Hoa Dương bèn trốn sau khe rèm xem năm vị Các lão lần lượt bước vào điện, cha chồng nàng và Hà Các lão đứng hàng đầu tiên, ba vị còn lại cúi đầu đứng ở hàng sau.

Sau khi hành lễ xong, Trần Đình Giám đệ trình bản tấu chương trong tay mình lên cho Nguyên Hựu Đế.

Nguyên Hựu Đế không nhận, nói: “Tiên sinh đọc một lượt đi, trẫm và mẫu hậu cùng nghe.”

Trần Đình Giám gật đầu, nâng bản tấu bằng hai tay, hơi cụp mắt xuống, cất giọng đọc trầm bồng du dương.

Thủ phụ đại nhân năm mươi lăm tuổi cao ráo, gầy gò, mặc quan bào Các lão màu đỏ, khuôn mặt tuấn tú, nho nhã, giọng nói rõ ràng, trôi chảy, ông ấy chỉ đứng ở đó thôi đã hơn hắn bốn vị Các lão còn lại về ngoại hình và phong thái.

Nhìn thấy cha chồng như vậy khiến Hoa Dương nhớ tới chuyện hồi nhỏ, khi nàng cùng ngồi nghe giảng bài với đệ đệ, từng thấy Các lão hồi còn trẻ.

Từ lúc ấy, Hoa Dương đã rất thích Trần Các lão rồi, ngưỡng mộ ông ấy như một vãn bối đối với bề trên của mình, hy vọng ông ấy cũng sẽ là thầy của mình.

Trần gia có năm đứa trẻ, ba huynh đệ Đại Lang đều kính sợ cha chồng trong khi Uyển Nghi lại luôn thích cha chồng.

Hoa Dương rất hiểu tâm lý của Uyển Nghi, bởi vì các nữ hài tử như bọn nàng đều chỉ biết tới sự dịu dàng của cha chồng.

Các chính sách mới mà cha chồng đang đọc chính là tiên pháp được thi hành vào năm Nguyên Hựu thứ ba ở kiếp trước, gia tăng thuế ruộng đối với dân chúng, sáp nhập lao dịch vào mục chinh thu. Thông nhất thuế khóa và lao dịch do quan phủ địa phương trực tiếp đảm nhận, vừa tránh được việc quan lại các cấp nghĩ kế bóc lột dân chúng lại vừa ngăn chặn lý chính, lương trưởng biển thủ, chia chác tiền bạc.

Chính sách mới này do cha chồng chủ trương thúc đẩy nhưng tiếc là tháng tám năm đó, cha chồng ốm rồi mất, không được nhìn thấy hiệu quả của chính sách mới… Thặng dư quốc khố năm Nguyên Hựu thứ ba đạt tới bốn triệu lượng bạc trắng!


Dẫu vậy, vì cha chồng bị giáng tội nên toàn bộ chính sách mới do cha chồng vạch ra cũng bị bãi bỏ.

Hoa Dương ai oán nhìn về phía đệ đệ.

Nguyên Hựu Đế đang nghiêm túc lắng nghe, thỉnh thoảng lại gật đầu.

Thế nhưng, Trần Đình Giám vừa nói xong, Hà Thanh Hiền ngẩng đầu ưỡn ngực đứng ở bên cạnh lại đột nhiên “xùy” một tiếng đầy chế giễu.

Trần Đình Giám nhướng lông mày.

Ba vị Các lão đứng hàng sau nhìn nhau, tiếp tục giả vờ câm điếc.

Nguyên Hựu Đế nhìn về phía Hà Thanh Hiền: “Hà Các lão thấy chính sách thuế mới do tiên sinh đề xướng có gì không ổn chăng?”

Hà Thanh Hiền: “Không phải là có gì đó không ổn mà là hoàn toàn không ổn!”

Nguyên Hựu Đế sớm đã thành thói quen, cười nói: “Còn xin Các lão chỉ giáo.”

Hà Thanh Hiền qua qua hỏi Trần Đình Giám: “Năm nay cả nước tiến hành đo đạc, phát hiện ra việc giấu giếm hơn bốn trăm triệu mẫu ruộng nhưng hầu hết số ruộng này đều nằm trong tay của họ hàng của các phiên vương và quan lại, thân sĩ. Họ hàng của phiên vương được miễn nộp thuế, quan lại, thân sĩ cũng được miễn một phần lớn tiền thuế, chỉ có ruộng do địa chủ, cường hào giấu giếm là có thể tăng thu thuế cho triều đình, thế thì có khác gì hạt cát trong sa mạc.”

“Nói cách khác, chính sách cải cách này của ông vẫn chỉ nhắm vào ruộng đất do dân chúng nắm giữ, trong khi số ruộng đất này sẽ dần dần bị họ hàng của phiên vương và quan lại, thân sĩ thôn tính. Ruộng đất càng ngày càng ít, cho dù ông đưa ra được biện pháp ngăn chặn quan lại tham ô, cắt xén nhưng thuế mà triều đình trưng thu được vẫn là tiền mồ hôi nước mắt của dân chúng, không thể thay đổi được sự thực là dân chúng sẽ càng ngày càng nghèo, dân chúng khổ thì triều đình còn bóc lột bạc được chừng mười năm, hai mươi năm nhưng một khi dân chúng không sống nổi nữa thì sẽ xảy ra đại loạn!”

Trần Đình Giám: “Đúng là diện tích ruộng đất của dân chúng vẫn vậy nhưng luật thuế mới sẽ giảm bớt thuế cho bọn họ, bọn họ sẽ sống tốt hơn chứ sao lại không sống nổi nữa?”

Hà Thanh Hiền: “Giảm ở đâu? Trước đây bọn họ trồng trọt thì có thể đóng thuế bằng lương thực. Hiện tại, ông bắt bọn họ phải đổi ra thành bạc hết, dân chúng muốn kiếm được một đồng thôi cũng khó, lấy đâu ra bạc? Kẻ có tiền đổi bạc thành tiền đồng, một lượng bạc có thể đổi được một ngàn hai trăm, ba trăm đồng. Ngược lại, dân chúng cần phải tốn một ngàn hai trăm, ba trăm đồng mới đổi được một lượng bạc! Triều đình thu bạc thì thích nhưng dân chúng phải bỏ thêm ra hai trăm, ba trăm đồng, cái này ai chịu?”

Trần Đình Giám: “Dân chúng có thể trực tiếp mang lương thực đi đổi thành bạc.”. Truyện Nữ Cường

Hà Thanh Hiền cười hết sức mỉa mai: “Không gian trá không phải là thương nhân. Hôm nay, ta có thể nói cho ông biết, một khi chính sách mới của ông được tung ra, tới ngày mùa, khi dân chúng đem lương thực đi bán lấy tiền, chắc chắn thương nhân thu mua lương thực sẽ ép giá mua vào thấp hơn bình thường ít nhất hai phần mười, ba phần mười! Trần Các lão ơi Trần Các lão, ông đúng là đã tốn rất nhiều công sức để làm đầy quốc khố nhưng ông quá lười, quá gian, ông không dám đắc tội những kẻ có ruộng, có bạc, chỉ dám hút máu của dân chúng!”

Trần Đình Giám tái mét mặt.

Hoa Dương hồi hộp gần như ngừng thở, sao Hà Thanh Hiền lại dám vu khống cho cha chồng như vậy, chẳng chừa lại chút thể diện nào!

Nguyên Hựu Đế cũng không biết phải nói gì.

Thích thái hậu nhắc nhở: “Hà Các lão không được thất lễ, nếu có ý kiến khác thì có thể thảo luận, bàn bạc, sao ông lại công kích người khác?”


Hà Thanh Hiền nhìn về phía Thích thái hậu rồi lại nhìn Nguyên Hựu Đế, ưỡn sống lưng thẳng tắp: “Thần không hề cố ý công kích ông ấy, chẳng qua không thể chấp nhận chuyện ông ấy có biện pháp khác hữu ích hơn cho triều đình và bách tính nhưng lại sợ đắc tội với quan lại và thân sĩ trong thiên hạ nên không dám đề ra!”

Thích thái hậu: “Hà Các lão có cao kiến gì chăng?”

Hà Thanh Hiền lấy ra một bản tấu chương.

Tào Lễ khom lưng trình bản tấu chương lên cho Nguyên Hựu Đế.

Nguyên Hựu Đế chưa kịp mở ra, Hà Thanh Hiền đã bất ngờ chỉ một tay lên trời: “Quá nửa số ruộng đất trong nước đều nằm trong tay họ hàng của phiên vương, trong năm phần mười còn lại thì quan lại, thân sĩ chiếm hai phần mười, còn mấy chục triệu bách tính chỉ chiếm ba phần mười! Họ hàng của phiên vương càng ngày càng nhiều, bọn họ sẽ càng ngày càng cướp đoạt nhiều ruộng đất của bách tính hơn. Quan lại, thân sĩ càng ngày càng tham lam, bọn họ bắt nạt kẻ yếu, luồn cúi kẻ mạnh, vắt óc nghĩ cách bóc lột bách tính. Nếu như triều đình không nghĩ cách giải quyết hai khối u ác tính trầm kha này thì tới khi dân chúng không sống nổi nữa, ấy sẽ là ngày nước có thể lật thuyền*!”

*Nước có thể lật thuyền trích từ đạo trị quốc của Đường Thái Tông cho rằng quân chủ giống như thuyền, dân chúng giống như dòng nước, nước có thể nâng thuyền chạy nhưng cũng có thể làm thuyền lật.

Lời này như tiếng sấm nổ tung khiến bên trong đại điện lặng ngắt như tờ, không nghe thấy cả tiếng hít thở.

Hoa Dương buộc phải dựa vào cột cửa, toàn thân run nhè nhẹ.

Cuối cùng, Trần Đình Giám hòa nhã hỏi: “Vậy Hà Các lão có kế hay gì để bảo vệ nước nhà?”

Hà Thanh Hiền: “Thứ nhất, đối với họ hàng của các phiên vương, ngoại trừ bổng lộc do triều đình ban thưởng, ruộng hoang do mình tự khai khẩn ra, buộc phải trả lại ruộng đất cướp đoạt từ tay của bách tính, không được phép dùng bất kỳ phương thức nào để mua lại ruộng đất của bách tính, ngăn chặn tình trạng thôn tính ruộng đất. Thứ hai, phải điều tra ra quan tham và cường hào ác bá trên phạm vi cả nước, nghiêm trị theo pháp luật, chỉ cần thiên hạ không có viên quan nào dám tham ô thì tự ắt sẽ quốc thái dân an.”

Trần Đình Giám: “Họ hàng cũng các phiên vương cũng là con người, đã là con người thì có quyền được giao dịch bằng vàng ròng bạc trắng, triều đình dựa vào cớ gì để cấm bọn họ mua ruộng? Biện pháp này của ông hoàn toàn không thể thuyết phục được số đông.”

Hà Thanh Hiền: “Vậy thì phải điều tra thật nghiêm khắc. Thái tổ sắc phong phiên vương không phải để bọn họ bóc lột bách tính, nếu phiên vương làm điều ác mà lại luôn được triều đình giơ cao đánh khẽ thì cuối cùng, người chịu khổ sẽ vẫn là bách tính.”

Trần Đình Giám: “Điều tra, điều tra, ông chỉ biết điều tra thôi! Cử ai đi điều tra đây? Triều đình có bao nhiêu vị quan thanh liêm như ông?”

Nguyên Hựu Đế mím chặt môi.

Tuy biết suy nghĩ của Hà Thanh Hiền là tốt nhưng Hoàng đế cũng biết rằng họ hàng của phiên vương không thể tùy tiện động vào. Nếu ép bọn họ kết bè kết lũ cùng nhau tạo phản thì lỡ như trong hai mươi mấy phiên vương này lại thực sự có nhân vật có thể làm nên chuyện thì sao?

Cả quan lại, thân sĩ nữa, dân chúng không sống nổi sẽ làm phản nhưng nếu quan lại, thân sĩ bị dồn ép thì bọn họ cũng sẽ làm ra những chuyện điên rồ.

Triều đình cần có bạc nhưng không thể áp dụng các biện pháp quá gay gắt để tránh tạo thành mối nguy cho sự ổn định của triều chính.

Hoàng đế đang định mở miệng thì dường như Hà Thanh Hiền đã đoán trước được ý kiến của mình sẽ không được Hoàng đế và Thái hậu tán thành nên mỉm cười, khí thế dịu lại: “Nếu không thể điều tra, vậy thì phải quy định lại số thuế mà họ hàng phiên vương và quan lại, thân sĩ được miễn, nếu vượt quá một con số nhất định thì bọn họ cũng phải nộp thuế như dân chúng bình thường! Bọn họ nắm nhiều ruộng trong tay như vậy, trong khi triều định đang nghèo khó, tại sao bọn họ lại có quyền giàu chảy mỡ?”

“Hoàng thượng suy nghĩ kỹ xem, thay vì dùng biện pháp khác để vơ vét tiền thuế khiến dân chúng oán thán thì sao không thẳng tay kiếm thêm tiền thuế ruộng của mấy trăm triệu mẫu ruộng, há chẳng phải hay hơn sao?”

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương