Quán net được bài trí khá đơn giản, ngoài mấy dãy máy tính và một bàn đơn trong góc dành cho chủ quán thì chẳng còn gì.

Mùa hè, quán đóng kín cửa để bật điều hòa nên mùi thuốc lá, mì tôm và mùi mồ hôi đọng lại trong không khí, hòa quyện vào nhau khiến tôi vô thức lùi lại, có phần hối hận vì đã lựa chọn tới đây.
Phong biết ý, vội mở toang cửa đi, bật quạt cây cạnh tường, nạt những đứa còn lại mau dập điếu thuốc trong tay.

Mấy thằng đó đứng dậy kêu ý ới, thấy tôi, liền cười “khà khà” đập vai Phong, trêu ghẹo vài câu rồi thuận theo.
Phong vẫy tay, gọi tôi đến chiếc máy tính đầu dãy, cậu ta mở game, hướng dẫn một hồi rồi dặn dò:
“Lần sau muốn đến chơi tiếp thì gọi tớ, đừng đến một mình.

Ở đây lộn nhộn lắm.”
Tôi gật đầu cho có rồi bắt đầu chơi thử.
Và thế là những ngày sau đó tôi chỉ quanh quẩn hai nơi, nhà và quán net.

Một cái làng cũng chỉ có ngần ấy hộ, ngồi một buổi là nằm lòng hết chuyện nhà người ta.

Việc tôi “sa đọa” chẳng phải là tin gì đáng ngạc nhiên.

Có người nói sau lưng, người thì nói trước mặt nhưng tôi không quan tâm.

Sau dần, họ cũng chán rồi lờ đi.
Ngoài lúc ăn và ngủ ở nhà thì thời gian còn lại tôi đều cắm cọc ở quán net.

Chơi những thể loại game hot nhất lúc bấy giờ, cũng học người ta cáu giận, văng tục, hút thuốc.
Sau vài lần, trông tôi chuyên nghiệp chẳng khác gì những người đã hút thuốc lâu năm.

Tựa lưng vào bức tường cạnh cửa quán net, tôi kẹp đầu lọc ở hai ngón tay, rít một hơi dài rồi nhả khói, nhìn làn khói xám bay lởn vởn trong không trung rồi biến mất, tôi thầm nghĩ.


Những ngày tháng vừa qua trong quán net có thể gọi là những ngày tháng “thần tiên” đối với người nghiện game.

Nhưng với tôi, nó nhạt nhẽo, vô bổ vô cùng, chẳng khác nào cái cuộc sống giả dối khi trước tôi lựa chọn.

Truyện đã được đăng trọn bộ tại awread.com.
Tôi mệt mỏi bởi việc luôn phải tỏ ra tốt bụng đến mức dần hình thành hai mặt tương phản.

Ngoài thân thiện nhưng trong cười nhạo.

Và đến giờ, tôi cũng dần cảm thấy mệt mỏi với môi trường ồn ào, đầy tiếng văng tục và luộm thuộm trong quán net.

Trên đời này, liệu có nơi nào dành cho tôi không? Còn quá sớm để kết luận nhỉ? Tôi cười.

Ngón trỏ gõ nhẹ vào thân điếu, tàn thuốc rơi xuống đất, tôi bắt đầu rít hơi thứ hai.

Vừa nhả khói thì tầm mắt chợt xuất hiện bóng dáng hai thiếu nữ.

Họ rụt rè nhìn tôi, nhỏ giọng hỏi:
“Dư, là Dư phải không?”
Tôi vứt điếu thuốc xuống đất, dùng mũi chân di nhẹ, nhìn Thi và Trang mỉm cười: “Hai cậu mới đi học thêm về à?”
“Ừ.” Thi nhìn bộ dạng tôi một lượt, chần chừ hỏi: “Dạo này không thấy cậu lên lớp.

Bận chuyện gì ơ?”
“Cũng bận.” Tôi lẩm bẩm.

Bận với bản thân tôi.

Chẳng biết muốn gì, làm gì.

“Muộn rồi.

Hai cậu về sớm đi.”
“Vậy...!hẹn gặp lại cậu ở trường.”
Nhìn bóng dáng hai cô bạn xa dần nhưng thi thoảng vẫn quay đầu nhìn tôi đầy ái ngại, tôi thầm nghĩ.

Đương nhiên sẽ gặp lại nhau ở trường, vì sau khi chứng kiến hình ảnh ngày hôm nay, họ đâu thể “bỏ mặc” tôi cho được.

Mà cũng chẳng sao, đằng nào tôi cũng định kết thúc chuỗi ngày này.
Ngày hôm sau, tôi bắt đầu quay trở lại trường sau thời gian dài “nghỉ ốm“.

Bạn bè vây xung quanh hỏi han, có người còn kéo Danh tới chỗ tôi, bắt xin lỗi.

Họ nghĩ, do Danh nên tôi mới nghỉ.

Tôi giải thích qua loa để bọn nó trở về chỗ rồi chống cằm, nhìn mông lung vào không trung.

Thấy Minh ngồi bên cạnh đang cười gượng trả lời “Viết này cho tiết kiệm.” khi có đứa bạn hỏi nó sao dùng những tờ giấy thừa đóng thành quyển vở.

Suy tư một chút, tôi với lấy quyển vở mới tinh, ném sang chỗ cậu ta.
“Vở này giấy xấu quá, sần sùi, mày dùng không? Lấy đi.”
Minh hỏi lại: “Vở đẹp thế này, mày không dùng thật à?”
“Ừ.

Tao lỡ mua cả tập.

Mai tao đem đi cho mày.”
“Tao đóng thế này là vì không muốn lãng phí thôi.” Minh bỗng giải thích.

“Vở này tao chỉ dùng làm nháp hoặc luyện đề ở nhà.”
“Ừ.

Do tao không thích dùng thôi.” Tôi lặp lại.

“Với cả mua tập A4 năm trăm tờ ấy, dùng luyện đề cho rẻ.”
Minh chần chừ vài giây rồi cảm ơn.

Cậu ta cầm quyển vở nhìn chăm chú hồi lâu, đôi mắt cong cong, hiện rõ nét vui mừng, miệng còn lẩm bẩm cái gì mà “quà”, “lần đầu tiên” rồi cẩn thận cất vào cặp sách.

Hành động này làm tôi chợt nhớ tới hoàn cảnh của cậu ta.
Bố Minh mất năm Minh bảy tuổi.

Cậu ta sống với bà đến năm mười ba thì bà cũng mất.

Minh bơ vơ bên nhà bác một thời gian thì được mẹ nó đưa về đây.

Nhưng khi ấy bà ta đã có gia đình mới, người dượng kia cũng có một đứa con riêng.
Những tưởng từ đây về sau cuộc sống sẽ ấm no, ổn định thì cả dượng lẫn chị gái đều không ưa Minh.


Họ thường xuyên bới lông tìm vết để đánh đập Minh.

Người thân duy nhất là mẹ lại trơ mắt nhìn Minh bị hành hạ.

Ngày qua ngày, vết thương cũ chưa lành thì mấy vết thương mới lại chồng lên, cơ thể chỗ nào cũng tím bầm, động một cái là Minh lại nhăn mày.

Liệu một người khổ đủ đường như Minh sẽ có góc nhìn thế nào về cuộc sống nhỉ?
Tôi mở lời, hỏi Minh câu hỏi mà bản thân đang tìm kiếm mấy ngày nay: “Sau này, mày muốn có cuộc sống thế nào hả Minh?”
Minh nhìn tôi, đôi mắt sáng ngời ấy vẫn không bị hoàn cảnh vùi lấp đi sự lạc quan, nói với chất giọng hào sảng hơn ngày thường:
“Tao muốn có cuộc sống giống như mày, được mọi người yêu thương, cái gì cũng giỏi, dư dả tiền bạc, nhưng có lẽ hơi khó.

Tao chỉ mong cuộc sống ấm no, có tiền mua thứ tao thích là được rồi.”
“Đơn giản vậy?”
“Vì mày đã có sẵn nên cảm thấy đó là điều hiển nhiên.

Nhưng với tao và nhiều người khác, đó là cuộc sống phải cố gắng mới có thể đạt được.”
Tôi ngẩn người.
Đúng.

Trong mắt mọi người chính là như thế.

Tôi là đứa có đầy đủ mọi thứ, là kẻ sinh ra ở vạch đích nhưng lại không biết hưởng.

Nếu vậy, việc tôi đang làm có bị dư thừa không?
Thực sự, tôi cũng không biết nữa..

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương