Ta Sống Lại Sau Khi Ở Góa
C147: Chương 147

Đắp chăn ngủ một đêm, buổi sáng hôm sau, khi Trần Kính Tông thức dậy, tuy rằng hắn đã rất nhẹ nhàng cẩn thận nhưng Hoa Dương vẫn thức giấc.

Hoa Dương ôm lấy eo hắn theo thói quen, cơ thể dựa vào hắn.

Cả người Trần Kính Đông cứng đờ.

Hắn luôn dậy sớm, mười ngày thì có khoảng một hai ngày sẽ khiến nàng thức giấc, nếu là mùa hè nàng tuyệt đối sẽ không dựa sát vào, nhưng mùa đông đến nàng sẽ lưu luyến không chịu buông cơ thể ấm áp như lò sưởi của hắn ra.

Trần Kính Tông xoay người lại ôm nàng vào lòng, vén những sợi tóc rối bên tai rồi hôn một bên gáy nàng.

Hoa Dương đang mơ mơ màng màng dần trở nên tỉnh táo hơn, ngoài cửa sổ hình như có tiếng gió thổi, nàng sờ vai hắn, nghiêng đầu nói: “Năm nay ta sẽ làm áo choàng cho chàng nữa nhé.”

Từ lần trước tặng hắn đến nay đã qua hai năm, Hoa Dương cảm thấy nó đã là đồ cũ rồi.

Trần Kính Tông: “Không cần đâu, một ông lão có thể mặc một cái áo choàng mười mấy năm, ta chỉ choàng nó lúc gấp rút lên đường thôi, trời tối như vậy không ai thấy đâu. Chỉ cần nó còn có thể tránh gió, cũ hay mới đều không quan trọng, ta mặc cả đời cũng không cần đổi cái khác.”

Thứ Trần Kính Tông muốn được nhìn thấy là tình yêu của nàng đối với hắn, chứ không phải sự quý giá của áo choàng.

Hoa Dương nói: “Tối hôm qua còn nói ta không thương chàng, bây giờ ta muốn đối xử tốt với chàng, chàng lại không chịu.”

Trần Kính Tông đáp: “Nàng đã rất tốt với ta rồi, tặng ta một con Thần câu, giúp ta giảm được cả nữa canh giờ đi đi về về.”

Lúc trước hắn phải dậy vào giờ mão một khắc, hiện tại có thể ngủ thêm hai khắc.

Hoa Dương muốn nói thêm gì đó nhưng Trần Kính Tông phải lên đường rồi. Sau khi đắp chăn lại cho Hoa Dương, hôn lên trán nàng một cái, hắn nhanh chóng bước xuống giường.

Nhìn theo đến khi hắn đi mất, Hoa Dương không ngủ tiếp được nữa, một mình nàng nằm trong ổ chăn vẫn còn hơi ấm của Trần Kính Tông, nàng nhớ lại cuộc nói chuyện với công phụ tối hôm qua.

Thái độ của công phụ như vậy có nghĩa là lần này ông sẽ không tiến cử Trương Bàn vào nội các nữa đúng không?

Giữa tháng mười, Trần Đình Giám bẩm báo với Nguyên Hựu Đế và Thích Thái hậu, tiến cử ba vị đại thần nội các, bao gồm Lại bộ Tả Thị lang đương nhiệm - Thẩm Thời, Lễ bộ Thượng thư đương nhiệm - Lục Tử Kiền, và Nam Kinh Hữu Đô Ngự sử đương nhiệm - Hà Thành Hiền.

Hai người đầu hiện đang làm quan tại kinh thành, Thích Thái hậu và Nguyên Hựu Đế đều biết rõ họ, từng khen ngợi không dứt lời. Chỉ riêng có Hà Thành Hiền, tuy ông ấy danh chấn thiên hạ nhưng thời gian làm quan ở kinh thành không lâu, trước giờ cơ bản đều được bổ nhiệm ở khu vực ngoài kinh thành.


Nguyên Hựu Đế ngưỡng mộ thanh danh của Hà Thành Hiền từ lâu, trong lòng thưởng thức vị quan tốt, quan thanh liêm được dân chúng công nhận này. Lúc trước từng có thần tử tiến cử Hà Thanh Hiền nhập kinh nhưng lại bị đám người Trần Đình Giám phủ nhận, đến cả Thích Thái hậu cũng tán thành để Hà Thành Hiền ở bên ngoài, cho nên Nguyên Hựu Đế cũng không nói gì.

Vậy mà lần này Trần Đình Giám lại trực tiếp tiến cử Hà Thanh Hiền vào nội các, Nguyên Hựu Đế cảm thấy lạ, bèn hỏi: “Lúc trước tiên sinh từng nói Hà Thanh Hiền quá ngay thẳng cương liệt, đến nơi nào cũng khiến cho không ít quan viên khẩn cầu từ chức, đề bạt Hà Thanh Hiền chỉ sợ sẽ cản trở thi hành cải cách, sao bây giờ lại muốn dùng ông ta vậy?”

Thích Thái hậu cũng nhìn Trần Đình Giám.

Trần Đình Giám lần lượt nhìn hai người họ, trên khuôn mặt nho nhã tái nhợt của ông ấy thoáng hiện vẻ xấu hổ, ánh mắt vô cùng chân thành, liên tiếng giải thích: “Lúc trước thần không dùng Hà Thanh Hiền là vì sợ quan viên địa phương sợ sự một vị quan cương trực thanh liêm như ông ấy sẽ nghi ngờ mục đích của cải cách là thanh trừ tất cả quan viên có đức hạnh không tốt, dẫn đến việc bọn họ sẽ vì lo lắng cho tiền đồ của mình mà không tập trung vào công việc. Hiện nay luật Khảo Thành đã bước đầu có hiệu quả, nhưng vẫn tồn tại một bộ phận quan viên bao che cho phú hào địa phương cậy thế bắt nạt dân chúng, dân chúng hiểu lầm chính sách mới là thủ đoạn mới triều đình dùng để bóc lột bọn họ, tiếng oán than vang dội. Thần tiến cử Hà Thanh Hiền là để chấn chỉnh bọn tham quan ô lại vẫn còn chấp mê bất ngộ kia, đồng thời khiến cho dân chúng tin tưởng chính sách mới thật sự có lợi cho quốc gia và dân chúng, an ủi được lòng dân, sang năm triều đình sẽ đo lại ruộng đất, tránh để họ hiểu lầm nhiều hơn.”

Thích Thái hậu gật đầu, khen ngợi: “Các lão suy nghĩ chu toàn.”

Nguyên Hựu Đế hỏi tiếp: “Nhưng trẫm nghe nói Hà Thanh Hiền trước giờ luôn bất hòa với tiên sinh, tiên sinh không sợ sau khi ông ấy vào kinh sẽ đối nghịch với người, khiến cho chính sách mới khó thực hiện hơn sao?”

Trần Đình Giám mỉm cười, sờ chòm râu dài của mình: “Thần và ông ấy cùng đậu bảng nhãn Trạng Nguyên, mục tiêu đều là báo quốc, có điều tính tình chỉ không hợp một chút thôi, đặc biệt là khi còn trẻ, thần không thích tính cách hùng hổ dọa người, cầu toàn vô lý của ông ấy, ông ấy không thích thần khéo đưa đẩy, cứ bo bo giữ mình. Hiện tại thần và ông ấy đã hơn năm mươi, trước mắt thi hành chính sách mới giúp cho binh giàu nước mạnh mới là chuyện lớn hàng đầu, thần tin ông ấy sẽ không làm bừa, ngược lại, ông ấy về kinh có lẽ có thể lắp vào những chỗ sơ hở của thần.”

Nguyên Hựu Đế nhìn Trần Các lão trước mặt vẫn ung dung rộng lượng, bỗng nhiên cảm thấy ông ấy có hơi xa lạ.

Trần Các lão trong ấn tượng của hắn ta, cho đến nay vẫn luôn là người nói một không nói hai, mấy năm gần đây đã ít nghiêm khắc hơn, nhưng vẫn rất độc đoán trong vấn đề cải cách, không cho phép bất kỳ thần tử nào phản đối ông ấy.

Hôm nay, vì hoàn thành cải cách, vì chấn chỉnh tham quan, vì trấn an dân chúng, Trần Đình Giám lại đồng ý đề bạt đối thủ một mất một còn của mình, người từng lên án ông ấy làm rối loạn kỷ cương vào kinh.

Dường như Trần Đình Giám không hề cảm giác được sự dò thám của thiếu niên hoàng đế, ông ấy cung kính: “Không biết hoàng thượng và nương nương có đồng ý để ba người này nhập Các không?”

Thích Thái hậu nhìn con trai: “Hoàng thượng thấy sao?”

Nguyên Hựu Đế gật đầu: “Được, trẫm tin tưởng mắt nhìn người của tiên sinh.”

Trần Đình Giám cáo lui.

Thích Thái hậu cho người xung quanh ra ngoài, hỏi nhi tử: “Hình như Hoàng thượng rất ngạc nhiên về người mà Các lão tiến cử?”

Nguyên Hựu Đế: “Ba người kia đều có thể dùng được, trẫm chỉ cảm thấy hình như Các lão thay đổi rồi.”


Thích Thái hậu thở dài: “Đúng vậy, trước kia ông ấy chắc chắn sẽ không dùng Hà Thanh Hiền, có lẽ là do tuổi cao rồi, cách nhìn nhận cũng khác xưa nhiều.”

Ma xui quỷ khiến thế nào Nguyên Hựu Đế bỗng nhiên lại nghĩ đến phụ hoàng.

Lúc phụ hoàng băng hà đã ngoài năm mươi, năm nay trên đầu Trần Đình Giám cũng đã phủ đầy tóc bạc…

Nguyên Hựu Đế đột nhiên không muốn nghĩ xa hơn nữa.

Hoàng hôn buông xuống, mặt trời bắt đầu khuất núi, màn đêm dần kéo đến.

Nguyên Hựu Đế chỉ dẫn theo Tào Lễ và hai tiểu thám giám, âm thầm đi đến Văn Uyên các.

Ngoại trừ Hà Thanh Hiền vẫn chưa vào kinh, hai vị mới được tiến cử là Thẩm Các lão và Lục Các lão đã chuyển đến đây làm việc với Trần Đình Giám và Lữ Các lão.

Nguyên Hựu Đế chọt một cái lỗ trên cửa sổ giấy, ghé sát lại nhìn vào trong.

Trần Đình Giám là thủ phụ, bàn làm việc của ông ấy ở chính giữa, phía dưới trái phải mỗi bên đặt hai chiếc bàn, một chiếc vẫn còn để trống, ba chiếc còn lại là của ba vị Các lão.

Trên bàn của Trần Đình Giám chất một đống tấu chương, văn thư cao ngất, ông ấy chìm trong đống công viẹc, thỉnh thoảng sẽ bàn luận vấn đề với ba vị Các lão.

Có thể thấy ba vị Các lão đều rất kính sợ ông ấy, chỉ cần Trần Đình Giám có chút động tĩnh, ba vị Các lão chắc chắn sẽ ngẩng đầu lên nhìn xem.

Thời gian làm việc đã qua lâu lắm rồi, Trần Đình Giám không hề có ý muốn về, Lục Các lão lặng lẽ nháy mắt dò hỏi với người có kinh nghiệm là Lữ Các lão, Lữ Các lão lại âm thầm giơ một ngón tay.

Dựa vào thời gian xuất cung bình thường của Trần Đình Giám, Nguyên Hựu Đế đoán ý của Lữ Các lão là Trần Đình Giám ít nhất còn muốn ở lại đây thêm một canh giờ nữa.

Lục Các lão xụi lơ trên ghế ngồi.

Lữ Các lão vốn quen với chuyện này rồi, Thẩm Các lão tuổi trẻ không sợ cọp, tiếp tục cầm bút viết chữ.

Bên cạnh Văn Uyên các còn có điện Tàng Thư, Nguyên Hựu Đế ra hiệu cho thị vệ và thái giám bên ngoài không được tiết lộ tin tức của hắn ta, sau đó dẫn theo đám Tào Lễ vào điện Tàng Thư.


Ở bên trong hơn nửa canh giờ, Tào Lễ đến báo: “Hoàng Thượng, Thẩm Các lão về rồi, hiện giờ bên kia chỉ còn lại Trần Các lão.”

Nguyên Hựu Đế sờ bụng, hỏi: “Ông ấy có ăn gì không?”

Tào Lễ lắc đầu.

Nguyên Hựu Đế nhíu mày, một ông lão hơn năm mươi tuổi, hắn ta đói bụng lâu giống như vậy còn chịu không nổi, Trần Đình Giám đang thể hiện cái gì đây chứ?

Nguyên Hựu Đế đứng lên.

Tào Lễ lập tức lấy áo choàng trên giá xuống, choàng lên cho hắn ta.

Lần này Nguyên Hựu Đế không nhìn lén qua cửa sổ nữa, y đi đến cửa, Tào Lễ nhấc tấm mành lên, y cúi đầu bước vào trong, sau đó đi về phía noãn các ở phía tây.

Trần Đình Giám nghe tiếng bước chân, ông ấy ngẩng đầu, nhìn thấy tấm mành trước cửa noãn các bị nhấc lên, theo sau đó là dáng người cao ngất của Nguyên Hựu Đế xuất hiện.

Trần Đình Giám vội vàng đứng dậy, bước ra khỏi bàn, khom lưng hành lễ.

Nguyên Hựu Đế: “Tiên sinh miễn lễ, đã giờ này rồi, tại sao tiên sinh vẫn chưa hồi phủ vậy?”

Trần Đình Giám cười, nói: “Đang định về, đang định về đây.”

Nguyên Hựu Đế tin ông ấy mới lạ, hắn ta bước đến bàn, cầm lấy tấu chương Trần Đình Giám vừa mới đọc, đây là tấu chương thỉnh tội của quan viên địa phương ở Sơn Đông, nguyên nhân là do không hoàn thành nhiệm vụ trưng thu thuế năm nay. Dựa theo luật Khảo Thành, người này thỉnh tội cũng không phải là không có lý do, tội này không cách chức thì cũng sẽ giáng chức, Trần Đình Giám quả thật không định khoan dung, nhưng Trần Đình Giám lại đích thân viết một bức thư hồi âm cho người này, trong thư ông ấy trần thuật lại lý do phải chấp hành nghiêm khắc hình phạt, dù sao quan viên cả thiên hạ đều đang theo dõi, cho dù quan viên Sơn Đông này có lý do gì đi chăng nữa, Trần Đình Giám không thể xử nhẹ tiền lệ này được.

Sau khi Nguyên Hựu Đế đọc xong, y nói với Trần Đình Giám: “Hắn làm sai, ắt phải phạt, tiên sinh lãng phí văn chương nói nhiều với hắn như vậy làm gì?”

Trần Đình Giám: “Thần hy vọng sau khi hắn đọc được thư, ít nhất có thể giảm nhẹ oán giận, thần không biết gia cảnh hắn thế nào, có mẹ già con thơ cần phải nuôi dưỡng gì hay không, nếu như hắn vì oán giận nhất thời mà làm ra chuyện ngu ngốc, một nhà lớn bé phải sống thế nào đây. Thần cũng từng là thư sinh nghèo từng bước đi lên, biết làm quan không dễ dàng gì, nhưng chính sách mới cấp bách, thần chỉ có thể dùng những quan viên phù hợp với yêu cầu của triều đình để phát triển chính sách mới, không có sức lực điều tra tình trạng thực tế của người khác.”

Nguyên Hựu Đế nhớ đến vô số tấu chương buộc tội Trần Đình Giám.

Có đôi khi hắn ta sẽ nghĩ có phải Trần Đình Giám nghiêm khắc quá rồi không, nhưng khi nhìn thấy Trần Đình Giám cố ý viết một bức thư trấn an, cho dù đó chỉ là một quan viên nhỏ sắp bị cách chức, Nguyên Hựu Đế mới hiểu rõ mọi chuyện, Trần Đình Giám vốn không phải một người vô tình hà khắc, mà là tình thế ép buộc ông ấy phải làm như thế.

“Bức thư này còn thiếu hai câu, trẫm thay tiên sinh hoàn thành.”

Nguyên Hựu Đế ngồi xuống ghế của Trần Đình Giám, cầm lấy cán bút vẫn còn hơi ấm, chấm mực, viết thêm ở phía sau hàng chữ đoan chính của Trần Đình Giám một hàng chữ ngay thẳng mạnh mẽ của hắn ta.

Đề tên, Nguyên Hựu Đế ghi tên sư sinh hai người.


“Tiên sinh hết lòng hết sức vì trẫm vì triều đình, nếu như hắn oán giận, vậy trẫm sẽ gánh chịu với tiên sinh.”

Buông bút, Nguyên Hựu Đế mỉm cười với Trần Đình Giám.

Trần Đình Giám khom lưng xuống thật sâu, hai giọt nước mắt âm thầm rơi xuống.

Tào Lễ thấy cảnh đó thì buông lời trêu ghẹo: “Các lão cảm động đến vậy sao? Ông biết không, Hoàng Thượng đến lâu lắm rồi, vì chờ ông làm xong mà chưa ăn cơm tối luôn đấy.”

Trần Đình Giám gấp gáp lấy ống tay áo chùi mắt, tự trách: “Thần về ngay đây, Hoàng thượng mau trở về dùng bữa đi.”

Nguyên Hựu Đế: “Trẫm chưa đói, bên ngoài gió lớn, trẫm tiễn tiên sinh ra cung.”

Trần Đình Giám vừa muốn từ chối, Nguyên Hựu Đế đã dẫn trước ra ngoài, đi về phía cửa cung.

Trần Đình Giám không thể không nhanh chân đi theo.

Ông ấy theo sau hai bước, Nguyên Hựu Đế nghiêng đầu, hắn ta chú ý đến chòm râu dài của Trần Đình Giám bị gió lạnh thổi phất phơ, dán chặt lên ngực ông ấy.

Đột nhiên Nguyên Hựu Đế nhớ lại lúc mình mới ba bốn tuổi, tính tình vẫn còn rất lì lợm, lúc ấy y đã từng bứt chòm râu dài được triều thần thần ngưỡng mộ này.

Lúc đó Trần Đình Giám ôn hòa hơn hiện tại, ông ấy chỉ mỉm cười, rồi thản nhiên nói: “Điện hạ không được làm như thế.”

Chớp mắt hắn ta đã cao hơn cả lão già này rồi.

“Xe ngựa của thần ở ngay bên ngoài, Hoàng thượng mau quay về đi.”

Nhìn thấy cửa cung ngay trước mặt, Trần Đình Giám bước nhanh gọi Nguyên Hựu Đế phía trước lại, khẩn cầu.

Nguyên Hựu Đế gật đầu, đột nhiên hắn ta cởi dây buộc áo choàng trên cổ ra, sau đó khoác áo choàng lông cáo lên lưng Trần Đình Giám.

Trần Đình Giám vội la lên: “Thần có rồi, năm trước người đã thưởng cho thần, lúc nãy gấp gáp ra ngoài, để quên trong nội các rồi.”

Nguyên Hựu Đế: “Vậy cho tiên sinh mượn dùng, sáng mai tiến cung trả lại cho trẫm.”

Trần Đình Giám vẫn muốn nói gì đó, Nguyên Hựu Đế đã vẫy tay, xoay người chạy ngược vào cung.

Gió lạnh gào thét thổi từ phương bắc, lướt qua con đường dài đằng đẵng trong cung, thiếu niên hoàng đế ngược theo chiều gió, vui vẻ chạy trốn.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương