Song Nữ Hiệp Hồng Y
Chương 15: Thiên Lang và Thiên Hồ

Lúc ấy, Lan nhi bỗng thấy Thanh Lam ngẩn người ra nghĩ ngợi, liền tựa đầu vào chàng và khẽ hỏi:

- Lam đại ca nghĩ ngợi gì thế? Có phải là tại Lan nhi đã nói lầm đấy không?

Thanh Lam lắc đầu đáp:

- Không.

- Tại sao đại ca lại không nói năng gì cả?

- Tôi đang nghĩ có lẽ người mà tôi gặp gỡ lần trước là Côn Luân Lão Nhân cũng nên.

- Cái gì? Lam đại ca đã gặp ông ta rồi ư? Ủa, trước kia Lan nhi nghe cha nói Côn Luân Lão Nhân là đệ nhất kỳ nhân trong võ lâm của thế kỷ này. Sao đại ca lại may mắn được gặp ông ta như thế?

Thanh Lam cũng không giấu diếm nàng, bèn kể chuyện ông già râu bạc truyền thụ cho mình một thế kiếm pháp ấy mình đã đánh lui được Công Tôn Vô Kỵ v...v... đều kể cho Lan nhi nghe.

Lan nhi nghe chàng kể xong, vừa mừng vừa nói tiếp:

- Lam đại ca được Côn Luân Lão Nhân với Diệu Thủ Không Không, hai vị kỳ nhân truyền thụ võ công cho như vậy, đủ thấy phúc duyên của đại ca rất lớn, thảo nào chị Hồng Tuyến cũng phải tặng cho đại ca một thanh bảo kiếm.

Nàng vẫn không quên chuyện Hồng Tuyến cô nương tặng bảo kiếm cho Lam đại ca.

Một luồng gió thổi tới thoang thoảng đưa theo mùi thơm ở đầu tóc của Lan nhi, dồn vào mũi của Thanh Lam khiến chàng nôn nao khó chịu, chàng giật mình kinh hãi vội cười:

- Lan nhi sắp đến trưa rồi bụng em có đói không, còn có lương khô và thịt sấy, để tôi lấy ra chúng ta cùng ăn nhé?

Lan nhi vừa cười vừa đáp:

- Em thích ăn những thứ ấy lắm.

Thanh Lam liền chạy tới cạnh ngựa lấy lương khô, thịt sấy đem lại tảng đá, rồi hai người cùng ngồi xuống ăn.

Lan nhi vừa ăn vừa vui vẻ chuyện trò, có lẽ trong đời nàng ngày hôm nay là ngày sung sướng nhất, nàng bỗng nghĩ tới một việc gì, vừa cười vừa hỏi:

- Lam đại ca bây giờ định đi đâu?

Thanh Lam khẽ lắc đầu đáp:

- Không nhất định, vì còn lâu mới tới Đại Hội Ngao Sơn, từ nay đến tết Đoan Ngọ hãy còn nhiều thì giờ lắm, nên bây giờ tôi cũng chưa quyết định đi đâu cả.

Lan nhi nghe nói vỗ tay đỡ lời:

- Như vậy hay lắm, như vậy hay lắm vì tìm không thấy đại ca, tiểu muội cũng không biết đi đâu chơi cho qua ngày đoạn tháng, buồn chết đi được về nhà thăm cha mẹ, ở đây cách Thác Thành không xa.

Lam đại ca đến nhà tiểu muội chơi vài ngày, để tiểu muội giới thiệu cha mẹ cho đại ca biết, rồi tiểu muội xin phép cha mẹ cho cùng xuống núi với đại ca luôn thể, vì có đại ca đi cùng, cha mẹ tiểu muội mới không cấm đoán và mắng chửi, chẳng hay Lam đại ca có bằng lòng giúp tiểu muội một phen không?

Nàng vừa nói vừa nắm hai tay chàng ngẩng mặt lên nhìn để đợi chàng trả lời.

Thanh Lam thấy bộ mặt và dáng điệu của Lan nhi ngây thơ không khác gì một đứa con nít chàng không nỡ phật ý nàng, huống hồ mình lại chưa định đi đâu hết, nên chàng nghĩ thầm:

"Thác Thành Sơn hình như tôi đã nghe thầy đồ Thư nói tới, nhưng tiếc thay bây giờ không nghĩ ra được nơi đó có ai ở cả.".

Lan nhi thấy chàng con nhà gia thế võ công lại cao siêu nên nàng muốn mời chàng về nhà giới thiệu cho cha mẹ mình biết. Ngờ đâu Thanh Lam cũng có ý nghĩ như nàng nên thấy Lan nhi vừa hỏi chàng gật đầu trả lời liền:

- Nếu nơi đây cách Thác Thành Sơn không xa mấy, thì tất nhiên chúng ta phải về đó để ngu huynh được bái kiến bá phụ mẫu.

- Lam đại ca tử tế thật, em chắc cha mẹ em thế nào cũng mến đại ca lắm.

Lan nhi nói tới đó bỗng bẽn lẽn cúi đầu xuống, Thanh Lam thấy vậy trong lòng hơi hãi sợ. Lan nhi lại ngẩng đầu lên nói tiếp:

- Nếu vậy chúng ta đi bây giờ nhé.

Nàng vừa nói dứt người đã đi nhanh như gió chạy thẳng vào trong rừng, một lát sau đã dắt ra một con ngựa vừa đi vừa nói:

- Lam đại ca con ngựa này của đại ca tặng cho tiểu muội đây, bằng không tiểu muội đã vứt giữa đường rồi, thật phiền phức quá đi đâu cũng phải chăm chú nhìn nó.

Thanh Lam cũng dắt ngựa của mình tới rồi cả hai cùng lên ngựa, Lan nhi đi trước dẫn đường, nhưng nàng vừa đi vừa quay đầu lại nói chuyện luôn mồm.

Đi được nửa ngày trời đã tối dần.

Lúc đầu Thanh Lam nghe thấy Lan nhi nói núi Thác Thành cách đây không xa chỉ đi vài dặm đường là tới nơi. Ngờ đâu bây giờ đi đã nửa ngày rồi mà vẫn chưa thấy tới nơi chàng liền lên tiếng hỏi:

- Lan nhi sắp tới núi Thác Thành chưa chúng ta đã đi khá lâu rồi đấy.

- Hãy còn sớm ngày mai mới tới chân núi. À, Lam đại ca có phải đại ca mệt mỏi không? Nếu đại ca muốn thì chúng ta vào trọ một nhà người săn bắn nào nghỉ ngơi một đêm rồi sang mai đi cũng được.

Nàng vừa nói vừa dẫn Thanh Lam đi đến nhờ nghỉ trọ một nhà đi săn ở dưới chân núi chỗ gần đó, chủ nhà hình như quen biết Lan nhi, đối với nàng có vẻ cung kính lắm.

Một lát sau, chủ nhà đã bưng thị thổ, đùi hươu và hai tô mì ra cho hai người ăn. Ăn xong, lại còn xếp dọn sẵn hai giường cho hai người ngủ.

Sáng sớm hôm hôm sau, Lan nhi gửi ngựa ở nhà người ấy rồi dẫn Thanh Lam theo đường núi mà đi tiếp. Trong khi đi đường Thanh Lam lại hỏi nàng, tại sao quen người săn bắn đó.

Lan nhi vừa cười vừa đáp:

- Chung quanh đây một trăm dặm ai ai cũng quen biết cha em cũng thường đến nhà họ chơi.

Hai người giở hết tốc lực khinh công ra đi mãi đến giờ ngọ mới tới chân một ngọn núi cao dốc, Lan nhi chỉ tay lên trên đỉnh núi vừa cười vừa nói:

- Tới rồi, tới rồi, đây là Như Ý Lãnh, chúng ta lên trên ấy đi.

Thanh Lam ngẩng đầu lên nhìn, thấy đỉnh núi bị mây che khắp, tuy có trông thấy một lối đi nho nhỏ của những người tiều phu khai thác, nhưng vì lâu năm không ai lui tới, nên gai góc mọc đầy. Lan nhi có vẻ thạo thuộc lắm, và hình như cũng cao hứng, nàng cứ tung tăng nhảy nhót đi lên trước. Thanh Lam nhờ huyệt quan đã thông, nên mới theo được Lan nhi mà không mỏi mệt. Không bao lâu hai người đã lên tới một cái đèo ở lưng chừng núi, nơi đó có một căn nhà xây bằng đá, ở bốn chung quanh cây cối cao chọc trời bên cạnh lại có một cái suối rất trong nước chảy róc rách suốt ngày. Nơi đây quả thực là thanh nhã, Thanh Lam liền khen ngợi rằng:

- Đây thanh tao quá, có thể nói một nơi tiên cảnh, nếu không phải tao nhân nhã sĩ thì làm sao mà ở chốn thoát tục này, chỉ một điểm này cũng đủ thấy bá phụ, bá mẫu không phải là người tầm thường.

Lan nhi thấy chàng khen ngợi cha mẹ mình như vậy, trong lòng cao hứng vô cùng vừa cười vừa đỡ lời:

- Lam đại ca thích nơi này như vậy, thì ở thêm vài ngày cũng không sao.

Nói xong, nàng xuyên qua rừng đi vào bên trong tiến thẳng tới trước căn nhà đó và giơ tay lên đang định gõ cửa. Ngờ đâu cánh cửa đã mở toang, bên trong một bà cụ đầu tóc bạc phơ vừa bước ra vừa nói:

- Lan cô nương quả nhiên đã về rồi, xa xa già này đã nghe tiếng nói của cô, chuyến này cô đi lâu quá làm già này nóng lòng sốt ruột.

Lan nhi vội đáp:

- Bây giờ cháu chả về rồi là gì. Thạch Mộ đừng nói nhiều, có khách quí tới đấy.

Thạch Mộ ngắm Thanh Lam một hồi, rồi mừng rỡ lên kinh ngạc hỏi:

- Ủa, vị tướng công này là ai thế?

Lan nhi vội đáp:

- Chàng... chàng là Lam đại ca đấy.

Thạch Mộ ngắm nhìn Thanh Lam, lại ngắm nhìn Lan nhi, hình như đã hiểu ý gì liền mỉm cười và nói tiếp:

- À, à Lam tướng công, mau mời vào trong này ngồi chơi.

Bà ta cuống quít mời khách trông rất tức cười.

Thanh Lam vào đến trong nhà, thấy căn nhà này cũng như nhà thường thôi, có ba gian phòng khách và hai phòng ăn và ngủ, như trong khách sảnh không có bày tiệc gì cả, bàn ghế mộc mạc, miễn cưỡng dùng để ngồi thôi Thạch Mộ bắt một cái ghế đến mời Thanh Lam ngồi.

Lan nhi nhìn bốn chung quanh một lượt và hỏi:

- Thạch Mộ, cha và mẹ cháu đâu?

Thạch Mộ vừa cười vừa đáp:

- Ba và mẹ cháu vẫn thế thôi, suốt ngày luyện tập võ công, hiện giờ đang ở phía đằng sau ấy.

Bà ta nói đến đấy ngửng đầu nhìn sắc trời và đáp:

- Bây giờ còn giờ mùi, hãy chờ đến nửa giờ nữa cha cô nương mới ra được. Lan cô nương cha cô đã sai Hầu sư ca đi tìm cô nương rồi, chẳng hay có gặp hai người không?

Lan nhi lắc đầu đáp:

- Không, Hầu sư ca về từ hôm nào thế?

Thạch Mộ đáp:

- Hầu sư ca của cô nương về đây đã gần ba tháng rồi, bảo sư đệ của y là Túy Hầu Trưởng lão bị Bát Ty Kiếm Khách của phái Không Động gì đó giết chết, muốn yêu cầu cha cô nương đứng ra trả thù cho, sau lại nói đến tết Đoan Ngọ năm nay gì đó sẽ có một đại hội và Bát Ty Kiếm Khách tổ chức...

Thanh Lam nghe tới đó giật mình kinh hãi bụng bảo dạ rằng:

- Thế Hầu Trường Thắng đã lên núi mời sư phụ y.

Lan nhi liền lên tiếng hỏi:

- Thế cha cháu có nhận lời không?

Thạch Mộ đáp:

- Vì còn có một hòa thượng nữa cùng đi tới, đem theo một lá thơ của Ngao Sơn Độc Giác Tú, cha cô nương nể mặt Tần Lãnh không tiện cự tuyệt, chỉ trả lời là đến lúc ấy hãy hay.

Thanh Lam nghe thấy bà cụ nói như vậy mới yên tâm, chàng lại thấy bà cụ như bỗng nghĩ ra một việc gì, liền giơ tay lên gõ đầu mấy cái vừa cười vừa nói tiếp:

- Lan... Lan tướng công... già này hồ đồ thật, Lan... Lan tướng...

công...

Lan nhi lườm bà ta một cái vừa cười vừa đỡ lời:

- Người ta là Lam đại ca, họ Giang, tại sao bà cứ gọi chàng là Lan cái gì thế?

Thạch Mộ giơ tay lên tát mồm một cái, rồi vội nói tiếp:

- À, Lam tướng công tới lâu như vậy, mà già vẫn quên chưa rót nước mời tướng công.

Nói xong, bà ta quay mình đi vào bên trong ngay.

Lan nhi nhìn theo, rồi quay lại vừa cười vừa nói với Thanh Lam rằng:

- Tiểu muội hồi còn nhỏ là do Thạch Mộ ẵm và trông nom, bà ta quí hiền muội hơn là con đẻ nhưng chỉ phải cái hay nói nhiều, tuy võ công của bà không bằng cha mẹ của tiểu muội nhưng năm xưa bà ta với một cây đoản quải đã...

- Này, Lan cô nương lại nói vụng gì già thế, đừng có làm cho Lam tướng công chê cười già đấy nhé.

Thạch Mộâ vừa nói vừa bưng hai chén nước ra để trên bàn, vừa cười vừa ngắm hai người một hồi, rồi mới đi vào.

Thanh Lam trông thấy thái độ ngượng nghịu của bà cụ và thấy Lan nhi bẽn lẽn, chàng cũng hổ thẹn theo và không dám nói nửa lời, đang lúc ấy bỗng có tiếng chân người ở bên trong đi ra, Thanh Lam vội ngẩng đầu lên nhìn, đã thấy một người đàn ông ở bên trong bước ra. Người đàn ông tuổi chừng năm mươi sáu, năm mươi bẩy, mặt vàng khè hai mắt sâu hoắm hình góc, đôi ngươi lóng lánh, mũi như mỏ chim ưng, dưới cằm lơ thơ có mấy sợi râu, bộ mặt trông rất kỳ lạ.

Còn người đàn bà tuổi cũng ngoài năm mươi mặt gầy gò trắng bạch, thân hình trung đẳng, sạch sẽ chất phác. Chỉ trông bên ngoài cũng biết ngay bà ta rất thông minh và khôn ngoan. Đôi nam nữ chính là Như ý Ngọc trong câu ca dao:

"Ngân Hốt, Kim Hoàn, Như ý Ngọc, Lượng Thiên, Hà Thước, Độc Băng Luân." Biệt hiệu của vợ chồng y là Thiên Hồ Tri Tú. Hai người vốn là sư huynh muội, sau kết thành vợ chồng mỗi người sử dụng một cây ngọc như ý, võ công biệt lập khác hẳn các môn phái khác, khi đối địch bất cứ đối phương nhiều hay ít bao giờ hai vợ chồng cùng ra tay đấu một lúc. Tính của hai người lại rất kỳ lạ, không phân biệt thị phi, không phân biệt tà chính, hễ ai thuận vợ chồng y thì bình yên vô sự, trái lại chỉ nghịch họ một chút là bị giết chết ngay, cho nên người trong giang hồ mới ban cho vợ chồng họ biệt hiệu là Thác Thành Song Hung. Hai vợ chồng Thiên Lang và Thiên Hồ mấy chục năm nay đều ở trên Thác Thạch rất ít xuống núi, nhưng hễ nói đến Thiên Lang và Thiên Hồ thì không ai không biết đến.

Lan nhi là con gái duy nhất của vợ chồng y, năm nay mới mười bảy tuổi. Thiên Lang, Thiên Hồ đã truyền thụ hết võ công cho nàng, vì chỉ có một người con, nên Thiên Hồ thương nàng hết sức. Thiên Lang là cha mà nhiều khi cũng không dạy bảo nổi nàng, nàng được chiều chuộng từ hồi còn nhỏ, nên tính rất thích du ngoạn và hay tinh nghịch, lần này nàng lẻn trốn xuống núi đã mấy tháng nay mới mò về. Bấy giờ nàng vừa thấy cha mẹ bước ra đã vội nhảy xổ lại kêu gọi:

- Cha mẹ!

Thiên Lang sầm nét mặt lại hỏi:

- Lan nhi mấy tháng nay con đi đâu thế?

Thiên Hồ ôm ngay Lan nhi vào trong lòng lên tiếng hỏi:

- Con ngoan ngoãn của mẹ.

Nói xong, bà ta trợn mắt lên lườm Thiên Lang và nói tiếp:

- Con nó mới về, ông dữ tợn với nó làm chi, nhỡ nó hoảng sợ bỏ đi lần nữa thì sao, nó là con của tôi, không phải là con của ông, ông mau ra tiếp khách đi.

Lan nhi quay đầu lại gọi:

- Lam đại ca, đây là cha và mẹ em đấy.

Sự thật Thanh Lam trông thấy hai người ra đã đứng dậy rồi, không cần Lan nhi giới thiệu cũng biết đó là cha mẹ nàng, nên chàng cung kính chào:

- Bá phụ và Bá mẫu.

Thiên Lang, Thiên Hồ thấy Thanh Lam anh tuấn và tuổi hãy còn trẻ, nhưng đôi mắt rất tinh anh đủ thấy chàng ta rất có căn cơ về võ học, nên hai vợ chồng đoán chắc chàng ta thế nào cũng là giòng dõi của một môn phái nào đó, đứng cạnh con gái mình xứng đôi vừa lứa lắm, nên cả hai đều mừng thầm và tủm tỉm cười đáp lễ.

Lan nhi thấy cha mẹ mình vui vẻ như vậy, lại nói tiếp:

- Cha mẹ, anh ấy họ Giang tên là Thanh Lam, suốt dọc đường anh ấy hộ tống con còn tặng cho con một con ngựa nữa.

Vợ chồng Thiên Lang vội cám ơn luôn mồm.

Sau một hồi hàn huyên, Thiên Lang không biết cách ăn nói, chỉ ngồi một lát, rồi đi ra nhà ngoài ngay, còn Thiên Hồ thì tay dắt Lan nhi hỏi han Thanh Lam chuyện nọ chuyện kia, rồi lại hỏi thân thế của chàng, đến vấn đề võ công hỏi một cách rất cặn kẽ.

Thanh Lam là người rất thông minh, thấy Thiên Hồ như vậy, liền nghĩ thầm:

"Vừa rồi nghe giọng nói của Thạch Mộ nói Hầu Trường Thắng với một hòa thượng đã đem theo một lá thơ của Công Tôn Vô Kỵ tới mời vợ chồng bà ta tham dự Ngao Sơn Đại Hội vào ngày tết Đoan Ngọ, hòa thượng ấy chắc là Hoa Di Lặc chứ không sai. Tối hôm bọn chúng đến quấy nhiễu trong phủ, trong hai tên thích khách bị bắt có một tên là Túy Hầu Trương lão Tam và cũng là môn đồ bị đuổi ra khỏi cửa của bố mẹ Lan nhi. Có lẽ Trương lão Tam đã bị dượng ta chém đầu thị chúng rồi, hình như bọn chúng lại gán món thù đó vào đầu ân sư ta, tuy cha mẹ của Lan nhi chưa nhận lời phó hội, nhưng ta cũng không nên nói tên họ sư phụ ta cho cha mẹ Lan nhi hay.".

Vì vậy Thiên Hồ hỏi đến chàng, chàng chỉ nói mình sinh trưởng ở Lộ Châu, cha mẹ mất sớm, nhờ được dượng nuôi nấng đến giờ, sau lại thọ học một thầy đồ, ông ta dạy cho mình năm năm võ công v... v...

Tất nhiên những lời nói đó của Thanh Lam đều là sự thật hết, nên Thiên Hồ gật đầu lia lịa chớ không nghi ngờ gì cả.

Lan nhi lại kể chuyện mình hóa trang giả trai xuống núi, giữa đường gặp mưa, ngựa bị vấp què, sau làm quen với Thanh Lam lại được chàng tặng ngựa và tiền bạc cho vân vân... nàng cứ thao thao kể hết cho mẹ nghe.

Nhưng nàng không nói chuyện mình lẩn vào trong phủ Điền tiết độ sứ thế nào, vì sợ nói chuyện đó ra mẹ mình thế nào cũng hỏi đến thân phận của Thanh Lam ngay. Tuy Trương lão tam bị cha nàng đuổi đi, nhưng nếu cha nàng biết Lam đại ca là môn hạ của Bát Ty Kiếm Khách thế nào cũng không vui, cho nên nàng mới không nói tới những điều đó.

Sự thật nếu lúc này nói ra Thiên Hồ thương con thế nào cũng bỏ qua cho, nhưng nàng lại giấu giếm nên mới có sự lôi thôi sau này.

Thiên Hồ nghe con gái nói xong, lại càng có thiện cảm với Thanh Lam thêm vì khi chàng giúp đỡ cho con gái mình không biết con gái mình là thiếu nữ, đủ thấy chàng là một người quân tử thành thật, chỉ có vấn đề võ công thì bà ta nghe thấy Thanh Lam nói là do một thầy đồ truyền thụ như vậy chắc võ công cũng tầm thường thôi, bà ta lại thấy con gái mình có vẻ quan tâm đến chàng, nên bụng bảo dạ rằng:

"Nếu y là đứa trẻ mồ côi thì chi bằng ta giữ y ở lại trên Thác Thành này, hai vợ chồng ta chỉ tốn thêm một chút thì giờ là sẽ luyện y thành tài ngay. ".

Nghĩ tới đó Thiên Hồ tủm tỉm cười ngắm nhìn Lan nhi một hồi rồi nói với Thanh Lam tiếp:

- Giang công tử ở xa tới, nếu không hiềm nơi đây chật hẹp cứ ở chơi ít bữa chúng tôi người giang hồ không câu nệ như các người khác đâu, công tử cứ coi nhà nầy như nhà của mình, nếu thích luyện tập võ công thì bảo cha Lan nhi chỉ bảo cho đôi chút.

Lan nhi mừng rỡ vô cùng vội xen lời nói:

- Mẹ, mẹ bảo cha đi.

Thiên Hồ vừa cười vừa đáp:

- Con bé ngu si này, không cần con nói, mẹ cũng sẽ bảo cha con liền.

Thanh Lam không muốn học võ công gì của Thiên Lang cả chàng chỉ cảm thấy Thiên Hồ thương con mà thương lẫn mình và rất hiền từ đáng mến, nên chàng vội đứng dậy chắp tay vái chào và cảm ơn luôn.

Tối hôm đó Thanh Lam được bắt đầu ngủ ở trong một dinh xá, Thạch Mộ hầu hạ rất chu đáo. Lan nhi hầu như khiêng hết đồ dùng của mình đến cho chàng sử dụng, và nàng như một con bướm lượn đi lượn lại suốt ngày, lúc nào cũng sợ Lam đại ca ăn ở không quen chốn sơn lâm này.

Thanh Lam sinh trưởng ở nhà phú quý chỉ phòng ngủ của chàng cũng lịch sự gấp nghìn lần nơi đây rồi nhưng chàng thấy mẹ con Thiên Hồ với Thạch Mộ ba người đối với mình tử tế như vậy, mối ân tình này quả thật ở trong Tiết Độ Sứ Phủ...

Sáng sớm ngày hôm sau, Thanh Lam vừa rửa mặt xong đã nghe Lan nhi kêu gọi:

- Lam đại ca.

Nàng vừa gọi vừa chạy vào trong phòng, hôm nay nàng ăn mặc bộ áo màu hồng, trên tóc kết nguyên một con bươm bướm lụa hồng trông càng duyên dáng thêm, nàng vừa vào tới nơi thấy chàng cứ trố mắt ngắm nhìn mình liền nũng nịu nói:

- Đại ca cứ nhìn tiểu muội như vậy làm chi.

Thanh Lam đáp:

- Vì thấy bộ áo em mặc đẹp quá.

- Nếu Lam đại ca thích tiểu muội mặc thứ quần áo này, để tiểu muội may thêm mấy bộ nữa cùng màu mặc cho đại ca xem nhé.

Thấy nàng ăn nói rất tự nhiên, Thanh Lam kinh hãi thầm sau lại nghe thấy nàng nói tiếp:

- Lam đại ca, chúng ta ăn cơm sáng xong, rồi đi ra luyện võ trường để xem cha và mẹ em luyện võ đi.

Nói xong, nàng kéo tay Thanh Lam đi luôn.

Bình luận

  • Bình luận

  • Bình luận Facebook

Sắp xếp

Danh sách chương