Sự Xáo Động Trong Tâm Hồn FULL
-
9: Phụ Huynh Đến Trường
Bước ra từ nhà tắm, tôi nhìn mình qua chiếc gương dài kê ở góc phòng.
Mái tóc đen dài tới ngang lưng, đôi mắt hạnh nhân to tròn, đen láy tựa đêm hè.
Gương mặt mộc tuy hơi nhợt nhạt nhưng lại chiếm được cảm tình của đại đa số mọi người.
Tôi vươn tay, chạm vào má mình trong gương rồi từ từ trượt xuống.
Hóa ra bấy lâu nay, không chỉ trong hành vi mà đến cả ngoại hình, tôi cũng vô thức để theo hình mẫu gái ngoan hiền mà người ta đưa ra.
Đúng là, hết thuốc chữa?
Tôi bật cười, xoay người mặc đồng phục.
Nay cô giáo gọi phụ huynh lên nói chuyện về việc gần hai tuần liền tôi nghỉ học không phép nên phải thể hiện ngoan ngoãn chút chứ nhỉ.
Quả nhiên, sau tiết hai, điện thoại trong cặp chợt rung liên hồi.
Thấy người gọi là anh trai, tôi khựng lại vài giây mới bắt máy.
Cũng phải, làm gì có chuyện bố mẹ sẽ đến trường gặp cô giáo cơ chứ.
Thứ bọn họ ghét nhất, chính là bị mất mặt.
Lạ là từ hôm đó tới giờ, tôi chưa thấy một trong hai người họ gọi điện mắng chửi.
Tôi đứng dậy, vỗ vai Minh nhờ cậu ta xin nghỉ giúp tiết sau rồi ra ngoài.
Còn chưa ra tới cổng, từ đằng xa, tôi đã thấy một người đàn ông bận vest lịch thiệp đang tựa lưng vào chiếc BMW màu đen qua hàng rào bằng sắt.
Tôi tiến lại gần, cất giọng gọi:
“Anh Quân.”
“Đến rồi à?” Hải Quân mỉm cười, vết chân chim hằn rõ nơi đuôi mắt.
Người đàn ông thành đạt gần bốn mươi tuổi này cũng không thể thắng nổi thời gian.
Anh xoa đầu tôi, cất giọng trầm ấm đầy nuông chiều.
“Dạo này bé hơi hư nha.”
Tôi nghiêng đầu né tránh.
Anh khựng lại, rút bàn tay đang lơ lửng giữa không trung về, nói: “Qua quán nước bên kia nói chuyện đi.”
Tôi không biết giữa bọn tôi có nhiều chuyện để vào quán nước ngồi không nhưng vẫn theo sau anh.
Thấy anh gọi một cốc sinh tố dừa, một ly cà phê, tôi có phần ngạc nhiên, bởi không nghĩ Hải Quân còn nhớ tôi thích uống loại này.
Gọi đồ xong, anh nhìn tôi chăm chú, khẽ bảo: “Dạo này bé gầy hơn rồi.
Lại ăn uống thất thường à? Hay để anh gọi dì Thắm đến nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa cho bé nhé?”
“Không cần đâu.” Nhìn người anh trai hơn mình mười tám tuổi, tôi đáp: “Em có thể tự chăm sóc bản thân.
Tự lập cũng đã năm năm rồi mà.”
Vả lại, tôi cũng có thuê giúp việc theo giờ.
Không cần thiết thêm người giám sát mình làm gì.
Nghe những lời này, Hải Quân nhếch môi định nói gì đó thì cô chủ quán bê đồ ra.
Cuộc trò chuyện dừng lại tại đấy, không khí chìm trong im lặng.
Mặt anh không đổi sắc nhưng đôi mắt lại đượm buồn đến khó tả.
Anh vẫn không nói gì, chỉ nhìn chăm chú ly cà phê trước mặt, tựa như không biết phải nói tôi ra sao.
Hoặc là, cảm thấy bản thân không có tư cách? Truyện đã được đăng trọn bộ tại awread.com.
Khuấy cốc sinh tố trong tay, tôi cảm thấy mình cần phải nói gì đó để thời gian không bị trôi qua một cách lãng phí.
“Cô gọi anh lên nói chuyện gì thế?”
“Nói về tình hình học tập của bé.
Việc bé nghỉ học không phép gần hai tuần liền.
Bảo gia đình chú ý sát sao vì năm nay thi đại học rồi.” Anh nói như tường thuật lại cuộc đối thoại giữa anh và cô.
Cũng không ngạc nhiên lắm.
Tôi đáp: “Anh yên tâm.
Sẽ không có lần sau đâu.”
Thứ tôi muốn, là tìm một mục tiêu chứ không phải quậy tung trời để người nhà chạy tới quan tâm.
Đến mấy chỗ đó, bói cũng không ra mục tiêu tôi đang tìm.
Sự im lặng một lần nữa lại bao trùm chiếc bàn nơi chúng tôi ngồi, gượng gạo đến mức cô chủ quán ngồi sau quầy thu ngân cũng phải liếc nhìn mấy lần.
Nhìn vẻ mặt “có chuyện để hóng” của cô ấy, hẳn là đang nghĩ mối quan hệ giữa chúng tôi theo chiều hướng mờ ám lắm đây.
Ánh mắt săm soi của cô khiến tôi thấy khó chịu, toan đứng dậy về trường vì chẳng còn gì để nói thì lúc này Hải Quân lên tiếng:
“Ừ.
Sắp tới thi đại học, bé có dự định gì chưa? Có ước mơ gì không? Chia sẻ với anh nhé.”
“Em không có ước mơ.” Cũng chẳng biết bản thân muốn trở thành loại người nào.
“Bé có thể tâm sự với anh hoặc Ánh Dương.
Bọn anh sẽ tìm giúp bé ngành phù hợp.”
“Vâng.
Đôi khi em cũng quên mất...” Bản thân còn có một cặp anh chị song sinh.
Tôi buột miệng đáp, vế sau còn chưa nói xong đã thấy mặt Hải Quân tái nhợt.
Lời thật lòng, sức sát thương có vẻ cao.
Cũng không phải giận dỗi mà tôi nói thế, thú thực thì...!mỗi khi gặp chuyện, họ đều không có mặt khiến tôi muốn dựa dẫm cũng không có cơ hội.
Khi tôi sinh ra, anh chị bắt đầu đi du học.
Bước ngoặt năm sáu tuổi, bọn họ làm việc bên nước ngoài không thể về.
Và đến năm lớp Bảy, đối mặt với sống một mình thì cả hai đã có gia đình riêng, rất khó để đèo bồng thêm bà cô bên chồng đang tuổi ăn tuổi học.
Huống chi, anh chị có vẻ như cũng chẳng rõ ngọn ngành những gì tôi đã từng trải qua.
Kể ra chỉ khiến họ và bố mẹ thêm xa mặt cách lòng.
Dù sao thì tôi cũng quen rồi.
Hải Quân siết chặt hai tay, im lặng một chút mới nói: “Vậy, khi nào xuống Hà Nội học, thì sống cùng anh nhé.”
Nhớ đến bà chị dâu, trước mặt Hải Quân nhiệt tình, đon đả bao nhiêu thì sau lưng coi tôi như không khí bấy nhiêu.
Tôi bâng quơ đáp: “Biết thế.”
Có được câu trả lời tạm gọi là hài lòng nhưng mặt Hải Quân hãy còn trầm tư lắm.
Mà hình như, tôi biết sự trầm tư này từ đâu mà đến.
Đó, là vì tôi.
Anh chị cảm thấy áy náy, có lỗi khi không thể đồng hành cùng tôi trong quá khứ và cả hiện tại.
Tôi biết, nhưng vì thấy mệt khi phải giải thích, nhắc lại chuyện xưa nên để họ tự ngẫm.
Ai mà ngờ, họ vẫn ở trong cái vòng luẩn quẩn đó mười mấy năm trời.
Người lớn, sao lại nghĩ không thông đến thế?
Tôi thở dài, buộc phải làm rõ một số vấn đề.
“Anh không cần cảm thấy có lỗi với em mãi như thế đâu.
Em không hận bố mẹ, càng không trách anh chị.” Tôi nhìn thẳng vào mắt Hải Quân, nói tiếp: “Cũng chưa từng, cảm thấy bản thân kém cỏi hơn so với hai người.”
Sau cùng, quá khứ cũng chỉ là quá khứ.
Dù có trăn trở bao nhiêu cũng chẳng thể thay đổi được điều gì.
À mà, một người tốt nghiệp đại học Harvard, người tốt nghiệp đại học Cambridge.
Vậy mà một kẻ chỉ giỏi ở ao làng như tôi lại nói không thấy bản thân kém cỏi hơn so với hai người.
Liệu anh có tin không nhỉ?
“...” Hải Quân sững sờ, không thể giữ nổi vẻ bình tĩnh khi nãy.
“Đi đường cẩn thận.” Sau câu nói ấy của tôi, Hải Quân im lặng trả tiền, im lặng ra xe, nhìn tôi lần cuối rồi rời đi.
Tựa lưng vào gốc cây xà cừ trên vỉa hè để tránh ánh nhìn từ bác bảo vệ.
Tôi rút bao thuốc dở trong túi váy đồng phục màu tím than ra, kẹp điếu thuốc ở hai ngón tay, bật lửa, rít một hơi dài rồi nhả khói.
Mặc cho cặp mắt sắp rớt ra khỏi tròng của cô chủ quán nước bên kia đường, tôi làm hết điếu này tới điếu khác.
Chẳng biết vì sao, tôi lại thấy phiền lòng đến thế.
Khi Minh chạy tới nơi thì số đầu lọc dưới chân tôi đã lên đến con số ba.
Minh thảng thốt nhìn tôi, nói không lên lời.
Hình tượng con nhà người ta của tôi trong Minh giờ đây đã sụp đổ rồi nhỉ.
Tôi vứt điếu trong tay xuống đất, dập tàn thuốc còn đang cháy dở, nhìn cậu ta, thản nhiên nói:
“Cuộc sống của tao, không đáng để mày ngưỡng mộ đâu.”.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook