Ta Nguyện Làm Thê Tử Của Chàng
Chương 8: Nói không nên lời

Sau một giấc ngủ dài ta cảm thấy phấn chấn hơn hẳn, mặt trời đã sắp xuống núi.

Ta ra ngoài sân viện thì thấy Tầm Nhi đang cặm cụi quét dọn, trên gương mặt non nớt hình như vẫn chất chứa nhiều tâm sự như mọi khi. Ta đi đến hỏi nhỏ:

“Tầm Nhi, thiếu gia đâu rồi?”

“Thiếu phu nhân, thiếu gia đang ở vườn mai sau viện.”

So với lần đầu gặp mặt, Tầm Nhi đã cởi mở hơn rất nhiều, lại rất chu đáo và mọi thứ đều được làm tươm tất từ trong ra ngoài.

“Để ta đến đó.” Nói xong, ta quay người đi.

Phía sau viện trồng rất nhiều loại mai, khi mùa xuân đến chắc hẳn sẽ nở hoa rất đẹp nhưng phải đợi một thời gian nữa. Trong viện thật yên tĩnh như một nơi cách được biệt với nhân gian. Phía cuối chân trời, bóng chiều tà chiếu xuống bóng dáng người thanh y nam tử đang đứng trong vườn mai… hái lá. Hai tay tướng công cử động liên hồi còn phía dưới chân là một lớp lá xanh nằm hỗn loạn. Ta đã đến bên cạnh mà tướng công vẫn không hay biết.

“Tướng công, đang làm gì thế?”

“Sâu.” Vừa hái vừa trả lời.

“Nhưng lá đang xanh tốt thế này thì làm gì có sâu?”

Huynh ấy nhìn ta tỏ vẻ không tin. Ta tìm những lá bị sâu ăn gần hết đem đến trước mặt tướng công:

“Huynh xem, lá bị ăn nhiều lỗ như vậy mới là lá bị sâu. Những lá xanh này huynh không được hái nữa, nếu không mùa xuân đến sẽ chẳng còn hoa để ngắm.”

Tướng công lấy lá trên tay ta so với lá trên tay mình vẻ mặt đăm chiêu.

“Sao huynh lại làm thế?” Ta nghi ngờ hỏi.

“Tiêu nhi nói hoa sẽ nở.” Nhìn ta nói tiếp: “Nhưng ta hái thật nhiều, chờ thật lâu vẫn chưa thấy hoa đâu.”

Vị nhị đệ này không biết đã nói gì với tướng công? Nhìn vẻ mặt buồn bã kia ta cũng không biết làm sao đành nói sang chuyện khác:

“Sao lúc dùng cơm huynh không ăn cá?” Ta mới để ý thấy tướng công chỉ ăn thịt, ăn rau còn đĩa cá thì hoàn toàn không động đến. Đại tỷ ta cũng từng bị mắc xương chắc giờ tỷ ấy cũng không ăn cá nữa. Nhưng cá rất ngon nha.

“Không thích.”

“Tại…”

“Thiếu gia, thiếu phu nhân lão phu nhân cho mời.” Tầm Nhi hớt hãi chạy đến báo tin.

Ta nghĩ chắc lão phu nhân đã khỏi bệnh chúng ta phải đến thỉnh an người nên đi theo nha hoàn đến phòng lão phu nhân.

Lão phu nhân là một người hướng thiện, ngày ngày ăn chay niệm phật cầu phúc cho con cháu trong nhà và là người được tôn kính nhất ở Nhậm gia. Viện của lão phu nhân nằm ở một nơi thật xa, cách biệt với mọi người vì nơi đó hợp với bát tự của người.

Khi chúng ta đến trước sân thì nghe ai đó hét lên thật to làm bước chân phải dừng lại:

“Ta tuyệt đối không cho phép.”

Sau đó, chẳng nghe thấy gì nữa, ta bước đi tiếp nhưng tướng công vẫn còn đứng đó, ta phải dùng sức lôi kéo thì tướng công mới chịu vào.

Trong phòng có đủ mặt mọi người, sắc mặt cha và nương rất khó coi còn Bạch di nương cùng nhị đệ vẫn bình thản vô cùng. Có vẻ mọi người đến đã lâu. Tướng công chạy đến chỗ nhị đệ vui vẻ nói gì đó nhưng đệ ấy lại không thèm đếm xỉa.

Vị lão nhân gia ngồi trên ghế kia chắc hẳn là lão phu nhân nhưng trông người rất tức giận, từ lúc ta bước vào người cứ nhìn ta chăm chú. Theo bối phận nên ta cùng tướng công đi đến định thỉnh an người nhưng lão phu nhân lại xua tay ngăn cản:

“Không cần. Sau này cũng không được gọi ta là nội tổ mẫu, ta không dám nhận.”

Sau đó nhìn sang cha và nói:

“Một cô nương dung mạo quá sức bình thường, gia thế thấp kém có tư cách gì làm dâu Nhậm gia thì đừng nói chi đến việc là người thừa kế y thư. Tồn Hiếu, con quá hồ đồ rồi.”

Tồn Hiếu là tên húy của cha. Cha vẫn giữ thái độ cung kính khi nói chuyện với lão phu nhân:

“Nương, di huấn ghi rõ y thư chỉ truyền trưởng tử, Khiết nhi đã như vậy thì Phù nhi học thay cũng không sai biệt.”

“Sau có thể giống nhau, cô ta là nữ nhi lại là người ngoài. Con đừng quên, con còn một nhi tử là Tiêu nhi. Năm xưa nếu không vì lo lắng sẽ có ngày hôm nay sao ta phải buộc con lấy Bạch Liên. Trưởng tử thì sao? Đứa ngốc cũng chỉ là đứa ngốc, vô dụng cũng hoài vô dụng.”

Nước mắt nương chảy dài, hai tay siết chặt chiếc khăn người đang cầm, cắn môi đến trắng bệch:

“Nương, sao người lại nói vậy? Dù sao…” Khiết nhi cũng là cháu đích tôn của người.

“Ta nói có gì không đúng? Tiêu nhi thông minh khỏe mạnh sau này mới có thể gánh vác Nhậm gia.” Lão phu nhân ngắt lời.

Nương không nói nữa nhưng nước mắt vẫn không ngừng tuôn. Ta nhìn thấy Bạch di nương đang nhếch môi cười vui vẻ. Cha dường như đã hết kiên nhẫn liền đứng dậy, nghiêm giọng:

“Nương, việc này nhi tử đã quyết định mọi người ai cũng đều biết không thể thay đổi. Năm xưa đã sai một lần là quá đủ.”

Lão phu nhân tức giận, hai tay run run chỉ vào cha:

“Con, con không xem ta ra gì, còn nói ta sai, giỏi lắm, giỏi lắm.”

Nói xong lão phu nhân ngã xuống ghế thở hổn hển. Bạch di nương với gương mặt uất ức chạy đến đỡ người dậy:

“Lão gia, nương đã lớn tuổi không chịu được đã kích.”

“Ta làm gì tự biết chừng mực.” Cha không nhìn Bạch di nương hằng giọng.

Nhị đệ từ đầu mặt không đổi sắc miệng không nói gì lúc này đang chạy đến trước mặt cha, khí thế bức người:

“Cha, người nói vậy là sao? Con là nhi tử của cha, tại sao cha lại bênh vực người ngoài? Tại sao không truyền y thư cho con?”

Cha thản nhiên đáp: “Phù nhi không phải người ngoài mà là thê tử của đại ca con, là đại tẩu của con. Hơn nữa, con tự xem lại bản thân rồi hãy hỏi ta những lời đó.”

Cha quay sang nói với lão phu nhân:

“Sắc mặt nương không tốt chứ không có gì đáng ngại, nương nghĩ ngơi cho khỏe, hôm khác nhi tử sẽ đến thỉnh tội với người.”

Nói xong cha dìu nương và bảo hai chúng ta về viện của mình. Cha nói ta không cần lo lắng, từ từ lão phu nhân sẽ hiểu. Bốn người chúng ta đi ra ngoài, mỗi người một tâm trạng khác nhau để lại sau lưng ba bóng dáng trong một căn phòng to lớn.

Trên đường về Mai viện ta suy nghĩ rất nhiều, từ đầu đến cuối ta không thể nói được lời nào mặc dù có nhiều điều muốn nói, cảm giác thật khó chịu. Lão phu nhân không thích ta kinh thường ta, ta không dám biện bạch vì người là trưởng bối. Nhưng ta nhớ nương ta từng nói mỗi người trên đời đều có hoàn cảnh khác nhau từ phú thương cho đến bần hàn, từ quan to chức lớn đến không một chữ phòng thân thì ai cũng đều do cha mẹ sinh ra vậy hà cớ gì phải xem thường hay chán ghét người này, nịnh bợ người kia - đó không phải là tình người.

Hơn nữa, khi lão phu nhân nói tướng công ngốc nghếch, vô dụng ta rất không vui, ta rất muốn nói tướng công không ngốc mà chỉ là đơn thuần, lâu hiểu chuyện hơn người khác mà thôi.

Ta nhìn sang tướng công, hình như huynh ấy đang buồn sắc mặt ngưng trọng, ta lo lắng nói:

“Tướng công, cha cũng đã nói lão phu nhân sẽ hiểu, huynh đừng buồn được không?”

“Khi nào hoa nở?”

“ Hoa gì?” Trả lời ta là một câu hỏi không liên quan nên ta hỏi lại.

“Hoa mai, ngươi nói bây giờ chưa thể nở.”

Ta nhìn tướng công: “Huynh đang bận suy nghĩ chuyện này sao?”

“Đúng nha, ta nghĩ rất lâu từ lúc bị ngươi kéo đi, mau nói đi.”

Ta lại nói không nên lời, uổng công ta lo lắng. Tướng công của ta đúng là có lâu hiểu chuyện hơn người khác thật.

“Mùa xuân hoa mai sẽ nở, đến lúc đó ta sẽ đưa huynh đi xem, giờ không cần hái lá nữa được không?”

“Được.”Người nào đó như ngộ ra điều gì vui vẻ chạy nhảy suốt cả đường về.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương